Thực tại và hiện tại khác nhau ra sao?Làm thế nào để nhận ra được thực tại? Xin thientrithuc vui lòng giải thích cho tôi được rõ.

SHARE:

Thực tại và hiện tại khác nhau ra sao?Làm thế nào để nhận ra được thực tại? Xin thientrithuc vui lòng giải thích cho tôi được rõ.

Trả lời

Bạn thân mến, thực tại là biểu hiện của tâm hành giả đã nhận ra sự thật của cuộc sống hiện hữu như chính nó là, hay tâm này đã giải thoát khỏi mọi ràng buộc chấp trước. Tâm này là cái tâm toàn thể không còn ngăn cách bởi chấp ngã và chấp pháp, (Tâm cảnh nhất như) tâm cảnh như một.
Còn quá khứ, hiện tại và tương lai: là thời gian hiển hiện nơi tâm bị trói buộc trong thân và tâm có tư kiến. Hai yếu tố trên: thân và tâm có tư kiến, tạo thành một cái tôi đứng riêng ra khỏi cái toàn thể đang bày hiện trôi chảy. Vì đứng riêng ra trong cái toàn thể cho nên thấy mình bị chi phối bởi thời gian và có một chỗ đứng trong không gian.

Tâm giải thoát thì có đủ tất cả những đức tính, cho nên, thientrithuc chỉ có khả năng chừng mực để chia sẽ cùng bạn một phần nào đó về nó, phần còn lại, bạn và những người khác sẽ nhận thấy khi thể nghiệm và sống được với nó trong tu hành của mình.
Thứ nhất, thực tại không phải cách thấy có trung tâm và ngoại vi, hay nói khác đi trong thực tại không có một cái tôi tồn tại. Thực tại là sự hiện diện toàn khắp không ngăn chia, không biên bờ.
Thứ hai, thực tại không có thời gian của ba thời, Vì vậy trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Ba đời chỉ là một niệm”, “Trong một niệm chứa cả ba đời”
Thứ ba thực tại vốn đầy đủ tất cả những công đức, như Lục Tổ nói:
                      “Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh, 
                       Nào ngờ tự tánh vốn chẳng sanh diệt, 
                       Nào ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ, 
                       Nào ngờ tự tánh vốn không động lay, 
                       Nào ngờ tự tánh sanh ra muôn pháp.”
đến năm lần “nào ngờ”.

Khi nói đến thực tại là nói đến tâm giải thoát, tùy theo mức độ thâm ngộ sâu cạn mà hành giả sẽ nhận biết thực tại này biểu hiện rõ ràng như thế nào. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả với chúng ta bây giờ là làm thế nào để nhận ra thực tại?
Chúng ta thấy có sự che chướng lớn nhất mà một con người không thể nhận ra thực tại: đó là cái tôi. Từ cái tôi này sẽ có: tôi suy nghĩ, thân tôi, tâm tôi, nhà của tôi, xe của tôi, đất nước của tôi, vùng trời của tôi, quốc gia của tôi, trái đất của tôi… Và nếu có tôi thì sẽ có người khác tôi (cũng chấp y như vậy); thì cái toàn thể bị chia cắt thành manh múng, từ đó xảy ra xung đột giữa cá nhân với nhau, xung đột giữa mình và thế giới mình đang sống… Biết bao là phiền não, đau khổ nguyên do chỉ vì chúng ta bị che chướng bởi cái tôi này.
Khi đã mắc vào guồng máy của thời gian và không gian, thì con người luôn luôn sống trong sự hy vọng và sợ hãi. Họ luôn ước muốn hoàn thành cái gì đó trong cuộc sống và sợ hãi việc đó không thành công. Họ bị cuộc sống cuốn trôi và xô đẩy không biết đâu là bến bờ, cứ hoạch định một công việc rồi hy vọng và sợ hãi khi hoàn thành công việc đó; khi xong việc, lại có một hoạch định khác hoặc thực hiện nhiều hoạch định cùng một lúc… thuở nhỏ đi học hy vọng sẽ đậu ở kỳ cuối năm, hy vọng sẽ đậu cuối cấp, hy vọng sẽ đậu đại học. Khi làm việc hy vọng sẽ thành công việc này việc nọ; có con, hy vọng con sẽ là một đứa con ngoan.., và hy vọng bao giờ cũng đi đôi với sợ hãi sự bất toàn từ hy vọng này đặt ra. Cuộc đời miên viễn trong những hoạch định không bao giờ dứt và hy vọng lẫn sợ hãi cũng không bao giờ dứt. Cuối cùng, sinh ra và chết đi họ thật sự chẳng biết mục đích của cuộc sống là gì. Nguyên do bởi vì họ không nhận ra được thực tại; họ bị chi phối bởi thời gian của ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai mà không biết: ngay tại đây và bây giờ mọi thứ đã viên mãn, đã hoàn thành tốt đẹp rồi. Cái đã viên mãn, đã hoàn thành tốt đẹp rồi đó chính là thực tại.
Những đau khổ phiền não xảy ra như vậy, trùng trùng tuy thấy không biết bao nhiêu mà kể; tóm lại: chỉ do chấp có tôi.

