NHẤT TÂM

SHARE:

Tất cả hiện hữu chỉ là Một Tâm, vậy thì Một Tâm hay chân tâm chúng ta biểu lộ như thế nào? Pháp giới Một Tâm trong kinh Hoa Nghiêm luôn luôn hiện diện trước mắt chúng ta. Nghĩa là tánh Không, quang minh, như huyễn của pháp giới luôn luôn hiện diện trước mắt chúng ta.

 

Trong kinh Hoa nghiêm, phẩm Thập Địa nói, “Tất cả 3 cõi chỉ là Một Tâm”. Phẩm Dạ Ma Cung Kệ Tán nói, “Như Tâm, Phật cũng vậy. Như Phật, chúng sanh đồng. Tâm, Phật, và chúng sanh. Cả ba không sai khác”.
Tất cả hiện hữu chỉ là Một Tâm, vậy thì Một Tâm hay chân tâm chúng ta biểu lộ như thế nào? Pháp giới Một Tâm trong kinh Hoa Nghiêm luôn luôn hiện diện trước mắt chúng ta. Nghĩa là tánh Không, quang minh, như huyễn của pháp giới luôn luôn hiện diện trước mắt chúng ta.
Pháp giới là tánh Không, nên để thấy và đi vào pháp giới, phải thấy và đi vào tánh Không. Pháp giới là quang minh, để thấy và đi vào pháp giới, phải thấy và đi vào quang minh. Pháp giới là như huyễn, để thấy và đi vào pháp giới, phải thấy và đi vào như huyễn. Pháp giới là sẳn đủ hiện tiền, để thấy và đi vào pháp giới, phải thấy và đi vào cái sẳn đủ hiện tiền trước mắt này.
MỘT TÁNH KHÔNG
Tánh không là sự vô tự tánh của tất cả các pháp. Vì vô tự tánh cho nên vô sanh, nghĩa là thấy như có sanh mà thật là không có sanh.
Tất cả các pháp, chúng sanh, thế giới, chư Phật đều đồng một tánh Không. Tánh Không là pháp thân và đồng nhất đối với chư Phật nên kinh nói “pháp thân của chư Phật”.
Tất cả pháp do nhân duyên sanh, người thường thấy như có sanh, nhưng thật ra mỗi nhân duyên đều vô tự tánh, cho nên là vô sanh. Thấy được nhân duyên sanh là vô sanh, đó là thấy tánh Không, tức cũng là tháy pháp thân chư Phật.

Lại phóng quang tên Pháp thanh tịnh
Hay khiến tất cả những chân lông
Đều diễn diệu pháp chẳng nghĩ bàn
Ai nghe pháp này đều vui hiểu.
Nhân duyên sanh ra vốn vô sanh
Pháp thân chư Phật chẳng phải thân
Pháp tánh thường trụ như hư không
Do thuyết nghĩa ấy được quang minh.
(Phẩm Hiền Thủ, thứ 12}

Tánh không là nền tảng chung của tất cả các pháp. Các pháp xuất hiện từ tánh Không, hiện hữu và tiêu tan trong tánh Không, nên các pháp chính là tánh Không: “Thiên Cổ (trống trời) bảo các Thiên tử rằng: Như Thiên Cổ ta chẳng sanh chẳng diệt, sắc thọ tưởng hành thức cũng vậy, chẳng sanh chẳng diệt. Các người nếu có thể hiểu được như thế, nên biết là đã được nhập Vô y ấn tam muội” (Phẩm Như Lai tuỳ hảo quang minh công đức, thứ 39).

 

Không những tánh của sắc thọ tưởng hành thức là tánh Không không sanh không diệt mà tướng của sắc thọ tưởng hành thức cũng không sanh không diệt. Chính vì sắc thọ tưởng hành thức không sanh không diệt nên mới có thể hoà nhập với nhau và với sắc thanh hương vị xúc pháp không sanh không diệt, với mắt tai mũi lưỡi thân ý cũng không sanh không diệt để thành pháp giới sự sự vô ngại.
Thấy trực tiếp được các pháp không sanh không diệt, không đến không đi, không dơ không sạch, không tăng không giảm, không một không nhiều… là thấy trực tiếp được pháp giới Hoa Nghiêm hay Phật Tỳ-lô-giá-na.

Tất cả pháp không sanh
Tất cả pháp không diệt
Nếu hay hiểu như thế
Chư Phật thường hiện tiền
(Phẩm Tu-di đảnh kệ tán, thứ 14)

Ở đây không chì là một tánh Không thuần tuý, không sanh không diệt, không đến không đi… một bản tánh Không, Vô tướng, Vô tác, không có sự tướng nào. Tánh Không như vậy dĩ nhiên vốn là giải thoát. Ở đây còn có vô số sự tướng, nhưng những sự tướng ấy cũng không sanh không diệt, không đến không đi, không một không nhiều… nên cũng vốn tự giải thoát.

