VỪA BẮT ĐẦU LÀ ĐẦY ĐỦ TẤT CẢ

SHARE:

Phải tọa thiền như thế nào mới đúng? Khi tọa thiền thân thể cần phải thoải mái mới đúng.

Tọa thiền là đang tu hành “thân là Bồ-đề(1) (khai ngộ)”, cũng là thể chứng Bồ-đề; vì nếu chúng ta thực sự đang Tọa thiền thì sẽ không có phân biệt giữa tu hành và thể chứng. Đó là trí tuệ “Như thị” (as, is), là trí tuệ “sự vật thế nào thì chính là thế ấy”. Tọa thiền là đang tu Phật đạo, cho nên cũng là đang tu sinh mệnh chính mình.

 

Tu hành giỏi nhất chính là quên chính mình còn một cách giải thích khác, đó là quan hệ vượt qua chủ thể – khách thể (subjective – objective relationship), hay quan hệ vượt qua nhân – ngã ( I – Other relationship). Chúng ta vượt qua Nhị nguyên đối lập.

 

Ngồi thiền chính xác nhất là phải ngồi như thế nào?

Trước hết, phải chú ý đến tư thế của thân và tâm. Tư thế của tay hay còn gọi là thủ ấn (mudra), là tượng trưng cho sự thống nhất của những sự vật vốn đối lập, là phản ánh sự hòa hợp, hoàn chỉnh hay viên mãn. Theo tông Tào Động, thủ ấn mà chúng ta hành trì là thủ ấn của Phật Tỳ Lô Giá Na(2). Phật Tỳ Lô Giá Na là hóa thân “vô sắc vô tướng”.

 

Thủ ấn Phật Tỳ Lô Giá Na có hai loại. Theo thiền sư Oánh Sơn Thiệu Cần (Keizan Shokin, 1268 – 1235) và thiền sư Đạo Nguyên tông Tào Động thì cho rằng thủ ấn Phật Tỳ Lô Giá Na là bàn tay trái đặt lên bàn tay phải. Thủ ấn này có rất nhiều cách giải thích, một thuyết cho rằng tay phải đại diện cho “dương” là chủ động; tay trái đại diện cho “âm” là tĩnh, bị động; cho nên, khi ngồi thiền bàn tay trái đặt lên trên bàn tay phải là biểu thị rằng lấy âm chế phục dương, lấy tĩnh chế phục cái động của thân tâm. Nhưng nếu nhìn trên tượng Phật Tỳ Lô Giá Na thì bạn thấy bàn tay phải của Ngài đặt lên trên bàn tay trái. Vì lẽ đó mà thủ ấn Phật Tỳ Lô Giá Na có hai hình thức như vậy.

 

Hai ngón tay cái đặt ngang nhau, đầu ngón tay chạm nhẹ. Có người khi Tọa thiền mà tay không đặt ngang nhau thì sẽ không có cảm giác. Hai tay đặt ngang nhau giống như mặt nước yên tĩnh, yên bình nhưng không căng thẳng. Tư thế ngồi quá căng thẳng hay quá buông lỏng đều biểu hiện trên thủ ấn: nếu ngón tay cái quá căng cứng hay hai ngón tay quá áp sát nhau, hoặc là quá rời xa đến mức không thể chạm nhau thì đều phản ánh tư thế ngồi của bạn chưa đúng.

 

Nếu ngồi bán già thì bạn phải đặt hai tay lên trên chân, thủ ấn cũng phải nằm ở vị trí cân đối. Có khi bạn cho rằng tư thế ngồi của mình là đúng, nhưng thực ra phải giữ cho vị trí thủ ấn chính xác là việc không hề đơn giản. Bạn nên ngồi trước tấm gương soi để có thể điều chỉnh tư thế ngồi, hoặc cũng có thể nhờ người khác kiểm tra tư thế ngồi giúp mình.

