SHARE:
Tại sao một lời khai thị trong kinh hoặc của các thiền sư mà có người ngộ người không?Tôi đọc kinh, khi Phật thuyết pháp xong thính chúng có rất nhiều người chứng đắc như: tứ quả thanh văn hay được pháp nhãn tịnh, chứng vô sanh nhẫn… Trong ngữ lục một học nhân khi đến thưa hỏi được thiền sư khai thị thì ngộ đạo…kinh điển và ngữ lục vẫn còn nguyên đó và người đời nay giảng nói lại lời Phật và thâm ý của các thiền sư nhưng người nghe tại sao không ngộ được?Thientrithuc vui lòng cho tôi biết nguyên nhân nào mà có sự khác biệt này. xin cảm ơn.
Trả lời:
Bạn thân mến, để cho dễ tìm ra nguyên nhân chúng ta dựa theo nấc thang 52 bậc tu hành của bồ tát được nói đến trong hầu hết các kinh điển Đại thừa.
Nấc thang này là thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, tứ gia hạnh, thập địa đẳng giác và diệu giác thành Phật. Đây là con đường phải đi của tất cả những người tu theo Phật giáo; còn các pháp môn như Niệm Phật, Trì chú, Tham thiền… là phương tiện xảy ra trên các tầng bậc đó.
Kế đến ngộ là ngộ cái gì? Ngộ là nhận ra Pháp thân, cái mà chúng sanh và chư Phật bình đẳng với nhau ở chư Phật cũng không nhiều thêm và ở chúng sanh cũng không vơi bớt, nhưng vì chúng sanh bị che chướng nên không phát hiện ra Pháp thân này.
Pháp thân hay tánh Không theo kinh Đại Bát Nhã dù Phật có ra đời hay không Pháp thân vẫn hiện hữu. Pháp thân sẵn đó trước khi Phật ra đời, khi Phật ra đời và khi Phật nhập diệt, ba thời pháp thân vẫn hiện hữu dù cho có Phật hay không. Như vậy, ngộ là nhận ra cái đã có sẵn chứ không phải là do tu hành làm ra mà được. Tu hành chỉ là tịnh hóa những che chướng dính mắc của mình đã tô vẽ làm cho mình không trực tiếp thấy Pháp thân mà thôi.
Trong việc khai thị giữa thầy và trò của các đạo sư Tây Tạng gọi là lễ quán đảnh. Đệ tử được xem như một cái bình để vị thầy rót vào. Có ba trường hợp về phía đệ tử:
Tường hợp thứ nhất là cái bình bị thủng, lời dạy của người thầy đến học trò sẽ không có tác dụng vì nó không chứa được, không tiếp nhận được vì bình thủng.
Trường hợp thứ hai cái bình bị úp. Đây là trường hợp người nghe không tin vào lời dạy của thầy.
Trường hợp thứ ba là cái bình bị dơ. Chúng ta có thể hiểu cái bình dơ ở đây là tâm thức chưa được tịnh hóa. Tâm của học nhân còn quá thô chưa tương thông với lời dạy của người thầy. Sở tri chướng là một trở ngại trong trường hợp này bởi vì sở tri chướng làm cho người học hiểu sai vấn đề được khai thị.
Ba trường hợp trên nếu hội đủ thì sự khai thị thành công. Tức là người học phải có tâm cầu giải thoát, có sự tha thiết khi nghe thầy dạy; có sự sẵn sàng để tiếp nhận lời dạy và cuối cùng tâm phải tương thông với lời dạy.
Và mức độ nhận được sau khi quán đảnh thấp nhất là người nhận có được niềm vui, kế đến cao hơn họ thấy lòng say say như có uống chút rượu, rồi cao nhất là ngộ được lời khai thị trong quán đảnh.Vấn đề của chúng ta ở đây là tại sao người nghe không ngộ?
