THẦN CHÚ TRONG BÁT NHÃ TÂM KINH

SHARE:

Trong bộ Đại Bát Nhã mà ngài Pháp sư Huyền Trang chủ biên dịch ra chữ Hán thành 600 cuốn, chỉ có một thần chú, đó là thần chú trong Bát Nhã Tâm Kinh mà Phật tử Việt Nam ta lâu nay thường quen đọc là: Yết Đế Yết Đế Ba La Yết Đế Ba La Tăng Yết Đế Bồ Đề Tát Bà Ha.

Trong phần sau đây chúng ta thử tìm hiểu xem câu thần chú nầy có ý nghĩa thế nào.

1. Bản thân Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh là Đại thần chú :

– Điều nầy được chính câu văn trong Bát Nhã Tâm Kinh : “ Nên biết Bát Nhã Ba La Mật Đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng chú, hay trừ được hết thảy khổ, chơn thật, không dối”

Như vậy bản thân Tâm Kinh có năng lực và diệu dụng rất lớn trong quá trình tu hành đến giác ngộ viên mãn của hành giả.

Tâm kinh cần thiết cho mọi đối tượng tu hành. Ngay cả Phật đã thành mà vẫn còn tiếp tục sử dụng Bát Nhã Tâm Kinh, như thấy nói trong kinh Đại Bát Nhã :

“…Này Kiều Thi Ca, ta nay đã thành Phật mà còn tuân theo Bát Nhã Ba La Mật Đa, ẩn náu và trụ vững nơi đây, hà huống những kẻ muốn cầu vô thượng Bồ đề mà không hết lòng quay về và nương tựa vào đó để tinh cần tu học. Tại sao vậy ? Vì nếu là người tu học theo hạnh Thanh Văn thì sẽ nhờ đó mà được quả A La Hán; nếu là người tu học theo hạnh Độc Giác thì sẽ nhờ đó mà được Bồ Đề Độc Giác; nều là người tu học theo hạnh Đại Thừa thì sẽ nhờ đó mà được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác” (1)

2. Câu thần chú trong Bát Nhã Tâm Kinh :

– Nguyên văn tiếng Phạn là :

Gate Gate  Pāragate Pārasaṃgate Bodhi Svāhā

– Các nhà biên dịch ra tiếng Trung Quốc như Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang đã phiên âm câu chú nầy ra chữ Hán thành :

揭帝 揭帝 般羅揭帝 般羅僧揭帝 菩提 僧莎訶

Nếu người Trung Quốc đọc câu phiên âm nầy thì nghe gần giống như âm của câu tiếng Phạn. Nhưng   người Việt chúng ta đọc theo âm Hán Việt thành :

Yết Đế Yết Đế Ba La Yết Đế Ba La Tăng Yết Đế Bồ Đề Tát Bà Ha

Như vậy âm câu chú mà người Việt chúng ta đọc qua phiên âm ra chữ Hán thì có lệch so với âm của nguyên văn chữ Phạn.

– Nếu chúng ta phiên âm trực tiếp từ câu tiếng Phạn ra tiếng Việt thì câu chú được viết thành :

Ga-tê Ga-tê Paa-ra-ga-tê Paa-ra-xân-ga-tê Bô-đi Xoaa-haa

(hai chữ a liên tiếp đọc thành a dài gấp đôi một chữ a, ngoài ra các chữ ê, ô cũng là âm dài).

Bấy giờ đọc câu phiên âm trực tiếp nầy thì âm đọc lên nghe gần giống âm tiếng Phạm.

Vậy xin đề nghị là người Việt Nam chúng ta nên phiên âm các câu thần chú từ tiếng Phạn qua tiếng Việt để đọc tụng thay vì đọc qua phiên âm ra chữ Hán của Trung quốc.

3. Ý nghĩa của thần chú :

3.1 Căn cứ trên ý nghĩa của ngôn từ.

– gate : suy ra từ động từ “gam”, nghĩa là đi.

Quá khứ phân từ (past participle) là gata, nghĩa là “đã đi” theo thể chủ động, hay là “đã được đi” theo thể thụ động.

