TÌNH THƯƠNG VÀ HẠNH PHÚC

SHARE:

Nhân loại đã không sống còn và tiến hóa nếu không có tình thương, nếu không có sự quây quần đùm bọc để vượt qua sự tàn bạo của thiên tai, bịnh tật, thú dữ. Các loại sinh vật trên trái đất đã không sống còn nếu không có tình thương để kết thành bầy đàn bảo vệ lẫn nhau. Chúng ta sẽ không thể lớn lên an toàn và nên người, nếu không có sự yêu thương đùm bọc của cha mẹ và cộng đồng…

 

Đức Phật cho chúng ta biết rằng tất cả mọi chúng sanh đều có tính Phật và bình đẳng trong nhu cầu hạnh phúc cũng như khả năng tìm cầu hạnh phúc. Tất cả chúng sanh đều có tiềm năng thành Phật, đều có khả năng phát triển lòng thương.

 

Theo kinh Pháp hoa, con đường tiến bộ chân thật của người Phật tử nói riêng và của mọi chúng sanh nói chung là con đường Bồ tát, con đường tình thương và gieo giống tình thương. Ngoài con đường đó không có một con đường nào khác. Con đường Bồ tát đó tuy là một con đường khó khăn, nhưng cũng là con đường chan chứa niềm vui. Đó là con đường từ bỏ sự nghỉ ngơi an dưỡng của hóa thành để dấn bước trên một con đường thênh thang hơn, con đường tìm thấy lại và sử dụng thiện xảo gia tài trân quí vốn có nơi mình.

 

Trong đời sống hàng ngày, tình thương cũng chứng tỏ là suối nguồn hạnh phúc của con người cũng như mọi loài, là đôi cánh cho sự thăng hoa của đời sống.

 

Nhân loại đã không sống còn và tiến hóa nếu không có tình thương, nếu không có sự quây quần đùm bọc để vượt qua sự tàn bạo của thiên tai, bịnh tật, thú dữ. Các loại sinh vật trên trái đất đã không sống còn nếu không có tình thương để kết thành bầy đàn bảo vệ lẫn nhau. Chúng ta sẽ không thể lớn lên an toàn và nên người nếu không có sự yêu thương đùm bọc của cha mẹ và cộng đồng…

 

Nói về mối tương quan giữa hạnh phúc và tình thương, trong Kinh Pháp Cú, đức Phật dạy:

“Vui thay, chúng ta sống,
Không hận, giữa hận thù!
Giữa những người thù hận,
Ta sống, không hận thù!” (197)

 

Khi có tình thương và nhận thức về tình thương, chúng ta cũng sẽ nhìn rõ hơn chúng ta và người khác. Chúng ta sẽ thấy rằng những người dường như không có tình thương, luôn luôn muốn gây đau khổ cho người khác, là những người thật sự đang đau khổ, đang không được hưởng được hạnh phúc của tâm bình an và nhu cầu kết nối vốn có của mọi người. Khi nhận ra điều đó, chúng ta sẽ mở rộng lòng hơn, chân sẽ bước nhẹ nhàng hơn trong cuộc sống có quá nhiều tranh chấp nầy. Chúng ta sẽ có thể chuyển hóa những mũi tên độc của tham sân si thành những đóa hoa thơm đẹp, như đức Phật đã làm trước khi ngài thành Đạo.

 

Khả năng hạnh phúc của đạo Phật, đạo của tình thương, cũng đã được khoa học chứng minh. Theo một nhóm nghiên cứu ở Hoa kỳ khi rà soát não bộ của một số người tu tập theo đạo Phât, họ thấy rằng những tín hiệu nơi “trung tâm hạnh phúc” trong não của những người nầy luôn luôn sinh động, chứng minh cho sự hiện hữu của tâm bình an và sự hài lòng trong cuộc sống của những người đó. Đại học Wisconsin-Madison cũng theo dõi những khu vực quan trọng về cảm xúc, thấy rằng phía trái của não – “trung tâm hạnh phúc” – liên tục sinh động nơi những người tu tập theo đạo Phật lâu năm. Nghiên cứu khác ở Hoa kỳ cũng cho thấy rằng mức độ hoạt động của phần não tạo ra sợ hãi và lo lắng nơi người Phật tử thấp hơn ở những người khác

 

Như chúng ta biết, đạo Phật là đạo của tình thương đồng thời cũng là con đường xây dựng hạnh phúc. Mục đích của đức Phật khi đi tìm con đường bình an và giải thoát là để đem đến sự bình an và giải thoát cho mọi người, mọi loài. Nguyên nhân của đạo Phật là tình thương và mục đích của đạo Phật là hạnh phúc.