Theo 52 tầng bậc, con đường tu của Bồ tát khi nhận ra Pháp thân ngang với thập địa. Tức là người chứng ngộ ít nhất phải vào Sơ Hoan Hỷ Địa là địa thứ nhất trong thập địa. Hoặc họ có thể chứng ngộ ở các địa cao hơn tùy theo mức thâm ngộ.
Trong duy thức tông ngộ là Kiến đạo vị (địa vị thấy đạo), Phật giáo nguyên thủy gọi là Nhập lưu (vào dòng thánh), Thiền tông gọi là Kiến tánh, Đại Toàn Thiện Tây Tạng gọi là Cái thấy. Như vậy, thấy Pháp thân được coi là ngộ đạo.
Qua khảo sát như trên chúng ta có thể biết nguyên nhân tại sao chúng ta đọc nhiều, nghe những băng giảng nhiều, hoặc đến các đạo tràng để nghe các vị thầy giảng nói kinh điển ngữ lục nhưng chúng ta không ngộ được. Nguyên do là chúng ta tịnh hóa tâm thức chưa đủ. Chúng ta chưa hoàn thành giai đoạn: thập tín, thập trụ, thập, hạnh, thập hồi hướng tứ gia hạnh được gọi là tích tập công đức để chuẩn bị bước vào địa vị kiến đạo, vào dòng thánh hay kiến tánh. Chúng ta chưa tích tập đủ công đức để tâm thức của mình tương thông với lời khai thị.
Đơn cử như thiền sư Lâm Tế đã ở trong chúng giữ giới luật tinh nghiêm suốt 3 năm mới được ngài thủ tọa gợi ý tham vấn thầy mình là Hoàng Bá. Lục Tổ giả gạo 6 tháng mới được Ngũ Tổ giảng kinh Kim Cang và bật thốt lên: nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh, nào ngờ tự tánh vốn không dao động …
Trong ngữ lục có một thiếu sót là không nói lên quá trình tu tập gian nan để tích tập công đức hay tịnh hóa tâm thức của hành giả, ngữ lục chỉ nêu lên điểm quan trọng là lời khai thị và người học ngộ đạo. Người xưa, khi tham vấn phải đi hằng trăm cây số lội bộ băng rừng vượt suối, càng gian nan tâm càng thiết tha đó cũng là một nguyên nhân đưa đến chứng ngộ.
Một nguyên do nữa là trong lịch sử tham thiền để lại qua ngữ lục chúng ta thấy “trực hạ thừa đương” (dưới lời ngộ đạo) xảy ra rất hiếm, người học được vị thầy khai thị một câu sẽ mang thắc mắc này trong đầu: thao thức, cưu mang nó; rồi họ tu hành cho đến một ngày nào đó tâm thức tương thông họ sẽ à ra một tiếng chợt nhận ra lời khai thị hiển hiện ở nơi tâm mình. Thực tế có những người học, họ nghĩ rằng một vị thầy ngộ đạo có thể chỉ dạy cho họ thấy đạo, thực ra thấy đạo hay không là do tâm thức của mình đã tịnh hóa được đến đâu rồi. Mức độ tịnh hóa càng lớn thì Pháp thân sẽ hiển lộ càng lớn. Và khi đó vị thầy mới có thể khai thị thành công cho học nhân này. Và trong đời tu có rất nhiều lần tiểu ngộ lẫn đại ngộ.
Những bậc giải thoát cao sẽ có một lực từ tỏa ra, học nhân khi đến tham vấn hay tiếp cận sẽ cảm nhận được lực từ này; đó cũng là một trong những yếu tố tịnh hóa tâm thức trước khi được khai thị.
Ngoài ra, những thủ thuật như đánh, hét, nắm đứng người học hay có những hành động đặc biệt bất ngờ làm cho người học hốt nhiên thoát khỏi che chướng của tâm thức là biệt tài của mỗi vị thầy nhằm đưa đệ tử vào cái thấy giải thoát này.
