TÂM BÌNH ĐẲNG

SHARE:

(Trong bài giảng này có ba mức độ mà một người tu phải thực hành: trước là kinh nghiệm qua, rồi sau đó lần lần sống được với kinh nghiệm đó.

Thứ nhất, phải thấy được tâm vô niệm, vô tâm hay tánh Không.

Thứ hai phải thấy tư tưởng, và tâm phân biệt khởi lên từ nguồn tâm vô niệm này (đang khi sanh tức vô sanh).

Thứ ba mọi hành nghiệp lành và dữ khởi từ tâm vô niệm cho nên nó bình đẳng như tâm vô niệm, dù nghiệp đó có quả báo tùy theo thiện hay ác cho người hành nghiệp.

Thấy như vậy, sống được với cái thấy đó, mới rốt ráo bình đẳng.

Mời các bạn đọc, chiêm nghiệm, và thực hành)

 

Bữa nay mình làm 24 tiếng về Tâm Bình Đẳng.

Mình thấy lâu nay mình vẫn nói về cái nền tảng, cái tánh Không, cái tánh Như, cái Như Lai Tạng, hoặc là bên Ấn Độ nói là cái ấy, ta là cái ấy. Tất cả những cái đó nói lên cái nền tảng của mình với tất cả các bậc giác ngộ, giữa mình với tất cả sự vật, đó là cái tính bình đẳng.

Chủ đề của mình là cái tâm bình đẳng đó.

Lâu nay mình nói về cái đó, và tu hành là để chứng ngộ được cái bản chất bình đẳng của tất cả mọi sự.

Mình thấy cái nền tảng, cái bản tánh của tất cả mọi sự là bình đẳng, nhưng mà trong cuộc sống của mình mình thấy nó không có bình đẳng, mình không nhìn ra cái tính bình đẳng đó, cho nên mình cứ phiền não miết. Phiền não, bởi vì mình không bình đẳng, mình không thể yên được, khi nào mình còn sự bất bình đẳng mình không yên được.

Tất cả những pháp môn của Phật giáo là để làm gì? Để mà mình đưa cái tâm phiền não, đưa cái tâm phân biệt của mình, trở về với cái bản tâm bình đẳng đó.

Bây giờ mình đặt vấn đề là tại sao mình không thấy được cái bình đẳng?

Cái gì làm cho cái bản tánh vốn như vậy mà nó thành không bình đẳng, cái gì?

 

Cái đó chính là tâm phân biệt của mình. Những ý tưởng của mình, ý tưởng này, ý tưởng nọ, càng nhiều ý tưởng chừng nào thì sự cắt lìa giữa mình với người khác, giữa mình với thiên nhiên, giữa mình với sự vật, nó càng rộng lớn thêm. Ý tưởng chính là cái phân biệt, chính là kẻ không còn cho mình thấy cái bình đẳng nguyên thủy nữa.

Mình tu hành là để trở về cái bản tánh bình đẳng đó nhưng mà mình cũng biết là chính những cái ý tưởng của mình: tôi anh, tôi với những sự vật này, tôi với thế giới này, tất cả những ý tưởng đó nó đều tạo ra cái không bình đẳng hết.

Nó cách lìa giữa mình với sự vật, giữa mình với thiên nhiên, giữa mình với người khác, và giữa mình với những bậc giác ngộ nữa, tất cả cũng là do cái ý tưởng phân biệt mà ra.

Thì sự tu hành của tất cả mọi đường lối, là làm sao về với cái tánh bình đẳng đó. Vượt qua được những cái ý tưởng phân biệt, những cái ý tưởng tạo ra sự mất bình đẳng, mình thấy rõ là những ý tưởng của mình tạo ra sự bất bình đẳng, chớ tất cả như trong kinh Duy Ma Cật mình tụng đó: Phật và Tu Bồ Đề cùng một tánh Như, và cùng với tất cả chúng sanh cùng một tánh Như, tánh Như đó là tánh bình đẳng, mà tại sao mình cứ thấy là bất bình đẳng?

