HAI MẶT ĐỒNG HIỆN CỦA NHẬN THỨC

SHARE:

Con đường tìm về để không còn bị nhận thức của cái tôi thiên vị làm chủ nữa là chúng ta thường quán xét và sống với cái biết luôn luôn hiện diện đơn thuần này. Cái biết mà chúng ta không cần phải nhắc nhỡ mình để biết, không cần phải tạo lập thêm thắt nó, cái biết luôn có mặt trong mọi hoạt động của tâm thức.

Chúng ta ai ai cũng có nhận thức, nhận thức mang chúng ta đi từ đời này sang đời khác, nhận thức của chúng ta khi chưa giác ngộ là biểu hiện của nghiệp mà chúng ta tích tập nhiều đời. Khi vừa mới mở mắt chào đời nhận thức tiếp xúc với không gian bên ngoài, chúng ta cất lên tiếng khóc, khi lớn lên chúng ta nhận thức thế giới xung quanh, tập đi đứng nói năng, tập đến trường, tập giao tiếp, sinh sống, làm việc; chúng ta sống và nhận biết cuộc đời này cho đến khi chúng ta chết, chúng ta cũng nhận thức cái chết… nếu không có nhận thức thì lấy ai để đảm đương điều này, chứng tỏ có nhận thức là có đại diện sống biểu hiện để biết rằng có ta tồn tại. Nhận thức gánh chịu và đại diện tất cả những gì chúng ta sở hữu khi sanh ra cho đến khi chúng ta chết đi, rồi lại tiếp tục tái diễn trong đời kế tiếp…

 

Nhưng tại sao lại nói có nhận thức của người giác ngộ gọi là Phật tánh sáng suốt, giải thoát và nhận thức của người chưa giác ngộ như chúng ta được coi là nhận thức của một chúng sanh vô minh (không sáng suốt), dính mắc?

 

 

Theo Đại Thừa Khởi Tín Luận nhận thức chúng ta đang bàn đến là nói đến tâm:

“Cái tâm này (tâm chúng sanh) có hai phần: 1. Tâm Chân Như, 2. Tâm sanh diệt. Hai tâm này không rời nhau và đều bao trùm tất cả pháp.”

“Tâm Chơn như là cái tâm tánh bất sanh bất diệt. Thể và Tướng nó to lớn bao trùm tất cả các pháp. 

Sở dĩ các pháp sai khác là do vọng niệm; nếu rời vọng niệm thì không còn các cảnh tướng sai khác. Bởi thế nên tất cả pháp từ hồi nào đến giờ, không thể dùng danh tự để kêu gọi, không thể dùng lời nói luận bàn, không thể dùng tâm suy nghĩ được, không có biến đổi và cũng không phá hoại, vì nó rốt ráo bình đẳng, chỉ có một “Tâm Chơn như” mà thôi.”

“Tất cả những lời nói, đều do vọng niệm phân biệt mà sanh, chỉ có giả danh chớ không thật thể. Cho đến danh từ Chơn như cũng không thực; chẳng qua là một danh từ túng cùng của lời nói, dùng để trừ bỏ các danh từ khác (vọng) mà thôi (nhơn ngôn khiển ngôn).

 Song cái “Thể” của Chơn như không thể trừ bỏ và cũng không thể dựng lập. Phải biết: tất cả các pháp cũng không thể trừ bỏ, vì đều là “Chơn” vậy, và cũng không thể dựng lập, vì đều là “Như” vậy. Bởi tất cả các pháp đều là Chơn như, nên không thể nói bàn và suy nghĩ được.”

 

Hỏi:

_Nếu “Chơn như”, mà không thể dùng lời nói luận bàn hay tâm suy nghĩ, thì chúng sanh làm sao tùy thuận và ngộ nhập được?

Đáp:

_Nếu người nào biết tất cả pháp, tuy có nói bàn, mà không có “năng nói” và “sở nói”; tuy có suy nghĩ, mà không có “năng suy nghĩ”và “sở suy nghĩ”, thì người ấy được tùy thuận Chơn như.

