NHỮNG QUÁN ĐẢNH CỦA HÀNH PHÁP MẬT TÔNG

SHARE:

QUÁN ĐẢNH HAY WANG (Tạng, dBang, Phạn, abhisheka) là sự nhập môn để trao truyền hay đánh thức trí tuệ mật truyền, năng lực hay nhận biết trong tâm của đệ tử. Giới luật (Tạng, Dam Tshig; Phạn, samaya) là sự rèn luyện để tuân thủ giới luật của mật tông. Tiếp nhận quán đảnh và tuân thủ giới luật là điều kiện tiên quyết của rèn luyện Phật giáo mật tông, bao gồm thực hành Ngondro. Nhận được quán đảnh và trì giữ giới luật là sự tạo ra kết quả của mật tông, thế lực gieo trồng chủng tử nhận biết toàn giác của Phật quả. Chúng hình thành con đường mật tông, trên đó chúng ta tiến đến sự thành tựu về hợp nhất cực lạc và tánh Không. Chúng là kết quả của tinh hoa tỉnh giác, (hoặc niềm tin chắc chắn), và các phẩm tính Phật.

 

Người ta có thể cảm thấy khái niệm quán đảnh và samaya là rất khác với giới luật của đạo Phật hiển tông, nhưng thật ra lại không khác. Trong giáo lý Phật giáo hiển tông chúng ta nói về giới luật và nghiệp. Nghiệp là gì? Nó là một chuỗi hay tiến trình của nhân quả. Ngoài ra, chúng ta nói về lý duyên sinh, tiến trình mà mọi sự hoạt động qua những nguyên nhân và điều kiện. Quán đảnh và giới luật đặt nền tảng trên cùng nguyên lý. Khi bạn nhận được trao truyền năng lực và nhận biết mật tông qua quán đảnh, điều đó đóng vai trò như nguyên nhân, và nếu bảo tồn trao truyền đó bằng việc duy trì giới luật, bạn sẽ đạt được mục đích như kết quả của nó. Do vậy, nó là nghiệp kết quả. Đây  không phải là điều gì đó dựa trên một nguyên lý khác, mà nó có một đặc tính khác. Trong Phật giáo phổ thông, nghiệp và lý duyên sinh, tiến trình của thực hành tâm linh và kết quả, giống như tiến trình tăng trưởng của một cây. Cây là dòng truyền, nó có kết quả, nó phát triển qua một tiến trình, nhưng hoạt động của nó ít hùng mạnh, nó tăng trưởng chậm hơn, ít tiềm năng, và cũng ít nguy hiểm hơn. Nhưng quán đảnh và giới luật thì giống như điện lực. Tiến trình nhanh hơn, nhiều năng lực, năng lượng, và mau chóng hơn và cũng có thể nhiều nguy hiểm hơn.

 

Từ ngữ quán đảnh cũng có thể phiên dịch là “lễ nhập môn”. Nhận quán đảnh là sự tiếp nhận của mật tông, hay mật truyền, sự trao truyền của Phật giáo từ một vị kim cương sư, và đó là lối vào của con đường tu hành mật tông. Nó cũng là trí tuệ tỉnh giác và năng lực trí tuệ mà mỗi người đều có sẵn, giống như bật công tắc đèn. Để hoàn tất con đường mật tông và viên mãn trí tuệ tỉnh giác, điều cốt lõi để duy trì sự liên tục của năng lực trao truyền là tuân thủ giới luật.

 

Một người có trí thông minh cao với đầy đủ khả năng được nhập môn vào tu hành mật tông của Phật giáo bằng cách tiếp nhận quán đảnh. Sau đó việc nhập môn duy trì và hoàn thiện sự tu hành mật tông bằng sự cống hiến toàn bộ cuộc đời, tâm trí, nhận thức của họ qua con đường tâm linh thiện xảo nhất của việc giữ giới luật. Theo Phật giáo Tây Tạng, đó là phương tiện thiện xảo và nhanh chóng nhất để đạt Phật quả.

