TU TRÊN NỀN TẢNG

SHARE:

Bất kể mình niệm Phật, hay là trì chú, hay ngồi thiền, hay sám hối, hay là gì gì đó… Tất cả mọi pháp môn đều phải đặt trên nền tảng, nền tảng đó, nói theo như kinh điển đó là Pháp thân. Pháp thân không phải của một mình mình, không phải của người khác hay là… mà Pháp thân đây là Pháp thân của tất cả chư Phật. trong kinh điển có nói Pháp thân của tất cả chư Phật. Pháp thân không có riêng của một vị Phật nào hết.

 

Trước mình đã học bốn kỳ nói về nền tảng rồi, cái nền tảng là tánh Không, tánh Như, Quang minh, như trong kinh Viên Giác gọi là Đại Quang Minh Tạng, tánh Không tánh Như là kinh Bát Nhã nói, Như Lai Tạng là kinh Lăng Nghiêm nói, và Như huyễn là kinh Viên Giác và kinh Hoa Nghiêm nói. Đó là cái mà mình gọi là nền tảng, hôm nay mình nói tất cả sự tu hành của mình là phải tu hành trên nền tảng đó.

 

Bất kể mình niệm Phật, hay là trì chú, hay ngồi thiền, hay sám hối, hay là gì gì đó… Tất cả mọi pháp môn đều phải đặt trên nền tảng, nền tảng đó, nói theo như kinh điển đó là Pháp thân. Pháp thân không phải của một mình mình, không phải của người khác hay là… mà Pháp thân đây là Pháp thân của tất cả chư Phật. trong kinh điển có nói Pháp thân của tất cả chư Phật. Pháp thân không có riêng của một vị Phật nào hết. Thành ra việc tu hành của mình phải đặt nền tảng trên Pháp thân của tất cả chư Phật, như vậy giống như trong kinh điển Nguyên Thủy có nói: con đường đó, toàn thiện từ giai đoạn đầu, toàn thiện từ giai đoạn giữa, toàn thiện ở giai đoạn cuối cùng. Tại sao mà toàn thiện ở giai đoạn đầu, toàn thiện ở giai đoạn giữa, toàn thiện ở giai đoạn cuối cùng? Là bởi vì tất cả con đường nó đặt nền trên cái nền tảng tánh Không đó.

 

Và mình cũng biết rồi, bữa trước mình cũng nói rồi, là cái nền tảng tánh Không đó nó vốn có như vậy. Bởi vì trong kinh Đại Bát Nhã có nói: “Dầu cho đức Phật có ra đời hay không, có thuyết pháp hay không thì tánh Không nó vẫn như vậy”, chính vì nó vẫn như vậy trong suốt cả thời gian: trước khi đức Phật ra đời, khi đức Phật ra đời và thuyết pháp, cho tới bây giờ nó vẫn là như vậy, mình mới tu được, chớ không phải mình đi ngược thời gian lại thời của đức Phật hoặc là phóng tới tương lai đợi đức Di Lặc ra đời, mình mới có thể chứng được cái tánh Không đó. Bởi vì tánh Không đó nó từ vô thủy vô chung nó vốn như vậy, cái mà mình hay nói là vốn sẵn, nó vốn sẵn như vậy mình mới hy vọng được, chớ mình phải trở ngược lại thời gian hay là mình đi tới tương lai thì không biết bao giờ mình mới tiếp xúc được với nó.

 

Thì bốn bữa vừa rồi mình nói những chuyện như vậy đó. Bốn bữa vừa rồi mình nói cái nền tảng, bây giờ vấn đề là tu trên nền tảng là tu làm sao?

Cái khác biệt giữa Đại Toàn Thiện, Thiền tông và những pháp môn khác là tu trên nền tảng. Không phải mình sám hối với tư cách tạo ra một chủ thể và một đối tượng, mà sám hối làm sao chính trong nền tảng đó và hòa tan trong nền tảng đó. Thành ra mới có câu: “Năng lễ sở lễ tánh không tịch” là vậy. Năng lễ là chủ thể, sở lễ là đối tượng được lễ, chủ thể và đối tượng được lễ, bản tánh của hai cái đó nó Không Tịch. Thành ra mình chứng được cái nền tảng đó ngay trên việc làm tu hành hằng ngày của mình, chớ không phải tu hành là tu hành một pháp môn nào đó, mà pháp môn đó nó không có nền tảng, thành ra tu hành của mình quan trọng nhất là cái nền tảng đó.

