SHARE:
Con người cần có một bản giá trị về đạo đức, ý thức về cuộc sống và đời sống hạnh phúc trên trái đất này thì … “con người cần sống ở cả ba lĩnh vực: con người thân thể giác quan, con người ý thức và con người tâm linh. Một xã hội hay một thời đại đáp ứng được cả ba nhu cầu của cả ba lĩnh vực ấy thì được gọi là một xã hội hay một thời đại hoàng kim, thịnh trị, thái hòa. Đó là một xã hội toàn diện đáp ứng cho con người sống một cách toàn diện.”… Bài viết đã được đăng từ năm 2014 với sự chia sẽ thật thiết tha của tác giả để mong rằng con người cần tiến đến một cuộ̣c sống hạnh phúc và toàn diện!
CON NGƯỜI TOÀN DIỆN, HẠNH PHÚC TOÀN DIỆN
Con người có được hạnh phúc khi những nhu cầu của nó được thỏa mãn. Nhưng con người là một hợp thể thân tâm đa tầng, đa lĩnh vực, nên những nhu cầu của nó cũng có nhiều tầng bậc, nhiều phương diện.
Trước hết, điều ai cũng thấy biết là con người sống ở đời bằng thân thể. Phải hiểu thân thể là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân; nghĩa là tất cả thế giới được cảm nhận bằng giác quan. Cho nên những nhu cầu tối thiểu và căn bản là thân thể có được thức ăn nước uống, được nuôi dưỡng đầy đủ, có nơi ăn chổ ở, có tài sản để lo cho cuộc sống, có sự an toàn do xã hội bảo vệ. Một xã hội phải bảo đảm cho con người những nhu cầu thuộc thân thể này cho tới lúc già, chết.
Mặc dù thân thể là cái căn bản để sống ở đời, nhưng thân thể là cái có giới hạn. Nó chỉ phát triển đến độ tuổi 30 là bắt đầu xuống cấp, hư hỏng dần dần trong một quá trình không thể đảo ngược. Đó là quá trình tất yếu của thân thể: sanh, già, bệnh, chết.
Thân thể là đời sống căn bản, là bước phát xuất của sự phát triển của con người, nhưng ý thức mới là đời sống quan trọng và thực thụ của con người. Mọi sự vật, mọi phát minh khám phá trên trái đất này, từ những rừng cây, sông núi, cho đến nhà ở, dụng cụ, mọi ngành nghề và môn học, cái gì cũng là kết quả của ý thức con người. Con người khác với các loài vô sinh và hữu sinh khác là do ý thức. Nếu lĩnh vực thứ nhất có thể gọi là “sinh quyển” (biosphère), thì lĩnh vực này được gọi là “thức quyển” (noosphère).
Thế nên, ngay từ 5,6 tuổi, chúng ta được đưa vào lớp mẫu giáo và sau đó học phát triển ý thức từ nhiều nguồn giáo dục: gia đình, trường học, xã hội. Chúng ta cũng cần xác định rõ chữ ý thức được dùng ở đây bao gồm cả hai thứ, chỉ số thông minh (IQ) và chỉ số xúc cảm (EQ), nghĩa là bao gồm cả tài trí và đạo đức.
Sự phát triển của ý thức hay sự khai thác thức quyển thì kéo dài trọn đời, do đó cuộc sống ý thức thì ‘thọ’ hơn, cho kết quả nhiều hơn, ảnh hưởng sâu hơn và rộng hơn cuộc sống thân thể rất nhiều. Con người có thể hiểu biết và sử dụng vũ trụ bằng ý thức của mình.
Con người càng tiến bộ khi ý thức càng phát triển, nghĩa là loại bỏ được sức ỳ, sự nặng nề tối tăm, khuynh hướng tiêu cực xấu ác của ý thức để cho ý thức càng ngày càng linh hoạt hơn, thông minh sáng láng hơn, nhiều tính tích cực tốt đẹp hơn. Sự phát triển của nhân loại chính là sự phát triển của ý thức này, trong mọi lĩnh vực xã hội, chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật…theo chiều hướng đúng hơn, tốt hơn, đẹp hơn.
