Phẩm Đệ Tử

SHARE:


Thực hành Con Đường Bồ Tát qua kinh Duy Ma Cật
Tác Giả: Đương Đạo – NXB Thiện Tri Thức

1. Lời nói đầu
2. Phẩm Phật Quốc
3. Phẩm Phương Tiện
4. Phẩm Đệ Tử
5. Phẩm Bồ Tát
6. Phẩm Văn Thù Sư Lợi Thăm Bệnh
7. Phẩm Bất Tư Nghị
8. Phẩm Quán Chúng Sanh
9. Phẩm Phật Đạo
10. Phẩm Nhập Pháp Môn Bất Nhị
11. Phẩm Phật Hương Tích
12. Phẩm Bồ Tát Hạnh
13. Phẩm thấy Phật Bất Động
14. Phẩm Cúng Dường Pháp
15. Phẩm Phó Chúc
16. Tựa các Đầu sách đã Xuất bản

Phẩm Đệ Tử

XÁ LỢI PHẤT

Lúc bấy giờ, trưởng giả Duy Ma Cật nằm trên giường bệnh tự nghĩ thầm: “Thế Tôn đại từ lẽ đâu không đoái lòng thương xót?”

Phật biết ý của ông, liền bảo Xá Lợi Phất: “Ông đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật.”

Xá Lợi Phất bạch Phật rằng: “Thưa Thế Tôn! Con không kham nhận nổi việc đến thăm bệnh ông ấy. Tại sao thế? Nhớ lại trước kia, con từng ở trong rừng ngồi yên dưới gốc cây. Lúc ấy Duy Ma Cật đến, nói với con rằng:

“Thưa ngài Xá Lợi Phất! Chẳng phải nhất định ngồi như vậy mới là ngồi yên. Phàm ngồi yên là chẳng hiện thân, ý trong ba cõi, đó là ngồi yên. Chẳng khởi diệt định mà hiện các oai nghi, đó là ngồi yên. Chẳng rời Đạo pháp mà hiện các việc phàm phu, đó là ngồi yên. Tâm chẳng trụ ở trong cũng không trụ ở ngoài, đó là ngồi yên. Bất động nơi các sự thấy mà tu hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo, đó là ngồi yên. Chẳng đoạn phiền não mà nhập Niết Bàn, đó là ngồi yên. Nếu có thể ngồi như vậy, Phật sẽ ấn khả.”

 

“Bạch Thế Tôn, lúc đó nghe những lời ấy, con lặng thinh, không đáp lại được. Thế nên con không kham nhận đến thăm bệnh ông được.”

Trước tiên chúng ta phải nhận định rõ ràng rằng phẩm này không có ý giễu cợt xem thường các bậc Thanh Văn – một điều phạm giới của một vị thọ Bồ tát giới. Ở đây, toàn là những vị ít nhất (đã đắc ngã không – hơn nữa, đây là mười đại đệ tử Thanh Văn của Phật – bởi thế sự thị hiện vấn đáp và không nói được của các vị nên được xem là một vở kịch để hiển bày Phật pháp. Cũng như có nhiều kinh của Đại thừa, trong đó một bậc đa văn như ngài A Nan hỏi Phật đủ mọi phương diện, theo đủ loại căn cơ của chúng sanh, với đủ mọi tâm bệnh tà kiến của chúng sanh không phải vì ngài hoàn toàn không biết, mà bởi vì ngài hỏi thay cho tất cả chúng sanh, bởi thế mới có những kinh điển tồn tại cho đến ngày nay.

Ngồi yên – hay thiền định – chẳng phải là nhất định phải ngồi. Ngồi yên thực sự là chẳng hiện thân ý trong ba cõi, đó là tâm thiền định. Tâm thiền định này là tâm Không, không trụ vào đâu cả và tâm thiền định ấy đạt đến pháp tánh. Tâm thiền định ấy chính là pháp tánh. Theo ngài Duy Ma Cật, thiền định không phải là một hình tướng ngồi hay đứng, mà thiền định là tương ưng với pháp tánh, và pháp tánh này thì không sanh không diệt, không đến không đi, không nằm không ngồi. Pháp tánh này xưa nay thường định. Và thiền định là ngộ nhập pháp tánh ấy, không cứ gì ngồi hay nằm. Thấu đạt pháp tánh tức là ngồi yên, dù thân có đang làm gì.

Khi ngộ nhập được pháp tánh, thì ở trong pháp tánh ấy, “không nhập diệt tận định mà hiện các oai nghi, đó là ngồi yên; chẳng rời Đạo pháp (tức là pháp tánh) mà hiện các việc phàm phu, đó là ngồi yên; tâm chẳng trụ ở trong cũng không trụ ở ngoài, đó là ngồi yên; chẳng đoạn trừ phiền não mà nhập Niết Bàn (nghĩa là dầu có phiền não mà biết tánh của phiền não là pháp tánh tịch diệt), đó là ngồi yên”. Như thế, ngồi yên là chứng ngộ pháp tánh vốn thường định, thường tịnh và trụ trong pháp tánh ấy mà vẫn hiện các việc độ sanh ở đời, đó là người huyễn làm việc huyễn. Như vậy là hành thiền định. Vì pháp tánh là thường trụ, bất biến, không lệ thuộc vào các hình tướng tùy duyên, nên thiền định như vậy cũng thường trụ bất biến, không tùy thuộc vào các tư thế của thân. Đó là chân thiền định, và thiền định như vậy, “Phật sẽ ấn khả”, vì hành giả không còn lìa ngoài pháp tánh – tức là Phật tánh – nghĩa là hành giả sẽ hoàn toàn đạt được Phật tánh, sẽ thành Phật.

Vấn đề với hành giả là làm sao thấy biết được, quyết chắc được pháp tánh ấy là gì? Nếu chưa rõ ràng, chúng ta cần nương dựa vào một vị thầy. Vị ấy sẽ chỉ bày (khai thị) cho hành giả, sẽ gạn lọc cho hành giả có được cái thấy pháp tánh (“cái thấy trong Đại Toàn Thiện và Đại Ấn, “thấy tánh” trong Thiền tông) để sau đó đi vào “thiền định” và “hạnh” (theo Đại Toàn Thiện và Đại Ấn) hay vào sự “diệu tu” (của Thiền tông). Đó là quá trình khai, thị, ngộ, nhập Phật pháp.

MỤC KIỀN LIÊN

Phật bảo Đại Mục Kiền Liên: “Ông đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật.”

Mục Kiền Liên bạch Phật rằng: “Thưa Thế Tôn! Con không kham nhận nổi việc đến thăm bệnh ông ấy. Tại sao thế? Nhớ lại trước kia, con vào thành lớn Tỳ Da Ly, ở trong xóm làng, thuyết pháp cho các cư sĩ. Lúc ấy Duy Ma Cật đến, nói với con rằng:

“Thưa ngài Đại Mục Liên! Thuyết pháp cho bạch y cư sĩ, chẳng nên thuyết như ngài vậy. Phàm thuyết pháp, phải như Pháp mà thuyết. Pháp không có chúng sanh, lìa chúng sanh cấu vậy. Pháp không có ngã, lìa ngã cấu vậy. Pháp không có thọ mạng, lìa sanh tử vậy. Pháp không có người, tiền tế hậu tế đoạn vậy. Pháp thường tịch nhiên, bặt dứt các tướng vậy. Pháp lìa khỏi tướng, không có chỗ để duyên theo vậy. Pháp không có danh tự, ngôn ngữ đoạn dứt vậy. Pháp không có thuyết, lìa suy nghĩ quán sát vậy. Pháp không có hình tướng, như hư không vậy. Pháp không có hý luận, rốt ráo Không vậy. Pháp không có ta và đối tượng của ta, lìa ta và đối tượng của ta vậy. Pháp không có phân biệt, lìa các thức vậy. Pháp không có so sánh, không có đối đãi nhau vậy. Pháp chẳng thuộc nhân, chẳng ở duyên vậy. Pháp đồng pháp tánh, vào khắp các pháp. Pháp tùy thuận Như, không có chỗ nào để tùy vậy. Pháp trụ thật tế, các biên (có không, thường đoạn…)chẳng động vậy. Pháp không có động lay, chẳng nương sáu trần vậy. Pháp không có đến đi, thường chẳng trụ vậy. Pháp thuận Không, tùy Vô tướng, ứng Vô tác. Pháp lìa tốt xấu. Pháp không có tăng giảm. Pháp không có sanh dỉệt. Pháp không có chỗ về. Pháp vượt ngoài mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm. Pháp không có cao thấp. Pháp thường trụ chẳng động. Pháp lìa tất cả mọi thiền quán, tu hành.

 

Pháp ở đây là pháp tánh, thật tánh, hay là Thực Tại nói theo từ hiện đại.

Trong thật tánh không có chúng sanh, không có ngã, bởi thế lìa mọi dơ uế (cấu) thấy có chúng sanh và ngã. Trong pháp không có sự tương tục của dòng tư tưởng tạo ra thọ mạng, cho nên niệm niệm chẳng nối tiếp nhau, chẳng liên hệ nhau, niệm khởi này tự bặt với chính nó, chẳng quan hệ gì với niệm tưởng khác, bởi thế sanh tử tự đứt đoạn, không thể thành tựu.

Pháp thường tịch nhiên, bặt dứt các tướng vậy: đây là thấy “các pháp là tướng Không, không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm” trong Bát Nhã Tâm Kinh.

Pháp không có danh tự, ngôn ngữ dứt vậy: các tướng của sanh tử sở dĩ có là do các tưởng phân biệt, các tưởng sở dĩ có là nương vào danh tự mà thành. Pháp không có danh tự, nên các tưởng và các tướng là vọng lập, như huyễn. Các tưởng và các tướng là vọng lập, như huyễn nên sanh tử chỉ là giả danh, không thành tựu. Tâm đã dứt thì cái để tâm nương vào mà hoạt động là ngôn ngữ cũng dứt. Tâm dứt, ngôn ngữ dứt thì chỉ còn một vị Niết Bàn vô trụ.

Pháp không có phân biệt, lìa các thức vậy: trong pháp, trong thật tánh, tất cả bình đẳng một vị, như tất cả bóng trong gương cùng bình đẳng một vị là gương. Có phân biệt là do các thức vọng phân biệt. Khi nhìn thấy thật tánh, trong đó tất cả bình đẳng một vị, các thức phân biệt bèn tự hoại. Bấy giờ, “pháp không so sánh, không có đối đãi nhau”, có được như vậy mới có đại thái bình, đại an lạc.

Pháp đồng pháp tánh, vào khắp các pháp: tất cả các pháp đều đồng pháp tánh, và pháp tánh ấy vào khắp các pháp, thường trụ trong tất cả các pháp. Tất cả sóng đồng là nước, và nước ở trong tất cả các sóng. Tất cả những sợi lông của một con sư tử bằng vàng đều là vàng, và vàng vào khắp tất cả mọi sợi lông. Ngày nào hành giả sống được pháp tánh, thấy tất cả đều là mình và mình là tất cả, lúc ấy phiền não mới chấm dứt vì không còn phân chia. Ngày nào vẫn còn một cái ta tách biệt, một bọt nước tách biệt với đại dương, ngày đó còn đủ mọi vấn nạn, còn đủ mọi khổ đau.

Pháp là Không, Vô tướng, Vô tác: đây là ba pháp ấn của Phật giáo, về mặt bản thể, tất cả mọi sự vật là Không, về mặt hình tướng, tất cả mọi sự dù có hiện tướng mà vẫn là Vô tướng, tất cả mọi bóng trong gương dù có hiện tướng mà vẫn là gương, về mặt tác dụng, tất cả mọi sự vật dù có sanh diệt, đến đi mà vẫn là Vô tác, nghĩa là không sanh diệt, không đến đi, vẫn là tịch diệt. Thí dụ gió có chuyển động trong không khí, nhưng gió là không khí, sự chuyển động của một phần tử không khí trong không khí, đứng về mặt không khí mà nói thì cũng chỉ là không khí. Gió là không khí nên không tác động đến không khí. Gió là “vô tác” với không khí, không đến không đi, không sanh không diệt trong không khí.

Pháp lìa tất cả mọi thiền quán, tu hành: Pháp chính là bản tánh của tâm thức. Pháp chính là Tâm. Tâm vốn là Tâm, thường trụ, chẳng động, bất biến. Bởi thế mọi quán chiếu, tu hành trên chính Tâm ấy là vô ích. Như khởi lên những làn sóng quán chiếu, tu hành trên mặt đại dương là vô ích, không thêm không bớt gì cho đại dương. Biết được Tâm và biết mọi quán chiếu tu hành đều khởi từ Tâm và chính là Tâm, bấy giờ tha hồ quán chiếu tu hành, vì làm mọi sự mà không hư vọng, vì biết chỗ sanh trụ dị diệt của quán chiếu, tu hành.

Ở trên chúng ta chỉ nói về một số câu. Và trong một số câu đó cũng chỉ giải thích theo một chiều hướng nào đó, còn những chiều hướng khác không làm sao nói cho hết. Vân đề là mỗi hành giả chúng ta tự mình chọn lấy điểm nào thích hợp với căn cơ, với vấn nạn đang có của mình, để Văn, Tư, Tu về nó lâu ngày dài tháng mới mong khám phá được phần nào câu kinh ấy. Văn là nghe, nghe câu kinh được nói. Tư là tư duy, suy nghĩ về nó. Và Tu là thiền định, thiền quán nó cho đến lúc ý nghĩa của nó bắt đầu hiện ra với mình. Một câu kinh ngắn tùy theo mức độ tu hành đến đâu thì hiểu đến đó. Bởi thế con đường Bồ tát có trên năm mươi cấp độ cạn sâu thì một câu kinh cũng có ít nhất bấy nhiêu mức độ cạn sâu cho đến khi hoàn toàn giác ngộ mới hiểu trọn vẹn một câu kinh.

Văn, Tư, Tu tốt nhất là làm dưới sự hướng dẫn và chăm sóc của một vị thầy.

“Thưa ngài Đại Mục Liên! Pháp tướng như vậy, há có thể thuyết sao? Phàm người thuyết pháp thì không có thuyết, không có chỉ bày. Người nghe pháp không có nghe, không có đắc. Ví như người huyễn thuật nói cho người huyễn hóa nghe. Thấy biết như vậy rồi mới thuyết pháp. Nên hiểu căn cơ chúng sanh lanh lợi hoặc chậm lụt. Thấy biết khéo sâu, không bị ngăn ngại. Lấy tâm đại bi, ca ngợi Đại thừa. Nghĩ nhớ báo đáp ân Phật, chẳng để Tam Bảo bị ngừng dứt. Như vậy rồi mới thuyết pháp.”

“Duy Ma Cật thuyết pháp ấy rồi, tám trăm cư sĩ phát tâm Bồ đề vô thượng chánh đẳng chánh giác. Con không có được biện tài như vậy. Thế nên con không kham nhận đến thăm bệnh ông được.”

 

Thuyết pháp – cũng như bất kỳ việc nào của bồ tát – thì khởi lên trong tánh Không, diễn tiến trong tánh Không, chấm dứt trong tánh Không, biểu lộ trong tánh Không, với đối tượng trong tánh Không. Như trong mộng huyễn nói chuyện mộng huyễn với người mộng huyễn. Làm việc trong tánh Không như vậy tức là không tạo nghiệp, không làm. Cho nên làm người huyễn chính là làm (hành) Đại thừa.

Nhưng tánh Không chân thật nào cũng đi kèm với đại bi, tánh Không như ánh sáng của mặt trời và đại bi như sự tỏa chiếu của nó. Tánh Không mà vẫn đại bi vì người, vì đền đáp ân Phật, không để Tam Bảo dứt mất. Tánh Không là không gian vô quái ngại để đại bi hoạt động. Không có tánh Không thì đại bi chỉ là xúc cảm ngắn hạn và chấp trước, giới hạn trong vòng mâu thuẫn ta-người, đây-kia. Và không có đại bi thì tánh Không chỉ là không gian bao la của một sự giải thoát cho một cá nhân, một không gian vô trách nhiệm, nên là một không gian chết, vì không có sự sống của vũ trụ này. Tánh Không mở rộng đại bi và làm cho đại bi được giải thoát, ngược lại, đại bi làm cho tánh Không mở rộng đến ôm trùm pháp giới và làm cho tánh Không được sống động trong chính bản chất của tánh Không là trùng trùng duyên khởi.

ĐẠI CA DIẾP

Phật bảo Đại Ca Diếp: “Ông đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật.”

Ca Diếp bạch Phật rằng: “Thưa Thế Tôn! Con không kham nhận nổi việc đến thăm bệnh ông ấy. Tại sao thế? Nhớ lại trước kia, con đi khất thực trong xóm nhà nghèo. Lúc ấy Duy Ma Cật đến, nói với con rằng:

“Thưa ngài Ca Diếp! Bỏ nhà giàu đi khất thực nhà nghèo là có tâm từ bi mà không thể bủa khắp. Thưa ngài Ca Diếp, ngài nên trụ trong sự bình đẳng của tất cả các pháp, khất thực với sự quan tâm đến tất cả chúng sanh trong mọi lúc. Vì không ăn mới nên đi khất thực vậy. Vì hoại tướng hòa hiệp mới nên cầm lấy miếng thức ăn vậy. Vì chẳng thọ, mới nên thọ đồ ăn ấy. Vì tưởng làng xóm trống không mà vào nơi làng xóm. Có thấy sắc cũng như mù, có nghe tiếng cũng như vang, có ngửi mùi cũng như gió, vị món ăn chẳng phân biệt. Cảm thọ các xúc như trí chứng. Biết các pháp là tướng như huyễn: không tự tánh, không tha tánh, trước vốn chẳng cháy, nay cũng không tắt.

Tâm từ bi bủa khắp thì đồng đẳng với pháp tánh. Pháp tánh bình đẳng ở trong tất cả các pháp. Cho nên “trụ trong pháp bình đẳng” nghĩa là trụ trong pháp tánh, không giàu không nghèo, không cao không thấp, không sạch không dơ. Nhưng tánh bình đẳng của pháp tánh không phải là một sự bình đẳng vô cơ mà là bình đẳng hữu cơ: trong đó tâm từ bi bủa khắp làm sinh động và nuôi dưỡng mọi vật, như nước. Ở đây nếu hiểu được từ bi và trí huệ đi đôi với nhau, nuôi dưỡng nhau như thế nào, chúng ta có thể hành theo để thấy cuộc đời là sự biểu lộ của trí huệ và từ bi.

Trong pháp tánh, không có người ăn, người thọ, đồ ăn, không có phân biệt thấy, nghe, hương, vị. Bởi vì pháp tánh là nền tảng, là môi trường cho các thứ đó hiện hành, như đại dương bất động là nền tảng, môi trường cho các làn sóng hiện khởi, nên nếu chạy theo các thứ có sanh có diệt ấy thì bỏ quên pháp tánh, chạy theo sóng thì quên mất đại dương. Còn nếu ở trong pháp tánh như đại dương bủa khắp mà thọ các thứ ấy, thì đó gọi là “thọ như trí chứng”, có làm mà như chơi vậy thôi. Vì, “Hay khéo phân biệt tướng các pháp. Trong đệ nhất nghĩa hằng bất động”.

Thọ các pháp mà “biết các pháp là tướng như huyễn: không tự tánh, không tha tánh, trước vốn chẳng sanh, nay cũng không diệt”, thì ngay đó giải thoát.

“Ngài Ca Diếp! Nếu có thể chẳng bỏ tám tà mà vào tám giải thoát, dùng tướng tà mà vào chánh pháp, dùng một bữa ăn mà thí cho tất cả, cúng dường chư Phật và các bậc hiền thánh, rồi sau mới có thể ăn. Ăn như vậy chẳng phải có phiền não, chẳng phải lìa phiền não; chẳng phải nhập định tâm, chẳng phải xuất định tâm; chẳng phải trụ thế gian, chẳng phải trụ Niết bàn. Người làm cúng thí ấy, không có phước lớn, không có phước nhỏ, không làm có thêm, không làm bớt đi. Đó là chân chánh nhập Phật đạo, chẳng nương theo Thanh Văn.

“Ngài Ca Diếp! Nếu ăn như vậy là chẳng ăn luống không đồ cúng thí của người vậy.”

“Thế Tôn! Lúc ấy con nghe nói lời ấy được sự chưa từng có. Bèn đối với tất cả Bồ tát khởi lòng kính trọng sâu xa. Lại nghĩ thế này: “Người danh gia này trí huệ biện, tài mới có thể như vậy. Ai nghe mà chẳng phát tâm Bồ đề vô thượng chánh đẳng chánh giác?” Con từ lúc ấy chẳng còn lấy hạnh Thanh Văn, Độc Giác Phật khuyên bảo cho người. Thế nên con không kham nhận đến thăm bệnh ông được.”

Vì các pháp là tướng như huyễn, khi thật trụ như huyễn, bồ tát có thể dùng các thứ thế gian (tám tà, tướng tà) mà vào pháp tánh và an trụ trong pháp tánh đó ‘hóa hiện’ các thứ thuận nghịch để hóa độ chúng sanh, vì các pháp thế gian hay xuất thế gian đều đồng pháp tánh. Ở trong pháp tánh đó thì có thể “dùng một bữa ăn mà thí cho tất cả, cúng dường chư Phật và các bậc hiền thánh, rồi sau mới có thể ăn”. Ở trong pháp tánh mà ăn thì “chẳng phải có phiền não, chẳng phải lìa phiền não; chẳng phải nhập định tâm, chẳng phải xuất định tâm; chẳng phải trụ thế gian, chẳng phải trụ Niết bàn…” Ở trong pháp tánh như vậy gọi là “chân chánh nhập Phật đạo”.

Những lời nói của ngài Duy Ma Cật khi điều chỉnh, “chỉ trích” hạnh Thanh Văn, đều nhằm nói lên một điều: thay vì y vào các tướng bên ngoài mà tu của Thanh Văn, thì bồ tát y vào tánh mà tu, vừa “nền tảng” hơn, vừa bớt nhọc mệt mà có hiệu lực hơn. Điều này trong kinh Nhật Tụng nói là: “Xứng tánh tác Phật sự.”

TU BỒ ĐỀ

Phật bảo Tu Bồ Đề: “Ông đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật.”

Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: “Thưa Thế Tôn! Con không kham nhận nổi việc đến thăm bệnh ông ấy. Tại sao thế? Nhớ lại trước kia, con có vào nhà ông khất thực. Lúc ấy Duy Ma Cật đón lấy bình bát của con, xúc đầy cơm, nói với con rằng:

“Thưa ngài Tu Bồ Đề! Nếu có thể bình đẳng đối với các đồ ăn, thì các pháp cũng bình đẳng. Các pháp bình đẳng, thì với các đồ ăn cũng bình đẳng. Khất thực như vậy mới có thể lấy đồ ăn.

“Nếu ngài Tu Bồ Đề chẳng đoạn dâm, nộ, si cũng chẳng chung cùng với chúng. Chẳng hủy hoại thân, mà theo Một Tướng. Chẳng diệt si ái mà sanh giải thoát. Dùng tướng ngũ nghịch mà đắc giải thoát. Cũng không giải thoát, không trói buộc. Chẳng thấy Tứ Đế, chẳng phải không thấy Tứ Đế. Chẳng phải đắc quả, chẳng phải không đắc quả. Chẳng phải phàm phu, chẳng phải lìa pháp phàm phu. Chẳng phải thánh nhân, chẳng phải không thánh nhân. Tuy thành tựu tất cả pháp, mà lìa tướng các pháp. Như thế mới nên nhận lấy đồ ăn.

Trụ trong pháp tánh, nghĩa là cái Một Tướng ấy thì đầy đủ công đức của pháp tánh. Công đức đó là sự tự do vô lượng, giải thoát vô lượng. Trong pháp tánh, có thân hay không có thân là bình đẳng, si ái chỉ là hoa đốm giả danh nên diệt hay không diệt đều là giải thoát. Tất cả mọi danh tướng, quan niệm – giải thoát, trói buộc, Tứ Đế, đắc quả, phàm phu, thánh nhân… – đều chẳng liên can gì đến Nó. Trong Nó không có Phật danh lẫn chúng sanh danh, không có sanh tử lẫn Niết bàn, tất cả các pháp bổn lai thanh tịnh, bổn lai tịch diệt. Đó là cái mà hệ thống Bát Nhã gọi là tánh Không.

Bồ tát là người tự do tuyệt đối: “Tuy thành tựu tất cả pháp” là tự do trong sanh tử, “mà lìa tướng các pháp” là tự do trong Niết bàn. Như thế Bồ tát không vướng mắc cả sanh tử lẫn Niết bàn.

“Nếu ngài Tu Bồ Đề không thấy Phật, không nghe Pháp, sáu vị thầy ngoại đạo kia Phú Lan Na Ca Diếp, Mạt Già Lê Câu Xa Lê Tử, San Xà Dạ Tỳ La Chi Tử, A Kỳ Đa Si Xá Khâm Ba La, Ca La Lưu Đà Ca Chiên Diên, Ni Kiền Đà Nhã Đề Tử là thầy của ngài. Do ngài xuất gia theo họ, các vị thầy ấy đọa, ngài cũng đọa theo. Như vậy mới nên nhận lấy món ăn.

Trong pháp tánh tự do vô lượng, giải thoát vô lượng, việc gì dù có xảy ra đều như mộng như huyễn mà vẫn không lìa pháp tánh. Sự tự do vô lượng của pháp tánh có thể chấp nhận cho bất cứ sự việc gì xảy ra mà chẳng hề hấn gì đến nó. Như hư không có thể chấp nhận cho vô vàn hoa đốm xuôi ngược sanh ra mà hư không từ vô thủy đến vô chung vẫn thanh tịnh. Cho nên, chỉ có hoàn toàn đạt đến đến pháp tánh – cũng tức là Phật tánh – mới thật là giải thoát, vì không còn trệ ở sanh tử hay Niết bàn.

“Nếu ngài Tu Bồ Đề vào các tà kiến, chẳng đến Bờ Bên Kia, trụ nơi tám nạn, chẳng được “không có nạn”, đồng với phiền não, lìa bỏ pháp thanh tịnh. Ngài được Vô tránh tam muội, tất cả chúng sanh cũng đắc Định ấy. Những người cúng thí cho ngài chẳng gọi là phước điền. Những người cúng dường ngài đọa vào ba đường ác. Ngài nắm tay với các ma cùng làm bạn lữ. Ngài với các ma và các trần lao đều không khác biệt. Với tất cả chúng sanh có lòng oán hận, chê bai chư Phật, mỉa mai Pháp, chẳng gia nhập Tăng chúng, rốt cuộc không được diệt độ. Nếu ngài được như vậy mới nên nhận lấy món ăn.”

Tất cả yếu chỉ của những đoạn kinh trên là an trụ trong pháp tánh, “đó là chân chánh nhập Phật đạo”. Thật sự an trụ trong tánh thì các tướng chỉ là như huyễn, chỉ là phương tiện để độ chúng sanh. An trụ trong tánh thì tất cả mọi tạo tác trên mặt hình tướng đều chỉ là một màn kịch để giúp đỡ cho những người khác. An trụ trong tánh thì thủy chung trung thành với Phật đạo, còn những hình tướng biểu hiện bên ngoài, dù “có lòng oán hận với tất cả chúng sanh, chê bai chư Phật, mỉa mai Pháp, chẳng gia nhập Tăng chúng…” chỉ là những màn kịch như huyễn. Bồ tát là người trung thành với cái cốt lõi bất biến là tánh – Phật tánh – còn các tướng thì tùy duyên biểu hiện, miễn là độ được chúng sanh. Khi chứng ngộ được thật tánh, các tướng bấy giờ dù thuận dù nghịch chẳng nhiễm ô gì đến tâm, lúc ấy bắt đầu vở kịch vĩ đại cứu độ chúng sanh bằng đủ các phương tiện thiện xảo – trong một nghĩa của chữ thiện xảo, thiện xảo là như huyễn.

Khi an trụ trong tánh, thì không phải chỉ ngài Tu Bồ Đề đắc được Vô tránh tam muội, mà tất cả chúng sanh cũng đều đắc Định ấy. Đây là ý nghĩa câu nói “Sanh tử Niết bàn đều như giấc mộng đêm qua, tất cả chúng sanh bổn lai thành Phật” của kinh Viên Giác. Khi ấy “Ngài với các ma và các trần lao đều không khác biệt”, khi ấy chỉ có một vị pháp tánh nên “đồng với phiền não”, biểu hiện hình tướng “lìa bỏ pháp thanh tịnh”, khi ấy chỉ có một vị tự do, giải thoát cho nên “những người cúng dường ngài đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh” bởi vì xưa nay không có tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng.

Tóm lại nếu trực niệm pháp tánh thì sẽ đến như huyễn tam muội, và ngược lại, nếu tu như huyễn tam muội thì sẽ đạt đến pháp tánh. Pháp tánh như đại dương, như huyễn tam muội như sóng. Cả hai đều bổ túc, tựu thành lẫn nhau.

“Thưa Thế Tôn! Lúc ấy con nghe nói như vậy thì mờ mịt hoang mang, không biết là nói gì, cũng không biết trả lời thế nào. Con bèn để bát xuống, muốn ra khỏi nhà ông ấy.

Duy Ma Cật nói: “Thưa Ngài Tu Bồ Đề! Ngài giữ bát chớ sợ. Ý ngài thế nào? Nếu Như Lai hóa hiện một người huyễn hóa, người huyễn ấy đem những việc ấy ra hỏi ngài, chừng ấy ngài có sự sợ chăng?”

Con đáp: “Không.”

Duy Ma Cật nói: “Tất cả các pháp như tướng huyễn hóa. Ngay đây ngài không có gì để phải sợ cả. Tại sao thế? Tất cả lời lẽ nói năng chẳng lìa tướng huyễn hóa ấy. Đến như người trí, không bám trước văn tự, nên không có gì sợ. Vì sao? Tánh văn tự là lìa. Không có văn tự, đó là giải thoát. Tướng giải thoát ấy, tức là các pháp vậy.”

“Khi Duy Ma Cật nói pháp ấy rồi, hai trăm thiên tử đắc pháp nhãn tịnh. Thế nên con không kham nhận đến thăm bệnh ông được.”

“Ba cõi duy tâm, vạn pháp duy thức”. “Tất cả duy tâm tạo”. Tâm tịch tịnh thì chứng nghiệm Niết bàn, tâm ấy là Niết bàn. Tâm vọng động phân biệt thì hóa hiện ra sanh tử, tâm ấy là sanh tử.

Với người thấu triệt bản tánh của tâm – nó là tánh Không – thì sanh tử hay Niết bàn chỉ là những hóa hiện, những dạng thức, những trạng thái của tâm. Bởi thế mà không lo sợ hay hy vọng cái gì trong sanh tử hay trong Niết bàn.

Từ tướng huyễn hóa của thế gian có ra những lời lẽ, văn tự. Lời lẽ văn tự chẳng lìa tướng huyễn hóa ấy. Vậy thì nói năng, văn tự chỉ là trò chơi của người huyễn, có chút gì thật trong đó đâu để sợ. Tánh văn tự là lìa, văn tự chẳng đến các tướng huyễn, văn tự chẳng đến các văn tự, chẳng dính dáng với gì cả, như đại thứ năm, như ấm thứ sáu…

Không có văn tự, nghĩa là không có tâm phân biệt biến pháp giới vốn bình đẳng một vị thành các tướng khác biệt chống trái nhau, thì đó là giải thoát. Giải thoát là giải thoát khỏi tâm phân biệt biến mặt gương bình đẳng thanh tịnh thành muôn vàn hình bóng đa thù. Giải thoát khỏi tâm phân biệt nghĩa là vô tâm, trả tâm về thực tướng của nó, không vọng động, méo mó, biến chất.

“Tướng giải thoát ấy, tức là các pháp vậy”. Các pháp vốn là tướng giải thoát. Hãy có cái thấy (kiến) về điều này, thiền định về điều này, và sống (hạnh) theo điều này trong từng phút giây của đời sống. Đó là con đường Bồ tát.

PHÚ LÂU NA

Phật bảo Phú Lâu Na: “Ông đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật.”

Phú Lâu Na bạch Phật rằng: “Thưa Thế Tôn! Con không kham nhận nổi việc đến thăm bệnh ông ấy. Tại sao thế? Nhớ lại trước kia, con ở trong rừng, dưới một cội cây thuyết pháp cho các tỳ kheo mới học. Lúc ấy Duy Ma Cật đến, nói với con rằng:

“Thưa ngài Phú Lâu Na! Trước nên nhập định, quán sát tâm thức của những vị này, rồi sau mới thuyết pháp. Chớ nên đem đồ ăn dơ để vào trong bát báu. Phải biết ý tưởng trong tâm các vị tỳ kheo này, chớ cho ngọc lưu ly đồng với thủy tinh. Ngài chẳng biết được căn nguyên của chúng sanh. Không nên dùng pháp Tiểu thừa mà phát khởi cho các vị ấy. Tự các vị không có tỳ vết, chớ làm thương tổn họ. Các vị muốn đi đường lớn, chớ chỉ nẻo nhỏ. Chớ lấy biển cả gộp vào dấu chân trâu. Chớ xem ánh sáng mặt trời ngang với lửa đom đóm.

Căn nguyên của chúng sanh là Phật tánh, cái chúng sanh vốn có mà không nhận ra (kiến), không khai triển (thiền), không sống hợp nhất được trọn vẹn (hạnh) để thành Phật, đầy đủ Trí và Bi làm lợi lạc cho khắp ba cõi khổ đau. So Phật tánh với sự giải thoát cho chính mình của vị A La Hán, “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, sau đời này sẽ không có đời sống khác nữa”, thì sự giải thoát này là nhỏ. Không nói về Đại Bi có thể làm lợi lạc cho chúng sanh đến ngày sanh tử rỗng không, chỉ nói về Trí Huệ thì: Niết bàn của Tiểu thừa là cái đối lập với sanh tử, trong khi với Đại thừa, Niết bàn là trạng thái của tâm thu rút về chính nó, trở lại cội nguồn của chính nó, trở lại sự an định vĩnh cửu của chính nó, còn sanh tử là trạng thái phóng tưởng, hoạt động, lưu xuất của tâm. Với Đại thừa, Niết bàn và sanh tử chỉ là hai trạng thái của tâm, hai phương diện của tâm, hai cách thế sinh hoạt của tâm. Phương diện tịch tĩnh của tâm và phương diện hoạt động của tâm không khác nhau; mở ra là sanh tử, thu vào là Niết bàn. Bởi thế Đại thừa nhằm đạt đến thể và dụng của tâm (tức Phật tánh), cái sanh ra và vượt khỏi sanh tử và Niết bàn, do đó tự tại cả với sanh tử và Niết bàn.

Trong sự thực hành thì cũng thế. Người tâm nhỏ thì thường chấp vào pháp môn tu, thích bám chấp vào những hạnh nhỏ và manh mún, cho đó là tất cả, mà không thấy cái tất cả là cái nền tảng pháp tánh mà mọi pháp môn, mọi hạnh nhỏ, lớn đều quy về. Do chấp như vậy, nên biến sự tu hành thành nhỏ hẹp: cho là việc tu hành chỉ nằm trong một vài công việc, chỉ có trong một số thời gian ‘đặc biệt’, trong một số không gian ‘thích hợp’. Đó là tu hành theo sự chấp tướng. Với người tâm lớn, nhằm vào pháp tánh mà tu, mà pháp tánh thì có mặt trong bất kỳ thời gian và không gian nào, cho nên lúc nào cũng là lúc tu hành, chỗ nào cũng là chỗ tu hành, miễn là không rời lìa pháp tánh ấy. Với người này, họ không bỏ pháp môn nào, không từ chối hạnh nào, nhưng tất cả các việc tu hành đó đều được đặt vào ‘bối cảnh’, vào nền tảng pháp tánh. Bởi thế mà không cho duy nhất ‘dấu chân trâu là biển lớn’, duy nhất ‘đom đóm là ánh sáng’ mà đặt dấu chân trâu dung thông với biển lớn, đom đóm dung thông với ánh sáng. Như thế mới có thể tiến bộ như Thiện Tài đồng tử trong kinh Hoa Nghiêm: tất cả pháp giới là chỗ tu hành vậy.

Với quan điểm thay vì chỉ trệ vào một vài hình tướng tu hành, mà quy tất cả vào tánh để cho sự tu hành trở thành phổ khắp như vậy, những lời của ngài Duy Ma Cật là chính xác và không có gì là ‘nặng nề’, ‘gay gắt’ cả.

“Ngài Phú Lâu Na! Những vị tỳ kheo này phát tâm Đại thừa đã lâu, giữa chừng quên đi ý ấy, nay sao lại lấy pháp Tiểu thừa dẫn dạy cho họ? Tôi nhìn thấy trí huệ Tiểu thừa thì cạn hẹp, như người mù không thể phân biệt căn cơ bén nhạy chậm lụt của tất cả chúng sanh.”

“Lúc ấy, Duy Ma Cật liền nhập tam muội, khiến những vị tỳ kheo ấy tự biết đời trước của mình, từng ở nơi năm trăm đức Phật vun trồng các cội đức, hồi hướng vô thượng chánh đẳng chánh giác, tức thì rỗng suốt trở lại được bổn tâm. Khi ấy các vị tỳ kheo đảnh lễ dưới chân Duy Ma Cật. Bấy giờ Duy Ma Cật nhân đó thuyết pháp khiến tất cả không còn thối chuyển nơi vô thượng chánh đẳng chánh giác.

“Con nghĩ vị Thanh Văn nào không nhìn thấy căn tánh của người thì chẳng nên thuyết pháp. Thế nên con không kham nhận đến thăm bệnh ông được.”

“Trở lại bổn tâm” tức là trở lại Bồ đề tâm, cả Bồ đề tâm tuyệt đối lẫn Bồ đề tâm tương đối. Nói đơn giản, Bồ đề tâm tuyệt đối là Phật tánh và Bồ đề tâm tương đối là nguyện, hạnh đạt đến Phật tánh ấy. Nguyện hạnh đạt đến Phật tánh là việc “vun trồng các cội đức”. Việc vun trồng này – Bồ đề tâm tương đối – xảy ra trong Bồ đề tâm tuyệt đối, nghĩa là vun trồng mà không vun trồng, vun trồng cội đức nơi đất vô sanh. Đó sự tu hành hợp nhất hạnh và kiến, hợp nhất Bồ đề tâm tương đối và Bồ đề tâm tuyệt đối, hợp nhất công đức và trí huệ.

“Nhìn thấy căn tánh của người” cũng là nhìn vào hai loại tâm Bồ đề ấy. Căn tánh tuyệt đối của người là Phật tánh. Căn tánh tương đối của người là mức độ tu hành của người ấy.

MA HA CA CHIÊN DIÊN

Phật bảo Ma Ha Ca Chiên Diên: “Ông đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật.”

Ca Chiên Diên bạch Phật rằng: “Thưa Thế Tôn! Con không kham nhận nổi việc đến thăm bệnh ông ấy. Tại sao thế? Nhớ lại trước kia, Phật nói pháp yếu cho các tỳ kheo. Sau đó con diễn rộng các nghĩa ấy, tức là: nghĩa vô thường, nghĩa khổ, nghĩa Không, nghĩa vô ngã, nghĩa tịch diệt. Lúc ấy Duy Ma Cật đến, nói với con rằng:

“Thưa ngài Ca Chiên Diên! Chớ lấy tâm hạnh sanh diệt mà nói pháp thật tướng.

“Ngài Ca Chiên Diên! Các pháp rốt ráo chẳng sanh chẳng diệt, đó là nghĩa Vô thường. Năm thọ ấm trống rỗng, Không, không có chỗ sanh khởi, đó là nghĩa Khổ. Các pháp rốt ráo không chỗ có, đó là nghĩa Không. Nơi ngã và vô ngã thấy không hai, đó là nghĩa Vô ngã. Pháp vốn chẳng cháy, nay cũng không tắt, đó là nghĩa Tịch diệt.”

“Nói pháp ấy xong, các tỳ kheo kia tâm được giải thoát. Thế nên con không kham nhận đến thăm bệnh ông được.”

Pháp thật tướng là pháp không sanh diệt, do đó lấy tâm thức sanh diệt mà nói pháp thật tướng thì thật tướng cũng tùy theo đó mà thành sanh diệt. Cho rằng có các pháp và các pháp là vô thường, đó là chân lý tương đối (tục đế). Thấy được các pháp rốt ráo chẳng từng sanh ra, chẳng từng diệt mất, đây là trí huệ Đại thừa, và đó là chân lý tuyệt đối (chân đế).

Thấy các pháp đã có sanh ra, và như thế đã có tất cả sanh tử, không gian thời gian, rồi trên ấy khởi lên quán hạnh vô thường, đó là cái thấy (kiến), thiền định, và hạnh của Tiểu thừa. Thế có nghĩa là tu trên cái quả của sanh tử, cái sự đã rồi của sanh tử. Cái thấy của Đại thừa là các pháp rốt ráo chẳng sanh, ở ngay cái thấy ấy mà thiền định, mà tu hạnh. Thế có nghĩa là tu trên cái nhân của sanh tử, cái Không Tịch chưa từng sanh ra sanh tử, và như vậy chặt đứt sanh tử tại ngay cội nguồn của nó.

Nói cách khác, Đại thừa không y vào tướng để tu mà y vào tánh để tu. Vậy tánh là gì để mà tu? Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật nêu hai thí dụ thực nghiệm để chỉ cái tánh:

* Khi bấy giờ đức Như Lai ở giữa đại chúng nắm bàn tay lại, rồi lại mở ra, mở rồi lại nắm, bảo ông A Nan rằng: “Nay ông thấy gì?’ Ông A Nan đáp: “Con thấy bàn tay của Như Lai lúc mở lúc nắm.” Phật bảo ông A Nan: “Ông thấy bàn tay ta lúc mở lúc nắm, đó là tay ta có mở có nắm hay là cái thấy của ông có mở có nắm?” Ông A Nan bạch: “Bàn tay của Thế Tôn khi mở khi nắm. Con thấy bàn tay Như Lai tự mở tự nắm, chứ không phải tánh thấy của con có mở có nắm.” Phật bảo: “Cái gì động, cái gì tĩnh?” Ông A Nan bạch: “Bàn tay Phật không ở yên, chứ tánh thấy của con còn không có tĩnh, lấy gì gọi là không ở yên.” Phật dạy: “Đúng vậy.”

Lúc ấy đức Như Lai từ trong bàn tay phát ra một luồng hào quang qua bên phải ông A Nan, ông A Nan liền quay đầu qua phải. Phật lại phát ra một luồng hào quang qua bên trái ông A Nan, ông A Nan lại quay đầu qua trái. Phật bảo ông A Nan: “Hôm nay vì sao đầu ông lại lay động?” Ông A Nan bạch: “Con thấy Như Lai phát hào quang qua bên phải và bên trái của con, nên con xoay đầu qua phải qua trái, đầu tự lay động”. Phật bảo: “A Nan, ông xem hào quang mà lay động cái đầu, quay phải quay trái, đó là cái đầu ông động hay là cái thấy động?” – Thưa Thế Tôn, đầu con tự động chứ thấy của con còn không ở đâu cả, lấy gì mà lay động. Phật dạy: “Đúng vậy.”

Lúc bấy giờ, đức Phật bảo với cả đại chúng rằng: “Như các chúng sanh lấy cái lay động mà gọi là trần, lấy cái không ở yên mà gọi là khách, thì các ông hãy xem ông A Nan, đầu tự lay động mà cái thấy không lay động, lại hãy xem bàn tay ta tự mở tự nắm mà cái thấy không duỗi không co. Làm sao các ông hiện nay lại lấy cái động làm thân, lấy cái động làm cảnh, từ đầu đến cuối, niệm niệm sanh diệt, bỏ mất chân tánh, làm việc trái ngược. Tâm tánh mất chỗ chân thật, nhận vật làm mình, xoay vần trong ấy, tự nhận lấy việc trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi.”

* Bấy giờ, đức Như Lai bảo ông La Hầu La đánh một tiếng chuông, hỏi ông A Nan: “Nay ông có nghe chăng?” Ông A Nan và đại chúng đều nói: “Có nghe.” Chuông hết kêu, không còn tiếng, Phật lại hỏi: “Nay ông có nghe chăng?” Ông A Nan và đại chúng đều đáp: “Không nghe.” Khi đó ông La Hầu La lại đánh một tiếng chuông, Phật lại hỏi: “Nay ông có nghe chăng?” Ông A Nan và đại chúng đều đáp: “Có nghe.” Phật bảo ông A Nan: “Thế nào thì ông có nghe, và thế nào thì ông không nghe?” Ông A Nan và đại chúng đều bạch Phật rằng: “Tiếng chuông có đánh thì chúng con có nghe; đánh lâu tiếng hết, âm vang không còn thì không nghe.” Phật bảo ông La Hầu La làm một lần nữa như trước và ông A Nan cùng đại chúng cũng đáp như trước. Phật bảo ông A Nan và đại chúng: “Hôm nay các ông nói trái ngược, lộn xộn.” Đại chúng và ông A Nan bạch Phật: “Làm sao Phật bảo chúng con trái ngược lộn xộn?”

Phật dạy: “Ta hỏi ông về nghe, thì ông nói là nghe. Ta hỏi ông về tiếng thì ông nói là tiếng, chỉ cái nghe và cái tiếng mà trả lời không nhất định như thế, sao không gọi là trái ngược, lộn xộn? A Nan, tiếng mất, không âm vang, thì ông gọi là không nghe; nếu thật không nghe, thì tánh nghe đã diệt mất, bây giờ tiếng chuông đánh lên, làm sao ông biết được. Biết có, biết không là tự cái tiếng hoặc có hoặc không, đâu phải vì tánh nghe kia vì đó mà có mà không. Nếu tánh nghe thật là không, thì còn cái gì biết là không nghe nữa. Vậy nên A Nan, cái tiếng ở trong cái nghe tự có sanh có diệt, không phải vì ông nghe cái tiếng sanh diệt mà tánh nghe của ông thành có thành không.

“Do các chúng sanh, từ vô thủy đến nay, chạy theo sắc thanh, theo niệm mà luân chuyển, không hề tỏ ngộ bản tánh thanh tịnh diệu thường; không theo cái thường, chỉ theo các thứ sanh diệt, do đó đời này sang đời khác bị nhiễm ô mà phải lưu chuyển. Nếu bỏ cái sanh diệt, giữ tánh chân thường, cái sáng suốt chân thường hiện tiền, thì các tâm niệm căn, trần, thức ngay đó đều tiêu mất. Tướng vọng tưởng là trần, tính phân biệt là cấu, hai cái đó đã xa lìa, thì con mắt pháp của ông liền được trong sáng, làm sao lại không thành bậc vô thượng tri giác?”

Ngộ được tánh bất sanh bất diệt như vậy. Trên kinh nghiệm đó mà thiền định, hành trì, đó gọi là “chân chánh nhập Phật đạo”.

Những câu tiếp theo về nghĩa Khổ, Không, Vô ngã, Tịch diệt cần phải được thiền định, thiền quán lâu ngày dần dần hành giả mới hé mở đôi chút về thực tại. Nhiều kinh nghiệm nhỏ về thực tại đưa hành giả đến một cái ngộ nhỏ. Hoặc có khi hành giả có một kinh nghiệm lớn về thực tại, đó là ngộ. Dầu kinh nghiệm đến từ từ hay đột ngột một kinh nghiệm lớn, thì mọi kinh nghiệm tâm linh đích thực phải là kinh nghiệm về bản tánh và đặt nền trên bản tánh nền tảng. Thấy được nền tảng của chính mình, của sự vật, chúng sanh và thế giới, nghĩa là thấy được Con Đường Đạo, từ đó mới hành thiền và sống cuộc đời mình trong mọi phương diện tương ưng với thật tánh đó.

Ở đây nói thêm về nghĩa Vô ngã của Đại thừa. Vì Đại thừa thấy ngã và vô ngã là không hai, nên bồ tát mới có thể ở nơi ngã mà giúp đỡ chúng sanh mà vẫn không ô nhiễm bởi ngã. Không chứng được như vậy để có thể ở trong một cái ‘ngã tức là vô ngã’, vị A La Hán thật chứng vô ngã, và do đó không còn ở trong sanh tử để giúp đỡ được chúng sanh. Đây là chỗ kinh Đại Bát Nhã nói rằng Bồ tát học Không mà không tác chứng thật tế Không.

A NA LUẬT

Phật bảo A Na Luật: “Ông đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật.”

A Na Luật bạch Phật rằng: “Thưa Thế Tôn! Con không kham nhận nổi việc đến thăm bệnh ông ấy. Tại sao thế? Nhớ lại trước kia, con đi kinh hành tại một chỗ nọ. Lúc ấy có Phạm vương tên là Nghiêm Tịnh cùng với một vạn vị trời Phạm tỏa ra ánh sáng trong sạch đi đến chỗ con, cúi đầu lễ lạy, hỏi con rằng: “Thưa ngài A Na Luật, thiên nhãn của ngài thấy bao xa?” Con liền đáp rằng: “Nhân giả! Tôi thấy thế giới tam thiên đại thiên đây của cõi Phật Thích Ca Mâu Ni như thấy trái am ma lặc trong bàn tay.”

“Lúc ấy, Duy Ma Cật đến, nói với con rằng: “Thưa ngài A Na Luật! Thiên nhãn của ngài thấy là có làm ra tướng hay không làm ra tướng? Nếu là tướng có làm ra, thì cũng đồng với ngũ thông của ngoại đạo. Nếu là tướng không làm ra, thì tức là vô vi, làm sao thấy được.”

“Thế Tôn! Lúc ấy con nín lặng. Những vị Phạm kia nghe ông ấy nói, được sự chưa từng có.

Họ bèn đảnh lễ, hỏi rằng: “Trong đời ai là người có chơn thiên nhãn?”

Duy Ma Cật nói: “Chỉ có Phật Thế Tôn được chơn thiên nhãn. Thường trong tam muội, thấy suốt hết các cõi Phật không có hai tướng.”

“Ngay lúc ấy, Phạm vương Nghiêm Tịnh cùng quyến thuộc năm trăm Phạm thiên đều phát tâm Bồ đề vô thượng chánh đẳng chánh giác. Các vị ấy đảnh lễ dưới chân Duy Ma Cật, rồi bỗng nhiên biến mất. Thế nên con không kham nhận đến thăm bệnh ông được.”

Nếu thiên nhãn – dầu là của một vị thiên nhãn đệ nhất – là thấy có tướng, tướng xa khắp thế giới tam thiên đại thiên, thì thiên nhãn ấy vẫn nằm trong vòng sắc tướng, cũng đồng với năm thần thông của ngoại đạo, không giải thoát khỏi sanh tử. Còn nếu không có tướng, không tạo tác ra tướng, thì có gì để thấy.

Vấn đề là thấy mà không thấy, thấy vô vàn sắc tướng mà vẫn biết chúng là tánh Không, thấy tất cả hoa đốm mà vẫn biết đó là cái vọng thấy giữa hư không. Đó là cái thấy, cái tu hành của bồ tát: tướng và vô tướng không hai, hoa đốm và hư không không hai, hình tướng và tánh Không không hai.

Thường trong tam muội tức là thấy ‘không có hai tướng’. Thấy không có hai tướng tức là thấy pháp tánh và thường ở trong pháp tánh.

Thực hành là luôn luôn vượt thoát khỏi cái thấy thế gian thường tục, luôn luôn làm quen và an trụ trong cái thấy thanh tịnh (chánh kiến). Cái thấy thanh tịnh thì thấy Tịnh độ.

ƯU BA LY

Phật bảo Ưu Ba Ly: “Ông đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật.”

