BẢN TÂM VÔ SANH

SHARE:

Trong 37 phẩm trợ đạo theo Nikaya và A-Hàm, đức Phật có dạy Tứ Chánh Cần như sau:
Ác dĩ sanh, sử trừ đoạn:Tinh tấn đoạn trừ những niệm ác đã phát sanh, làm cho tuyệt dứt.
Ác vị sanh, sử bất sanh:Tinh tấn ngăn ngừa những niệm ác chưa phát sanh, đừng cho sanh khởi.
Thiện vị sanh, sử phát sanh:Tinh tấn làm cho những niệm thiện chưa phát sanh, được sanh khởi.
Thiện dĩ sanh, sử tăng trưởng:Tinh tấn làm cho những niệm thiện đã phát sanh, được tăng trưởng.”
Đức Phật dạy chúng ta phải thường quán chiếu kiểm soát chặt chẽ những tâm niệm của mình dù thiện hay ác. Ác niệm khởi lên thì làm cho diệt mất, thiện nghiệp khởi lên thì làm cho tăng trưởng (như lý tác ý). Khi khởi tâm hoặc tác ý theo chiều hướng đưa đến tà kiến cũng như tác ý làm cho bất thiện pháp được phát sanh và tăng trưởng thì đây gọi là “phi như lý tác ý”. Ngược lại, nếu khởi tâm tác ý theo chiều hướng đưa đến chánh kiến cũng như tác ý làm cho thiện pháp được phát sanh và tăng trưởng thì gọi là “như lý tác ý”. Tiến lên cao hơn tới Đại Thừa thì Phật dạy mình phải quán chiếu sâu vào trong lòng thực tại để quét sạch mọi sở niệm nơi tâm dù thiện dù ác. Một khi mọi sở niệm nơi tâm đã được quét sạch thì năng niệm cũng chẳng còn chỗ bám nên đi vào tịch tịnh “năng sở song vong”(năng sở đều mất). Lúc đó cánh cửa Sinh Tử vĩnh viễn được đóng lại, và từ nay cánh cửa Bồ Đề được mở rộng không ngằn mé. Từ đây thực tại tuệ giác hiển lộ nên soi thấy các pháp không bị chướng ngại (chiếu kiến ngũ uẩn giai không), được tự do tự tại, nên cũng gọi là“Quán Tự Tại”. Đồng một ý, Tổ Quy Sơn cũng có dạy ở đoạn cuối “tâm cảnh câu quyên, mạc ký mạc ức”(tâm cảnh đều quên, không nhớ không nghĩ) và “nhất tâm bất sanh, vạn pháp câu tức”(một tâm không sanh, muôn pháp đều Như).Những ý chỉ này cũng được đề cập tới trong các kinh sách thuộc cả hai hệ Nikaya và Đại Thừa. Nay xin trích một vài số Kinh sách để chỉ dẫn:
Kinh Đại Ca-Chiên-Diên Nhất Dạ Hiền Giả chép:
“Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, không rung chuyển
Biết vậy, nên tu tập,
Hôm nay nhiệt tâm làm,
Ai biết chết ngày mai?
Không ai điều đình được,
Với đại quân thần chết,
Trú như vậy nhiệt tâm,
Đêm ngày không mệt mỏi,
Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,
Bậc an tịnh, trầm lặng.”
