NIỆM PHẬT VÔ TƯỚNG

SHARE:

Pháp môn Niệm Phật Viên Thông của Bồ Tát Đại Thế Chí bắt nguồn từ chương “Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông” trong Kinh Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm, gọi tắt là Kinh Lăng Nghiêm. Đây là quyển kinh mà các hành giả học thiền tu định cần phải đọc. Trong kinh, 25 vị Bồ-tát đều tự trình bày phương pháp tu hành của mình, sau đó là lời bình luận của đức Bồ-tát Văn Thù Sư Lị, cho rằng, đối với chúng sinh ở thế giới này thì pháp môn Nhĩ Căn Viên Thông của Bồ-tát Quán Thế Âm là thù thắng hơn hết.

Cho đến ngày nay, cách cái thời gian của thánh nhân[11] đã xa, mà hình thái xã hội cũng dần dà thay đổi, cách thức sinh hoạt lắm sự phiền toái; muốn tìm lại nếp sinh hoạt an nhàn thanh tĩnh của xã hội nông nghiệp ngày xưa thật khó có thể được. Vì vậycon người trong thời đại này, nếu muốn tu tập pháp môn Nhĩ Căn Viên Thông, mỗi ngày nhiều lắm cũng chỉ được một, hai giờ mà thôi. Ngoại trừ người khéo tu tĩnh quán, có thể tìm kiếm nhiều pháp môn phương tiện thiện xảo để giúp sức, nếu không thì không dễ thành công.

Theo những nhận xét về pháp môn Niệm Phật Viên Thông của Bồ-tát Đại Thế Chí trong kinh Lăng Nghiêm, thì đó là pháp môn chỉ đứng sau pháp môn Nhĩ Căn Viên Thông của Bồ-tát Quán Thế Âm. Kẻ hậu học này cho rằng, đó là pháp môn thích hợp nhất cho con người bận rộn thời nay; mà pháp môn Niệm Phật này, gần đây cũng đã được nhiều người quảng bá, rất nhiều vị đại đức trong giáo giới viết bài trình bày, hoặc phát hành băng ghi âm.

Kẻ hậu học này lấy thiền làm tông chỉ, buổi đầu dò dẫm nhiều năm mà không vào được. Bởi vì phải chấp hành nghiệp vụ quá bận rộn, mà tâm thức bị tán loạnTuy nhiên, mỗi ngày cũng bỏ ra chút ít thì giờ để ngồi thiền, tối đa là một tiếng đồng hồ. Hơi có chút sở đắc, nhưng cũng chỉ là công phu trong tĩnh, vừa mới rời khỏi bồ đoàn là liền thất niệm; cho nên, ở bên mé cảnh giới thiền cũng không đụng tới được, nói gì đến chuyện tham thiền! Cho đến cuối năm 1988, sau khi tu tập được pháp môn Niệm Phật Vô Tướng này, tôi mới tìm thấy được cái mà trong thiền môn gọi là “cánh cửa vô môn”. Từ tháng 5 năm 1989, tôi bắt đầu tham thiền dựa vào công phu niệm Phật viên thông này, mài miệt không nghỉ, ngủ không ngon giấc, ăn chẳng biết vị; sau 18 tháng ròng rã như thế, mới vào được cửa thiền!

Người ta gần đây tham thiền mà không đạt được hiệu quả, đa phần là vì định lực không đủ, hơn nữa là thiếu công phu trong động. Hãy xin nêu câu thoại đầu thiền làm ví dụ:

Trong sách Hư Vân Hòa Thượng Khai Thị Lục có chép: “Thế nào gọi là thoại đầu? Đầu tức là trước khi chưa nói. Như niệm câu ‘A Di Đà Phật’, thì trước khi chưa niệm, gọi là ‘thoại đầu’. Gọi là thoại đầu, đó là khoảng thời gian một niệm chưa sinh khởi. Một niệm vừa sinh khởi thì đã là ‘thoại vĩ’. Cái khoảng thời gian một niệm chưa sinh khởi ấy, thì gọi là ‘bất sinh’; không trạo cử, không hôn trầm, không đắm vào tĩnh, không rơi vào trống không, thì gọi là ‘bất diệt’. Thời thời, khắc khắc, chỉ có vậy, thật rõ ràng, một niệm bừng sáng chiếu soi trở lại cảnh giới bất sinh bất diệt ấy, gọi là ‘khán thoại đầu’ hoặc gọi là ‘chiếu cố thoại đầu’.”