Theo ngữ pháp tiếng Phạn, gate được suy ra từ gata bằng 3 cách :

Thứ nhất (2): giống cái của gata là gatā. Dạng hô cách (Vocative), số ít của gatā là gate. Giống cái ở đây là giống cái của từ prajñāpāramitā (Bát Nhã Ba La Mật Đa). Chúng ta biết trong Tâm Kinh đã có câu :

“ Chư Phật trong ba đời cũng nương Bát Nhã Ba La Mật Đa được đạo quả vô thượng, chánh đẳng, chánh giác ”.

Như thế tất cả chư Phật nhờ nương theo Bát Nhát Ba La Mật Đa mà đạt quả Phật, cho nên Bát Nhã Ba La Mật Đa đã được nhân cách hóa và được tôn vinh là Mẹ của tất cả chư Phật. Mẹ thì đương nhiên thuộc giống cái. Thế thì hô cách (Vocative) ở đây cho biết câu thần chú nầy là lời của Bồ tát Quán Tự Tại (ngài đã thuyết Bát Nhã Tâm Kinh) bạch với Mẹ của tất cả chư Phật, tức với Bát Nhã Ba La Mật Đa hay Trí Tuệ Bát Nhã theo cách : “ Kính ngưỡng Trí Tuệ Bát Nhã, ngài đã đi, đã đi…”  hay thay “Trí tuệ Bát Nhã” là Mẹ của chư Phật bằng “Đức Bà”, thì :
“ Ô đức Bà ! ngài đã đi qua, đã đi qua. ..”.

– Pāragate : pāra là danh từ giống đực, có nghĩa là  sự mang qua; sự băng qua; khi giống trung, có nghĩa là bờ bên kia, sự đạt đến mức xa nhất. Cho nên pāragate là đã đi qua bờ bên kia.

– Pārasaṃgate : tiền tố “saṃ” trước động từ có nghĩa là cùng nhau hay hoàn toàn, trọn vẹn. Như thế pārasaṃgate là đã đi hoàn toàn qua bờ bên kia.

– Bodhi : danh từ giống cái, có nghĩa là sự giác ngộ. Lưu ý là trong câu chú, bodhi là ở dạng thân (stem form), không theo cách nào trong 8 cách sử dụng danh từ, nghĩa là Bodhi đứng độc lập với các từ khác. Phải chăng, sự độc lập nầy hàm ý “sự giác ngộ” là hạt giống thần diệu giúp thoát khỏi sự ràng buộc của sự tái sinh ?(3)

– svāhā (ind) là tán thán từ, nguyên là từ dùng trong lễ hiến tế lên thần linh trong nghi thức tôn giáo ở Ấn độ, có nghĩa như Ôi! Cầu xin được phước lành! Ở đây, có thể hiểu như tiếng reo mừng, tán thán, ngưỡng mộ,.. một sự kiện mong muốn :

bodhi svāhā   = “Giác ngộ, Ôi ! Xin chào!” hay “Giác ngộ, Ôi ! phước lành thay !” hay “ Giác ngộ, A ! Là như vậy đó!” hay “Giác ngộ, Ôi ! Tuyệt vời”

Như thế câu thần chú nầy có thể hiểu như là :

“Kính ngưỡng Trí Tuệ Bát Nhã, ngài đã đi, đã đi, đã đi qua bờ bên kia, đã đi hoàn toàn qua bờ bên kia, Giác ngộ, Là vậy đó!”.

Đó là lời tán thán công đức vô lượng của Quán Tự Tại Bồ Bát đối với Trí Tuệ Bát Nhã.

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 (The Dalai Lama) cho rằng bodhi sāhā có thể được đọc hiểu như “ hãy được cắm rễ vào trong đất giác ngộ” (be rooted in the ground of enlightenment). Nói cách khác “ hãy an trú trong miền giác ngộ”. Và theo ngài thì câu thần chú được đọc hiểu là: “Hảy đi, hãy đi, hãy đi qua bên kia, hãy đi hoàn toàn qua bên kia, hãy an trú trong miền giác ngộ “ (4) .

