THIỀN QUÁN

SHARE:

THIỀN QUÁN

  1. Nói về thiền quán

Thiền quán là một biểu hiện vốn có của tâm, thiền quán vừa là sự chiếu sáng của viên ngọc tâm, vừa là phản ánh của mọi hình tướng trong và ngoài tâm vào sự sáng chiếu này. Thiền quán là mặt năng động từ tâm an định, chính thiền quán mang tâm an định đi xa và rộng hơn, nó đồng hành cùng với lòng bi mẫn của các vị Bồ Tát đi cùng khắp. Thí dụ, khi ta tham thiền chúng ta an định tâm, nếu ta an trú trong sự an định này thì sự an định chỉ nằm trong phạm vi không có tư tưởng, không có hình tướng, an định rời các hoạt động của tâm.

Nhưng từ an định này chúng ta không an trú trong nó mà từ nó chúng ta nhận biết sự khởi tưởng của tâm, và các hình tướng bên ngoài thì lúc này thiền định trở thành thiền quán, và nhờ sự quán sát có từ tâm an định này mà tâm an định được mở rộng ra tới mọi sự việc, mọi khởi tưởng. Tâm an định nhờ chính nó quan sát mà sự an định mới thấu qua cả khởi tưởng, và các hình tướng, và càng ở trong an định này quán sát tới đâu thì sự an định, thấu thoát càng rộng tới đó.

Thiền quán và thiền định là một, nhưng nó đóng vai trò khi tâm định và khi tâm hoạt dụng mà thôi. Hay nói khác hơn, khi tâm an định chúng ta sống thấu suốt tâm khi nó tĩnh tại, vắng lặng, tịch diệt và khi tâm có khởi tưởng hay có các hình tướng thì chúng ta sống thấu suốt nó khi tâm năng động, hoạt dụng. Hai mặt động và tịnh chỉ xảy ra trong nhất tâm.

Một người có căn cơ bén nhạy, có bề dày công phu sẽ nhận ra (đốn ngộ) tâm đủ mạnh để sống được nó cả khi tịnh và khi động, còn đa số chúng ta phải tu theo thứ lớp là an định tâm trước rồi mới thấy tâm giải thoát khi tâm hoạt dụng. Tức là, chúng ta thấy tâm an định trước rồi mới mở dần sự an định này khi tâm hoạt động, là chúng ta thực hành thiền quán.

Tại sao nói ánh sáng của tâm phản ánh mọi tư tưởng và các hình tướng được nhận biết?

Ánh sáng của tâm, nếu chúng ta nhận thức như một sự tương quan là: khi có hình tướng có tư tưởng thì có nhận biết, đó chỉ là nhận thức biểu hiện bên ngoài tâm, hay nói khác hơn khi ở góc độ nhận thức này, tâm đã chia ra làm hai: có người nhận biết, và tư tưởng hình tướng được nhận biết.

Trong ánh sáng tuyệt đối từ nguồn tâm thì mọi tư tưởng, mọi hiện tượng chỉ là biểu hiện của ánh sáng của tâm, có nghĩa là khi tâm an định thì ánh sáng của tâm là rỗng rang thông tỏ, còn khi tâm có tư tưởng hay có các hình tướng thì tư tưởng và các hình tướng biểu hiện ở ngay ánh sáng của tâm. Chúng ta tham thiền phải thấy được: một cái là biểu hiện bên ngoài tâm, tâm đã phân chia (nhị biên) và một cái là biểu hiện từ chỉ một Tâm. Tư tưởng chỉ là những tia sáng của Tánh Giác, các hình tướng chỉ là ánh sáng, là Tánh Giác.

Việc tu hành của chúng ta thông thường phải qua thiền định rồi mới tới thiền quán là như vậy. Tức là, chúng ta phải nhận ra nền tảng của tâm lúc an định, rồi chúng ta nhận ra nền tảng này không phải chỉ có khi an định mà nó có cả khi tâm hoạt động, và cuối cùng chúng ta nhận biết tất cả hoạt dụng của tâm cho dù khi bặt dứt mọi khởi tưởng, mọi hình tướng, hay tâm đang khởi tưởng, đang có hình tướng, mọi biểu hiện của tâm chỉ từ một nguồn Tâm, Một tâm này biểu hiện là thiền định hay thiền quán như tên gọi sự biểu hiện của chính nó.