 

Tu hành mật tông là một thực hành chuyển hóa. Ở đây, việc hiểu ý nghĩa của sự chuyển hóa là điều quan trọng. Nếu không, nhất là trong tantra nội, giống như sự chuyển sắt thành vàng, chuyển xấu thành tốt; nó là sự chuyển hóa hiện tượng hiện hữu thành thật tánh của nó như nó là. Khi bạn nhận quán đảnh và tuân thủ giới luật, thì điều gì sẽ chuyển hóa? Những che ám của nhận thức và cảm xúc phiền não sẽ được tẩy sạch, và tâm giác ngộ của bạn sẽ tỏa sáng bằng việc nhận ra bạn thực sự là gì. Qua việc nhận quán đảnh chúng ta nhận ra tinh túy Phật, điều đó được gọi là trí tuệ nguyên sơ, ý nghĩa của sự quán đảnh trong chúng ta.

 

Qua việc giữ giới luật, chúng ta nhận ra và duy trì bản tánh Phật và đạt được những phẩm tánh Phật, hiện diện trong chúng ta từ nguyên thủy. Không giống như chúng ta đạt được bản chất Phật và các phẩm tánh Phật từ những nguồn bên ngoài; mà đúng ra là những phẩm tánh và bản chất hiện diện trong chính chúng ta, từ thời bổn nguyên, được tịnh hóa và tinh lọc.

 

NHỮNG PHẨM TÁNH CỦA VỊ THẦY MẬT TÔNG

Vị thầy mật tông giống như người cha trong tu hành mật tông. Vị thầy phải là một người đầy đủ phẩm tính, không chỉ là một người thuyết giáo thông thường hay học giả. Chỉ thực hiện nghi lễ và nói chuyẹân sẽ chưa đủ. Điều này có thể tựa như trình diễn hay thực hiện, và sẽ chỉ giống như một phản chiếu. Vị thầy phải thể hiện những phẩm tính sau:

1. Họ phải là người nhận được đầy đủ quán đảnh. Nếu ban quán đảnh của một bản văn đặc biệt, chính bản thân họ trước đó phải nhận được quán đảnh của bản văn đặc biệt đó. Nếu không nhận được quán đảnh của bản văn này, họ không thể thực hiện chúng, dù họ có thể là một vị thầy vĩ đại. Thậm chí nếu đã nhận quán đảnh của một tantra cao và bản văn là một tantra thấp, họ vẫn không thể thực hiện quán đảnh nếu chưa nhận được trao truyền của bản văn đặc biệt đó.

2. Họ cũng phải là người đã thọ giới và tuân thủ giới luật. Ngay cả nếu đã nhận quán đảnh mà không giữ giới, thì không đủ phẩm tính.

3. Họ phải có kiến thức của truyền thống độc nhất của dòng truyền riêng biệt. Ngay cả dù họ có thể tuân thủ giới luật, mà không biết truyền thống vô song (Phyag-bZhes) của dòng truyền, họ vẫn không đủ phẩm tính.

4. Họ phải khéo léo trong việc thực hiện nghi lễ quán đảnh. Ngay cả dù có kiến thức độc nhất của truyền thống và đã nhận được quán đảnh, nếu không khéo léo trong thực hiện nghi lễ quán đảnh, họ vẫn không đủ phẩm tính.

5. Họ phải hoàn thiện hay hoàn tất việc tụng niệm mantra của nghi quỹ bản văn đặc biệt đó. Chẳng hạn, nếu vị thầy thực hiện quán đảnh Rigdzin Dupa, họ phải hoàn tất việc tụng niệm mantra 13 triệu lần trong nhập thất nghiêm ngặt. Những bản văn khác có các hệ thống khác định rõ số lượng tụng niệm quy định để hoàn thành trong nhập thất. Nhưng đó là một ngoại lệ. Trong nhiều trường hợp thật khó đáp ứng được yêu cầu này. Ví dụ, sự tập Rinchen Terdzo có hàng trăm bản văn và nghi quỹ, thật khó tìm thấy người nào đã tụng niệm hoàn tất về tất cả chúng. Gần như tốn cả nửa cuộc đời để hoàn tất tụng niệm tất cả bản văn này. Do vậy, điều được chấp nhận chung là nếu một vị thầy đã hoàn thành việc tụng niệm của một tantra gốc, chẳng hạn như Guhyagarbha-mayajala-tantra, họ sẽ có thể thực hiện sự quán đảnh cho người khác.

