Định, chỉ có trong khi ngồi Thiền, xả Thiền có còn Định hay không? Làm sao để lúc nào cũng định trong lúc Đi, Đứng, Nằm, Ngồi.

SHARE:

Khi ngồi Thiền đúng tư thế ( Thế ngồi Kiết Già) kết hợp “một vài yếu tố” hành giả dể dàng nhập định hơn. Như vậy; Định, chỉ có trong khi ngồi Thiền, xả Thiền có còn Định hay không? Làm sao để lúc nào cũng định trong lúc Đi, Đứng, Nằm, Ngồi. Đây là câu hỏi chổ còn nghi của tôi.  Hỏi chung cho pháp hành của người Niệm Phật và người Trì Chú. Nhờ thientrithuc hướng dẫn dùm, cám ơn rất nhiều.

Trả lời:
Bạn thân mến câu hỏi của bạn rất hay. Chúng ta cùng nhau phân tích hai phương diện tương đối và tuyệt đối của chỉ (định).

Phương diện thứ nhất của định là dừng dứt, tịnh chỉ tâm thức, đây là tác dụng của định có tác ý. Nó hoạt dụng trên sự ngăn dừng tạo tác của tâm. Làm cho tâm ý thức không còn hoạt dụng.
Vì định do ý thức tạo ra cho nên khi chúng ta có tác ý để định tâm chúng ta sẽ đạt được định tâm này. Nhưng với định tâm như vậy định tâm cũng sẽ mất đi khi chúng ta không dùng ý thức để duy trì nó. Cho nên, với định tâm này chúng ta rất khó định khi ở các tư thế động hay định khi tâm chúng ta hoạt dụng. Định và hoạt dụng của tâm là không dung hòa được nhau. Định trái với động.

Phương diện thứ hai của định là định của tự tánh. Trong kinh Viên Giác dạy ba pháp tu: Chỉ, Quán, và Thiền; người tu khi đã nhận ra tánh viên giác rồi thì pháp tu Chỉ (định) là an trụ trong tánh viên giác. Hoặc như trong Đại Ấn Thiền Xóa Tan Bóng Tối Vô Minh của Karmapa thứ 9 dạy: định là rơi vào lạc, sáng tỏ, vô niệm.
Nói chung định tâm đúng là sự bất nhị của tánh Không và quang minh, tịch và chiếu là hai phương diện của một tâm. Lục Tổ dạy “định là thể của huệ huệ là dụng của định”

Khi chúng ta có một định tâm đúng, chúng ta tham thiền thuần thục về cái thấy định tâm này. Hệ quả của việc định tâm đúng và tham thiền về nó sẽ có hậu thiền định.
Hậu thiền định, không có nghĩa là khi bạn rời bồ đoàn, xả thiền, mới có hậu thiền định. Mà khi bạn đang ở trong định tâm, ngay khi bạn đang ngồi thiền, bạn thư giản định tâm để cho tâm được tự do, tâm hoang du, mà bạn vẫn không mất định tâm. Đó là hậu thiền định. Nếu bạn có được hậu thiền định này, bạn đã làm quen với sự năng động của tâm khi tham thiền mà vẫn định tâm (cụ thể, khi bạn khởi nghỉ hay bạn nghe thấy mọi cảnh vật đang diễn ra xung quanh, tất cả không ngoài định tâm mà bạn đang sống được). Thực hành hậu thiền định này thành công tức là ngay trên bồ đoàn, lúc ngồi thiền là bạn đã thực tập được tự tánh khởi dụng. Đây là một việc làm hết sức hệ trọng. Cho nên khi bạn xả thiền, hậu thiền định sẽ duy trì cái thấy định tâm không cần giữ gìn mà đinh tâm vẫn không mất. Chính đó là định trong bốn oai nghi. Chỉ có định của tự tánh, mới có thể có ở mọi lúc mọi nơi.
Chúng ta để ý nhận thấy, với cách thức thực hành như trên, chúng ta thực hành là để tiếp cận dần dần và làm quen với tâm giải thoát nền tảng, là cái đã có sẵn, chúng ta không thêm bớt gì được cho sự giải thoát này. Cách thức của chúng ta là làm quen với những gì đã sẵn, tưởng như chúng ta làm ra định tâm nhờ chúng ta tu hành nhưng thật ra, sự không rời nhau của tịch và chiếu, Định và huệ; là cái đã có sẵn cho dù ta có tu hay không, mãi mãi định tâm này vẫn như vậy không ảnh hưởng đến mọi tạo tác của tâm chúng ta dù chúng ta có tác ý muốn nó theo chiều hướng như thế này hay như thế khác.
Như vậy, vấn đề là chúng ta có thấy đúng chánh nhân hay không, chứ không phải là chúng ta công phu như thế nào. Nếu chúng ta nhận ra rằng định tâm đúng là cái thấy vừa định lại vừa sáng tỏ không rời nhau như vậy là chúng ta đã đi sát với thực tại của tự tánh. Và chúng ta chỉ cần vô tâm quan sát mọi diễn tiến. Vô tâm là không có tạo tác gìn giữ, an trú trong định tâm này. (Khi mà cái thấy định tâm này đã tương đối thuần thục); vô tâm sẽ là cách tham thiền không thái độ; và càng không thái độ thì càng tiếp cận với tự giải thoát nhiều chừng đó.