 

Phật giáo Tây Tạng gọi ánh sáng của tâm này là tịnh quang, hay gọi là cái thấy, và người tu hành phải thể nhập cái thấy hay tịnh quang này. Một câu nói của đức Phật trong kinh về Bát Nhã mà ngài Lạt Ma thứ 14 giảng: “Trong tâm, tâm không được tìm thấy, bản tánh của tâm là ánh sáng thuần khiết”

Như vậy, bản tánh của tâm là ánh sáng thuần khiết, nó luôn luôn biểu hiện, nhưng khi chúng ta không sống với bản tánh thuần khiết này, mà trên biểu hiện chúng ta chấp vào nó thì: tri kiến lập tri (thấy biết lập thấy biết), và như vậy, biểu hiện thuần khiết bị che khuất. Tuy nhiên bản tánh của tâm nó là ánh sáng căn bản, cho nên nó luôn luôn hiện diện, cả khi có tình chấp nó cũng luôn hiện diện, tự chúng ta chấp nên chúng ta che mất nó, “Tự tâm chấp giử tự tâm phi huyễn trở thành pháp huyễn” (kinh Viên Giác)

Trong bài viết này tên gọi là Thiền Quán, thật ra nó chính là chỉ quán hợp nhất hay chỉ quán không hai (bất nhị) trong kinh Viên Giác, đây là ánh sáng Viên Giác, hay Đại Quang Minh Tạng mà kinh Viên Giác và kinh Hoa Nghiêm nói tới. Lục Tổ gọi là Định Huệ đồng thời, hay ngài còn gọi là trí Bát Nhã.

  1. Một vài so sánh giữa quán tương đối và quán tuyệt đối.

 Để cho dễ hiểu về chỉ và quán, ngay trong tâm chúng ta, chưa tu hay có tu gì chúng ta cũng thừa hưởng hai khả năng của tâm.

Khả năng thứ nhất là sự tập trung hay chỉ.

Khả năng thứ hai là sự suy nghĩ của tâm, tâm có thể phân tích tổng hợp, so sánh… và mặt khác, tất cả những hoạt động của tâm đều bắt nguồn từ sự nhận biết, hay toàn bộ hoạt động của tâm thức ở phần sáng suốt là quán.

Hai khả năng tập trung và suy nghĩ nhận biết này, lớn lên theo con người chúng ta, và ở trường học dạy chúng ta học cũng là làm cho nó trở thành một kỷ năng, kỷ xảo, để đánh thức nó, ứng dụng nó nhuần nhuyễn, nó càng ngày càng phát triển để chúng ta dựa vào đó mà có cuộc sống tốt, thích ứng với gia đình, xã hội, môi trường; để cống hiến đời mình cho nhân loại cho thế giới mà chúng ta đang sinh sống.

Khi chưa nhận ra nó, nó chỉ là tiềm năng, nhưng khi nói đến thiền quán và thiền chỉ thì khả năng này là một tiềm năng không thể nghĩ bàn.

Chúng ta phân tích thêm một bước nữa, với tâm thức thông thường, chúng ta sử dụng nó để quán chiếu, thì nó là tiến trình làm việc của suy nghĩ, nhưng sự suy nghĩ vốn chỉ có khả năng hạn hẹp trong kinh nghiệm của mỗi con người.     Krishnamurti thường hay nhắc trong các bài thuyết pháp của ông rằng: “Không thể lấy cái đã biết mà biết được cái chưa biết” sự suy nghĩ của chúng ta có tính tương đối, hay quán tương đối, vì nó bị qui định, nó nằm trong kinh nghiệm sống mà người đó tích lũy cho nên nó mang tính tương đối, nó hạn cuộc trong kinh nghiệm mà chúng ta đã tích lũy được, nó là trí hữu sư (trí nhờ học hỏi tích lũy hiểu biết, kinh nghiệm)

Tuy nhiên, không nương vào quán chiếu tương đối để thực hành tu hành thì chúng ta không có chỗ nào để bắt đầu cả. Vì vậy, cho dù tương đối nhưng mọi việc, mọi đối tượng, qua suy nghĩ phân tích, chúng ta sẽ tìm ra một kết luận, để chúng ta không còn dính mắc vào đối tượng này nữa, đó là khả năng của quán chiếu tương đối. Nhờ quán chiếu tương đối tâm chúng ta xa lìa những dính mắc chấp giữ kiên cố.

