TÂM ẤN CHƯ PHẬT lời dạy của Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi.

SHARE:

Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi (? – 594) là vị thiền sư đầu tiên đem Thiền tông truyền vào Việt Nam sau khi được thầy của ngài là Tam tổ Tăng Xán ấn chứng. Bài kệ truyền pháp của ngài nói về Tâm Ấn của chư Phật là tâm giải thoát mà chúng ta những Phật tử tham thiền phải thấu hiểu nhằm giúp ích trong đời tu của mình.

 

Tâm ấn của chư Phật không có lừa dối, tròn đồng thái hư, không thiếu không dư,

không đi không lại, chẳng được chẳng mất chẳng một chẳng khác, chẳng thường chẳng đoạn;

 vốn không có chỗ sanh cũng không có chỗ diệt, cũng chẳng xa lìa, mà chẳng phải chẳng xa lìa.

Bởi thế chư Phật trong ba đời cũng như thế, nhiều đời tổ sư cũng do như thế mà được, ta cũng do như thế mà được, ngươi cũng do như thế mà được, cho đến hữu tình vô tình cũng do như thế mà được.

Tổ Tăng Xán khi ấn chứng tâm này cho ta, bảo ta mau về phương Nam giáo hóa, không nên ở đây lâu. Đã trải qua nhiều nơi, nay đến đây gặp ngươi quả là phù hợp với lời huyền ký. Vậy ngươi khéo giữ gìn, giờ đi của ta đã đến. ”

 

Khi đọc lời truyền thừa này chúng ta thấy Tâm ấn của chư Phật là một cái gì rất xa xôi theo nghĩa nó được dạy cách đây trên một ngàn năm; nó quá xưa cũ và to lớn, xa lạ đến nỗi chúng ta nghĩ mình không có phần. Thật sự chúng ta có phần hay không? Hãy khảo sát kỹ chúng ta sẽ thấy đây là sự truyền thừa mà ngài dành cho chúng ta.

 

Tâm ấn của chư Phật không có lừa dối, tròn đồng thái hư, không thiếu không dư,”.

 

Vì chúng ta không thể tin tâm mình cũng đồng với tâm Phật cho nên ngài nói tâm ấn của chư Phật không có lừa dối.

Nếu đem tâm Phật so với tâm của chúng ta, những chúng sanh, chúng ta tự hạn cuộc Tâm Phật rộng lớn như thái hư thành tâm nhỏ hẹp của mình.

Tâm giống như hư không, cùng khắp không biên giới, chúng ta lại tự mình bao bọc mình thành một hư không tách biệt với hư không bên ngoài. Tạo thành có một cái ta tưởng tượng, đối với cái ta này thì có cái ngoài ta, chúng ta hạn cuộc mình lại, chúng ta cắt xén hư không một thể thành phân cách và tự tạo mâu thuẫn trong cái một tướng xưa nay hợp nhất này. Từ nền tảng đã giải thoát chúng ta chia chẽ và tự tạo mâu thuẫn, thế giới sanh tử hình thành trên chính mảnh đất vốn đã vô sanh, trên Tâm Ấn vốn đã tròn đầy như thái hư này.

Tâm ấn không lừa dối bởi vì chúng ta đang sống sinh hoạt và tu hành trên và trong Tâm Ấn thấu suốt xưa nay này. Tâm ấn luôn luôn hiện hữu chỉ cần chúng ta tháo gỡ những che chướng lầm chấp thì Tâm Ấn hiện tiền ngay trước mặt không cần phải tìm kiếm đâu xa như chúng ta tưởng.

 

Tâm ấn được diễn tả khá gần gũi hơn ở trong thiền Đại Ấn của Ấn Tạng, nhằm đánh thức chúng ta sự có mặt của Đại Ấn trong chúng ta dù người tu có nhận biết nó hay không:

Bản tánh của đại ấn thấm khắp mọi sự: những sự vật bên ngoài và tâm, chúng ta và những người khác. Đồng thời nó không thể nhận dạng và đặt tên.

       Có ba loại đại ấn: đại ấn nền tảng, đại ấn con đường, và đại ấn quả.

 Đại ấn nền tảng là bản tánh của tất cả hiện tượng. Nó như vậy từ sơ thủy; nó ở đó dù chúng ta không chứng ngộ nó.

 Từ quan điểm kinh nghiệm, đại ấn nền tảng là tâm như nó là.

 Từ quan điểm đại ấn nền tảng thấm khắp mọi sự, nó là thực tại, sự vật như chúng là. Đôi khi nó được gọi là viên ngọc của tâm, Như Lai tạng (tathagatagarbha), hay Phật tánh.

 Nó vẫn như vậy dù chúng ta khổ đau hay làm điều tốt, bởi vì đại ấn thấm khắp mọi chúng sanh theo cùng một cách.”

 

Tròn đồng thái hư, bởi vì, khi chúng ta thoát khỏi sự che chướng của cái ta tưởng tượng, chúng ta sẽ thể nhập được với Tâm ấn này. Thật khó tin rằng, ngay đây, ta đang sống trong Tâm ấn này không cách hở, chúng ta đang sống trong sự tròn đầy này mà mình lại bỏ quên nó bởi vì chúng ta chấp có một cái ta, chính cái ta ảo tưởng này che chướng, cho nên chính mình không thấy được thực tại giải thoát chưa từng thiếu vắng.

Tâm ấn chư Phật là cùng khắp cả sanh tử lẫn Niết bàn thế cho nên không có gì để so sánh với nó. Nó là cái toàn thể không gì ngoài Nó, không gì trong Nó, chính Nó dung chứa sanh tử lẫn niết bàn, cho nên Tâm ấn này không thiếu, không dư.

Tâm ấn không phải là một tâm lìa khỏi mọi hiện tượng sinh tử. Tâm ấn một mặt là giải thoát là tánh Không, mặt kia, sự năng động của tâm là quang minh hay Đại quang minh như trong kinh Viên giác và Hoa Nghiêm nói đến. Chính đặc tính bất nhị của hai mặt này làm cho Tâm tiếp cận, bao hàm, thấu thoát mọi hiện tượng sanh tử và sanh tử cũng là một vị giải thoát.

 

Một diễn tả Tâm ấn nữa rất đầy đủ rõ ràng trong Lời Nguyện Đại Thủ Ấn của Garmapa Rangjang Dorje:

 

             “Hiện tướng là tâm;

             Tánh Không cũng là tâm.

             Giác ngộ là tâm;

            Vô minh cũng là tâm.

            Sinh diệt của vạn pháp Cũng chỉ ở trong tâm.

            Con nguyện hiểu rằng mọi pháp Chỉ là tâm.”

 

(Lời Nguyện Đại Thủ Ấn của Garmapa Rangjang Dorje, Đổ Đình Đồng biên dịch.)

 

“Không đi không lại, chẳng được chẳng mất”

 

Chúng ta, những chúng sanh thấy các hiện tượng có đi có lại có được có mất theo chiều thời gian và không gian. Nhưng ở trong Đại quang minh của tâm thì sự đi lại được mất như bóng hiện trong gương tâm bất biến. Thoạt trông như Tâm ấn phủ nhận mọi hiện tượng sinh tử nhưng xét kỹ chúng ta sẽ thấy chính sự thấu thoát được sinh tử là biểu hiện của Tâm ấn này. Phá tướng và hiển tánh là một, thế nên sinh tử tới đâu thì tự tánh sáng suốt của tâm là chứng nhân thấu thoát mọi hiện tượng sinh tử đến đó.

 

“chẳng một chẳng khác, chẳng thường chẳng đoạn;”

 

Sâu hơn, Tâm ấn này là biểu hiện sự hòa nhập của niết bàn và sanh tử, hay tục đế và chơn đế hòa nhập. Nếu nói Tâm ấn chư Phật là toàn khắp thì không gì diễn ra có thể ngoài Tâm ấn này. Nhưng như thế không có nghĩa là Tâm ấn là sự giải thoát của lặng dứt, yên nghỉ; giải thoát nhưng giải thoát trong sự năng động của vạn vật. Tướng một là nói lên sự đồng nhất bất biến, nhưng thế gian luôn luôn biến đổi, Lục Tổ dạy: “Đạo vốn thông lưu chớ không trệ ngại”, vì vậy đồng nhất là cái nền tảng của Tâm ấn, là giải thoát bất động nhưng là bất động không ngoài hiện tượng sinh tử sinh động. Nếu hành giả nào tham thiền nhận ra sự đồng khởi của tâm sẽ cảm nhận điều này rất rõ.

Thiền sư Thường Chiếu có bài kệ:

                      “Đạo vốn không nhan sắc,

                      Mỗi ngày mỗi mới khoe

                      Ngoài đại thiên sa giới,

                      Chỗ nào chẳng là nhà”

Nói lên sự tươi mới và cùng khắp của Tâm, Tâm đang hiện hữu và lưu xuất nhưng mỗi lần, mỗi lần mới, Tâm không rơi vào thường, nhưng cũng chính là Tâm ấy thôi, “nhất niệm tương ưng niệm niệm tương ưng”. (lời của Lục Tổ Huệ Năng); cho nên tâm không rơi vào đoạn diệt. Hai đầu, tâm không ở đầu nào cả nhưng tâm cũng hiện hữu ở cả hai đầu.

 

 “vốn không có chỗ sanh cũng không có chỗ diệt, cũng chẳng xa lìa, mà chẳng phải chẳng xa lìa.”

 

Chúng ta thấy vốn không có chỗ sanh cũng không có chỗ diệt là sự tịch diệt, bất động; nhưng sao lại chẳng xa lìa, mà chẳng phải chẳng xa lìa?

Đây là tâm “sanh tức vô sanh”, hay “tự tịch diệt”.

Theo Đại Toàn Thiện, và thiền Đại Ấn. Người Tây Tạng tự hào về sự khác biệt này trong phương cách chỉ thẳng chân tánh (là bản tánh của mọi sự vật hiện tượng), bản tánh đó là tự giải thoát. Tự giải thoát là sống trong Đại ấn, hay trong Đại Toàn Thiện của tâm hay với Thiền tông là sống bằng Tự tánh.

Vấn đề này được nhìn thấy trong các cách nhìn vào tư tưởng trong tham thiền được diễn đạt bởi Phật giáo Tây Tạng:

Thứ nhất, nhận ra tư tưởng như nhận ra một người quen giữa nơi đông người xa lạ. Ở chốn đông người không quen biết chúng ta nhận ra người quen chỉ nhận ra nhau là đủ. Tư tưởng như người quen khi chúng ta nhận ra chúng, tư tưởng lặn dứt.

Thứ hai, tư tưởng khởi và diệt như vẽ hình trên mặt nước.

Thứ ba, nhận ra tư tưởng như sự tháo ra của một con rắn bò đi. Một con rắn đang nằm khoanh, hành giả nhận ra nó, nó tự tháo khỏi tư thế nằm khoanh và bò đi.

 

Thứ tư, nhận ra tư tưởng như một tên trộm đi vào nhà trống. Một tên ăn trộm đi vào căn nhà trống, nó đi quanh và không có gì để lấy trộm, rồi nó bỏ đi. Căn nhà trống này là Tâm rỗng rang sáng tỏ, Tâm dung chứa, Tâm nền tảng, Tâm ấn.

Tiến trình tham thiền về khởi tưởng được đánh giá qua: có tập trung chú ý, và khoảng thời gian để tiến trình diễn ra từ lúc khởi tưởng đi đến lặn dứt của một niệm. Hành giả chuyển lần từ chú ý có tập trung đến chú ý giảm dần. Quá trình khởi diệt của tư tưởng ánh hiện trong ánh sáng tịch diệt của Tâm, thời gian lúc đầu diễn ra dài, rồi ngắn dần, cho đến không có thời gian nào nữa, và: ngay khi khởi tưởng, đang khởi tưởng, và diệt dứt đều thắm đẳm giải thoát không cố gắng. Cái thấy tịch diệt được thay dần cho sự chú ý.

Từ có chú ý được thay đổi dần là cái thấy thấu suốt không cố gắng và sự tiêu mất chú ý theo sự tiêu mất của thời gian diễn ra của khởi tưởng; cuối cùng: sanh cũng giải thoát hiện hữu cũng giải thoát và diệt dứt cũng giải thoát; hay vốn không có chỗ sanh nên không có chỗ diệt. hay sanh tức vô sanh, hoặc tự tịch diệt.

Tâm Vô niệm là không hai giữa tánh Không và quang minh cho nên: sanh từ tánh Không và diệt về tánh Không, chỗ sanh ra và nơi diệt dứt của tâm là từ tánh Không nền tảng được phản ánh qua sự tỉnh biết quang minh cũng từ nền tảng tánh Không đó.

Bạn chỉ cần nhận biết được dù chỉ một tư tưởng như cách thế sau cùng này, bạn đã thực chứng được “vốn không chỗ sanh nên không có chỗ diệt, cũng chẳng xa lìa và chẳng phải chẳng xa lìa”.

 

Cũng chẳng xa lìa và chẳng phải chẳng xa lìa được thấy rõ hơn nếu chúng ta khảo sát cách nhìn đồng khởi trong tham thiền Đại Ấn được dạy trong (Những Điểm Thiết Yếu Của Đại Ấn: Nhìn Thẳng Tâm, được dạy bởi ngài Khenchen Thrangu Rinpoche nhà xuất bản Thiện Tri Thức.)

Như thế nào là đồng khởi?

““Đồng khởi” hay “đến cùng nhau”, như hai con sông hòa với nhau. Nó cũng có thể được dịch là “bẩm sinh”, hay “sanh cùng nhau” (câu sanh).

Đồng khởi ám chỉ sự kiện rằng trí huệ chứng ngộ thật tánh của những hiện tượng đã hiện hữu sẵn trong chúng ta. Nó không phải là cái gì cần được sanh ra mới. Chúng ta có trí huệ này, nhưng chúng ta không chứng ngộ nó. Bởi vì chúng ta không chứng ngộ những sự vật như chúng là, hay Đại Ấn, mà chúng ta khổ đau. Qua trí huệ đồng khởi, chúng ta kết nối với thực tại của những sự vật, thực tại ấy vốn hiện hữu trong chúng ta.”

Bởi trước đây, chúng ta khi mê tâm thì chấp chặt vào các hiện tượng như thật có mà quên mất bản tánh của nó.

Khi tham thiền chứng nghiệm được tâm giải thoát khỏi các hiện tượng chúng ta thấy giải thoát là lìa khỏi các tướng và tưởng của tâm, chúng ta nhận thấy tâm lặng dứt: tịch diệt và sáng tỏ đồng khởi.

Nhưng tiến thêm một bước nữa, từ Vô niệm sáng tỏ này, tâm lại khởi tưởng, chúng ta nhận ra: xưa nay tư tưởng, và các tướng đồng hiện cùng với bản tánh của tâm. Đây là thấy được sự đồng khởi của Tâm với khởi tưởng. Chính đây là Vô trụ xứ Niết bàn, Niết bàn không xứ sở. Ngay khi tư tưởng khởi và diệt Niết bàn vẫn đồng hiện, dung chứa khởi tưởng.

Tâm ấn của chư Phật được chúng ta kinh nghiệm từ đây, trong tham thiền. Chúng ta nhận biết, từ vô thỉ Tâm đã vốn không sanh không diệt, nhưng không sanh không diệt này luôn bao hàm cả sanh diệt, và bao hàm dung nhiếp sanh diệt mà vẫn là giải thoát tịch diệt. Đây là hiện thể toàn khắp của Tâm ấn. Đây là: Cũng chẳng xa lìa và chẳng phải chẳng xa lìa. Chúng ta thật sự phá vỡ được hư không hạn cuộc mà chúng ta tự mình mê chấp để tiếp cận với Tâm ấn như hư không rộng lớn toàn khắp hằng hữu xưa nay.

Giải thoát không phải quá năng động đó sao? Giải thoát không phải là cùng khắp không thiếu không dư đó sao? Giải thoát không phải là chưa bao giờ thiếu vắng dù chúng ta có nhận biết (ngộ) hay không nhận biết (mê) Nó đó sao?

 

“Vì đối với vọng duyên mà giả lập tên ấy thôi.”

 

Là lời nhắn nhủ với mọi người tất cả đều giả lập. Tâm ấn của chư Phật là giải thoát mà tất cả chúng ta ai cũng có phần. Nó hiện hữu dù chúng ta có nhận ra Nó hay mê Nó. Vì chúng ta không nhận biết điều đó cho nên có duyên thì có tên Tâm ấn, thật ra Nó không cần phải đặt cho một cái tên gì cả. Chỉ là giả lập.

Nhưng không có gì cả đều là giả lập mà có truyền thừa:

 

Bởi thế chư Phật trong ba đời cũng như thế, nhiều đời tổ sư cũng do như thế mà được, ta cũng do như thế mà được, ngươi cũng do như thế mà được, cho đến hữu tình vô tình cũng do như thế mà được.

Tổ Tăng Xán khi ấn chứng Tâm này cho ta, bảo ta mau về phương Nam giáo hóa, không nên ở đây lâu. Đã trải qua nhiều nơi, nay đến đây gặp ngươi quả là phù hợp với lời huyền ký. Vậy ngươi khéo giữ gìn, giờ đi của ta đã đến. ”

 

Thực tại giải thoát là sự hiện hữu ngay tại đây và bây giờ, không phân biệt Phật và chúng sanh, không phân biệt vô tình với hữu tình nó hiện hữu trong tất cả hay rõ ra: thời gian xuyên suốt và không gian bao la là thực tại giải thoát.

Thời gian và không gian là hai chiều kích bao trùm để cho thế giới sanh tử diễn ra, nhưng giải thoát là một niệm thể nhận ra thực tại, một niệm tương thông với thực tại, ngay một niệm thể nhận thực tại là thế giới sanh tử trở thành giải thoát, hành giả thoát khỏi thời gian và không gian tạo ra sanh tử từ bao đời kiếp; nhưng giải thoát cũng không rời thế giới sanh tử mà thế giới sanh tử tương thông với giải thoát, đó là Đại ấn. Sự thể nghiệm này xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào của thế giới sanh tử này. Thật hết sức bất ngờ và cụ thể bởi hiện thực giải thoát này chưa bao giờ thiếu vắng trong thế giới sanh tử của chúng ta!

Thực tại đó chính là: ngay tại đây và bây giờ. Ngay tại đây và bây giờ xâu kết cả không gian và thời gian, hễ mở mắt ra là thấy, nhất niệm vạn niên ở trước mắt chúng ta. Đây là sự thọ ký mà ngài thọ ký cho tất cả chúng ta. Đây là sự truyền trao Tâm ấn của chư Phật cho chính chúng ta.

 

Để thấy rõ hơn điều này hãy tham khảo lời dạy của Tulku Urgyen Rinpoche (1920- 1996)

“Nếu bạn tin có cái gì gọi là tâm, thực ra nó chỉ là một niệm. Nếu bạn tin rằng không có cái gì gọi là tâm, thì nó chỉ là một niệm khác. Trạng thái tự nhiên của bạn, xa lìa bất cứ niệm nào về nó – đó là Phật tánh. Tâm tương tự như hư không, trong đó nó thì không có tự tánh, không phải vật chất gì.

 Không phải tuyệt diệu sao, khi một cái không tự tánh, không thực thể gì cả, vậy mà cũng có khả năng để kinh nghiệm?”

(Trích trong Thiền Tập của Cư sĩ Nguyên Giác nhà xuất bản Thiện Tri Thức.)

Vấn đề ở đây là chúng ta, ai cũng có thể kinh nghiệm trực tiếp Tâm ấn này dù Nó không là gì cả, dù Nó là giả lập, không thể nắm bắt, không thể truy tìm nhưng Nó có. Nó là kinh nghiệm tất cả từ tâm như hư không này, kinh nghiệm tất cả từ tâm Vô niệm này.

Khi bạn thấy chỉ là thấy và nghe chỉ là nghe, không có dính mắc nào trong thấy nghe. Thấy nghe không cần phải cố gắng, tự nhiên, cỡi mở, Vô tâm, thấy nghe không lời, thấy như mới được thấy, nghe như mới được nghe, tinh khôi, nguyên sơ thì: đó chính là Nó: Kinh nghiệm!

Kinh nghiệm có thể kinh qua tất cả mọi thứ tâm khởi lên trong tâm bạn, mọi sự vật hiện tượng trong nhận biết của bạn nhưng kinh nghiệm không để lại dấu vết gì cả. Tất cả chỉ là kinh nghiệm, cũng giống như tấm gương, Tâm luôn luôn phản chiếu mọi hình ảnh dù có hay không có vật, gương tâm vẫn trong sáng, đó là kinh nghiệm.

                       “Nhạn bay trên không

                         Bóng in đáy nước

                        Nhạn không có ý để dấu

                        Nước không có tâm lưu bóng”

(Thiền sư Hương Hải (1628-1715) Thiền phái Trúc Lâm)

Bao nhiêu đó nói lên Tâm ấn trùm khắp đang lưu xuất thấu thoát mọi sự vật hiện tượng qua biểu hiện của kinh nghiệm rồi. Ít ra chúng ta cũng có phần và chúng ta có thể quán sát về Nó và thực hành về Nó và đường vào chính là Nó.

Kinh nghiệm đó ngay đây và bây giờ, nhất niệm tương ưng, niệm niệm tương ưng (lời dạy của Lục Tổ).

 

Đó là ý nghĩa của chữ “như thế” được nhắc lại năm lần:

Bởi thế chư Phật trong ba đời cũng như thế, nhiều đời tổ sư cũng do như thế mà được, ta cũng do như thế mà được, người cũng do như thế mà được, cho đến hữu tình vô tình cũng do như thế mà được.”

Cửa vào đạo là chính ngay tại đây và bây giờ, như thế ở chính ngay trong “con mắt” của chúng ta. Bao nhiêu lời dạy về Tâm Ấn cũng chỉ là giả lập theo vọng duyên, là cái bóng của Tâm Ấn. Cái trước mắt chúng ta như thế là cái cụ thể nhất và nó luôn luôn tồn tại theo cái nghĩa tròn đồng thái hư không thiếu không dưkhông có lừa dối. Đây là cách chỉ trực tiếp nhất, “nguyên xi” nhất, “mới toanh” nhất, vượt thời gian và thật nhất mà chúng ta ai ai cũng có thể kinh nghiệm được!

Tâm ấn là một cái tên theo vọng duyên giả lập. Nhưng “như thế” thì không giả lập chút nào, Nó là một minh chứng hùng hồn rằng chúng ta đang đứng trước, đang ở trong Tâm ấn mà ngài đã truyền trao, đang truyền trao và mãi mãi truyền trao. Tâm ấn ngập tràn nơi mắt, sống động nơi tai,…tươi mới, mỗi mỗi tươi mới; lúc nào cũng luôn đánh thức chúng ta!

 

 

Tháng 12 năm 2015, Phật lịch 2559

Tánh Hải

 

 

SHARE:

Trả lời