Nói chung vị thầy có nhiều cách thức để cho người học nhận ra cái thấy giải thoát. Nhưng mạnh nhất và ổn định nhất sau khi được khai thị học nhân có thể tương tục thấy nó hay không; vấn đề là việc tịnh hóa tâm thức đã đủ hay chưa. Đây là yếu tố quyết định. Cái thấy sẽ không mất nếu bạn tịnh hóa tâm thức đã đủ. Còn được vị thầy khai thị theo kiểu đưa vào, hay ảnh hưởng bởi lực từ của thầy thì không chắc chắn tương tục khi ta không còn lưu lại ở bên thầy. Cái thấy sẽ dần dần mất đi nếu chúng ta không có phương pháp công phu tiếp theo để tái lập và hàm dưỡng. trong nhà Thiền có câu: “Từ hông ngực lưu xuất mới là của báu trong nhà”.
Một điều mà học nhân đa số mắc phải là hiểu lời thầy dạy bằng khả năng nắm bắt của tâm thức. Trong nhà thiền gọi là “Trên đầu lại thêm đầu”. Tâm thức của chúng ta chưa được tịnh hóa cho nên nó rất nhạy bén tìm hiểu và nắm bắt. Khi ngộ nhận về nắm bắt xảy ra, người học tưởng như mình đã ngộ ra (bằng cách hiểu được vấn đề), sẽ làm cho tâm thức mê mờ tô thêm một lớp mê nữa, người học vĩnh viễn bỏ ngỏ vấn đề này; họ xem như mình đã ngộ. Chính đó là chỗ bế tắc trong việc tu học, đây là bệnh phổ biến của người học thiền hiện nay. Chỉ khi gặp nghịch duyên đương sự không vượt qua bằng cái tâm tưởng đã ngộ đạo này mới biết mình chưa thật có sức sống. Vì vậy một hành giả muốn biết mình đã thật ngộ hay chưa phải có sự công nhận của một vị thầy có thẩm quyền, và đi tham vấn nhiều nơi như người xưa thường hay thực hiện như vậy. Trong thời hiện tại của chúng ta được một vị thầy công nhận, phải thông hiểu những điều cốt lõi của kinh điển, thông được những lời khai thị của ngữ lục, được bạn bè cảm nhận mình có thay đổi lớn… càng nhiều người công nhận mình đã thay đổi theo chiều hướng tốt trong tu hành thì càng đáng tin.
Vì cốt lõi là sự tương thông của tâm mình với lời dạy của người thầy cho nên chính tâm mình là lời dạy cần khai thị. Tâm này thông với lời dạy không qua một quá trình nhận biết bằng ngôn ngữ. Vì sự tương ưng của tâm cho nên không phải là một lời dạy trực tiếp nói thẳng vào tánh giác của một vị thầy mà một câu hát ru con, một câu nói của anh hàng thịt đang nói cho khách hàng của mình cũng có thể làm cho hành giả ngộ đạo, hay nhìn mặt trời lặn, hay nghe tiếng sấm, ngửi mùi hương hoa, té ngựa, gánh nước gãy đòn gánh … mỗi mỗi đều làm cho người tu thức tỉnh, có chăng tâm chúng ta đã tương thông hay chưa mà thôi. Cho nên người xưa nói “Ông Trương uống rượu, ông Lý say” hay “Muốn nhìn sao Bắc đẩu hãy hướng về Nam” là vậy. Sự việc xảy ra có khi vô tình nhưng với người tâm đã tương thông sẽ có chỗ vào.
Tóm lại, qua những điều trình bày ở trên, khi đã hiểu rõ mức độ ngộ đạo nằm ở đâu trên con đường tu hành qua 52 nấc thang của Bồ tát, chúng ta biết những yêu cầu nên có để tâm chúng ta tương thông với mức độ này. Nhìn lại mình, quan trọng nhất là chúng ta xác định vị trí của mình, đánh giá mình ở đâu trên con đường và cố gắng tu hành để tiến tới mức được khai ngộ như người xưa đã từng được như vậy. Mong bạn hoan hỷ và chúng ta cùng nhau tinh tấn tu hành. Chào bạn.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS