HIỂU ĐÚNG

SHARE:

Dù quí vị có tu tập tọa thiền hay không, quí vị vẫn có Phật tánh. Bởi vì quí vị có nó, có giác ngộ trong sự tu tập của quí vị. Những điểm chúng tôi nhấn mạnh không phải là giai đoạn chúng ta đạt được, mà là niềm tin tưởng mãnh liệt chúng ta có vào bản tánh và sự chân thành tu tập của chúng ta. Chúng ta nên tu Thiền với lòng chân thành như Phật. Nếu xưa nay chúng ta có Phật tánh, lý do chúng ta tu tập tọa thiền là chúng ta phải hành xử như Phật. Truyền đạo của chúng ta là truyền tinh thần của chúng ta có từ Phật. Như thế phải hòa hợp tinh thần, tư thế của thân, và hoạt động của chúng ta với con đường truyền thống. Dĩ nhiên, quí vị có thể đạt đến một giai đoạn đặc biệt nào đó, nhưng tinh thần tu tập của quí vị không nên đặt căn bản trên ý niệm vị ngã.

 

“Cái hiểu của chúng ta về Phật giáo không phải chỉ là cái hiểu lý trí. Hiểu đúng chính là tu tập thực tế.”

 

TINH THẦN THIỀN TRUYỀN THỐNG:

 “Nếu quí vị cố gắng đạt giác ngộ, quí vị đang tạo nghiệp và bị nghiệp lèo lái, và quí vị đang phí thì giờ trên chiếc bồ đòan màu đen của quí vị.”

 

Điều quan trọng nhất trong tu tập là tư thế của thân và cách thở của chúng ta. Chúng ta không quan tâm về sự hiểu biết sâu xa về Phật giáo. Về mặt triết học, Phật giáo là một hệ thống tư tưởng rất sâu rộng và vững chắc, nhưng Thiền không quan tâm về cái hiểu có tính chất triết học. Chúng ta nhấn mạnh thực hành. Chúng ta nên hiểu tại sao tư thế của thân và cả hơi thở của chúng ta rất quan trọng. Thay vì có cái hiểu sâu về giáo lý, chúng ta cần có sự tin tưởng mãnh liệt nơi giáo lý nói rằng xưa nay chúng ta luôn luôn có Phật tánh. Sự tu tập của chúng ta đặt căn bản trên niềm tin này.

 

 

Trước khi Bồ-đề Đạt-ma đến Trung Hoa, hầu hết tất cả những câu nói rất nổi tiếng của Thiền có sẵn đều được đem ra dùng. Chẳng hạn, có ngữ cú, “bỗng nhiên giác ngộ” (sudden enlightenment: đốn ngộ). “Bỗng nhiên giác ngộ” không phải là cách dịch thích đáng, nhưng tạm thời tôi sẽ dùng cách diễn đạt này. Giác ngộ đột nhiên đến với chúng ta. Đây là chân giác ngộ. Trước Bồ-đề Đạt-ma, người ta nghĩ rằng sau một thời gian dài chuẩn bị, đột nhiên giác ngộ sẽ đến. Như vậy, tu Thiền là một loại luyện tập để đạt giác ngộ. Thực tế, ngày nay nhiều người đang tu tập tọa thiền với ý niệm này. Nhưng đây không phải là cách hiểu Thiền truyền thống. Cách hiểu từ Phật truyền xuống đến thời chúng ta là khi chúng bắt đầu tọa thiền, là có giác ngộ dù cho không có bất cứ sự chuẩn bị nào.