Một phương diện nữa được nhận thẩy rất rõ trong cách dạy tham thiền trong Những Điểm Thiết Yếu của Đại Ấn Nhìn Thẳng Tâm của Thargu Ringpoche bình giảng. Khi hành giả đã an định được tâm. Tức là có một định tâm đúng, như lạc, sáng tỏ, vô niệm. Khi đã tham thiền về cái thấy này rõ ràng. Hành giả phải phát bồ đề tâm. Để cho sự định tâm này mở rộng ra cả hai phương diện còn lại là định tâm khi tư tưởng khởi lên và định tâm khi tiếp xúc với các hiện tướng bên ngoài. (ba phương diện của tâm được gọi là: tâm đồng khởi, tư tưởng đồng khởi, và hiện tướng đồng khởi; tức là ba phương diện của tâm luôn luôn cùng hiện với định tâm)
Chúng ta rút ra một nhận xét quyết định ở đây rằng nếu chúng ta thiếu từ bi thì chúng ta không thể thực hiện định tâm ở mọi lúc mọi nơi. Hay định pháp tánh chỉ dành riêng cho hành giả nào có tâm lượng rộng lớn. bởi vậy, không dính mắc vào sanh tử nhưng cũng không an trụ vào niết bàn, chính không an trú vào niết bàn mới nhận ra vô trụ xứ niết bàn (niết bàn cùng khắp); với người tu phải có tâm lượng như thế mới có thể hoàn thành được câu kinh “sắc tức thị Không, Không tức thị sắc” trong Bát nhã Tâm Kinh được.
Tính hòa nhập là một yếu tố quyết định giải quyết mâu thuẫn giữa cuộc sống biến đổi vô thường này và tâm an định bất biến. Trong kinh Duy Ma Cật dạy “Khéo phân biệt các pháp mà nơi nghĩa đệ nhất chẳng động”. Và tính hòa nhập này được thực tập khi chúng ta tham thiền đúng, tức là nhận ra tâm an định đúng. Từ khởi điểm căn bản cốt lõi này, chúng ta buông bỏ những dính mắc vi tế, như muốn an trú trong tâm an định và chúng ta dần nhận thấy sự thật về hòa nhập của tâm đây là mấu chốt để đi từ định tâm đúng đến đại định hay định của pháp giới.

Cuối cùng, chúng ta phải nhận ra được nền tảng là định không rời huệ, tánh Không không rời quang minh, trong lặng không rời sáng tỏ; chúng là hai mặt của một tâm. Bất cứ pháp môn nào: niệm Phật, trì chú, tham thiền… Nếu chúng ta nhận ra được tâm nền tảng là định huệ không rời này, trên nền tảng đó chúng ta tu hành thì sẽ có kết quả đúng. Thietrithuc xin ca ngợi bạn về câu hỏi này vì nó có tầm quan trọng rất lớn trong việc tu hành của chúng ta. Mong bạn hoan hỷ. Chào bạn.

SHARE:

Trả lời