Tâm chúng sanh là tâm vọng, mang tính cách cục bộ chủ quan và bị áp đặt bởi biến kế sở chấp nên thường xa rời thực tại và luôn rơi vào tình chấp nhị biên: có không, thiện ác, chánh tà v.v… Vì thế dù chúng ta có khởi bao nhiêu tâm niệm, dù thiện hay ác thì hết thảy những tâm niệm ấy đều là vọng tâm sinh diệt cả. Đã là vọng tâm sinh diệt trong cả ba thời gian thì làm sao chúng ta có thể nắm bắt được? Những tâm niệm thuộc quá khứ thì đã qua rồi nên hiện có tìm cũng chẳng được. Những tâm niệm thuộc tương lai thì chưa tới hay chưa hiện hữu thì làm sao nắm bắt được chúng. Còn những tâm niệm thuộc thời hiện tại thì cũng chẳng thể nắm bắt được vì vừa nói hiện tại thì nó đã là quá khứ rồi. Cho nên Kinh Kim Cang nói “quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc”(Dòng tâm quá khứ không thể nắm bắt, dòng tâm hiện tại không thể nắm bắt, dòng tâm vị lai không thể nắm bắt). Vọng tâm trong cả ba thời gian đã không thể nắm bắt thì đừng nắm bắt chúng. Chính cái tâm muốn nắm bắt đó cũng thuộc vọng tâm sinh diệt. Cho nên cả cuộc đời mình cứ bị vọng tâm sai sử, bị nó che khuất Chân Tánh, nên nhận nó là mình, của mình, và tự ngã của mình. Nói cách khác chúng ta nhận vọng làm chơn, nhận vật làm mình, nhật giặc làm con nên vì nó tạo bao nghiệp thiện ác mà chịu khổ sanh tử lưu chuyển trong ba cõi sáu đường không có ngày ra khỏi được. Nếu muốn thoát khỏi sanh tử khổ đau thì chính chúng ta phải rời bỏ vọng tâm để trở về với Chân Tâm của mình (bối trần hiệp giác)mới thấy rõ được thực tại các pháp đang là hay“NHƯ”bằng “Thật Tướng Bát Nhã”hay “Tuệ quán thể đồng nhất”(Tuệ quán đồng nhất thể). Cũng vì vậy Tổ Quy Sơn đã nói “nhất tâm bất sanh, vạn pháp câu tức”(một tâm không sanh, muôn pháp đều Như).
Kinh Nhất Dạ Hiền Giả cũng dạy mình phải ngay hiện tại bây giờ dùng tuệ quán để dẹp hết mọi đối tượng của thức, cho đến khi tâm “không động không rung chuyển”nữa mới thôi. Tới đó thì những khái niệm về thời gian và không gian thuộc tình thức đều được quét sạch bởi Quán Chiếu Bát Nhã (Tuệ Quán chính ở đây). Và cũng chính ngay đó ánh sáng Trí Tuệ từ Chân Tánh tự chiếu soi (Thật Tướng Bát Nhã)nên thấy rõ và đúng tất cả vạn pháp như chúng đang là hay Như Thị, Bất Nhị, Không. Đó cũng chính là trạng thái thường trực, bất biến và phi thời của Bản Tâm, cũng gọi là Thiền, cũng gọi là Tịnh Độ. Chứ chẳng có Thiền nào khác mà cũng chẳng có Tịnh Độ nào khác ngoài Bản Tâm ấy ra cả. Chỗ tâm “không động không rung chuyển”chẳng khác gì chỗ mà Tổ Quy Sơn nói là “tâm cảnh câu quyên, mạc ký mạc ức”hay “nhất tâm bất sanh, vạn pháp câu tức.”Đây cho chúng ta thấy, không phải những gì trong hệ Kinh Nikaya đều thuộc về giáo lý Nhị Thừa cả đâu, mà chính ngay trong đó cũng có tư tưởng sâu sắc của Đại Thừa. Chẳng qua là dùng những danh từ khác để diễn đạt một chân lý tối thượng mà thôi.
Kinh Pháp Hoa, Phẩm Phổ Môn cũng có dạy tương tựa như sau:
Hán-Việt:
“Nhữ thính Quán Âm Hạnh
Thiện ứng chư phương sở
Hoằng thệ thâm như hải
Lịch kiếp bất tư nghì
Thị đa thiên ức Phật
Phát đại thanh tịnh nguyện
Ngã vị nhữ lược thuyết:
Văn danh cập kiến thân,
Tâm niệm bất không quá
Năng diệt chư hữu khổ.”
Việt-Dịch, HT Thích Minh Điền:
“Ngươi nghe hành Quán Âm
Khéo ứng dụng khắp nơi
Thề rộng sâu như biển
Trải nhiều kiếp khó bàn
Hầu nhiều ngàn đức Phật
Phát nguyện lớn thanh tịnh
Ta vì ngươi lược nói:
Nghe tên và thấy hình
Tâm niệm chẳng khởi lên
Năng diệt khổ các cõi.”