6. Họ phải là người không nhiễm ô do vi phạm bất cứ giới nguyện nào. Nếu bản thân họ vi phạm bất cứ giới luật gốc hoặc thô nặng nào, cũng giống như nước đựng trong bình lủng, thì loại năng lực trí tuệ nào họ có thể trao truyền cho người khác?

BẢN TÁNH CỦA MANDALA

Mandala, hay bàn thờ, giống như người mẹ trong trao truyền quán đảnh hay tu hành mật tông. Về sự truyền quán đảnh, đó phải là đại diện cho tập hội Bổn tôn, đầy đủ nhiều chất liệu biểu tượng khác nhau của quán đảnh. Trước khi ban quán đảnh, vị thầy tự mình thực hiện nghi quỹ Bổn tôn mà không có sự hiện diện của bất cứ đệ tử nào, để chuẩn bị cho chính họ và biểu tượng mandala như các Bổn tôn trí tuệ, mandala, và chất liệu quán đảnh. Trong sự thực hiện được gọi là sự chuẩn bị quán đảnh (dBang sGrub) đó, vị thầy mật tông đầy đủ phẩm tánh thánh hóa biểu tượng mandala như mandala thực tế của Bổn tôn. Trong mỗi quán đảnh có nhiều chất liệu quán đảnh khác nhau (dBang rDzas), và mỗi chất liệu biểu tượng đều có một ý nghĩa khác nhau và năng lực ban phước của vị thầy. Có bốn mandala chính cho quán đảnh tantra nội: quán đảnh Cái Bình, Bí Mật, Trí tuệ, và Ngữ.

 

(1) Mandala của Quán đảnh Cái Bình (Bum dBang) là thân mandala. Về Quán đảnh Cái Bình, chúng ta thường sử dụng một bình. Tuy nhiên, trong ý nghĩa thực, cái bình đại diện cho toàn bộ mandala của Bổn tôn. Nó là sự quán đảnh thân hoặc cõi vật chất của Bổn tôn, và do vậy nó tiêu biểu toàn bộ khía cạnh vật chất của mandala, bao gồm các Bổn tôn, lâu đài, và tịnh thổ. Thân có ba phạm trù:49 Mandala cấp cao của nhập môn cái bình là mandala thân – khía cạnh thân và tâm của hành giả là những thân trí tuệ, các mandala của Bổn tôn trong thật tánh của chúng. Mandala cấp độ trung bình của nhập môn cái bình là một mandala được vẽ. Mandala cấp thấp của nhập môn cái bình là một mandala cát. (2) Mandala của Quán đảnh Bí mật (gSang dBang) là bồ đề tâm tương đối, dịch tinh chất. (3) Mandala của Quán đảnh Trí tuệ (Sher dBang) là vị phối ngẫu và hoa sen bí mật của bà. (4) Mandala của Quán đảnh Ngữ (Tshig dBang) là trí tuệ tuyệt đối, tâm giác ngộ, đó là ý nghĩa cao nhất của mục đích quán đảnh.

NHỮNG PHẨM TÁNH CỦA ĐỆ TỬ

Đệ tử mật tông giống như đứa con của cha / vị thầy và mẹ / mandala trong tu hành mật tông. Có năm phẩm tính thiết yếu của một hành giả mật tông.

1. Hành giả phải có tự tin, lòng tin hay trung thực. Nếu không có lòng tin hay trung thực, bạn không phải là một cái bình để tiếp nhận bất cứ loại ban phước nào. Bạn không phải là một bình chứa cho các thành tựu mật tông.

2. Hành giả phải siêng năng. Nếu không siêng năng, thì ngay cả nếu đã nhận quán đảnh bạn sẽ không thể bảo tồn năng lực trao truyền và nỗ lực hướng đến mục đích.