 

Dù quí vị có tu tập tọa thiền hay không, quí vị vẫn có Phật tánh. Bởi vì quí vị có nó, có giác ngộ trong sự tu tập của quí vị. Những điểm chúng tôi nhấn mạnh không phải là giai đoạn chúng ta đạt được, mà là niềm tin tưởng mãnh liệt chúng ta có vào bản tánh và sự chân thành tu tập của chúng ta. Chúng ta nên tu Thiền với lòng chân thành như Phật. Nếu xưa nay chúng ta có Phật tánh, lý do chúng ta tu tập tọa thiền là chúng ta phải hành xử như Phật. Truyền đạo của chúng ta là truyền tinh thần của chúng ta có từ Phật. Như thế phải hòa hợp tinh thần, tư thế của thân, và hoạt động của chúng ta với con đường truyền thống. Dĩ nhiên, quí vị có thể đạt đến một giai đoạn đặc biệt nào đó, nhưng tinh thần tu tập của quí vị không nên đặt căn bản trên ý niệm vị ngã.

 

 

Theo cách hiểu Phật giáo truyền thống, bản tánh con người của chúng ta không có ngã. Khi chúng ta không có ý niệm nào về ngã, chúng ta có cái thấy của Phật về cuộc đời. Những ý niệm vị ngã của chúng ta là mê hoặc, che lấp Phật tánh của chúng ta. Chúng ta luôn luôn tạo ra những ý niệm vị ngã và đi theo những ý niệm ấy. Và trong sự lặp đi lặp lại mãi quá trình này, đời sống của chúng ta bị những ý niệm vị ngã chiếm cứ hoàn toàn. Đây gọi là đời sống của nghiệp, hay nghiệp (karma). Đời sống của người Phật giáo không nên là đời sống của nghiệp. Mục đích tu tập của chúng ta là cắt đứt cái tâm nghiệp xoay chuyển. Nếu quí vị cố gắng đạt giác ngộ, đó là một phần của nghiệp, quí vị đang tạo ra nghiệp và bị nghiệp lèo lái, và quí vị đang phí thì giờ của mình trên cái bồ đoàn màu đen của quí vị. Theo kiến giải của Bô-đề Đạt-ma, sự tu tập đặt căn bản trên bất cứ ý niệm về được nào thì chỉ là sự lặp đi lặp lại nghiệp của mình. Quên điểm này, nhiều Thiền sư sau này đã nhấn mạnh một giai đoạn nào đó đạt được bằng tọa thiền.

 

 

Quan trọng hơn bất cứ giai đoạn nào quí vị sẽ đạt đến là lòng chân thành, sự nỗ lực đúng của quí vị. Nỗ lực đúng phải được đặt căn bản trên sự hiểu đúng về cách tu truyền thống của chúng ta. Khi hiểu điểm này, quí vị sẽ hiểu giữ đúng tư thế quan trọng như thế nào. Khi quí vị không hiểu điểm này, thì tư thế và cách thở chỉ có nghĩa là để đạt giác ngộ. Nếu đây là thái độ của quí vị, thì uống thứ thuốc nào đó còn tốt hơn là ngồi trong tư thế xếp chéo chân nhiều! Nếu sự tu tập của quí vị chỉ có nghĩa là đạt giác ngộ, thì thực tế không có cách nào đạt được nó! Chúng ta đánh mất ý nghĩa con đường đi đến mục đích. Nhưng khi chúng ta tin vào con đường của mình một cách kiên định, chúng ta đã đạt giác ngộ rồi. Khi quí vị tin vào con đường của mình, giác ngộ ở đó. Nhưng khi quí vị không thể tin vào ý nghĩa của pháp tu mà quí vị đang hành trì trong giây phút này, quí vị không thể làm được bất cứ điều gì. Quí vị chỉ đang lang thang loanh quanh mục đích với cái tâm khỉ. Quí vị luôn luôn đang tìm một cái gì đó mà không biết mình đang tìm cái gì. Nếu quí vị muốn thấy một cái gì đó, quí vị nên mở mắt ra. Khi quí vị không hiểu Thiền của Bồ-đè Đạt-ma, là quí vị đang nhìn một cái gì đó với đôi mắt nhắm. Chúng ta không xem nhẹ ý niệm đạt giác ngộ, nhưng cái quan trọng nhất là giây phút này, không phải là một ngày nào đó trong tương lai. Chúng ta phải nỗ lực trong giây phút này. Đây là điều quan trọng nhất trong sự tu tập của chúng ta.