Thực tại là một sự nhận thấy trực tiếp chứ không phải qua suy lường, ức đoán; nó không thể dùng tâm khái niệm để hiểu. Thực tại là chính bạn trực tiếp nhận ra ngay đây và bây giờ. Khi nào điều này chưa xảy ra với bạn vì bạn cứ bỏ qua chính nó, vì bạn bị che chướng bởi cái tôi đại diện cho thân và tâm có tư kiến nơi chính bạn.
Cho nên, nếu muốn nhận ra thực tại, đòi hỏi người tu phải thực hành các phương pháp tu hành của Phật giáo, phải ứng dụng tu để tịnh hóa tâm thức mình phải làm cho nhạt nhòa cái tôi che chướng này.
Phải có một pháp tu rõ ràng như: trì chú, niệm Phật, hay tham thiền… phải thực hành nó hằng ngày như mình thở, mình ăn, thực hành phải làm một với cuộc sống.
Bạn phải thực hành dưới sự chỉ dạy của một vị thầy, cho dù con đường trước mắt bạn đã biết rõ là tịnh hóa tâm thức, làm cho nhạt nhòa cái tôi che chướng; tuy nhiên, nếu có một vị thầy hướng dẫn bạn sẽ thực hành hiệu quả hơn rất nhiều.
Dù thực tại luôn luôn hiện hữu bất chấp bạn mê hay ngộ, muốn nhận ra nó, đơn giản chỉ là “thấy”; tuy vậy, khi tâm bạn còn che chướng bởi cái tôi thì bạn vẫn nhìn thực tại là thế giới sanh tử bị chi phối bởi thời gian ba thời quá khứ, hiện tại, tương lai. Bạn đứng tách rời ra khỏi cái toàn thể, bạn luôn luôn sống trong sự hoạch định liên tục. Hy vọng và sợ hãi không thể nào nguôi trong đời bạn bởi những hoạch định không bao giờ dứt này.

Cuối cùng, thực tại là cái đã tự hoàn thành, xưa nay nó vốn đầy đủ và viên mãn như vậy; chúng ta không thể thêm bớt, hay sửa đổi gì nó được. Nó luôn luôn ở sát bên ta trong cuộc sống này, nó luôn luôn biểu hiện chưa bao giờ dứt, chúng ta chỉ cần “thấy”; tuy nhiên, nếu chúng ta không tu hành để sửa đổi những mê lầm của mình chúng ta sẽ không bao giờ “thấy” thực tại.
Thực tại là khoảnh khắc mà bạn nhận ra bạn là một với thế giới xung quanh, và khoảnh khắc nào trong cuộc sống này cũng là cơ hội; chính nó xưa nay luôn luôn hiện hữu cho nên Lục Tổ thốt lên năm lần “nào ngờ” khi tán thán tự tánh (là một tên khác của thực tại).
Nếu bạn muốn “thấy” thực tại? Bạn phải tự mình tu hành để thay đổi mình; còn không, bạn luôn ở trong thực tại nhưng bạn lại thấy nó là thế giới sanh tử khổ đau. Mong bạn có động lực để tu hành. Chào bạn.

SHARE:

Trả lời