Nói cách khác, cần phải có cái năng lực an trụ trong khoảng thời gian một niệm chưa sinh khởi thì mới có khả năng khán thoại đầu. Cũng có thể nói, cần phải có năng lực nhìn thấy đầu trước của câu nói mà mình đã tham cứu, mới gọi là khán thoại đầu. Nếu niệm miệng hoặc mặc niệm trong tâm, hoặc dùng tâm thức cân nhắc “Niệm Phật là ai”, đó là “khán thoại vĩ”; tại vì câu nói “Niệm Phật là ai” đã trở thành quá khứ rồi. Cho nên hòa thượng Hư Vân[12] còn nói: “Vì sao người ta trong thời hiện đại, khán thoại đầu thì nhiều mà ngộ đạo thì chẳng có mấy ai? Đó là bởi vì người thời hiện đại căn khí không bằng người xưa, lại nữa, các vị học giả đã không hiểu biết tường tận đối với cái lí lẽ tham thiền khán thoại đầu. Có người cứ hỏi Đông hỏi Tây, chạy Nam chạy Bắc, kết quả chỉ là ồn ào cho tới già, mà một câu thoại đầu cũng không minh bạch, chẳng biết thoại đầu là cái gì, thế thì làm sao mà gọi là khán thoại đầu? Một đời chỉ là chấp trước ngôn từ danh tướngđể tâm vào thoại vĩ mà thôi.”

Hành giả nếu có khả năng khán thoại đầu thì tức là có khả năng tham thiền; nếu chưa có khả năng thì hãy nhanh chóng tăng cường định lựctu học công phu trong động, khiến cho tự mình có đầy đủ năng lực khán thoại đầu trong sinh hoạt thường ngày, rồi đến tham thiền; như thế là đạo nghiệp có thể tăng tiến nhanh chóng.

Công án và thoại đầu là hai mà một, cần có công phu “một niệm không sinh” mới đạt được. Cho nên hòa thượng Hư Vân lại nói: “Tổ sư Đạt Ma và Lục Tổ khai thị học chúng, câu nói khẩn yếu nhất là ‘Ngăn chận các duyên, một niệm không sinh’. Ngăn chận các duyên cũng tức là buông bỏ vạn duyên; cho nên hai câu ‘Vạn duyên buông bỏ, một niệm không sinh’, đích thực là điều kiện tiên quyết của người tham thiềnNếu không thực tập được hai câu nói đó thì việc tham thiền không những là không thành công, mà còn có thể nói là việc nhập môn cũng không có khả năng.”

Ngài còn nói tiếp: “Chư vị thiền đức từ các đời Đường, Tống trở về trước, phần nhiều chỉ do một lời nửa câu liền ngộ đạo. Sự truyền thọ giữa thầy trò chỉ là dùng tâm ấn tâm, hoàn toàn không có một thật pháp[13] nào. Những cuộc tham vấn thù đáp thường ngày cũng chỉ là tùy phương tiện mở trói, theo bệnh cho thuốc mà thôi. Từ đời Tống về sau, căn khí con người hẹp hòi thấp kém, giảng rồi cũng không thực hành được, ví như nói ‘Buông bỏ tất cả, thiện ác đều không làm.’, nhưng hoàn toàn không buông bỏ được, không suy nghĩ thiện thì suy nghĩ ác. Đến giờ phút này, chư vị tổ sư bất đắc dĩ mới phải sử dụng biện pháp ‘lấy độc trị độc’, dạy cho người học tham công án.”

Ngài lại nói: “Công án của cổ nhân nhiều lắm, người sau chuyên nói là khán thoại đầu; kì thật, đó chỉ là một. Thoại (lời nóitừ tâm sinh khởi, tâm là đầu của thoại; niệm là từ tâm sinh khởi, tâm là đầu của niệm. Vạn pháp đều từ tâm sinh khởi, tâm là đầu của vạn phápSự thậtthoại đầu tức là niệm đầu; đầu trước của niệm tức là tâm. Nói rõ ra, trước khi một niệm chưa sinh tức là thoại đầu.”

Do những lời khai thị của hòa thượng Hư Vân vừa nêu trên, chúng ta biết rằng, tham thoại đầu, hay tham công áncần phải có đầy đủ cái công phu một niệm không sinh thì mới gọi được là tham thiền. Nhưng cái một niệm không sinh này là đối với chung mọi người mà nói, còn đối với người thực sự có loại công phu đó, thì nên hiểu là “một niệm nối nhau không dứt”.

Cửa thiền là cửa vô môn, chủ trương dứt tuyệt ngôn ngữ, diệt hết tâm hành[14]. Nếu trong mỗi niệm mỗi niệm mà không xa rời ngôn ngữ văn tự, cùng những suy nghĩ tính toán của tâm thức, thì làm sao có thể liễu ngộ? Cho dù có may mắn được sự chỉ dạy tận tình của bậc tôn sư chứng ngộ mà được khai ngộ, thì cũng rất ít người giữ được lâu dài, chẳng qua chỉ được mươi phút, vài giờ, hay cùng lắm là vài ngày, là đâu lại hoàn đó. Do đâu nên nỗi? Là do định lực thiếu kém, mà cũng do không có đủ cái công phu trong động.