 

Theo như Đại Toàn Thiện là anh phải thấy cái nền tảng đó, rồi anh thiền định về nền tảng đó, giai đoạn thứ ba là tất cả những hành động, mọi thân khẩu ý đều hòa nhập trong cái nền tảng đó hết, và giai đoạn thứ tư là quả. Thì mình phải ý thức rõ ràng, sở dĩ mà người ta hay nói tại đây và bây giờ là bởi vì nền tảng đó nó có ở đây và bây giờ, vậy thôi. Cho nên tu hành là tu hành ngay chính trên cái nền tảng đó. Không phải mình ngồi thiền để đạt tới cái nền tảng đó, mà mình ngồi thiền là mình ngồi ngay trên cái nền tảng đó.

 

Chuyện anh hiểu được điều đó, anh ngộ được điều đó là chuyện của anh, nhưng mà phải biết là mình không bao giờ ra khỏi Phật được. Giống như trong truyện Tây Du Ký, ông Tôn Ngộ Không ông nghĩ là ông có thần thông kinh khủng lắm ông sẽ ra khỏi Phật. Thành ra cái cú nhảy đầu tiên ông dùng hết sức của ông ông nhảy, cũng không ra khỏi bàn tay Phật, cú thứ hai cũng không thể ra khỏi bàn tay Phật được, cú thứ ba ông nhảy ông thấy ra tuốt ngoài hư không rồi, chỗ này không còn cái gì hết, thì ông tưởng là kỳ này là mình thắng Phật được rồi; mà khi ông trở về Phật mới chỉ cho cái chỗ mà hồi nãy ông đã bậy… thành ra không thể nào ra khỏi bàn tay Phật.

 

Mình nói một cách kinh điển hơn nữa là không thể nào ra khỏi Như Lai Tạng hết. Ngồi thiền, tụng kinh, trì chú hay gì gì đó… chớ mình đừng có tưởng mình trì chú là để mình đạt tới cái nền tảng đó đâu. Nên nhớ cái chú đó là gì? Chú của một bậc giác ngộ là phát xuất từ nền tảng giác ngộ của vị đó. Phát xuất từ cái Pháp thân của tất cả chư Phật, đó mới là thần chú được. Rồi vị đó đọc câu thần chú đó ra để bây giờ mình trì theo, mình trì theo là để mình trở lại cái nền tảng mà nơi cái chú đó xuất phát, chớ không phải là đạt tới cái gì ngoài cái chuyện đó đâu.

 

Cái chú đó nó phát xuất từ nền tảng, nó hiện hành, nó hoạt động, nó hiện hữu trong cái nền tảng và khi chấm dứt cái câu chú đó thì nó tiêu tan trong nền tảng.  Thành ra mình đừng có nghĩ trì chú là đạt tới một cái gì. Vì vậy cái chú không ra ngoài nền tảng đó được, mình phải biết như vậy, không thôi mình cứ tưởng là chú này cao hơn, chú kia thấp hơn hay là gì gì đó… Cái chú nó không thể ra ngoài nền tảng được. Bởi vì rõ ràng chú nó phát xuất từ cái ngữ, cái lời nói, cái khẩu của một bậc giác ngộ để nó đưa mình trở lại cái tâm của bậc giác ngộ; chớ không phải chú là cái gì nói ra là nó ở ngoài cái nền tảng đó đâu.

 

Không phải chú là phương tiện nằm ngoài nền tảng, mà phương tiện nó chính là cái nền tảng biểu lộ ra, nên nhớ vậy đó.

Ngồi thiền cũng vậy, ngồi thiền đó là cái nền tảng nó biểu lộ ra, cái Phật tánh mình nó biểu lộ ra nơi cách ngồi thiền, chớ không phải mình ngồi thiền để đạt tới Phật tánh.

 

Hai cái này nó khác nhau ghê lắm, đối với một người mà ngồi thiền để đạt tới Phật tánh thì nó sẽ rất lâu, còn cái ngồi thiền hay là đừng có nói ngồi thiền, mà ngay cả ngay bây giờ thầy ngồi thầy nói, hay các vị ngồi đây, tất cả đều biểu lộ ra từ cái Phật tánh của mình, tất cả mọi hình tướng đều là biểu lộ của bản tánh, phải hông? Thì cái tu của mình là tu trên cái nền tảng đó, thành ra tu vậy đó mình mới thấy không có sự khác biệt.

 

Có những người trì chú nhiều có những người không trì chú, có người niệm Phật nhiều có người không niệm Phật, có người ngồi thiền nhiều, có người không ngồi thiền; nên nhớ cái tướng có khác biệt nhau nhưng mà cái tánh nó vẫn là một. Y như những làn sóng nó có khác biệt nhau bao nhiêu đi nữa thì cái tánh nó vẫn là tánh của đại dương, nước nó vẫn là đại dương. Thành ra mình tu như vậy để mình thấy rõ ràng là những pháp môn nó không khác nhau, chớ đừng có ỷ là pháp môn tôi cao hơn pháp môn anh là sai, tất cả pháp môn đều cùng trên một nền tảng, cũng như tất cả làn sóng đều cùng trên nền tảng là đại dương, là chung cho tất cả Phật và chúng sanh.

 

Đó, thì mình tu là tu như vậy đó, chớ không phải tu là đạt tới cái gì hết, bởi vậy cho nên mình thấy Thiền tông ở mức độ như ngài Huệ Năng, và Đại Toàn Thiện là luôn luôn từ nền tảng nói ra và đưa người nghe trở lại nền tảng, chớ không phải nói ra cái gì mới lạ hết. Nó có sẵn nó vốn như vậy rồi, nói ra để mà đưa người nghe trở lại với nền tảng đó.

 

Bởi vì giữa thầy với ông Châu, cuộc đời mình khác nhau phải hông? Cái nghiệp mỗi người mỗi khác, nhưng mà nó chung nhau một nền tảng. Chính vì cái nền tảng nó mới cứu được là ông Châu khác thầy, mà hai bên khác nhau đương nhiên là phải khác nhau rồi, nhưng mà nó cứu được cái sự sai biệt của từng người, bởi vì nhờ cái nền tảng chung đó mà nó xóa đi cái sự khác nhau nó giải tan cái sự khác nhau đó, chớ không thôi là mình cứ tu trên cái sự khác biệt thôi. Ông thì tu Mật tông, ông thì tu Thiền tông, ông thì tu Vipassana, chỉ là thân thọ tâm pháp thôi, ông thì tu đủ thứ…

 

Thành ra cái nền tảng là nó rất quan trọng, mà để trải qua là mình tu hành mình phải ngộ, nói theo kinh Pháp Hoa là: khai thị ngộ nhập, các bậc đó khai là mở ra, thị là chỉ cho, khai thị là khai thị cái gì nó đã có sẵn rồi, chớ không có Phật nào cho mình cái Phật tánh hết. Nên nhớ một điều như vậy, đức Phật chỉ khai thị cho mình mở ra và chỉ cho mình thôi, chớ cái đó là mình vốn có sẵn, mặc dầu nó ở dưới dạng tiềm năng nhưng mà nó vốn có sẵn. Vàng nó vốn có sẵn, chì không thể nào nó thành vàng được, và nó vốn có sẵn thì những vị đó chỉ cho mình, khai thị cho mình và cái công việc của mình là ngộ nó, tương đương với cái thấy của Đại Toàn Thiện. Mình phải thấy cái đó, và nhập là thấy rồi nhưng mà nhiều khi nó vẫn chưa hoàn toàn, phải nhập, phải đi sâu sát với nó cho tới khi mà nó thấm nhuần trong từng lỗ chân lông của mình kìa; chớ không phải là thấy thấy vậy thôi đâu. Mình phải sống, mình phải lăn lộn trong đó, cho đến hồi mà toàn bộ thân tâm mình nó đều nhúng vô cái đó hết.

