Tu pháp gì để kiến tánh?

SHARE:

Làm thế nào để minh tâm kiến tánh? Trong hiện đời có ai, tên gì ở đâu? kiến tánh không? Năm xưa đức PHật Thích Ca tu theo pháp nào để giải quyết khổ đau sinh tử luân hồi? Sao từ đó đến giờ có quá nhiều kinh, nhiều pháp đọc cả đời cũng không hết? Tôi muốn biết đọc kinh nào để theo đó thấy và sống lại với bản lai diện mục của mình. Cụ thể xin cho biết ai trong trang web này đạt được mục đích tu hành nêu trên?

TRẢ LỜI
Làm thế nào để minh tâm kiến tánh? Là một câu hỏi lớn của những Phật tử tu theo Đại thừa Phật giáo. Tất cả những tông phái hiện có ở nước ta như Thiền tông, Tịnh Độ tông, Mật tông… tông chỉ của các tông phái này đều dạy người tu thực hành để minh tâm kiến tánh, nhưng trên thực tế các vị xiển dương có khi không thực hiện được mục đích này vì hạn chế nơi con người. Nếu căn cơ của bạn hợp với một phương pháp tu nào trong các tông phái đó bạn tiến hành tu tập theo chỉ dạy của các vị thầy của tông phái này, đây là con đường để càng ngày bạn càng có cơ hội nhận ra chân tánh.
Bản tánh của tâm vốn xưa nay là giải thoát, ngài thiền sư Cảm Thành (thiền sư Việt Nam) đệ tử thứ nhất của dòng thìền Vô Ngôn Thông khi có vị tăng hỏi:
          “_ Thế nào là Phật?
           _Ở khắp tất cả chỗ. 
           _Thế nào là tâm Phật? 
           _Chưa từng che dấu.”
Câu trả lời bất ngờ trên là chỉ thẳng vào thực tại giải thoát mà ngài đang sống và ngài muốn khai thị cho người hỏi. Nhưng với chúng ta người còn bị che chướng thì lời dạy trên khẳng định về mặt tiềm năng của tất cả mọi người. Ở nơi mỗi chúng ta ai cũng có tiềm năng này hay bản tánh giải thoát ở mỗi người là có sẵn. Chỉ vì dính mắc vào che chướng, cái thấy dính mắc che trên cái thấy giải thoát hay chúng ta tự mình hạn cuộc mình trong cái thấy có tôi, thấy có ta và thế giới cho nên chúng ta không thể nhận ra xưa nay chúng ta đã sống trong giải thoát.
Điều quan trọng của một người tu hành là phải nhận biết tổng quan con đường tu của mình là tháo gỡ những che chướng trên cái thấy vốn đã giải thoát này. Vì vậy, Phật giáo Tây tạng cho người tu hành đầu tiên là thực hành sơ bộ để tịnh hóa tâm thức. Hoàn cảnh tu hành thực tế của chúng ta thì phải thực hành ngồi thiền, niệm Phật, trì chú, lễ lạy, cúng dường, tụng kinh, sám hối… phải thực hành hằng ngày một pháp hay nhiều pháp này, lần lần che chướng mới được tịnh hóa, che chướng mới được tiêu mòn. Đọc kinh điển sách vở trong giai đoạn này là đọc cách thực hành để tháo gỡ những dính mắc, hoặc những sách phân tích sự hư vọng của dính mắc để có một nhận thức đúng.
Mặt khác, chúng ta phải tự mình quán chiếu để nhận ra bản tánh của tâm. Bản tánh là cái đã có sẵn, khi nào chúng ta cũng có thể nhận ra nó nếu chúng ta ý thức về điều này. Đây là cách đi tắt dành cho những người lợi căn, nhưng phải dưới sự chỉ dạy của một vị thầy. Vừa tiệm tu để tịnh hóa tâm vừa thao thức để nhận ra tiềm năng sẵn có của tâm, cơ hội sẽ chóng đến với chúng ta.
Cái khó là lý tánh hay tự tánh là cái thấy mà mình muốn chứng biết trong khi mình không có kinh nghiệm, và việc thực hành tịnh hóa nghiệp của mình thì rất gian nan. Cho nên đòi hỏi người tu phải thật thiết tha, thật nỗ lực.
Kế đến, một điều khó nữa là người tu không thể tập trung hết tinh lực của mình để thực hành, bởi thói quen sống thoải mái, buông lung. Vì thói quen này chuyện thế tục thì hy sinh nhiều thời gian về nó, còn chuyện tu hành thì để lại thành thứ yếu. Họ luôn quan tâm tới chuyện thế tục và thiếu nhớ nghĩ đến thực hành pháp.
Thứ ba, bệnh của những người tâm thức nắm bắt mạnh. Những người này, không thực hành tu tập mà tìm kiếm sự ngộ đạo trong sách vở chữ nghĩa, đọc nhiều, hiểu nhiều thậm chí giảng nói lại cho người khác nghe sự hiểu biết của mình; nhưng về mặt thực hành thì không có, cho nên, đây cũng là một cái chướng chúng ta nên tránh.
Tu hành thì rất dễ nếu mục đích của chúng ta là tạo phước, tránh phiền não,… nói chúng những mục đích có hình tướng; nhưng rất khó khi mục đích là nhận ra bản tánh của tâm mình. Tuy nhiên dù khó cỡ nào chúng ta cũng phải thực hành. Không làm được trong đời này; đời sau, đời sau nữa cũng phải thực hành. Cho nên muốn tu để nhận ra bản tánh của tâm phụ thuộc rất nhiều yếu tố, diễn ra trong thời gian dài. Nhưng dù có khó đến đâu, lâu dài đến đâu chúng ta cũng phải hy sinh tất cả đời mình cho việc lớn này mới có thể thành công được.

