ỨNG DỤNG CỦA NỀN TẢNG TÁNH KHÔNG

SHARE:

Nền tảng nó trùm khắp hết, cho nên tất cả những sinh hoạt của đời sống này nó nằm trong nền tảng và nó có thể dẫn mình trực tiếp từ chỗ của mình thẳng tới nền tảng, nó không bỏ cái gì hết. Thành ra giới trẻ bây giờ nói tới giá trị sống như bài Trung Thực là nói đến một trong mười đức tính được đề nghị đó, nên nhớ là trung thực đó nó phải phát xuất từ nền tảng, thầy đã nói rất nhiều lần cái chữ Ba la mật đó nó nói đến cái nền tảng tánh Không.

 

ỨNG DỤNG CỦA NỀN TẢNG

Thực tướng của tất cả các pháp: kể cả thế gian và xuất thế gian nó đều là thật tướng, cho nên nền tảng nó là một điểm rất quan trọng của Đại thừa, mình phải thấy tất cả những việc làm của mình, tất cả những nghề nghiệp của mình đều lưu xuất từ cái nền tảng đó, tức là cái thật tướng của tất cả các pháp.

Thành ra trong kinh Pháp Hoa có một đoạn nói là: “Tư sanh sự nghiệp đều là thật tướng”. Tất cả công ăn việc làm, kể cả như mình có một nghề gì đó mình đi sinh sống bằng cách nào đó mỗi người tùy theo cách của họ. Nếu như mình biết tất cả những cái đó nó đều lưu xuất từ cái nền tảng mình càng làm nghề nghiệp bao nhiêu thì mình càng tương ưng với nền tảng chừng đó. Thành ra trong kinh tụng hằng ngày có nói: “Xứng tánh tác Phật sự”. Bất kỳ việc làm nào của mình mà xứng với cái tánh đó, tương ưng với cái pháp tánh đó thì cái nghề nghiệp đó, việc làm đó đều là Phật sự, đều là công việc Phật pháp hết. Cho nên cái nền tảng đó nó rất quan trọng, bởi vì nó có thể nhiếp mọi ngành nghề của thế gian này vô trong cái nền tảng đó hết. Nghề nghiệp của mình khi mình thấy rõ nó lưu xuất từ Phật tánh, thì như hồi nãy thầy có nói là: dỡ chân lên, hạ chân xuống nó đều phát xuất từ đạo tràng nền tảng đó hết, như vậy nó không phân đôi ra. Không phân đôi là tôi đi làm nghề của tôi là một chuyện khác, còn chuyện tu hành là một chuyện khác. Nếu cái nghề nghiệp của tôi, tôi luôn luôn tìm cách tương ưng với cái nền tảng thì nghề nghiệp tôi vẫn là Phật sự.

Thành ra cái đó rất quan trọng, khi mà mình nói là tất cả mọi cái gì của thế gian này, tất cả mọi pháp môn, tất cả cái gì đó đều phải lưu xuất từ cái nền tảng đó hết. Ví dụ sáng nay trên trang đó có đăng một bài “Trung Thực” gì đó, thì trung thực là một trong mười ba la mật của Phật giáo, trung thực là chân thật Ba la mật đó, mà mình phải thấy rõ hơn nữa cái trung thực đó nó xuất phát từ nền tảng, vì thầy hay nói Ba la mật đó là nền tảng tánh Không, thành ra nếu như mình trung thực thì mình tương ưng với nền tảng. Cho nên nó mới cải tạo thế gian được, chớ không phải nền tảng chỉ có trong buổi đầu tháng thảo luận, bữa thứ nhì là bữa Bát quan trai, bữa thứ ba là bữa này, không phải nó chỉ nằm trong đó thôi, mà nó nằm trong tất cả mọi sinh hoạt của đời sống và cả nghề nghiệp của mình nữa.

Mình phải thấy được tất cả các đức tính có được của một con người đều xuất phát từ nền tảng, khi mà mình thấy được như vậy thì những đức tính đó nó sẽ được tu bổ lần lần, để cho đến một ngày nào đó nó trở thành đức tính của một vị Phật. Không bỏ đức tính nào hết, cho nên trong kinh điển có nói: đức Phật muôn hạnh muôn đức là vậy.

