BẢN TÁNH CỦA TÂM

SHARE:

Bản tánh của tâm của chính bạn là sugatagarbha. Một sugata là người đã đạt đến an lạc, và garbha là một phôi mầm, tử cung hay tinh túy ; sugatagarbha là Như Lai tạng. Bản tánh này hiện diện ở đâu ? Bạn có thể nói nó hiện diện trong bản thân bạn, nhưng chính xác hơn là nói đơn giản : nó là bạn. Do nhận diện bản tánh của chính bạn, bạn cắt đứt mọi tạo tác ý niệm và đơn thuần an trụ trong bản tánh của tánh giác của chính bạn. Bản tánh này không hình dạng, màu sắc. Nó không ngẫu nhiên, cũng không xảy ra ở một thời gian sau này ; hơn thế, nó tự do một cách bổn nguyên, một cách viên mãn bởi tự tánh của nó, trần trụi lộ bày và trinh nguyên, tươi mới.

Bằng cách dần dần trở nên quen biết với bản tánh này, sẽ có được quán chiếu đích thực, nó đạt đến tột đỉnh với sự có được tự tin. Một khi đã có tự tin này, bạn chỉ đơn giản ở trong trạng thái đó và giữ gìn sự tự tin đó mà không thêm vào bất kỳ tạo tác nào. Bản tánh tối vi tế này không nhiễm ô bởi những lỗi lầm của sanh tử, thế nên chớ trộn lẫn nó với bất kỳ cái gì khác. Chớ cố gắng tìm kiếm cái gì khác để làm ; chỉ đơn giản ở trong sự tự tin đã đạt được. Hãy an trụ thường hằng trong trạng thái này và thỏa mãn với sự nhận biết đó.

Để có được một chứng ngộ trần trụi thoát thể như vậy, cốt yếu là đệ tử phải được chín muồi về tâm linh qua chuẩn bị. Một khi bạn thấy vị hướng dẫn tâm linh của bạn như một vị Phật, cảm thấy lòng bi chân thật đối với những người khác, và có niềm tin vào Phật và Pháp, bạn có thể được đưa vào bản tánh của tánh giác, và điều đó làm khởi lên cái thấy chân chánh và cho phép một số huệ quán nào đó sanh khởi.

Như một sản phẩm phụ của việc ở trên con đường và có được quán chiếu chân chánh, những đệ tử có thể có được những khả năng siêu phàm như thấu thị. Nếu được dùng với một động cơ không thích đáng, bạn chỉ làm lầm lạc chính mình và người khác đến độ cả hai đều bại vong, như tra tay vào còng. Bởi thế, những phô diễn siêu phàm này được xem như là những cám dỗ của ma. Dù có nhiều người đã đạt được những siddhi (thành tựu), như bay trên trời hay đi qua dưới đất, chúng cần được nghĩ đến như những nguy hiểm tiềm tàng cho đến khi người ta đạt đến trạng thái “tắt mất, tịch diệt vào bản thân thực tại”, là pha cuối cùng của giai đoạn Nhảy Qua trong thực hành Dzogchen. Cho đến lúc đó, người ta phải có một cái thấy (kiến) bao la như không gian, nhưng những hành động (hạnh) phải cực kỳ chính xác và chu đáo.

Kinh Đống Ngọc nói :

Thực tại bí mật của tất cả chư Phật
Không dính dáng gì đến tạo tác ý niệm và 
không có tự tánh.
Nó là vô tự tánh và bất biến.
Cái này được những vị tham thiền hiểu biết.

Thực tại bí mật ấy bạn cần phải nhận biết nó là bản tánh hiện tiền của chính bạn. Những giáo lý của những kinh, những tantra, giai đoạn phát triển và thành tựu v.v… là để cho phép chúng ta nhận ra bản tánh thực sự của quả – tự tánh của chính chúng ta.

Chớ hỏi sanh tử hay niết bàn có hiện hữu không. Hãy hỏi chính bạn, “Tôi có thực sự hiện hữu ?” Hãy lấy chính bạn làm đối tượng tra vấn, “Nếu tôi hiện hữu, thì tôi hiện hữu ở đâu ?” Tiếp theo, hãy nghiên cứu thân bạn, xem cái “tôi” này có được tìm thấy chăng. Sự tiến bộ hiệu quả nhất để theo đuổi việc này là bắt đầu với những thực hành sơ bộ, đi tiếp vào tĩnh lặng, rồi đến điểm khảo sát bản chất của sự hiện hữu của bạn, tự hỏi bạn có thực sự hiện hữu hay không. Theo tiến trình này, bạn sẽ thấy rằng không thể biện hộ để kết luận rằng bạn hiện hữu ; nhưng cũng có vẻ không thuyết phục rằng bạn không hiện hữu !

Kinh Đại Tổng Hợp nói :

Mọi sự đều bao hàm trong trạng thái của 
tự thân thực tại,
Thế nên nó là Đại Toàn Thiện.

Những Câu Hỏi của Kinh Nairatmya nói :

Những hiện tượng thoát khỏi mọi tạo tác 
ý niệm.
Đó là bindu duy nhất.

Bindu duy nhất là bản tánh nhất thể của toàn thể sanh tử và niết bàn. Bindu được tượng trưng là hình cầu, vì nó không có trung tâm hay chu vi. Điều đó cũng đúng với sanh tử và niết bàn, chúng không có trung tâm hay chu vi. Bindu này là bản tánh của ba thân của Phật, và bởi thế của tất cả chư Phật.

Có đúng là tất cả chúng sanh thật ra là những vị Phật bởi vì mọi sự đồng một bản tánh ? Đúng vậy. Sự khác biệt duy nhất là những vị Phật thì đã biết tự tánh của các vị, trong khi chúng ta thì chưa thấu rõ tự tánh chúng ta. Bởi thế, chúng sanh vẫn là những vị Phật chưa biểu lộ.

Kinh Đống Ngọc cũng nói rằng bản tánh của tất cả chư Phật là bindu duy nhất. Đây là điểm của những giáo lý bí mật của chư Phật và những đại thành tựu giả trong quá khứ. Cái gì là bản tánh của bindu duy nhất này ? Đó là bạn, chính bạn. Nếu bạn nhận biết bản tánh của chính bạn, bấy giờ bạn sẽ thấy nó là bindu duy nhất này. Do thực tại của bindu duy nhất này, mọi sự phân biệt ta-người… phải không hiện hữu.

Kinh Hội Chúng Rạng Rỡ nói :

Nó không được tạo ra từ ban đầu bởi 
các học giả ;
Bản tánh của nó không bị biến chất bởi 
những sự vật ;
Khi được chứng ngộ, nó là Đại Ấn.

Tantra Bhairava Vinh Quang nói :

Nếu tự tâm con, nguồn gốc của mọi hiện tượng,
Không được chứng biết,
Thì dù con tu hành toàn hảo việc nghe, tư duy và thiền định,
Kết quả sẽ không thành tựu.
Con sẽ giống như một người mù không ai dẫn dắt.
Thế nên hãy chứng biết tâm của chính con.

Sự nhận biết bản tánh của tự tâm bạn thì giống như một phương thuốc độc nhất chữa lành một trăm thứ bệnh hay một chìa khóa mở được hàng trăm cánh cửa. Không có sự chứng biết đó, dù bạn có nghe nhiều giáo lý, nghiên cứu đủ kinh điển luận lý, và thậm chí thiền định kịch liệt, kết quả không thể thành.

Xin nhớ cho điều này : Dù bạn có tập trung nghiên cứu một ngàn năm, bạn cũng không thể hiểu toàn thân những giáo lý trong các kinh, tantra, vân vân. Thậm chí có thuộc lòng chúng cũng không đưa lại chứng ngộ hoặc giải thoát. Dù có một ban phước, nó cũng không chuyển hóa tận gốc tâm thức bạn. Với nghe và suy nghĩ như một nền tảng thiết yếu, hãy mạo hiểm vào thực hành. Điểm tối yếu này, nhận biết bản tánh của chính bạn, là kết quả của nghe và suy nghĩ, rồi thực hành. Đây là chìa khóa độc nhất, phương thuốc độc nhất.

Tantra của Hai Bindu nói :
Nếu con thiếu chứng ngộ thực sự tự tâm,
Con sẽ không thành Phật dù con có vẻ đủ hết mạn đà la.

Tantra Sảnh Đường Kim Cương nói :

Sự tham thiền này là sự chứng ngộ tối thượng về tâm.
Không nương dựa vào cái này, (chứng ngộ) sẽ không có ;
Thế nên dù những samadhi (định) tinh vi của những thừa thấp có được xem xét,
Cũng chẳng thể dò tới Đại Ấn.
Nếu gốc vô minh không bị cắt,
Mọi thứ nghe, tư duy và thiền định
Chỉ vẫn là những giả danh của lời nói phù hợp với những khuynh hướng thói quen ;
Nhưng tinh túy của chính mình không được chứng biết.
Bởi thế, hãy thâm nhập vào nó từ bắt đầu cho đến chấm dứt.

Kinh Những Câu Hỏi của Vua Dewa Lodroš nói :

Người thiền định về tánh Không và quang minh
Vượt khỏi những người khác.
Đây là cách thế sống của một đại thiền giả,
Thế nên nhờ chứng biết tâm,
Giác ngộ nhất định xảy ra.

Tantra Đi Vào Đời Sống Từ Bỏ nói :

Tính chất của tự tâm con
Vẫn là giác ngộ viên mãn – sự bí mật vĩ đại.
Nó chẳng hề được biết bởi mọi nhà trí thức,
Thế nên ta sẽ giải thích mọi sự cho con.

Một nhà trí thức ở đây được định nghĩa như một người chỉ biết tìm ở bên ngoài. Người như thế dù có hành trì hàng trăm pháp môn cũng vẫn là người bình thường, với sự bí mật vĩ đại của tự tâm họ vẫn còn che dấu đối với họ.

Tantra của Bindu Duy Nhất nói :

Có một lý do để con tập trung toàn bộ con người của con vào tâm : chớ bám vào bất cứ cái gì cả ! Hãy làm điều này vào mọi lúc.

Đoạn hướng dẫn ngắn này về những tư tưởng khởi sanh trong tâm thường được các lama dạy : Bất cứ cái gì đến, chỉ để nó đến ; bất cứ cái gì đi, chỉ để nó đi. Không chấp nhận cũng không khước từ, bất cứ cái gì đến với tâm, hãy để nó thế.

Đây là sự thực hành của bậc đại căn, ở ngưỡng cửa của giác ngộ, có thể đi trực tiếp vào những thực hành này, và khi chết, họ đạt giải thoát. Nghe những giáo lý Đại Ấn này, một số người mới học bị hấp dẫn đến độ muốn tức thời lấy đó làm thực hành ban đầu của mình. Tuy nhiên, nếu chúng ta đi thẳng vào vào thực hành này, chúng ta phải làm tốt những thực hành khác, dầu chúng ta có muốn chỉ tập trung vào mỗi thực hành bao nhiêu đi nữa. Thay vì để mặc cho những tư tưởng, rất có khả năng chúng ta sẽ chạy theo chúng và để chúng mang đi đến đâu không biết, và đó không phải là thực hành chút nào.

Để có tiến bộ thực sự, hãy theo trình tự nghe, suy nghĩ và thiền định, trau dồi tĩnh lặng và sau đó quán chiếu, rồi trên căn bản này, bạn sẽ có thể đi vào thực hành Dzog-chen và thấy tất cả mọi hiện tượng như là những trò phô diễn hay những biểu hiện sáng tạo của tánh giác. Từ điểm đó của thực hành, hãy để cho việc khởi niệm cứ mặc nó. Về tánh giác và những phô diễn của nó, tất cả xuất hiện với tâm như là nước và tánh ướt, như lửa và sức nóng. Cái sau chỉ là những biểu hiện của cái trước. Bạn sẽ không nhìn thấy sanh tử như là vấn nạn nữa, cũng không thấy những phẩm tính của Phật là phi thường. Chúng sẽ chỉ một vị.