 

Tư thế của chân cũng cần phải chú ý. Khi ngồi kiết già(3) hay bán già thì đăt mu bàn chân lên trên bắp đùi. Tôi biết nơi bàn chân có một huyệt (gọi là huyệt vũng tuyền) có liên quan đến hơn bảy trăm huyệt châm cứu và mười sáu mạch kinh lạc. Do đó, khi chúng ta ngồi kiết già hay bán già thì bàn chân sẽ được kích thích rất nhiều. Thân thể an định rồi thì khi ngồi bạn sẽ cảm thấy rất dễ chịu.

 

Nếu ngồi trên ghế dựa thì bạn vẫn phải nhớ những nguyên tắc này, nhưng bàn chân cần phải đặt ngang bằng trên mặt đất. Khi đó, bàn chân giống như rễ cây vươn dài đâm xuyên vào đất –  không phải cưỡng ép xuyên vào mà là “phát triển” một cách tự nhiên. Thân thể chúng ta cũng giống như vậy, yên ổn vững vàng tiếp xúc với mặt đất. Như thế, chúng ta không những trở nên rất vững chãi, mà còn có thể hòa hợp thành một với mặt đất.

 

Sau khi thân thể an định, bạn bắt đầu lay động nửa thân hình trên của mình qua phải, qua trái theo đường cong lớn rồi nhỏ dần, nhưng phải giữ cột sống cho ngay thẳng. Thu cằm lại, mắt hé mở, tầm nhìn hướng về phía trước chừng một mét, góc nhìn bốn mươi lăm độ. Bạn bắt đầu ngồi thiền. Khi kết thúc, bạn cũng phải lay động nhẹ nửa thân hình trên. Nhưng ngược lại, bạn sẽ lay động từ đường cong nhỏ rồi lớn dần, góc nhìn tăng dần. Không chỉ thân thể phải lay động, lay chuyển dần dần cho đến khi đứng dậy và đi.

 

Sự lay động chầm chậm này là một trình tự rất tự nhiên. Nếu sau khi ngồi thiền, với Tam-ma-địa(4) rất mạnh mà bạn đứng dậy ngay thì sẽ rất khó. Nếu có thể đứng dậy rất nhanh thì chứng tỏ sức định của bạn tương đối yếu. Vì thế, nhờ vào sự lay động để cho thân thể từ từ ra khỏi tư thế ngồi sẽ giúp bạn khả năng tập trung, chú ý.

 

Bắt đầu Tọa thiền, trước tiên bạn phải hít thở sâu vài lần. Hít thở trong tiếng anh gọi là “inhale” và “exhale”, trong tiếng Nhật gọi là “kokyũ” (hô hấp), trong đó “ko” (hô) là thở ra, “kyũ” (hấp) là hít vào. Theo logic thì phải “hit vào” trước mới đúng, chẳng qua là sau khi thân thể đã ngồi yên nên phải thở ra trước vậy.

 

Khi thở ra phải cố gắng thở ra bằng miệng, không nên thở ra bằng mũi. Thông thường, hơi thở ra của chúng ta vẫ luôn quá ít so với hơi thở vào; do vậy khi ngồi thiền, hơi thở ra nên để miệng hở, đẩy hết toàn bộ không khí trong buồng phổi ra, cảm giác buồng phổi bị bóp ép đến ngừng lại. Lúc này, nửa thân trên của bạn có thể hơi nghiêng về phía trước.

 

Khi thở ra bằng miệng thì bạn sẽ cảm giác mình đã đẩy ra được những độc tố trong cơ thể, chứ không chỉ thở không khí mà thôi. Tiếp đến, khi hít vào thì không khí đi vào rất nhanh. Buồng phổi trương phồng lên hết mức để hít thật sâu. Cứ như thế mà thở ra, hít vào. Khi thở ra, bắp thịt ở mông co lại; khi hít vào thì buông lỏng. Sau khi kết thúc Tọa thiền, hãy để cho sự hít thở của bạn trở lại bình thường, thoải mái.