Nền tảng nó trùm khắp hết, cho nên tất cả những sinh hoạt của đời sống này nó nằm trong nền tảng và nó có thể dẫn mình trực tiếp từ chỗ của mình thẳng tới nền tảng, nó không bỏ cái gì hết. Thành ra giới trẻ bây giờ nói tới giá trị sống như bài Trung Thực là nói đến một trong mười đức tính được đề nghị đó, nên nhớ là trung thực đó nó phải phát xuất từ nền tảng, thầy đã nói rất nhiều lần cái chữ Ba la mật đó nó nói đến cái nền tảng tánh Không. Phát xuất từ nền tảng cho nên với sự trung thực người ta có thể tương ưng với nền tảng, chớ không phải chỉ có thiền định, bằng cớ là trong Đại thừa gom lại gồm sáu Ba la mật đâu phải thiền định mới là Ba la mật đâu, mà bố thí cũng là Ba la mật. Đức hạnh bố thí người ta có thể trực tiếp tương ưng với tánh Không đó, cho nên mới gọi là bố thí Ba la mật. Trì giới cũng có thể tương ưng với nền tảng đó. Tinh tấn cũng vậy, thành ra Thiền định chỉ là một trong sáu Ba la mật thôi.

Tính theo mười Ba la mật là gồm có cả trung thực Ba la mật, quyết định Ba la mật, từ Ba la mật… tất cả những Ba la mật đó nó đều phát xuất từ nền tảng và nó đưa người ta trở lại nền tảng. Cho nên đối với Đại thừa, nó không bỏ một pháp môn nào hết, không bỏ một nghề nghiệp nào hết, không bỏ một cách hành động nào hết; và nó trùm tất cả Bát chánh đạo, chánh đó chính là cái nền tảng, làm mà ở nơi nền tảng và nó đưa lại nền tảng thì đó là chánh. Chánh đó là nó trùm tất cả thân khẩu ý của một con người, chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, nó trùm hết thân khẩu ý của cả con người có nghĩa là trùm hết tất cả mọi đời sống này. Dầu anh có làm chánh trị anh chánh kiến chánh tư duy… thì anh cũng tương ưng với nền tảng thôi. Chớ đạo Phật đâu phải cấm làm cái này, cấm làm cái kia đâu. Không cấm cái gì hết, cái gì làm chánh thì nó sẽ tương ưng với nền tảng. Bởi vì tất cả những cái đó nó đều phát xuất từ nền tảng hết. Tất cả những chánh kiến, chánh tư duy.., nó đều phát xuất từ cái nền tảng đó hết, và nó đưa người ta trở lại nền tảng.

Cho nên nếu như mình khéo léo thì trong việc kiếm tiền của mình, xin lỗi nói ra cũng hơi thô. Trong nghề nghiệp kiếm tiền nuôi sống mình, nó vẫn đưa người ta tới cái nền tảng. Do đó mình sẽ thấy tất cả những vị Bồ tát tượng trưng với tất cả mọi sự của mình, thí dụ đức Dược Sư là ông thầy thuốc chớ có gì đâu. Nhờ nếm các vị thuốc mà đưa trở lại nền tảng. Và trong kinh Lăng Nghiêm có Trì Địa Bồ tát, là Bồ tát chuyên làm đường đi cho mọi người, làm đường cũng trở về nền tảng.

Thành ra bất kỳ cái gì của thế gian đều xuất phát từ nền tảng hết, đó là quan điểm của Đại thừa. Quan điểm cao nhất như Đại Toàn Thiện, như Thiền, như Đại Ấn, trong kinh Pháp Hoa nói: “Tư sanh sự nghiệp” là sự nghiệp sống của mình đều là thực tướng. Chính Nhật Bản lấy câu đó ra để nó làm ra cả nước Nhật là vậy. Họ quan niệm khoa học kỹ thuật gì đó không nằm ngoài thật tướng, nó biểu lộ cái thật tướng đó ra, cho nên họ không từ bỏ những cái đó.