 

 

Trước Bồ-đề Đạt-ma, sự học giáo lý của Phật kết quả trong triết lý sâu xa, cao vời về Phật giáo, và người ta cố gắng đạt những lý tưởng cao xa của nó. Đây là một sai lầm. Bồ-đề Đạt-ma khám phá ra rằng tạo ra một ý niệm cao vời hay thâm sâu nào đó, rồi cố gắng đạt nó bằng tu tập tọa thiền là một sai lầm. Nếu đó là sự tọa thiền của chúng ta, thì nó không khác gì với hoạt động thông thường, hay cái tâm khỉ của chúng ta. Nó có vẻ giống như một hoạt động rất tốt, rất cao vời, và thánh thiện, nhưng thực tế không có sự khác biệt giữa nó và cái tâm khỉ của chúng ta. Đó là điểm Bồ-đề Đạt-ma nhấn mạnh.

 

 

Trước khi Phật đạt giác ngộ, ngài tạo ra tất cả mọi nỗ lực khả hữu đối với chúng ta, và cuối cùng ngài đạt được cái hiểu toàn triệt về tất cả những con đường khác nhau. Quí vị có thể nghĩ Phật đã đạt được một giai đoạn nào đó mà ngài tự tại đời sống nghiệp, nhưng không phải thế. Nhiều câu chuyện do Phật kể về những kinh nghiệm của ngài sau khi ngài đạt giác ngộ. Ngài không có gì khác với chúng ta. Khi quê hương của ngài có chiến tranh với láng giềng hùng mạnh, ngài kể với các đệ tử về nghiệp của ngài, ngài đau khổ như thế nào khi ngài nhìn thấy xứ sở đang bị vua láng giềng chinh phục. Nếu ngài là một người nào đó đã đạt được giác ngộ không có nghiệp, thì sẽ không có lý do gì để ngài đau khổ như thế. Và ngay cả sau khi ngài đã đạt được giác ngộ, ngài vẫn tiếp tục nỗ lực như chúng ta đang nỗ lực. Nhưng cái nhìn của ngài về cuộc đời không lay chuyển. Cái nhìn của ngài về cuộc đời vẫn ổn định, và ngài nhìn đời sống của mọi người, kể cả đời sống của riêng ngài. Ngài nhìn chính mình, và nhìn những người khác với cùng đôi mắt mà ngài nhìn đá và cây, hay bất cứ vật gì khác. Ngài có sự hiểu biết rất khoa học. Đó là cách sống của ngài sau khi ngài đạt giác ngộ.

 

 

Khi chúng ta có tinh thần truyền thống đi theo chân lý như nó vận hành, và tu tập cách của mình mà không có bất cứ ý niệm vị ngã nào, thì chúng ta sẽ đạt giác ngộ theo chân nghĩa của nó. Và khi hiểu điểm này, chúng ta sẽ tạo nỗ lực tốt nhất trong mỗi giây phút. Đó là hiểu đúng Phật giáo. Như thế cái hiểu Phật giáo của chúng ta không phải chỉ là cái hiểu có tính cách lý trí. Cái hiểu ấy đồng thời là sự biểu hiện của riêng nó, chính sự tu tập. Không phải bằng đọc hay chiêm nghiệm triết lý, mà chỉ bằng tu tập, tu tập thực tế, chúng ta có thể hiểu Phật giáo là gì. Chúng ta nên tu tập tọa thiền một cách kiên định, với lòng tin tưởng mãnh liệt vào chân tánh của chúng ta, phá vỡ sợi xích hành vi nghiệp và tìm ra chỗ của mình trong thế giới tu tập thực tế.

 

TÂM THIỀN, TÂM BAN SƠ
Những bài Tiểu tham về Thiền định và Tu tập của Shunryu Suzuki
Nguyên tác: Zen Mind, Beginner’s Mind
Tác giả: Shunryu Suzuki
Đỗ Đình Đồng dịch

SHARE:

Để lại một bình luận