Đối với người tu Tịnh Độ mà nói, thì cái công phu trong động cũng trọng yếu như vậy. Hiện nay, người tu pháp môn Tịnh Độ rất nhiều. Bất luận là trì chútrì danh, hay tu mười sáu phép quán[15], nếu thiếu công phu trong động thì sẽ không thành tựu dễ dàng.

Một hôm tình cờ gặp một vị Bồ-tát[16] tu pháp môn niệm Phật trì danh đã mười mấy năm, khi vị ấy hỏi: “Ông có chắc chắn được vãng sinh về tịnh độ Cực-lạc hay không?” thì mặt tôi xìu xuống, không dám trả lời, tợ hồ mọi người đều có hi vọng, nhưng tất cả đều không nắm chắc. Số người chắc chắn có lòng tự tin, thử hỏi được bao nhiêu? Trong kinh có ghi rõ: “Khi tôi thành Phậtchúng sinh trong mười phương nghe được danh hiệu của tôi, dốc lòng tin vui, có được căn lành một lòng hồi hướngphát nguyện vãng sinh về nước tôi, nếu cho đến mười niệm mà không được vãng sinh thì tôi không ở ngôi Chánh-giác – ngoại trừ những người phạm tội ngũ nghịchphỉ báng chánh pháp.” Kinh lại nói: “Nếu một ngày, hai ngày, …… cho đến bảy ngày, thọ trì thánh hiệu A Di Đà Phật, một lòng không tán loạn, thì khi lâm chung tâm không bị điên đảo, liền được vãng sinh về tịnh độ Cực-lạc của đức Phật A Di Đà.” Tôi tự xét lại khi mình niệm Phật, có thể chỉ trong mười niệm mà đạt đến chỗ dốc lòng tin vui, có được căn lành một lòng hồi hướngphát nguyện vãng sinh, hoặc tu tập được công phu nhất tâm bất loạn chăng? Lúc bình thường còn không thể được, huống chi là lúc lâm chung – là lúc bao đau khổ dồn dập bức bách! Do đó mà lòng tôi ngập ngừng lo nghĩ, không muốn sống nữa!

Người niệm Phật như thế, mà người trì chútu quán cũng như thế, cái nguyên do căn bản là thiếu định lực. Ba tạng mười hai bộ[17], tất cả những lời Phật dạy là Kinh, chủ yếu là dạy người tu định (Luật là các giới điều Phật chế; Luận là các vị Bồ-tát nói về tuệ). Những việc như thọ trìđọc tụng, biên chép, giảng thuyết, không việc nào là không dạy người tu định. Thế mới biết, định lực rất là trọng yếu. Người có đầy đủ định lực, muốn nhiếp phục sáu căn, liên tục tịnh niệm, hoàn toàn không phải là việc khó, thì sợ gì không được vãng sinh! Nhưng hai loại công phu trong động và công phu trong tĩnh này phải tu như thế nào? Theo kinh nghiệm của kẻ hậu học này, pháp môn Niệm Phật Viên Thông của Bồ-tát Đại Thế Chí là phương pháp tốt nhất.

Ngoài raniệm Phật phải từ hữu tướng mà đến vô tướng, do quyền nghi mà vào thật tướng[18]. Cho nên người niệm Phật cần nên biết rằng, niệm Phật có ba loại:

1. Niệm hóa thân[19] Phật: tức niệm Phật trì danh được ghi trong kinh Phật Thuyết A Di Đà. Nếu thành tựu được pháp trì danh niệm Phật tam muội[20], sẽ có cảm ứng được thấy hóa thân của đức Phật A Di Đà.

2. Niệm báo thân[21] Phật: tức pháp tu 16 phép quán tưởng được ghi trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Nếu thành tựu được pháp quán tưởng niệm Phật tam muội, liền được thấy báo thân với tướng tốt trang nghiêm của đức Phật A Di Đà.

3. Niệm pháp thân[22] Phật: tức phép “nhớ Phật niệm Phật”, là pháp môn niệm Phật vô tướng được nói tới trong chương “Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông”. Nếu do “nhớ Phật niệm Phật, không nhờ phương tiện mà tâm tự sáng” mà tu tập thành công pháp môn niệm Phật vô tướng, chỉ phát tâm chí thành, tâm tin sâu sắc, tâm phát nguyện hồi hướngchắc chắn được sinh về cõi Thật-báo trang-nghiêm độ, ở bậc Thượng-phẩm thượng-sinh. Nếu người chưa thấy tánh, chỉ mới hiểu được nghĩa lí kinh điển đại thừa, mà đối với đệ nhất nghĩa[23] tâm không kinh động, hồi hướng vãng sinh, sẽ được sinh về cõi Thật-báo trang-nghiêm độ, ở bậc Thượng-phẩm trung-sinh. Người tuy chưa thấy tánh, cũng không hiểu giáo pháp đệ nhất nghĩachỉ không hủy báng đại thừa, tin sâu nhân quả, phát đạo tâm vô thượng, cũng có thể được sinh về cõi Thật-báo trang-nghiêm độ, ở bậc Thượng-phẩm hạ- sinh. (Xin xem chú thích số 1 của tác giả ở cuối sách.)

Nhưng thời gian tu hành của người Thượng- phẩm hạ-sinh ở thế giới Cực-lạc vô cùng lâu dài, mà cảnh giới cư trú cũng rất xa xôi đối với cảnh giới của người Thượng-phẩm thượng-sinh và Thượng-phẩm trung-sinh, xin chư vị hành giả hãy tự suy xét.

Cho nên người niệm Phật cầu vãng sinh về thế giới Cực-lạc ở phương Tây, nếu không có được pháp môn thù thắng nào, thì nên chân thành niệm Phật trì danh. Nếu may mắn được nghe một phương pháp nào tốt hơn phương pháp niệm Phật trì danh, thì nên cầu phương pháp thù thắng để được Thượng-phẩm thượng-sinh; đừng lấy Thượng-phẩm hạ-sinh hoặc Trung, Hạ-phẩm vãng sinh mà cho là đủ. Tâm rộng lớn thì cái thấy cũng rộng lớn. Điều gọi là “niệm lớn thấy được Phật lớn”hoàn toàn không phải là niệm Phật to tiếng vậy.

Lại nữa, niệm pháp thân Phật, không phải chỉ có một phương pháp niệm Phật viên thông của Bồ-tát Đại Thế Chí. Còn có nhiều phương pháp cũng thuộc về niệm pháp thân Phật, đều là pháp môn niệm Phật vô tướng. Vì khuôn khổ hạn hẹp của cuốn sách này, chỉ xin trích từ Kinh Tạng Phật giáo, ghi ra đây một đoạn kinh văn ngắn (Tạng Đại Chánh, “Kinh Tập Bộ”, quyển 2) làm ví dụ, để có thể thấy được phần nào:

“Này Xá Lị Phất! Thế nào gọi là niệm Phật? Thấy không có cái gì có, gọi là niệm Phật. Xá Lị Phất! Chư Phật vô lượng, không thể nghĩ bàn, không thể tính toán, do ý nghĩa đó, thấy không có cái gì có, gọi là niệm Phật, gọi một cách chân thật là không phân biệt. Chư Phật không có phân biệt, cho nên nói ‘niệm không phân biệt tức là niệm Phật’.

“Lại nữa, thấy thật tướng của các pháp, gọi là thấy Phật. Cái gì là thật tướng các pháp? Đó là các pháp đều không, rốt ráo không có cái gì có. Đem cái pháp rốt ráo không, không có cái gì có đó mà niệm Phật; ở trong cái pháp như thế thì một niệm mảy may cũng không thể nắm bắt, cho nên gọi là niệm Phật.

“Xá Lị Phất! Không thể lấy sắc mà niệm Phật, vì sao? Tham sắc thì giữ lấy tướng, tham vị là thức. Không hình không sắc, không duyên không tánh, gọi là niệm PhậtVì vậy phải biết: không có phân biệt, không giữ không bỏ, đó là chân thật niệm Phật.

“Niệm Phật là phá bỏ tất cả giác quán[24] về thiện và bất thiện, không giác không quánvắng lặng không tư tưởng, gọi là niệm Phật. Vì sao? Không nên dùng giác quán để nhớ nghĩ chư Phật. Không giác không quán gọi là thanh tịnh niệm Phật.

“Khi ông niệm Phật, đừng giữ một tư tưởng mảy may nào, đừng có hí luận, đừng khởi niệm phân biệt. Vì sao? Vì các pháp đều không, không có thể tánh, không thể niệm một tướng. Cái gọi là vô tướng, là chân thật niệm Phật.”

Những điều trích lục trên đều là cảnh giới niệm Phật thật tướng. Nếu người Phật tử tỏ ngộ tâm tánh, thấy Phật không có thân căn tướng mạo, không có một tướng nào có thể nắm bắt, mà tùy thuận chúng sinh trì danh niệm Phật, thì có thể nói câu: “Một câu niệm Phật bao hàm tất cả sự lí.” Nếu chưa thấy tánh mà cứ luôn luôn nói câu “Một câu niệm Phật bao hàm tất cả sự lí”, thì đó là vọng ngữ. Vì sao? Vì sự và lí của việc niệm Phật, cả hai đều chưa hiểu biết rõ ràngPháp môn niệm Phật vô tướng được đề cập trong sách này chỉ là dùng pháp quyền nghi thiện xảo để giúp hành giả đi từ hữu tướng mà đến vô tướng; đến như một số hành giả có căn lành, trí tuệ, lại gặp được nhân duyên, mà một buổi sớm mai nào đó chứng nhập được cảnh giới niệm Phật thật tướngsự kiện đó cũng có thể xảy ra lắm!