Hồi đó một vị thủ tướng Nhật có nói Việt Nam và Nhật Bản giống nhau là: ăn cơm bằng đũa và đi theo con đường Đại thừa. Chính Nhật Bản họ mạnh như hôm nay là nhờ họ áp dụng tất cả những cái của Đại thừa, như có thiền trong nghệ thuật bắn cung, thiền trong nghệ thuật cắm hoa, thiền trong bon sai… quan điểm của Đại thừa là tất cả những cái đó nó đều biểu lộ từ nền tảng hết. Nó quan niệm sanh tử này là sự biểu lộ của Niết bàn thôi chớ không có gì hết, mà trong biểu lộ đó mình sử dụng sai đi thì mình rớt xuống những cõi xấu ác vậy thôi, còn ai khôn ngoan thì dùng cái đó để trở lại. Ví dụ như nó đâu có từ chối sắc, sắc là vật chất đó, bởi vì sắc nó mới nói lên tánh Không được. Chớ tánh Không mà không có sắc lấy đâu mà biểu lộ, làm sao chỉ ra bây giờ? Tánh Không là vô tự tánh nhờ tới sắc nó mới biểu lộ ra được, chớ không có cái này không có sắc thọ tưởng hành thức, cũng không biết sao mà tu hết.

Ngay cả anh tu về bên Nguyên thủy là thân thọ tâm pháp, anh chánh niệm trên thân thọ tâm pháp là Tứ Niệm Xứ Vipassana đó, thì cũng phải nhờ thân thọ tâm pháp, đó là những cái thứ vô thường này để mà anh trở lại Niết bàn; cho nên cái nhìn của Đại thừa, cái nhìn nền tảng đó nó toàn vẹn nó không có bỏ cái gì; do đó cuộc đời của một hành giả, cuộc đời của người tu hành, anh không thể ra khỏi thế gian được, vì thế gian này nó là sự biểu lộ của nền tảng; thành ra tu học là làm sao thấy được cái sự biểu lộ đó, chớ không phải bắt anh là phải như thế này thế nọ.

Không phải bắt anh bỏ công ăn việc làm anh qua đây anh ngồi thiền, kinh điển Đại thừa là vậy, Đại thừa con đường nó rộng mênh mông, thứ gì nó cũng tiếp cận được, bởi vậy Duy Thức nói chuyển thức thành trí. Bất kỳ cái gì, sắc thọ tưởng hành thức, nó đều chuyển lại thành trí được hết, thì đó là con đường Đại thừa, con đường dựa trên nền tảng đặt trên cái nền tảng đó.

Thành ra có nhiều người họ nghĩ, Phật giáo là ở đâu đâu, còn ở đây là đức Phật ép người ta tu, chớ thật ra họ không hiểu chữ xuất gia, xuất thế, họ hiểu sai.

Chính cái xuất thế là nó trùm cái thế gian, xuất thế gian là trùm thế gian, chớ không phải xuất thế là bỏ thế gian. Thành ra những cái như vậy cho nên mỗi đức tính đều làm cho người ta tương ưng với nền tảng, đều có thể làm cho người ta sống được trong cái nền tảng.

Do đó Đại thừa dùng tất cả những gì mà chúng ta đang có. Như lòng sùng mộ chẳng hạn, nó dùng sự tập trung nghĩa là định mà còn dùng cả huệ, nghĩa là nó dùng cả hai bán cầu não phải và trái, gọi là chỉ số thông minh và chỉ số cảm xúc đó. Chỉ số cảm xúc Đại thừa nó dùng rất nhiều, nó dùng nguyện đó, cái nguyện nó nằm trong cảm xúc, cái từ bi tất cả nó nằm trong cảm xúc hết. Cho nên Đại thừa nó trùm hết nó dùng tất cả những cái đó để đưa người ta trở lại nền tảng. Vì vậy nó không bỏ cái gì hết, nên nhớ người nào trí tuệ mà cảm xúc yếu thì người đó cũng khó thành công, vì cái mà nó gọi là chỉ số cảm xúc đó, hồi đại chiến thứ hai Mỹ nó khám phá ra chỉ số thông minh để nó xét đoán nhằm đưa những quân nhân lên sĩ quan hay gì đó, bởi vì lúc đó ai cũng động viên đi lính hết.

Sau này có những người nhìn thấy tại sao ở Harvard chẳng hạn, hai chục ông đứng đầu Harvard rất thông minh, nhưng mà mấy ông đó không bao giờ lên tổng thống được, nó coi lại té ra chỉ số thông minh không đủ. Một bán cầu không đủ mà phải cộng cảm xúc nữa, và những nhà làm chức cao cảm xúc họ mạnh lắm. Cũng giống như Phật giáo hai động cơ, không phải chỉ trí huệ không thôi mà còn có cả từ bi nữa, hai động cơ đó nó đi mới đầy đủ, thành ra cái chỉ số cảm xúc nó rất quan trọng.