Thì mình sẽ thấy sự bất bình đẳng của mình là do những ý tưởng tạo nên. Càng nhiều ý tưởng chừng nào sự bất bình đẳng nó càng nhiều chừng đó. Cho nên, khi tu hành mình muốn trở về cái nguồn bình đẳng đó, một phương pháp là Sa ma tha là mình dẹp những ý tưởng đó đi, để mà mình đi tới tận cội nguồn là bình đẳng, thành ra ngài thượng sĩ Huệ Trung ngài nói là: “Phật chúng sanh vốn cùng một mặt”, cùng một mặt thôi, cùng một khuôn mặt xưa nay, là một cái tánh bình đẳng đó thôi, nhưng mà tại sao nó phân biệt, càng ngày càng phân biệt. Là do ý tưởng của mình, ý tưởng là phân biệt rồi, nó phân biệt, phân biệt, càng ngày mình càng phân biệt nhiều chừng nào thì sự bất bình đẳng nó càng nhiều chừng đó.

 

Đây là một cách để mình thấy, mình tìm lại cái tánh bình đẳng đó. Bởi vì mình thấy những ý tưởng nó phát xuất từ đâu?

Nói đơn giản, những cái niệm của mình nó phát xuất từ đâu?

Nó phát xuất từ cái không có ý tưởng, từ vô niệm.

 

Vô niệm thì nó bình đẳng, còn những niệm của mình, ý tưởng của mình thì có sự bất bình đẳng. Mình chỉ cần nhìn cho rõ ý tưởng của mình, nó phát xuất từ cái không có ý tưởng. Những niệm của mình phát xuất từ cái vô niệm.

Không có niệm, thật ra nhìn cho kỹ thật tướng của từng niệm, từng ý tưởng, thì mình sẽ thấy từng niệm từng ý tưởng đó nó chính là không có tư tưởng, không có ý tưởng, không có niệm. Niệm chính là vô niệm. Và do đó, mình giải tan tất cả sự phân biệt của niệm, khi nào mình thấy niệm chính là vô niệm, thì lúc đó mình thấy ngay cái bình đẳng.

Mà khi mình nhìn cho kỹ để mình thấy niệm chính là vô niệm, cũng như hoa đốm giữa hư không, nó sinh ra mình thấy vậy đó, nhưng mà thiệt ra hoa đốm giữa hư không cũng chính là hư không.

 

Niệm chính là vô niệm, phân biệt, anh có phân biệt kiểu gì đi nữa thì nó vẫn là không phân biệt. Thì ngay lúc đó mình đạt tới cái bản tánh bình đẳng đó. Cái bản tánh bình đẳng nó vốn có.

Cái quan trọng nhất mình phải thấy vậy đó, mình phải bạch hóa nó, vô hiệu hóa cái phân biệt của cái niệm đi, mình nhìn cho kỹ thì cái niệm phát sanh từ vô niệm, cái ý tưởng phát sanh từ cái không có ý tưởng, mà cái không có ý tưởng đó nó luôn luôn hiện diện nơi tâm mình, nơi tâm tất cả mọi người. Chỉ có khi ý tưởng bắt đầu xuất hiện, khi đó mới có phân biệt ta người, phân biệt mình với sự vật, mình với ông này ông nọ. Cái này cái nọ, phân biệt đủ thứ, mà càng phân biệt chừng nào, càng chia tách chừng nào thì cái thế giới mình càng phân mãnh chừng đó, nó không có được y nguyên là một khối bình đẳng.

Cho nên vấn đề là mình phải nhìn cho rõ, là cái ý tưởng của mình, cái niệm của mình nó vô hại. Bởi vì nó là vô niệm, cái gốc của nó là vô niệm, nó là con cháu của gốc vô niệm cho nên nó vô niệm.

Trong kinh nói tất cả sắc là không, thọ tưởng hành thức đều là không. Tất cả những cái đó sinh ra từ tánh Không cho nên nó phải là tánh Không. Chẳng qua mình mê mờ mình tưởng nó là cái gì đó, cho nên mình mới lạc vào trong cái chốn vô minh như vậy.

Nó là tánh Không, cái gì sinh ra từ nền tảng tánh Không, nó là tánh Không. Thành ra niệm chính là vô niệm, nếu mình nhìn cho kỹ suy xét cho kỹ, mình thấy khi niệm chính là vô niệm, thì cái phân biệt của niệm, chính là cái vô phân biệt. Cái mà mình tạm thời giả tạm là bất bình đẳng đó, thật sự ra nó là bình đẳng, bởi vì cái gốc nó là gốc bình đẳng.