 

Với đạo Phật cũng như tâm lý học hiện đại, tình thương và hạnh phúc là hai thứ đi sóng đôi. Không có tình thương, con người sẽ dễ tạo ra những khổ đau cho mình cũng như cho người. Không có hạnh phúc, con người có khuynh hướng đem sự bất hạnh đến cho người khác. Không có tình thương và hạnh phúc, con người sẽ thường xuyên sống trong ích kỷ và sân giận, và từ đó khép kín cánh cửa bước vào con đường hạnh phúc của chính mình, đồng thời tạo ra khổ đau cho người. Và một trong những sự mầu nhiệm của tình thương là hóa giải được lòng nóng giận, nguyên nhân chính gây ra mọi bất hạnh, khổ đau. Ngày nay, người Tây phương hiểu rất rõ những tai hại của sự nóng giận và những chương trình đối trị nóng giận (anger management) được họ đặc biệt quan tâm.

 

Theo các nhà nghiên cứu Tây phương, nóng giận là một thứ tàn phá thể xác và tinh thần mà không có sự bồi dưỡng, tập luyện nào có thể bù đắp lại. Khi nóng giận thì cơ bắp căng thẳng, mặt đỏ, tai ù … Nóng giận lâu có thể đưa đến tình trạng đau đầu trầm trọng, đau nửa đầu, ung nhọt trong bộ phận tiêu hóa, ăn không tiêu, táo bón, hại thận, ép tim. Về mặt tâm lý, nóng giận gây ra chứng tinh thần trì trệ, mất ngủ, ác mộng…

 

Nóng giận là một trạng thái tâm lý gây hại về cả thể xác lẫn tinh thần, cho mình, cho người, cho cộng đồng, xã hội. Nóng giận chỉ xảy ra khi chúng ta không làm chủ được tâm ý và thiếu vắng tình thương chân thật. Chỉ có tình thương không chân thật, tình thương ích kỷ, mới tạo ra sự nóng giận, ghen tuông, khổ đau, ân hận.

 

Viết đến đây, tôi nghĩ đến những người không tìm thấy niềm vui từ lòng thương đã tạo ra những hậu quả gây ân hận suốt đời.

 

Tôi nghĩ đến những người mẹ, người cha, những bảo mẫu đối xử tàn nhẫn với những ngừoi con, những cháu bé; những người chủ bóc lột dã man người làm; những thầy cô xỉ nhục, mạt sát, bạo động đối với học trò và ngược lại. Tôi nghĩ đến những người bạn cùng lớp, cùng trường, cùng trang lứa … đánh nhau, đâm nhau. Và nhiều thứ như vậy đang xảy ra trên đất nước chúng ta, một đất nước vốn đã có một nền văn hóa thuần hòa lâu đời.

 

Đọc những bản tin đó, chẳng những chúng ta cảm thấy lo ngại cho một xã hội, cảm thương cho những em bé bị hành hạ, bỏ rơi, những người bị hại một cách oan uổng, mà cũng cảm thương cho những người gây ra sự cố. Những nguời mẹ, người cha, người cô, người thầy không được hưởng hạnh phúc của tình thương, của cảm giác kết nối với những đứa con vật chất hay tinh thần của mình. Những người mẹ, người cha, người cô, người thầy phải giày xéo lên thiên chức làm mẹ, làm cha, làm cô, làm thầy, chà đạp lên nhu cầu thương yêu, chăm sóc “những đứa con” và hãnh diện với “những đứa con.” Những học sinh, những người tuổi trẻ không được hưởng hạnh phúc của đời sống thanh bình với những ước mơ hồn nhiên trong sáng …

 

Và rõ ràng một người nhận chìm tình thương là một người không có hạnh phúc. Người đó chưa thật sự thỏa mãn với chính mình, chưa nhận biết về chính mình, chưa có dịp lắng nghe con tim của mình. Con tim của người đó chưa có dịp cảm nhận sự kết nối, giữa mình với người, với vạn vật, đất trời.

 

Nhận chìm tình thương cũng có nghĩa là bỏ quên chính mình, bỏ quên hơi thở của chính mình, vì tình thương gắn bó với từng hơi thở ra vào.

 

Và những đứa bé, những người tuổi trẻ bị ngược đãi kia, với vết thương trong lòng, sẽ trở thành những người lớn như thế nào?

 

Chúng ta không tin rằng có một người hay một chúng sanh nào không có một chút tình thương, vì tình thương là một cái gì căn bản nhất của mọi loài để sống còn và phát triển.

 

Nếu nhìn sâu, chúng ta sẽ thấy rằng những hình thái tiêu cực của tâm chẳng qua chỉ là những chứng bịnh. Những người tạo nên những sự việc tiêu cực đó là những người hành động không theo ý chí tự do của họ, mà bị thúc đẩy bởi những cơn bộc phát của những căn bịnh bên trong. Đó là những con người đáng thương. Và càng đáng thương hơn khi chúng ta biết rằng những chứng bịnh nầy phần lớn đến từ những hoàn cảnh bên ngoài. Những khủng hoảng gia đình, cộng đồng, xã hội, những khủng hoảng văn hóa, kinh tế, chính trị … của thế giới nói chung và đất nước nói riêng ảnh hưởng lên mỗi cá nhân.

 

Dù mọi người đều có lòng thương nền tảng, những áp lực nặng nề của cuộc sống đã làm cho con người nhận chìm lòng thương và lạc lõng với chính mình cũng như với xã hội. Bên cạnh những áp lực của cuộc mưu sinh, con người còn bị những áp lực do sự cố chấp u mê, niềm tin tín điều, sự ganh ghét, tính chất bầy đoàn… tạo ảnh hưởng lên cá nhân, gia đình, xã hội.

 

Sự cố chấp u mê của niềm tin tín điều, tính chất bầy đoàn … đã tạo ra những bất công, khốn khổ ở những nước Tây phương cho đến thế kỷ thứ 19, nay họ đang ra khỏi thì dường như chúng ta lại có phần buông thả để bị kéo vào. Tình trạng nầy nói lên sự xuống giốc của chất lượng sống, sự giảm sút hạnh phúc và thỏa mãn trong đời sống của chúng ta. Và có lẽ chúng ta cũng nên đặt lại vấn đề đã cũ là sự cân bằng giữa sản luợng và hạnh phúc trong đường hướng phát triển quốc gia.

 

Trước tình trạng tiêu cực đó, chúng ta cần một nền đạo đức, một thái độ sống sinh động và tự tại. Sinh động để có thể tiếp xúc với thực tại khổ trong mọi hoàn cảnh khác nhau và với những đổi thay không ngừng; tự tại để có thể không bị đánh bật ra khỏi trung tâm của sự sống.

 

Từ và Bi của đạo Phật có thể đáp ứng được hai yêu cầu đó. Từ Bi là tình thương được đặt trên nền tảng tương kính. Tương kính ở đây lại được đặt trên một nền tảng sâu hơn, đó là sự bình đẳng căn bản về giá trị và khả năng tiến đến chân thiện mỹ, về sự kết nối và dung chứa lẫn nhau giữa mọi người, mọi loài.

 

Môi trường sống lý tưởng của đạo Phật là một môi trường tình thương và hiểu biết, môi trường hài hòa của tình và lý, trong đó cá nhân và tập thể hổ tương xây dựng cho nhau.

 

Từ Bi trong đạo Phật có tính cách đa chiều. Từ Bi không phải chỉ hướng đến tha nhân. Nó còn kêu gọi và tạo điều kiện để mọi người sống từ bi, tìm lại ý nghĩa chân thật đời sống của mình và của người, khám phá và phát huy giá trị đích thực của mình và của người.

 

Làm sáng đạo Phật là làm sáng con người, là phục hồi giá trị làm người, giá trị vốn có của mỗi người. Đó cũng là phục hồi lòng tự tin của mỗi người nơi chính mình. Khi có lòng tự tin chân chính và đích thực, lòng tin không dựa trên những điều kiện tạm bợ bên ngoài mà từ những giá trị vốn có bên trong, khi xác định được ý nghĩa hiện hữu của mình trên thế gian nầy, con người sẽ không bị chi phối bởi những áp lực phi lý đến từ bên ngoài. Đó là con đường hạnh phúc chân thật, con đường đem đến hạnh phúc chân thật, không đem đến ân hận, khổ đau.

 

Và đó cũng là lý tưởng kinh Pháp Hoa.

Với Pháp Hoa, mỗi cá nhân là một nền tảng, cùng có tiềm năng và trách nhiệm ngang nhau.