Khi chúng ta tu hành một thời gian, chúng ta có một mức định tâm nào đó trong tham thiền, thì quán chiếu tương đối trở thành quán chiếu tuyệt đối. Khi thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe; tri kiến không còn lập tri (thấy biết mà không lập thấy biết), tức là thấy nghe hay biết vượt qua sự suy nghĩ, khi đó chúng ta trực tiếp với ánh sáng lưu xuất từ nguồn tâm, lúc này chúng ta chứng nghiệm được chánh niệm tỉnh giác chính là tánh giác, hay Chánh quán.

Việc chúng ta thực hành thiền chỉ là để nhận ra tâm an định, khi tâm đã an định, từ tâm định khởi quán để chúng ta thấy ra điều này, nghĩa là chúng ta phải vượt qua sự suy nghĩ, không còn ai suy nghĩ nữa, chỉ có ánh sáng của tự tâm an định đang phản chiếu mọi sự mọi vật, mọi hình tướng, đó là quán chiếu tuyệt đối. Nhận thức từ tâm an định mà chúng ta gọi là thiền quán, nó trực tiếp từ bản tâm cho nên nó vượt lên tiến trình suy nghĩ thông thường luôn dính mắc bởi một cái tôi.

Cũng cần nói thêm, quán chiếu tuyệt đối, không có nghĩa chỉ như sự phản ánh Vô tâm như gương sáng phản chiếu mọi hình tướng, mà an trú trong đó đủ lâu, sống được với ánh sáng này chúng ta không bỏ những kinh nghiệm mà mình tích lũy (trí hữu sư), mà chúng ta vận dụng cả những suy nghĩ, làm chủ nó trong ánh sáng tỉnh giác, mọi cái mà trước kia che mờ tánh giác, bây giờ nó chính là dụng của tánh giác, cho nên khi người chứng ngộ được tánh giác, những thiện căn đời trước, những khả năng chuyên môn nào mà họ có, họ sử dụng nó làm lợi lạc cho Phật pháp, cho mọi người. Các vị Thiền sư hay nói: chỉ sắt thành vàng.

Cho nên kinh Hoa Nghiêm dạy: Con sư tử bằng vàng, thì sợi lông nó cũng bằng vàng. Đối với người đã thuần thục trong ánh sáng thiền quán thì tất cả chỉ có một vị là ánh sáng giải thoát mà trong kinh gọi là quang minh, hay đại quang minh tạng. Mọi diễn biến trong tâm ngoài tâm đều hợp nhất với ánh sáng của tâm, và nó chỉ có một vị: ánh sáng.

Phật giáo Tây Tạng nói đến Tantra: là dòng tương tục của tâm thức thanh tịnh.

 Một đặc điểm đáng được chú ý là quán chiếu tương đối và tuyệt đối đều xuất phác từ một nguồn tâm, cho nên người tu khéo thấy, sẽ nhận ra nơi quán chiếu tương đối chính là quán chiếu tuyệt đối. Hay ngay thấy biết phân biệt này cũng chính là thấy biết vô phân biệt làm nền để trên đó chúng ta phân biệt. Vì thế cho nên Lục Tổ dạy: “Pháp không có đốn tiệm (nhanh chậm)”, hay tinh thần của Thiền tông, hoặc Đại Toàn Thiện, Đại Ấn là trực chỉ nhân tâm cũng từ cách nhìn này. Ngay nơi cái thấy dính mắc vào tướng, chúng ta trực nhận cái thấy lìa tướng. “Thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy như lai”. (kinh Kim Cang)

Hay Phật dạy: “Khi thấy chỉ là thấy, khi nghe chỉ là nghe…”

Đó là con đường trực tiếp vào tánh Giác, hay quán chiếu tương đối nhận ra chính nó là quán chiếu tuyệt đối.

Vấn đề đã được đặt ra, và chúng ta tu hành khéo làm sao nhận thấy sự thật này.

Quán chiếu tương đối là quán chiếu trên hiện tượng, nó làm việc trên thế giới của hình tướng mà tâm đã bày ra. Quán chiếu tuyệt đối là quán chiếu cũng trên thế giới hình tướng nhưng không bị kẹt vào các hình tướng. Cùng một ánh sáng của tâm nhưng khi chúng ta nhận thức bị mắc vào các biểu hiện của nó tưởng nó như thật, thì quán chiếu trở thành tương đối. Còn chúng ta thấu suốt tỉnh giác trong ánh sáng của tâm; mọi hoạt dụng, mọi biểu hiện, mọi hình tướng ngoài tâm, tư tưởng trong tâm, toàn cảnh hợp nhất với ánh sáng chánh quán, thì đó là giải thoát. Ánh sáng đó là sự ứng hiện trực tiếp từ gương tâm trong sáng, đó là quán chiếu tuyệt đối. Chỉ có một gương tâm trong sáng trực tiếp ứng hiện mọi tư tưởng, mọi hình tướng, thứ thứ lớp lớp đều là bóng hiện trực tiếp trong gương không bị che bởi tình chấp cho nên mọi ứng hiện đều là gương, là chánh quán.