 

Thì như vậy, mình đã thấy được vấn đề chưa? Tất cả mọi ý tưởng đều là phân biệt và càng nhiều ý tưởng nhiều chừng nào, càng phân biệt nhiều chừng đó, nhưng mà mình lầm lẫn mình không biết cái ý tưởng, cái niệm nó phát xuất từ cái nền tảng vô niệm, cho nên cái niệm đó nó cũng vô hại, nó cũng vô niệm. Và khi mình thấy niệm chính là vô niệm, sắc chính là không, ngay lúc đó mình đạt tới cái tâm bình đẳng liền.

Và khi mình thấy được cái đó là mình chấm dứt cái vòng sanh tử này đi, vòng liên tục sanh tử này đi, bởi vì sanh tử chính là cái ý tưởng phân biệt của mình. Nó không phải chấm dứt ở đâu hết, chấm dứt ngay tại đây. Là mình thấy cái niệm của mình, cái ý tưởng của mình chính là cái vô niệm, cái không có ý tưởng, thì lúc đó mình chấm dứt liền, bởi vì sanh tử chỉ do ý tưởng mà ra thôi.

Nói theo chữ nghĩa đời xưa là: ba cõi đều do tâm, muôn pháp đều do thức. Mình chấm dứt sự phân biệt đó, thì vòng sanh tử nó chấm dứt, bởi vì sanh tử chỉ là sự phân biệt thôi.

Nhưng mà mình chấm dứt không phải là mình diệt cái niệm đó đi, bằng cách nhập định, thậm chí định tứ thiền để diệt niệm đi, mà mình chấm dứt bằng cách niệm vẫn khởi mà mình biết niệm đó chính là vô niệm. Ý tưởng vẫn khởi, nhưng ý tưởng đó là không ý tưởng, mình không thêm thắt ý nghĩa gì cho nó hết, mình không thêm phụ gia gì cho nó hết, thì ý tưởng chính là không có ý tưởng. Bởi vì nó sinh ra từ không có ý tưởng, niệm chính là vô niệm bởi vì niệm sanh ra từ vô niệm. Khi thấy niệm chính là vô niệm thì cái sanh tử chính là cái do niệm phân biệt mà sinh ra, thì sanh tử đó nó chấm dứt, và sanh tử đó nó trở lại cái khuôn mặt thật của nó chính là cái tâm bình đẳng, cái tánh bình đẳng.

Người xưa nói, như một bức tranh treo trên tường, nếu mình tới mình rờ nó thì nó phẳng lì nó bình đẳng. Nhưng do con mắt mình nó thấy: chiều sâu chiều cao, này nọ, mình mới thấy tôi thích cái cây này cao hơn cây kia, đủ thứ phân biệt. Nhưng thiệt ra bức tranh nó nằm trên một mặt phẳng, rờ vô phẳng lì hà. Cái sự phân biệt của mình cao thấp, chỗ này đen, chỗ kia trắng chẳng hạn, chẳng qua là cái ảo tưởng của mình thôi, còn thực chất bức tranh đó bình đẳng không cao thấp.

Mình tham thiền là tham làm sao để tương ưng với tâm bình đẳng đó, bởi vì nó vốn bình đẳng, nhưng mà mình vì lệch lạc, mình khởi niệm lên, niệm của mình là niệm phân biệt, rồi lần lần nó thành một cái nghiệp và mình tin niệm đó là nó thật, chớ thiệt ra niệm sinh ra từ vô niệm nó không có gì trong đó hết. Soi xét cho kỹ thì một cái niệm của mình nó không có gì trong đó hết. Nhưng mà mình chạy theo nó rồi mình sinh theo cái khác nữa, cứ sinh sôi nảy nở thì cái vòng thập nhị nhân duyên: vô minh sinh hành, hành sinh thức, thức sinh danh sắc… thật sự là nó rỗng không hết. Nó có sinh trời gì nó cũng rỗng không hết, bản chất của nó là rỗng không, nhưng mà mình tưởng là nó thật cho nên vô minh sinh hành, hành sinh thức, thức sinh ra danh sắc… rồi tất cả những cái đó mình cho là thật, mình cho nó là có tự tánh, chớ thật ra nó không có tự tánh, không có một niệm nào có tự tánh hết. Và khi mình nhìn ra được không có một niệm nào có tự tánh, không có sự phân biệt nào có tự tánh, thì lúc đó mình thấy ra cái mặt thật của sanh tử này là vô niệm, là bình đẳng. Bởi vì tất cả sanh tử đều vô tự tánh.