Cho nên, giải thoát, giác ngộ của kinh Hoa Nghiêm là Chân Không Diệu Hữu. Diệu Hữu vì có vô số cái có, nhưng vô số cái có ấy vốn tự giải thoát. Chân Không Diệu Hữu là Quả vốn tự giải thoát, vốn tự viên thành.

Trong Chân Không Diệu Hữu, giải thoát không phải lìa thế gian hữu lậu mà thế gian hữu lậu vốn vô sở hữu, vốn tự giải thoát.

Nếu có ai thấy Phật
Giải thoát, lìa hữu lậu
Không dính dấp thế gian
Người nầy chẳng chứng đạo.
Nếu ai biết Như Lai
Thể tướng vô sở hữu
Tu được thấy, hiểu rõ
Người này sớm thành Phật…
Nếu thấy Phật cùng mình
An trụ trong bình đẳng
Vô trụ, không chỗ nhập
Sẽ thành bậc Nan Ngộ.
Sắc, thọ không số hạn
Tưởng hành thức cũng vậy
Nếu biết được như đây
Sẽ làm Đại Mâu-ni.
Kiến chấp thế, xuất thế
Tất cả đều vượt khỏi
Khéo biết chân lý này
Sẽ thành bậc Đại Quang.
Nếu đối với toàn giác
Phát sanh tâm hồi hướng
Thấy tâm không chỗ sanh
Sẽ được bậc Hồng Danh.
Chúng sanh không có sanh
Cũng lại không có hoại
Nếu được trí như vậy
Sẽ thành vô thượng đạo.
Trong một, hiểu vô lượng
Trong vô lượng, hiểu một
Rõ chúng đồng sanh nhau
Sẽ thành bậc không sợ.

Tất cả các pháp, tánh và tướng bổn lai thanh tịnh, đây là Viên giáo, là Quả thừa của kinh Hoa Nghiêm.

MỘT QUANG MINH
Pháp giới bao trùm trong quang minh của chư Phật: “Đại Bồ-tát này thấy chư Như Lai vô lượng sắc tướng, vô lượng hình trạng, vô lượng thị hiện, vô lượng quang minh, vô lượng lưới quang minh. Phần lượng của quang minh này bằng pháp giới, chiếu khắp pháp giới, làm cho đều phát khởi trí huệ vô thượng. Lại thấy thân Phật không có nhiễm trước, không có chướng ngại, thanh tịnh rốt ráo.
Dầu Đại Bồ-tát này thấy thân Như Lai nhiều tướng sai biệt như vậy nhưng thân Như Lai vẫn chẳng tăng chẳng giảm. Ví như hư không nơi lỗ bằng hột cải do con mọt ăn cũng chẳng giảm nhỏ, nơi vô số thế giới cũng chẳng thêm rộng.
Cũng vậy, Đại Bồ-tát trụ tam muội này tuỳ nơi tâm nguyện thấy thân Phật các thứ hoá hiện, thọ trì ngôn từ thuyết pháp chẳng quên, mà thân Như Lai chẳng tăng chẳng giảm. Ví như chúng sanh sau khi mạng chung lúc sắp tái sanh chỗ thấy thanh tịnh chẳng rời nơi tâm. Cũng vậy, Đại Bồ-tát thấy rốt ráo thanh tịnh mà chẳng rời tam muội sâu xa này” (Phẩm Thập định, thứ 27”.

Các pháp là quang minh:
Chúng sanh vô thuỷ lại
Mãi lưu chuyển sanh tử
Chẳng có pháp chân thật
Nên chư Phật ra đời.
Các pháp chẳng thể hoại
Cũng không ai hoại được
Tự tại đại quang minh
Hiển hiện khắp thế gian.
(Phẩm Đâu-suất kệ tán, thứ 24)
Cho đến mỗi vi trần đều tròn đủ quang minh:
Trong mỗi trần có vô lượng quang
Chiếu khắp mười phương các cõi nước
Đều hiện chư Phật hạnh giác ngộ.
(Phẩm Thế giới thành tựu, thứ 4)

Phật là quang minh, pháp giới là quang minh, các pháp là quang minh. Quang minh đầy khắp pháp giới, mỗi sự vật là quang minh, “Tâm, Phật, chúng sanh không sai khác” là quang minh, nhưng tại sao người thường chúng ta không thấy, không biết tâm mình và pháp giới là một quang minh?
Chỉ vì mãi chạy theo tướng mà không thấy được các tướng vốn là quang minh. Chỉ vì không chịu “thấy Phật cùng mình, an trụ trong bình đẳng”, phân biệt chạy theo tướng, không thấy được các tướng là không có biên giới, “sắc, thọ không số hạn”, chỉ vì “kiến chấp thế, xuất thế” mà không thấy được tất cả là một quang minh. Chỉ cần dừng lại sự điên cuồng theo đuổi các tướng “vô sở hữu”, dừng lại tâm phân biệt, các kiến chấp, thì tâm cảnh đều là một quang minh, một vị quang minh.
MỘT NHƯ HUYỄN
Như huyễn có từ tâm và là hoạt động của tâm.