Trong hiện đời có ai, tên gì? ở đâu? Kiến tánh không? Đây là câu hỏi khó mà trả lời cho bạn, bởi vì thientrithuc không có thẩm quyền, không có tư cách để chỉ ra ai là người kiến tánh. Bạn chỉ tùy theo sự quen biết của mình mà tiếp cận những người đứng đầu những tông phái đương thời. Bạn có thể sẽ tìm được một vị thầy cho mình.
Năm xưa đức Phật Thích Ca tu theo pháp nào để giải quyết khổ đau sinh tử luân hồi? 
Khi xưa đức Phật tu nhiều vị thầy, nhiều phương pháp, nhưng cuối cùng ngày tự ngồi thiền định bốn mươi chín ngày và thành Đạo. Có thể nói Phật tu thiền. Tuy nhiên giáo pháp Phật để lại, mới quan trọng; bởi vì, Phật đã chứng ngộ; ngài biết con đường đi, cho nên giáo pháp ngày để lại nhằm chỉ đường cho chúng ta đời sau nương vào đó mà tu hành. Trong mười danh hiệu của Phật có một danh hiệu là: thiên nhân sư (thầy của trời, người). Chúng ta thấy, kinh điển thì nhiều nhưng để minh tâm kiến tánh không phải đọc hết kinh điển là thành công mà có khi chỉ một câu kinh là đủ cho người ta tu hành suốt đời và có khi chỉ một câu là có thể minh tâm kiến tánh rồi.
Sao từ đó đến giờ có quá nhiều kinh, nhiều pháp đọc cả đời cũng không hết? 
Tất cả những bộ kinh Đại thừa đều nhằm cho hành giả tu hành theo để minh tâm kiến tánh, kể cả những phương pháp dạy tu của Phật giáo Nguyên Thủy cũng nhận ra giải thoát dù không đặt vấn đề kiến tánh. Phật giáo Tây Tạng coi thừa của Phật giáo Nguyên Thuỷ là thừa căn bản, tức là người tu phải thực hành nó trong chương trình tu hành của một hành giả. Điều quan trọng là chúng ta hợp với bộ kinh nào chúng ta tìm hiểu tư duy và tu hành thì sẽ có kết quả.
Cuối cùng, cụ thể, nếu bạn muốn kết bạn với chúng tôi (thientrithuc) qua những gì mà trang web thientrithuc thể hiện. Bạn có thể liên hệ với ban biên tập chúng tôi qua số điện thoại phần: Liên hệ. Chúng tôi hoan hỷ đón nhận bạn như một người bạn đồng tu. Chúng ta sẽ học tập trao đổi lẫn nhau và làm cho nhau lợi ích trên đường tu. Hân hạnh được liên lạc với bạn.

SHARE:

Trả lời