Kinh Pháp Hoa Phẩm Phổ Môn dạy về Pháp Hành Quán Thế Âm (nhữ thính quán âm hạnh, thiện ứng chư phương sở) hay “phản văn”, nhưng xưa nay chúng ta đều hiểu lầm nên cho Quán Thế Âm là vị Bồ Tát hay mẹ hiền nghe tiếng khổ đau của chúng sanh bên ngoài để đến cứu khổ vì vậy cho nên chúng ta niệm “Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát”để cầu cứu. Do vậy vô tình đã biến pháp hành Quán Thế Âm thành thần linh Quán Thế Âm hay tín ngưỡng Quán Thế Âm bằng niềm tin huyền bí không đúng chân lý. Thứ nhứt chúng ta phải chánh kiến rằng giải thoát là thuộc về tâm, mà tâm thì vô hình vô tướng, nên không có ai có thể vào trong dòng tâm thức mình để cứu mình được. Thứ hai nếu cứu khổ theo kiểu bên ngoài như thế thì chẳng khác gì mình tìm cầu sự cứu rỗi của thần linh hay thượng đế, mà như vậy thì mình đã đi trái với luật Nhân Quả mà đức Phật đã dạy. Thứ ba nếu dùng tai nghe chúng sanh kêu cứu bên ngoài mà tới cứu thì đâu thể gọi là “Quán Thế Âm”được? Đáng lý phải gọi là“Văn Thế Âm”hay “Thính Thế Âm”hay “nghe”tiếng âm thanh thế gian mới đúng. Còn ở đây là dùng chữ Quán, nghĩa là dùng Tâm hay mắt Tuệ (Quán Chiếu Bát Nhã)chiếu soi lại nơi tâm mình làm cho những tự ngôn tự ngữ nơi tâm (Thế Âm)được hóa giải trong sạch (quán sở không). Vả lại, nếu dùng tai để nghe tiếng kêu bên ngoài tức là vô tình xoay lưng lại với Tánh Giác chạy theo thanh trần (Hiệp Trần Bối Giác)thì chỉ chuốc thêm nhiều khổ đau mà thôi chứ đâu thể hóa giải được chúng? Âm thanh thầm kín của cõi lòng tức là vọng tưởng chứ không phải là thanh trần. Mà vọng tưởng nơi tâm thì không thể dùng tai để nghe mà phải dùng mắt tuệ để quán chiếu(Quán Thế Âm). Quán sát những vọng tưởng trong tâm làm cho nó tan biến hay xa lìa mọi vọng tâm tư lự, mở ra Tri Kiến Phật nên gọi là Bồ Tát hay Giác Hữu Tình. Hữu tình nghĩa là vọng tâm sinh diệt. Nay do xoát hết mọi đối tượng của thức để Chân Tánh bùng lên, không còn vọng tâm sinh diệt nữa nên gọi là Giác. Nói cách khác, dùng Tuệ Giác chiếu soi làm cho những vọng tâm tư lự không còn nữa thì gọi là Giác Hữu Tình hay Bồ Tát. Vì vậy Kinh Kim Cang, đức Phật dạy, “Diệt độ hết thảy chúng sanh vào Vô Dư Niết Bàn, mà thật chẳng thấy chúng sanh được mình diệt độ.”Chúng sanh ở đây là tất cả mọi sở niệm của tâm hay vọng tưởng, Vô Dư Niết Bàn là rốt ráo tịch diệt hay Không (Sở Quán Không). Dẹp hết mọi vọng tưởng hay hay làm cho sở quán Không thì gọi là độ hết thảy chúng sanh vào Vô Dư Niết Bàn. Sở niệm sở quán đã Không, thì tâm năng niệm năng quán cũng Không. Năng và Sở đều dứt nên chẳng thấy có người độ và chúng sanh được độ vì thế nên Kinh nói chẳng thấy có chúng sanh nào được mình diệt độ. Đây là cách hàng phục và an trụ tâm của Bồ Tát vậy.
