ĐƠN SƠ, LẶNG LẼ, RỖNG RANG, GƯƠNG SÁNG…

SHARE:

Đức Đạt Lai Lạt Ma khi đi các nơi thuyết pháp, Ngài biết rằng người nghe cũng từ nhiều tôn giáo khác nhau. Thường khi, Ngài dạy về tâm từ bi, về ước mơ hạnh phúc của mọi người và do đó phải giữ tâm bất hại, về hòa bình thế giới… Như thế sẽ thích nghi với người từ các tôn giáo khác.Vì khi đọc diễn văn trước Quốc Hội Mỹ, không lẽ Ngài thuyết pháp về Bát Nhã Tâm Kinh, một đề tài Ngài rất ưa thích khi giảng trong các chùa Việt Nam.

 

Bài này được viết như một ghi chú cho Thiền Tông, để như một cách tiếp cận đơn giản… và hy vọng, cũng là một ghi chú cho rất nhiều pháp khác của nhà Phật, kể cả Tịnh Độ. Bởi vì, Thiền Tông là pháp môn cốt tủy nhất, trực tiếp nhất, không qua bất kỳ phương tiện nào khác, và cũng có thể dùng làm chiếc cửa lớn cho tất cả các pháp khác.

 

Do người viết sở học không bao nhiêu, bài này có thể sẽ gây bất đồng, sẽ sinh khởi dị kiến từ một số độc giả; dù vậy tất cả những dòng chữ này được viết xuống đều vì mong muốn làm sáng tỏ chánh pháp. Xin nói rõ: người viết không phải là một thiền sư, cũng không phải một học giả. Người viết chỉ là người tập thiền, người học kinh… đơn giản như thế; hay đúng hơn, “người viết không là một pháp nào có thể là.”

 

Nếu người đọc thấy bất đồng, xin nghĩ rằng bất đồng là điều bình thường, và xin chớ nghĩ rằng người viết muốn bài bác những gì. Xin mời nghĩ rằng, và từng giây phút xin mời nghĩ rằng: không hề có ai đang viết và cũng không hề có ai đang đọc, rằng cả người viết và người đọc đều là những khối sắc-thọ-tưởng-hành-thức đang chuyển biến lay lắt trước cơn gió nghiệp của thời gian, rằng người viết chỉ là một hình ảnh lung linh hiện ra trong tâm người đọc (1), lúc đó người đọc sẽ thấy những bực dọc hay nghi ngờ (hay ưa thích) với người viết sẽ tan biến; ai mà đi bực dọc hay nghi ngờ (hay ưa thích) với một hình ảnh (vốn là sản phẩm) trong tâm mình.

 

Một lý do muốn làm sáng tỏ thêm vê Thiền Tông, cũng vì có những bạn văn tuổi đã vào cổ lai hy, cuối đời hướng tâm về Phật pháp và băn khoăn trước cả rừng kinh luận. Do vậy, bài này nhắm phần lớn về khối độc giả cao niên mới tìm hiểu về Phật giáo, và hy vọng trình bày bằng ngôn ngữ thực dụng tới mức độc giả có thể ngưng ở bất kỳ dòng chữ nào để tự nhìn vào tâm và nghiệm ý cổ đức. Tất cả những gì bất toàn, chỉ là do người viết chưa hiểu trọn ý kinh.

 

Hoàn cảnh người Việt hiện nay phức tạp vô cùng, vì rất nhiều người ở các tiểu bang xa, hay ở các quốc gia rất xa, khó gần chùa, gần thầy, và có khi phải tự tu học. Trường hợp như thế, xin đề nghị: trước tiên, nên đọc thật nhiều sách về Phật học căn bản, rồi đọc kinh thật kỹ bằng tiếng Việt hay tiếng Anh  qua Internet, đọc càng nhiều càng tốt, chỗ nào không hiểu thì bỏ qua để đọc sách khác, nên đưa cà nhà già trẻ lớn bé tới một ngôi chùa (nếu không gần chùa Việt, có thể tới bất kỳ chùa quốc tịch nào cảm thấy thích hợp) để quy y và thọ giới, sám hối, phát đại nguyện và tu học theo khuynh hướng tự thấy thích nghi. Và nên tu học từng giây phút, trọn ngày như thế. Một phút tu là hạnh phúc trọn 60 giây, là ngay tức khắc hạnh phúc. Những câu hỏi có thể có, hãy gửi qua email tới các chủ trang web Phật học, và giữa những câu trả lời có thể dị biệt hãy tìm những gì có lợi cho việc tu học của mình.

 

Thời nay may mắn, có những pháp hội của Ngài Đạt Lai Lạt Ma, người được dân tộc Tây Tạng tin là hóa thân của Đức Quan Âm Bồ Tát, và nên hiểu rằng Ngài là người tu được tâm tương ưng như của Đức Quan Âm.  Tham dự các pháp hội của Ngài là cơ duyên lớn cho chúng ta, cả kiếp này lẫn kiếp sau, vì Ngài có lời nguyện không bỏ chúng sanh. Hãy hình dung rằng chúng ta đang bơi giữa biển sóng, trải qua vô lượng kiếp, và những vị như Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nguyện là không rời bỏ cõi này, khi nào còn chúng sanh nào chưa  giải thoát. Bản thân người viết cũng có một niềm tin vững chắc rằng: Đức Phật Thích Ca không hề rời bỏ chúng sanh (có người nghĩ rằng Ngài sẽ không xuất hiện nữa), bởi vì Kinh MN 72 (Aggi-Vacchagotta Sutta) nói rằng Ngài nhập Niết Bàn là cảnh giới không gọi bằng bất cứ ngôn ngữ nào được nữa, nơi ‘xa lìa mọi phân loại của ý thức, hỡi Vaccha, Như Lai là rất mực sâu thẳm, vô tận, khó hiểu, hệt như biển”… Và rồi Đức Phật lập lại rằng Ngài xa lìa  tứ cú (4 mệnh đề) hệt như Kinh Kim Cương. Nghĩa là, Đức Phật không hề rời xa chúng ta, mà cũng không gần chúng ta (hiểu theo các nghĩa sắc thân vật lý).

 

Một lý do mời gọi người tu nên đọc rất nhiều từ mọi tông phái cũng vì, cần có đủ lý luận để biện giải cho quyến thuộc và bạn hữu về Phật pháp. Thời này là cách mạng truyền thông: trên TV, báo, đài, Internet… những tôn giáo khác đang tuyên truyền 24/24 giờ. Nếu chúng ta không đủ lý luận, và nếu không quan tâm về những gì thế hệ trẻ sẽ đọc, chủ yếu là tiếng Anh và Pháp, chúng ta có thể sẽ là những Phật tử cuối cùng trong gia tộc mình. Thấy như thế, mới biết ơn sâu từ các đại thiện tri thức thời nay như   Đức Đạt Lai Lạt Ma.

 

* *

Chúng ta nhiều khi bị lúng túng, vì trong gia tộc cũng có người theo đạo khác, và chúng ta muốn tạo cơ duyên cho họ nghe chánh pháp. Ngay cả khi chúng ta nói về tôn giáo nói chung, khó là làm sao để người khác đạo chịu nghe mà không nổi sân, không phiền não, và không hủy báng chánh pháp.

 

Thí dụ như trong nghề truyền thông. Một phóng viên tất nhiên phải gặp rất nhiều hạng người trong xã hội, từ rất nhiều tôn giáo khác nhau. Lời nói sơ suất có thể bị hiểu là chỉ trích đạo khác; xã hội lại bất hòa.

 

Đức Đạt Lai Lạt Ma khi đi các nơi thuyết pháp, Ngài biết rằng người nghe cũng từ nhiều tôn giáo khác nhau. Thường khi, Ngài dạy về tâm từ bi, về ước mơ hạnh phúc của mọi người và do đó phải giữ tâm bất hại, về hòa bình thế giới… Như thế sẽ thích nghi với người từ các tôn giáo khác.Vì khi đọc diễn văn trước Quốc Hội Mỹ, không lẽ Ngài thuyết pháp về Bát Nhã Tâm Kinh, một đề tài Ngài rất ưa thích khi giảng trong các chùa Việt Nam.

 

Thích nghi tuyệt vời khi chúng ta nói chuyện với người ngoại đạo, là nói về Kinh Từ Bi (Metta Sutta). Có lẽ, ít nhất, chúng ta cũng hạnh phúc vì gieo nhân duyên cho họ kiếp sau sẽ gặp Phật pháp: Khắp thời đi đứng nằm ngồi, hãy rải tâm từ ba cõi, yêu thương tất cả chúng sinh, như mẹ yêu thương con một…

 

Có những người chúng ta biết rằng, lần gặp đầu cũng có thể là lần gặp cuối, vì họ sẽ đi về những tiểu bang thật xa. Chúng ta nói gì để gây cơ duyên  cho họ gặp chánh pháp về sau?

 

Có lẽ, dạy thiền chánh niệm cũng là tạo được cơ duyên. Trong đó, dạy niệm hơi thở là giúp họ an lạc, giữ sức khỏe, chữa bệnh, tăng trí nhớ… Pháp này không còn độc quyền của Phật giáo, vì cũng đang dạy ở nhà thờ, quân đội, bệnh viện, trường học… và trở thành một công cụ phổ biến. Thầy Thích Nhất Hạnh thường dạy pháp niệm hơi thở, và hiển nhiên là thích nghi cả với mọi người khác tôn giáo.

 

Có lẽ, nên dạy tin sâu nhân quả. Bởi vì, Đạo Phật dạy về tin sâu nhân quả, trong khi hầu hết (hay tất cả) các đạo khác chỉ dạy phi-nhân-quả, chỉ dạy cầu xin “hồng ân” từ một đấng siêu nhiên nào đó. Tin sâu nhân quả là độc quyền của Phật giáo.

 

Có lẽ, nên dạy về các pháp là vô ngã, là vô thường, vì đây là lối đi rất riêng của Phật giáo. Khó chỉ là trình bày bằng ngôn ngữ đời thường, để người nghe không có cảm giác bị truyền giáo.

 

Có lẽ, dạy quán sự chết cũng là một trong những pháp tiện nhất, mà không cho người nghe cảm giác bị truyền giáo. Bởi vì, Đức Phật có dạy pháp niệm sự chết. Trong khi hầu hết (hay tất cả) các tôn giáo khác chỉ dạy về “cầu nguyện được phục sinh,” vì họ sợ nghĩ về một cõi lặng lẽ.

 

Đức Đạt Lai Lạt Ma viết rằng Ngài mỗi ngày quán tiến trình sự chết theo phương pháp Mật tông, trung bình 7 hay 8 lần mỗi ngày (sách “The Joy of Living and Dying in Peace,” ấn bản đầu, NXB Harper, trang 29). Dĩ nhiên, Mật giáo là quá phức tạp. Trong khi chúng ta chỉ quan tâm về Hiển giáo.

 

Bản thân người viết thường niệm sự chết như một cách giữ sức khỏe. Khi làm việc quá mệt, là nằm xuống, hoặc ngồi thẳng lưng trên ghế, nhắm mắt lại, hình dung rằng hơi thở chậm lại,  rất chậm, cảm nhận sự chết lan nhẹ nhàng từ dưới chân lên đỉnh đầu, tỉnh thức cảm nhận hơi lạnh của sự chết khắp người. Tập quen, người viết thường khi đứng ngoài chợ, đi ngoài phố cũng thấy mình như xác chết biết đi. Đây là một cách giữ sức khỏe tuyệt vời. Và có thể chi cho người đạo khác, mà không ngại bị xem là truyền giáo.

* *

Trong khi tìm học và đọc nhiều, sẽ thấy ngay cả trong giới học Phật cũng chia ra nhiều tông phái, và chúng ta nên nghiên cứu cả các tông phái khác. Lý do: thế hệ Phật tử sau chúng ta, không đủ tiếng Việt nữa, sẽ đọc sách Phật giáo bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Và các vị sư, các học giả viết sách Phật học tiếng Anh, tiếng Pháp đó sẽ có rất nhiều giải thích khác với chúng ta. Đồng ý hay không, là chuyện khác. Nhưng nên chuẩn bị cho thế hệ trẻ của thế kỷ 21 đối diện với một rừng Phật học  không giống nhiều với thời chúng ta khi mới học Phật ở thế kỷ 20. Hãy thấy rằng các giáo sư đại học Hoa Kỳ: họ sẽ ảnh hưởng tới việc học Phật của thế hệ thứ nhì, thứ ba… của cộng đồng Việt ngoài  nước. Nhiều thiền sư và học giả quốc tế, cả gốc Việt, rất uyên bác, rất đa dạng, giỏi nhiều sinh ngữ và cổ ngữ, cũng chia thành nhiều tông phái, nhưng cũng có nhiều người sẽ vạch ra các hướng đi rất mới, rất bất ngờ.