 

Nói đến thở ra hít vào, tôi chợt nhớ đến câu nói rất vui của sư phụ tôi – thiền sư Ninh Phản (Osaka). Sư phụ nói: “Khi hít vào thì phải đưa toàn bộ vũ trụ đi vào; khi thở ra thì phải đẩy toàn bộ vũ trụ đi ra. Thở ra, hít vào. Thở ra, hít vào. Cuối cùng bạn sẽ quên luôn sự khác biệt giữa hít vào và thở ra, thậm chí quên cả sự việc hít thở này. Bạn chỉ đang ngồi đó trong cảm giác thống nhất”.

 

Chúng ta tập trung sức chú ý vào đan điền. Đan điền ở vị trí dưới rốn khoảng 5 cm, là nơi sinh ra khí – năng lượng cơ thể. Khi ngồi kiết già hay bán già, bàn chân nằm trên bắp đùi rất gần đan điền, tiếp nhận khá nhiều sự kích thích; cho nên có thể cải thiện công năng toàn thân.

 

Thân thể và hơi thở đã ổn định rồi thì bắt đầu điều tâm. Trong Phổ khuyến tọa thiền nghi (5), thiền sư Đạo Nguyên nói: “Tâm suy nghĩ đến cái không suy nghĩ. Không suy nghĩ là phải suy nghĩ như thế nào? Tức là chẳng suy nghĩ. Đây là yếu tố cơ bản của Tọa thiền.”

 

Nói cách khác, đó là phải tập trung vào một điểm, tập trung vào trạng thái Bất nhị.

 

Khi Tọa thiền có thể hiểu được cách “quán” (observing). Quán thì có người quán và vật được quán, đó là Nhị nguyên đối lập. Còn nhị nguyên đối lập thì chúng ta sẽ không thể nghiệm được sự tồn tại, thấy, nghe, ngửi, xúc chạm. Còn sự phân biệt giữa bạn và sự vật thì sẽ có sự tách rời.

Bạn có thể nỗ lực được bảy mươi, tám mươi, thậm chí chín mươi trăm để bù đắp chỗ tách rời này, nhưng mười phần trăm sau cùng đó là quan trọng nhất.

 

 

Muốn thể chứng một trăm phần trăm thì phải đi vào Định (Tam-ma-địa), tức là trạng thái không suy nghĩ. Chỉ cần còn có tâm suy nghĩ thì sẽ không cách nào thể chứng được trạng thái không suy nghĩ. Không cách nào thể chứng trạng thái không suy nghĩ thì sẽ không hiểu chính xác sinh mệnh là việc như thế nào. Vì thế, xin quý vị nhất định phải thể chứng điều này. Chỉ quản đả tọa!(6)

 

 

Chỉ quản đả tọa có thể là việc khó nhất. Bạn nhất định phải quên chính mình thì mới có thể Chỉ quản đả tọa được. Đó là ý gì? Có nghĩa là không có cá nhân ấy đang suy nghĩ, thì sẽ không có những ý niệm ấy. Chúng ta đều trở thành chính ý niệm lởn vởn hiện ra ấy. Có tiếng côn trùng kêu, tiếng chim hót là vì có khái niệm “côn trùng kêu, chim hót”. Vì thế, không có khái niệm này thì chính chúng ta liền trở thành những âm thanh ấy. Cũng vậy, chúng ta đều là những hạt mưa, tiếng sấm, tia chớp. Hễ Tọa thiền thì toàn thể vũ trụ liền hiển bày ra.

 

Khi Tọa thiền, chúng ta không hề mong đợi đạt được kết quả gì. Tọa thiền không phải là kỹ xảo nhằm đạt được cái gì, mà là một việc rất tự nhiên. Song, nhưng sự việc tự nhiên thì phần lớn đều rất khó. Vì sao vậy? Vì chúng ta biết suy nghĩ.

 

Suy nghĩ là việc rất tự nhiên, tự nó không có gì sai. Nhưng chúng ta lại rất dễ bị trói buộc vào suy nghĩ, và quá xem trọng suy nghĩ. Chúng ta mượn suy nghĩ để quán chiếu chính mình, quán chiếu kết quả của tự ngã. Suy nghĩ là cái trừu tượng, là cái tồn tại của suy nghĩ, mà không phải là chính sự tồn tại. Thế nhưng, mỗi giây chúng ta đều sinh tử bảy chục ngàn lần, cho nên khi chúng ta vẫn đang suy nghĩ thì cái mà chúng ta suy nghĩ đã trở thành quá khứ lâu rồi. Vì thế, cái mà chúng ta suy nghĩ thực ra chỉ là cái bóng, mà không phải là chính sinh mệnh.

 

Có một công án nói về tâm rất nổi tiếng, đó là “Liễu bất khả mịch” (hoàn toàn không thể tìm được tâm). Nhưng vì thân và tâm là không hai, cho nên thân cũng không thể tìm. Song, tuy là không thể tìm những vẫn có thể lãnh hội. Lãnh hội như thế nào? Tức là trở thành chính cái đó. Hiển hiện thành cái toàn thể hoàn chỉnh như vậy. Tất cả sự vật không cái nào là không ở ngay đây, lúc này.

 

Niết-bàn cũng ở ngay đây. Nhưng chúng ta không thấy được sự thật này vì chúng ta mãi tìm kiếm con đường nào khác, sở cầu nào khác. Những sự mong đợi này đều không cần thiết; ngoài ra, mong cầu điều gì mà lần lượt có được những thành tựu cao, thu hoạch lớn đều là việc không cần thiết, vì tất cả sự vật đã đầy đủ từ lâu rồi.

 

Đời sống chính là Tọa thiền, đời sống chính là Phật đạo, là đang tu Phật pháp. Thiền sư Đạo Nguyên nói: “Học Phật đạo là học chính mình, học chính mình là quên chính mình, quên chính mình thì thấu hiểu vạn pháp”.

 

Luyện tập đời sống, quên chính mình là ý nói rằng trở thành tự thân của “Đạo” một cách chân chính. Đạo này không phải con đường phương hướng; tất cả sự vật đều là Đạo. Mỗi cá nhân đều là Đạo. Tất cả sự vật mọi lúc đều đã giải thoát, đều hiển hiện thành thể hoàn chỉnh. Đó không phải là hành vi cá nhân, mà là hành vi của tất cả Phật; vì khi Tọa thiền, mình có thể tan biến và không thấy. Tất cả hiện tượng trong vũ trụ đều sẽ hợp thành một với hành vi cá nhân. Chúng ta nhất định phải hiểu Tọa thiền như thế.

 

Kinh nghiệm về thân tâm như vậy là sự thật phổ biến mà chư Tổ, Cổ đức đã thể chứng được. Thể chứng này là thể chứng được rằng “Đạo” là hoàn chỉnh. Tất sự vật đều ở “chỗ này”, không cần người nào tạo ra. Nhưng vì cái tâm bị ràng buộc ấy của chúng ta có thể ngăn cách Đại ngã (the Oneself) và Tiểu ngã (the oneself), cho nên chúng ta rất khó thể chứng “Đạo” này. Chỉ cần chúng ta vẫn luôn đang suy nghĩ, vẫn luôn dùng quan điểm Nhị nguyên để đối xử với sinh mệnh thì không cách nào quên được chính mình.

 

Do đó, có những phương pháp do con người tạo ra đôi khi có hiệu quả. Những phương pháp ấy như là: điều trị bằng phẫu thuật ngoại khoa, điều trị bằng thảo dược. Dùng phương pháp phẫu thuật để cắt đi ổ bệnh, tuy có hiệu quả nhưng đôi khi lại có tác dụng phụ. Dùng phương pháp thảo dược thì cũng có hiệu quả như vậy nhưng tương đối chậm hơn. Nhưng cho dù như vậy, việc thể chứng “Đạo” không có chuyện gọi là nhanh hay chậm. Thế thì, Đạo này phải thể chứng ra sao?