Người ta bây giờ không biết, ví dụ Phật giáo Đại thừa nó dùng rất nhiều, thí dụ như nguyện là một cảm xúc, một ngày mình nguyện biết bao nhiêu, thật ra chữ nguyện chỉ là mong ước vậy thôi, bởi vậy nó kêu là nguyện vọng, nguyện vọng là mong ước vậy thôi. Không có cái gì thật ở trong này, nó đi từ cảm xúc, rồi phát Bồ đề tâm hay là từ bi hay cái gì đó… nó đều từ cảm xúc hết. Để từ những cảm xúc đó mình sẽ đi tới nền tảng, là mình đi toàn bộ con người mình, con người mình không phải có trí tuệ không thôi, mà có cảm xúc nữa. Ví dụ mình lên mình sám hối mình lễ lạy, trong đó cảm xúc nhiều chớ trí huệ ít lắm.

Rất nhiều pháp môn Đại thừa đều dựa trên cảm xúc, lòng sùng mộ đối với Phật giáo, lòng sùng mộ đối với một bậc guru, đều là cảm xúc hết.

Thành ra sở dĩ người ta dùng chữ Đại thừa là nó đi toàn bộ. Như hồi nãy thầy nói Mật thừa nói: anh rớt trên đất thì anh phải dùng đất mà đứng dậy, mà không phải dùng đất là dùng một cái thôi đâu mà phải dùng tất cả mọi con người mình, thành ra Đại thừa nó khai thác tất cả những tiềm năng của người ta hết, chớ không phải chỉ có thiền định thôi đâu. Thiền định chỉ một trong sáu Ba la mật thôi, một trong mười Ba la mật thôi. Ví dụ cái chân thật Ba la mật chẳng hạn, bây giờ dùng là trung thực, nó có thể đưa mình tới cái nền tảng đó, bởi vì trung thực là chánh ngữ, một trong Bát chánh đạo. Thành ra Đại thừa mà mình nói nền tảng là nó thu nhiếp mọi loại, và nó thu nhiếp toàn bộ cuộc đời của mình, nó thu nhiếp không phải một mặt là trí huệ thôi đâu, mà nó còn có cảm xúc nữa. Mình sẽ thấy rất nhiều cái, ví dụ như là, thầy đọc thầy ngạc nhiên là toàn bộ bộ kinh Bát Nhã nói toàn trí huệ tánh Không, nhưng mà cái vị đi cầu tìm trí huệ Bát Nhã đó, trong chương Thường Đề Bồ Tát, nghĩa là Bồ tát Thường Đề là hay khóc thôi chớ không có gì hết. Ông đi tìm cái đó mà ông khóc lóc, ông làm kinh khủng lắm, ông đi tìm trí huệ nhưng mà ông đi tìm bằng cảm xúc nhiều lắm, ông không có cái gì để cúng dường, ông đi ra ngoài chợ ông bán thân, người nào mua tôi tôi hầu hạ suốt đời để tôi có số tiền tôi cúng dường vị kia.

Thành ra một người đi tìm trí huệ mình tưởng là khô khan lắm nhưng mà đầy cảm xúc, người ta không để ý chuyện đó, tại sao một người đầy trí huệ Ba la mật tánh Không lại là một người đầy cảm xúc như ngài Thường Đề? Như hồi nãy thầy nói ngài Huệ Năng ngài nói toàn trí huệ, nhưng trong đời sống mình thấy ngài rất nhiều cảm xúc rất nhiều từ bi. Người đã tới chặt đầu mình không thành công, anh đi đâu mười mấy năm mà khi gặp lại câu đầu tiên ngài lại nói: tại sao ngươi tới trễ như vậy, ta đợi ngươi đã lâu rồi. Ngài rất là từ bi.

Thành ra Đại thừa là gì? Là trí huệ và từ bi. Cho nên mình để ý như đức Đạt Lai Lạt Ma ngài ít khi nói đến trí huệ, con người ngài con người từ bi là nhiều, chính cái từ bi đó nó nói lên đặc trưng của ngài, khi ngài giảng về trí huệ tánh Không là ngài giảng, nhưng mà con người ngài là con người từ bi, bởi vậy cho nên người ta mới nói ngài là đức Quán Thế Âm hóa thân là vậy. Cho nên mình thấy chính từ bi là động lực của một vị Bồ tát. Chớ không phải trí huệ đâu. Và mình để ý coi các vị Bồ tát động lực xuất phát từ cảm xúc không hà, như đức Quán Thế Âm, hay đức Địa Tạng ngày xưa chỉ là một cô gái nào đó thôi. Trong vô số kiếp trước mẹ cô mất không biết rớt đi đâu. Cô khóc lóc, cô mới đi gặp vị Phật gì đó, cô mới phát nguyện lên, sau này đức Địa Tạng cũng vậy, họ phát khởi từ những cảm xúc thôi.

