THỰC TẠI VỐN LÌA CÁC HÌNH TƯỚNG

SHARE:

Vào một dịp khác tôi gặp Vajrapani vĩ đại và vinh quang trong một thị kiến, một kinh nghiệm của sự thanh tịnh sáng tỏ toàn triệt. Dịp đó tôi hỏi ngài, “ Thưa bậc chiến thắng, bậc cầm giữ Kim cương vĩ đại, có phải Phật quả là nhận ra bậc giác ngộ ngay tại đây trong hoàn cảnh tức thời của con, hay có một nơi nào khác để trở thành giác ngộ ? ”.

Ngài ban sự trả lời sau đây : “ Hỡi đứa con phước đức của dòng tộc vinh hiển, Có lẽ con nghĩ rằng danh từ  ‘Phật’  là sự hiện hữu như một nhân vật uy nghi, đẹp đẽ và ưa nhìn, an hoà và dịu dàng , tinh tế và hoàn thiện, đáng yêu, một người ngắm nhìn không chán, sống trong xứ sở rộng lớn vĩ đại. Nếu thế, thì ai là cha mẹ của những vị Phật như vậy ?. Nếu do những bà mẹ sanh ra, các ngài phải chịu giới hạn của thường còn; nếu chết, các ngài phải chịu giới hạn của giả ảo, không thực theo một nghĩa hư vô .

“Tóm lại, chừng nào có một một bản chất được xem là tự nó hiện hữu thật trong ba giai đoạn phát sanh, kéo dài và diệt mất, thì không thể có một bản tánh của thực tại thoát khỏi những cực biên nhị nguyên. Những hiện tượng hình tướng bề ngoài dù xuất hiện như thế nào, biểu lộ như có sanh ra và diệt mất, sự kiện đó không gì khác hơn là những ý niệm được gán ghép .

“Hơn nữa , nếu con chờ đợi cái gì thanh tịnh và hoàn toàn tinh ròng và xem nó là thật thì con sẽ tự ràng buộc mình. Nếu có một khác biệt nào giữa thật tánh của Sanh tử và thật tánh của Niết bàn, bấy giờ nói  đến ‘ Bản tánh của thực tại là tánh bình đẳng của Sanh tử và Niết bàn ‘, rốt cuộc chỉ là việc môi mép. Thật vậy, nhiều người chấp vào Niết bàn như là cái gì có những đặc tính cố định nội tại bèn rơi vào cái bẫy của hy vọng và lo sợ. Có nhiều diễn tả về những kinh nghiệm được hưởng thọ trong các cõi thanh tịnh, nhưng nếu  con bám vào những chi tiết đặc biệt đó và như vậy xem chúng là những thực thể có thật với những đặc tính cố định nội tại, con vẫn còn vọng tưởng cho những hiện tượng là có tự tánh .

“Dù chúng ta gán tên cho nó là gì, quan kiến cho rằng Như Lai là một cái gì trường cửu và có thật thì  không siêu vượt khỏi quan kiến tự ngã cá nhân là có thật.  Nếu con nghĩ  rằng một vị Phật có hai mắt, bây giờ cũng phải có nhãn thức. Một khi đã có nhãn thức, sự xuất hiện những hiện tượng như là sắc thì không thể tránh khỏi. Những cái này được gọi là  “ Cực đối tượng của nhìn thấy ” và “ Những đối tượng của giác quan ”. Một khi những đối tượng như vậy được thiết lập thì không tránh khỏi suy nghĩ ý niệm vi tế của tâm bình thường xảy ra, nó góp phần kéo dài những sắc của con mắt. Cái này gọi là ‘ Cực chủ thể của nhìn thấy ‘  và ‘ Tâm bình thường ‘ ( Sem ). Nhị nguyên ý niệm này của đối tượng và chủ thể được gọi là ‘ Tâm bình thường ‘, và bất cứ cái gì có tâm bình thường thì được gọi là ‘ Chúng sanh ‘.

“Cùng cách đó, nếu con nghĩ rằng một vị Phật có tai, thế thì cũng phải có nhĩ thức với những cảm giác về âm thanh tương ứng. Nếu con nghĩ rằng một vị Phật có mũi, thế thì cũng phải có tỷ thức và những cảm giác về mùi tương ứng. Nếu con nghĩ rằng một vị Phật có lưỡi, thế thì cũng phải có thiệt thức với những cảm giác về vị tương ứng. Nếu con nghĩ rằng một vị Phật có thân, thế thì cũng phải có thân thức với những cảm giác về xúc tương ứng. Những cái này bao gồm những cực đối tượng của tri giác cho những thức ấy.  Những khuôn khổ tư tưởng  ý niệm sẽ góp phần cho sự kéo dài của chúng tạo thành tâm bình thường, nghĩa là những cực chủ thể của tri giác cho những thức ấy. Như ở trước, cái gì có tâm bình thường thì được gọi là chúng sanh.

