Chứng ngộ chỉ là phát hiện ra cái đã có sẵn?

SHARE:

Tại sao tu hành là phát hiện ra cái đã có sẵn? tôi cứ tưởng tu hành là thoát khỏi thế giới sinh tử này để chứng ngộ một cảnh giới nào đó hoàn thiện hơn thế giới sinh tử này? Xin thientrithuc giải thích dùm cảm ơn.

Trả lời:
Bạn thân mến, giải thoát có sẵn là khẳng định rất nhiều trong kinh điển, nhất là các bộ kinh Đại thừa. Và nó có trong các truyền thống tu hành của các tông phái Đại thừa như: Thiền tông, Mật tông và cả Tịnh Độ tông. Chúng ta hãy tuần tự khảo sát xem.
Thứ nhất, giới thiệu Bản tánh (hay giải thoát) là có sẵn.
Trong kinh Hoa Nghiêm, khi Phật thành đạo ngài quán sát tất cả căn tánh của chúng sanh mới thốt lên:“Lạ quá, trong mỗi chúng sanh đều có sẵn đức tướng trí tuệ của Như Lai, nhưng vì vọng tưởng chấp trước mà không nhận thấy”
Phật giáo Tây tạng ví Phật tánh trong tâm của chúng sanh như dầu mè trong hạt mè.
Thiền sư Việt Nam là Cảm Thành khi được hỏi:

  • Thế nào là Phật?
  • Ở Khắp tất cả chỗ.
  • Thế nào là Phật pháp?
  • Chưa từng che dấu.

Thứ hai, những bậc giác ngộ khuyên tu là nhận ra nó ngay nơi cuộc sống này
Trong lời khai thị của ngài Jamgon Kongtrul Lodro Thayé (1813- 1899) như sau: “Cái thấy và Thiền định Đại toàn thiện có thể được diễn giải bằng nhiều, nhiều cách, nhưng đơn giản việc duy trì tinh túy của sự nhận biết trong hiện tại là gồm chứa tất cả chúng”.
Lục Tổ Huệ Năng dạy:
      Phật pháp tại thế gian,
      Chẳng lìa thế gian (mà) giác
      Lìa thế tìm giác ngộ 
      Giống như tìm sừng thỏ.
 
Thứ ba, đã có người chứng ngộ những lời dạy trên.
Những phát biểu của người khi nhận ra Bản tánh như:
Ni cô chính là người nữ” hay “Lý Bạch chính là anh tú tài” hoặc “Ngộ rồi đồng chưa ngộ”
Hoặc bài thơ tả núi Lô và sông Triết
      “Mù tỏa Lô sơn sóng Triết giang,
      Khi chưa đến đó luống mơ màng.
      Đến rồi cũng vẫn không gì khác,
      Mù tỏa Lô sơn sóng Triết giang.”
Những câu nói khó hiểu và bài thơ trên nói lên sự chứng ngộ của người tu. Có phải là chứng ngộ cái đã có sẵn hay không?
Cuối cùng, chúng ta có được điều gì khi có thái độ tu hành là chỉ phát hiện ra cái có sẵn?
Nếu tu hành là phát hiện ra cái đã có sẵn, là một định hướng rất xác thực, chúng ta sẽ nhận ra những lời dạy của các bậc tôn túc như: Phản quang tự kỷ, Hồi quan phản chiếu, Quay đầu là bờ, Kiến sắc minh tâm, Tri kiến lập tri tức vô minh bổn, tri kiến vô kiến tư tức Niết bàn, Thực tại hiện tiền… đều chỉ cho chúng ta quán chiếu, suy nghiệm để trực tiếp nhận ra cái xưa nay đã có sẵn; chớ tu hành không tạo tác ra một cảnh giới hay một trạng thái nào đó ngoài sự hiện hữu của chúng ta đang có mặt ngay tại đây và bây giờ.
Nếu tu hành là phát hiện ra cái đã có sẵn, chúng ta sẽ bình thản, thôi tìm kiếm cái gì đó bên ngoài mà chú tâm vào thế giới xao động và sanh tử này để nhận ra cái gì không xao động, không sanh diệt; đã có mặt, đang có mặt và sẽ có mặt chưa bao giờ thiếu vắng nơi mỗi chúng ta.
Vì nó là cái đã có sẵn cho nên chúng ta đang mê mờ ở mức độ nào đi nữa nó vẫn hiện diện, điều này đánh thức chúng ta hết sức mạnh mẽ về góc nhìn của chúng ta khi tìm lại chính mình. Thực tại giải thoát không phải xa xôi ở đâu ngoài cuộc sống này.
Nếu giải thoát là cái có sẵn sẽ thức tỉnh chúng ta không trụ chấp vào các tầng định: không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ,… chúng ta không dính mắc vào lạc, vào sáng tỏ, vào vô niệm. Các trạng thái tâm xuất thần đó có xảy ra trong thực hành nhưng nó cũng không ngoài cái đã có sẵn luôn là nhân chứng nhận diện ra các trạng thái đó.
Nếu là cái có sẵn chúng ta chỉ quán sát điều này để nhận ra ngay đây và bây giờ, vì nghĩa của có sẵn là nó luôn luôn hiện hữu, chúng ta có một thước đo, hay bản mẫu để thẩm định cái thấy của mình có sai lạc hay không, nếu chúng ta có cái thấy rời cái có sẵn này. Cái có sẵn là cái thường trụ.
Cái đã có sẵn là cái khi mê cũng có, khi giác cũng có, khi định cũng có khi động cũng có. Nó cho chúng ta cơ hội chứng ngộ xảy ra bất cứ lúc nào trong tu hành của bản thân mình. Điều này nói lên tu hành theo thứ lớp và đốn ngộ có thể xảy ra bất cứ lúc nào trên con đường thứ lớp này.
Vì giải thoát là cái đã có sẵn cho nên Thiền tông nói “Không lập văn tự, Truyền ngoài kinh giáo, Chỉ thẳng tâm người, Thấy tánh thành Phật” hay gọi là Đốn giáo. Hoặc Tây Tạng có hai cách tu là: Phá thấu và Nhảy qua. Nhảy qua là con đường tắt không khác Thiền tông.
Hệ quả của những điều trên nói lên rằng: một vị thầy có kinh nghiệm, hay một vị thiện tri thức đối với việc tu hành của chúng ta rất quan trọng. Chúng ta sẽ đỡ mất công sức khi quanh quẩn trong một bế tắc nào đó trong thực hành nếu có chỉ dạy của một vị thầy hay thiện tri thức.
Mong những chia sẽ này sẽ làm cho bạn và tất cả mọi người có một cái nhìn thoáng hơn và trực tiếp hơn trong góc nhìn tổng quan nơi việc tu hành của mình.
Cái gì là có sẵn? Tự khám phá xem!

SHARE:

Để lại một bình luận