3. Hành giả phải kiên trì trong thiền định. Ngay cả nếu bạn là người kiên nhẫn, nếu không thiền định bạn sẽ không tiến bộ hay có được nhiều lợi ích.

4. Hành giả phải thực hiện nghi quỹ, những nghi lễ và thiền định mật tông của giai đoạn phát triển và giai đoạn hoàn thiện để đạt được kết quả. Không thiền định trên các nghi quỹ là không có phương tiện đạt được thành tựu.

5. Hành giả phải giữ giới luật, kỷ luật giúp duy trì và nâng cao trao truyền trí tuệ mật tông, để vươn đến kết quả.

PHẠM TRÙ HÓA CỦA QUÁN ĐẢNH

Sự quán đảnh được phạm trù hóa như quán đảnh của nguyên nhân, quán đảnh của con đường, và quán đảnh của kết quả. Nhưng có hai cách thiết kế khác nhau về các sự quán đảnh này. Mặc dù có hai cách phạm trù hóa điều này, nhưng không phải cái này tốt và cái kia xấu vì chúng khác nhau. Đây là cách phân loại với sự chú ý đến những khía cạnh khác biệt. Chẳng hạn, bạn có thể phân loại mọi người là cao hay thấp hay cũng có thể phân loại là già hoặc trẻ. Hai cách phân loại này không mâu thuẫn mà dựa trên tiêu chuẩn khác nhau.

 

(1) Sự hiện diện của bản chất Phật và phẩm tánh Phật trong chúng ta là quán đảnh nguyên nhân. Bản chất Phật không là điều gì đó bên ngoài hay vị thầy ban cho bạn. Đúng hơn, vị thầy giúp bạn qua quán đảnh để nhận ra hay đánh thức trí tuệ mà bạn sẵn có và luôn sở hữu. (2) Khía cạnh thực hiện nghi lễ trao truyền quán đảnh bởi vị thầy và sự thiền định trên tiến trình trao truyền đó bởi đệ tử là quán đảnh con đường. (3) Đã nhận được trao truyền và đi theo con đường, hành giả hoàn thiện như bốn thân Phật và ngũ trí Phật. Đây là quán đảnh kết quả.

 

Hệ thống thứ hai của sự phạm trù hóa là như sau. (1) Sự quán đảnh ban cho đệ tử chưa được nhập môn trước khi phân loại là quán đảnh nguyên nhân. (2) Sự quán đảnh ban cho đệ tử để phát triển sự hoàn thiện hay phục hồi giới nguyện bị bể vỡ được phân loại là quán đảnh con đường. Khi bạn chưa nhận được quán đảnh trước đây, mà mới nhận lần đầu thì sẽ là quán đảnh nguyên nhân, vì sự quán đảnh trở thành một nguyên nhân, một khởi đầu tu hành mật tông của bạn. Ví dụ, nếu bạn chưa từng nhận quán đảnh Rigdzin Dupa và hôm nay bạn nhận nó, điều này sẽ là quán đảnh nguyên nhân. Nhưng khi nhận lại nó để giúp bạn hoàn thiện và phục hồi giới nguyện bị sứt mẻ, nó trở thành quán đảnh của con đường. (3) Sự quán đảnh ban cho đệ tử chuẩn bị đạt thành tựu cuối cùng và làm cho đệ tử đạt kết quả cuối cùng được phân loại là quán đảnh kết quả vì chúng đem lại kết quả cuối cùng. Nếu đã toàn giác, bạn không cần quán đảnh. Nhưng cho đến lúc toàn giác, bạn sẽ cần quán đảnh để trợ giúp bạn nhập môn hay nâng cấp nhận biết tâm linh. Sự phân loại quán đảnh này tùy thuộc vào người tiếp nhận hơn là tự thân sự quán đảnh hoặc vị thầy.