CHÚ THÍCH 

(Xin chú ý: Tất cả những chú thích ở cuối trang, như trang này, đều là chú thích của người dịch. – Chú thích của tác giả đặt ở cuối sách.)

[1] Tham cứu: là một thuật ngữ Thiền học. Trong Thiền môn, người đệ tử phải đến trước Thầy để tham vấn, cầu khai thị về việc tham thiền để thấy tánh giác ngộ, đó là việc quan trọng trong đời tu hành của một thiền sinh.

[2] Bốn loại tịnh độ: Đại sư Trí Khải của tông Thiên Thai phân biệt có bốn loại tịnh độ:

1) Phàm-thánh đồng-cư độ: tịnh độ của cả thánh nhân (Thanh-văn, Duyên-giác) và phàm phu (người, trời) cùng cư trú.

2) Phương-tiện hữu-dư độ: tịnh độ của chư vị A-la-hán, Bích-chi Phật và hàng Bồ-tát Địa-tiền (trước khi tiến lên bậc Sơ-địa) cùng cư trú.

3) Thật-báo trang-nghiêm độ: tịnh độ của hàng Bồ-tát từ bậc Sơ-địa cho đến bậc Đẳng-giác cư trú.

4) Thường-tịch-quang độ: tịnh độ của chư Phật.

[3] Kiến-đạo: là chặng đường đầu tiên trong ba chặng đường dẫn đến giải thoát niết bàn (Kiến-đạo, Tu-đạo và Vô-học-đạo). Hành giả ở địa vị phàm phu, sau một thời gian tu hành tinh tấn, phát sinh trí tuệ vô lậu, thể hội lí tứ đế, dứt trừ hết kiến hoặc trong ba cõichứng quả Tu-đà-hoàn (đối với Thanh-văn thừa), hoặc tiến lên bậc Sơ-địa Bồ-tát; đó là địa vị Kiến-đạo.

[4] Tu-đạo: Sau khi đã đạt được địa vị Kiến-đạo thì chặng đường kế tiếp là Tu-đạo. Ở chặng đường này, hành giả tiếp tục phát triển trí tuệ vô lậu, dùng trí tuệ ấy để diệt trừ hết tư hoặc, đó là công phu tu tập của hành giả ở địa vị Tu-đạo. Đối với Thanh-văn thừa thì hai quả Tư-đà-hàm và A-na-hàm thuộc địa vị này; khi đã diệt trừ trọn vẹn mọi kiến tư hoặc trong ba cõi thì chứng quả A-la-hán, đó là địa vị Vô-học-đạo. Đối với Bồ-tát thừa thì Bồ-tát từ bậc Nhị-địa cho đến Cửu-địa thuộc địa vị này; từ bậc Thập-địa trở lên thì thuộc Vô-học đạo.

[5] Công phu trong động: “Công phu” là một thuật ngữ Thiền học, dùng để chỉ cho trình độ hay thực lực tu tập. Chữ “động” là chỉ cho cảnh giới đầy dẫy ngũ dục lục trầnlăng xăng loạn độngtrái lại là “tĩnh”, là cảnh giới tĩnh lặng trong thiền định“Công phu trong động” tức là hành giả tập thiền trong một hoàn cảnh không yên tĩnh, đầy vọng động, cũng tức là tập thiền trong những lúc đi đứng ngồi nằm, trong những lúc làm việc, ăn uống, nói năng, v.v… nói chung là trong mọi sinh hoạt hằng ngàyThuật ngữ “công phu trong động” cũng được dùng trong Tịnh Độ tông, chỉ cho việc miệng niệm lớn tiếng danh hiệu Phật của pháp môn trì danh niệm Phật.

[6] Khán thoại đầu: Chữ “khán” là một thuật ngữ Thiền học, có nghĩa là chỉ nhìn đối tượng một cách chăm chú mà không phát ra tiếng nói. Đối tượng nổi hiện thường trực trên ý thức, và hành giả dùng trí tuệ để chiếu soi nó, cho tới khi thấy được chân tướng của nó tức là được khai ngộ“Thoại đầu” cũng là một thuật ngữ Thiền học, chỉ cho một câu nói được dùng làm đề tài tham cứu cho hành giả trong lúc thực tập thiền quán. Những lời dạy của Phật trong kinh điển, những lời huấn thị của các vị tổ sư ngộ đạo, những lời đối đáp giữa các vị thiền sư, đều là những pháp tắc, mô phạm mà các hành giả trong thiền môn phải lấy đó để chiêm nghiệmtu tập, nhờ đó mà được khai ngộ“Khán thoại đầu” tức là dùng trí tuệ để chiêm nghiệmquán chiếu một lời dạy của Phật, một câu nói của bậc tổ sư ngộ đạocho đến khi toàn vẹn yếu nghĩa của nó bùng vỡ, đó là lúc hành giả được khai ngộ.