Chúng tôi xin đề nghị thêm một cách hiểu về “đã qua” theo tinh thân của Kinh Kim Cương như sau :

“Bát Nhã Ba La Mật Đa đã qua” nghĩa là tất cả chư Phật, chư Bồ tát, và tất cả hành giả nương theo Bát Nhã Ba La Mật Đa đều đã qua. Qua có nghĩa là từ điên đảo mộng tưởng chuyển qua thấy đúng như thật, từ sợ hải chuyển qua hết sợ, từ khổ đau chuyển qua an lạc, từ vô minh chuyển qua minh, từ mê chuyển qua ngộ,…

“Đã đi qua bờ bên kia” có nghĩa là đã ra khỏi ý niệm đối đãi nhị nguyên “đây/kia, tốt /xấu, đúng/sai,…”, chuyển từ vòng sinh tử luân hồi qua giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, đạt tới cảnh giới Niết bàn.

“Đã đi  hoàn toàn qua bờ bên kia “ có nghĩa là tất cả mọi chướng ngại của người tu đã không còn và tất cả mọi hành giả chân chính, tinh cần thực hành theo Bát Nhã Ba La Mật Đa đến đủ duyên thì đều đã qua bờ giác ngộ.

Mặt khác, tập hợp lời dạy của đức Phật về Bát Nhã Ba La Mật Đa là rất to lớn, gồm thành bô Kinh Đại Bát Nhã mà ngài Huyền Trang đã chủ biên dịch thành 600 quyển. Bộ Kinh Đại Bát Nhã gồm 40 bài kinh, trong đó kinh dài khoảng 100.000 câu tụng (śloka), 25.000, 18.000, 10.000, 8000.v.v… Nhưng tất cả cốt lõi, tinh yếu của toàn bô Kinh Đại Bát Nhã được gói gọn trong Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh ( gồm 14 śloka cho kinh ngắn, 25 śloka cho kinh dài). Tất cả những gì nói trong Tâm Kinh thì thật sự được bao hàm trong câu thần chú nầy. Mà Tâm Kinh là lời dạy cách thực hành Bát Nhã Ba La Mật Đa, cho nên câu thần chù nầy chính là một cách thực hành Bát Nhã Ba La Mật Đa.

Thật vậy, câu thần chú nầy mô tả quá trình tu, hay mô tả cuộc hành trình mà người tu đang thực hiện. Đó là người tu đang trên cuộc hành trình là đang đi qua, đang đi qua, đang đi qua bên kia, đang cùng nhau đi hết qua bên kia. Nghĩa là người tu, dù đang ở mức nào cũng có thể tiến tu tới mức kế tiếp. Nói cách khác, người tu không đứng lại ở đâu cả, không trụ vào đâu cả, không bám víu vào cái gì cả. Đó cũng chính là tinh thần vô trụ trong kinh Kim Cương.

Cho nên chúng tôi đề nghị câu thần chú nầy cũng có thể được dịch theo tinh thần kinh Kim Cương như sau : “ Vô trụ, Vô trụ, Vô trụ hơn nữa, Vô trụ triệt để. Giác ngộ, Là vậy đó!”

hay : “ Không bám víu, không bám víu, không bám víu nữa, không bám víu vào đâu hết. Giác ngộ, Là vậy đó”

Thứ hai : gate là vị trí cách (locative), giống đực hay trung, số ít của gata. Giống đực hay trung chỉ người tu thực hành Bát Nhã Ba La Mật Đa. Theo vị trí cách, gate có thể hiểu là “đã đi qua nơi đó”. Tuy nhiên, nếu cần phải rạch ròi theo từng giống thì : Khi gate là một Locative giống đực thì có thể dịch gate thành : “ Trong người mà đã qua thì…”. Khi gate là Locative số ít giống trung thì gate có thể dịch thành : “do nơi mà đã qua thì…”.  Nói chung câu thần chú có thể được hiểu là :

“Đã đi qua nơi đó, Đã đi qua nơi đó, Đã đi qua bờ bên kia, Đã đi hoàn toàn qua bờ bên kia, Giác ngộ, Ôi, tuyệt vời !”

Đây là lời hân hoan, tán thán hành giả đã trải qua các chặng đường tu chứng để đạt giác ngộ.

“Đã đi qua nơi đó” phải chăng là đã thực chứng tính không của các pháp ?, một cái mốc cơ bản trên cuộc hành trình đến giác ngộ.