 

Trong các cuộc tranh luận, dị biệt lớn nhất là quan điểm  về tái sanh và thân trung ấm.

 

Phật giáo Tây Tạng và Bắc Tông dạy rằng có tái sanh, có thân trung ấm. Trong khi nhiều thầy Nam Tông nói rằng có tái sanh và không có thân trung ấm, vẫn có nhiều (không phải ít) học giả Nam Tông (như Bhikkhu Sujato, như Piya Tan) nói rằng có tái sanh và có thân trung ấm.  Nhưng ở một cực xa hơn, nhiều Thiền sư, học giả Hoa Kỳ nói rằng không có chuyện tái sanh, không có chuyện kiếp trước và kiếp sau, vì họ nói rằng Đức Phật nói tái sanh và thân trung ấm chỉ là ẩn dụ. Trong khi đó cũng có những vị nói lưng chừng, giữa hai cực rất xa nêu trên. Thế hệ con em chúng ta ở Mỹ, ở Anh, ở Úc sẽ  đọc, sẽ nghe đủ thứ dị biệt đó. Các học giả gọi đây là cuộc tranh luận lớn đối với Phật giáo Hoa Kỳ. Các bài viết bằng tiếng Anh đều có giá trị lớn về nghiên cứu, đều nên đọc, dù chúng ta có đồng ý hay không. Các links liên hệ để ở (2).

 

Thiền Tông trả lời thế nào? Người viết không trả lời được, vì không có thẩm quyền gì.

 

Tuy nhiên, nếu cho người dựa cột được lên tiếng, xin thưa rằng người viết đã đọc nhiều sách của Ngài Đạt Lai Lạt Ma, và thân cận một số vị Lạt ma, nên rất mực tin vào Ngài. Còn nhìn dưới mắt Thiền Tông, xin thưa rằng chúng ta đã chết đi và tái sanh cả tỷ tỷ lần trong ngày. Trong những khoảng chết đi và tái sanh đó, có những khoảnh khắc bất định, lơ lửng… và đó là thân trung ấm.

 

Có cách nào nói theo ngôn ngữ Thiền Tông? Có như thế. Đức Phật đã nói rồi, trong Kinh Bahiya. Trong Kinh Kim Cang (hay Kinh Kim Cương). Trong Bát Nhã Tâm Kinh.

 

Chư Tổ Thiền Tông đã nói rằng không hề có một pháp nào trao cho người, Thiền Tông là phải tu cái pháp không có gì để tu hết. Vì hễ nói là phải tu gì, hay phải niệm gì, lập tức là rơi vào tâm quá khứ rồi, đã mất liền cái khoảnh khắc hiện tiền. Vì ý thức luôn luôn là cái xuất hiện của một vài khoảnh khắc sau khi cái  hiện tiền trở thành quá khứ. Chúng ta cần ý thức để làm toán, để biết đường lái xe… Đúng thế. Nhưng đó là kỹ năng để tồn tại trong cõi này. Còn chuyện tu học sẽ thấy: ý thức là cái đi sau các pháp, là cái tư lường với quá khứ, là phải đập cho vỡ tan tành ý thức ra. Chư Tổ nói, hễ mở miệng là trễ rồi.

 

Thí dụ, nơi đây chúng ta dẫn Kinh Bahiya. Trích lời Đức Phật dạy Ngài Bahiya:

“Bahiya, hãy tự tu tập thế này: trong cái được thấy sẽ chỉ là cái được thấy, trong cái đuợc nghe sẽ chỉ là cái được nghe, trong cái được cảm thọ sẽ chỉ là cái được cảm thọ, trong cái được thức tri sẽ chỉ là cái được thức tri…”

(Bahiya, you should train yourself thus: ‘In the seen will be merely what is seen; in the heard will be merely what is heard; in the sensed will be merely what is sensed; in the cognized will be merely what is cognized.’ – Bản dịch của John D. Ireland) (3)

 

Đức Phật dạy tuyệt vời như thế. Trước tiên, chúng ta sẽ lấy thí dụ từ lời Đức Phật dạy về nghe. Bây giờ, chúng ta xét về tứ pháp ấn (vô thường, bất như ý, vô ngã, rỗng rang không tự tánh) qua Kinh Bahiya. Khi giữ tâm cho thật đơn sơ và lặng lẽ, thật rỗng lặng, sẽ thấy tức khắc lời Đức Phật dạy. Đây là kinh nghiệm tuyệt vời. Hãy trọn lòng tin Đức Phật, chúng ta sẽ lập tức thấy ngay (không cần qua lý luận) tứ pháp ấn, còn gọi là bốn đặc tướng của các pháp.

 

Thế này. Bạn hãy ra ngồi ở mái hiên, hay ở giữa vườn, hít thở dịu dàng, giữ tâm thật đơn sơ, thật lặng lẽ, buông xả hết tất cả vướng bận… Không cần niệm bất cứ gì hết, chỉ giữ sự tỉnh thức, lặng lẽ. Bất chợt, bạn nghe tiếng chim kêu. Tiếng chim kêu hiện lên và biến mất tức khắc; đó là vô thường. Tiếng kêu từ nhân duyên hiện lên trong tâm, và rồi biến hẳn đi; tiếng kêu đó là “rỗng rang trong gương tâm sáng” (do căn, trần, thức đủ duyện là tiếng kêu hiện ra) và đó là Không. Tiếng kêu biến mất, không lưu dấu trong không gian; và đó là vô ngã. Bạn muốn níu lại tiếng kêu ấy dù bất cứ lý do gì, thí dụ như để xem âm vang trầm hay bổng, là chim sơn ca hay chim hoàng anh… và không thể níu lại được để thẩm định; và đó là bất như ý. Trong cái tiếng kêu được nghe buốt  lạnh hư không đó, bạn trực nhận ngay không hề có cái “ta” và cái “của ta” nào ở đâu. Nếu nói có “cái ta” nào, ngay “cái ta” đó là cái được hiển lộ ra tiếng kêu, và ngay tức khắc “cái gọi là ta” đó biến dạng. Nên người  xua nói, nhìn hoa, sẽ thấy “hoa với người vô biệt.”

