Ngồi Yên

SHARE:

Ngồi yên – hay thiền định – chẳng phải là nhất định phải ngồi. Ngồi yên thực sự là chẳng hiện thân ý trong ba cõi, đó là tâm thiền định. Tâm thiền định này là tâm Không, không trụ vào đâu cả và tâm thiền định ấy đạt đến pháp tánh. Tâm thiền định ấy chính là pháp tánh. Theo ngài Duy Ma Cật, thiền định không phải là một hình tướng ngồi hay đứng, mà thiền định là tương ưng với pháp tánh, và pháp tánh này thì không sanh không diệt, không đến không đi, không nằm không ngồi. Pháp tánh này xưa nay thường định. Và thiền định là ngộ nhập pháp tánh ấy, không cứ gì ngồi hay nằm. Thấu đạt pháp tánh tức là ngồi yên, dù thân có đang làm gì.

Chánh Kinh:

XÁ LỢI PHẤT

 

Lúc bấy giờ, trưởng giả Duy Ma Cật nằm trên giường bệnh tự nghĩ thầm: “Thế Tôn đại từ lẽ đâu không đoái lòng thương xót?”

 

Phật biết ý của ông, liền bảo Xá Lợi Phất: “Ông đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật.”

 

Xá Lợi Phất bạch Phật rằng: “Thưa Thế Tôn! Con không kham nhận nổi việc đến thăm bệnh ông ấy. Tại sao thế? Nhớ lại trước kia, con từng ở trong rừng ngồi yên dưới gốc cây. Lúc ấy Duy Ma Cật đến, nói với con rằng:

 

“Thưa ngài Xá Lợi Phất! Chẳng phải nhất định ngồi như vậy mới là ngồi yên. Phàm ngồi yên là chẳng hiện thân, ý trong ba cõi, đó là ngồi yên. Chẳng khởi diệt định mà hiện các oai nghi, đó là ngồi yên. Chẳng rời Đạo pháp mà hiện các việc phàm phu, đó là ngồi yên. Tâm chẳng trụ ở trong cũng không trụ ở ngoài, đó là ngồi yên. Bất động nơi các sự thấy mà tu hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo, đó là ngồi yên. Chẳng đoạn phiền não mà nhập Niết Bàn, đó là ngồi yên. Nếu có thể ngồi như vậy, Phật sẽ ấn khả.”

 

“Bạch Thế Tôn, lúc đó nghe những lời ấy, con lặng thinh, không đáp lại được. Thế nên con không kham nhận đến thăm bệnh ông được.”

 

Trước tiên chúng ta phải nhận định rõ ràng rằng phẩm này không có ý giễu cợt xem thường các bậc Thanh Văn – một điều phạm giới của một vị thọ Bồ tát giới. Ở đây, toàn là những vị ít nhất (đã đắc ngã không – hơn nữa, đây là mười đại đệ tử Thanh Văn của Phật – bởi thế sự thị hiện vấn đáp và không nói được của các vị nên được xem là một vở kịch để hiển bày Phật pháp. Cũng như có nhiều kinh của Đại thừa, trong đó một bậc đa văn như ngài A Nan hỏi Phật đủ mọi phương diện, theo đủ loại căn cơ của chúng sanh, với đủ mọi tâm bệnh tà kiến của chúng sanh không phải vì ngài hoàn toàn không biết, mà bởi vì ngài hỏi thay cho tất cả chúng sanh, bởi thế mới có những kinh điển tồn tại cho đến ngày nay.

 

Ngồi yên – hay thiền định – chẳng phải là nhất định phải ngồi. Ngồi yên thực sự là chẳng hiện thân ý trong ba cõi, đó là tâm thiền định. Tâm thiền định này là tâm Không, không trụ vào đâu cả và tâm thiền định ấy đạt đến pháp tánh. Tâm thiền định ấy chính là pháp tánh. Theo ngài Duy Ma Cật, thiền định không phải là một hình tướng ngồi hay đứng, mà thiền định là tương ưng với pháp tánh, và pháp tánh này thì không sanh không diệt, không đến không đi, không nằm không ngồi. Pháp tánh này xưa nay thường định. Và thiền định là ngộ nhập pháp tánh ấy, không cứ gì ngồi hay nằm. Thấu đạt pháp tánh tức là ngồi yên, dù thân có đang làm gì.

 

Khi ngộ nhập được pháp tánh, thì ở trong pháp tánh ấy, “không nhập diệt tận định mà hiện các oai nghi, đó là ngồi yên; chẳng rời Đạo pháp (tức là pháp tánh) mà hiện các việc phàm phu, đó là ngồi yên; tâm chẳng trụ ở trong cũng không trụ ở ngoài, đó là ngồi yên; chẳng đoạn trừ phiền não mà nhập Niết Bàn (nghĩa là dầu có phiền não mà biết tánh của phiền não là pháp tánh tịch diệt), đó là ngồi yên”. Như thế, ngồi yên là chứng ngộ pháp tánh vốn thường định, thường tịnh và trụ trong pháp tánh ấy mà vẫn hiện các việc độ sanh ở đời, đó là người huyễn làm việc huyễn. Như vậy là hành thiền định. Vì pháp tánh là thường trụ, bất biến, không lệ thuộc vào các hình tướng tùy duyên, nên thiền định như vậy cũng thường trụ bất biến, không tùy thuộc vào các tư thế của thân. Đó là chân thiền định, và thiền định như vậy, “Phật sẽ ấn khả”, vì hành giả không còn lìa ngoài pháp tánh – tức là Phật tánh – nghĩa là hành giả sẽ hoàn toàn đạt được Phật tánh, sẽ thành Phật.

 

Vấn đề với hành giả là làm sao thấy biết được, quyết chắc được pháp tánh ấy là gì? Nếu chưa rõ ràng, chúng ta cần nương dựa vào một vị thầy. Vị ấy sẽ chỉ bày (khai thị) cho hành giả, sẽ gạn lọc cho hành giả có được cái thấy pháp tánh (“cái thấy trong Đại Toàn Thiện và Đại Ấn, “thấy tánh” trong Thiền tông) để sau đó đi vào “thiền định” và “hạnh” (theo Đại Toàn Thiện và Đại Ấn) hay vào sự “diệu tu” (của Thiền tông). Đó là quá trình khai, thị, ngộ, nhập Phật pháp.

 

Thực hành Con Đường Bồ Tát qua kinh Duy Ma Cật 

Đương Đạo – nxb Thiện Tri Thức

SHARE:

Trả lời