CHÁNH VỊ VÔ SANH

SHARE:

Ngay bây giờ, nếu tâm thức không giả lập vọng tưởng, mà lặng lẽ an trụ trong bản tánh của chính nó, không tạo tác, không thêm bớt, không hướng đi đâu cả – nó “chết” trong chính nó – thì tất cả đều một màu hiện tại vĩnh cửu. Đó là cái chánh vị vô sanh, đó chính là thực tại.

 KINH: Bấy giờ Phật bảo Bồ tát Di Lặc: “Ông đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật.”

Di Lặc Bạch Phật rằng: “Thưa Thế Tôn! Con không kham nhận được việc đến thăm bệnh ông ấy. Tại sao thế? Nhớ lại trước kia, con nói hạnh của địa Bất thối chuyển cho Thiên Vương Đâu Suất và quyến thuộc. Lúc ấy, Duy Ma Cật đến, nói với con rằng:

“Thưa ngài Di Lặc, đức Thế Tôn thọ ký cho nhân giả một đời sanh nữa sẽ đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, vậy dùng đời sanh nào để được thọ ký? Quá khứ chăng? Vị lai chăng? Hiện tại chăng? Nếu đời sanh quá khứ, đời sanh quá khứ đã diệt. Nếu đời sanh vị lai, đời sanh vị lai chưa tới. Nếu đời sanh hiện tại, đời sanh hiện tại không dừng (vô trụ). Như Phật có nói: “Các Tỳ kheo! Chính ngay khoảnh khắc này, các vị cũng sanh, cũng già, cũng chết, cũng tái sanh.” Nếu dùng không có đời sanh nào cả (vô sanh) mà được thọ ký, thì vô sanh là chánh vị. Ở trong chánh vị, cũng không có thọ ký, cũng không có đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Như thế làm sao ngài Di Lặc được thọ ký một đời sanh ư? Đó là từ Như sanh mà được thọ ký ư? Từ Như diệt mà được thọ ký ư? Nếu do Như sanh mà được thọ ký, thì Như không có sanh. Nếu do Như diệt mà được thọ ký, thì Như không có diệt. Tất cả chúng sanh đều Như như vậy. Tất cả các pháp cũng Như như vậy. Tất cả hiền thánh cũng Như như vậy. Cho đến Di Lặc cũng Như như vậy. Nếu Di Lặc được thọ ký thì tất cả chúng sanh cũng phải được thọ ký. Tại vì sao thế? Hễ là Như, thì chẳng hai, chẳng khác. Nếu Di Lặc đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì tất cả chúng sanh cũng đồng đắc. Tại sao như thế? Tất cả chúng sanh chính là tướng Bồ Đề. Nếu Di Lặc được diệt độ, thì tất cả chúng sanh cũng đồng diệt độ. Tại sao như thế? Chư Phật biết chúng sanh rốt ráo tịch diệt, chính là tướng Niết Bàn, chẳng còn phải lại thêm diệt độ nào nữa.

Với chúng sanh chúng ta, sự đắc đạo – nghĩa là sự thấy biết triệt để thật tướng của tất cả các pháp, sự thấy biết triệt để thực tại – sẽ phải xảy ra ở một đời tái sanh nào xa lắm, nghĩa là sự chứng ngộ phải ở trong thời gian. Nhưng thời gian là một vọng tưởng chồng lên một vọng tưởng. Tâm thức tự khoanh mình vào một phần hạn nào giả lập cho rằng đó là hiện tại, như trong biển cả, tự nhận lấy một bọt nước nào đó làm mình. Từ cái hiện tại giả lập bởi vọng tưởng đó, tâm thức hướng về cái mà nó cho rằng “chưa có”, nó giả lập ra tương lai; và nó hướng về cái mà nó cho rằng “đã có”, nó giả lập ra “quá khứ”. Từ vọng tưởng “hiện tại”, tâm thức vọng lập ra vọng tưởng “quá khứ” và vọng tưởng “tương lai”. Và nếu nó “viễn tưởng” mình ở “tương lai”, nó sẽ giả lập nên vọng tưởng “hiện tại” và vọng tưởng “quá khứ”. Đó là vòng sanh tử luân hồi của tâm thức.