Qua thực hành đúng đắn, cuối cùng người ta sẽ đạt được chứng ngộ, nhưng tự nó thì không đủ. Cần nuôi dưỡng, hộ trì và làm sâu thêm quán chiếu đó mà không để cho tính khí của bạn làm hỏng đi. Chớ nghĩ rằng bạn có thể làm điều bạn cảm thấy thích. Sự chứng ngộ của bạn phải cân bằng với hạnh thích đáng. Mặt khác cũng chớ để những luật lệ trói buộc, đến độ bạn quá cố chấp và hạnh kiểm của bạn làm che tối chứng ngộ. Thực đơn giản : hãy ghi nhớ cả hai cái đó và giữ cả hai cân bằng.

Tantra của sự Giác Ngộ Trọn Vẹn của Vajrasattva nói :

Gốc của những hiện tượng của sanh tử và niết bàn
Chính là tự tâm con.
Bất cứ nhớ tưởng và tư tưởng nào xuất hiện với tâm,
Giống như sương mỏng trong bầu trời,
Chúng không đặt nền trên chất liệu nào.
Chúng không có màu sắc, hình dạng,
Và dù đôi mắt của trí huệ bổn nguyên của Phật
Cũng không thấy chúng thậm chí là một hạt vi trần.

Hiện tượng độc nhất này, tự tâm bạn, là gốc rễ của toàn thể sanh tử và niết bàn, nhưng bạn kinh nghiệm về nó khác nhau tùy theo bạn chứng ngộ bản tánh của chính bạn hay chưa.

Tantra của sự Giác Ngộ Trọn Vẹn của Vairocana nói :

Bởi vì nó bị bỏ quên bởi mọi phân biệt có và không,
Và bởi vì nó không thể tự phát âm,
Thực tế của bản thân trí huệ bổn nguyên
Được gọi là Như Lai.

Tantra của sự Trình Bày Chánh Định nói :

Thực tại cốt lõi của tâm con
Không nền tảng chất thể, và nó siêu vượt những dấu hiệu.
Lìa khỏi sự tương tục của tánh giác,
Bản thân tâm kim cương thì không thể chứng minh.

Bản thân tâm kim cương là không hiện hữu ? Không, vì nó là bản tánh của cả sanh tử và niết bàn. Thế nghĩa là nó hiện hữu ? Không, bởi vì nó không được thấy bởi bất kỳ vị Phật nào của ba thời. Bởi thế, nó là không thể chứng minh.

Tantra của Nhận Diện Tánh Giác Tự-Sanh nói :

Về cái thấy, hãy quan sát tự tâm con.
Nó là Pháp thân trong sáng, ngoài nó không có vật gì.
Nếu con thường trực không rời lìa khỏi nó,
Thì thật tế không có dù một chút biến dịch nào.

Tantra của Sọ Đen của Yama nói :

Nó vốn bất nhị, như bản tánh của không gian ;
Xa lìa lời nói và những quy ước, và không chỉnh trị ;
Hiện tiền xưa nay, nó không cần phải tìm kiếm đâu khác.

Sự Trau Dồi Bồ Đề Tâm nói :

Tâm và tự thân thực tại vốn là bất nhị.
Dù cho con có tìm kiếm bản tánh của tâm, nó không thể nắm bắt.
Nó không thể chỉ cho người khác bằng cách nói. “Nó giống như thế này…”

Tantra Đồng Đẳng với Không Gian nói :

Trước khi có một vị Phật,
Không có cả danh từ “chúng sanh”.
Tinh túy của Pháp là Ta, Tự Ta.
Khi cái ấy được chứng ngộ, nó là Pháp thân.
Nếu con đảnh lễ (tức là nhận biết) ta, liền hiển hiện sự thức tỉnh tâm linh.

Tantra của An Lạc Tự-Sanh nói :

Có cái thấy nhờ đó con xác tín tánh giác của chính con,
Không xao lãng, hãy quan sát tâm con.
Nó vốn không một vật.
Quan sát chính mình, tâm là trong trẻo.

Tantra của Tất Cả Những Cái Thấy nói :

Bồ Đề Tâm là thực tại của cái biết.
Cái đã qua chỉ là những khuynh hướng thói quen ;
Cái sanh khởi về sau chỉ là những phiền não ;
Những tư tưởng sanh khởi như là năm cửa (của tri giác) ;
Không nghiêng ngã theo ba cái này, đó là bản tánh bổn nguyên.
Không có gì cho mắt bám nắm, nó tự nhiên trong trẻo ;
Đó là bản thân trí huệ bổn nguyên không ngăn ngại.
Bản tánh cốt lõi của chính con là Pháp thân.
Nó không bản chất và được xác định là thức.
Tự tâm con là không sửa sang chỉnh trị.
Tự tâm con không phát sanh từ cái gì khác.

Bồ đề tâm là bản tánh cốt lõi của cái biết. Không bám nắm bất cứ cái gì sanh khởi như là quá khứ hoặc tương lai, hay những tư tưởng sanh khởi như là năm cửa của tri giác, đó là bản tánh bổn nguyên, cách thế tối hậu của hiện thể. Khi cái thấu hiểu này ló dạng cho những người đang trên con đường, nó như mặt trời soi sáng mọi sự. Sáng tỏ hiện ra. Mặt khác, với người ở trong thực tại, không có gì sanh khởi hay không có gì được chiếu sáng. Đây chỉ đơn giản là bản tánh của thực tại.

Tantra Vinh Quang của Hoan Hỷ Kim Cương nói :

Đại trí huệ bổn nguyên trụ trong thân.
Nó rốt ráo tự do với mọi khởi niệm,
Và nó thấu qua khắp và hiểu biết mọi sự.

Tantra của Giai Cấp Tối Thượng của Kila nói :

Mọi sự xuất hiện như là những hiện tượng
Là kila(5) của trí huệ bổn nguyên của chính con.
Bản tánh của tâm là không thể nắm hiểu.
Bản tánh của không gian là không có bản chất.

Tinh Túy của những Tantra nói :

Quang minh của thế giới hiện tượng là tinh túy.
Quang minh của thức là Pháp thân.
Không bám trước, nó hiện tiền tự nhiên.

Tantra của Bindu Duy Nhất nói :

Hãy biết rằng dù Tam Bảo có hình tướng
Thực ra là không có hình tướng.
Hãy chứng biết tâm con, không hình tướng, 
là Pháp thân.
Do đó, Tam Bảo là trọn vẹn trong con.

Tantra của Không Gian Vĩ Đại nói :

An trụ không sửa sang trong bản thân thực tại,
Không có những hình tướng xuất hiện, là thiền định.

Tantra Đồng Đẳng với Không Gian nói :

Bất cứ dấu vết gì của khởi niệm xảy ra,
Chúng đều là sự vô ngại, sự tự-sanh khởi và 
sự tự an lặng vĩ đại.
Không biến chất và vô sanh, chúng vốn quang minh tự nhiên.
Nếu con an trụ trong trạng thái không biến chất, không sửa sang của đại bình thản,
Thì cái gọi là “thiền định” chỉ là một quy ước giả danh.

Tantra Thoát Khỏi Tranh Cãi nói :

Chánh niệm không phóng dật là sự trì tụng.
Làm theo cái đó là sự thành tựu.

Trong giai đoạn phát sanh, những sadhana được đọc và những mantra được tụng, nhưng trong giai đoạn thực hành này, chánh niệm tỉnh giác đơn giản và không xao lãng thì đáp ứng cho mục tiêu của những trì tụng này, và hành động theo đó là sự thành tựu của quả. Chánh niệm tỉnh giác này không chỉ gồm một tâm an bình, mà nhận biết thực sự bản tánh của cái giác của chính bạn. Do làm thế, mục tiêu của mọi trì tụng đã được hoàn thành.

Tantra của sự Tổng Hợp của Tánh Giác nói :

Nền tảng là tánh Không, Pháp thân.
Nếu người trí không quên thực tại này,
Đại định sẽ trôi chảy không gián đoạn.
Tâm là nền tảng đích thực.
Như trong bầu trời không có dấu chim,
Không có bản tánh nội tại nào trong này.
Đó được gọi là chánh niệm của sự biến đổi thường xuyên
Của những khoảnh khắc của tâm.

Tinh Túy của cái Thấy Tự-Sanh nói :

Sự nhận biết trí huệ bổn nguyên tự biết của con
Là thực tại của bản tánh tự sanh của mọi sự.
Thanh tịnh như bầu trời, sáng láng như mặt trời,
Nó chính là quang minh không hao hụt.
Nó toàn khắp, không bản chất.
Nó không phải không có, vì nó nhận thức và hiểu biết.
Nó chính là tánh giác, bản tánh trống không.

Tantra của An Lạc Tự-Sanh nói :

Do nhận ra tự tâm con là Pháp thân,
Nó được thấy là rạng rỡ tự nhiên, không nắm bắt một đối tượng nào.
Hiện tiền xưa nay, không tăng không giảm,
Vĩnh viễn xa lìa những hoạt động của thân và tâm.

Cũng luận ấy nói :

Người lính gác tự tri ấy không có bản chất và tự do.
Chánh niệm tỉnh giác không lầm lỗi không đi không đến.
Bất cứ niệm tưởng và hiểu biết nào xảy ra,
Đều vô tự tánh ngay khi sanh khởi.

Tantra của Cõi Giới Bao La của Không Gian nói :

Pháp thân thanh tịnh, sâu thẳm
Thì không sanh không diệt.
Những dấu vết động niệm đều thanh tịnh từ căn bản,
Và nó tự do khỏi bản chất của phiền não.

Đâu là sự liên hệ giữa Pháp thân và phiền não ? Thay vì thấy phiền não là bất tịnh để đoạn trừ và Pháp thân là thanh tịnh để chứng ngộ, bạn cần xác quyết rằng bản tánh của những phiền não của bạn không gì khác hơn là Pháp thân. Nếu không chứng biết bản tánh của những phiền não, bạn sẽ một lần nữa rơi vào và bị nhốt trong suy nghĩ nhị nguyên.

Tantra của Định Tối Thượng nói :

Thức trong nguyên thể của nó thì trinh nguyên.
Không xao lãng đến cái gì khác, hãy quan sát tâm.
Ngay trên sự quan sát, thức được thấy là vô tự tánh và quang minh.
Hãy chỉ làm điều đó liên tục, không xao lãng,
Vì thiền định không được tìm ở đâu khác.

Kinh Trí Huệ Bổn Nguyên Giải Thoát nói :

Tự tâm là tịnh quang.
Bất cứ hình tướng xuất hiện nào khởi lên từ nó,
Chúng được phát hiện là thực tại của cái vô sanh.
Chánh niệm về cái vô sanh
Được gọi là ở thường trực trong Pháp thân.

Tantra của sự Gom Tụ những Bí Mật về Vô Tâm nói :

Nếu con chứng ngộ thực tại tuyệt vời của tâm,
Sẽ có sự thành tựu trong một đời.

Chứng biết bản tánh của dù chỉ một tư tưởng sẽ rải ánh sáng trên bản tánh của tất cả những biến cố của tâm thức. Nếu bạn giải thoát khỏi một biến cố tâm thức, bạn được giải thoát khỏi tất cả chúng. Chứng biết bản tánh của một biến cố tâm thức thì giống như chứng biết bản tánh của một bọt nước. Nhưng chưa đủ. Bạn phải chứng biết rằng bản tánh của đại dương thì không khác với bản tánh của một bọt nước đó. Bằng cách nhận biết sự liên hệ giữa bọt nước và đại dương, bạn sẽ không nhìn thấy một bọt nước là một biến cố tách lìa ngoài đại dương nữa, mà thay vì thế, bạn chứng biết bản tánh của toàn thể đại dương.

Áp dụng tiến trình này cho một khởi niệm, bạn sẽ hiểu rằng nó không khác với bản tánh của tâm, được ví với đại dương. Do chứng biết bản tánh của chỉ một tư tưởng, mọi tư tưởng sẽ được giải thoát. Khi thực hành, bạn cần tiếp tục giải thoát theo cách đó những tư tưởng khi nào chúng khởi. Chớ nghĩ chỉ làm một vài lần là đủ.