HIỆU QUẢ CỦA QUÁN ĐẢNH

Câu hỏi về những lợi ích gì chúng ta sẽ được nếu nhận quán đảnh thường khởi lên trong chúng ta. Có ba lợi ích chính được liệt kê trong bản văn. (1) Kết quả cao nhất của quán đảnh làm cho bạn nhận ra trí tuệ nguyên sơ, là ý nghĩa của sự quán đảnh. Nếu bạn là người có năng khiếu và mọi điều kiện đều hoàn hảo, thì trong lúc quán đảnh bạn sẽ nhận ra trí tuệ nguyên sơ, là ý nghĩa hay mục đích thật sự của quán đảnh, mục tiêu thực tế của thực hành tâm linh. (2) Kết quả trung bình của quán đảnh làm cho bạn phát triển kinh nghiệm của cực lạc, trong sáng, và vô niệm. (3) Kết quả thấp của quán đảnh làm khởi lên sự tự tin trong cái thấy của ba cửa bạn (thân, khẩu, và ý) như thân, khẩu, và ý của Bổn tôn.

 

Đó là ba phạm trù kết quả đã ban trong các bản văn, nhưng tất cả chúng dường như quá cao cấp hay quá khó với nhiều người chúng ta để đạt được trong sự quán đảnh. Cảm giác riêng cá nhân tôi là khi chúng ta tiếp nhận một quán đảnh, thậm chí nếu chúng ta không có bất cứ ba loại kinh nghiệm này, thì chừng nào chúng ta có an bình, hoan hỷ, hoặc tâm sùng kính làm rộng mở, thanh thản, an định và trầm tĩnh, điều này sẽ trở thành một trao truyền ban phước của vị thầy và Bổn tôn, và nó sẽ thiết lập một kết nối thực hành mật tông riêng biệt. Do vậy, chúng ta nên cảm thấy may mắn. Ngoài ra khi chúng ta tiếp nhận trao truyền từ một vị thầy chân chính, tối thiểu chúng ta nhận được sự cho phép học tập và thực hành giáo lý đặc biệt. Chúng ta thậm chí có thể không nhận được kết quả của cấp thấp, nhưng cũng phải tự hào về vận may của mình.

HAI NGUYÊN NHÂN VÀ BỐN ĐIỀU KIỆN CỦA QUÁN ĐẢNH

Sự quán đảnh bao gồm hai khía cạnh: trước tiên là hai nguyên nhân và thứ hai là bốn điều kiện. Gom lại cùng nhau hai nguyên nhân và bốn điều kiẹân là những thủ tục cho sự quán đảnh.

Hai nguyên nhân như sau:

1. Nguyên nhân tương tự (chung hay cùng nhau) (mTshung lDan Gyi rGyu) là sự hiện diện của bản chất tự nhiên của hành giả như bản chất Phật, thoát khỏi mọi tạo tác từ thời bổn nguyên. Nó cũng là sự hiện diện những tính chất của năm kết tập (ngũ uẩn) năm nguyên tố, và năm cảm xúc như năm vị Phật nam và nữ và năm  trí tuệ nguyên sơ trong thật tánh chúng.

2. Nguyên nhân góp phần (Lhan Chig Byed Pa’i rGyu) là chất liệu đã ban phước của quán đảnh, như cái bình, hình ảnh, vương miện, v.v…

 

Bốn điều kiện bao gồm như sau:

1. Điều kiện nguyên nhân (rGyu’i rKyen), đó là đệ tử dễ lĩnh hội, có niềm tin, có ba loại siêng năng (trong nhiệm vụ của mình, người khác và cả hai), và giữ giới luật.

2. Điều kiện trao quyền (bDag Po’i rKyen), đó là vị thầy đầy đủ phẩm tánh đã học tập trong năm khía cạnh của tantra: (a) tính như thị của bản ngã – sự nhận biết của tánh Không, (2) tính như thị của Bổn tôn – sự nhận biết của ba cửa, ba vajra, (c) tính như thị của tantra – sự viên mãn của hai giai đoạn, giai đoạn phát triển và hoàn thiện, cũng như bốn hoạt động: tức tai, tăng ích, hùng mạnh, và phẫn nộ, (d) tính như thị của tụng niệm – sự hoàn tất tụng niệm mantra, và (e) tính như thị của sự phóng xuất và thu rút của ánh sáng ban phước trong khi thiền định.