Thế giới của kinh Pháp Hoa là thế giới được thiết lập ngay trong thế gian nầy và đức Phật cũng đã ân cần kêu gọi mỗi người chúng ta, những người sống ngay trong thế giới nầy, tiếp tay với ngài xây dựng thế giới đó. Đó là thế giới của những người tin rằng mình và mỗi người đều là những vị Phật đang thành và có trách nhiệm làm cho người khác tin rằng họ cũng là những vị Phật đang thành. Tin rằng mọi người, mọi loài đều có sẵn viên ngọc quí nơi mình, viên ngọc Tình thương và Trí tuệ.

 

Với kinh Pháp hoa, tự trọng và tương kính là những đức hạnh đặc biệt cao cả. Các vị Bồ tát sẽ chứng quả Phật sau khi cúng dường vô số chư Phật. Cúng dường vô số chư Phật cũng có nghĩa là cúng dường Tánh Phật vốn có nơi tất cả chúng sanh, cung kính đối với tất cả chúng sanh.

 

Mỗi người đều liên hệ nhưng mỗi người là một cá thể. Chẳng những con cái kính trọng cha mẹ, học trò kính trọng thầy cô, mà cha mẹ, thầy cô cũng cần có lòng tôn trọng sự hiện hữu, tôn trọng nhân cách của con cái, của học sinh. Khi có sự tương kính thì mối liên hệ sẽ trở nên đẹp đẽ, thăng hoa.

 

Ngoài ra, người Phật tử cũng cần nhận rõ tính chất vô thường và tương đối của mọi sự. Con cái rồi sẽ trở thành cha mẹ, học sinh rồi cũng sẽ thành những bậc phụ huynh, những thầy cô. Hiểu tính chất vô thường và tương đối của đời sống sẽ làm cho con người bớt căng thẳng, chấp trước. Khi nhìn thấy được tính chất vô thường và tương đối của những biểu hiện, con người sẽ thấy đúng hơn giá trị chân thật của mình, của người.

 

Do đó, người Phật tử không thể không có một thời gian ngắn quán niệm về tình thương mỗi ngày. Trong các buổi lễ Phật giáo cũng cần có thời gian quán niệm về tình thương. Và tôi nghĩ các trường học, các đoàn thể thanh thiếu niên cũng nên tạo điều kiện cho các em có những sinh hoạt, những phút giây hướng tâm về sự kết nối trong gia đình, xã hội, về những khó khăn của người khác và bày tỏ tình thương. Chỉ cần mỗi tuần một vài lần 5 đến 10 phút, tôi nghĩ xã hội sẽ đổi thay nhiều trong tương lai gần.

 

Và cản trở chính trong việc làm sống dậy tình thương là không biết lắng nghe chính mình. Không biết lắng nghe chính mình, con người sẽ không có nhẫn để nhìn thấy và lắng nghe người khác. Nhẫn trong đạo Phật không có ý nghĩa “chịu khó” mà là “dừng lại và mở lòng” để thấy và nghe. Khi đó, chúng ta sẽ thấy rằng tất cả mọi người đều như nhau, đều có tiềm năng tiến đến chân thiện mỹ như nhau và đều có nhu cầu hạnh phúc như nhau.

 

Nhưng tình thương còn nằm trong suy nghĩ thì vẫn chưa đủ. Tất cả mọi tôn giáo trên thế giới đều đề cập đến tình thương, đều kêu gọi tình thương, lấy tình thương làm nền tảng. Nhưng rồi những biến cố được gọi là thánh chiến đã xảy ra lấy đi sinh mạng và hạnh phúc của hàng triệu người, những quốc gia nhân danh công lý đã tạo ra những cuộc chiến tranh đẫm máu trên những đất nước của những dân tộc khác, những nền văn hóa khác. Do đó, tình thương dù là chân lý, là thứ có sẵn nơi mọi nguời, nó cũng cần được khơi dậy và trau giồi bằng sự xúc chạm với đời sống, được vuốt ve nuôi dưỡng bởi đời sống.

 

Cuộc đời đầy bất trắc, và mọi người đều cùng ở chung trên một con tàu bất trắc đó. Chúng ta thấy xảy ra nhan nhản những sự việc không ngờ, vô số những phút giây không tự chủ. Hãy giúp nhau xây dựng một xã hội tỉnh táo và hạnh phúc bằng cách giúp nhau quán niệm về vô thường và thực hành tình thương.

 

Thị Giới.

SHARE:

Trả lời