 

Rồi bây giờ thầy nói vậy rồi có ai hỏi hay phản biện gì không?

Mình có tin nổi là cái niệm của mình nó vốn là vô niệm, cũng như sóng nó vốn là đại dương thôi, không thể nào khác đại dương được, sắc thọ tưởng hành thức không thể khác Không được. Cái nền tảng là tánh Không, cho nên tất cả mọi cái từ tánh Không đó đều là không hết, đều là tánh Không hết.

Thành ra cái quan trọng của tu hành, mình phải nhìn cho ra mặt thật của ý tưởng của mình, mặt thật của cái niệm của mình, chớ mình không có vật lộn với nó. Khi mà mình vật lộn với niệm, là mình đã giả thiết nó thật rồi. Nó không thật! Không ai vật lộn trong một giấc mộng bao giờ hết. Không chuyện thằng cha nào trong giấc mộng, mình vật lộn với nó, thức dậy mình tháo mồ hôi mồ kê, tim đập thình thình.

Thiệt ra không phải vậy. Nó không thật, và rõ ràng mình thấy nó không thật vì nó sinh diệt liên tục, nếu nó thật thì nó ở miết đó chớ. Nó vô tự tánh, nó không thật cho nên nó phải sanh diệt liên tục, một cái ý tưởng mình giữ cùng lắm năm mười phút là nó bắt đầu nó nhảy qua cái khác, chứng tỏ là nó không thật, thành ra mình phải nhìn cho rõ, nhìn cho kỹ là: bản chất của cái tâm phân biệt của mình là không thật.

Cái tâm phân biệt, cái tâm bất bình đẳng đó nó sinh ra ở đâu? Nó sinh ra từ cái tâm bình đẳng, thật sự ra khi mình nhìn thấy như vậy, thì những cái niệm mình, những ý tưởng của mình nó bình đẳng với tất cả những ý tưởng của chúng sanh khác.

Bởi vì nó không có tự tánh, nó vốn là bình đẳng, cái ý tưởng của mình nó bình đẳng với tất cả ý tưởng của chúng sanh khác, bất kể là thiện hay ác, nó bình đẳng, vì sao? Vì bản chất của nó sinh từ cái tâm bình đẳng, bản chất của nó sinh ra từ nền tảng tánh Không, tánh như, gì gì đó… cho nên nó bình đẳng.

Anh nào nghĩ ác thì anh đó sẽ chịu nghiệp ác, cái quả ác, nhưng mà cái ý tưởng của mình dù thiện trời gì đi nữa nó cũng đồng một dạng, đồng một chất với ý tưởng của một anh sát nhân nào đó thôi.

Nên nhớ như vậy.

 

Bởi vì tất cả các sóng nó khác nhau, phải hông? Sóng tôi khác, sóng mấy vị khác, sóng mấy anh ăn trộm ăn cướp gì ngoài đó khác, nhưng mà nó cùng một bản chất là nước của đại dương hết.

Cho nên đó là sự không phân biệt rốt ráo.

Và với một sự phân biệt rốt ráo đó thì: sanh tử tức Niết bàn.

 

Mình cứ lầm là cái sự phân biệt của mình nó tinh vi, nó bắt đầu, nó dần dần, mình tưởng mình khác với một thằng cha tội lỗi nào ngoài đó. Không phải đâu! Cái ý tưởng của anh tội lỗi, với ý tưởng của ông thánh nào đó chẳng hạn, nó vẫn là một ý tưởng, nó phát sanh ra từ một cái không ý tưởng, từ cái vô niệm.

