Tôi là một người Phật tử tu tập pháp môn Niệm Phật. Tôi thường nghe nói và đọc trong Kinh sách thường hay nhắc đến Vô Tâm, vậy Vô Tâm là gì?

SHARE:

Tôi là một người Phật tử tu tập pháp môn Niệm Phật. Tôi thường nghe nói và đọc trong Kinh sách thường hay nhắc đến Vô Tâm, vậy Vô Tâm là gì? Tôi thật sự không hiểu, nhờ Thientrithuc tỏ bày. cám ơn.

Trả lời:
Bạn thân mến, Vô tâm là một thuật ngữ thường dùng trong kinh điển và trong nhà thiền. Tùy theo ngữ cảnh mà vô tâm có các nghĩa như sau:
Thứ nhất vô tâm là nói lên sự không chú tâm hay tâm vô ký tức là người tu không nhận biết được những sự việc đang xảy ra. Vô tâm nói lên thái độ không quan tâm.

Thứ hai, vô tâm là các trạng thái định tâm trong chín loại định: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi phi tưởng xứ, diệt thọ tưởng định. Trong các trạng thái định tâm này hành giả không còn bị tâm thức che chướng.
Trong nhà thiền gọi là “Đường ngôn ngữ dứt, bặt chỗ tâm hành”. Trong thiền tham thoại đầu đây là giai đoạn được thoại đầu, trong pháp môn Niệm Phật được Sự nhất tâm bất loạn.
Vô tâm này, là vô tâm tương đối vì nó lìa được tâm thức. Nhưng cũng là đối đãi giữa có và không. Vô tâm này thiếu sự năng động của tâm.

Thứ ba, Vô tâm là tức tất cả tâm, vô tâm dung nhiếp tất cả tâm, hay Diệu tâm của Vô tâm.
Trong phẩm Hộ Pháp khi Lục Tổ trả lời như thế nào là Đạo cho Tiết Giản nghe: “Ngươi nếu muốn biết chỗ tâm yếu, thì hết thảy những sự thiện sự ác, đều chớ nghĩ lường, thì tự nhiên vào đặng cái tâm thể thanh tịnh, thường trong trẻo vắng lặng, mà diệu dụng nhiều như số cát sông Hằng.”

Chỗ khác trong phẩm Phó Chúc:
          “Trơ trơ chẳng làm lành,
          Xăn xăn chẳng tạo ác,
          Bặt bặt dứt thấy nghe,
          Lộng lộng tâm không mắc”

Trong kinh Kim cương phẩm Trang Nghiêm Cõi Phật:
    “Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Bồ Tát có trang nghiêm cõi Phật Không? 
    Bạch Thế Tôn, Không. Vì sao thế? Trang nghiêm cõi Phật tức chẳng phải trang nghiêm, đó gọi là trang nghiêm.
    Thế nên, Tu Bồ Đề! Các đại Bồ tát phải nên như vậy mà sanh tâm thanh tịnh, không nên trụ sắc sanh tâm, không nên trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm. Nên không chỗ trụ như vậy mà sanh tâm.”
    “Không trụ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp”; là con đường tu định cuối cùng dẫn đến diệt thọ tưởng định của bậc A La Hán.
Đối với Bồ tát “Không trụ sắc thanh hương vị xúc pháp” mà thực hành bố thí, không trụ mà trang nghiêm cõi Phật…
Không trụ là Vô tâm; trang nghiêm, bố thí… là tức tất cả tâm. Vô tâm là thể nhập tánh Không, thực hành bố thí, trang nghiêm cõi Phật từ Vô tâm là tích tập phước đức.
Trong tham thoại đầu, khi thoại đầu bùng vỡ. Trong tu niệm Phật là chứng nghiệm niệm Vô niệm hay Lý nhất tâm bất loạn.
Tóm lại, chúng ta phải nhận thấy sự bất nhị của tánh Không và quang minh khi thể nhập Vô tâm, Lục Tổ gọi là Định Huệ đồng thời, hay trong đại ấn gọi là Chỉ Quán hợp nhất. Đây là Vô tâm nhưng sống động thông tỏ, thấu thoát dung nhiếp mọi thứ tâm.
Chính khi thể nhập Vô tâm này hành giả mới thấy rằng tâm thức che chướng mình trước kia cũng không ngoài Vô tâm này. Vô tâm là nền tảng của tất cả tâm, Vô tâm chưa bao giờ thiếu vắng dù bạn có mê hay ngộ. Vô tâm là thực tại giải thoát; ngày ngày, giờ giờ, nơi mọi không gian, mọi cảnh giới luôn hằng ở bên bạn. Mong bạn hoan hỷ. Chào bạn.

SHARE:

Trả lời