THẬT NGHĨA NĂM GIỚI

SHARE:

Năm giới, giới từ tâm sinh, tâm do giới lập. Nếu tâm không khởi là nền tảng của tứ đức vạn hạnh. Nếu tâm khởi là gốc của lục thú tam đồ thì tất cả thiện ác đều thâu nhiếp. Cho nên Thiên Thai Giáo nói: Năm giới cũng là pháp môn đại thừa, gom năm giới này làm ba thừa tức là đối với vô lượng tam pháp môn như tam vô thất, tam bất hộ, tam luân bất tư nghì hóa, tam mật, tam quỹ, tam thân, tam Phật tính, tam bát-nhã, tam niết- bàn, tam trí, tam đức v.v… ngang dọc không bờ mé, đồng với hư không pháp giới, cũng là pháp môn vô tận tạng, cũng là vô lượng nghĩa tam-muội. Nói tóm lại chính là tất cả Phật pháp.

Thiên Thai Kim Quang Minh Kinh Sớ nói: Năm giới là đại kị của trời đất, trên đối năm vì sao, dưới phối năm ngọn núi, giữa thành năm kho tàng. Kẻ nào phạm giới là lăng mạ trời, xúc phạm đất, tự phá hoại chính mình.

1- Không giết hại: Hại sinh mạng gọi là sự sát, chẳng hại mạng gọi là sự bất sát. Pháp môn giải thích: Phân tích pháp gọi là lý sát, thể hội pháp gọi là lý bất sát. Nếu tác ý phòng hộ như ngựa có dây cương, như trâu có kẻ chăn thì có quả báo tại cõi người sống được một trăm hai mươi tuổi chỉ được nhục nhãn. Nếu nhậm vận tính thành như sông chảy về biển, có báo tại sáu cõi trời Dục giới sống được chín trăm hai mươi sáu ức bảy nghìn vạn năm, chỉ được thiên nhãn. Nếu tu thêm giới, định, tuệ như vô thường, khổ, không vô ngã, có báo tại biến dịch, thọ bảy trăm a-tăng-kỳ, chỉ được tuệ nhãn. Nếu tu thêm huệ thường vô thường, có báo tại biển Liên Hoa Tạng, thọ pháp tính thân, được một phần ngũ nhãn, được một phần thường thọ, so với Phật thì các căn chưa đầy đủ, thọ mạng kém hơn.

Nếu người trong Viên giáo giữ giới sự bất sát, lại còn giữ giới lý bất sát, chẳng hoại nhân làm người, thường tùy một tướng, chẳng đoạn si ái, khởi tâm giải thoát, thể hội ấm giới nhập không thể phá hủy, hoặc hạt giống, hoặc quả chẳng sinh chẳng diệt, thành tựu trí tuệ, nơi cõi tịch quang, thường thọ trạm nhiên, ngũ nhãn đầy đủ, được các căn tự tại, được thọ mạng tự tại, dài ngắn tự tại, đây gọi là trì giới tuyệt đối, các căn đầy đủ thọ mạng chẳng tổn giảm. Người theo Viên giáo đâu chỉ trì giới, vừa sát hại vừa thương xót, vừa có sự sát vừa có lý sát. Như đại vương Tiên Dự giết hại năm trăm bà-la-môn mà vẫn được thấy Phật, thọ  mạng mười kiếp. Lại pháp môn sát là dẹp sạch trần lụy phiền não, như thần cây chặt nhánh không còn oán hận các loài chim, như kiếp hỏa thiêu đốt cây cối, tro than đều mất. Cho nên kinh Lăng Già nói: “Giết cha vô minh, hại mẹ tham ái, dứt oán hận thùy miên, hoại hòa hợp ấm, chặt đứt thân bảy thức”. Nếu có làm thì hiện chứng pháp thân, cái nghịch này chính là thuận. Ương-quật nói: Ta thề dứt ấm giới nhập, không giữ  giới bất sát. Tất cả trần lao là hạt giống Như Lai, dứt hết hạt giống này gọi là Phật, thành tựu pháp thân kim cương vi diệu, trạm nhiên ứng tất cả hình tướng chín cõi, tùy theo chỗ thích nghi mà thị hiện thọ mạng dài ngắn, tùy theo chỗ thấy mà dùng các căn thiếu đủ để hóa độ.

2- Không trộm cắp: Không cho mà lấy gọi là trộm, cho mà lấy gọi là không trộm. Theo pháp môn, Phật nói không lấy vật của người gọi là chẳng trộm pháp môn, bồ-đề không cho mà lấy gọi là trộm pháp môn. Nếu giữ giới tạo nghiệp cầu quả theo ý mình, vô thường chóng vánh đều là vật của người, thối như đống phân, hại như thuốc độc, kẻ có trí không nên cầu, tại sao phải chịu đắng nuốt cay tự tổn hại mình, làm sao vượt qua dòng nước xoáy khốn khổ ? Ba chướng chướng Phật, xa lìa đệ nhất nghĩa đây là trộm cắp chẳng phải không trộm cắp. Lại Nhị thừa dùng trí tứ đế quán thân thọ tâm pháp, chán ghét sinh tử, thích cầu niết-bàn. Khởi tâm cầu niết-bàn tức là lấy vật của người, là thủ chứng phi thời, là chẳng đợi chỗ nói nhân, hạt giống bị thiêu đốt không nảy mầm! thấy khổ, đoạn tập, tu đạo đến hết, đó chẳng phải cầu pháp. Nghĩa là có niết-bàn thì có kiến chấp niết-bàn, nếu có chấp không thì chư Phật không độ, thân cao ba trăm do-tuần, không có hai cánh, đọa vào ba hầm vô vi, đói khát cơ thể gầy yếu sinh ghẻ lở, đâu chẳng phải bần cùng khốn khổ ? Lại chẳng thấy Phật, chẳng nghe pháp, chẳng nhập chúng đâu chẳng phải xa lìa đệ nhất nghĩa ? Đây cũng gọi là trộm cắp. Nếu là người theo Biệt giáo từ cạn đến sâu, bỏ một lấy một, đến rồi lại đến, đi rồi lại đi, đều là kẹt ở tướng đến đi, cũng là không cho mà lấy; lấy rồi lại bỏ cũng là bần cùng; bỏ rồi lại lấy luôn luôn lấy bỏ, là khốn khổ, chẳng tương ưng với đệ nhất nghĩa, tức là xa lìa, đây cũng gọi là trộm cắp.

Người theo Viên giáo quán thật tướng các pháp, thọ cũng không nhận, chẳng thọ cũng không nhận, cũng thọ cũng chẳng thọ cũng không nhận, phi thọ phi chẳng thọ cũng không nhận; chẳng lấy là bồ-đề, vì chướng các chấp thủ; pháp này bình đẳng không có cao thấp. Không cao nên chẳng lấy, không thấp nên chẳng bỏ.  Quán như thế là quán Như Lai tạng đầy đủ không thiếu, là hạt châu như ý sản xuất của báu, là cây đàn Tu-la tùy ý phát ra âm thanh, tức là đại phú. Đại phú nên không lấy. Vì là đệ nhất nghĩa nên không xa lìa, đây gọi là giữ giới không trộm cắp một cách tuyệt đối. Người theo Viên giáo cũng có pháp môn trộm cắp; bồ-đề không cho mà lấy, như biển cả chứa các dòng sông, như đất nâng đở mái hiên. Chúng sinh phải độ, phiền não phải đoạn, pháp môn phải biết, Phật đạo phải thành.

3- Không dâm dục: Nam nữ giao hợp gọi là sự dâm. Giải thích theo pháp môn, nếu tâm tiêm nhiễm các pháp gọi là dâm. Nếu nghiêm cấm thất chi như con vượn giữ chặt bát dầu đi qua đám đông, dứt hết xả lạc, xúc lạc, cầu ngũ dục trong sạch ở vị lai, đây là thêm lớn sự ham muốn, chẳng phải không tham muốn. Nếu dứt trừ sự tham muốn thô lỗ xấu xa ở cõi Dục, nhiễm trước niềm vui thiền định ở cõi sắc, vô sắc, như sâu bọ ngủ đông, đọa cõi trời Trường Thọ, đây là nạn tham đắm thiền vị gọi là sự trói buộc nghiêm trọng, là tham muốn, chẳng phải không tham muốn. Nếu ghét sinh tử thích niết-bàn, đi thẳng một đường không quay đầu lại, đối với sắc thanh không nhiễm trước như tám ngọn gió không làm lay động núi Tu-di. Nếu nghe công đức thắng diệu của Bồ-tát, âm thanh tiếng đàn của Chân-ca-la, Ca-diếp nhảy múa không thể kềm chế, đây là tham muốn, chẳng phải không tham muốn.

Nếu Bồ-tát ghét sinh tử như phân nhơ, ghét niết-bàn như chim oán, bỏ nhị biên chỉ trụ trung đạo, khởi thuận đạo, sinh pháp ái gọi là đảnh đọa, là Bồ-tát chiên-đà-la, đã không có phương tiện, trí tuệ bị trói buộc không thể thắng được oán ghét, đây là tham muốn, chẳng phải không tham muốn. Người theo Viên giáo quán nhất tâm tam đế, tức không thì chỗ nào nhiễm, tức giả thì chỗ nào tịnh, tức trung thì chỗ nào biên, tức không tức giả thì chỗ nào trung ? Vì tức không nên không yêu thích ngã nhân, mười sáu tri kiến, y chính v.v… Vì tức giả nên không yêu thích không, vô tưóng, vô nguyện v.v… Vì tức trung nên không yêu thích Phật bồ-đề, chuyển pháp luân, độ chúng sinh v.v… tam đế thanh tịnh gọi là tất cánh tịnh, chỉ có đức Phật có đủ tịnh giới, những người khác đều là ô giới.

Người theo Viên giáo cũng có pháp môn nhiễm ác như cô gái Hòa-tu-mật-đa, người thấy là nhân nữ, trời thấy là thiên nữ, người nào thấy thì được kiến Phật tam-muội, kẻ nào nắm tay thì được đáo Phật tam-muội kẻ nào kêu tên thì được cực ái tam-muội, kẻ nào ôm thì được minh như tam-muội, cũng như hạnh của ma giới không làm ô nhiễm Bồ-tát biến ra vô lượng thân, có vô lượng thiên nữ theo hầu, thảy đều phát tâm bồ-đề. Lại trước tiên dùng dục lôi kéo rồi sau khiến vào Phật trí, đây là dục mà chẳng phải dục, đem dục dẹp dục, như lấy chốt tháo chốt, lấy âm thanh trừ âm thanh.

4- Không nói dối: Theo pháp môn, chưa được nói được, phàm phu ngu si ở trong khổ tưởng rằng vui rồi sinh ngã mạn, ăn nói ngang tàng, chấp sự tranh luận có với không, không với có, khởi sáu mươi hai tà kiến phá hủy tuệ nhãn, không thấy sự chân thật. Miệng có bốn lỗi. Cõi tam thập tam thiên cho lá vàng sinh tử là vàng thật, cõi phi tưởng cho cõi mình ở là niết-bàn. Đây chẳng phải vọng ngữ thì cái gì là vọng ngữ ? Nhị thừa tranh giành gạch ngói vui mừng nắm lấy, sinh ra ý nghĩ diệt độ, thực ra chưa hết làm sao được diệt độ ? Sinh ra ý nghĩ an lạc nhưng việc làm chưa xong làm sao được an ổn ? Kỳ thực chưa được tất cả giải thoát chưa được nói được đâu chẳng phải vọng ngữ ?

Phật vì người theo Biệt giáo, bốn môn nói thật tướng, chấp một môn thì chướng ngại ba môn, cho đến chấp phi hữu phi vô thì chẳng dung hữu vô. Nói về thật tướng thì đường ngôn ngữ dứt, chỗ tâm hành diệt, tại sao dùng đến văn tự, văn tự đối với không văn tự. Tại sao dùng con số, số đối với không số, đâu chẳng phải vọng ngữ ?

Người theo Viên giáo thì như thật quán, như thật nói. Như thật quán là chẳng phải nội quán, cho đến chẳng phải lìa nội ngoại quán, cũng chẳng nhờ vô quán mà được trí tuệ. Như thật nói là tất cả thật, cho đến phi thật, phi bất thật, như thế đều gọi là các pháp thật. Kinh nói: “Chư Phật đều nói thật”, tức là dùng âm thanh Phật đạo khiến tất cả đều nghe. Người theo Viên giáo cũng có pháp môn vọng ngữ, không có xe nói có xe để dụ dỗ trẻ con, không vui nói vui để dỗ con nít nín khóc. Nếu có chúng sinh nhân nơi hư vọng nói điều lợi ích, đức Phật cũng nói dối như thế. Như nói: Ta là Thi-lợi tham dục, ta là trời, người, thật ra chẳng phải trời người. Đem hư vọng để ra khỏi hư vọng khiến được không hư vọng.

5- Không uống rượu: Giải thích theo pháp môn, mê hoặc thấy điên đảo gọi là rượu. Rượu là bất thiện, là gốc rễ mọi điều ác. Uống rượu chuốc lấy sự điên cuồng. Ngoại đạo v.v… là thế gian say mê. Đại kinh nói: “Từ xưa đến nay thường bị thanh sắc làm cho say đắm trôi lăn trong sinh tử, người trời trong ba cõi đều có sự say đắm này, Nhị thừa chưa nôn mữa rượu vô minh như người bị sốt rét”. Kinh dẫn ra sự say đắm để quy về. Sự vui vô thường ở thế gian mà nói ngã tịnh, còn thật ngã tịnh của Như Lai thì cho là sự vui vô thường, như kẻ say kia thấy mặt trời xoay chuyển. Đây là sự say sưa của Nhị thừa. Bồ-tát chưa hết vô minh nên chẳng thấy rõ ràng như ban đêm thấy hình vẽ, như người say thấy đường lờ mờ. Ca-diếp nói: “Từ đây về trước bọn ta đều là kẻ tà kiến”. Đây là sự say sưa của Bồ-tát. Người Viên giáo thực hành Như Lai hạnh, đầy đủ phiền não tính, có thể biết kho bí mật Như Lai, tuy có nhục nhân mà gọi là Phật nhãn. Những điều đáng thấy không còn thấy nữa, đây là ngũ trụ chính tập nhất thời không còn sót. Pháp đã trừ còn gì để mê ?

Người Viên giáo cũng có pháp môn uống rượu. Ương-quật nói: “Cầm cái bình chân không đựng đầy rượu thật tướng, biến hóa thành ngũ đạo tuyên dương ầm ỉ”. Vua Ba-tư-nặc say rượu thay đổi ân tình, hoàng hầu Mạt-lợi cũng uống rượu. Phật nói khi giữ giới, dù có vào trong quán rượu phải có giữ vững ý chí của mình, cũng lập chí cho người khác. Hễ được pháp môn đó thì nghịch thuận đều nên, người đánh mất cái cán thì cầm dao đứt tay, là biết có thể lấy trần lao phiền não làm Phật sự, đây là thấy tất cả pháp đều là thật tướng. Ở trong nhất tâm thật tướng không thấy có pháp hoạn nạn chướng ngại thì làm sao bỏ ? Cũng không thấy có pháp thù thắng vi diệu xuất thế thì làm sao lấy ? Chỉ vì chưa vào trong môn thật tướng nên thấy có phàm Thánh sai biệt mà sinh lòng ưa thích, chán ghét, rồi theo cơ nghi kia, tùy theo việc làm của họ mà khéo léo hóa đạo khiến cho họ vào pháp môn tự chứng nhất tế bình đẳng, cứu cánh thường lạc. Khai thị như thế chẳng cô phụ tiền nhân. Nếu hiểu tâm tính một cách nhanh chóng như lấy báu vật trong túi là cách nói hay hơn cả, bao quát hết trước sau, mở ra môn đại thí, được cốt tủy của pháp thân chính mình, đạt đến cội nguồn của biển trí nhất tâm. Ban đầu đã nhiếp vô biên và cuối cùng không văn tự để nói.

Hỏi: Giới là quỷ trì, hoàn toàn y theo sự tướng, đại cương được lập từ Luật Tứ Phần. Nay trong Tông Cảnh tại sao xưng là đệ nhất đối với môn vạn hạnh ?

Đáp: Nguyên do của vạn hạnh đều khế hợp chân lý hiển bày cội gốc; nếu trái chân theo ngọn thì không biết giáo tông. Tất cả chúng sinh đều sẵn đủ luật tự tính. Nếu là độn căn thì từ từ dùng tướng chỉ bày, nếu là bậc thượng căn thì ngay nơi tính thuyết minh. Như Phó đại sĩ nói: “Trì luật vốn là chế phục sinh tâm, nay ta không tâm thì đâu cần giới luật !”.

Thủ Lăng Nghiêm nói: “Trì phạm chỉ để thúc liễm thân, chẳng phải thân làm sao trói buộc!” Cơ như thế, giáo như thế đâu cần giới ? Vì đã tự biết mỗi người đều đủ Phật tính giới. Nhưng đối với phàm phu sơ tâm và Bồ-tát ra khỏi giả cũng không hủy hoại sự tướng, giả giới và tính giới thảy đều cùng giữ. Vì sơ tâm tự tu hành căn cơ hạ liệt nên cần lý sự trợ giúp. Vì tu hành lâu dài giáo hóa người viên mãn nên quyền thật đều đầy đủ. Lại như phàm phu, Nhị thừa, Bồ-tát, chư Phật hễ trì giới thì đều do nhất tâm khởi. Bởi phàm phu hoàn toàn không tự biết giới nhân cấu tịnh do tự tâm sinh, giới quả tội phước sẽ tự tâm thọ. Hàng Nhị thừa dù biết do tâm chuyển biến nhưng chấp có tiền trần. Hàng tiểu Bồ-tát tuy không chấp tiền trần thật có, trụ vô tự tính không, đều không rõ ngoại cảnh vốn không, không này đều do tự tâm biến ra. Bậc đại Bồ-lát thấu rõ duy tâm, không hữu đều mất, vô minh chưa dứt, công đức chưa tròn, lý hạnh còn kém, vẫn ở nơi nhân vị. Chư Phật viên chứng chân duy thức tính, lìa niệm được thanh tịnh, cho nên kinh nói: “Chỉ có Phật giữ tịnh giới, còn những người khác đều là kẻ phá giới”.

Như Lục Hạnh Pháp ghi: Căn cứ vào giới thuyết minh tâm người có sáu thứ bất đồng: Trước hết nói về phàm phu thô lỗ y giới tạo tội, nghĩa là có kẻ ngu si, thân tuy trì giới mà không biết xem xét tâm mình, lại còn không giữ gìn miệng lưỡi, tự cậy mình, xúi người phá giới, do lời nói ác này phá hoại lòng kính tín của người tạo thành tội nghiệp sẽ sinh vào ác đạo. Kế nói về phàm phu, thân miệng trì giới nhưng chưa học quán huệ chỉ thành những phước hạnh.

Kế nói về Nhị thừa, xuất thế đạo giới, nghĩa là lúc hàng Nhị thừa quán sinh không, lìa sự điên đảo của mình thì thành đạo giới. Kế nói về tiểu Bồ-tát của Đại thừa, lúc quán tướng không, huệ tâm sáng sạch, lìa các tội chấp lấy tướng gọi là giới.

Kế nói về giới đại Bồ-tát của Đại thừa, nghĩa là quán duy tâm, vốn không ngoại sắc, không có sắc để phá, tướng không cũng không, lìa cái lỗi chấp tướng nên gọi là giới. Đây không giống giới của tiểu Bồ-tát tuy lìa chấp hữu song vẫn còn chấp tướng không. Còn đại Bồ-tát nầy biết không cũng không, không có cái không để chấp thì chứng đại không, cho nên Trí Luận nói: “Phá các pháp không, chỉ còn lại không mà nắm lấy nó”. Đại không là phá tất cả pháp không, không cũng lại không. Bởi văn kinh này chứng minh chấp không là lỗi, đại căn xa lìa lỗi này, nên gọi là giới.

Kế đến nói về Phật giới, nghĩa là chứng duy tâm lìa niệm được thường tịnh, vô minh cấu hết liền thành Phật giới. Chỉ vì trong Phật tâm đầy đủ các công đức, lìa các lỗi nên gọi là giới.

Nguồn:

TÔNG CẢNH LỤC

Thiền sư Diên Thọ

SHARE:

Trả lời