SỰ HOÀN THIỆN RỐT RÁO.

SHARE:

Chính vì cùng một mong muốn, một hành động – dù mỗi người làm việc trong lĩnh vực riêng, nghề nghiệp riêng của mình, cùng một tôn trọng con người và vì con người, mà xã hội có một sự đồng thuận tự nhiên, một thái độ cạnh tranh trong hòa hợp, một tinh thần đoàn kết tự nhiên. 

 

Lòng mong muốn người khác được hạnh phúc và tinh thần sẵn sàng làm việc cho sự tốt đẹp của người khác chứa đựng một động lực căn bản có các thành phần là tình thương đối với người khác (từ bi), sự hăng hái lạc quan vì hạnh phúc của người khác (hỷ), và sự buông xả về phần mình, ý thức chia sẻ đặt cơ sở trên sự bình đẳng giữa mình và người (xả).

– Làm cho mình và người khác tốt hơn, đẹp hơn, đúng hơn, và do đó hạnh phúc hơn, chính là hướng đi chung của nhân loại. Đó cũng là điều mà chúng ta gọi là tính người, hoặc, nói theo thuật ngữ Phật giáo, là bồ đề tâm. Nhưng mọi người thường hay quên điều đó, quên sứ mạng làm người của mình, cả khi ở một mình cũng như khi trong gia đình và trong xã hội.

– Tinh thần ” vì sự tiến bộ của người khác ” này là hướng tiến bộ chung của nhân loại, sự chia sẻ đồng cảm của nhân loại. Chúng ta thấy ngay tinh thần đó là lý do tồn tại của mọi lĩnh vực xã hội, nó định hướng mục đích của mỗi hoạt động, đồng thời tạo nên sự hài hòa, trong các lĩnh vực ấy: chính trị, kinh tế,,y học, văn học nghệ thuật, giáo dục… Tinh thần này là bản năng cần hoàn thiện của mỗi người.

– Dĩ nhiên, một người xác lập mong muốn người khác được hạnh phúc và làm việc vì hạnh phúc của những người khác thì người đó đã và đang có hạnh phúc. Và một xã hội có nhiều người như thế, một xã hội sống trong một tinh thần mạnh mẽ lạc quan như thế, xã hội đó phải là một xã hội tốt đẹp, đúng hướng và hạnh phúc. Một xã hội chia sẻ với nhau, chung sức với nhau để thực hiện một mong muốn, một việc làm tốt đẹp nhất mà con người có thể có trên cõi đời này, được Phật giáo gọi là một Tịnh độ ngay trong thế giới này.

– Chính vì cùng một mong muốn, một hành động – dù mỗi người làm việc trong lĩnh vực riêng, nghề nghiệp riêng của mình, cùng một tôn trọng con người và vì con người, mà xã hội có một sự đồng thuận tự nhiên, một thái độ cạnh tranh trong hòa hợp, một tinh thần đoàn kết tự nhiên.

– Chính từ một ý chí, một mong muốn, một việc làm thống nhất đó mà nảy sinh ra mọi điều tốt đẹp khác. Tất cả mọi sức mạnh tích cực, mọi cái tốt, cái đúng, cái đẹp của con người đều được phát huy. Khi những cái tích cực được phát huy thì những cái tiêu cực lần lần tiêu tan mất.

– Chẳng hạn như việc làm bố thí mà bây giờ chúng ta gọi là làm từ thiện. Chúng ta không chỉ đợi bão lụt mới đi cứu trợ. Chúng ta phải ngăn ngừa không cho lụt lớn, xả nước trong đập trước khi bão đến, trồng cây đầu nguồn từ nhiều năm trước. Chúng ta không chờ tai nạn đến mới lo tìm cách giúp đỡ. Chúng ta làm từ thiện trong mọi lúc.

– Có chức vụ trong công ty, chúng ta làm từ thiện bằng cách nâng đời sống vật chất và tinh thần công nhân lên, xem nhà ăn tập thể, phòng tắm, phòng vệ sinh, việc giải trí và học tập làm sao tốt hơn. Chúng ta làm từ thiện bằng cách không tiêu xài hoang phí. Chúng ta làm từ thiện với cả cây cối, thiên nhiên, nếu xe thải nhiều khói phải thay ống bô. Chúng ta làm từ thiện bằng cách tắt bớt điện không cần thiết,,từ thiện với nước ở trên nguồn. Chúng ta làm từ thiện ngay trong căn nhà của chúng ta, quét dọn sạch sẽ, giáo dục con cái…. Nghĩa là chúng ta có thể làm từ thiện bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào.

– Chính vì tính liên tục này mà bố thí (làm từ thiện) được gọi là bố thí Ba-la-mât. Ba- la- mật để chỉ sự trọn vẹn, hoàn hảo trong thời gian và không gian. Hãy thử sống một ngày trong tinh thần bố thí ấy, tinh thần từ thiện ấy, chúng ta sẽ thấy ngày ấy hạnh phúc như thế nào, tâm ta mở rộng như thế nào.

Trích từ: 
Tuyển tập những bài viết 
Tác giả: Nguyễn Thế Đăng.

SHARE:

Trả lời