[7] Tham thoại đầu: cũng tức là “khán thoại đầu”.

[8] Đồng tham: tức là những người bạn cùng nhau tu tập thiền quán.

[9] Thùng sơn đen (hắc tất thông): tức là cái thùng đựng đầy sơn đen kịt, là một thuật ngữ dùng trong chốn thiền lâm để ví dụ cho vô minh dầy đặc, cứng chắc, khó phá trừ.

[10] Tham công án: cũng tức là tham thoại đầu.

[11] Thời gian của thánh nhân: tức là thời kì mà người ta tu hành chứng quả thánh rất dễ dàng, rất nhiều; có thể chỉ cho thời Phật tại thế, hoặc vài trăm năm sau ngày Phật nhập diệt.

[12] Hư Vân (1840-1959): Ngài họ Tiêu, tên Trai, pháp danh Cổ Nham, tự Đức Thanh, quê ở huyện Tương-lương, tỉnh Hồ-nam. Từ sau thời kì Dân-quốc, ngài đã một mình gánh vác trọng nhiệm truyền thừa của cả 5 phái Thiền tôngTào ĐộngLâm TếVân MônPháp NhãnQui Ngưỡng. Năm 19 tuổi ngài xuất gia với hòa thượng Thường Khai, chùa Dũng-tuyền, ở núi Cổ-sơn, tỉnh Phúc-kiến; năm sau ngài thọ giới cụ túc với hòa thượng Diệu Liên, cũng ở Cổ-sơn. Sau đó ngài trải bước khắp các danh sơn để tham phỏng học đạo. Hành tung của ngài biến khắp đó đây, nào Tứ-xuyên, Tây-khương, rồi ra các nước ngoài như Tây-tạng, Ấn-độ, Nam-dương, Miến-điện, v.v… Năm 43 tuổi ngài phát tâm triều bái (đi ba bước lạy một lạy) núi Ngũ-đài để đền báo thâm ân cha mẹKhởi hành từ am Pháp-hoa, núi Phổ-đà, ngài đi ròng rã 3 năm, chịu đủ điều đói lạnh, ba lần bị bệnh nặng tưởng chết, nhưng nhờ được đức Bồ-tát Văn Thù cảm ứng cứu độcuối cùng ngài đã tới được chùa Hiển-thông ở núi Ngũ-đài. Năm 56 tuổi, trong thời gian tham dự khóa tu nhập thiền thất tại chùa Cao-mân ở Giang-tô, một hôm, vì sơ ý làm rớt tách trà xuống đất, vừa nghe tiếng tách nước bể, ngài liền dứt hết căn nghi, triệt ngộ tự tánh. Năm 61 tuổi (1900) ngài về ẩn cư ở núi Chung-nam, đổi tên lại là Hư Vân, và lấy hiệu là Huyễn Du. Sau đó ngài lại lên đường du phương giảng kinh hoằng hóa, trong thời gian này, năm 68 tuổi, ngài cũng từng sang giảng kinh ở Thái-lan, Mã-lai. Từ năm 72 tuổi ngài đến giáo hóa ở Vân-nam, suốt 18 năm, đến năm 90 tuổi ngài mới trở về núi Cổ-sơn (Phúc-kiến), trụ trì và trùng tu chùa Dũng-tuyền, lập Phật học viện Cổ-sơn, đào tạo tăng tài. Năm 95 tuổi (1934) ngài xuống Quảng-đông, tu sửa chùa Nam-hoa, di tích của Lục tổ Tuệ Năng. Năm 105 tuổi (1944) ngài đi Triết-giang trùng tu tổ đình Vân-môn. Năm 110 tuổi (1949) ngài sang hoằng pháp ở Hương-cảng, rồi trở về lại Vân-môn; lúc đó đảng Cộng sản Trung-quốc đã làm chủ Hoa-lục. Mùa xuân năm 1951, lúc này ngài đã 112 tuổi, vẫn lãnh đạo tăng chúng cả ngàn người tu học tại đạo tràng Vân-môn. Buổi sáng ngày 20 tháng 2, hơn 100 công an cộng sản kéo lên núi bao vây chùa, rồi tấn công lục soát, cướp phá chùa. Ngài bị họ giam riêng một phòng, các vị đệ tử của ngài đều bị tra tấn, đánh đập tàn nhẫn; đệ tử lớn của ngài là thiền sư Diệu Vân đã bị đánh đến chết, một số bị gãy cả tay chân, một số bị bắt đem đi mất tích. Họ phá phách như vậy đến hơn 10 ngày, cuối cùng thì đến lượt ngài bị hành hungtra tấn, bắt phải chỉ chỗ giấu vàng bạctiền của quân nhu, vũ khí. Họ chửi rủa tục tằn, đánh ngài bằng cây gỗ, gậy sắt, đến nỗi bong gân gẫy xương, mắt tai mũi miệng đều tuôn máu; nhưng ở chùa thì làm gì có vàng bạc, quân nhu, vũ khí để chỉ! Cho nên ngài chỉ một mực niệm Phậtcho đến khi bất tỉnh nhân sự. Chẳng bao lâu bịnh phát, ngài bèn ngồi xếp bằng, nhịn ăn đến 9 ngày, thì thần trí phiêu diêu cõi Đâu-suất, được nghe đức Di Lặc giảng kinh. Cộng quân thấy sự việc diệu kì, đâm ra khiếp sợ, bèn qui phục. Từ đó không dám đến quấy phá ngài nữa. Mùa xuân năm 1952, bệnh tình đã thuyên giảm, chính quyền Bắc-kinh đã cử phái đoàn vào Vân-môn để mời ngài ra Bắc-kinh. Tại đây, ngài đã yêu cầu chính phủ ngưng các hành động đập phá chùa chiền, hủy hoại tượng Phật và kinh điển; hủy bỏ lệnh bắt tăng ni hoàn tụctài sản của tự viện phải để cho tăng chúng tự túc. Ngài cũng phản đối kịch liệt nhóm tăng sĩ cộng sản muốn hủy phá giới luật cùng thanh qui thiền viện. Giữa năm 1953, theo lệnh của chính quyền, ngài về núi Lô-sơn để tịnh dưỡng. Ở đây chỉ vài tháng, ngài lại đến núi Vân-cư ở Giang-tây để tu sửa chùa Chân-như, và cư trú luôn tại đây. Năm 1958, thấy ảnh hưởng của ngài quá lớn đối với Phật giáo toàn quốc, chính quyền cộng sản bèn bày trò đấu tố ngài. Họ phát động phong trào học tập cải tạo cho các đoàn thể tôn giáo. Họ kết tội này tội nọ cho các sư trụ trì các chùa Nam-hoa, Vân-môn, Vân-cư, để ép buộc các vị này phải đấu tố ngài, nhưng quí thầy vẫn bất khuất, không chịu thi hành mệnh lệnh của họ. Nhóm tăng sĩ cộng sản thì chính thức vu cáo cho ngài các tội nghiêm trọng như tham ô, phản động, đạo đức giảtruyền giới pháp sai lầm v.v… Ngài lại bị bắt giam ở một nơi kín đáo, mấy tháng mới được thả về chùa. Các vị đệ tử đắc lực của ngài đều bị bắt giam ở các trại cải tạo, rồi bị phân tán đi các nơi biệt tích. Năm 1959, lúc này ngài đã 120 tuổi, bệnh tình trở nặng, đến tháng 8 thì thị tịchtăng lạp 101 năm. Suốt một đời tu hành, ngài thực hành đủ các hạnh, như hiếu, nhẫn, tịnh, định, xả, bi, vô úybất phóng dật v.v… Gặp thời tao loạn, tông phong xuống thấp, đạo tràng bỏ phế, ngài đã phát nguyện chấn hưng các tòng lâm danh tiếng ở các nơi như chùa Hoa-hanh ở Vân-nam, chùa Nam-hoa ở Tào-khê, chùa Dũng-tuyền ở Phúc-kiến, chủa Vân-môn ở Quảng-đông, v.v… cả thảy đến hơn 80 tòng lâm. Ngài trước tác rất nhiều, nhưng đều bị mất hết trong “sự biến Vân-môn”. Người sau bèn góp nhặt những pháp ngữ, khai thị v.v… của ngài mà làm thành tập sách Hư Vân Hòa Thượng Pháp Vựng.

[13] Chữ “thật pháp” ở đây có nghĩa là những phương pháp hoặc nghi thức hành trì cụ thể mà mọi người có thể trông thấy rõ ràng, có qui định chung và thống nhất chấp hành.

[14] Tâm hành: tức là ý thức suy nghĩ, tính toán, phân biệt, so đo, phán đoán v.v…

[15] Mười sáu phép quán: tức 16 phép quán tưởng dành cho hành giả tu pháp môn Tịnh Độ, được nêu rõ trong kinh Quán Vô Lượng Thọ: 1) Quán tưởng ánh sáng mặt trời; 2) Quán tưởng nước; 3) Quán tưởng đất; 4) Quán tưởng cây báu; 5) Quán tưởng ao báu; 6) Quán tưởng lầu gác báu; 7) Quán tưởng tòa sen báu; 8) Quán tưởng hình tượng Phật, Bồ-tát; 9) Quán tưởng chân thân Phật A Di Đà; 10) Quán tưởng thân tướng Bồ-tát Quán Thế Âm; 11) Quán tưởng thân tướng Bồ-tát Đại Thế Chí; 12) Quán tưởng chính mình được vãng sinh; 13) Quán tưởng chung chân thân Phật, hóa thân Phật, thân lớn, thân nhỏ v.v…; 14) Quán tưởng vãng sinh bậc Thượng-phẩm; 15) Quán tưởng vãng sinh bậc Trung-phẩm; 16) Quán tưởng vãng sinh bậc Hạ-phẩm. (Xin xem kinh Quán Vô Lượng Thọ để được rõ ràng hơn.)

