QUÁN TÂM TÔNG

SHARE:

Pháp sư Tăng Triệu nói: “Mọi sự mọi vật đều do tâm thành, tâm có cao thấp nên sinh ra gò nổng”. Lại nói: “Cõi Phật thường tịnh, đâu chờ biến hóa rồi sau mới tịnh”. Bởi biến đổi theo chỗ thấy của chúng sinh nên chúng sinh thấy là đất đá núi sông, đều do nghiệp sinh khởi. Bồ-tát chỉ toàn là trí tuệ vi diệu, lìa tâm Thánh phàm, không có cảnh chân tục.

Thiên Thai Vô Lượng Thọ Sớ nói: “Cõi vui với cõi khổ, vàng bạc với đất cát, thai ngục với ao sen, rừng gai với rừng ngọc, thật ra do tâm phân biệt cấu tịnh, mà thấy sự hơn thua của hai cõi, bày ra thiện ác, thô diệu của hai phương, dụ như hình ngay thì bóng thẳng, nguồn đục thì dòng nhơ. Cho đến có thể nói là “vi hành yếu thuật, diệu quán chí đạo”.

Theo kinh này, tâm quán là tông, thật tướng là thể. nói: Diệu quán chí đạo, nghiệp hành tuy nhiều song chỉ lấy tâm quán làm yếu thuật. Một niệm tâm khởi, tịnh độ rõ ràng không tạo tác thể tính như như nên nói “vi hành”. Nhất tâm tam quán là không giả trung, năng sở dù phân chia chiếu soi lẫn nhau bất tư nghì, cảnh chủ yếu ở nơi tâm nguyên tức là công phu tu quán vậy. Dọc ngang cùng khắp bình đẳng không hai, nhân của tam quán tròn thì quả của tam đức đủ, đều do tâm yếu nghĩa thành cho nên nói là chí đạo yếu thuật.

Pháp sư Tăng Triệu nói: “Mọi sự mọi vật đều do tâm thành, tâm có cao thấp nên sinh ra gò nổng”. Lại nói: “Cõi Phật thường tịnh, đâu chờ biến hóa rồi sau mới tịnh”. Bởi biến đổi theo chỗ thấy của chúng sinh nên chúng sinh thấy là đất đá núi sông, đều do nghiệp sinh khởi. Bồ-tát chỉ toàn là trí tuệ vi diệu, lìa tâm Thánh phàm, không có cảnh chân tục.

Như Hoa Nghiêm Luận nói: “Kinh Hoa Nghiêm nói về môn duyên khởi pháp giới lý sự không hai, không duyên nào chẳng tịch, không sự nào chẳng chân, mười phương thế giới nhất chân tính hải, đại trí tròn sáng, vì quốc độ cảnh giới đều là biển tính, là nhất chân pháp giới, chẳng phải hữu tình vô tình theo nghiệp mà nói, vì trong Hoa Nghiêm cảnh giới thuần chân đều là trí. Bồ-tát Thập trụ lấy tuệ làm cõi nước, Bồ-tát Thập hạnh lấy trí làm cõi nước, Bồ-tát Thập hồi hướng, Thập địa lấy diệu làm cõi nước, không nói hữu tình với vô tình sai biệt, vì kinh Hoa Nghiêm hiển bày pháp gốc khác với tam thừa quyền giáo, vì vô tình, hữu tình có sinh có diệt”.

Hỏi: Tất cả thân độ do tám cực vi tạo thành, tại sao duy tâm mà không có chất ngại?

Đáp: Chấp sắc cực vi có tính chất ngại là Tiểu thừa, không phải tông chỉ Đại thừa. Người thấy nước, quỉ thấy lửa, đâu phải do khác ở nơi chốn. Biển trong sợi lông, quả núi trong hạt cải ai luận lớn nhỏ ? Một trần một thức, muôn cảnh muôn tâm. Nếu mê tâm mà quán sắc thì thông bít rõ ràng. Nếu rõ sắc minh tâm thì dứt sạch thị phi. Do đó Cổ đức nói: Nếu biết sắc là không, thì quán sắc là sai chăng? Nếu chấp sắc là có thì quán sắc là đúng chăng? Nếu biết không là sắc thì quán không là sai chăng? Nếu thấy không khác với sắc thì quán không là đúng chăng? Đây là sự hiểu biết và sự mê hoặc khác nhau, tự phân đẹp xấu, đâu liên quan đến sắc không mà rõ chính tà? Nếu thấu suốt tông chỉ này thì thường quán sắc mà luôn luôn chính, nếu chẳng rõ chỉ thú này thì tuy quán không mà luôn luôn tà.