Cái khó của hành giả là bị tình chấp che trên: thấy, nghe, hay, biết của mình; cho nên thay gì ánh sáng ứng ra từ nguồn tâm biểu hiện bằng tư tưởng và các hình tướng nó vốn giải thoát, nhưng chúng ta chen tình chấp vào và nó trở thành tương đối, nó rơi vào vòng hình tướng tạo nghiệp sanh tử.

Lục Tổ dạy trong phẩm Bát Nhã: “Trí huệ quán chiếu trong ngoài sáng suốt biết rõ bản tâm mình.”

Đây là công năng của sự quán chiếu của tâm, nếu trong tâm có khởi tưởng hay xúc cảm tình cảm nào khởi sinh, chúng ta luôn luôn cảm nhận được điều này, không có cảm nhận thì không có sự biểu hiện xúc cảm đó nơi chúng ta, tuy nhiên, thay vì cảm nhận bằng sự tỉnh giác trước khởi tưởng và xúc cảm để làm chủ nó thì chúng ta bị nó cuốn trôi mà quên đi sự sáng suốt đang hiện diện, vì quên chính sự sáng suốt này cho nên chúng ta biểu hiện bằng chính xúc cảm hay khởi tưởng. Chúng ta bị đồng hóa với xúc cảm và khởi tưởng!

Chúng ta luôn luôn bỏ quên sự sáng suốt mà chỉ chạy theo các tư tưởng và cảm xúc, nhưng dầu có làm như vậy bao nhiêu lần đi nữa, thì sự sáng suốt nhận biết mọi biểu hiện luôn luôn hiện diện không bao giờ vắng. Như ngay lúc đầu chúng ta đã biết, quán hay biết là một biểu hiện vốn có của tâm vì chấp ngã đằng sau sự quán sát đó nên chính nó che đi ánh sáng trực tiếp từ nguồn tâm. Khi mê Tánh Giác trở thành tánh của một cái tôi, với cái tôi, biểu hiện của nó là sự suy nghĩ, Tánh giác bị đồng hóa, che khuất. Trực nhận ra ánh sáng của tâm vượt qua bóng dáng của cái hay suy nghĩ thì tâm trực tiếp với nguồn tâm nó hoàn nguyên trở về với Tánh giác.

III. Phương pháp thực hành

Vấn đề cốt lõi của chúng ta khi thực hành thiền quán tương đối để rồi, một là nhận ra đằng sau sự nhận biết phân tích tổng hợp đó có một trung tâm, một cái ta, và chúng ta quán chiếu tương đối để soi xét mọi mặt của tâm này mà lìa nó, ngài Đạo Nguyên dạy: Học đạo là học chính mình, học chính mình là quên chính mình, quên chính mình là thấu hiểu vạn pháp, thấu hiểu vạn pháp là thân tâm của mình và người đều giải thoát”.

 Học đạo là học chính cái ta này. Học là xem xét mọi diễn biến, mọi khởi diệt của nó, quan sát nó không bao giờ rời để nhận ra bộ mặt thật của nó. Khi đã nhận biết tường tận mọi hoạt động sinh diệt của tâm thức chính mình, chúng ta quên chính mình, thôi không còn dính mắc vào chính mình nữa.

Quên chính mình thì chúng ta nhận ra nguồn tâm có sẵn, và khi đó chúng ta thấy: chính đối tượng mà ta đang quán chiếu cũng ứng ra từ nguồn tâm là tánh Không, và cả ánh sáng tâm tương đối mà ta sử dụng sống sinh hoạt đây, cũng lưu xuất từ tánh Không. Nhờ công phu quán sát tương đối miên mật, quyết liệt, tập trung, trường viễn, chúng ta truy ra được cội nguồn của tâm và các hình tướng. Điều này dạy rất rõ trong kinh Tứ Niệm Xứ, hành giả nào miên mật chánh niệm tỉnh giác với đối tượng mà mình quán sát như: thân, hay thọ, hay tâm, hay pháp. Trong bảy ngày sẽ chứng Chánh Trí.

