Thiền sư (Đức Sơn) nói: “Tông ta không ngữ cú, không một pháp cho người.”

SHARE:

Thiền sư (Đức Sơn) nói: “Tông ta không ngữ cú, không một pháp cho người.” Vậy, trên quan điểm của Thiền Tông, chúng ta cần phải hiểu lời này của các Tổ, xưa cũng như nay, như thế nào (mới có thể nói là tương đối chính xác ?). Chân thành cám ơn các bạn.
Tâm Đức

Trả lời: Bạn thân mến, dựa theo câu hỏi của bạn thientrithuc chia sẽ cùng bạn ba vấn đề:
    Thứ nhấtquan điểm của Thiền tông. Thiền tông bắt đầu là Sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma với bài kệ: “Bất lập văn tự,  Giáo ngoại truyền, Trực chỉ nhân tâm,  Kiến tánh thành Phật.” Từ bài kệ này chúng ta thấy việc cốt lõi của Thiền tông, hay một đệ tử trong Thiền môn là phải kiếnTánh. Để khẳng định điều này, trong Pháp Bảo Đàn Kinh, khi ngài Ấn Tông hỏi Lục Tổ: “Lời phó chúc của tổ Huỳnh Mai được truyền trao bằng cách nào?” Lục tổ trả lời: “Chỉ trao vốn không, chỉ luận về kiến Tánh, chớ chẳng luận đến thiền định và giải thoát.”
Tầm quan trọng của việc kiến tánh trong Thiền tông là như vậy cho nên năm nhánh thiền như: Lâm Tế, Tào Động, Qui Ngưỡng, Pháp Nhãn, Vân Môn; đều khai thị cho học nhân thấy được chân tánh này ở mức sâu hay cạn mà thôi.       
 
  Thứ hai, kiến Tánh là nhận ra tánh Không. Tánh Không là nền tảng giải thoát cho ba thừa Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát; đây là lời dạy của Phật trong Kinh Đại Bát Nhã.
Tánh Không có rất nhiều nghĩa, nhưng nghĩa chính của nó là phủ định mọi dính mắc chấp trước, và tánh Không là sự hiện hữu của tâm chân Như hay Phật tính. Do vậy: Tịch mà Chiếu, Định mà Huệ, Tánh Không mà quang minh. Đây là thực nghĩa không thể tách rời của tánh Không và quang minh mà một hành giả nào tu hành đúng mực cũng chứng nghiệm được điều này.
 