Vả lại, chúng sinh chẳng thấu rõ nhị không, vì chấp tâm sắc thật có nên quán tâm không thâm diệu, chiếu cảnh không công năng. Đã chẳng hiểu tức sắc minh không mà còn không thể phân tích tỉ mỉ, làm sao biết sắc tự thô tế, tận cùng tâm nguyên chân vọng. Nay đối với căn cơ sâu cạn mà nêu sơ lược ý nghĩa của tính tướng giúp cho hàng trung hạ được lợi ích.

Cổ đức nói: Như Lai xuất thế vốn vì độ sinh, hữu tình mê chấp quá nặng, vọng chấp thật có ngã pháp, đức Phật liền khéo bày phương tiện khiến họ trừ tâm điên đảo. Đối với sắc tụ, Phật dạy họ phân tích, rõ ràng hai chấp ngã pháp đều không, sắc tuy vô lượng nhưng không ngoài hai loại: một là câu ngại, hai là sở ngại.

Câu ngại sắc nghĩa là năm cảnh, năm cảnh hay tạo ra bốn đại, đây là tổng thể. Còn phân biệt ở trong là xanh vàng đỏ trắng, bốn thứ này là thật; dài ngắn vuông tròn thô tế cao thấp cong ngay, mười thứ này là giả. Y theo thật có nên gọi là hình sắc, hay ngại cái khác và cũng bị cái khác làm ngại nên nói là câu ngại. Y theo đây phân tích thành cực lược sắc. Cực lược sắc thuộc về pháp xứ.

Lại có bóng sáng, khói, mây, bụi, mù thuộc về sắc, biểu sắc không nhất định hiển sắc v.v…đều là giả có, do bị cái khác làm ngại, chứ không làm ngại cái khác nên gọi là sở ngại sắc. Y theo đây giả tưởng phân tích gọi là cực hướng sắc, cực hướng sắc thuộc về pháp xứ.

Ba hiển bày hành tướng và định sở y, nghĩa là các sư Du-già lúc tu quán hạnh, y theo bốn tĩnh lự căn bản định tâm, tương ưng với tuệ, nhờ căn cảnh và ngoại sắc làm chất; ở trên tự thức biến ra bóng dáng mà duyên lấy. Ở trong một sắc tụ, mới đầu phân tích làm hai. Quán trên hai phần sắc này ngã pháp đều không, rõ ràng phân minh không hôn trầm không tán loạn. Lại e rằng trong hai phần sắc ngã pháp vẫn còn, lại dùng tuệ tâm phân tách làm bốn biệt, như vậy cho đến một tướng lân hư không thể phân tích gọi là sắc hậu biên. Nếu phân tích nữa là phi sắc. Y theo đây giả lập hai thứ cực nhỏ là cực lược và cực hướng. Xét tìm ngã pháp thật thể đều không, đạt biến kế là không, ngộ y tha là giả, liền có thể dẫn khởi nhị không vô lậu, căn bản trí sinh liền chứng nhị không, chân lý hiển bày.

Lại nói về Phật quốc, như trong một nước đều do thiên tử thống lĩnh, không gì chẳng thuộc về nước ấy. Nay cũng thế, tùy tâm một tưởng một duyên, hữu tình vô tình, hoặc sắc hoặc tâm đều là cảnh được chiếu bởi thật trí; vì thấu rõ tính tướng nên gọi là Phật quốc.

Thiên Thai Tịnh Danh Sớ ghi: “Tùy sự thành tựu chúng sinh mà Phật độ tịnh; tùy Phật độ tịnh mà việc nói pháp tịnh; tùy việc nói pháp tịnh mà trí tuệ tịnh; tùy trí tuệ tịnh mà tâm tịnh; tùy tâm tịnh mà tất cả công đức tịnh. Cho nên Bồ-tát Bảo Tích muốn được tịnh độ thì phải tịnh tâm của mình”.

Tùy tâm tịnh thì Phật độ tịnh, nghĩa là quán tâm tính vốn tịnh dường như hư không, là cảnh của tính tịnh, cảnh là cõi nước. Quán trí giác ngộ, tâm này gọi là Phật. Mới quán gọi là nhân, quán thành gọi là quả. Nếu luận về tự tu hành là tâm vương không nhiễm, nếu luận về hoá tha là tâm sở giải thoát. Trí tuệ số là đại thần có thể loại trừ các mê hoặc trên các số để trở về tâm nguyên thanh tịnh độ, cho nên nói tâm tịnh thì Phật độ tịnh.

Trích dẫn:

TÔNG CẢNH LỤC 

THIỀN SƯ DIÊN THỌ 

Tuệ Đăng – Hân Mẫn dịch 

NXB – PHƯƠNG ĐÔNG

SHARE:

Trả lời