AM HIỂU SỰ THỰC HÀNH

SHARE:

Không có hiểu biết đích thực, mọi hiện tượng chỉ là những hình ảnh giả dối ; chúng không hiện hữu trong một nghĩa thực, mà giống như rất nhiều phản chiếu trong một tấm gương. Một con mèo con, không biết hình ảnh trong tấm gương là phản chiếu của chính nó, đuổi theo hình ảnh đó như thể nó là một con mèo có thật để kết bạn. Trong Đại Toàn Thiện, mọi hình tướng xuất hiện (snang-pa) được hiểu là diệu dụng, hiệu năng (rtsal) của năng lực của trạng thái bổn nguyên hay Bồ đề tâm.

 

Chủ đề thứ nhất là hiểu sự thực hành. “Hiểu” (rtogs-pa) không phải là lý luận và phân tích, mà nó dựa trên sự trao truyền. Cái thấy (lta-ba) của chúng ta là một cách thấy sự vật và nó bao hàm phân tích và giải thích. Nhưng “hiểu” thì căn bản là một sự đi vào một hiểu biết về cái thấy thật sự một cách thực nghiệm.

 

Khi chúng ta không có hiểu biết cụ thể thuộc loại này, chúng ta nương dựa vào những diễn tả và giải thích của những người khác, và những cái đó có thể thay đổi theo từng ngày. Không có hiểu biết đích thực, mọi hiện tượng chỉ là những hình ảnh giả dối ; chúng không hiện hữu trong một nghĩa thực, mà giống như rất nhiều phản chiếu trong một tấm gương. Một con mèo con, không biết hình ảnh trong tấm gương là phản chiếu của chính nó, đuổi theo hình ảnh đó như thể nó là một con mèo có thật để kết bạn. Trong Đại Toàn Thiện, mọi hình tướng xuất hiện (snang-pa) được hiểu là diệu dụng, hiệu năng (rtsal) của năng lực của trạng thái bổn nguyên hay Bồ đề tâm.

 

Những hình tướng xuất hiện này là những tính chất [mà người Việt gọi là các tướng, người dịch Việt ngữ] hay những trang sức của trạng thái này. Khi chúng ta đi vào hiểu biết chúng ta không có nghi ngờ về điều này nữa. Như vậy chúng ta xác định một cách rốt ráo rằng mọi hình tướng xuất hiện là một sự phô diễn huyễn thuật của tâm.

 

Bản Tánh của Tâm là từ sơ thủy vốn trống không và không có bất kỳ tự ngã hay bản chất cụ thể nào. Nhưng chúng ta chớ nghĩ tâm chỉ là cái không có gì cả, bởi vì nó có sự sáng tỏ và trong trẻo của tấm gương. Sự sáng tỏ này (gsal-cha) hiện hữu một cách không ngăn ngại và không gián đoạn (‘gags-med), như mặt trăng được phản chiếu trong nước theo nhiều kiểu khác nhau. Những tư tưởng sanh khởi trong tâm là cách theo đó Bản Tánh của Tâm biểu lộ chính nó.

 

Nhưng cũng như chúng ta phải hiểu những phản chiếu để hiểu bản tánh của tấm gương, thế nên chúng ta phải khảo sát những tư tưởng để thấy từ đâu chúng sanh khởi, nơi đâu chúng trụ, và về đâu chúng đi. Tuy nhiên, khi chúng ta nhìn vào việc này, chúng ta khám phá rằng không có chỗ nào nơi đó những tư tưởng sanh, trụ và diệt. Không có cái gì có thể được xác định và cái chúng ta tìm thấy là trống không hay tánh không. Đây là thực chất của tâm.

 

Bây giờ, dù trường hợp thế này, những tư tưởng tiếp tục sanh khởi không dứt. Dù vậy, cái chúng ta tìm thấy là một tỉnh giác hay trí huệ nguyên sơ của hiện diện thanh tịnh (rig-pa’i ye-shes). Trong đó không có nhị nguyên một bên là tánh không và bên kia là sự sáng tỏ. Cái tỉnh giác nguyên sơ này là tự nhiên và tự toàn thiện (rang-bzhin lhun-grub) một cách tự phát. Ở mức độ của tâm (sems) chúng ta không tìm thấy tính bất nhị này bởi vì tâm vận hành trong thời gian, trong khi trạng thái của hiện diện thanh tịnh (rig-pa) nằm bên trên những giới hạn của tâm.