 

Chữ dukkha trước kia thường dịch theo Hán văn là khổ (suffering), nhưng chữ này có nhiều nghĩa, hiện nay thường dịch là bất như ý (unsatisfactoriness). Vấn đề là khổ với ai, là bất như ý với ai… trong khi hễ thấy ngay cái được nghe là vô ngã, và cái nghe tan biến theo cái được nghe, nghĩa là tức khắc các pháp vô ngã… lập tức, cái khổ đó tức khắc biến mất, và đó là khổ diệt. Tức là, Tứ Diệu Đế thành tựu ngay trong cái nghe tiếng chim kêu đó. Và thấy tâm tịch diệt, muốn gọi là gì cũng được, chỉ còn là cái không ngôn ngữ.

 

Kinh nghiệm này là tức khắc. CÁI ĐƯỢC NGHE tự thân đủ các pháp ấn. Cái được nghe biến hiện vô chừng. Còn CÁI NGHE? Đó sẽ là ly tức cú, sẽ là tuyệt bách phi… sẽ là không một lời để nói, vì hễ mở miệng, là trễ rồi. Tất cả các Kinh Lăng Già, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Kim Cương, Tâm Kinh Bát Nhã… không lìa khoảnh khắc này của tâm đơn sơ, tăm lặng lẽ, nơi tất cả các pháp đều đã buông xả, và không có gì để buông xả.

 

Nghe câu hát “trầm hương đốt, xông ngát mười phương…” bạn có muốn nghe trở ngược nốt nhạc nào trong đó cũng không được, vì lời phát ra là biến tức khắc rồi. Và cái được nghe đó là vô thương, là vô ngã, là bất như ý, là rỗng rang không một pháp.

 

Từng âm thanh hiện lên trong tâm gương sáng rỗng rang. Từng khoảnh khắc như thế, là Thấy Tánh. Tức là thấy các pháp vốn vô tự tánh. Thấy các pháp hiện lên và biến mất trong gương tâm rỗng rang rực sáng và lặng lẽ. Đó là Thiền Tông: yêu cầu trước tiên, phải Thấy Tánh, sau đó là bảo nhậm liên tục.

 

Lúc đó, nói rằng còn phải tu gì đi nữa, cũng là hỏng.

 

Nơi này, xin ghi một vài ý, từ một thí dụ đã viết năm ngoái.

Thí dụ, như giọng ca một ca sĩ. Có lẽ, Thái Thanh là ca sĩ có giọng ca hay nhất của dân tộc Việt Nam trong một thế kỷ tân nhạc vừa qua, và hầu hết mọi người từng nghe giọng ca của bà. Câu hỏi là, bạn đang ngồi nhìn lên sân khấu, trực tiếp nhìn và nghe ca sĩ Thái Thanh hát, những âm thanh vang trong không gian đó có gọi được là có, hay gọi là không? Có ai chụp bắt được những âm thanh bà vừa hát? Không ai chỉ ra được phương xứ của những âm thanh bà vừa hát ra. May mắn, bây giờ có máy ghi âm. Nhưng ngay cả như thế, cũng không ai chỉ ra tánh của những âm vang do ca sĩ này vừa hát ra. Tất cả đều từ nhân duyên khởi lên, phảỉ có một ca sĩ Thái Thanh rèn luyện một đời cộng với tài năng bẩm sinh, có ca khúc, có trống đàn, có luyện tập… nhưng ngày hôm đó vẫn khác ngày hôm sau, ca khúc trước vẫn khác ca khúc sau, từng giây phút vẫn độc đáo, không hề giống giây phút nào, và tất cả đều vô tự tánh, đều không thực tánh, đều vô ngã, đều không có người ca, không có lời được ca, cũng không có người nghe mà chỉ có cái được nghe… Không ai chụp bắt được bất cứ gì hết. Vì nốt nhạc này khởi lên, chúng ta nghe là có; và nốt nhạc đó biến mất để chỗ cho nốt khác, lúc đó chúng ta nghe là không. Đó là vô thường, và tất cả đều là duyên khởi. Nếu bạn giữ tâm cho thật lặng lẽ và rỗng rang, bạn sẽ cảm nhận tức khắc như thế. Cảm nhận bằng toàn thân của bạn. Không qua lý luận gì, vì lý luận là sản phẩm ý thức, luôn luôn là cái tới sau.

 

Ngắn gọn, các pháp từng khoảnh khắc là bất động, hiểu theo nghĩa là không hề di chuyển vì tính độc đáo của từng pháp, từng khoảnh khắc. Đồng thời cũng gọi là bất nhị, vì có với không như dường là một, hay đúng hơn, cũng không gọi là bất nhị được — chỉ là vô ngôn mà nhận ra tánh các pháp thực sự là vô tự tánh, vì không dùng ngôn ngữ được chỗ này. Và cũng vì từng âm vang chính là tâm hiển lộ ra qua cái được nghe. Do vậy, không thể nói là cảnh ca sĩ Thái Thanh đứng hát đã đi tới đâu, bởi vì nó chỉ là do nhân duyên hiện ra. Khi màn hạ, khi đèn tắt, khi nhạc sĩ rút dây đàn, khi ca sĩ Thái Thanh rời quán nhạc… cảnh cũ là duyên hợp, nên không thực tướng, và là không hề đi, vì cũng chẳng hề tới. Cảnh đó cũng là tới và đi trong Tánh Không của gương tâm rỗng sáng. Chính cái toàn thể đó đã hiển hiện ra, vận hành bởi Lý Duyên Khởi. Toàn khối đó, là cái đương xứ tức chân.

 

Ngắn gọn hơn, như Đức Phật dạy, rằng trong cái được nghe chỉ là cái được nghe. Nghĩa là, tức khắc, chúng ta có thể trực nhận tất cả các pháp vô thường chỉ qua cái được nghe. Từng nốt nhạc hiện rồi biến. Không ai níu được nốt nhạc đã qua. Và là cảnh hiện trong gương tâm sáng rỗng rang của bạn.

 

Bây giờ, nói thêm về cái được thấy (khi nghe nhạc trong tiệm, trong thí dụ nêu trên, tất nhiên là cảnh cũng hiện qua cái được thấy).

 

Hãy thử thế này, bạn ngồi lặng lẽ ở bên hiên. Hãy nhắm mắt, hít thở lặng lẽ, giữ tâm thật lặng lẽ. Chỉ giữ sự lặng lẽ và tỉnh thức (để dễ nhớ, theo câu kệ: tỉnh tỉnh lặng lặng), tới một lúc bạn thấy không một niệm nào khởi trong tâm, lúc đó, hãy dịu dàng mở mắt ra, sẽ thấy trước mắt, giả sử có lá cờ bay phất phới trước gió, trong màu nắng xế bóng nghiêng qua ngả lại. Cảm giác tức khắc là: Toàn cảnh lá cờ bay trước gió sẽ là hình ảnh trong tâm. Đó là cái được thấy. Cảm giác đầu tiên, bạn không thấy cảnh đó ngoài tâm. Hình ảnh lá cờ bay theo gió, hình ảnh chao động, là chập chùng vô lượng hình ảnh của vô thường. Hình ảnh cờ bay cũng là vô ngã, vì theo gió lặng hay động mà hiện ra, và là bất như ý vì không hề có gì được chủ động nơi đây, và là Tánh Không rỗng rang vì nếu có thực tánh gì thì lúc đó không thể có chuyển động, không thể có biến hiện.

 

Lúc đó, bạn không thấy cảnh lá cờ ngoài tâm, nhưng một chặp sau, tập quán lý luận  nhị nguyên mới kéo bạn về suy nghĩ là có cái ngoài tâm. Đức Phật đã nói, không phải ngoài tâm đâu (qua Kinh Tất Cá và Kinh Thế Giới) rằng thế giới đó, cảnh lá cờ bay đó, chỉ là hiển lộ tương ưng của sắc thọ tưởng hành thức thôi.

 

Không thể nói là không có cảnh. Nhưng cũng không thể nói có cảnh ngoài tâm. Đó là lý do nhiều vị tổ khi trực nhận ra bản tâm rỗng rang vô tánh này đã nói rằng không ngờ tâm mình nói nhỏ thì nhỏ như mũi kim, nói lớn thì bao trùm cả núi sông biển trời, và ngó cho cùng thì bản tâm này không ở đâu hết, không trong thân và cũng không ngoài thân mình. Khi bất chợt đau vì ngón tay trúng nhằm mũi kim mới biết là tâm hiện ra ở cảm thọ, nơi ngón tay vừa bị thương. Nhưng khi ngó lại ngón tay thì không tìm ra đâu tâm trong hay ngoài da này. Cũng hệt như tiếng chim kêu, tất cả các pháp đều không lìa tâm, nhưng tâm  lại không phải tất cả các pháp. Nên mới nói, tâm này là gương sáng rỗng lặng. Tham sân si cũng từ tâm này khởi lên, cũng như sóng khởi lên từ nước. Nhưng khi ngó vào niệm tham, niệm sân… lập tức các niệm này biến diệt vào cõi rỗng lặng của tâm gương sáng này, cũng như sóng tan vào nước.

 

Cứ như thế mà tu thôi, hễ khởi lên bất kỳ ý thức gì, cũng phải quăng bỏ đi thôi, vì ý thức luôn luôn là cái trễ vài sát-na sau cái hiện tiền.

 

Tại sao rời bỏ ý thức? Xin thưa: Thiền Tông là kinh nghiệm trực tiếp, là thấy ngay tức khắc núi rừng mưa bay là ảnh hiện ra trong tâm, và cảnh trước mắt tức khắc (y hệt tiếng chim kêu là tâm, nhưng cũng không phải tâm) – tương tự, cảnh núi rừng mưa bay trước mắt là tâm, nhưng cũng không phải tăm, nhưng không lìa tâm mà có, và ngay khi thấy cảnh chỉ là hình bóng trong tâm, thế là thấy hiện ra bốn pháp ấn, và đó là thấy tánh, cũng là thấy vô tự tánh. Hoặc đơn giản hơn, lấy thí dụ đã nêu, như khi ngồi nghe ca sĩ hát, mắt chúng ta thấy cảnh trên sân khấu thực sự chỉ là ảnh lung linh hiện trong tâm mình.

 

Thiền Lâm Tế sử dụng chữ tâm và cảnh, nhưng Thiền Tào Động sử dụng chữ “chính” và “thiên” cũng là tương tự.

 

Riêng Thiền Tào Động Nhật Bản của Thiền Sư Dogen (Đạo Nguyên) nói rằng cốt tủy chỉ là: ngồi chỉ là ngồi, không làm gì hết, chỉ là buông bỏ thân tâm.

 

Khi nói theo ngôn ngữ Đức Phật ở Tạng Pali: buông bỏ thân tâm, chính là quăng bỏ sắc-thọ-tưởng-hành-thức, quăng bỏ kiến văn giác tri, là không một pháp nào để dính vào. Và như thế, trở về các kinh về lời dạy ngắn gọn đã nói ở (1).

* *

Trong những khoảnh khắc như thế, làm gì có tham và sân để phải tu, phải sửa nữa. Kinh Phật nói rằng, hễ dứt tâm tham, là vào thánh quả A Na Hàm (quả thánh thứ 3). Tương tự, hễ dứt tâm sân, là vào thánh quả A Na Hàm (quả thánh thứ 3). Tức là, chỉ cần dứt một tâm bất thiện tham hay sân, là vào cõi tịnh độ Bất Lai (còn gọi là 5 cõi trời tịnh độ), và từ đó sẽ tới thánh quả A La Hán.

 

Như thế, có phải pháp môn Tịnh Độ là phương tiện để vào cõi Bất Lai?

 

Người viết không biết, và do vậy không dám trả lời. Thực ra, Phật Giáo Tây Tạng cũng dạy pháp Tịnh Độ, và rất phức tạp, khi dạy về giải thoát trong thân trung ấm.