Tantra của những Bí Mật Không Thể Nghĩ Bàn nói :

Chót đỉnh của mọi hiện tượng
Là không gian tuyệt đối, không có bản chất.
Một tâm không có cái thấy nào
Quan sát thấy Đại Ấn.
Tâm con là bản tánh của mọi sự.

Tantra Đồng Đẳng với Không Gian nói :

Mê và ngộ cùng một bản tánh.
Một chúng sanh không có hai dòng tâm 
Đây là tánh giác tịnh quang.
Hãy để cho tánh giác không hề biến chất được là chính nó.

Cả hai trạng thái mê và ngộ của tâm thức đều nguyên là bản tánh của sugatagarbha, Phật tánh. Bản tánh của dòng tâm thức là tánh giác tịnh quang này. Nếu bạn thâm nhập bản tánh của một tư tưởng, bạn thâm nhập mọi tư tưởng. Hãy để cho bản tánh bất biến của bạn được là chính nó.

Có bốn loại “để cho là”. Cái thứ nhất là để cho cái thấy được là, như một trái núi. Khi bạn để cho nó là chính nó, bạn thành như một trái núi chẳng động. Hãy nhớ lại rằng người đã sẵn sàng cho thực hành này có thể vào trạng thái này như chim garuda (kim xí điểu) tức thời bay lên khỏi vỏ trứng, nhưng hầu hết người thường phải theo một con đường tiệm tiến hơn.

Thứ hai là để cho thiền định là, giống như để cho đại dương là. Không có cái thấy, thiền định không thể theo sau. Trong sự để cho là này, thân thể vẫn hoàn toàn bất động, yên lặng. Ngữ, như những dây đàn đã bị cắt, hoàn toàn im lặng. Cái nhìn cố định và vững chắc không có đích điểm. Như đại dương, tâm bất động, thân bất động, ngữ bất động và cái nhìn cố định không chớp mắt.

Thứ ba là để cho những hình tướng xuất hiện là. Hãy để cho tất cả xuất hiện với sáu cửa của tri giác – tích cực hay tiêu cực, tốt hay xấu – đơn giản sanh khởi. Bất cứ cái gì sanh khởi với tâm, hãy để chúng sanh khởi. Không theo, không nắm, không ngăn chặn, và không đáp trả với hy vọng hay lo sợ. Những xuất hiện này giống như những làn sóng trôi dạt trên mặt đại dương, khi ấy bản tánh của nó thì không khác với đại dương. Chúng cũng giống như những tia sáng của mặt trời không khác với mặt trời. Đó là sự thực hành để cho những xuất hiện là.

Thứ tư là để cho quả là, tức là để cho tánh giác là. Điều này thoát khỏi cảm thức có cái gì để đạt được hay có ai để đạt được. Bạn thoát khỏi mọi mong cầu – dù là hy vọng với sự thức tỉnh tâm linh. Qua việc để cho tánh giác là, bạn xác quyết bản chất chân thật của tánh giác, và bạn biết bản tánh của tánh giác là Phật. Một vị Phật không mong thành Phật, không sợ không thành Phật. Khi bạn chứng ngộ bản tánh của tánh giác của bạn, bạn sẽ biết không có cái gì để đạt được. Bạn sẽ biết không có Phật tánh ở đâu khác phải tìm.

Có được thành công trong thực hành “để cho là” giống như gì ? Khi bạn thiện nghệ trong việc để cho là như một trái núi, đấy giống như leo lên đỉnh cao nhất của một rặng núi. Từ đỉnh cao đó bạn có thể nhìn toàn bộ các dãy núi. Một khi bạn đã chứng ngộ cái thấy đích thực này, mọi sự khác có thể thấy được. Trong trạng thái này không có sự khác biệt giữa định và sau định. Có tính đồng nhất trọn vẹn giữa định đích thực và trạng thái sau định.