Anh kia anh nghĩ tới chuyện giết người thì anh lãnh cái quả giết người, nhưng mà tôi nghĩ tới chuyện Phật Thánh gì đó, hai cái đó nó giống nhau, bởi vì nó cùng sinh từ một đại dương vô niệm hết. Và do đó không còn một phân biệt nào nữa hết. Nên nhớ, mình thánh mà người ta phàm, là mình vẫn còn phân biệt trong đó. Mình cứ tưởng tư tưởng của mình là độc xác riêng của mình thôi, nó không cùng một bản chất với cái thằng cha bậy nào ngoài kia, thằng cha bậy ngoài kia nó sinh ra những tư tưởng như vậy, nó sinh ra những hành động như vậy, đó là chuyện của nó, và cái nghiệp của nó nó phải chịu, nhưng mà bản chất tư tưởng của nó với bản chất tư tưởng thánh của tôi nó đồng một bản chất. Đồng một tâm bình đẳng.

Khi mà anh thấy rõ ràng như vậy, và anh tu hành thật sự như vậy, thì lúc đó, sanh tử là Niết bàn là một.

Chớ đừng có tưởng Niết bàn sao mà nó giết nhau ngoài đó, ngày hôm nay có biết bao tai nạn xe cộ gì đó đủ thứ chuyện tùm lum, mở tờ báo ra là thấy hết hồn hết vía. Nó vẫn bình đẳng trong Niết bàn! Nghiệp anh nào anh đó chịu, nhưng nó đồng một bản tánh, hiểu hông? Ví dụ như khi thầy nói tất cả là vàng, thành ra vàng tui xây tui làm tượng Phật bằng vàng, đó là cái nghiệp của tui, còn anh đó anh dùng vàng anh làm cây dao giết người đó là chuyện của anh. Nhưng mà nó vẫn từ vàng. Như vậy thì, lúc đó mình mới giải thoát được khỏi sanh tử, chớ còn mình nói mình ở Niết bàn mình ở cái tâm bình đẳng, mà mình còn thấy ai đó thế này thế nọ, tâm mình đâu có bình đẳng. Thành ra cái bình đẳng tuyệt đối là vậy, nghiệp cá nhân làm thì cá nhân đó chịu. Nhưng nên nhớ, nghiệp nào nhìn cho kỹ nó đều phát sanh từ vô nghiệp hết.

Cái ý tưởng nào, cái niệm nào cũng đều phát sanh từ vô niệm hết. Cho nên nó bình đẳng, Pa- Gat- Hy-Ta nói, một người đạt tới bình đẳng đó rồi thì ngay cả một vị guru với một con chó, họ xem giống nhau. Nó bình đẳng rốt ráo, bởi vì nó từ một nền tảng sanh ra thôi. Nó cùng một nền tảng sanh ra cho nên nó bình đẳng, còn cái chuyện ông sanh ra kiểu nào đó là nghiệp của ông, ông muốn sanh kiểu nào ông sanh chớ. Nhưng mà nó bình đẳng với nhau, bởi vì nó cùng một nền tảng, cũng như bây giờ điện chẳng hạn, nó bình đẳng, chỗ nào mình lấy cũng có điện, còn anh muốn dùng điện để tra tấn người ta là chuyện của anh, tui điện để đọc sách tụng kinh là chuyện của tôi. Nhưng mà điện đó bình đẳng.

Người mà đạt tới cái tâm bình đẳng đó, thì nó thấy nghiệp chúng sanh bình đẳng. Dầu trên cái chân lý tương đối, anh nào làm cái gì anh đó bị cái đó, nhưng mà nghiệp phải bình đẳng. Nghiệp nó cũng không phân biệt ông này nghiệp thánh mà ông kia nghiệp phàm, nếu còn phân biệt nghiệp thánh đây, nghiệp phàm kia thì sanh tử và Niết bàn nó vẫn còn chia đôi.

Bởi vậy trong kinh có nói rất rõ ràng: “Tất cả các pháp tánh tướng đều thanh tịnh”, nó thanh tịnh, và cái nhìn của một cái bậc như trong kinh Pháp Hoa là: cái thấy biết của Phật, là thấy biết đều phải thanh tịnh.

Chính vì thấy tất cả thanh tịnh cho nên trong kinh Kim Cương mới nói: “Cứu độ tất cả chúng sanh mà không thấy chúng sanh nào được cứu độ”. Còn thấy nó dơ bẩn thiệt, mình cứu độ thì không phải.

Đồng Hòa

Kính ghi

SHARE:

Trả lời