 

Đời sống và tu hành đều có rất nhiều cấp độ. Tôi khuyến khích quí vị hãy nắm lấy mọi cơ hội, lợi dụng mọi phương pháp để khế hợp vào trong đời sống. Nếu cảm thấy cần thiết thì có thể dùng nhiều phương án, phương pháp. Tuy nhiên, đừng bao giờ quên một sự thực rằng từ khởi thủy tất cả đã đầy đủ. Khi tọa thiền, phải tự nhắc nhở mình một tư thế Tọa thiền thật chính xác.

 

Tất cả chư Phật, chư Tổ đều có thể đảm bảo phương pháp hành trì chính xác cho chúng ta. Hãy tin tưởng chính mình – chính mình đây không phải là chính mình trong suy nghĩ của bạn, mà là chính mình trong toàn thể sinh mệnh của vũ trụ này (the One).

 

 

Chú thích:

 

 

(1)Bồ-đề: S: Bodhi, giác ngộ. Theo Thiền Tông, Bồ-đề là trí tuệ đã giác ngộ tính không cơ bản hoặc chân tính của vạn vật.

 

 

(2)Tỳ Lô Giá Na Phật: S: Mahã vairocana Buddha, một trong năm vị Phật ở năm phương. (“Ngũ phương Phật” còn gọi là “Ngũ Trí Phật”, “Ngũ Trí Như Lai”, đó là: 1. Đại Nhật Như Lai (Tỳ Lô Giá Na Phật) ở chính giữa, cụ túc Pháp giới thể tánh trí; 2. A Súc Như Lai ở phương Đông, cụ túc Đại viên cảnh trí; 3. Bảo Sanh Như Lai ở phương Nam, cụ túc  Bình đẳng tánh trí; 4. A Di Đà Như Lai ở phương Tây, cụ túc Diệu quan sát trí; 5. Bất Không Thành Tựu  Như Lai ở phương Bắc, cụ túc Thành sở tác trí). Thủ ấn của Ngài là thủ ấn Đại quán đảnh quang chân ngôn (đại biểu không trí tuệ); rất nhiều người tu thiền khi ngồi thiền đều hành trì thủ ấn này.

 

 

(3) Liên hoa tọa: Còn gọi là Già phu tọa, nghĩa là ngồi kiết già. Khi ngồi kiết già, bàn chân phải đặt trên đùi trái và bàn chân trái đặt trên đùi phải hai đầu gối chạm nệm và thẳng đường với nhau, bụng thư giản và hơi nhô ra một chút, tai thẳng hàng với vai, chót mũi thẳng hàng với rốn. Cằm hơi rút vào một tí, mông đưa ra sau với lưng thẳng đứng. Hai bàn tay nằm yên trên hai gót chân, hai ngón tay cái chạm nhẹ. Khi ngồi bán già, chân phải đặt dưới bắp đùi trái, chân trái đặt trên bắp đùi phải.

 

 

(4) Tam-ma-địa: S: Samãdhi, trạng thái định tâm. Cũng là trạng thái tri giác Bất nhị, đặc trưng của Định là khiến cho bất cứ việc gì cũng hoàn toàn tập trung mà quên Ngã.

 

 

(5) Phổ khuyến tọa thiền nghi: Được Norman Waddell và Masao Abe dịch ra tiếng Anh là Fukanzazengi, xem Luận thiền nhị của Taizan Maezumi và Bernard Glassman [On Zen Practise II: Body, Breath, Mind (Los Angeles:  Zen Center of Los Angeles)].

 

 

(6) Chỉ quản đả tọa: Có nghĩa “chính là ngồi thiền” hay “chỉ có ngồi thiền, không làm gì khác”. Thuần túy ngồi thiền, không dựa vào sự trợ giúp của những phương pháp: đếm hơi thở, tham công án..v.v.. Đặc điểm là cảm giác chuyên chú, nhất tâm không tán loạn. Chỉ quản đả tọa là “ngồi thiền và ngồi thiền”.

 

 

 

 

Nhà xuất bản Hồng Đức.

SHARE:

Trả lời