Nhưng trong sự phát triển của ý thức, đến một lúc nào đó, người ta bắt đầu cảm thấy thiếu thốn nhiều hơn nữa, một thiếu thốn căn bản, một nhu cầu tối hậu. Người ta mong muốn một cái gì vượt hơn khỏi ý thức, tự do và hạnh phúc hơn ý thức, dù gọi nó bằng danh từ gì, bởi vì người ta cảm thấy ý thức cũng không thoát khỏi sanh già bệnh chết. Chẳng hạn chỉ nói riêng lĩnh vực khoa học, không phải chỉ vì thấy khoa học kỹ thuật có những giới hạn của chúng, mà các nhà khoa học còn khát khao một cái gì khác mà họ biết ý thức không thể đạt đến. Các nhà khoa học Tây phương hiện nay phần lớn đều tin vào một tôn giáo (nói theo Tây phương) hay Đạo (nói theo Đông phương), nghĩa là có một cái gì toàn thể, vượt khỏi ý thức, dù gọi nó bằng danh từ gì: siêu ý thức, cái vĩnh cửu, cái vô hạn, Thượng đế, Niết-bàn…Văn minh Tây phương, cho đến ngày nay và có thể mãi mãi về sau, với tất cả mọi ngành nghiên cứu, vẫn đi dưới và trong câu nói minh triết Hy Lạp: “Hãy tự biết chính mình”. Mình là ai, là cái gì? Chỉ là thân thể với hệ thống gène chăng? Chỉ là ý thức thường lăng xăng loạn động chăng? Hay còn là cái gì nữa?
Cái tạm gọi là siêu ý thức ấy, cái nền tảng cho ý nghĩa của con người ở cuộc đời này, cái đó là mục tiêu âm thầm suốt cả đời người, suốt lịch sử nhân loại. Chưa đạt đến sự thỏa mãn “nhu cầu tối hậu ấy”, con người mãi mãi là kẻ ngoại tình đối với cuộc sống cụ thể hàng ngày (xem: Người đàn bà ngoại tình của Albert Camus trong tập Lưu đày và quê nhà, 1957). Nietzsche đã diễn tả sự khát khao cái đời sống viên mãn ấy bằng một đoạn trong arathoustra đã nói như thế:
“Sự khổ đau của thế gian thì sâu thẳm
Niềm vui thì sâu thẳm hơn khổ đau
Sự đau đớn nói: hãy qua đi và hãy chết đi.
Nhưng mọi niềm vui đều khát khao vĩnh cữu
Khao khát vĩnh cữu sâu thẳm!
Ôi làm sao ta không ngưỡng vọng vĩnh cửu, chiếc nhẫn cưới của mọi chiếc nhẫn – chiếc vòng nhẫn không đầu không cuối của Biến dịch và Hoàn nguyên, của Ra đi và Trở về?
Ta chưa bao giờ tìm thấy người nữ mà ta muốn có với nàng những đứa con, nếu đó không phải là người nữ muôn đời ta yêu quý: bởi vì ta yêu nàng, hỡi Vĩnh Cửu!
Bởi vì ta yêu nàng, hỡi Vĩnh Cữu!”.
Cấp độ siêu ý thức này, trong suốt lịch sử nhân loại, luôn luôn có người đã chứng nghiệm được, sống được, mặc dù có thể chưa hoàn toàn. Ở đây chỉ lấy ra một số vị khởi đầu nhà Trần.
Trần Thái Tông nói về đời sống tâm linh ấy:
“Ở huyễn sắc cũng là chân sắc, sống phàm thân cũng tức Pháp thân”.
Thượng sĩ Huệ Trung gọi cái ấy là tâm, là Phật tánh, là Phật, là Pháp:
“Tâm của vạn pháp tức Phật tâm
Phật tâm cùng với tâm ta hợp
Pháp với như nhiên suốt cổ kim”.
Trần Thánh Tông gọi cái ấy là:
“con người trần truồng không mặc khố”.