Thứ ba :  Toàn cụm từ Gate Gate  Pāragate Pārasaṃgate có thể được cho là ở cách Locative Absolute. Cách Locative Absolute diễn tả một trạng huống đi kèm (attendant circumstance), hay một điều kiện, một nguyên nhân gây ra hệ quả. Cho nên gate ở đây có thể được hiểu là “khi đã đi qua” . Cả câu có thể hiểu như ;

“ Khi đã đi qua, khi đã đi qua, khi đã đi qua bờ bên kia, khi đã đi hoàn toàn qua bờ bên kia thì giác ngộ là vậy đó!”

Ba cách phân tích để có gate từ gata như trên đây, chúng ta có thể tìm thấy trong nhiều tài liệu viết về Bát Nhã Tâm Kinh. Sau đây chúng tôi xin đề nghị thêm hai cách nữa :

Cách bốn : Hai từ gate gate mở đầu câu chú là Vocative số ít giống cái của gati (f) = một cõi trong 6 cõi tái sinh (luân hồi) : địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, a-tu-la, trời) (5). Các từ còn lại được giải thích như trên. Như thế câu thần chú được dịch :

Hỡi cõi luân hồi ! Hỡi cõi luân hồi ! Đã đi qua bên kia, đã hoàn toàn đi qua bên kia, Giác ngộ, Thôi, Vĩnh biệt Cõi Luân Hồi!

Cách năm : Về mặt ngữ pháp của Phạn văn, khi gata là thành phần cuối của một từ kép thì từ kép là một tỉnh từ, có nghĩa “ở trong…”, “ở nơi …”, “trong…”, “nơi …”, “nói về …”, “về…”, hay nó có thể thay cho Locative được dùng với những động từ nói về tình cảm, có nghĩa “đối với…”, “của…”. Cho nên pāragata = pāra-gata = ở nơi bờ bên kia; pārasaṃgata = hoàn toàn ở nơi bờ bên kia. Tiếp đến là cụm từ pāragata pārasaṃgata ở Locative absolute để diễn tả tình huống, nên  pāragate pārasaṃgate = khi đã ở nơi bờ bên kia, đã hoàn toàn ở nơi bờ bên kia.

Vậy câu thần chú có thể được dịch thành :

–  Đã đi, đã đi, khi đã ở nơi bờ bên kia, đã hoàn toàn ở bờ bên kia, Giác ngộ, Ôi! phước lành thay!

–  Khi đã đi, đã đi, khi đã ở nơi bờ bên kia, đã hoàn toàn ở bờ bên kia, Giác ngộ, Ôi! phước lành thay!

–  Hỡi cõi luân hồi ! Hỡi cõi luân hồi, khi đã ở nơi bờ bên kia, đã hoàn toàn ở bờ bên kia, Giác ngộ, Thôi ! Vĩnh biệt Cõi Luân Hồi!

3.2 Ý nghĩa câu thần chú theo các Thánh tăng : Việc căn cứ vào ngữ nghĩa để tìm hiểu câu thần chú như trên thì không hẳn là cách hay nhất để tìm ra được ý nghĩa thâm sâu hàm chứa trong thần chú.

Nhiều vị thánh tăng và đại sư trong suốt lịch sử cũng đã lý giải về câu thần chú nầy. Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu lý giải của một số các vị nầy

3.2.1   Ngài Pháp Tạng (法  藏 , Fa-tsang, 643-721), năm 702 đã viết bài bình luận về Tâm Kinh rất nổi tiếng khiến bài của ngài lại trở thành đề tài cho nhiều bài luận của các vị khác. Bài bình của ngài cùng với bài phụ bình của Chung-hsi được tuyển chọn vào Tục Tạng Kinh (Suplement to the Tripitaka) , tập 41, trang 679-712.

Trong bài bình nầy, ngài Pháp Tạng viết :” Có hai cách hiểu ý nghĩa đối với câu thần chú nầy. Thứ nhất, câu thần chú không thể giải thích được. Đó là vì câu thần chú là ngôn ngữ bí mật của các vị Phật và không phụ thuộc vào tầm hiểu biết của người ta. Người ta chỉ tụng hay niệm nó trong tâm, và nó giúp loại trừ những chướng ngại và gia tăng những ân huệ và che chở . Thứ hai, nếu chúng ta cứ nằng nặc đòi một sự giải thích, thì gate có nghĩa là “đã đi” hay “đi đò ngang qua” , mà đó là tác dụng của trí tuệ thâm sâu. Sự lặp lại của gate có nghĩa là “chở đò chính mình và cũng chở đò những người khác”. Pāragate có nghĩa “bờ bên kia”, mà đó là nơi người ta được chở tới bằng đò. Và saṃ trong pārasaṃgate có nghĩa “cùng nhau”, “mọi người cùng nhau được chở qua bằng đò”. Bodhi nói cho chúng ta biết loại “bờ bên kia” là gì, đó chính là bờ giác ngộ. Và svāhā  có nghĩa “ ngay bây giờ” (6).

3.2.2 Ngài Huệ Trung (慧  忠, Hui-chung, …- 775) : Bài bình luận cùa ngài về Tâm Kinh được ghi lại trong Tục Tang Kinh (Supplement to the Tripikata), tập 41, trang 781-792).

Ngài nói rằng : ” Một thần chú như thần chú nầy chỉ trực tiếp vào tâm. Bởi vì tâm là không động cũng không tịnh, nên bạn không thể dùng tâm để tìm tâm. Bởi vì tâm không có khởi đầu cũng không có kết thúc, nên bạn không thể dùng tâm để đặt một mức cuối cho tâm. Bởi vì không có bên trong, bên ngoài hay ở giữa, nên nếu bạn tìm tâm thì không có nơi nào để tìm nó. Nếu không có chỗ để tìm nó, thì bạn không thể tìm nó. Vì vậy, bạn nên nhận thức rằng không có tâm nào cả. Và bởi vì không có tâm nào cả, cõi ác quỷ không thể gây ảnh hưởng lên bạn. Và vì bạn không thể bị ảnh hưởng, nên bạn khuất phục tất cả ác quỷ. Bài kinh nói :” Việc khuất phục ác quỷ là nơi giác ngộ…. Khi bạn tụng thần chú nầy, hãy đừng cho khởi vọng tưởng. Đó là cách thức bạn nên trì tụng thần chú nầy.” (7).

3.2.3 Các ngài Ấn Độ và Tây Tạng : Ngoài việc phân tích ngữ nghĩa ra, những thánh tăng và Đại sư Ấn Độ, Tây Tạng lại thường thiên về khuynh hướng tìm ý nghĩa ẩn tàng của thần chú. Với một số vị nầy, câu thần chú của trong Tâm Kinh chứa cái ý nghĩa ẩn tàng của Tâm Kinh, đó là biểu lộ mức độ am hiểu về Tánh Không (emptiness) liên quan với năm chặng tu trên con đường đến Phật quả như thế nào. Năm từ gate, gate, pāragate, pārasaṃgāte, và bodhi svāhā của câu thần chú lần lượt tương ứng với năm giai đoạn trong quá trình tu đến Phật quả : Tư Lương Đạo (Path of Merit or Path of Accumulation); Gia Hạnh Đạo (Path of Preparation), Kiến Đạo (Path of Insight, Path of Vision, Path of Seeing), Tu Tập  Đạo (Path of Meditation), và Vượt Thoát Đạo hay Phật Đạo (Path of Trancendence, No More Learning Path, Buddhahood Path). Năm giai đoạn nầy ứng với năm phần nội dung trong Tâm Kinh và năm mức am hiểu về Tánh Không. Sự chuyển từ giai đoạn nầy qua giai đoạn kế tiếp chỉ thật sự xảy ra khi hành giả đang an lạc trong chánh định.

Cách giải thích nầy chúng ta có thể tìm thấy trong lời giảng của các nhà sư hiện đại của Tây Tạng, chẳng hạn, ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 (8) Thật ra, người ta đã tìm thấy ý tưởng nầy được hình thành cả 1000 năm trước bởi thánh tăng Atῑśa (982-1054) khi ngài trích dẫn trong Hiện Quán Trang Nghiêm Luận (abhisamayālaṅkāra ) của Di Lặc (maitreya, maitreyanātha) (9,10).

– gate thứ nhất : là sự cổ vũ, thôi thúc hành giả nhập vào chặng đường tích lũy công đức, gọi là Tư Lương Đạo (Path of Merit, Path of Accumulation). Trong giai đoạn nầy, mức am hiểu về Tánh Không của hành giả ứng với phần thô của cách trình bày bốn mặt về Tánh Không qua các  câu “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc, Không chẳng khác Sắc, Sắc chẳng khác Không” trong Tâm Kinh. Phần thô nói ở đây có nghĩa là sự am hiểu về Tánh Không chủ yếu là do theo trí năng, nghĩa là hiểu về Tánh Không và bản chất của hiện tượng  nhờ qua công phu học tập, suy tư và sự am hiểu theo trí năng. Và rồi nhờ công phu thiền quán trên những gì đã học mà sự hiểu biết của hành giả càng ngày càng sâu sắc hơn, cho đến cuối cùng đạt được cái hoàn toàn sáng tỏ trong sự hiểu biết sâu sắc. Tại lúc nầy, hành giả đã tích lũy đủ tư lương, đủ hành trang sẵn sàng chuyển qua giai đoạn Gia Hạnh Đạo (Path of Preparation) (11)

– gate thứ hai : là sự cổ vũ, thôi thúc hành giả bước vào giai đoạn chuẩn bị tâm để am hiểu sâu sắc về Tánh Không, gọi là Gia Hạnh Đạo (Path of Preparation) . Sự am hiểu về Tánh Không trong giai đoạn Gia Hạnh Đạo ứng với phần tinh của các câu “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc, Không chẳng khác Sắc, Sắc  chẳng khác Không”. Phần tinh ở đây có nghĩa là trong khi sự am hiểu của hành giả về Tánh Không vẫn chưa được trực tiếp, thì nó không còn dựa trên trí năng hay nhận thức, mà đúng hơn là dựa trên thực chứng. Trong giai đoạn Gia Hạnh Đạo, sự am hiểu về Tánh Không của hành giả càng lúc càng trở nên sâu sắc hơn, vi tế hơn và rõ ràng hơn. Việc sử dụng các khái niệm trong khi Thiền quán dần dần giảm đi . Cho đến khi tất cả những nhận thức đối đãi nhị nguyên về chủ thể và đối tượng, về thực tại thông thường (tục đế), và về sự hiện hữu có tính bản chất đều bị loại bỏ, hành giả sẽ bước vào giai đoạn Kiến Đạo (Path of Insight, Path of Vision, Path of Seeing) (12).

– pāragate : nói về giai đoạn thấy thực tại, am hiểu Tánh Không một cách trực tiếp và không qua Thiền quán, gọi là Kiến Đạo (Path of Insight, Path of Vision, Path of Seeing). Vào giai đoạn nầy là hành giả bước vào mức tu chứng thứ nhất của Bồ tát (Bồ tát địa thứ nhất = 1st Bodhisattva bhumi = śuklavidarśanā-bhūmi). Giai đoạn Kiến Đạo ứng với lời dạy về Tánh Không của mọi hiện tượng trong Tâm Kinh, qua các câu :” Tất cả các pháp đều là Không, không có tính chất đặc trưng, không dơ, không sạch, không giảm, không tăng. Cho nên trong Tính Không không có Sắc,…,cho đến không có ý thức giới ”.

Các khía cạnh nầy trình bày phương thức  giúp tạo ra sự am hiểu sâu sắc về Tánh Không. Vào giai đoạn nầy, không còn sự tách biệt giữa chủ thể và đối tượng; dường như kinh nghiệm chủ thể và đối tượng tức là nội tâm và ngoại cảnh , đã trở nên hòa nhập, giống như nước chảy vào trong nước, và sự am hiểu về Tánh Không của hành giả trở nên trực tiếp, không cần qua Thiền quán nữa, và sẵn sàng chuyển qua giai đoạn Tu Tập Đạo (Meditation) (13).

– pārasaṃgate : chỉ giai đoạn tu tập trong đó hành giả trở nên quen thuộc sâu sắc với Tánh Không nhờ qua thực hành liên tục, gọi là Tu Tập Đạo (Meditation, Familiarization). Sự am hiểu Tánh Không của hành giả trong giai đoạn Tu Tập Đạo được chỉ ra qua lời dạy của các câu trong Tâm Kinh :” Không có vô minh, không có hết vô minh,… , không có trí tuệ, không có chứng đắc, không có không chứng đắc”.  Trong giai đoạn Tu Tập Đạo, vì kinh nghiệm trực tiếp về Tánh Không của hành giả trở nên sâu sắc hơn nên hành giả phá vỡ nhiều phiên não tinh thần khác nhau một cách có hệ thống. Hành giả tiến sẽ tiến qua chín mức tu chứng từ Bố tát địa thứ hai (gotra-bhūmi) tới Bồ tát địa thứ mười (buddha-bhūmi), nhưng bảy mức tu chứng đầu tiên của  Bồ tát , gọi là “bảy mức bồ tát chưa thuần = bảy địa bồ tát chưa thuần” (seven impure bodhisattva levels). Các mức tu chứng nầy gọi là chưa thuần vì những phiền não vẫn chưa hoàn toàn bị loại trừ cho đến mức tu chứng thứ tám (địa thứ tám = tratyekabuddha-bhūmi). Vào mức tu chứng thứ tám, chín (bodhisattva-bhūmi) và mười (buddha-bhūmi), hành giả phá vỡ ngay cả những chiều hướng và những tác động lâu dài do phiền não gây ra. Sau khi an trú trong mức tu chứng thứ mười, hành giả sẵn sàng qua giai đoạn Vượt Thoát  Đạo hay Phật Đạo (14).

– bodhi svāhā : là lời cổ vũ hành giả tự an trú chính mình một cách vững chắc trong miền giác ngộ, hay đạt Phật quả hay Nhập Cứu Cánh Niết Bàn, gọi là Vượt Thoát Đạo, hay Phật Đạo (Trancendence Path, No more Learning Path, Buddhahood Path). Giai đoạn nầy tương ứng với các câu trong Tâm Kinh :” Do đó, Nầy Xá Lợi Phất, vì không có chứng đắc cho nên Bồ tát y theo Bát Nhã Ba La Mật Đa….vô thượng chánh đẵng chánh giác”. Đây là giai đoạn mà Bồ tát thập địa loại bỏ chướng ngại cản trở nhận thức đồng thời cả về chân đế lẫn tục đế trong một cùng một niệm, và khi đó, trí toàn giác của một vị Phật tỏa rạng trong hành giả. Hành giả đã trở thành vị Phật (15).

Sau cùng chúng ta cũng nên suy ngẫm về lời dạy của ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 trong việc giải thích câu thần chú nầy theo ẩn dụ bằng cách đọc ngắn gọn : “ Hãy đi qua bờ bên kia” hàm ý là hãy từ bỏ bờ nầy của vòng luân hồi sinh tử, của thân tâm chưa giác ngộ, mà đã là nhà của chúng ta từ vô thủy đến nay, và hãy đi qua tới bờ bên kia của cứu cánh Niết bàn và của giải thoát trọn vẹn (16).

Những phân tích trên đây dù có vẻ logic, có vẻ hợp lý đến đâu thì vẫn cũng là phân tích của con người (tuy đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn được cho là vị tái sinh của Bồ Tát Quán Thế Âm), cho nên chưa hẳn đúng với ý của tác giả tạo ra câu thần chú, thường được hiểu là Phật hay Bồ Tát. Cho đến nay chưa một ai dám nói rằng phân tích ý nghĩa của mình là đúng.

Nhưng nguồn gốc xuất phát của thần chú là kinh Vệ Đà của người Ấn Độ và theo tinh thần của kinh Vệ Đà thì công năng và tác dụng của thần chú không phụ thuộc vào sự hiểu biết ý nghĩa thần chú của người tụng niệm chú, bởi mỗi thần chú có giá trị tác dụng riêng, và tác dụng còn tùy thuộc vào cách thức tụng niệm và tâm thái của người tụng niệm