Một khi bạn đã có kinh nghiệm để cho là như một đại dương, bạn hoàn toàn siêu vượt khỏi sự phân biệt ba cái : người thiền định, đối tượng thiền định và sự thiền định. Mọi hiện tượng trong sanh tử và niết bàn xuất hiện với tâm trong sự trong suốt cao tột, như thể bạn nhìn một đại dương bao la trong đó nước hoàn toàn trong suốt và sáng ngời. Ấy giống như nhìn những hình ảnh trong một tấm gương rất trong sáng. Trong trạng thái này, ngược với hiện trạng của chúng ta, có một phẩm tính biết khắp của tánh giác của bạn. Bạn có hai loại hiểu biết : bản thể và hiện tượng. Hơn nữa, bạn có tự tin. Mọi hiện tượng ở trong tánh giác của bạn trở nên trong sáng, và bạn có sự tự tin của một con kim xí điểu đang bay, không lo lắng bị rơi xuống đất. Tương tự, bạn đạt được sự tự tin về tự do viên mãn. Hơn nữa, mọi biến cố xấu tốt xuất hiện như những tự-phô diễn, hay những biểu hiện sáng tạo, của tánh giác, như sóng khởi từ đại dương.

Liên kết chặt chẽ với chứng ngộ này là việc thấy bindu độc nhất, nó là nhất tánh nền tảng của toàn thể sanh tử và niết bàn, tự chứng nghiệm thấy một vị của sanh tử và niết bàn. Chi tiết hơn : Ba hiện thân, Pháp thân, Báo thân và Hóa thân, tương đương với tinh túy, bản tánh và lòng bi toàn khắp của tánh giác. Báo thân khởi lên như một phô diễn sáng tạo của Pháp thân, và Hóa thân là một phô diễn sáng tạo của Báo thân. Điều này liên hệ với sự khẳng định rằng nếu người ta nhận biết bản tánh của một tư tưởng, việc đó soi sáng về bản tánh của mọi khởi niệm. Bằng cách hiểu biết bản tánh của một tư tưởng, bạn biết bản tánh của tất cả mọi tư tưởng.

Trạng thái để cho những xuất hiện là, cũng được gọi là “để cho các hạnh của bạn là”, và để cho tánh giác là, cả hai đều là những trạng thái siêu việt không thể diễn tả bằng lời nói. Trong thực hành bạn đạt đến bốn cấp độ chứng ngộ này một cách thứ lớp, bằng cách trước tiên trau dồi sự phát tâm và rất tỉ mỉ về thái độ cư xử và những hậu quả đạo đức của nó.

Tantra của Vô niệm nói :

Tâm vốn sẵn, vô trụ một cách bổn nguyên,
Là Đại Ấn, nó không sanh tưởng điều gì,
Tất cả những hiện tượng không thể chạm đến,
Hãy an trụ trong trạng thái bất biến đó.

Tantra của Vô Trụ nói :

Trong gỗ thuần khiết của mọi khởi niệm
Ngọn lửa vĩ đại của tịnh quang
Cháy sáng không cùng như là Đại Ấn. 
Đó là công đức tối thượng của bình đẳng.
Vốn giác ngộ từ sơ thủy,
Trí huệ bổn nguyên trụ trong dòng tâm thức của con.
Về ba pháp tu tâm
Không chắc chắn điều con mong muốn sẽ xảy ra.
Chỉ với dòng tương tục của chánh niệm không phóng dật
Tinh túy sẽ xảy ra ngay lúc đó.
Với sự lớn mạnh và hoàn thiện của lòng bi vô niệm,
Đó là Đại thừa.
Không có trạng thái thiền định và sau thiền định,
Thì không có đứt đoạn trong dòng tâm thức này.
Những nhà tham thiền vĩ đại trau dồi cái này
Họ không trở nên manh mún.

 

Tánh Giác Lộ Toàn Thân
Tác Giả: Karma Chagmé với bình giảng của Gyatrul Rinpoche
Những Giáo Huấn Thực Hành về Sự Hợp Nhất của Đại Ấn và Đại Toàn Thiện
THIỆN TRI THỨC, 2003

 

SHARE:

Trả lời