Trần Nhân Tông gọi cái ấy là:
“tính sáng”, “người vô sự”, “vô tâm”…
Biết được, sống được cái ấy hẳn là nhu cầu tối hậu. Khi thỏa mãn nhu cầu tối hậu ấy hẳn là hạnh phúc tối hậu.
Sự thỏa mãn hay hạnh phúc của thân thể thì kém xa sự thỏa mãn hay hạnh phúc của ý thức, và sự thỏa mãn hay hạnh phúc của ý thức thì kém xa sự thỏa mãn hay hạnh phúc của tâm linh. Tất cả những gì mà người ta tìm cách đạt đến trong mọi nền văn hóa đều là một vài đặc tính của cái tâm linh ấy: tự do, bình đẳng, hạnh phúc, siêu việt, nội tại, toàn thể, vô hạn…
Nếu không thể nghiệm được cái đó, dù chỉ một phần, cuộc đời của chúng ta sẽ không có nguồn gốc, không có nền tảng để an trụ, không vững vàng tự tin. Không nhận ra sự hiện hữu muôn đời của cái đó, cuộc đời chúng ta chỉ là một sự tình cờ vô nghĩa và qua mau.
Nhìn chung cả ba lĩnh vực, hiện nay Tây phương đang phát triển hơn Đông phương ở hai lĩnh vực đầu, điều mà dù muốn dù không Đông phương còn phải học, thậm chí rất nhiều, ở người anh em Tây phương của mình. Nhưng ở lĩnh vực thứ ba, lĩnh vực tâm linh siêu ý thức, đạo Phật đang phát triển mạnh mẽ ở Tây phương, điều đó chứng tỏ ở lĩnh vực này Đông phương có ưu thế rõ rệt, là con đường đáp ứng nhu cầu tối hậu của nhân loại. Nhất là khi phát triển hai lĩnh vực đầu đến gần tới hạn với những cuộc khủng hoảng thấy rõ trong cuộc sống của con người và thiên nhiên, Tây phương mới thấy sự phát triển của mình chưa toàn diện,do đó mất quân bình và hạnh phúc cạn cợt, phù du. Hai mươi thế kỷ đã đủ để thấy rõ những cuộc khủng hoảng và bế tắc của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa con người là trung tâm sự sống của vũ trụ, chủ nghĩa xã hội tiêu thụ, chủ nghĩa duy khoa học kỹ thuật…
Cuộc khủng hoảng trong hai lĩnh vực đầu của thế giới càng rõ nét vào cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21: cuộc khủng hoảng của sự thiếu vắng tâm linh. Cho nên cần thấy rằng trong thế kỷ 21, đời sống cân bằng cả ba phần vật chất, ý thức và tâm linh, là một đóng góp quan trọng nhất của đạo Phật cho thế giới, cho sự tồn tại của thế giới và con người.
Chúng ta hãy nhớ lại lời của nhà triệu phú Yasa thưa với Đức Phật khi nghe xong một thời Pháp:
“Lành thay! Lành thay! Bạch Đức Thế Tôn, cũng giống như người dựng lại những gì đã bị ngã đổ, hay trình bày ra một vật gì giấu kín từ lâu nay, hay vạch đường chỉ lối cho người lạc đường, hay cầm ngọn đèn rọi sáng trong đêm tối để cho ai có mắt được trông thấy. Giáo pháp mà Đức Thế Tôn giảng bằng nhiều phương thức cũng giống như thế.
Bạch Đức Thế Tôn, giờ đây con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Xin Đức Thế Tôn nhận con vào hàng những người thiện tín. Xin Ngài cho con được nương tựa nơi Tam bảo từ hôm nay cho đến phút cuối cùng của đời con”.