Còn người nào lìa các niệm (vọng niệm) thì người đó được nhập Chơn như”

(Trích Đại Thừa Khởi Tín Luận, quyển 3 Phật Học Phổ Thông, Hòa thượng Thích Thiện Hoa).

 

 

Theo trích dẫn trên chúng ta chúng ta sẽ tiến hành phân tích những vấn đề sau: 

Thứ nhất, tâm Chơn như và tâm sanh diệt luôn hiển bày nơi tâm của chúng sanh.

Chúng ta quán xét kỹ nội tâm, chúng ta sẽ nhận thấy: khi chúng ta quên đi sự sáng suốt trong nhận thức thì chúng ta chỉ nhận thức chìu theo sự tác ý, gốc của tác ý này là cái tôi làm chủ con người mình và mình sống và hành động theo. Nhưng những ai thức tỉnh mình sẽ nhận ra: tất cả các biểu hiện trong tâm đều đồng hiện cùng với cái biết. Điều này được diễn đạt trong kinh Tứ Niệm Xứ nói về bốn lãnh vực: thân, thọ, tâm, pháp. Đơn cử như nói về tâm như sau: “Này các Tỷ kheo, ở đây vị Tỷ kheo “với tâm có tham, biết rằng tâm có tham”; hay “với tâm không tham, biết rằng tâm không tham”; hay “với tâm có sân, biết rằng tâm có sân”; hay “Với tâm không sân, biết rằng tâm không sân” hay “với tâm có si, biết rằng tâm có si”; hay “Với tâm không si, biết rằng tâm không si”; hay “Với tâm thâu nhiếp, biết rằng tâm thâu nhiếp”; hay “Với tâm tán loạn, biết rằng tâm tán loạn”; hay “Với tâm quảng đại, biết rằng tâm quảng đại”; hay “Với tâm không quảng đại, biết rằng tâm không quảng đại”; hay “Với tâm hữu hạn, biết rằng tâm hữu hạn”; hay “Với tâm vô thượng, biết rằng tâm vô thượng”; hay “Với tâm có định, biết rằng tâm có định”; hay “Với tâm không định, biết rằng tâm không định”; hay “Với tâm giải thoát, biết rằng tâm giải thoát”; hay “Với tâm không giải thoát, biết rằng tâm không giải thoát”. Các xứ kia như: thân, thọ, pháp cũng nói lên sự đồng hiện của cái biết y như vậy.

 

 

Hai mặt của một nhận thức luôn luôn đồng hiện, luôn luôn diễn ra là một sự thật mà ai ai nếu tinh ý cũng có thể nhận biết được điều đó. Nếu chúng ta thường xuyên thức tỉnh mình ở mặt nhận biết mà không chạy theo những tác động chấp có ta, không chạy theo các xúc cảm tình cảm xảy ra trong tâm; chúng ta chánh niệm về điều này trong cuộc sống, trong tu tập; dần dần chúng ta sẽ phát hiện ra đời sống của chúng ta không phải là những biểu hiện xoay dần lôi kéo chúng ta từ chuyện này cho đến chuyện khác; đời sống không còn làm khổ tâm chúng ta nữa. Chúng ta dần dần sẽ sống trong sự tỉnh giác, trong ánh sáng của tâm; và chính ánh sáng này, sự nhận biết này; là nguyên nhân và cũng là kết quả của giải thoát.

 

 

Chúng ta nhận ra mặt kia của nhận thức nơi tâm chúng ta mà lâu nay chúng ta theo thói quen của nghiệp chỉ chú ý đến mặt này. Khi chánh nhân đã được nhận biết và chúng ta có thực hiện tu tập chúng ta sẽ phát hiện ánh sáng của tâm, trước tiên là sự nhận biết này, dần dần chúng ta thoát khỏi chấp trước vào cái thấy có trung tâm và ngoại vi, chúng ta sẽ phát hiện ra nhận thức của mặt này là tỉnh giác toàn khắp hay Tánh tỉnh giác. Từ nhân nhỏ là tỉnh giác (chỉ biết mọi việc xảy ra); chuyển dần đến mọi sự vật, mọi hiện tượng, mọi tâm trạng không ngoài tỉnh giác. Tỉnh giác bao trùm tất cả tâm, tất cả cảnh; và đó là mục đích mà chúng ta phải kinh nghiệm trong đời tu của mình.