Ngay bây giờ, nếu tâm thức không giả lập vọng tưởng, mà lặng lẽ an trụ trong bản tánh của chính nó, không tạo tác, không thêm bớt, không hướng đi đâu cả – nó “chết” trong chính nó – thì tất cả đều một màu hiện tại vĩnh cửu. Đó là cái chánh vị vô sanh, đó chính là thực tại.

Cái chánh vị – hay là thực tại bổn nhiên – đó không phải do tạo tác mà có, không ai ban cho được, không ai lấy đi được, không phải xưa mới có nay không có: Dầu chư Phật có ra đời hay không, có thuyết pháp hay không, Pháp vẫn như vậy. (Kinh Đại Bát Nhã) Trong chánh vị vô sanh này, “cũng không có thọ ký”, nghĩa là không có tướng chúng sanh để thọ ký; “cũng không có đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”, nghĩa là không có tướng Phật cách biệt với chúng sanh: “Vì một thân thanh tịnh, nên nhiều thân thanh tịnh. Vì nhiều thân thanh tịnh, như thế cho đến mười phương chúng sanh và thế giới đều là Viên Giác thanh tịnh… Bởi vì sao? Vì tất cả đều là Giác vậy” (Kinh Viên Giác – phẩm Phổ Nhãn).

Sở dĩ như vậy chỉ vì trong chánh vị vô sanh, hay trong thực tại Như, “tất cả chúng sanh và tất cả các pháp đều Như như vậy”. Trong gương tâm soi sáng không bến không bờ, tất cả các hình bóng đều là gương vậy. Trong tánh vàng, tất cả thế giới chúng sanh đều là vàng vậy. Trong chánh vị của tâm, tất cả đều là tâm vậy.

“Tất cả chúng sanh chính là tướng Bồ đề” không có Bồ đề thanh tịnh nào được tạo ra thêm nữa. “Tất cả chúng sanh, đồng rốt ráo tịch diệt, đó là Niết Bàn, chẳng còn phải lại thêm diệt độ nào nữa”. Đây là quả và cũng đồng thời là nhân của việc đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Người thực hành cần thấy cho được như vậy, tâm tương ưng với tướng Bồ đề như vậy, cho đến ngữ và cuối cùng là thân cũng tương ưng với thật tướng ấy. Cả ba tâm, ngữ và thân đều tương ưng trọn vẹn với chân lý, với thực tại, đó là sự hoàn thành con đường Bồ tát. Đó là mục đích và ý nghĩa của việc chúng ta có mặt ở cõi đời này.