Khi Tri Kiến Chúng Sanh không còn và Tri Kiến Phật hiện hữu thì chúng ta mới thật sự sống được với Tánh Giác nơi mình một cách trọn vẹn và hóa giải được những lầm mê do biến kế sở chấp của ý thức gây ra nên vượt thoát khỏi mọi khổ đau ách nạn (chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách). Nam mô (Namo) nghĩa là xoay về nương tựa. Nương tựa với cái pháp hành Quán Thế Âm hay cũng là Trí Tuệ Bát Nhã từ Chân Tánh. Xoay về để dùng mắt tuệ chiếu soi (Quán)lại những âm thanh nơi cõi lòng (Thế Âm)làm cho những vọng tâm ấy tan biến, nên những khổ đau của tâm được chấm dứt (Bồ Tát = Giác Hữu Tình). Vì thế đoạn Kinh ở trên có dạy,“Văn danh cập kiến thân, tâm niệm bất không quá, năng diệt chư hữu khổ.”(Nghe tên và thấy hình, tâm niệm chẳng khởi lên, năng diệt khổ các cõi). Thấy nghe chỉ bằng thấy nghe mà chẳng lập tình thức trước vật nên cái thấy nghe đó mới là đúng với thật tướng các pháp (tri kiến phi kiến tư tức Niết Bàn). Còn thấy nghe mà lập tình thức trước vật thì đó cái thấy nghe sai lầm (tri kiến lập tri tức vô minh bổn). Do vì thấy nghe sai lầm bằng vọng thức nên mới có khổ đau. Còn nếu thấy nghe đúng như thật bằng Chân Tâm thì chẳng có khổ đau, nên gọi là “năng diệt chư hữu khổ”. Cái câu “Tâm niệm bất không quá”ở Kinh Pháp Hoa thì chẳng khác cái câu “không động không rung chuyển”trong Kinh Nhất Dạ Hiền Giả, và cũng chẳng khác câu “nhất tâm bất sanh, vạn pháp câu tức”của Tổ Quy Sơn. Tuy ba câu khác nhau mà đồng một thật nghĩa.
Đó là ý nghĩa của câu “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát”và đây cũng gọi là Tự Tánh Tự Độ. Còn dùng thức để niệm cái danh và dùng niềm tin gởi gắm cho một đấng thần linh siêu thực nào đó thì đi trái với lời dạy của đức Phật và pháp hành Quán Thế Âm. Song, dùng thức niệm danh đó nó cũng không phải hoàn toàn không có lợi ích, vì nó có thể giúp cho ta chánh niệm và an tâm nhứt thời. Đây cũng gọi là pháp “An Lập Chí”của Nhị Thừa. Còn nói đến việc Giác Ngộ Giải Thoát thì không thể đem thức mà niệm danh được, bởi vì khi động cơ sinh diệt của vọng tâm vẫn còn tồn tại thì không thể giải thoát, giác ngộ được. Vì thế Kinh Lăng Nghiêm nói, “Nếu ở nơi nhân địa mà lấy cái tâm sanh diệt làm gốc, y vào đó mà tu để cầu quả bất sanh bất diệt của Phật thì không thể có chuyện ấy được”. Cũng như mây mù vọng thức còn che phủ bao quanh thì mặt trời Chân Tánh làm sao ló dạng được? Thế nên biết không ai có thể vào trong tâm mình để lau sạch những vọng tâm đêm mộng mơ ngày tơ tưởng ấy được ngoài chính mình. Vì thế chính mình phải tự nỗ lực tu hạnh Quán Thế Âm, hay Tự Tánh Tự Độ, dùng tuệ giác để chiếu soi lại những âm thanh nơi cõi lòng một cách miên mật làm cho chúng tan biến cũng gọi là làm cho “sở quán không”. Âm thanh thầm kín trong tâm thức tức là sở quán, dùng lực Quán Thế Âm (Quán Chiếu Bát Nhã) để cất hết mọi sở niệm, sở quán nơi tâm. Một khi sở quán đã “không”thì năng quán cũng đi vào tịch tịnh. Năng quán cùng sở quán đều dứt (năng sở song vong)thì mặt trời Chân Tánh tự chiếu soi(giác ngộ), và từ nay mọi sự lầm chấp khổ đau do biến kế sở chấp thuộc vọng thức không còn làm khổ mình nữa (giải thoát). Vì thế nên biết chỉ có chính mình mới có thể cứu mình và làm cho mình được vượt khỏi vọng tâm sanh diệt thuộc ba thời gian quá khứ, hiện tại và vị lai, trở về với Bản Tâm. Do vậy mình chẳng cần phải gởi gắm niềm tin hay cầu cứu bất cứ ai ở bên ngoài cho uổng phí thời giờ mà rốt cuộc cũng chẳng được gì, chúng ta chỉ cần xoay về tâm mà nỗ lực tự chiếu soi miên mật làm cho sở quán khônglà đủ. Vì vậy Kinh Pháp Cú, Phẩm Phật Đà, Số 183 cũng dạy bên ngoài thì bỏ ác làm lành, bên trong thì tự làm cho tâm ý trong sạch như sau:
Hán-Việt:
“Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo.”