 

 

Con đường tìm về để không còn bị nhận thức của cái tôi thiên vị làm chủ nữa là chúng ta thường quán xét và sống với cái biết luôn luôn hiện diện đơn thuần này. Cái biết mà chúng ta không cần phải nhắc nhỡ mình để biết, không cần phải tạo lập thêm thắt nó, cái biết luôn có mặt trong mọi hoạt động của tâm thức. Nó chính là biểu hiện của tâm thức ở mặt giải thoát, nó là cái mà chúng ta bỏ quên để rồi chỉ chú tâm tới những hình tướng, chú tâm tới những được mất thành thói quen trôi lăn theo dòng sanh tử. Chúng ta tự bịt mắt mình để không thấy được nó, mặc dù nó chưa bao giờ rời mình.

 

 

Khi đã thuần thục trong tỉnh giác chúng ta sẽ thấy mọi diễn biến sẽ không như lúc đầu là mọi hiện tượng xảy ra là có biết như: “Khi tâm có tham, biết rằng tâm có tham…”; mà đến đây, mọi hiện tượng chỉ là một vị của Tánh biết. cho nên nói: “Tâm Chơn như là cái tâm tánh bất sanh bất diệt. Thể và Tướng nó to lớn bao trùm tất cả các pháp.” Người đã thật sự nhận ra tâm Chơn như thì tất cả đều là tâm Chơn như. Cái bị biết và hay biết đều là Chân như.

 

Thứ hai, thể và tướng của tâm Chân như?

“Tâm Chơn như là cái tâm tánh bất sanh bất diệt. Thể và Tướng nó to lớn bao trùm tất cả các pháp”

Thể của Chơn như là Như Lai Tạng là nền tảng xuất sinh hiện hữu và trở về của tất cả pháp. Tướng của Chơn như là biểu hiện của Chơn như: chính là mọi hình tướng đang có ở đây trong mọi mặt của cuộc sống. Ngay nơi tướng của Chơn như này nếu người nào không rời thể của Chơn như thì sẽ thấy Thể và tướng của Chơn như là không hai (bất nhị); cho nên, khi là người tỉnh giác thì mọi hoạt dụng đều là hoạt dụng của Chơn như, mọi hình tướng đều là hình tướng của Chơn như, từ Chơn như.

 

 

Với người đã nhận ra hai mặt đồng hiện của một nhận thức thì: khi giận đồng thời có biết giận. Ở đây, trên con đường trở về đứng trên cái nhìn tương đối, Chơn như chính là cái biết giận (thay vì chỉ chú ý vào sự sân giận mà không thấy có đang biết giận). Đó là cách thực tập trở về, khi tỉnh giác về sự giận này được huân tập hành giả sẽ lần lần thấy ra sân giận cũng là sự tỉnh giác. Tức là hành giả nhận thức được: với sân giận chính là biểu hiện từ thể của nó là Chơn như. Sân giận chỉ là sự sáng tỏ của tỉnh giác.

 

Thứ ba, vọng niệm chỉ là giả danh.

Thể và tướng của tâm Chơn như trùm khắp tất cả pháp, nhưng tại sao người mê không nhận ra tất cả pháp đều là Chơn như mà lại sống trong mê lầm?

Bởi vì người mê bị che chướng bởi vọng niệm. Sao gọi vọng niệm là giả danh? Chơn như có hai biểu hiện không tách rời là thật Không và thật có. Thể của Chơn như thì vắng lặng trong sáng trùm khắp tất cả pháp, tướng của Chơn như thì biểu hiện thành tất cả pháp, tuy biểu hiện là tất cả pháp nhưng lúc nào cũng là Chơn như thật Không. Còn thật có là những biểu hiện dù có thành hình tướng nhưng không rời thể của Chơn như, cho nên các hình tướng đó thật có nhưng là biểu hiện thanh tịnh.

 

 

Chúng ta, những chúng sanh không thấy được điều đó mà trên biểu hiện của Chơn như, chúng ta chấp trước các tướng biểu hiện là cứng đặc, thật có biểu hiện (thật có nhưng bất tịnh vì không thấy được thể Chân như và các tướng là bất nhị) và lầm chấp vào đó. Nhưng đứng trên bản thể Chơn như thì những lầm chấp đó chỉ là giả danh không thật. Ngay cả từ Chơn như cũng giả danh vì so với vọng niệm mà có.

 

 

Cho nên, biết tất cả lầm chấp đều là giả danh để chúng ta lìa lầm chấp này. Như trong kinh Kim Cương dạy: “lìa tất cả tướng gọi là chư Phật” hay “thấy tất cả tướng không phải tướng là thấy Như Lai”. Khi đã lìa tướng hoặc thấy tướng không phải tướng là chúng ta thể nhập Chơn như.

 

Thứ tư, như thế nào là tùy thuận Chơn như?

“_Nếu người nào biết tất cả pháp, tuy có nói bàn, mà không có “năng nói” và “sở nói”; tuy có suy nghĩ, mà không có “năng suy nghĩ”và “sở suy nghĩ”, thì người ấy được tùy thuận Chơn như.”

Năng là trung tâm nhận biết, sở là đối tượng bị trung tâm này biết. Khi chúng ta thấy có ta biết và sự việc, sự vật bị biết là chúng ta đang ở trong mê lầm (có năng sở), cái thấy từ Chơn như đã phân mảnh thành vụn vặt không còn nhất thể nữa.

 

 

Như vậy, khi nói đến hai mặt đồng hiện của một nhận thức là có tư tưởng hay có hình tướng thì có sự nhận biết tư tưởng và hình tướng đó đồng hiện: là vẫn còn năng và sở. Tuy nhiên, sự tỉnh biết đồng hiện cùng với các tư tưởng và hình tướng này; là đầu mối của giải thoát. Đứng trên phương diện sinh diệt hễ còn năng còn sở là còn mê. Nhưng nếu chúng ta từ góc độ nhận thức đồng hiện giữa cái biết và cái bị biết, thay vì chỉ biết theo sự dính mắc, mọi việc là thật có tướng trạng, hình thái để chạy theo; với đồng hiện của cái biết và cái bị biết chúng ta thức tỉnh mình ở góc độ năng biết. Thường nhận ra ánh sáng của cái biết này chúng ta sẽ không còn trôi theo các tướng bị biết, không sanh tâm yêu ghét và dần dần chúng ta an trú trong sự tỉnh biết.

 

 

Khi thực tập được sự tỉnh biết mạnh mẽ và tương tục, chúng ta hoàn nguyên năng biết trở về Tánh nhận biết. Khi đó năng sở sẽ tiêu vong trong sự tỉnh giác toàn khắp của Tánh giác. Và như vậy là chúng ta thể nhập Chơn như. Với Chơn như thì năng biết và sở biết đều là Chơn như.

 

 

Đây là cách tìm về Chơn như trên chính biểu hiện của Chơn như mà biểu hiện nào gần Chơn như nhất. Biểu hiện đó chính là năng biết hay cái biết đồng hiện cùng với các tư tưởng và các hình tướng.

 

Thứ năm, “Còn người nào lìa các niệm (vọng niệm) thì người đó được nhập Chơn như”

Lìa niệm là không còn có niệm hay niệm vẫn có mà không dính mắc vào niệm?

Đây là sự khác biệt giữa giải thoát hẹp và giải thoát rộng. Giải thoát ngoài niệm, không có niệm mới giải thoát là giải thoát hẹp. Vẫn biết niệm nhưng lìa niệm, lìa là lìa sự dính mắc vào niệm chớ không phải lìa niệm là phủ nhận niệm để có một cái thấy giải thoát ngoài niệm là giải thoát rộng.