 

Đã gọi là gì đó? Giới hương, định hương, huệ hương, giải thoát, giải thoát tri kiến hương. Mình không phải chỉ một lần mình xức vô là đủ đâu, mình phải lăn lộn trong cái hương đó cho tới khi nào lỗ chân lông của mình nó cũng tỏa ra mùi hương đó. Năm cái mùi hương của Pháp thân đó, ngũ phần Pháp thân hương, và Pháp thân đó chính là cái mà mình nói: nền tảng.

 

Đó là cái chung cho tất cả mọi tông phái, chung cho tất cả mọi chúng sanh, như trong cuốn Cây Tùng Xù, ngài Padmasambhava có trả lời một câu là: “Cái đường tiếp xúc giữa Phật và chúng sanh” thì chính là cái nền tảng.

 

Chẳng qua là anh ở trong nền tảng mà anh quờ quạng, anh sống đó mà anh quờ quạng, thì anh cũng ở trong nền tảng nhưng anh là chúng sanh, còn bên kia sống mà thấy rõ ràng cái nền tảng đó, nhập rõ ràng cái nền tảng đó thì đó là Phật.

 

Thành ra trong kinh có nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Tất cả chúng sanh, tất cả mọi người đều ở trong cái nền tảng Phật tánh đó. Anh có tội lỗi trời gì thì anh cũng ở trong cái nền tảng Phật tánh đó chẳng qua là anh phản bội, nói theo kinh Lăng Nghiêm là: Bội giác hiệp trần là anh phản bội giới giác ngộ của anh và anh hiệp với trần thành ra anh là tội lỗi; chớ tội lỗi không tội lỗi gì, giống như ánh sáng mặt trời đó, ánh sáng mặt trời nó cũng chiếu cho ông tụng kinh kia, ông đang ngồi thiền kia, mà nó cũng chiếu cho cái anh đang giết người ở đâu đó. Chớ không phải ánh sáng mặt trời chiếu cho mấy ông thánh thôi, mấy ông tu thôi; còn ngoài kia nó không chiếu đâu, nó chiếu bình đẳng hết. Mà anh nào làm cái nghiệp gì thì anh chịu nghiệp đó, phải hông? Ông ngồi thiền trong ánh sáng đó thì anh được cái nghiệp ngồi thiền, còn anh kia làm nghiệp bậy thì được cái nghiệp bậy, vậy thôi. Nhưng mà cái ánh sáng đó nó chiếu bình đẳng khắp tất cả các nghiệp, và chính vì nó chiếu bình đẳng khắp tất cả các nghiệp cho nên tất cả các nghiệp đều được giải thoát trong cái ánh sáng đó. Nếu như mình đạt cái ánh sáng đó hoàn toàn thì mình sẽ được, không những mình được giải thoát vô trong ánh sáng đó mà tất cả mọi chúng sanh đều được giải thoát vô trong đó; chớ không phải mình giải thoát rồi mình thấy chúng sanh nó không giải thoát đâu.

 

Cái đó là cái bên Mật thừa nói vậy đó, một người mà chứng ngộ rồi, có nghĩa là vô cái Mạn Đà La được rồi, sống trong Mạn Đà La đó được rồi, thì tất cả mọi âm thanh đều là âm thanh của Phật, tất cả mọi hình tướng đều là hình tướng của Phật, bởi vì trong Mạn Đà La là phải vậy thôi, và tất cả mọi chúng sanh đều là Phật với Bồ tát, thì đó là cõi tịnh độ. Thành ra mình thấy trong kinh Tịnh độ có nói vậy, chỗ đó không có thiện ác, và thậm chí không có cái danh từ ác nữa; thành ra mình đừng có tưởng là mình có tu hành Mật tông hay gì gì đó nhưng cuối cùng nó phải đi tới một chỗ thôi. Chung của tất cả Phật giáo, tất cả âm thanh kể cả thằng cha nào chửi thề ngoài đó đều là âm thanh Phật, đó là một sự bình đẳng tuyệt đối. Trong này cái trí Vô phân biệt nghĩa là nó vô phân biệt một cách tuyệt đối, nghĩa là tất cả âm thanh kể cả ai đó nói bậy cũng là âm thanh Phật. Nên nhớ một điều, người nói bậy cái lời nói của nó cũng phải phát xuất từ nền tảng, hiện hữu trong nền tảng, và tan trong nền tảng; nhưng mà anh tạo ra nghiệp nói bậy thì anh lãnh đủ một mình anh thôi, chớ ngoài ra anh không thể nào ra khỏi nền tảng được hết.