 Lê Tự Hỷ

Nguồn: Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán

Tài liệu tham khảo :
1. Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh Việt Giải, Sài gòn, 1964, p.8.
2. Edward Conze, Buddhist Wisdom, The Diamond Sutra And The Heart Sutra, George Allen & Uwin Ltd, London, 1957, pp. 77-107
3. Red Pine, The Heart Sutra, Shoemaker &Hoard, 2005, p. 158 : “The mantra concludes with bodhi svaha. While the first part of the mantra leads us in to the womb,this last part gives us birth. Bodhi, which is case-free and thus the magic seed of our rebirth, means “enlightenment“…”
4. The Dalai Lama, Essence of The Heart Sutra, tranlated by Geshe Thubten Jinpa, Wisdom Publications, Boston, 2002, p. 131 : “ go, go, go beyond, go totally beyond, be rooted in the ground of enlightenment”
5. Franklin Edgerton, Buddhist Hybrid Sanskrit  Grammar And Dictionary, p. 208
6. Red Pine, The Heart Sutra, Shoemaker & Hoard, 2005, p. 159.
7. Red Pine, The Heart Sutra, Shoemaker & Hoard, 2005, pp. 159-160
8. The DaLai Lama, The Essence of The Heart Sutra, tranlated by Geshu Thubten Jinpa, Wisdom Publications, Boston, 2002, pp. 130-133).
9. Red Pine, The Heart Sutra, Shoemaker & Hoard, 2005,p. 158
10. Jayarava, Visible Mantra , The Herat Sūtra Mantra, 
http://www.visiblemantra.org/heart.html  : “A tradition which seems to originate with Atῑśa (982-1054) relates the parts of the mantra to the stages of the path as set out in the Abhisamayalamkara (attributed to Maitreya):
gate              : Path of merit/ accumulation
gate              : Path of preparation
pāragate       : Path of insight (1st Bodhisattva bhūmi)
pārasaṃgate : Path of meditation (2nd to 10th Bodhisattva bhūmi)
bodhi             : Buddhahood
11. The DaLai Lama, The Essence of The Heart Sutra, tranlated by Geshu Thubten Jinpa, Wisdom Publications, Boston, 2002, pp. 132-133 : “At the initial stage, that is when the practitioner is on the path of accumulation, one’s understanding of emptiness is derived more from intellectual understanding of emptiness and the nature of phenomena. … . In the stage of accumulation, one’s realization of emptiness is primarily from learning, reflection, and intellectual understanding; and through meditaion on what one has learned, one’s understanding becomes deeper and deeper, until one ultimately gains a toatal clarity of insight . At this point, one enters the stage of preparation”
12. The DaLai Lama, The Essence of The Heart Sutra, tranlated by Geshu Thubten Jinpa, Wisdom Publications, Boston, 2002, p. 133 : “During the stage of preparation, one’s understanding of emptiness becomes progressively deeper, subtler, and clearer. The use of concepts in meditation gradually recedes. When all dualistic perceptions of subject and object, of conventinal reallity, and of intrinsic existence are removed,one enters the path of seeing “
13. The DaLai Lama, The Essence of The Heart Sutra, tranlated by Geshu Thubten Jinpa, Wisdom Publications, Boston, 2002, p. 133 :”At this point, there is no separation of subject and object; it is as if the subject experience and its object have become fused, like water poured into water, and one’s meditation on emptiness becomes unmediated”
14. The DaLai Lama, The Essence of The Heart Sutra, tranlated by Geshu Thubten Jinpa, Wisdom Publications, Boston, 2002, p. 133 :”As one’s direct experience of emptiness deepens, one systematically counters the various mental afflictions during the stage of meditation, or familiarization. During this stage, one progressives through what are known as the “seven impure bodhisattva levels”. They are called impure because the mental afflictions are not fully eradicated until the eight level. On the eight, ninth, and tenth levels,one counters even the propensities and imprints left by the afflictions”
15. (The DaLai Lama, The Essence of The Heart Sutra, tranlated by Geshu Thubten Jinpa, Wisdom Publications, Boston, 2002, p. 133 :” Finally, when one removes the obscurations preventing the simultaneous perception of both ultimate and conventional truth within a single cognitive event, the omniscient mind of a buddha dawns”
16. The DaLai Lama, The Essence of The Heart Sutra, tranlated by Geshu Thubten Jinpa, Wisdom Publications, Boston, 2002, p. 131 :” We can interpret this mantra metaphorically to read : “ Go to the other shore”, which is to say, abandon this shore of saṃsāra, unenlightened existence, which has been our home since beginningless time, and cross to the other shore of final nirvāṇa and complete liberation”

SHARE:

Trả lời