Nên nhớ từ cái nền tảng đó nó xuất phát ra mười Ba la mật lận, và mười Ba la mật đó nó sẽ đưa mình trở lại nền tảng. Cho nên có nhiều ba la mật càng tốt, bên Nam tông giải thích tại sao người này nhanh người kia chậm vì người này đầy đủ Ba la mật hơn người kia.

Đạo Phật là trí huệ và công đức, cái Ba la mật nó nghiên về công đức nhiều hơn. Chỉ có một mình trí huệ còn bao nhiêu cái kia là công đức hết. Thì một vị Phật là Lưỡng Túc Tôn là hai cái đầy đủ, một là trí huệ thứ hai là công đức.

Mình coi cuộc đời của đức Phật cái công đức của ngài rất lớn, ngài sinh ra nó thuận lợi đủ mọi điều, mình người thường để cho nổi tiếng mà người ta biết tới mình thì mất nữa đời rồi. Đức Phật cái công đức có sẵn, ngài sanh ra là nổi tiếng rồi, và ngài giác ngộ thôi là ai cũng theo hết.

Tại sao dùng cái chữ Đại thừa, Đại là lớn, áp dụng tất cả những cái đó, Mật thừa cũng vậy, nó áp dụng tất cả những cái đó, trong quan niệm của Đại thừa, của Mật thừa, là mọi người đều bình đẳng, nói theo ngôn ngữ của Mỹ là mọi người đều bình đẳng trước những cơ hội. Thật sự mình cũng luôn luôn bình đẳng trước những cơ hội tu hành bởi vì có ai thiếu đất nước lửa gió hông? Có ai thiếu mắt tai mũi lưỡi thân ý hông? Hông ai thiếu hết, ai cũng đều có đủ hết, mình bình đẳng với tất cả cơ hội tu hành, chẳng qua mình không chịu tu thôi, chớ mình không thiếu gì so với bậc thánh.

Thành ra học tập này để lên tới giải thoát giác ngộ, cái học tập này mình không thiếu một tài liệu nào hết. tôi có thể thua GDP, nhưng mà cái tài liệu của tôi không thiếu.

Ở đời có thể có đại học này hơn đại học kia, nhưng trong này mình phải trách mình không chịu thực hành để thành tựu chớ đừng trách mình thiếu tài liệu. Cái Như Lai Tạng, cái nền tảng đó nó biểu lộ trong mắt tai mũi lưỡi thân ý, nó biểu lộ hết, chuyện thấy nó là chuyện của mình thôi chớ đừng nói tôi thiếu tài liệu.

Nếu mình không biết việc này, mình xài phí cuộc đời mình uổng, bởi vì mình phân chia một bên là cuộc đời cơm ăn áo mặc, một bên là tu hành, trong khi trong Phật giáo Đại thừa hay nói là bất nhị, bất nhị, cái gì cũng bất nhị hết; mà mình phân chia như vậy là uổng cuộc đời mình thôi.

Thành ra cái chánh kiến rất là quan trọng, mình phải thấy cái chuyện này mà mình đừng có phân đôi cuộc đời mình ra. Thì giờ tu là khác, thì giờ làm việc kiếm tiền là khác. Không phải. Nó chỉ cùng nằm trên một đạo tràng thôi chớ không có hai đạo tràng đâu. Chẳng qua mình không thấy cái đó cho nên mình phí cuộc đời mình, chẳng qua mình không biết cái đó cho nên mình phí cuộc đời mình đi. Mình cho là tu hành là chuyện riêng, còn chuyện lập gia đình chuyện vợ con là chuyện riêng, chẳng qua là anh có tài liệu mà anh không biết học thôi.

Nên nhớ vậy đó, bởi vì anh không biết học thôi chớ không có cái nào tốt hơn cái nào hết.

Đồng Hòa

Kính ghi

SHARE:

Trả lời