 

Kể cả chuyện bậy của anh, anh nào làm bậy anh đó lãnh đủ. Nhân nào nó ra quả đó cho riêng anh thôi, chớ còn anh không thể làm bậy ngoài cái nền tảng được; chẳng qua là anh không biết thôi, khi mà anh biết rồi thì anh sẽ hết làm bậy bởi vì mọi cái nó đều lưu xuất từ cái nền tảng đó hết.

 

Đó, thành ra sáu cõi sanh tử này cũng đều lưu xuất từ nền tảng đó, ở địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh; rồi tới người, rồi tới Atula, rồi tới chư thiên. Tất cả đều lưu xuất từ nền tảng đó, hiện hữu trong nền tảng đó, và sẽ tiêu tan trong nền tảng đó. Chỉ có anh nào làm nghiệp nhiều thì anh đó cũng ở trong nền tảng nhưng mà anh chịu cái nghiệp địa ngục thôi, phải hông? Chớ đừng có nói là không có ánh sáng. Tôi vô tôi đóng cửa phòng tôi thắt cổ chẳng hạn, tôi thấy tối hù trong đó nhưng mà thiệt ra lúc đó vẫn có ánh sáng như thường, chẳng qua là anh từ chối cái ánh sáng đó. Anh vô anh đóng cửa kín mít rồi anh viết bức thư tuyệt mệnh, anh treo cổ, thì đó là chuyện của anh thôi, chớ còn ánh sáng vẫn ánh sáng. Chớ đừng có nói lúc đó là mặt trời tắt hết rồi, tôi chết thì kệ tôi chớ ăn nhằm gì cái chuyện mặt trời nó tắt hay không tắt?

 

Luôn luôn là ánh sáng, bởi vậy trong kinh Viên Giác gọi là Đại Quang Minh Tạng, thành ra quan trọng nhất là mình phải thấy cái điều này để mình tu hành để không lạc vô trong phương tiện.

 

Đừng có nghĩ tôi là chuyên gia Vipassana về Tứ Niệm Xứ, là tôi chỉ quán một mình cảm thọ thôi; còn ông kia ông tu lơ mơ thì ông thua tôi hay ông lạc này nọ. Tất cả mọi pháp môn đều ở trong nền tảng, bởi vì cái quán cảm thọ của mình nó nằm ở đâu? Quán cảm thọ của mình nó cũng phát xuất từ nền tảng, nên nhớ đức Phật đặt ra Vipassana Tứ Niệm Xứ, là đức Phật đặt ra từ cái nền tảng, chớ không phải đức Phật chế ra một cái không có gì hết.

 

Thành ra nên nhớ là mình tu hành mình sử dụng cái mà nó dễ nhất đối với mình nhưng mà đừng có nghĩ nó khác biệt với cái khác, đừng có nghĩ mà nó tăng thêm cái tôi và cái của tôi, phải hông? Mình cứ nghĩ là pháp môn của mình nó khác biệt với những pháp môn khác thì mình sẽ tăng lên cái tôi của mình và pháp môn của tôi là nó số zách, còn ngoài ra pháp môn của người khác là tầm thường.

 

Nên nhớ cái chữ pháp môn, mình đọc qua vậy thôi chớ mình không để ý. Pháp môn: Pháp là Pháp, môn là cái cửa, Pháp môn là cửa pháp, cửa pháp có nghĩa là đức Phật ở trong đó mở ra những cái cửa pháp đó để cho mình bước vô. Thành ra không có cái cửa nào cao hơn cửa nào đâu. Bởi vì nó ở trong nó ra hết, cái cửa nào mà hợp với mình cửa đó cao nhất, vì cái nghiệp của tôi ở gần cửa này thì tôi mở cửa này chớ tôi dại gì tôi vòng qua tuốt luốt bên kia để tôi mở cửa kia?

