Xin thientrithuc vui lòng cho tôi biết như thế nào là đốn giáo? Phải chăng đốn giáo chỉ có trong ngữ lục của Thiền tông?

SHARE:

Xin thientrithuc vui lòng cho tôi biết như thế nào là đốn giáo. Phải chăng đốn giáo chỉ có ở trong ngữ lục của Thiền tông?

Trả lời:
Đốn giáo là lời dạy chỉ thẳng vào tánh giác của bậc đã giải thoát. Vì là lời dạy trực tiếp cho nên đốn giáo không qua một phương tiện nào hay phương tiện chính là cứu cánh.
Với bậc giải thoát mọi lời nói, mọi hành động đều giải thoát cho nên với các ngài mọi cử chỉ đều là đốn giáo (thân giáo). Mọi lời nói đều từ tâm giải thoát cho nên mọi lời nói đều là lời khai thị. Và cuộc sống của các ngài là biểu hiện từ sức sống giải thoát cho nên hành động của các ngài cũng là hành động thể hiện tinh thần đốn giáo.
Vì đốn giáo chỉ thắng vào tánh giác, với những người tâm thức chưa tương ưng sẽ khó nhận ra lời dạy thẳng tắt này cho nên bậc giải thoát từ bi có những phương tiện chi dạy thứ lớp cho phù hợp với khả năng tiếp nhận của người tu dần dần đưa họ đến cái thấy giải thoát.

Chính vì đốn giáo xuất phát từ người đã chứng ngộ cho nên đốn giáo không phải chỉ có trong ngữ lục của Thiền tông mà nó có ở mọi tông phái, có trong kinh điển và đặc biệt có người chứng ngộ là có đốn giáo.
Trong kinh điển hệ pali: Kinh Phật tự thuyết Unada, đức Phật khai ngộ cho Bahiya, vị này đắc quả A la Hán sau khi nghe thuyết giảng: “Này Bahiya, ông cần phải học tập như sau: Khi thấy chỉ là cái thấy, không cần nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Khi nghe chỉ là cái nghe, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Khi thọ, tưởng chỉ là cái thọ tưởng… Do vậy, này Bahiya, không có ông trong liên hệ với cái đó, không có ông ở đâu cả. Do đó, ông không là đời này, không là đời chặng giữa, không là đời sau. Như vậy là đoạn hết khổ đau”.
Kinh điển hệ Sanskrit Kinh Lăng Nghiêm, Phật nói: “Khi thấy mà có tướng thấy, đó không phải là cái thấy chân thật. Khi thấy mà lìa tướng thấy, đó là tánh giác siêu việt”.
Trong Thiền Đại Ấn, và Đại Toàn Thiện: Cái thấy, thiền định, và hạnh thì cái thấy là chỉ thẳng vào tánh giác. Mật tông ngoài cung cách khai thị không khác gì Thiền tông, Mật tông còn có lễ quán đảnh, và quán đảnh cao nhất là vị thầy đưa hành giả vào cái thấy giải thoát, đây cũng là thể hiện tin thần đốn giáo.
Trong Tịnh độ tông: “Nhất cú Di Đà vô biệt niệm, bất lao đàn chỉ đáo Tây phương” là lời khai thị của các ngài trong tông Tịnh độ.
Đặc biệt trong Thiền tông, người thể hiện tinh thần đốn giáo rõ rệt nhất là Lục Tổ Huệ Năng trong Pháp Bảo Đàn Kinh, ngoài việc khai thị thẳng vào tánh giác Như: “Này các thiện tri thức! Bồ đề tự tánh, gốc vẫn thanh tịnh chỉ dùng tâm ấy hẳn thành Phật ngay”; còn một khuynh hướng khác như: “Ta có một vật, không đầu, không đuôi, không tên, không chữ, không lưng, không mặt; các ngươi có biết vật chi không?”
Khuynh hướng thứ hai này nhằm tránh sự nắm bắt nhạy bén của tâm thức theo ngôn ngữ, tránh việc người được khai thị chỉ hiểu lời khai thị mà lầm qua, tâm học trò không trực tiếp tương thông với lời dạy của thầy. Thiền tông khai thị phần lớn theo khuynh hướng này. Vì vậy Thiền ngữ càng về sau càng khó hiểu và càng xa rời kinh điển. Thí dụ như: đàn không dây, cây không rễ…hoặc lời dạy có quá nhiều điển tích người học không cùng thời không thể cảm nhận được.
Tính mới mẽ đột ngột không theo khuôn phép của bậc đã chứng ngộ là cách khai thị tuyệt vời nhất. Và chúng ta, nếu có phước lớn hay không khi trong đời chúng ta có gặp gỡ được bậc đạo sư hay không.
Các lời khai thị mang tính đốn giáo thì có khắp nơi trong kinh điển của tất cả các tông phái, các truyền thống. Tuy nhiên, chúng ta đọc nó trên chữ nghĩa thì không có tác dụng lớn, bởi vì lời khai thị từ miệng của một vị thầy đã sống trong tâm giải thoát có một cảm ứng lớn, cộng với lòng bi của thầy sẽ trực tiếp đưa chúng ta vào cái thấy mà thầy cần khai thị. Một vị thầy chứng ngộ khai thị bằng cả thân, ngữ và tâm; hay đúng hơn thầy dùng cả pháp giới để khai thị cho nên gần gũi thầy là một phước đức rất lớn.

Chúng ta có thể rút ra một kinh nghiệm học những lời dạy trực tiếp khai thị tánh giác là:
Không dùng tâm ý thức để hiểu sự việc.
Tâm hành giả phải tương thông với lời khai thị, hay sự việc mà vị thầy khai thị thì mới có kết quả tốt.
Cuối cùng chính bậc đạo sư là người sống với tánh giác cho nên những lời khai thị của các ngài rất bất ngờ và đơn giản cho nên một trong những yếu tố có thể nhận ra lời dạy của thầy là quên đi những tri giải đã chất chứa trong tâm để có thể tiếp nhận lời dạy đầy đủ nhất. Tâm học trò càng đơn giản chừng nào thì càng tiếp cận những lời khai thị của thầy chừng đó. Một vài chia sẽ cùng bạn. Chào bạn.

SHARE:

Trả lời