 

Khi chúng ta nhận biết rằng những hình tướng xuất hiện chỉ là những trang hoàng của thật trạng của hiện hữu (chos nyid rgyan, pháp tánh), những hình tướng xuất hiện này sanh khởi với sáu quan năng đã buông xả, thư giãn một cách cảnh giác của chúng ta bèn được tự giải thoát vào trong hiện trạng của chính chúng (rang sar grol) ngay khi chúng sanh khởi. Sáu quan năng là năm giác quan cộng thêm ý. Sự hiện diện của những hình tướng xuất hiện trước khi tạo thành bất kỳ ý niệm hay phán định nào được gọi là “sự sáng tỏ”.

 

Những hình tướng xuất hiện ám chỉ thế giới bên ngoài, trong khi những phiền não và những dấu vết nghiệp (bag-chags) ám chỉ thế giới của kinh nghiệm bên trong. Sự biểu lộ của trạng thái bên trong của hiện diện thanh tịnh là tỉnh giác hay trí huệ (ye-shes) nguyên sơ. Sự sanh khởi của hiện diện thanh tịnh (rig-pa) không bao giờ mất đi sự tự-toàn thiện (lhun-grub) của nó, tức là, những phẩm tính căn bản của nó, như mặt trời mọc không mất đi những tia sáng của nó.

 

Những phiền não của chúng ta chỉ lớn mạnh bởi vì chúng ta không biết trạng thái của hiện diện thanh tịnh, và do đó mà chúng ta chạy theo những phiền não của chúng ta. Nhưng khi chúng ta thấy mình trong trạng thái của hiện diện thanh tịnh của những phiền não, chúng không thống trị chúng ta và chúng ta cũng không phải đè nén chúng bởi vì chúng giống như những trang sức của trạng thái bổn nguyên của chúng ta. Như thế những phiền não của chúng ta là tự-giải thoát vào trong thật trạng của chính chúng ngay khi chúng sanh khởi.

 

Những hình tướng xuất hiện và cái hiện diện thanh tịnh (tánh giác rig-pa) là không thể tách lìa (snang rig dbyer-med). Khi chúng ta nhận biết (ngos zin) điều này và thấy mình trong trạng thái này, bấy giờ những tư tưởng lan man sanh khởi bám nắm nhị nhuyên chủ thể và đối tượng được giải thoát vào thực trạng của chính chúng.

 

Chúng ta không cố gắng ngăn chặn hay chối bỏ chúng theo cách nào cả, mà chúng ta chỉ vẫn tỉnh giác trong sự hiện diện của sự sanh khởi của chúng.

 

Có ba thể thức tự-giải thoát trong trường hợp này, tùy theo khả năng của hành giả :

1. tự-giải thoát qua chú ý trần trụi (gcer grol)

2. tự-giải thoát ngay trên sự sanh khởi của một tư tưởng (shar grol)

3. tự-giải thoát như vậy (rang grol).

Từ gcer nghĩa là “chú ý trần trụi hay nguyên xi”. Nhưng cái này chưa phải là tự-giải thoát thực sự, bởi vì, trong việc tự quan sát chính mình, chúng ta còn dùng một mức độ cố gắng nào đó. Chẳng hạn, khi một tư tưởng sanh khởi, chúng ta nhìn thẳng vào mặt nó và nó giải thoát vào trong thể trạng của nó.

Từ shar nghĩa là “sanh khởi”. Ngay khoảnh khắc tư tưởng sanh khởi, nó tự-giải thoát. Chẳng hạn, khi chúng ta ghi nhận một tư tưởng sanh khởi, chúng ta không phải cố gắng nhìn thẳng vào mặt nó, nhưng ngay khi nó sanh khởi, chúng ta thấy mình ở trong trạng thái của hiện diện, tức là ở trong Rig-pa và nó tự-giải thoát.

Tự-giải thoát chân thật (rang grol) xảy ra khi khả năng này đã khai triển trọn vẹn. Ở mức độ này, chúng ta đã đạt đến sự tương tục của trạng thái Rig-pa.

 

Câu này cho tinh túy của vấn đề. Cái tỉnh giác (shes-pa) sanh khởi trong khoảnh khắc thình lình ban đầu (thol-‘byung skad-cig dang-po) của tiếp xúc giác quan chính là cái hiện diện thuần túy (rig-pa), nó được biểu lộ không tạo tác hay sửa sang bởi tâm và nó không được tạo ra hay sản sanh ra bởi bất kỳ nguyên nhân gì. Trạng thái hiện diện (tánh giác rig-pa) này là gì ? Nó là một hiện trạng (de-bzhin-nyid) siêu vượt những giới hạn của cả chủ thể và đối tượng ; nó là một tỉnh giác bổn nguyên tự nhiên hay đích thực của hiện diện thanh tịnh (tánh giác rig-pa). Từ de-bzhin-nyid để chỉ trạng thái có tính cách vừa là thanh tịnh bổn nguyên (ka-dag) vừa là vốn tự toàn thiện (lhun-grub).

 

Trong trạng thái tánh giác hay hiện diện thanh tịnh này, ba Phương Diện của Trạng Thái của Samantabhadra (Phổ Hiền) hiện diện một cách toàn thể. Ba cái này được gọi là Tinh Túy, Bản Tánh và Năng Lực.

 

Về trạng thái hiện diện thanh tịnh, Tinh Túy (ngo-bo) của nó là Pháp thân, tức là tánh không. Tinh Túy này là một, Nền Tảng căn bản trong đó tất cả những hiện tượng là đồng nhất. Pháp là toàn thể hiện hữu và thân nghĩa là chiều kích, kích cỡ của toàn thể hiện hữu đó. Bởi vì không có chút dấu nghiệp hay cặn bã nghiệp nào trong trạng thái này, chúng ta nói đến Tinh Túy của nó là tánh không.

 

Nghiệp luôn luôn là cái gì thuộc về cấp độ của tâm (sems), trong khi tánh giác Rig-pa hay hiện diện thanh tịnh thì nằm vượt trên sự vận hành giới hạn của tâm. Như vậy chúng ta nói đến ở đây không phải là tâm (sems) mà là tánh giác bổn nguyên hay trí huệ (ye-shes).

 

Bản tánh của nó là Báo thân, tức là sáng tỏ quang minh (gsal-ba). Báo nghĩa là có sự giàu có, hưởng thụ tất cả những phẩm tính của Giác Ngộ trong sự toàn thiện của chúng. Thân nghĩa là chiều kích, kích cỡ của cái đó. Sáng tỏ quang minh chỉ ra rằng có một biểu lộ như là năng lực từ Nền Tảng Bổn Nguyên là tánh không ; sự biểu lộ này chưa là vật chất nhưng nó phân khác và biểu hiện như năm ánh sáng bổn nguyên hay năm tỉnh giác, trí huệ bổn nguyên (ye-shes lnga). Chiều kích này vượt khỏi mọi chế tạo ý niệm do trí thức hữu hạn tạo thành.

 

Năng Lực (thugs-rje) của nó là Hóa thân thì không bị ngăn ngại và không dứt. Hóa nghĩa là biểu lộ hay lưu xuất, và thân nghĩa là chiều kích của cái đó. Ở đây, “biểu lộ” nghĩa là cái gì ở cấp độ tương đối, nghĩa là, tiếp xúc với chúng sanh trong chiều kích vật chất. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đã biểu lộ trong thời gian và lịch sử, là một Hóa thân. Tuy nhiên, Hóa thân không bị Nghiệp hay những phiền não quy định. Như vậy Ba Thân như là Tinh Túy, Bản Tánh và Năng Lực, thì trọn vẹn hiện diện từ sơ thủy trong trạng thái tự-toàn thiện của tánh giác Rig-pa.

 

Tỉnh giác (shes-pa) hay hiện diện thanh tịnh (tánh giác rig-pa) mà chúng ta nói ở đây sanh khởi ngay khoảnh khắc đầu tiên tươi mới trước khi tâm có cơ hội đi vào vận hành, tác động một cách nhị nguyên thành chủ thể và đối tượng. Trong trường hợp này, những xuất hiện bên ngoài sanh khởi chỉ như một biểu lộ của sáng tỏ quang minh.

 

Mọi sự chúng ta nhận thức sanh khởi qua những quan năng của chúng ta : sáu căn – năm giác quan và tâm ý. Khi tiếp xúc giác quan xảy ra, sự hiện diện của cảm giác được truyền thông đến tâm ý và rồi một tiến trình tâm thức diễn ra với nhiều ý niệm và phán định. Nhưng khi tâm thức chưa đi vào phán định hay ý niệm, cái này gọi là ‘dzin-med, hay không bám nắm bất cứ cái gì. Không đi vào phán định động ý nào, chúng ta ở yên hiện diện trong tánh giác.

 

Như vậy chúng ta nói rằng những hình tướng xuất hiện là hiện diện hay an trụ trong thật trạng của bản thân hiện hữu, nghĩa là trong Pháp tánh (Dharmata, TT. chos-nyid). Pháp nghĩa là “bất cứ cái gì hiện hữu” và tánh nghĩa là “trong thể trạng của chính nó”. Mọi sự sanh khởi đều có bản tánh (rang-bzhin) hay thể trạng sẵn có của chúng.

 

Nhiều sự vật khác nhau sanh khởi, nhưng thể trạng sẵn có hay bản tánh của chúng là một. Chẳng hạn, gỗ và nước xuất hiện là khác nhau, công dụng của chúng cũng khác nhau, nhưng bản tánh sẵn có thật sự của chúng thì như nhau, tức là tánh không. Cấp độ này của biểu lộ năng lực của tất cả những hiện tượng được gọi là Pháp tánh. Khi chúng ta nói đến năng lực của cá nhân, chúng ta dùng từ rtsal để biểu thị năng lực này của thể trạng của hiện hữu như nó là. Thế nên chúng ta phải hiểu cái gì là Pháp tánh, nếu không chúng ta không thể hòa nhập năng lực riêng của chúng ta với nó.

 

Sau cùng, điều có nghĩa ở đây là khi một tư tưởng sanh khởi trong tâm chúng ta, chúng ta không đi vào phê bình phán định nó. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa chúng ta hôn trầm hay lơ đễnh vào lúc đó. Đúng ra, chúng ta tuyệt đối hiện diện vào khoảnh khắc đó, hoàn toàn nhận thức và cảnh giác.

 

Và nếu chúng ta thấy mình hiện diện trong trạng thái cảnh giác đó, chúng ta sẽ vượt khỏi mọi ý niệm nhị nguyên, nhưng chúng ta vẫn ở đó với đầy đủ hiện diện của những giác quan của chúng ta. Nếu chúng ta ở trong trạng thái hiện diện này, dù có ai đang làm cái gì gần chúng ta, chúng ta chỉ cần có một ghi nhận về điều ấy mà không theo tư tưởng đó. Sự vận hành của những giác quan chúng ta không bị ngăn chặn, nhưng chúng ta không để cho tâm đi vào phán định cái gì đang xảy ra. Ở trong một trạng thái hiện diện như vậy, chúng ta thấy mình ở trong cái được gọi là Pháp tánh, thật trạng của hiện hữu.

 

Bởi vì trạng thái tự nhiên của tỉnh giác ban sơ tức thời này gặp gỡ Pháp tánh như là Mẹ của nó, chúng ta có thể nói rằng, thật ra, nó là Pháp thân. Gặp gỡ với Mẹ của chính nó có nghĩa là gì ? Mẹ Pháp tánh nghĩa là thật trạng của hiện hữu như nó là, và từ cái này mọi hiện tượng (pháp) sanh khởi, như những đứa con sanh từ mẹ của chúng.

 

Trong Tantra, chúng ta nói mọi sự sanh khởi từ Sunyata hay tánh không, thí dụ như, nguyên tố gió hay vayu-mandala sanh khởi, theo sau liên tiếp là các nguyên tố khác. Như vậy tánh không là thể trạng của những sự vật và chúng ta nói đến cái này như là ka-dag, “thanh tịnh từ sơ thủy”. Bởi vì mọi sự sanh khởi từ Pháp tánh này, nó được gọi là “Mẹ”.

 

Nói chung, cá nhân thì bị những ý niệm và cái thấy nhị nguyên về thế giới của nó quy định. Hơn nữa, nó không có cái hiểu đích thực tánh không nghĩa là gì nếu không đi vào lý luận và phán định nhị nguyên. Nhưng ở đây có một gặp gỡ mặt đối mặt với Trí-Huệ-Mẹ của Pháp tánh và điều này không bao hàm bất kỳ vận hành nào của tâm, không tư tưởng so đo diễn dịch.

 

Chúng ta kinh nghiệm chính tự thân chiều kích này của hiện hữu là Pháp thân. Pháp thân không có nghĩa một hình ảnh của Phật, đang thiền định với hai tay xếp lên nhau và hai chân khoanh lại ; hình ảnh của Phật Bổn Nguyên Samantabhadra chỉ hiện hữu để cho trí óc hữu hạn của con người một số ý niệm về nghĩa của Pháp thân. Hình ảnh này là tượng trưng, nhưng bản thân Pháp thân thì vượt khỏi quan niệm và diễn tả theo hình dạng, màu sắc… Nó là chiều kích toàn khắp của bản thân hiện hữu.

 

Tâm là gì ? Nó phải được phân biệt khỏi cái được gọi là Bản tánh của Tâm. Để làm rõ vấn đề, có thí dụ những phản chiếu trong một tấm gương. Những tư tưởng sanh khởi trong tâm giống như những phản chiếu, trong khi bản thân tấm gương, nó có khả năng phản chiếu, thì giống Bản tánh của Tâm.

 

Khi những tư tưởng sanh khởi, chúng ta không đi theo chúng và đi vào ý niệm và phán định, mà chúng ta chỉ vẫn thuần túy hiện diện và phẩm tính này của Bản tánh của Tâm được gọi là Rigpa. Rigpa nghĩa là trạng thái hiện diện này. Rigpa cũng là lhun-grub, nghĩa là vốn tự-toàn thiện trong mọi phẩm tính của nó ngay từ sơ thủy.

 

Đó không phải là một vấn đề có được cái gì mà chúng ta chưa có. Đúng ra, khi chúng ta thấy mình trong một trạng thái của hiện diện, trạng thái này tự biểu lộ tất cả những phẩm tính vốn có sẵn của nó và điều này là ý nghĩa của lhun-grub. Đây là trạng thái tự nhiên đích thực nguyên tuyền của hiện diện thanh tịnh tự-toàn thiện (rig-pa lhun-grub), nó là Trạng thái tự nhiên của Đại Toàn Thiện.

 

Đại Toàn Thiện, Dzogchen, nghĩa là gì ? Nó không phải là bản văn hay truyền thống hay bộ phái hay hệ thống triết học nào đó. Đúng ra, nó là trạng thái bổn nguyên của cá nhân, thanh tịnh từ sơ thủy và vốn tự-toàn thiện. Thấy mình trong trạng thái này thì gọi là Dzogchen, Đại Toàn Thiện. Khi chúng ta nhận thức trạng thái này, đây là hiểu biết hay trí huệ (rig-pa) và khi chúng ta không nhận thức nó, đó là vô minh (ma rig-pa).

 

SỐNG TRONG THAM THIỀN CHU KỲ NGÀY VÀ ĐÊM

Việt dịch: Trùng Hưng và An Phong

 Thiện Tri Thức 2003.

SHARE:

Trả lời