 

Có thể giải thoát trong thân trung ấm hay không? Đức Phật có dạy như thế trong Kinh Pali, theo lời nhiều học giả.

 

Chú thích thứ 27 trong bài “Rebirth And The In-Between State In Early Buddhism” (2) của Sư  Bhikkhu Sujato ghi rằng Tạng Pali có nói về giải thoát trong thân trung ấm để vào thánh quả  A Na Hàm ở các kinh: DN 33.1.9, SN 46.3, SN 48.15, SN 48.24/5, SN 48.66, SN 51.26, SN 54.5, SN 55.25.8, AN 3.86.3, AN 3.87.3, AN 4.131, AN 7.16, AN 7.17, AN 7.52, AN 7.80, AN 9.12, AN 10.63, AN 10.64… nghĩa là, rất nhiều kinh Pali ghi lời Đức Phật dạy vào cõi Tịnh Độ A Na Hàm trong thân trung ấm.

 

Chỗ này người viết không có đủ kiến thức, nên không dám suy đoán, chỉ ghi lại như thế, để các học giả thảo luận.

 

Thực ra, Tịnh Độ Tông truyền thống, với 3 Kinh và một Luận, căn bản là khác tông chỉ với Nam Tông.

 

Giả sử, có anh bạn XYZ có thể hỏi rằng, Đức Phật A Di Đà không có trong lịch sử, ít nhất cũng không có trong Tạng Pali, đúng không?

 

Trong ngôn ngữ Thiền Tông, có thể trả lời bằng ngôn ngữ rất đơn sơ:

“Ủa, vậy hả, chuyện đó có gì lạ đâu, vì Đức Phật A Di Đà cũng nói rằng ngài không hề có, và không phải thế sao, và bây giờ anh XYZ mới thắc mắc; vậy bạn tưởng là người tên XYZ thực sự là có thực?”

vua sam hoi chua hoe nhai

Chùa Hòe Nhai (số 19 phố Hàng Than, Hà Nội)
vẫn còn thờ pho tượng vua Lê Hy Tông
(1675-1705) quỳ sám hối trong khi
tượng Phật ngồi trên lưng vua.
Ảnh: Giác Ngộ

Trong các kinh dạy pháp ngắn gọn ở Tạng Pali, Đức Phật thường nói về cách nhìn “không phải có, không phải không.” Rất nhiều ngôn ngữ cơ phong tưởng như giỡn của Thiền Tông đều là lời chỉ thẳng, đa số có thể dò lại trong Kinh Pali (như chúng ta đã dò ra).

 

Thiền sư Tông Diễn  (1640-1711), người có bài thơ tuyệt vời “hữu vô câu bất lập” – có và không, đều không lập – cũng là người còn để lại một dấu ấn lớn hiện nay: ngôi chùa Hòe Nhai (số 19 phố Hàng Than, Hà Nội) vẫn còn thờ pho tượng vua Lê Hy Tông  (1675-1705) quỳ sám hối trong khi tượng Phật ngồi trên lưng vua. Bởi vì vua vốn hà khắc với Phật giáo, sau khi đọc bài biểu của Thầy Tông Diễn trình vua, mới tỉnh ngộ rằng các đời nhà Lê vững bền là nhờ Phật Giáo.  Nghĩa là, tuy sống trong pháp tánh rỗng lặng vô tướng, không lập cả hữu và vô, nhưng Thiền sư Tông Diễn đã viết một bài văn chuyển đổi được chính sách của một triều đại. Mới biết, vô ngôn không có nghĩa là không dùng tới chữ.

 

Kinh Viên Giác nói: Hễ biết là huyễn, tức khắc [tự động] xa lìa huyễn, sẽ không cần nhờ phương tiện gì, và hễ xa lìa huyễn tức là giác ngộ, không còn tu thứ bậc gì nữa…

 

Chư Tổ Thiền Tông thường nói rằng Kinh Viên Giác tóm gọn về những chữ quan trọng là: Tri huyễn tức ly, bất tác phương tiện.

 

Bởi vì khi biết mình đang ở trong một vai kịch, hết tuồng này sẽ theo nghiệp sang tuồng khác, thì sân làm chi trong vai diễn, tham làm chi trong đoạn tuồng này, đoạn tuồng kia.

 

Kinh Bát Nhã Tâm Kinh cũng nói về sắc-thọ-tưởng-hành-thức đều là Không, Tứ Đế cũng là Không, ngay tới tận cùng Lục Độ Ba La Mật cũng là Không… mới thực sự qua bờ kia. Đó là khi Đức Phật nói, qua sông là bỏ bè…

 

Kinh Kim Cương cũng ghi lời Đức Phật dạy rằng phải thấy các pháp như mộng, như huyễn, như bọt sóng, như ảnh hiện… và tức khắc là qua bờ.

 

Hãy trở lại Kinh Bahiya… Khi bạn bỗng nhiên nghe tiếng  mắng chửi mình, hãy thấy tức khắc đó là cái được nghe, hiển lộ trong toàn cảnh của duyên khởi, và đó là vô thường, là vô ngã, là không, là bất như ý, là huyễn, là bọt sóng, là mộng, là ảnh hiện… và tức khắc, thấy cái gọi là người mắng và người nghe đều là không, sẽ thấy làm gì có tâm giận dữ nữa… và đó là tức khắc qua bờ.

* *

Nói tức khắc, vì là nói những khoảnh khắc nhận ra Tánh Không. Nhưng rồi, thường khi chúng ta sẽ bị nghiệp kéo lại. Lúc đó, nên mượn tất cả các pháp khác để tu trì.

 

Gần như ai cũng thế, có rất nhiều khi, không giữ được tâm đơn sơ và lặng lẽ. Lúc đó, nên biết là nghiệp cũ lôi kéo. Thí dụ, trong tâm cứ nhớ mãi những hình ảnh bạo lực hay thơ mộng, hiện ra có khi trong giấc ngủ, có khi cả ban ngày. Các bản tin thường nói về nhiều chiến binh Mỹ sau chiến cuộc Iraq và Afghanistan dễ bị ám ảnh với cảnh bạo lực. Hay như đời thường, chúng ta có thể chợt nhớ tới, và bị ám ảnh bởi một hình bóng diễm lệ quá khứ. Hay như một nhạc sĩ, có thể từ sáng đến tối cứ mãi bị ám ảnh bởi những dòng nhạc… và vân vân.

 

Lúc đó, phải dùng pháp đối trị.  Trong bài Đức Phật Dạy Pháp Thấy Tánh (1), chúng ta đã thấy có những bản kinh dạy “quăng bỏ sắc thọ tưởng hành thức”… dạy “quăng bỏ kiến văn giác trị”… Đó cũng là Thiền của Ngài Huệ Năng.

 

Có một kinh, Đức Phật sử dụng ngôn ngữ cực kỳ quyết liệt. Đó là kinh Satta Sutta, ký số SN 23.2. Nơi đây không dạy là phải tu hay vun bồi gì cả, mà dạy là phải đập vỡ, hãy quăng tứ tán, hãy hủy diệt sắc và làm cho sắc sẽ không cựa quậy gì được nữa (rồi thọ, rồi tưởng, rồi hành…) và rồi xóa sổ luôn cả thức. Cũng y hệt như các kinh quăng bỏ sắc thọ tưởng hành thức, quăng bỏ kiến văn giác tri…

 

Đức Phật nói rằng, trích:

“…Con hãy đập vỡ, hãy quăng tứ tán và hãy hủy diệt thức, và làm cho nó không cựa quậy gì nữa. Hãy xóa sổ khát ái với thức – vì xóa sổ thức xong, hỡi sư Radha, là Giải thoát.” (4)

 

Thực ra, cũng là ngôn ngữ “đập chết con quỷ ý thức” của Thiền Lâm Tế, và “quăng bỏ thân tâm” của Thiền Tào Động.

 

Nhưng trong cõi này, chúng ta phải giao tiếp với đủ mọi hạng người, phải tham dự nhiều sự kiện trong xã hội, và ngay cả khi có trực ngộ, cũng sẽ rất khó để  duy trì cái nhìn Thấy Tánh thường trực.

 

Sám hối là một cách làm cho nhẹ nghiệp, để dễ tu học hơn. Do vậy, Thiền Trúc Lâm có tác phẩm Sám Hối Sáu Căn là để tất cả người tu làm nhẹ nghiệp hơn.

 

Pháp đối trị vọng tâm có thể dùng hơi thở, giữ thọ nơi hơi thở, hay niệm cái chết. Hay đơn giản, lấy Kinh Kim Cương, hay Bát Nhã Tâm Kinh ra tụng, đọc, nghiền ngẫm từngc hữ.

 

Hay tùy trường hợp, và có thể mỗi người sẽ có những pháp thích nghi. Thí dụ, khi rời một buổi hòa nhạc, ngay cả vài giờ sau hay cả ngày sau, một vài âm vang dòng nhạc của Trịnh Công Sơn hay Phạm Duy tự nhiên lảng vảng trong đầu, bên tai chúng ta. Muốn đập vỡ cái âm vang đó cũng là chuyện khó, mà không lẽ cứ để nó theo mình vào giấc ngủ… Lúc đó, có thể thử nghiến răng nhẹ (có khi không cần ra tiếng) và chú tâm vào âm vang nghiến răng (dù là tiếng lặng lẽ) sẽ thấy dòng nhạc kia biến mất.

 

Hay là khi mắt tự nhiên nhớ tới hình ảnh kinh khủng của chiến trường Iraq, hay hình ảnh dịu dàng của một người bạn học thời thơ trẻ… Có thể thử cách này: hãy lấy hộp chì màu và một tờ giấy trắng, vẽ và tô  lên giấy những ô vuông màu xanh, rồi ô vuông màu đỏ, ô vuông màu vàng… Dễ dàng thấy hình ảnh quá khứ biến mất trước mắt. Về sau, không cần vẽ, chỉ cần hình dung trong đầu là đang cầm bút chì màu vẽ lên giấy, các ảnh quá khứ cũng dễ tan biến.

 

Hay là niệm các chữ cái, tức là mẫu tự tiếng Việt. Nên niệm 4 âm. Tại sao 4 âm? Vì mã số thẻ ATM thường là 4 âm, vì lên tới 5 âm là khó nhớ.

 

Khi tâm nhiều vọng niệm, nếu thử các pháp truyền thống không xong, vẫn cứ thấy đau đớn với những hình ảnh cũ hiện ra, nên nhìn vào bảng mẫu tự, chọn 4 chữ để niệm, niệm “a, b, c, d” thật chậm. Tiếp theo, niệm “k, l, m, n”… và vân vân. Từng mẫu tự vang lên, chú ý tâm tập khởi lên, và rồi âm vang biến diệt. Niệm chậm, không cần chữ theo thứ tự.

 

Hay là nên tập thể dục, chạy bộ, cử tạ… Tập thể dục  thật mệt trong nửa giờ, là những âm vang và hình ảnh ám ảnh trong tâm nhiều phần sẽ biến mất.

 

Hay là pháp Niệm Tâm Từ. Cũng không cần niệm phức tạp, chỉ đọc thật chậm từng chữ và nghiền ngẫm từng chữ trong bài Kinh Từ Bi (Metta Sutta) là thấy lòng nhẹ nhàng với những lời dạy đầy sức mạnh; như qua bản dịch của Thầy Nhất Hạnh, xin mời đọc thât chậm từng chữ, trích: “Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn. Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất. Chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài…” Chỉ đọc như thế, các niệm bất thiện dễ dàng biến mất.

 

Hoặc là niệm danh Đức Phật A Di Đà. Thí dụ, từng chữ “Nam Mô A Di Đà Phật.” Chú ý từng âm vang dịu dàng khởi lên trong tâm, hiện trong tâm và biến mất, 6 lần như thế là cho 6 chữ. Hay niệm 4 âm A Di Đà Phật.

 

Trong khi niệm các âm vang như thế, dù bất kể âm vang gì, hãy nhớ Kinh Bahiya rằng trong cái được nghe sẽ chỉ là cái được nghe tức khắc đó cũng  là cơ duyên để thấy bốn pháp ấn — vô ngã, vô thường, Không và bất như ý. Khoảnh khắc đó, tham sân si biến mất.