“Về cái chúng ta gọi là ‘ Phật ‘, nếu có  một trạng thái Phật quả không siêu vượt khỏi những tri giác nhị nguyên của đối tượng và chủ thể, thì bấy giờ những phẩm tính tốt của trạng thái ấy Có thể chuyển thành chúng sanh cũng như những phẩm tính bình thường chuyển từ người nọ qua người kia.

“Con có thể nghĩ rằng chư Phật giáo hóa những người khác, nhưng nếu chư Phật tự nghĩ là những vị thầy, những giáo pháp là cái để dạy  và những chúng sanh là những người nhận giáo pháp, thế thì có khác biệt   gì đâu giữa chư Phật và chúng sanh bình thường, dù chỉ nhỏ bằng hạt mè. Nếu thế các ngài đều là chúng sanh cả đấy thôi; Nếu con nghĩ rằng những phẩm tính độc nhất của một vị Phật là  có một cõi lạc phúc, có tướng tốt, hội chúng tuyệt hảo, mọi thứ bằng các châu báu và hạnh phúc lớn lao hay không có sân và tham, con vẫn còn hình dung một chúng sanh, không đáng ca ngợi hơn những vị trời trong cõi sắc .

“Trong ý nghĩa rốt ráo, nền tảng hiện thể sẵn có của con là đức Samantabhadra ( Phổ Hiền trọn hảo, là  cái được nói  là “ Bậc an lạc mà đi của cả ba thời ”. Trong sự thật tối hậu, một đức Phật không kinh nghiệm sự đi đến thế gian hay thuyết pháp. Nhiều Tantra, luận và những giáo huấn trao truyền trực tiếp đã nói rõ ràng cách hình tướng tự biểu lộ của một vị thầy xuất hiện cho một cá nhân cần được giáo hóa. Hãy khảo sát chúng và thấu hiểu điểm này .

“Thêm nữa, thật vô lý khi nghĩ rằng những trạng thái hiện hữu khác, tách biệt trong vòng sanh tử lại được xem là thật có và những chúng sanh lần lượt đi đến những nơi đó để trải nghiệm vui khổ. Nếu hình tướng thân thể, căn cứ để tâm thức làm việc trong đời trước đã được bỏ đi như đồ thải mà có thực, thế thì từ đâu người ta lấy thân trung ấm giữa cái chết và tái sanh ?. Nếu thân trong đời này có thể chết vì những vết thương, vết bỏng hay chỉ vì một ngọn gió lạnh, thì làm sao một cái thân được tạo thành trong địa ngục lại có thể trải nghiệm nóng và lạnh, nấu và đốt mà không chết?. Tương tự, nếu chúng ta có thể chết vì đói trong vài tháng hay thậm chí vài ngày, thì tại sao những chúng sanh quỷ đói không chết vì đói khát trong hàng kiếp ? .

“Như vậy, tất cả  chúng sanh trong sáu cõi cũng như những chúng sanh trong trạng thái trung ấm đều mê lầm vì họ bám chấp, cho những hiện tượng hình tướng là sự thật, nhưng thật ra chúng giống như những hình ảnh trong mộng – chúng không là gì khác hơn chỉ là những xuất hiện hình tướng, trống không và không có hiện hữu khách quan nào.

“Như thế nếu con đi đến một kết luận quyết định về những hiện tượng hình tướng sanh khởi từ mê lầm,  chứng ngộ rằng chúng vô tự tánh, con sẽ nạo vét hết những chiều sâu của sanh tử luân hồi. Bằng cách xác quyết Phật quả không là gì khác hơn nền tảng bổn nhiên của chính con và bằng cách có được sự tự tin này bên trong con, con thực sự đạt được cái gọi là ‘ Sự giải thoát tự nhiên vốn có của chư Phật ‘.

“Hỡi bậc uy quyền của hư không, Kim cương hiện diện ở khắp cả, con phải đi đến kết luận quyết định rằng không có hiện tượng nào của Sanh tử và của Niết bàn là hiện hữu, mà tất cả đều không và con phải chứng ngộ bản tánh của không hiện hữu ” .

Nói thế, ngài  biến mất khỏi tầm nhìn.

NHỮNG LỐI VÀO THỰC TẠI TỐI HẬU
Dudjom Rinpoche 

Việt dịch: Nguyễn An Cư 

Thiện Tri Thức 2004

SHARE:

Trả lời