Tâm như nhà hoạ sĩ
Vẽ nên các thế gian
Năm uẩn từ tâm sanh
Không pháp gì chẳng tạo.
Như tâm, Phật cũng vậy
Như Phật, chúng sanh đồng
Tâm, Phật và chúng sanh
Cả ba không sai khác…
Nếu người muốn rõ biết
Tất cả Phật ba đời
Phải quán pháp giới tánh
Tất cả duy tâm tạo.
(Phẩm Dạ-ma cung kệ tán, thứ 20)

Tâm vẽ nên ba cõi, tất cả chỉ do tâm tạo. Với chúng sanh, cũng tâm ấy mà thấy có sanh tử trói buộc khổ đau, vì không biết đó là do tâm vẽ nên như huyễn. Chúng sanh chuyển trò chơi vẽ vời vô tự tánh của tâm thành một thế giới có thật, có vô số biên giới chia cách phân mảnh, đó là sanh tử.
Chư Phật cũng đồng một tâm ấy, và cái hoạt dụng của tâm là vẽ, nhưng chư Phật “trụ trí như huyễn”, “biết tự tâm”, biết “pháp giới tánh, tất cả duy tâm tạo”, nên thế giới chỉ là “ảnh hiện” như huyễn. Cùng tột của như huyễn này là “sự sự vô ngại”.
Tâm như huyễn với chúng sanh không biết thì bị tâm ấy sai sử, trói buộc mà có ra sanh tử như huyễn rồi trôi lăn trong lao nhọc, khổ đau. Các Bồ-tát thì cũng tâm như huyễn này nhưng rõ biết sự biến hiện của nó, phát huy đầy đủ năng lực của nó, sử dụng nó, “thừa” nó (thừa là cưỡi, là xe, như trong chữ Đại thừa), và đi vào Như huyễn tam muội để nhập thế độ sanh. Như huyễn vừa để tự giác, biết pháp giới tánh, vừa để giác tha.
“Đại Bồ-tát biết tất cả các pháp thế gian đều đồng như huyễn hoá. Biết các hiện tượng là huyễn nên biết trí huyễn. Vì biết trí huyễn nên biết nghiệp (hành động) huyễn. Đã biết trí huyễn và nghiệp huyễn nên khai triển trí huyễn xem tất cả nghiệp thế gian như những huyễn thuật. Chẳng ở ngoài chỗ của mình mà hiện huyễn, cũng chẳng ở ngoài huyễn mà có chỗ của mình.
Cũng vậy, Đại Bồ-tát chẳng ở ngoài tánh Không mà nhập thế gian, cũng chẳng ở ngoài thế gian mà nhập tánh Không. Tại sao thế? Vì tánh Không và thế gian không sai biệt, trụ nơi thế gian cũng là trụ nơi tánh Không. Đại Bồ-tát ở trong tánh Không hay thấy hay tu những hoạt động khác nhau trang nghiêm mọi thế giới. Trong một niệm đều rõ biết vô số thế giới hoặc thành hoặc hoại, cũng biết các kiếp tương tục nối tiếp. Trong một niệm hiện vô số kiếp nhưng chẳng làm một niệm rộng thêm ra.
Đại Bồ-tát đạt được huyễn trí giải thoát chẳng thể nghĩ bàn, đến bờ bên kia, trụ nơi huyễn tế, nhập vào thế gian như huyễn, tư duy tất cả các pháp đều như huyễn, chẳng trái với thế gian như huyễn, hoàn thiện huyễn trí, rõ biết ba đời hiện tại quá khứ vị lai cùng huyễn không khác, chứng ngộ quyết định sự không ngằn mé của tâm.
Như chư Như Lai trụ trí như huyễn, tâm Phật bình đẳng. Cũng vậy, Đại Bồ-tát biết các thế gian thảy đều như huyễn, với tất cả chỗ đều không chấp trước, không có ngã sở. Như nhà huyễn thuật hiện các sự huyễn, dầu chẳng đồng ở với các sự huyễn ấy, nhưng vẫn không mê lầm về các sự huyễn.
Đây là trí thiện xảo diệu quang minh đại tam muội thứ hai của Đại Bồ-tát” (Phẩm Thập định, thứ 27).
Huyễn nghĩa là vốn vô sanh mà thị hiện có sanh:

Pháp tánh vốn vô sanh
Thị hiện mà có sanh
Trong đây không người hiện
Cũng không vật được hiện.
(Phẩm Bồ-tát vấn minh, thứ 10)