    Thứ ba“Tông ta không ngữ cú, không một pháp cho người”. Cũng theo Bát Nhã “Sắc tức thị Không, Không tức thị sắc” Ngôn ngữ chính là sắc, nhưng cũng chính là tánh Không, lời dạy là hiện tượng nhưng cũng là hiển bày tánh Không (không kể lời dạy đó đang nói về tánh Không mà tất cả ngôn ngữ đều lưu xuất từ tánh Không nên ngôn ngữ chính là tánh Không). Chúng sanh, những người không tu hành, thường sống chết trên hiện tượng mà quên đi bản tánh chưa từng thiếu vắng trong mọi hiện tượng. Cho nên các ngài khai thị cho chúng ta đừng chết trên ngôn từ, trên chữ nghĩa, đừng mắc kẹt trên câu lời mà lầm tưởng mình đã ngộ đạo. Các ngài dạy phải thấy vượt qua sự che chướng của tâm ý thức (biểu hiện bằng sự tương giao trên hình tướng, ngôn ngữ, tư tưởng).
Trong Kinh Kim Cang phẩm Không Thuyết Pháp: “Tu Bồ Đề! Ông chớ cho rằng Như Lai có ý nghĩ thế này, “Ta đang thuyết pháp”, chớ nghĩ như vậy. Vì sao thế? Nếu có người nói Như Lai có thuyết pháp tức là phỉ báng Phật, không hiểu chỗ ta nói. Tu Bồ Đề! Thuyết pháp ấy, là không có pháp có thể thuyết, đó gọi là thuyết pháp”
Trong kinh Lăng Già Đức Phật nói: “Từ khi thành đạo đến nhập Niết-bàn, trong khoảng giữa ta chưa từng nói một câu”.
Điều này khẳng định ngôn ngữ không phải là đạo nhưng từ ngôn ngữ chúng ta nhận biết đạo hay chính đạo lưu xuất qua ngôn ngữ. Người học Thiền phải xét kỹ điều này.
     Không một pháp cho người, theo thientrithuc, học pháp nơi một người thầy, hay đọc một đoạn kinh, hoặc cảm nhận mọi sự việc mọi hiện tượng. Tất cả những điều trên có tạo ra sự chứng ngộ thì cũng chứng ngộ nơi tự tâm. Đó là nghĩa thứ nhất không một pháp cho người. Tức là pháp không từ bên ngoài mà được.
Nghĩa thứ hai của không một pháp cho người là: giải thoát hay tánh Không là sẵn có, do chúng ta bị che chướng, lầm chấp; chúng ta không nhận ra sự thật này. Cho nên chứng ngộ là nhận ra cái đã có sẵn. Trong kinh Pháp Hoa ví dụ chúng ta là con ông trưởng giả giàu có mà bỏ đi ăn xin, hay Phật tánh như hạt châu được dấu trong chéo áo ta không biết vẫn sống trong nghèo đói; là để nói lên ý này. Hay trong Đại Ấn của Tây Tạng, thì có: Đại Ấn nền tảng  (chỉ ra giải thoát là cái đã sẵn có), Đại Ấn con đường (cái mà người tu hành nhận ra nhờ một vị thầy khai thị hay đệ tử tự ngộ được thầy chấp nhận; từ đó đệ tử tiếp tục tham thiền về cái thấy này), và cuối cùng là Đại Ấn quả (là hoàn tất Đại Ấn con đường để trở lại khít khao với Đại Ấn nền tảng.)
Về mặt hoạt dụng của tâm thức, chúng ta khi chưa thật sự có một kinh nghiệm nào về bản tánh của tâm. Chúng ta tu luôn luôn ở thế nhị nguyên: có người tu và sự việc đang tu. Có người tu và pháp để chứng. Cho nên chúng ta luôn ở trên một quan kiến rằng ta sẽ chứng ngộ và dù có suy nghĩ sáng suốt cách mấy đi nữa chúng ta vẫn lẫn quẩn trong kinh nghiệm mà trong nhà Thiền gọi là còn “hai bên”. Còn hai bên cũng có nghĩa là ngoài tâm có pháp. Lời khai thị “Tông ta không ngữ cú, không một pháp cho người” nhằm cắt đứt thế “hai bên” này.

Cuối cùng, thientrithuc chia sẽ cùng bạn, con đường để hiểu lời của Phật và các vị Tổ làm sao cho tương đối chính xác? Con đường đó là thâm nhập tánh Không qua tu hành. Chỉ khi chứng nghiệm trực tiếp tánh Không phần nào thì chúng ta sẽ cảm nhận được lời của Phật và các vị Tổ tương đối chính xác chừng đó. Và khi chúng ta khám phá phần lớn tánh Không thì chúng ta cảm nhận được lời dạy của các ngài chính xác hơn. Muốn điều này thực hiện một cách chắc chắn chúng ta cần có một vị thầy đủ khả năng để hướng dẫn chúng tu hành và chúng ta được sinh hoạt cùng một chúng hội có nhiều huynh đệ sáng mắt để nhắc nhở động viên nhau tinh tấn là tốt nhất.
Phật pháp thật là thiết thực và cụ thể, điều này được khẳng định bằng cái thấy trực tiếp trong tu tập. Thấy trực tiếp đến đâu trong tu hành là thước đo khả năng khám phá của người đó về lời dạy của Phật, Tổ đến đó. Cho nên, những người chỉ muốn hiểu những lời dạy của Phật, Tổ bằng tâm ý thức thì không thể nào có thể thấu nổi. Không thấu nổi rồi dễ sanh hiểu lầm và cơ hội để khám phá trôi qua với mình thật uổng phí. Đây là lời chia sẽ chân thành cùng bạn. Mong bạn nhiều niềm vui và hoan hỷ trong việc tu hành của mình. Chào bạn.

SHARE:

Để lại một bình luận