 

Tâm chúng sanh là sở hữu cả hai tâm sanh diệt và tâm Chơn như. Đúng hơn, vì các tướng vốn là thanh tịnh lưu xuất từ tâm chơn như, các tướng này biểu hiện thanh tịnh và thật Không; chúng ta chấp nó thành thật có cứng đặc, khác biệt, sanh diệt…

 

Khi đã chấp là: thật có, cứng đặc, khác biệt, sanh diệt… thì chúng ta chỉ biết tâm sanh diệt; không còn thấy biểu hiện thanh tịnh của tâm Chơn như nữa. Tâm sanh diệt này che mất đi biểu hiện của tâm Chơn như.

 

Do vậy, cũng tâm sanh diệt nhưng không chấp thì tâm sanh diệt biến thành biểu hiện thanh tịnh và nó là một với thể của tâm Chơn như. Tất cả chỉ trọn trong một chữ lìa; nếu chúng ta thấu được.

 

Tâm giải thoát lìa tâm sanh diệt, không phải là bớt đi trong tâm chúng sanh các tướng sanh diệt để có tâm Chơn như mà là không còn vọng niệm (chấp trước vào các tướng hư vọng). Khi đã lìa các niệm thì tâm Chơn như xưa nay hiển hiện. Tâm Chơn như xưa nay chưa từng sinh chưa từng diệt bao giờ.

 

Các tướng biểu hiện từ Chơn như nếu vọng chấp thì thành sanh diệt, nếu lìa vọng chấp thì cũng các tướng đó nhưng là biểu hiện của tâm Chơn như thanh tịnh. Không có loại bỏ hay thêm vào nơi các pháp, mà chỉ chuyển từ sự nhận thức dính mắc sang nhận thức như thật mà thôi.

 

Thứ sáu, những thí dụ

Các thiền sư Trung Hoa, dùng đủ mọi thủ thuật để khai thị cho đệ tử như: đánh, hét, nắm đứng.., hoặc gọi đệ tử thật bất ngờ… Tất cả nhằm cho đệ tử lìa được tâm sanh diệt. Ngay lúc đó các ngài chỉ cho đệ tử biểu hiện của tâm Chơn như này.

 

Hoặc họ chỉ thẳng vào tâm Chơn như với tốc độ rất nhanh, tâm thức chấp trước không có thể theo lối mòn chấp trước mà tiếp nhận được. Trực tiếp, bất ngờ; khi đó, tâm Chơn như bao giờ cũng đi trước trong nhận thức, ai tinh ý sẽ chớp nhoáng nhận ra, còn không thì lầm qua.

 

Một lời trích dẫn tóm gọn cung cách biểu hiện của tâm sanh diệt và tâm Chơn như của đạo sư Tây Tạng, ngài Tilopa dạy:

Đây là nói đến tâm sanh diệt.

“Vấn đề không phải là những tư tưởng sanh khởi trong tâm, mà vấn đề là chúng ta trở nên bám luyến vào chúng.

 Nếu chúng ta trở nên bám luyến, bấy giờ bất cứ kinh nghiệm nào khởi lên, dầu lạc hay khổ, sẽ có bản chất của sanh tử.

Đây là nói đến tâm Chơn như.

Nhưng nếu chúng ta nhận biết những tư tưởng và phiền não này chỉ là trò chơi sáng tạo của tâm, chúng sẽ chỉ biểu lộ trong không gian rỗng rang vô ngại của trạng thái Pháp thân và sẽ không có chút lợi hay hại nào cho cá nhân”.

(Trích trong Những Chữ Vàng, nhà xuất bản Thiện Tri Thức)

 

Đoạn văn trên của ngài Tilopa vừa chỉ bày biểu hiện hai mặt của tâm chúng ta, mặt khác nó lại là một phương thức thực hành tu tập trực tiếp để sống được với tâm Chơn như.

 

Những bậc thầy có năng lực giải thoát lớn, hay những thánh tích, đạo tràng có nhiều bậc giác ngộ đã thành tựu; khi chúng ta đến đó, chúng ta như vào một trường thanh tịnh, tâm chúng ta sẽ rơi rụng tất cả vọng niệm. Chúng ta có cơ hội để nhận biết tâm Chơn như thanh tịnh như thế nào khi được tiếp cận những nơi này.

 

.         Tháng 9 năm 2016,  Phật lịch 2560

Tánh Hải

 

SHARE:

Trả lời