Tâm là vô tận, nên các pháp huyễn cũng là vô lượng. Tâm như huyễn là vô tận, nên pháp giới như huyễn cũng vô tận.
“Vì biết tất cả pháp rốt ráo vô tận. Vì biết tất cả cõi Phật vô biên. Vì biết tất cả chúng sanh giới không thể nghĩ bàn. Vì biết tiền tế vô thuỷ, vị lai vô cùng, hiện tại tận hư không khắp pháp giới vô biên… Vì biết tất cả pháp sở duyên của huyễn tâm là vô lượng.
Đại Bồ-tát nhập tam muội này biết tâm như huyễn, xuất sanh tất cả cảnh giới của các pháp, cùng khắp vô tận. Tại sao thế? Vì Đại Bồ-tát thành tựu hạnh trí vô ngại của Phổ Hiền, quan sát vô lượng huyễn cảnh rộng lớn, thấy chúng như bóng ảnh không tăng không giảm” (Phẩm Thập định, thứ 27}.
Con đường Đại thừa là Bồ-tát hạnh. Sức mạnh của Bồ-tát hạnh lưu xuất từ cái thấy như huyễn như hoá:

Bồ-tát quán các pháp
Biết chắc đều như hoá
Mà tu hạnh như hoá
Rốt ráo trọn chẳng bỏ.
Tuỳ thuận tự tánh hoá
Tu tập đạo giác ngộ
Tất cả pháp như hoá
Bồ-tát hạnh cũng vậy.
Tất cả các thế gian
Cùng với vô lượng nghiệp
Bình đẳng đều như hoá
Rốt ráo trụ không tịch.
Chư Phật trong ba đời
Tất cả cũng như hoá
Bổn nguyện tu các hạnh
Biến hoá thành Như Lai.
Phật dùng đại từ bi
Độ chúng sanh như hoá
Việc độ cũng như hoá
Lực hoá mà thuyết pháp.
(Phẩm Thập nhẫn, thứ 29)

Tất cả các pháp như huyễn, nhưng pháp tánh không động, đó là giải thoát:
“Nói tất cả các pháp dường như huyễn hoá, thuyết minh pháp tánh không động chuyển… khiến vào những mây tam muội, khiến biết tâm đó như huyễn như hoá, vô biên vô tận” (Phẩm Thập định, thứ 27).
NHẤT TÂM
Nhất tâm là tánh Không, quang minh và như huyễn. Cả ba cái ấy là đồng thời, đồng hiện hữu. Nơi nào cũng là tánh Không nên nơi nào cũng có quang minh; và nơi nào có quang minh, nơi ấy có ảnh hiện các sự vật như huyễn. Cả ba cái ấy là một, tức là cả ba thân, Pháp thân (tánh Không), Báo thân (quang minh), Hoá thân (như huyễn) là một.
Thấy Nhất Tâm là thấy “cả ba tức là một” ấy hiển hiện khắp nơi, khắp chốn. Sở dĩ người ta không thấy được, sống được pháp giới Nhất Tâm vì con nguòi tự tạo ra một trung tâm giả tạo là cái tôi, và xung quanh liền có những trung tâm giả tạo khác là những cái khác với tôi. Trong khi pháp giới “cả ba là một” thì không có một trung tâm, nghĩa là đâu cũng là trung tâm, tất cả là trung tâm.
Văn, tư, tu cái ‘không có một trung tâm nên tất cả là trung tâm’ này, thì đến một lúc nào, chúng ta thấy được Nhất tâm đang ảnh hiện thành muôn vàn sắc tướng, âm thanh, hương vị… như huyễn tạo thành pháp giới. Đây chính là ý nghĩa của đời sống.

Ví như trăng sáng giữa hư không
Thế gian chúng sanh thấy tròn khuyết
Tất cả sông ao hiện bóng trăng
Mọi thứ tinh tú đều mờ tối…
Như trong biển lớn đầy châu báu
Trong sạch không nhơ, không hạn lượng
Bao nhiêu chúng sanh ở bốn châu
Tất cả hiện bóng ở trong biển.
Phật thân công đức cũng như vậy
Không nhơ không đục không ngằn mé
Nhẫn đến pháp giới các chúng sanh
Không ai chẳng hiện trong thân Phật.
Ví như mặt trời phóng quang minh
Chẳng rời bổn xứ chiếu mười phương
Phật quang chiếu khắp cũng như vậy
Không đi không đến trừ si tối.
Dầu không chỗ y mà ở khắp
Dầu đến tất cả mà không đi
Như vẽ trong không, cảnh trong mộng
Phải quán thân Phật là như vậy.
(Phẩm Nhập pháp giới, thứ 39)

(Nguồn: VHPG số 236 – 01/11/2015)
Nghiêm Hạnh S.T

SHARE:

Trả lời