Lợi ích như thế nào về tu trong chúng và tu một mình?

SHARE:

Xin thientrithuc vui lòng cho tôi biết lợi ích như thé nào khi tu theo chúng và tu một mình?

Trả lời:
Bạn thân mến, chúng ta đi thẳng vào những lợi ích mà người tu hành theo chúng có được là:
Khi một người tu sinh hoạt được trong một chúng trước nhất là ta xả bỏ được phần nào cái chấp ngã của mình. Chúng ta luôn luôn có một cái tôi để sống. Chính cái tôi này khi chúng ta vào đạo cũng tu theo cái tôi của mình. Cho nên một người không hòa vào một chúng để tu cùng chúng được là người đó còn xem trọng cái tôi của mình rất lớn.
Người xưa có câu: “Tăng lìa chúng tăng tàn, hỗ lìa rừng hỗ bại” để nói đến môi trường của người tu hành là chúng hội. Từ đây chúng ta tu tập để làm quen với sinh hoạt của mọi người, vì người; để rồi sau này chúng ta tu trong chúng là xã hội muôn vàng sai khác. Chúng ta sẽ tu được ngay nơi đời sống bằng cách bắt đầu tu tập theo một chúng.
Ở trong chúng, tiếp xúc với mọi người để tu hành là cơ hội cho chúng ta học tập những người giỏi hơn mình, đi trước mình, học tập những người nỗ lực vừa lợi ích cho mình vừa tập cho chúng ta tính khiêm hạ. Biết lắng nghe là một trong những yếu tố xả bỏ những kiến chấp của mình giúp cho mình thăng tiến trên đường tu rất nhiều.
Chúng là môi trường để cho chúng ta chia sẽ những hiểu biết của mình với những người yếu hơn vừa làm lợi ích cho người vừa làm phát khởi lòng bi trong tu tập. Chúng ta theo nguyên tắc: người giỏi hơn mình thì mình học, còn người dở hơn mình thì mình dạy. Thực hiện điều này trong mọi thành viên của chúng sẽ làm cho chúng gắn kết với nhau rất chặt chẽ.
Tu trong chúng duy trì thời khóa rất tốt. Nếu chúng ta công phu tu tập một mình sẽ dễ sinh giải đãi còn với một chúng thời khóa được duy trì rất nghiêm ngặt. Giống như một cỗ máy đang chạy, ta là một thành viên, một chi tiết của cỗ máy; chúng ta phải chạy theo cỗ máy này bất kể ta có lý do nào về tinh thần hay sức khỏe của mình.
Lực của một chúng là rất lớn, hay người xưa nói “Đức chúng như hải”. Chính đức của chúng như biển cho nên tu trong chúng chúng ta sẽ hưởng được lực tu hành từ chúng tỏa ra. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy tụng kinh, niệm Phật hay ngồi thiền một mình sẽ ít sâu hơn là công phu đó cùng với chúng.
Định hướng tu hành của một chúng phải được sự chỉ dạy của một vị thầy có thẩm quyền. Một vị thầy có kinh nghiệm trong tu hành sẽ hướng dẫn cho toàn chúng hướng tu đúng pháp, an toàn mà tất cả thành viên trong chúng sẽ được hưởng. Với cách sinh hoạt tu hành theo chúng như đã đề ra mọi thành viên rất khó bị lạc vào những cách thức, suy tưởng hoặc định hướng sai do nghiệp cá nhân của mình tự hình thành để mình tu theo định hướng sai này.
Sau cùng, nếu cả đời chúng ta sinh hoạt với một chúng hội là chúng ta đã có một nghiệp chung với chúng hội đó. Hay theo bồ tát hạnh chúng ta đã tạo cho mình quyến thuộc. Với một chúng hội chúng ta được chỉ dạy của một vị thầy, được học tập với những người có kinh nghiệm đi trước và được chia sẽ kinh nghiệm với người ít kinh nghiệm hơn mình, những quan hệ như vậy với một chúng sẽ vừa dạy cho ta tu hành, vừa bảo vệ chúng ta, và vừa đồng hành qua nhiều đời chúng ta sẽ vững vàng thực hành bồ tát hạnh qua nhiều kiếp để thực hiện trọn vẹn quả Phật.
Ngoài ra, cũng có trường hợp tu một mình. Nhưng phải với sự chỉ dạy của một vị thầy giác ngộ. Như những người tham thiền khi nhận ra tánh giác của mình. Họ được thầy chỉ định cho nhập thất để tránh duyên nhằm tập trung tham thiền về cái thấy này cho rõ ràng hơn, xác quyết hơn. Và khi đã thật sự rõ ràng rồi, họ cũng hòa nhập trở lại với chúng hoặc ra làm việc để lợi ích cho người khác. Khi hòa nhập và tiếp xúc lại với mọi người là cơ hội để mở rộng cái thấy mà họ đã tham thiền trong lúc nhập thất, cái thấy giải thoát sẽ được nhận ra ở hoàn cảnh động thay vì chỉ thấy ở phạm vi tịnh như lúc nhập thất.
Có khi nhập thất cũng được áp dụng cho những người chưa nhận ra tánh giác. Thời gian nhập thất là để người nhập thất chuyên tâm tu để tịnh hóa tâm thức của mình hầu có thể nhận diện ra khuôn mặt thật của mình khi ở trong hoàn cảnh cắt hết các duyên bên ngoài.
Đúng ra mục đích tu hành là trước nhất cho mình rồi sau đó là vì người chứ không chỉ vì mình (tu một mình chỉ giải thoát cho mình).
Như vậy tu một mình hay tu theo chúng nếu biết khi nào cần ứng dụng thì đều có lợi ích cả. Mong bạn hoan hỷ. Chào bạn.

SHARE:

Trả lời