Mọi nền văn hóa văn minh từ xưa đến nay đều có ba lĩnh vực ấy và giúp đỡ con người đạt đến và sống được cả ba lĩnh vực ấy. Nói cách khác, con người cần sống ở cả ba lĩnh vực: con người thân thể giác quan, con người ý thức và con người tâm linh. Một xã hội hay một thời đại đáp ứng được cả ba nhu cầu của cả ba lĩnh vực ấy thì được gọi là một xã hội hay một thời đại hoàng kim, thịnh trị, thái hòa. Đó là một xã hội toàn diện đáp ứng cho con người sống một cách toàn diện.
Xã hội toàn diện bao gồm xã hội vật dụng, xã hội ý thức và xã hội tâm linh. Trong giáo dục con người toàn diện, phải có đủ ba lĩnh vực ấy. Ngày nay ở Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào…vẫn còn giữ được cách giáo dục ấy: thanh thiếu niên phải được ở chùa một thời gian để học hỏi, thực hành tâm linh trước khi ra đời lập gia đình. Truyền thống Ấn Độ – Trung Hoa chia đời người làm bốn giai đoạn, giai đoạn nào cũng là sự kết hợp giữa Đời và Đạo. Sống nghĩa là học Đời đồng thời với học Đạo. Ngày nay, người Việt chúng ta vẫn thường nói “tài đức”, xem đó như là hai trụ cột của con người. Nhưng nếu không có giáo dục tâm linh, cũng sẽ không thể có cái mà chúng ta gọi là “đức”.
Ngày nay, mọi sự bất ổn định, rối loạn, mọi tệ nạn xã hội làm hao phí của cải, năng lượng và tiềm năng của xã hội đều là do thiếu đạo đức, thiếu một bảng giá trị làm người mà ra cả.
Các truyền thống văn hóa văn minh hiện còn và đang được tiếp tục khai triển của nhân loại, Tây phương và Đông phương, đều gắn liền với ba sự giáo dục ấy. Do đó mà con người lý tưởng trong những nền văn minh ấy sống quân bình, hài hòa và hạnh phúc.
Xã hội chúng ta đã phân định sẵn: giáo dục thân thể và ý thức là nhiệm vụ của gia đình và của các vị thầy thuộc ngành giáo dục, còn giáo dục tâm linh là nhiệm vụ của các vị thầy tâm linh. Nhưng phải thấy rằng cả ba loại giáo dục ấy đều tương tác, tương dung, tương nhập với nhau trong mọi không gian và thời gian của đời người. Điều cần thiết là chúng ta phải nhận thức rõ về sự phát triển của con người để đưa đến cái tiếp cận với lĩnh vực tâm linh, ngay từ trong gia đình, trong các tổ chức thanh thiếu niên, và gặp gỡ các vị thầy tâm linh.
Nếu không được giáo dục toàn diện, như chính lý tưởng của Tây phương từ thời Hy Lạp, con người sẽ cảm thấy thiếu thốn, nghèo đói về tâm linh, dẫn đến khổ đau, kết quả là sự suy thoái và sa đọa, đem đến bất hạnh cho cả người khác. Sống thế nào? Sống làm sao để có hạnh phúc? Ý nghĩa và giá trị của đời sống là gì? Đó là những câu hỏi cấp thiết và sinh tử của con người xưa cũng như nay. Nếu không trả lời được câu hỏi đó cho chính mình, con người sẽ không biết sống thế nào. Từ đó mà uổng phí cuộc đời, có khi còn hư hỏng, phá phách, làm mồi cho cái xấu, mọi tệ nạn xã hội.
Thấy nhu cầu cấp thiết và căn bản của lĩnh vực tâm linh như vậy, chúng ta thấy xã hội cần đạo Phật như thế nào. Đạo Phật, truyền thống tâm linh lâu dài nhất, phong phú và sâu sắc nhất của dân tộc hẳn phải đảm nhiệm công việc khó khăn này. Để vực dậy một đất nước bị đổ vỡ trong chiến tranh, đổ vỡ trong cả lòng người, nội lực chưa có và chưa nhìn thấy hướng đi trong khi đã phải ra biển lớn của thời đại toàn cầu hóa.
Tác giả: Nguyễn Thế Đăng
nguồn: https://www.facebook.com/taidayvabaygio/posts/227576140986340:0
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS