Tham thiền như thế nào là có nhập trụ xuất thiền, còn như thế nào là không? Nhờ thientrithuc giải thích dùm. Tôi chân thành cảm ơn.

SHARE:

Tham thiền như thế nào là có nhập trụ xuất thiền, còn như thế nào là không?
Nhờ thientrithuc giải thích dùm. Tôi chân thành cảm ơn.

Trả lời:

Bạn thân mến, cốt lõi của việc tham thiền là tâm, khả năng biểu hiện của chúng ta hằng ngày trong cuộc sống. Bằng biểu hiện này, người mê thì chạy theo tướng của tâm, còn người tỉnh thì sống bằng bản tánh của tâm. Hay nói rõ hơn, người mê thì dựa trên tướng của tâm mà sống, còn người tỉnh thì sống trên tướng nhưng không rời bản tánh. Người tỉnh bao giờ cũng nhận biết tướng tánh đồng hiện.
Khi mới tu tập, chúng ta, người đã nhiều đời sống bằng tướng của tâm, cho nên chúng ta tham thiền cũng trên cơ sở là tướng của tâm. Cụ thể chúng ta tham thiền về hơi thở, thiền biết vọng, quán tâm… tất cả đều có hình tướng. Mà cái gì có hình tướng là có sinh diệt, do vậy, tham thiền trên tướng của tâm thì có nhập, trụ, xuất. Bởi khi chúng ta có ý định tham thiền là chúng ta có một phạm vi, một giới hạn để tâm hướng về tu hành trong phạm vi đó (có phạm vi, có giới hạn là có nhập, trụ, xuất); ngay cả khi bạn lấy tâm và thế giới này là đối tượng của bạn tham thiền cũng có nhập, trụ, xuất. Có nhập, trụ, xuất ở đây là có bạn và có đối tượng để bạn tham thiền. Rõ ràng bạn thôi tham thiền thì bạn xuất thiền, dù bạn luôn luôn ở trong toàn cảnh là tâm bạn và thế giới.

Như thế nào là tham thiền không có nhập, trụ, xuất?
Tham thiền không có nhập, trụ, xuất chỉ khi bạn nhận ra bản tánh của tâm. Người nhận ra bản tánh của tâm thì lúc nào cũng biết mình đang đứng trong toàn cảnh của giải thoát. Toàn cảnh của giải thoát không ngoài thế giới sinh tử mà chúng ta đang sống vì vậy với người này sống là tham thiền cho nên tham thiền không có nhập, trụ, xuất.
Trong truyền thống thiền Đại Ấn có Đại Ấn nền tảng, Đại Ấn con đường, Đại Ấn quả. Đại Ấn nền tảng là thực tại giải thoát hay bản tánh của tâm luôn luôn tồn tại khi tâm có hay không có biểu hiện. Chúng ta chỉ nắm bắt các hình tướng của tâm biểu hiện mà mê thực tại này. Chỉ khi được một vị thầy khai thị hay chúng ta tịnh hóa tâm thức mình để nhận ra được thực tại tức là nhận ra Đại Ấn con đường, từ cái thấy này chúng ta tham thiền về nó tương tục gọi là tham thiền không có nhập, trụ, xuất.
Trong Đại Toàn Thiện thì gọi là cái thấy, thiền định, và hạnh hay quả. Cũng vậy, bạn phải nhận ra cái thấy khi đó tham thiền mới không có nhập, trụ, xuất.
Trong Thiền tông thì kiến tánh khởi tu. Kiến tánh là nhận ra bản tánh của tâm, khởi tu là làm cho cái thấy này rộng ra, tương tục. Như lời Lục Tổ Huệ Năng dạy “Nhất niệm tương ưng, niệm niệm tương ưng”.

Tại sao nhận ra bản tánh của tâm thì tham thiền không có nhập, trụ, xuất?
Bởi vì bản tánh của tâm là nền tảng xuất sinh ra các tưởng trong tâm và các tướng mà tâm nhận biết (Tam giới duy Tâm, vạn pháp duy thức); cho nên nơi nào có tướng (các hình tướng) và có tưởng (tư tưởng) là nơi đó có bản tâm, và không có tưởng và tướng cũng có bản tâm. Kết lại, bản tánh của tâm là đồng hiện cùng với tư tưởng và các hiện tướng cho nên người nhận ra bản tánh của tâm thì tham thiền không có nhập, trụ, xuất.
Thiền sư Việt Nam là Thường Chiếu dạy:
               Đạo vốn không nhan sắc,
               Mỗi ngày mỗi mỗi khoe,
               Ngoài đại thiên sa giới, 
               Đâu đâu cũng là nhà.
Có gì để nhập, trụ, xuất?

Cuối cùng, vì chúng ta giới hạn mình với thế giới, hay chúng ta chưa đủ sức để thoát ra cái thấy có trung tâm (ngã chấp). Chính cái thấy chúng ta về tham thiền có trung tâm (có tôi) và có đối tượng để tham thiền cho nên có nhập, trụ, xuất.
Ngay cả khi chúng ta tham thiền được định tâm, thậm chí ở tầng định cao nhất là diệt thọ tưởng định hay định là chỉ quán hợp nhất hoặc định huệ đồng thời như cách dạy của Lục Tổ Huệ Năng. Chúng ta an trú trong đó, khi không an trú chúng ta xuất định thì chúng ta vẫn thấy khởi tưởng và các tướng là sinh diệt ngoài cái thấy định tâm. Chỉ khi hành giả từ gốc độ định huệ đồng thời quán chiếu khởi tưởng và các hiện tướng để nhận ra bản tánh của khởi tưởng và các hiện tướng là bản tánh của tâm (không khác với định huệ đồng thời); chỉ có một vị trong cái thấy, lúc đó tham thiền mới không có nhập, trụ, xuất. Vì vậy trong Bát Nhã Tâm Kinh có câu: “Chiếu kiến ngũ uẩn giai Không” (soi thấy năm uẩn đều không) là nhận biết năm uẩn đều không chứ không phải định tâm thành Không khi lìa năm uẩn.
Vấn đề ở đây là chúng ta phải cố gắng tịnh hóa tâm thức mình để có thể nhận ra bản tánh của tâm. Khi đã nhận ra bản tánh của tâm thì khởi tu hay diệu tu (tu cái không tu) thì việc tu hành sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Mong chúng ta cùng nổ lực. Chào bạn.

SHARE:

Trả lời