 

Cửa Pháp là cái cửa mà đức Phật đã mở ra, nói thẳng ra là tới tám vạn bốn ngàn pháp môn lận, ứng với tám vạn bốn ngàn phiền não của mình. Chúng sanh mình là phiền não tùm lum hết, phiền não đủ kiểu hết; ông thì phiền não về kinh tế, ông thì phiền não về chánh trị, ông thì phiền não về gia đình, ông thì phiền não về đủ thứ chuyện, phải hông? Cho nên mới có tám vạn bốn ngàn Pháp môn, cửa pháp là ở nơi pháp mà mở ra cái cửa đó để cho mình đi vào Pháp.

 

Nên nhớ thầy có nhắc đi nhắc lại, Pháp đây là Pháp tánh, Pháp Giới tánh, Pháp nó cao hơn cả Tăng nữa, bởi vì Pháp đó là cái chân lý tối hậu, chớ không phải pháp là một phương tiện thôi đâu. Bởi vậy mới kêu là Pháp tánh. Dharma Ta Darma là Pháp, Ta là cái tánh, tánh của tất cả các pháp.

 

Thành ra mình tu hành luôn luôn mình phải biết như vậy, nhất là ở đây thầy luôn luôn nhấn mạnh về cái nền tảng, để cho mình thấy một ngày nào đó Tịnh độ dưới gót chân mình; không có tịnh độ ở đâu xa, chớ đi kiếm mắc công lắm. Cái gì mình đi kiếm tháo mồ hôi mồ kê mấy lâu nay nó vốn có sẵn nơi mình rồi.

 

Cũng như mình lâu nay mình không biết, đức Phật chỉ cho mình mấy ông có cái lỗ mũi, mấy ông đang thở đó mà mình tìm không ra. Cho tới một ngày nào đó mình tìm ra thì té ra mình cũng đang thở đây, vậy thôi. Chớ đâu có cái gì lạ, khám phá là khám phá lại cái mình đã có sẵn, chẳng qua là mình đã bỏ bê nó lâu lắm rồi, mình chạy theo ba cái lăng nhăng gì đó. Bội giác hiệp trần: hiệp với cái thế giới hình tướng này mà bỏ quên cái tánh giác của mình. Nên nhớ là tất cả các hình tướng đều phát sanh từ tánh giác hết. Tất cả các hình tướng, tất cả các thứ mà mình chạy theo mà điên đảo với nó đều phát xuất từ tánh giác, chẳng qua mình không thấy cái bản tánh của nó thôi.

 

Kỳ trước có một lần Bát Quan Trai nào đó, mình tụng trong kinh Duy Ma Cật có nói: “Cất chân lên, đặt chân xuống đều là đạo tràng”. Có chúng sanh nào ở trên đời này mà không có cất chân lên dỡ chân xuống? Đều là đạo tràng, chẳng qua là mình không biết là cất chân lên dỡ chân xuống là nó vẫn nằm trong đạo tràng và nó không thể lìa đạo tràng được, nó chính là đạo tràng. Sắc tức thị Không (Sắc tức là Không) không có lôi thôi gì hết, mà chẳng qua mình không biết. Do mình mê mờ quá đổi rồi mình lăng xăng mình chạy nhiều chừng nào thì ở ngay đạo tràng đó mình càng không thấy. Nói theo trong kinh điển là những cái hoa đốm nó mỏi mắt nó sinh ra nó che lắp cái hư không.

 

Cho nên đường mình đi là con đường rộng nhất, bởi vì nói theo Tây Tạng là nền tảng con đường và quả. Mình đi con đường rộng nhất vì con đường đó chính là nền tảng, cái phương tiện đó chính là cứu cánh, chớ đừng có nghĩ là phương tiện tách lìa cứu cánh. Thế gian này thì bao giờ cũng phương tiện tách lìa cứu cánh hết, phương tiện tách lìa cứu cánh cho nên nó mới có thời gian. Tôi muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp thì tôi phải có thời gian thế này thế nọ, là bởi vì cái phương tiện đây nó tách lìa cứu cánh; còn ngay phương tiện chính là cứu cánh thì không có thời gian, ngay nơi con đường đó chính là nền tảng, nó không có thời gian. Còn cái chuyện mình nhận ra nó lâu hay mau là chuyện của mình, nhưng sự thật ngay nơi phương tiện chính là cứu cánh. Sau này mình có chứng thì cũng chứng chừng đó thôi.