3. Điều kiện quan sát đối tượng khách quan (dMigs rKyen), đó là trí tuệ nhận biết của vị thầy (tri kiến) của nghi lễ, Bổn tôn, mantra, và sự suy niệm của quán đảnh.

4. Điều kiện trực tiếp có trước (De Ma Thag rKyen), đó là sự quán đảnh có trước như sự mở ra cơ hội cho quán đảnh được thành công.

QUÁN ĐẢNH THỰC TẾ

Nhìn chung, quán đảnh thực tế gồm có phần chuẩn bị, phần chánh và kết thúc trong mỗi quán đảnh. Phần chuẩn bị có hai khía cạnh: bên ngoài và đi vào bên trong. Phần chính có hai khía cạnh: năm quán đảnh thông thường của năm gia đình Phật và bốn quán đảnh không phổ biến. Và sau đó là quán đảnh kết thúc. Tất cả quán đảnh của tantra nội sẽ không cần thiết bao gồm mọi khía cạnh này, và một số có thể nhiều hơn, mà phần lớn chúng sẽ hiện diện trong phần lớn các quán đảnh chi tiết.

 

PHẦN CHUẨN BỊ

1. Đi vào bên ngoài bắt đầu với việc đi vào cửa của phòng thờ và súc miệng với nuớc đã thánh hóa để tẩy tịnh, và kết thúc với việc rắc hoa vào mandala để xác định gia đình Phật của bạn.

2. Đi vào bên trong bắt đầu với việc điều hướng hoa, vương miện Bổn tôn trở lại bạn bởi vị thầy, được biểu tượng hóa bằng việc vị Lama ném gạo, và kết thúc với việc bày mandala.

PHẦN CHÍNH

Nếu là quán đảnh của Kriyayoga, nó sẽ bao gồm chủ yếu là quán đảnh cái bình và vương miện. Nếu là quán đảnh của Charyayoga, sẽ có năm quán đảnh của năm gia đình Phật. Nếu là quán đảnh của yogatantra, sẽ bao gồm năm quán đảnh của năm gia đình Phật, sự quán đảnh của Bổn tôn, và sự quán đảnh của hoạt động vị thầy.

 

Về các tantra nội, Mahayoga, Anuyoga, và Atiyoga, ngoài năm quán đảnh của năm gia đình Phật v.v… còn bao gồm bốn quán đảnh không phổ biến. Tất cả tantra nội đều bao gồm bốn quán đảnh không phổ biến.

 

Vậy, sự đặc biệt của Atiyoga là gì? Với Dzogpa Chenpo, sự nhấn mạnh đặc biệt là về sự quán đảnh không phổ biến thứ tư, quán đảnh miệng. Nhiều người trong chúng ta đã nhận được quán đảnh Nyingthig Yazhi (sNying Thig Ya bZhi). Nó có một quán đảnh Anuyoga chi tiết với bốn khía cạnh: quán đảnh chi tiết, đơn giản, rất đơn giản, và tuyệt đối đơn giản. Quán đảnh không phổ biến thứ tư giới thiệu trực tiếp bạn đến giác tánh nội tại, bản tánh Phật. Trong Mahayoga và Anuyoga tantra, quán đảnh không phổ biến thứ tư giới thiệu bạn đến đại cực lạc, ý nghĩa của trí tuệ bẩm sinh, điều này phát sinh như kết quả của quán đảnh thứ ba, trong đó hành giả nhận ra trí tuệ biểu tượng bẩm sinh (dPe’i Ye Shes) qua con đường của phương tiện thiện xảo bằng việc dựa vào ấn khế (mudra). Trong quán đảnh thứ tư này, qua việc dựa vào các kinh nghiệm của quán đảnh thứ ba, hành giả nhận ra trực tiếp ý nghĩa của trí tuệ bẩm sinh (Don Gyi Ye Shes). Do vậy, quán đảnh thứ tư của Mahayoga và Anuyoga tantra là khác với quán đảnh thứ tư của Atiyoga.

Năm Quán Đảnh Phổ Biến Của Năm Gia Đình Phật

Bằng năm quán đảnh phổ biến của năm gia đình Phật hành giả nhận được năng lực chuyển hóa các phẩm tính bình thường của hành giả thành các phẩm tính Phật.

1. Bằng Quán đảnh cái Bình hành giả chuyển hóa kết tập của ý thức thành Đức Phật Akshobhya (Bất Động), nguyên tố của hư không thành vị phối ngẫu của Ngài, và cảm xúc sân hận thành trí tuệ của dharmadhatu (Pháp Giới Thể Tánh Trí).

2. Bằng Quán đảnh Vương miện, hành giả chuyển hóa kết tập của cảm giác (thọ) thành Đức Phật Ratnasambhava (Bảo Sanh), nguyên tố nước thành vị phối ngẫu của Ngài, và cảm xúc kiêu mạn thành trí tuệ của bình đẳng (Bình Đẳng Tánh Trí).

3. Bằng Quán đảnh Vajra hành giả chuyển hóa kết tập của khái niệm (tưởng) thành Đức Phật Amitabha (A Di Đà), nguyên tố của gió thành vị phối ngẫu của Ngài, và cảm xúc tham dục thành trí tuệ biện biệt (Diệu Quan Sát Trí).

4. Bằng Quán đảnh Chuông hành giả chuyển hóa kết tập của sự hình thành (hành) thành Đức Phật Amoghasiddhi (Bất Không Thành Tựu), nguyên tố của lửa thành vị phối ngẫu của Ngài, và cảm xúc thù địch thành Đại Viên Cảnh Trí.

5. Bằng Quán đảnh Tên hành giả chuyển hóa kết tập của thân (sắc) thành Đức Phật Vairochana (Tỳ Lô Giá Na), nguyên tố của đất thành vị phối ngẫu của Ngài, và cảm xúc vô minh thành trí tuệ như gương (Thành Sở Tác Trí).

 

Bốn Quán Đảnh Không Phổ Biến

1. Bằng Quán đảnh cái Bình hành giả nhận được sự ban phước của thân vajra của Đức Phật, tịnh hóa thân nghiệp và sự che chướng của kinh mạch hành giả và đạt được hay thiết lập nền tảng cho việc đạt hoàn thiện con đường tích lũy, trạng thái của Vidyadhara với phần còn lại, và Nirmanakaya.

2. Bằng Quán đảnh Bí mật hành giả nhận được sự ban phước của ngữ vajra của Đức Phật, tịnh hóa nghiệp ngữ và sự che chướng của gió hay năng lượng của hành giả và đạt được hay thiết lập nền tảng cho việc đạt hoàn thiện con đường áp dụng, trạng thái của Vidyadhara kiểm soát trên cuộc sống và Sambhogakaya.

3. Bằng Quán đảnh Trí tuệ hành giả nhận được sự ban phước của ý vajra của Đức Phật, tịnh hóa ý nghiệp và sự che chướng của bản chất hành giả và đạt được hay thiết lập nền tảng cho việc đạt hoàn thiện con đường quán sát, trạng thái của Vidyadhara đại biểu hiện và Dharmakaya.

4. Bằng Quán đảnh Miệng hành giả nhận được sự ban phước của  trí tuệ vajra của Đức Phật, tịnh hóa nghiệp của nền tảng phổ quát và sự che chướng của trí thông minh hành giả và đạt được hay thiết lập nền tảng cho việc đạt hoàn thiện chín giai đoạn của con đường thiền định, trạng thái của Vidyadhara thành tựu tự nhiên và Svabhavikakaya ./.

 

Buổi nói chuyện tại Ðiện Mahasiddha, Hawley, Mass., vào ngày 20 tháng 9 năm 1987. Chương này dựa căn bản trên NS,DD, DN, SGG, KZZ, TRD II 200a/ 4 – 264b/ 6, và NCC, tất cả những bản văn và luận giảng này lần lượt dựa căn bản trên các Tantra nguyên bản.

– Nguồn: HÀNH TRÌNH GIÁC NGỘ

– Thực Hành Của Đạo Phật – Như Cuộc Sống Hằng Ngày

–  TULKU THONDUP.

– Harold Talbort biên soạn

– Bản Dịch Việt Ngữ: Tuệ Pháp

SHARE:

Trả lời