[16] Bồ-tát: Danh xưng Bồ-tát ở đây là chỉ cho những người đã thọ giới Bồ-tát; hoặc giả người Hoa cũng thường xưng người đối diện (tăng hay tục) là Bồ-tát để tỏ ý kính trọng.

[17] Ba tạng là tạng Kinh, tạng Luật và tạng Luận, là toàn bộ giáo điển của Phật giáoMười hai bộ tức mười hai bộ kinh, là 12 thể loại của toàn bộ kinh điển Phật dạy: 1) Khế kinh (Trường hàng): những lời dạy của đức Phật bằng văn xuôi, thường được gọi tổng quát là “KINH”. 2) Ứng tụng (Trùng tụng): những bài kệ tụng dùng để tóm tắt ý nghĩa của khế kinh, thường đặt ở sau và luôn luôn tương ứng với phần khế kinh3) Kí biệt (Thọ kí): lời Phật thọ kí cho các đệ tử sẽ thành Phật trong đời vị lai4) Phúng tụng (Cô khởi): một bài kinh Phật dạy toàn dùng kệ tụng để diễn đạt; nhưng không phải là những bài kệ tụng tóm tắt kinh văn “trường hàng” như thể loại “Trùng tụng” (số 2 ở trên). 5) Tự thuyết: Phật tự mở lời khai thị mà không đợi có người thỉnh cầu chỉ dạy. 6) Nhân duyên: nêu lên cái nhân duyên đưa đến trường hợp thuyết giáo của Phật – thường là phẩm “Tựa” ở đầu mỗi bộ kinh7) Thí dụ: những thí dụ Phật đưa ra trong lúc giảng thuyết để giúp thính chúng hiểu ý kinh dễ dàng hơn. 8) Bản sinh: các kiếp tu hành đời trước của Phật do chính Ngài thuật lại. 9) Bản sự: những hành vi cùng phẩm hạnh của chư vị Bồ-tát và thánh chúng đệ tử trong các kiếp trước do đức Phật thuật lại. 10) Phương quảng: kinh điển Phật nói có văn từ phong phúgiáo nghĩa sâu xa rộng lớn; đặc biệt chỉ cho kinh điển đại thừa11) Hi pháp (Vị tằng hữu): những sự việc ít có của Phật và chư vị đệ tử được ghi chép trong kinh. 12) Luận nghị: những lời nghị luận rành mạchrõ ràng của đức Phật nhằm giúp thính chúng hiểu rõ về thể tánh của vạn pháp.

[18] Quyền nghi và thật tướng: nói tắt là quyền và thật, là hai thuật ngữ Phật học“Quyền” nghĩa là phương tiện chỉ dùng trong nhất thời, tùy trường hợphoàn cảnh, đối tượng mà nói năng, hành động, xử sự cho được thích nghi, không cứ phải chấp nê theo một khuôn thức cứng ngắc, nhất định nào cả. “Thật” nghĩa là chân thậtchắc chắnrốt ráo cùng cực, vĩnh viễn không thay đổi; đó là mục đích thật sự phải đạt tới. Vậy, “quyền” đồng nghĩa với “phương tiện”; và “thật” đồng nghĩa với “cứu cánh”. Từ hai thuật ngữ này, trong Phật học đã phát sinh nhiều thuật ngữ liên hệ, như: quyền giáothật giáoquyền tríthật trív.v…

[19] Hóa thân: là một trong ba thân của Phật, cũng gọi là ứng thân, hay ứng hóa thân. Đó là thân tướng do Phật vì cảm ứng độ sinh mà hóa hiện ra.

[20] Tam muội: tức là định lực.

[21] Báo thân: là một trong ba thân của Phật. Đó là hiện thân chúng sinh của Phật, như thân người của đức Thích Ca Mâu Ni, có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, cũng chịu luật vô thường biến hoại với đầy đủ bốn tướng trạng sinh già bệnh chết.

[22] Pháp thân: là một trong ba thân của Phật. Đó là thân chân thật, thường trú, không sinh không diệt của Phật.

[23] Đệ nhất nghĩa: chân lí thâm diệu tuyệt đỉnh, không có gì hơn.

SHARE:

Trả lời