 KINH: “Thế nên, ngài Di Lặc, không nên lấy pháp đó khuyến dụ các thiên tử. Bởi vì trong Giác Ngộ (Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác) không có ai trụ trong đó, cũng không có ai thối thất khỏi đó. Ngài Di Lặc, phải nên làm cho các thiên tử bỏ đi cái thấy phân biệt về Bồ đề (Giác Ngộ). Tại vì sao thế? Bồ đề này, chẳng thể dùng thân mà đắc, chẳng thể dùng tâm mà đắc. Tịch diệt là Bồ đề, vì diệt các tướng vậy. Không quán sát là Bồ đề, vì lìa các duyên vậy. Chẳng hành là Bồ đề, vì không có tư tưởng nhớ nghĩ vậy. Đoạn là Bồ đề, vì bỏ các ý kiến. Lìa là Bồ đề, vì lìa các vọng tưởng phân biệt vậy. Ngăn dứt là Bồ đề, vì ngăn dứt các ước nguyện vậy. Chẳng vào là Bồ đề, vì không có tham trước vậy. Thuận là Bồ đề, vì thuận tánh Như vậy. Trụ là Bồ đề, vì trụ pháp tánh vậy. Thấu hiểu là bồ đề, vì thấu hiểu thực tế (thực tại) vậy. Bất nhị là Bồ đề, vì trong đó không có tâm ý và đối vật vậy. Bình đẳng là Bồ đề, vì bình đẳng với hư không vậy. Vô vi, không do tạo tác là Bồ đề, vì không sanh, không trụ, không diệt vậy. Biết là Bồ đề, vì rõ tâm hạnh của chúng sanh vậy. Không hội là Bồ đề, vì các nhập (sáu căn và sáu trần)không hội vậy. Không hợp là Bồ đề, vì không dính dáng đến phiền não tập khí. Không nơi chốn là Bồ đề, vì không có hình sắc vậy. Giả danh là Bồ đề, vì danh tự là không vậy. Như huyễn hóa là Bồ đề, vì không lấy bỏ vậy. Không loạn là Bồ đề, vì thường tự lặng trong vậy. Sáng chói là Bồ đề, vì tánh thanh tịnh vậy. Không nắm lấy là Bồ đề, vì không có gì để vịn níu. Không khác là Bồ đề, vì các pháp vốn bình đẳng. Không so sánh được là Bồ đề, vì không có gì thí dụ được. Vi diệu là Bồ đề, vì các pháp khó thấu biết vậy. Toàn khắp là Bồ đề, vì như tánh hư không vậy. Không thể chứng đắc là Bồ đề, vì lìa ngoài thân tâm vậy.”

“Thưa Thế Tôn, khi ông Duy Ma Cật nói pháp như vậy, hai trăm thiên tử đắc Vô sanh pháp nhẫn. Thế nên con không kham nhận đến thăm bệnh ông được.”

Đây là bài thuyết pháp của ngài Duy Ma Cật về Bồ đề, tức là về Giác Ngộ hay là tánh Giác. Và qua bài thuyết pháp đó, hai trăm thiên tử đắc Vô sanh pháp nhẫn, tức là Bồ tát Pháp thân đệ bát địa. Người xưa, như ngài Huyền Giác đã đọc kinh Duy Ma Cật mà ngộ pháp tánh tức là lọt vào Pháp thân. Sở dĩ như vậy vì các vị đã tu hành nhiều, đã chuẩn bị tâm thức nhiều, và khi tâm thức đã khá trong sạch, khá ổn định thì khá dễ dàng khế hợp với thực tại, vì thực tại thì như thiền sư Cảm Thành, đời thứ nhất dòng thiền Vô Ngôn Thông Việt Nam, nói: “Chưa từng che dấu.”

Muốn khế hợp với Bồ đề, tâm chúng ta phải làm theo Bồ đề, Bồ đề như thế nào thì tâm chúng ta phải như thế ấy, mới có thể tương ưng. Thật ra Bồ đề chính là bản tâm của mỗi người chúng ta, nhưng vì tâm chúng ta sống theo tà hạnh, tạo thành những che chướng nên càng sống thì càng cách xa Bồ đề. Thế nên vấn đề căn bản là: phải làm cho các thiên tử (và tất cả chúng ta) bỏ đi cái thấy phân biệt về Bồ đề.

Tất cả chúng ta đều đang sống trong Bồ đề, thế mà vì phân biệt, chia chẻ, thương ghét, lấy bỏ… mà cái toàn thể thành ra manh mún, rốt cuộc chỉ còn là những hình tướng chống trái nhau, xung đột nhau, rốt cuộc thành ra sanh tử bộn bề và khổ não. Không phân biệt thì tức khắc mọi sự chỉ còn là một vị thanh tịnh, và tâm chúng ta tức khắc trở lại toàn nguyên, đầy đủ năng lực của cái toàn thể. Sự phân biệt đã làm tâm chúng ta hao tán hết năng lực, cho nên nó không thể là một với thực tại. Khi nào các hình bóng trong gương vẫn còn là những hình tướng chia cách với nhau, khi đó toàn mặt gương vẫn chỉ là những hình bóng che dấu mặt gương; khi nào chúng thôi chia cách, thì toàn bóng là gương, và gương hiển lộ rõ ràng với đầy đủ năng lực của nó. Khi nào tâm còn phóng chiếu tự tạo thành những hình tướng cách biệt nhau, nghĩa là tâm còn phân biệt, phân tán, khi ấy tâm chỉ là những tư tưởng phân tán và che lấp; khi nào tâm không biến dạng, an trụ trong chính bản tánh của của nó, khi đó tâm là toàn thể thực tại và có đầy đủ năng lực của cái toàn thể.

Nhưng làm thế nào để tâm thôi phân biệt, thôi phóng tưởng? Đây chỉ là một cách, trong tám vạn bốn ngàn pháp môn của đạo Phật để an tâm: phải thấu hiểu được rằng phân biệt, phóng tưởng là bất khả đắc. Tư tưởng giống như một con chim đậu trên cột buồm của một chiếc tàu giữa đại dương, con chim đó có thể bay đủ kiểu, đủ hướng, nhưng bao giờ cũng phải trở về đậu lại trên cột buồm. Tư tưởng có thể tạo tác đủ thứ, nhưng bao giờ cũng phải trở về nơi “chánh vị” của nó, tức là cái tâm toàn nguyên vô tướng, vô niệm và vô trụ.

Đoạn sau nói thật tướng của Bồ đề như vậy, thì tâm ta cũng phải như vậy mới tương Ưng được với Bồ đề. Và tùy theo mức độ tâm “như vậy” được bao nhiêu phần thì tương ưng được với Bồ đề bấy nhiêu phần. Những câu kinh không phải để đọc qua, và hiểu qua. Mỗi người chúng ta tùy theo cái nghiệp của tâm thức mình như thế nào, “cảm”, “thích” một câu nào, một đoạn nào, bèn lấy câu ấy, đoạn ấy mà Văn, Tư, Tu, đến khi nào tâm thức do tu mà được chín muồi, nghĩa là không còn khô cứng, mà uyển chuyển, mềm mại, dễ tương ưng, dễ hòa nhập, thì tự nhiên tương ưng được với Bồ đề, tự nhiên rõ thấu nghĩa kinh.

Tịch diệt là Bồ đề, vì diệt các tướng vậy. Ở đây có ba lối tiếp cận bổ túc nhau: nếu chúng ta đi thẳng vào tánh, thì các tướng sẽ tự động tịch diệt như chúng vốn xưa nay là tịch diệt. Thứ hai là nếu chúng ta “làm cho” các tướng tịch diệt, thì tánh tự hiển lộ. Thứ ba là tướng nào khởi lên thì đưa nó về bản thể của nó là tánh: tướng tức là tánh. Tu hành là chuyển hóa tướng thành tánh. Như thế, tướng càng nhiều thì tánh càng hiển lộ, sức mạnh của tướng càng lớn thì năng lượng của tánh càng phát huy. Bóng càng nhiều thì gương càng rộng càng sáng. Sóng càng lớn thì đại dương càng sâu rộng càng tịch diệt. Tướng không còn là cái ngăn che tánh, mà tướng là cơ hội cho tánh hiển lộ.

Nếu chúng ta chứng ngộ được một câu, chúng ta có thể thấu hiểu và tu hành tất cả các câu khác, bởi vì tất cả đều diễn tả thực tướng của Bồ đề và sự diễn tả thực tướng Bồ đề cũng là phương pháp để ngộ nhập Bồ đề.

 

Thực hành Con Đường Bồ Tát qua kinh Duy Ma Cật
ĐƯƠNG ĐẠO
NXB Thiện Tri Thức

 

SHARE:

Trả lời