 

Thành ra trong kinh điển nói: ngay nơi sanh tử chính là Niết bàn, hay là bản tánh của sanh tử là Niết bàn. Chớ không phải sanh tử tách lìa Niết bàn rồi mình tìm biết bao giờ nó mới ra được cái kia. Bản tánh của sanh tử chính là Niết bàn, chính vì vậy mà bên Mật thừa nói Ngũ trí Như Lai, là tất cả những vị đó đều đại diện, tất cả sắc thanh hương vị xúc pháp là đều phát xuất từ một vị Phật, năm cái vị đó là tất cả những hình tướng này đều phát xuất từ một vị Phật, Phật này gọi là Phật nguyên thủy, Phật nguyên thủy có nghĩa là bản tánh của Phật, chớ không phải là một vị Phật qua báo thân và hóa thân mà mình thấy rõ ràng.

 

Tất cả những cái này: sắc thanh hương vị xúc pháp, nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý gì gì đó đều là phát xuất từ những vị Phật. Bởi vậy mình tu bên Tây Tạng mình tu một bổn tôn không phải chỉ là một bổn tôn đó, mà mình tu là phải đi tới nữa để đạt tới cái Pháp thân của tất cả chư Phật, cái vị Phật trung ương đó, Tỳ Lô Gía Na đó. Ngài là trung tâm của bốn vị Phật ngoài kia, đức A Di Đà, đức A Súc, đức Bảo Sanh… trung tâm là Tỳ Lô Gía Na, bên Tây Tạng hay Ấn Độ họ dùng cái chữ là Pháp Giới Tánh Trí, đó là cái tánh của Pháp giới, đó là cái vị ở trung tâm, thành ra Tỳ Lô Giá Na là Pháp thân của tất cả chư Phật.

 

Kinh Hoa Nghiêm sở dĩ cũng nói Tỳ Lô Gía Na không là vậy, là Pháp thân của tất cả chư Phật. Bởi vì trong kinh Hoa Nghiêm nói là đức Phật mà thuyết pháp cho mình nghe đây chỉ là báo thân và hóa thân, chớ còn Pháp thân của chư Phật là trùm hết. Thành ra tu hành là để một ngày mình khám phá là mình lâu nay y như con cá kêu ngột ngột quá; nhưng thiệt ra một ngày nào đó mình sẽ thấy là con cá đó luôn ở trong đại dương, ngột ngột là mình làm sao đó chớ con cá nó luôn luôn ở trong đại dương.

 

Thành ra mình học cái này là cái quan trong nhất, là cái nền tảng; anh có nền tảng, anh vững vàng trên cái nền tảng đó, anh mới không phân phái được. Tất cả thiền chia ra làm năm phái đó, bây giờ mình nói riêng thiền thôi, năm phái đó, nó lấy trên cái nền tảng nào? Lấy trên cái tự tánh tự tịnh tự định của ngài Huệ Năng, nhưng mà chia làm năm phái để cho nó phù hợp với căn cơ của năm loại người, như tông Tào Động thì nó có vẻ nhẹ nhàng hơn, tông Lâm Tế thì nó có vẻ cực dương quá thành ra nó có vẻ bạo động lắm, phải hông? Còn ông Tào Động, ông Ngưỡng Sơn cũng vậy, mình đọc mình thấy cái tông Qui Ngưỡng nó có vẻ đứng đắn trang nghiêm lắm, nó có vẻ là giử giới nhiều, còn cái ông tông Lâm Tế thì nó có vẻ mạnh mẽ dữ dội lắm, tông Tào Động thì nó có vẻ nhẹ nhàng hơn; nhưng mà nói thẳng ra ở đời này chưa hẳn là cái nào hơn cái nào. Nhiều khi nhẹ nhàng chớ hiểm hóc, cũng như Vân Môn thấy cũng nhẹ nhàng lắm, nhưng hiểm hóc lắm; nói như thiền đó: then chốt của Vân Môn hiểm hóc lắm. Cái đó tùy theo cái căn cơ người nào thích cái gì thì thích.

 

Đồng Hòa

Kính ghi

 

 

SHARE:

Trả lời