Việt Dịch:
“Không làm mọi điều ác
Vâng làm mọi điều lành
Giữ tâm ý trong sạch
Là lời chư Phật dạy.”
Tổ Quy Sơn thật tài tình, ngài dạy người xuất gia chúng ta phải “Phát Túc Siêu Phương, Tâm Hình Dị Tục”. Tâm và hình chúng ta phải khác người thế gian như đã trình bài ở trên, phải phát nguyện lớn, tinh tấn tự mình nỗ lực vượt thoát vọng thức (nhà lửa ba cõi). Có như vậy mình mới nhiếp phục được, hóa giải được (sở quán không), và vượt qua khỏi biến kế sở chấp của ý thức (phát túc siêu phương hay trấn nhiếp ma quân), để trở về với Bản Tâm Vô Sanh của mình. Do vậy Kinh Pháp Hoa có câu chuyện về gã cùng tử bỏ cha chốn đi lang thang chịu khổ, lúc sau mới gặp Vua cha mà chẳng dám nhận đó là cha, nhờ Vua cha bày phương tiện mướn làm kẻ hốt phân trong 20 năm, sau đó mới dám nhận mình là con Vua, và thừa hưởng gia tài của Vua cha để lại. Đó là câu chuyện để nói lên rằng tất cả chúng ta đều như gả cùng tử kia, đánh mất Chân Tâm đã lâu nên theo và nhận Vọng Tâm làm mình. Vì Vọng Tâm mà tạo bao nghiệp nhân để chịu khổ sanh tử, thọ bao nhiêu báo thân để lảnh bao nhiêu nghiệp quả tương xứng dù khổ hay vui. Khi có người bảo cho rằng mình có Tánh Phật thì chẳng chịu tin. Phải mất 20 năm làm kẻ hốt phân tức nghĩa là trong 20 năm thường chuyên tu thiền quán cất hết mọi đối tượng của thức (sở quán không), hay làm cho tâm ý trong sạch như Kinh Pháp Cú dạy. Lúc đó Tánh Giác mới bùng lên, mới chịu tin nhận mình là con vua và thừa hưởng gia tài của Vua cha để lại (Phật Tánh hay Tri Kiến Phật).
Khi trở về với Bản Tâm Vô Sanh ấy, hay như gã cùng tử đã trở về nhà, kế thừa ngôi vua mà bao năm chẳng dám nhận và làm hưng thịnh đất nước mà vua cha để lại. Nói cách khác khi đã vượt ra khỏi tình thức trở về Chân Tâm (chuyển thức thành trí)rồi thì chúng ta có thể kế thừa và làm hưng thịnh cho Phật Pháp.
溈山大圓禪師警策文
QUY SƠN ĐẠI VIÊN THIỀN SƯ CẢNH SÁCH VĂN
BÀI VĂN CẢNH SÁCH CỦA ĐẠI VIÊN THIỀN SƯ Ở NÚI QUY
Tác Giả: Thiền Sư Quy Sơn Linh Hựu
Thích Thiện Trí (Thánh Tri) Phỏng Việt Dịch và Viết Bài Học Giải

SHARE:

Trả lời