Ưu Ba Ly bạch Phật rằng: “Thưa Thế Tôn! Con không kham nhận nổi việc đến thăm bệnh ông ấy. Tại sao thế? Nhớ lại trước kia, có hai vị tỳ kheo phạm giới luật, vì hổ thẹn, không dám đến hỏi Phật. Bèn đến hỏi con rằng: “Thưa ngài Ưu Ba Ly! Chúng tôi phạm luật, thật lấy làm hổ thẹn, không dám hỏi Phật. Mong ngài giải nghi nan, hối hận cho chúng tôi được khỏi tội ấy.” Con liền như pháp giải nói cho hai vị.

“Lúc ấy, Duy Ma Cật đến, nói với con rằng: “Thưa ngài Ưu Ba Ly! Chớ kết thêm cho nặng tội lỗi của hai vị tỳ kheo này, nên trực tiếp trừ diệt ngay đi, chớ làm rối loạn tâm họ. Tại sao thế? Tánh của tội kia không ở trong, không ở ngoài, không tại khoảng giữa. Như Phật có nói: “Tâm dơ nên chúng sanh dơ; tâm sạch nên chúng sanh sạch.” Tâm cũng chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở khoảng giữa. Tâm như thế nào, tội cấu cũng như thế ấy. Các pháp cũng như thế, không ra ngoài Chân Như.

“Như khi ngài Ưu Ba Ly thấu đạt tâm tánh (bản tánh của tâm) để đắc giải thoát thì tâm tánh ấy có sự dơ bẩn (cấu) gì chăng?” Con đáp: “Không có.” Duy Ma Cật nói: “Tâm tánh của tất cả chúng sanh vốn không có sự dơ bẩn cũng như vậy.

“Thưa ngài Ưu Ba Ly, vọng tưởng là dơ, không có vọng tưởng là sạch. Điên đảo là dơ, không có điên đảo là sạch. Giữ lấy cái ta là dơ, không giữ lấy cái ta là sạch.

“Ngài Ưu Ba Ly! Tất cả các pháp sanh diệt chẳng trụ, như huyễn, như chớp. Các pháp chẳng đợi nhau, cho đến một niệm cũng chẳng dừng. Các pháp đều là vọng thấy, như mộng, như dợn nắng, như trăng dưới nước, như bóng trong gương. Chúng do vọng tưởng sanh. Người nào biết điều này gọi là phụng trì giới luật. Người nào biết điều này gọi là khéo hiểu.”

“Lúc đó hai vị tỳ kheo nói rằng: “Thượng trí thay! Ngài Ưu Ba Ly chẳng thể bì kịp dầu là bậc giữ giới luật hơn hết.” Con đáp rằng: “Ngoại trừ Như Lai, chưa có bậc Thanh Văn và Bồ tát nào có thể chế phục được biện tài thuyết pháp của ngài. Trí huệ ngài sáng suốt như vậy đó.”

“Bấy giờ hai vị tỳ kheo dứt hết nghi nan hối hận, phát tâm Bồ đề vô thượng chánh đẳng chánh giác và phát nguyện rằng: “Cầu cho tất cả chúng sanh điều được biện tài như vậy.” Thế nên con không kham nhận đến thăm bệnh ông được.”

Thiền quán phát sanh trí huệ, là sự thấu hiểu bản chất của sự việc. Tánh của tội không ở trong, không ở ngoài, không ở khoảng giữa và cái tâm sanh ra tội này cũng không ở trong, không ở ngoài, không ở khoảng giữa. Tâm không thể tìm thấy ở đâu cả thì tội cũng không thể tìm thấy ở đâu cả. Với sự quán chiếu sâu sắc, người ta có thể thấu hiểu được bản tánh của tâm và của tội. Sự quán chiếu này không phải chỉ xảy ra trong một vài lần ngồi thiền, mà là những lần ngồi thiền liên tục cho đến khi thấu rõ vấn đề.

Cái hiểu trong thiền định là trí huệ. Cái hiểu này không hời hợt ở những lớp mặt ngoài của thức mà tỏa sáng ở những tầng lớp sâu tột của tâm thức, do đó làm thay đổi toàn bộ tâm thức, toàn bộ con người.

Kinh điển Đại thừa nếu không đi theo trình tự Văn (nghe), Tư (tư duy), Tu (thiền định), nghĩa là không có thực hành thì chỉ là một hình thức văn chương trác tuyệt, thỏa mãn thêm cho cơ cấu vọng tưởng của tâm thức, làm tăng thêm các độc tham, sân, si, kiêu mạn, đố kỵ nơi mình.

Với một sự quán chiếu sâu xa ở tận đáy của thân tâm mình về bản tánh của tội, tội lỗi có thể được giải trừ khi thấu hiểu tội lỗi không có hiện hữu độc lập, nó là duyên sanh, không có tự tánh nên là tánh Không. Tánh Không là sự giải thoát cho mọi tội lỗi. Nên nếu thấy được tánh Không, phụng trì nó thì gọi là phụng trì giới luật. Bắt đầu thấy được tánh Không, nghĩa là bắt đầu thấy được các pháp không còn cứng chắc, cố đinh, đông đặc, là trí huệ bắt đầu sanh khởi. Tùy theo trí huệ chiếm được bao nhiêu phần của tâm thức, chuyển hóa bao nhiêu phần thói quen vô minh của tâm thức mà có các cấp bậc (các địa) của bồ tát cho đến khi toàn giác.

LA HẦU LA

Phật bảo La Hầu La: “Ông đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật.”

La Hầu La bạch Phật rằng: “Thưa Thế Tôn! Con không kham nhận nổi việc đến thăm bệnh ông ấy. Tại sao thế? Nhớ lại trước kia, các con nhà trưởng giả ở thành Tỳ Da Ly đến chỗ con, cúi đầu đảnh lễ, hỏi con rằng: “Thưa ngài La Hầu La! Ngài là con của Phật, đã từ bỏ địa vị Chuyển luân vương mà xuất gia theo đạo, việc xuất gia đó có những lợi lạc gì?” Con liền đứng như pháp, nói sự lợi lạc của công đức xuất gia.

“Lúc ấy Duy Ma Cật đến, nói với con rằng: “Thưa ngài La Hầu La! Chớ nên nói cái lợi của công đức xuất gia. Tại sao thế? Không lợi lạc, không công đức, đó là xuất gia. Với pháp hữu vi, còn có thể nói có lợi lạc, có công đức. Phàm xuất gia là pháp vô vi. Trong pháp vô vi, không lợi lạc, không công đức.

“Ngài La Hầu La! Phàm xuất gia là không có kia, không có đây, cũng không có ở giữa. Lìa sáu mươi hai kiến, ở nơi Niết bàn. Là chỗ thọ nhận của người trí, chỗ làm của bậc thánh. Nó hàng phục tất cả các Ma, giải thoát khỏi năm Nẻo, làm thanh tịnh năm Nhãn, trau dồi năm Lực, lập năm Căn, không gây phiền rối cho ai, không biến chất bởi cái ác. Dẹp các ngoại đạo, vượt mọi giả danh, thoát khỏi bùn lầy, không bám nắm, không có “ta” và “cái của ta”, không chỗ thọ, không nhiễu loạn. Bên trong yên ổn và hoan hỷ, nâng đỡ người khác. Thuận theo thiền định, lìa hẳn các lỗi lầm. Nếu có thể như vậy, đó mới là chơn xuất gia.

Lúc đó, Duy Ma Cật bảo các trưởng giả tử “Các ngươi nay ở trong chánh pháp, nên cùng nhau xuất gia. Tại sao thế? Vì rất khó gặp thời Phật ra đời.”

Các trưởng giả tử nói: “Thưa cư sĩ! Chúng tôi nghe Phật nói: Cha mẹ không cho phép thì không được xuất gia.”

Duy Ma Cật nói: “Đúng vậy. Các người phát tâm vô thượng Bồ Đề, thì đó chính là xuất gia, đó là giới cụ túc.”

“Bấy giờ ba mươi hai trưởng giả tử đều phát tâm vô thượng Bồ Đề. Vì thế con không kham nhận đến thăm bệnh ông được.”

Không lợi lạc, không công đức, đó là xuất gia: ở đây chỉ thẳng Pháp thân chư Phật, chứng ngộ được việc này bèn là Pháp thân Bồ tát, rồi cứ tuần tự như thế mà tu cho đến hoàn toàn. Phàm có tâm, có tướng thì có lợi lạc, có công đức; có thêm, có bớt; có tăng, có giảm; có dơ, có sạch… Nhưng xưa nay tâm chưa từng sanh, tướng chưa từng trụ, lấy đâu có các pháp hữu vi để gọi rằng có lợi lạc, có công đức…

“Các pháp từ xưa nay

Thường tự tịch diệt tướng.”

Cái “không lợi lạc, không công đức” này mà tham cho thấu thì chẳng khác gì tham thấu công án Vô (không có) của Triệu Châu, là công án đã đưa không biết bao nhiêu người xưa bước vào Thật Địa. (Có nhà sư hỏi tổ Triệu Châu: “Con chó có Phật tánh chăng.” Tổ đáp: “Vô.”) Hãy tham thiền cho kỹ mà đứng vào trong ấy, trong cái “không lợi lạc, không công đức” này.

Trong pháp vô vi, tức là trong Pháp thân, tức là trong cái hiện đây và bây giờ, rỗng rang sáng chiếu thấu suốt, không có lợi lạc, không có công đức. Còn niềm vui nào hơn!

Bằng sự tham thiền liên tục phải thấy cho được cái “không có kia, không có đây, cũng không có ở giữa”, cái “lìa sáu mươi hai kiến, ở nơi Niết Bàn”. Thấy được cái ấy thì mới biết được nó vốn tự xuất gia, nghĩa là chưa từng ô nhiễm.

Sự tu Thiền của người xưa là đốn ngộ Cái Ấy (tức là thấy Cái Ấy) sau đó tiệm tu Cái Ấy (tức là thiền định tương tục về Cái Ấy), tu đến đâu thì Quả hiện ra đến đó (tức là Cái Ấy hiện ra đến đó), có làm gì thì cũng không ra ngoài Cái Ấy. Nhân, Hạnh, Quả hay Tín, Hạnh, Nguyện gì thì cũng không ra ngoài Cái Ấy.

Cho nên trong những câu kinh trên, có thể lấy một câu nào, tùy theo căn cơ sở thích mà tham cho thấu vào: “Là chỗ thọ nhận của người trí, chỗ làm của bậc thánh”, “Nó hàng phục tất cả các Ma”, “không chỗ thọ”, “không bám nắm”, “không biến chất bởi cái ác”, “vượt khỏi mọi giả danh”…

Tất cả những pháp môn của đạo Phật đều quy về Cái Này, thấy Cái Này, tu Cái Này và chứng Cái Này. Với người nào đã thấy phần nào Cái Này, nghĩa là đã có thể hiểu được kinh, đã có thể tu hành được, đã có thể “xuất gia”, thì vấn đề dễ dàng. Còn với người chưa thấy, phải tích tập trí huệ và công đức, đến lúc đủ nhân duyên thì thấy. Tích tập trí huệ là Văn, Tư, Tu (Nghe, Suy nghĩ và Thiền định).

A NAN

Phật bảo A Nan: “Ông đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật.”

A Nan bạch Phật rằng: “Thưa Thế Tôn! Con không kham nhận nổi việc đến thăm bệnh ông ấy. Tại sao thế? Nhớ lại trước kia, thân Thế Tôn có chút bệnh, cần dùng sữa bò. Con liền ôm bát, đến đứng trước cửa nhà đại Bà La Môn. Lúc ấy Duy Ma Cật đến, nói với con rằng: “Thưa ngài A Nan! Vì sao mới sáng sớm lại ôm bát đứng đây?”

Con nói với cư sĩ: “Thân Thế Tôn có chút bệnh, cần dùng sữa bò, nên tôi đến đây.”

Duy Ma Cật nói: “Thôi thôi! Ngài A Nan! Chớ nói lời ấy! Thân Như Lai là thể Kim Cương, các cái ác đã dứt, mọi cái thiện đều tụ hội, làm gì có bệnh? Làm gì có não?

“Hãy im lặng mà đi, ngài A Nan! Chớ phỉ báng Như Lai. Chớ để người khác nghe lời thô ấy. Đừng để chư thiên đại oai đức cùng chư Bồ tát các tịnh độ phương khác đến đây nghe được lời ấy. Ngài A Nan, chuyển luân thánh vương có ít phước đức mà còn không có bệnh, huống là Như Lai, vô lượng phước đức tụ hội, vượt khắp tất cả!

“Hãy đi thôi, ngài A Nan! Chớ làm cho chúng tôi phải chịu sự sỉ nhục ấy. Những người ngoại đạo Phạm chí nếu nghe lời ấy, ắt sẽ nghĩ rằng: “Sao gọi là Thầy được? Bệnh mình chẳng cứu chữa được mà có thể cứu chữa những người có bệnh sao!” Ngài nên kín đáo đi mau, chớ để ai nghe.

“Ngài A Nan! Phải biết thân chư Như Lai tức là Pháp thân; chẳng phải thân tư tưởng và ham muốn. Phật là bậc Thế Tôn, vượt khỏi ba cõi. Thân Phật không phiền não nhiễm ô. Các phiền não nhiễm ô đã hết sạch. Thân Phật vô vi, chẳng sa vào số hạn. Cái thân như thế, có bệnh gì sao?

“Bạch Thế Tôn, lúc ấy con thật hổ thẹn, chẳng lẽ gần Phật mà lại nghe hiểu lầm? Liền nghe trên không có tiếng nói rằng: “A Nan! Đúng như cư sĩ nói, chỉ vì Phật xuất hiện nơi đời ác năm trược nên hiện hành pháp ấy để độ thoát chúng sanh mà thôi. Ngài A Nan, hãy đi lấy sữa, chớ có hổ thẹn.”

“Bạch Thế Tôn! Ông Duy Ma Cật trí huệ biện tài như vậy, thế nên con không kham nhận đến thăm bệnh ông được.”

Như vậy năm trăm vị đại đệ tử, mỗi vị đều thưa với Phật duyên cớ trước kia của mình, thuật lại những lời của ông Duy Ma Cật, đều nói không kham nhận đến thăm bệnh ông được.

Thân kim cương này không phải chỉ chư Phật mới có, mà tất cả chúng sanh vẫn đang có nó. Tất cả chúng ta vẫn đang có đầy đủ Phật tánh, đang có đầy đủ tất cả những trí huệ bổn nguyên, từ Đại Viên Cảnh Trí cho đến Thành Sở Tác Trí… Nhưng chỉ vì không biết đến nó, chạy theo những sướng khổ, vui buồn, được mất, có không… mà thành ra càng lúc càng đui mù không thấy nó, không còn biết một tin tức gì về nó, để thành ra một cùng tử lang thang hết đời này sang đời khác trong sanh tử.

Gọi là Kim Cương bởi vì:

– Nó vốn sẵn có, không do những hợp tạo mà thành, không do những pháp hữu vi mà thành, không do tạo tác tu luyện mà thành.

Nó là kiên cố, không trộn lẫn, không hòa hợp: không trộn lẫn, hòa hợp với phiền não nhiễm ô, với tất cả những thứ có sanh có diệt trong thế gian, mà như ở đây nói, “chẳng sa vào số hạn”. Phiền não là cái đến từ bên ngoài, là cái có đến rồi có đi (khách trần phiền não), là cái tạm thời, là cái bản chất mềm yếu, nên chẳng có thể trộn lẫn với nó, “dính” với nó. Phiền não có thể che lấp giữa mỗi người chúng ta với nó, nhưng không thể trực tiếp che đậy nó. Sự kiên cố này trong các kinh thường gọi là bất sanh bất diệt, không dính dáng gì đến các thứ sanh diệt.

– Bản chất của nó là ánh sáng. Ánh sáng này thấu suốt mọi hình tướng và bao trùm tất cả ba cõi. Hơn nữa, ba cõi nếu có xuất hiện, và xuất hiện cách nào theo nghiệp, thì đều xuất hiện trên nền tảng là nó và trong nền tảng là nó.

Chỉ nói vài đặc tính của Thể Kim Cương này, vì tất cả kinh điển đều nói về nó, theo nhiều phương diện khác nhau. Nó là Pháp thân. Và chúng ta chú ý, kinh không nói Pháp thân của riêng một vị Phật, mà nói là Pháp thân của chư Phật. Nghĩa là tất cả chư Phật, tất cả phàm thánh trời người đều có chung một Pháp thân. Pháp thân ấy là bản tánh bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm của tâm thức của mỗi chúng ta.

Người xưa nói: “Tín tức nhập”, tin là nhập. Để có được sự tin này, hành giả phải có những thực hành sơ bộ để cho tâm thức tạm thời bớt bị che chướng bởi phiền não, tạm thời ổn định, từ đó mới có thể có một tiếp xúc sơ bộ, mỏng cạn, thoáng chốc với thực tại Kim Cương này. Từ đây sự tiếp xúc càng ngày càng tăng về chiều rộng lẫn chiều sâu. Đó là quá trình tiếp xúc, gặp gỡ, hòa nhập của Tịnh Quang Con – ánh sáng do tu hành mà khai mở nơi chính mình, hay còn gọi là Thủy Giác – với Tịnh Quang Mẹ – Pháp thân của chính mình và của chư Phật, hay còn gọi là Bản Giác, nói theo cách nói của Phật giáo Ấn Độ và Tây Tạng.

 

SHARE:

Trả lời