Chánh Trí ở đây là chính chánh niệm tỉnh giác, mũi nhọn mà chúng ta khi thực hành nó còn mang tính tương đối, mũi nhọn này hoàn nguyên về nguồn của nó là Tánh Giác, chánh niệm tỉnh giác chính là Tánh giác!

Mặt khác, nếu đối tượng quán sát của chúng ta là tư tưởng, chúng ta học nó, nhận biết nó từ đâu sanh khởi, diễn tiến ra sao, và diệt dứt ở đâu? Chúng ta truy cho ra nơi xuất phát của tư tưởng, chúng ta chứng nghiệm được nguồn tâm, hay Tánh Không của chính tư tưởng mà chúng ta quán sát. Chỉ cần nhận biết một tư tưởng khởi sinh từ đâu hiện diện và chấm dứt ở đâu, là chúng ta nhận ra cội nguồn phát sanh của tư tưởng. Nơi đó là vô sanh. Chúng ta thực hành để tự khám phá tâm vô sanh này.

Rõ ràng người tu khi đã quyết liệt theo đuổi một đối tượng để quán sát, dù đối tượng đó là năng (tâm đang biết), hay đối tượng đó là sở (cái bị biết), nếu theo dõi quyết liệt, thường xuyên như một vấn nạn của đời mình. Tự hỏi và quán sát như: tư tưởng này khởi sanh từ đâu? Và chỉ chú ý tới tư tưởng trong mọi sinh hoạt sống trong lúc tham thiền, chúng ta truy cho đến cùng một tư tưởng, chúng ta biết gốc gác của nó từ đâu sanh, là chúng ta chứng nghiệm được nguồn tâm.

Hoặc chúng ta thiền quán, chúng ta lấy ánh sáng thiền quán này làm chỗ an trú mọi lúc mọi nơi, khi nào có tư tưởng trong tâm thì có sự nhận biết, có quán, khi có hình tướng sự việc thì có biết, có quán; chúng ta nhận ra lúc nào sự nhận biết cũng có mặt, cả khi không có tư tưởng. Từng niệm từng niệm trong tâm, cho tới sự xuất hiện các hình tướng sự việc, chúng ta luôn luôn thấy mình có biết, đánh thức và an trú trong sự tỉnh biết này, chánh niệm về nó tương tục. Đó là bí quyết đi tới thành công. (Chỉ trong bảy ngày miên mật)

Trên bình diện nhận thức tương đối chúng ta thấy mình có khả năng thực hành được điều này. Chúng ta thực hành như vậy trong một thời gian dài cho thật thuần thục, luôn luôn đánh thức ánh sáng của tâm, và đến một lúc…

Bất chợt chúng ta nhận ra Vô tâm, Vô niệm bày hiện! Khi chúng ta tu hành một thời gian dài, tâm dính mắc của chúng ta đến giai đoạn mỏi mệt, thân tâm chúng ta không còn quyết liệt nữa. Tâm thức đã thôi không còn bám luyến chúng ta mạnh mẽ nữa vì nó thường xuyên bị ta nhận biết, nó đã mệt mỏi, và khi nó mệt mỏi nó sẽ rời đi. Người xưa nói là: Thân tâm rơi rụng.

Bạn phải thực hành pháp tới giai đoạn thân tâm rơi rụng, lúc đó, chánh quán hiện bày, tâm nền tảng hay Tánh Giác là sẵn có, khi mọi tình chấp hết, tan rả thì Tâm nền tảng hiện.

Nếu chúng ta chịu để ý một chút, là chúng ta chỉ nhận ra sự quán chiếu hiện diện khi có tư tưởng, hay khi có các xúc cảm, khi có đối tượng quán chiếu đang hiện hữu, thì đó chỉ là sự quán chiếu tương đối vì chúng ta đang thực hành quán chiếu có điều kiện.

Còn sự quán chiếu tuyệt đối ở đâu?

Nó cũng ở chính ngay sự biểu hiện tương đối. Khi chúng ta nhận biết có điều kiện, có sự việc mới có nhận biết, đó là nhận biết tương đối, còn nhận biết vô điều kiện, có hay không có sự việc, sự trong sáng của tâm là thường hằng có sẵn, lúc đó chúng ta mới thấy rằng mọi khởi tưởng, mọi xúc cảm đều xảy ra trong sự trong sáng vốn là ánh sáng có sẵn của tâm, hay nó luôn luôn bày hiện trong chánh quán, chánh quán là xưa nay nó tự quán. Nó như ngọn đèn luôn luôn tỏa sáng mà không cần đối tượng và nhân duyên, nó là hằng giác.

Vì vậy, vấn đề chúng ta phải làm rõ là: lúc đầu chúng ta thiền quán có đối tượng, nhờ đối tượng chúng ta quán sát đánh thức ánh sáng tỉnh giác của tâm, nhưng khi đã công phu thuần thục, chúng ta phải nhận ra sự quán sát này là Vô tâm, vô điều kiện. Khi mà chúng ta quên được con người tình chấp đang tu hành trên bình diện tương đối, khi đó sự thật hiện bày.

Sự trong sáng của tâm thì bất động và vốn như vậy, giống như sự phản chiếu của gương sáng, có hay không có duyên gương vẫn chiếu sáng mà không cố gắng. Chúng ta vì nhận thức luôn chạy theo duyên, cho nên khi có duyên là có biết, khi không có duyên thì nói không biết. Chính vì vậy mà thay vì thấy biết luôn thường bày hiện, chúng ta lại thấy biết khi có khi không theo sự có không của duyên.

Vì nhận thức chỉ theo duyên nên người nhận thức sẽ thấy là sự thấy biết này cũng sinh diệt theo duyên, cho nên thay gì tỉnh giác trong thấy biết bày hiện thường hằng, chúng ta lại thấy biết nhấp nhô khi có khi không theo sự có không của duyên.

Thấy biết vốn trong sáng thường hằng và trực tiếp từ nguồn tâm, chuyển sang thấy biết hạn cuộc theo duyên, bị đồng hóa và tách khỏi nguồn tâm bởi một trung tâm, bởi cái ta. Cái ta là tác nhân chắn ngang giữa nguồn tâm vốn giải thoát và sự bày hiện cũng giải thoát như nguồn tâm, tác nhân (cái ta) đó đã biến các pháp vốn giải thoát thành thế giới hình tướng và tạo nghiệp sanh tử.

  1. Lời kết

 Chúng ta luôn luôn sở hữu hai khả năng giải thoát khi thật sự tu hành:

Một là, giải thoát lìa tất cả những tư tưởng, lìa sự dính mắc vào các hình tướng, tâm vắng lặng tịch diệt, an trú trong tâm này để giải thoát là chứng thực Vô ngã.

Hai là, cũng tâm vắng lặng tịch diệt đó, nhưng tâm trong sáng, tâm thấu suốt hết mọi thứ tâm và mọi hình tướng hiện tượng, đó là tâm quán chiếu, là Thiền quán: mặt thông tỏ năng động được biểu hiện từ tâm vắng lặng tịch diệt.

Một tâm: Không và Minh là bất nhị. Nhận ra và sống bằng khả năng này là công năng tu hành của một Bồ Tát, vì nhờ vào tính Minh của Tâm hay chúng ta nói ở đây là Thiền quán, nó quán xét lại, khi tâm an định, khi tâm khởi tưởng, khi tâm có hình tướng, và nó hợp nhất thế giới hình tướng thành một vị giải thoát. Nó làm cho cái thấy Vô ngã không hạn cuộc chỉ ở lìa sự dính mắc, mà Vô ngã đây mở rộng ra các pháp, các pháp đồng nhất với tâm, tâm Không thì pháp cũng Không, cho nên thiền quán có công rất lớn trong hợp nhất các tướng và hoàn nguyên nó về chỉ có một vị là Tánh giác: Minh – Không.

Là một Phật tử, nếu chúng ta được dạy phát Bồ Đề tâm, thiền quán có công năng soi xét tâm chúng ta, những tập khí lâu đời, những vách ngăn đang đóng kín trong tâm làm cho chúng ta ngăn ngại với đời sống, và khi nó mở ra được những vách ngăn này, tâm không còn khô khan hạn hẹp nữa, mà tâm trào dâng những cảm xúc, lòng bi mẫn, và lực dụng của nó sẽ thúc đẩy bạn thực hành hoạt động vì cộng đồng mà không cần phải cố gắng, tưởng chừng như bạn mới biết tại thời điểm này, bạn sinh ra để làm việc cho mọi người và cho Phật giáo mà thôi.

Ngay đây, bạn mới phần nào ý thức được trong kinh điển dạy như thế nào là Bồ Tát hạnh, bởi sự thật nơi tâm, từ đây cảm thức và tánh giác hòa quyện với nhau đang trào dâng!

Tánh Hải

SHARE:

Trả lời