 

Niệm như trên là Thiền.

Thực ra, Tịnh Độ niệm Phật là bằng niềm tin kiên cố rằng có một cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà. Nếu là người tu Tịnh Độ, hãy niệm với niềm tin vào hạnh nguyện của Ngài. Truyền thống Phật Giáo Tây Tạng tin rằng Đức Ban Thiền Lạt Ma là hóa thân của Đức Phật A Di Đà (nên hiểu, Ngài là người tu được tâm tương ưng như Đức Phật A Di Đà).

* *

Nếu có ai chất vấn bạn  rằng Cõi Cực Lạc không có thực… có lẽ, nên trả lời thế này:

“Ngày hôm qua, bạn đứng ở góc rừng này, mưa ào ạt và gió tung bay tứ phương, cây nghiêng đổ lá, lạnh buốt người… Bây giờ cảnh đó ở đâu?”

 

Nếu người kia nói rằng cảnh hôm qua có thực và hôm nay không còn nữa vì là vô thường hay vì bất cứ lý do gì… bạn hãy tin rằng nói như thế là sai ý Đức Phật rồi. Trong bài Đức Phật Dạy Pháp Thấy Tánh ở link (1) đã nói về tính bất nhị của cảnh và tâm (để dễ nhớ: của tiếng chim kêu và tâm)… Không phải là không có cảnh, nhưng không thể gọi có cái gì là có.

 

Tất cả những cảnh mưa gió ào ạt nơi góc rừng không lìa tâm mà có, và thực sự ngay lúc đó (như Kinh Bahiya nói, hay như Kinh Tất Cả và Kinh Thế Giới nói) cảnh đó chỉ là những cái được nghe, những cái được thấy, những cái được cảm thọ, những cái được thức tri… Không phải thực có, không phải thực không… chỉ là hiện lên trong tâm rỗng rang gương sáng thôi.

 

Cảnh nơi góc rừng đó dù hôm qua hay hôm nay vốn đã xa lìa ngôn thuyết, sao lại thắc mắc gì chuyện Cõi Phật A Di Đà có thực hay chỉ là hư ảo?

 

Thêm nữa, người tu Tịnh Độ phải giữ giới nghiêm trì, niệm niệm tỉnh giác nhận ra âm vang hiện rồi biến trong tâm, tất nhiên sẽ thấy không  nơi nào vọng niệm khởi lên được. Đó là thành tựu rồi, vì xa lìa tham, xa lìa sân tức nhiên (theo Tạng Pali) là tự thân đã vào cõi tịnh độ rồi.

 

Tu học tới mức tâm bất thiện biến mất là tuyệt vời. Câu niệm Phật như thế sẽ làm thành tựu các pháp.

 

Trong Kinh Pháp Cú ở Kệ 25, Đức Phật nói rằng: “Nhờ tinh tấn, chánh niệm, nghiêm mnh trì giới, người trí sẽ trở thành một hải đảo, nơi không trận lụt nào gây hại được.” (5)

 

Bản ghi chú của Piya Tan nói rằng “trở thành hải đảo” là nhóm chữ chỉ cho “đắc thánh quả A La Hán” vì người đó đã thoát được sóng gió bão tố của cõi luân hồi (tức, không còn tái sanh nữa).

 

Kệ 25 Pháp Cú kể về Ngài Culapanthaka, em của Ngài Mahapanthaka. Người anh đã xuất gia, trở  thành A La Hán. Người em theo anh, xuất gia làm tỳ kheo. Tuy nhiên vì nghiệp xa xưa, thời Đức Phật Ca Diếp, Ngài Culapanthaka cười, giễu một nhà sư rất khù khờ chậm chạp, nên kiếp này Culapanthaka trở thành một vị sư rất khù khờ chậm chạp.

 

Trong vòng bốn tháng, Ngài Culaphanthaka không nhớ nổi một câu kệ. Ông anh Mahapanthaka thất vọng với em mình, và nói với em rằng  em không xứng đáng ở trong tăng đoàn.

 

Lúc đó, Cư sĩ Jivaka tới tự viện, cung thỉnh Đức Phật và các sư nơi này tới nhà dự trai tăng. Ngài Mahapanthaka giữ nhiệm vụ lập danh sách các sư dự trai tăng, bèn gạch tên em mình. Ngài Culapanthaka thấy bị anh gạch tên khỏi các sư theo Đức Phật dự trai tăng, rất là phiền não, mới quyết định sẽ về lại đời thế tục. Đức Phật biết ý định đó, mới gặp nhà sư trẻ Culapanthaka, cho ngồi phía trước hội trường Gandhakuti. Đức Phật trao một miếng vải sạch cho Ngài Culapanthaka và bảo ngồi đó, hướng mặt về hướng Đông, và chà miếng vải lau bụi. Cùng lúc, nhà sư trẻ này phải lập lại chữ “Rajoharanam”, nghĩa là “taking on impurity” (lau bất tịnh). Rồi Đức Phật đi tới nhà Jivaka cùng với các sư dự trai tăng.

 

Trong khi đó, Ngài Culapanthaka  cứ tiếp tục chà vào miếng vải, liên tục đọc thì thầm chữ “Rajoharanam”. Thế rồi, miếng vải dính bụi đất. Thấy miếng vải biến đổi, Culapanthaka trực nhận tánh vô thường của tất cả các pháp hữu vi. Từ nhà của Cư sĩ Jivaka, Đức Phật biết qua thần thông về bước tiến của Culapanthaka, mới phóng quang để hiện thân Đức Phật ngồi trước mặt nhà sư Culapanthaka, và nói:

“Không phải miếng vải riêng bị bụi đất làm dơ; chính trong chúng sanh cũng có bụi tham, bụi sân, bụi si, tức là không thấu hiểu Tứ Diệu Đế. Khi xóa các bụi này, mới hoàn tất, và thành bậc A La Hán.”

 

Ngài Culapanthaka nhận được lời dạy của Đức Phật, tiếp tục thiền định, trong thời gian ngắn đắc quả A La Hán cùng với Tuệ Phân Tích (Analytical Insight). Như thế, Culapanthaka không còn là kẻ khù khờ chậm chạp nữa.

 

Tại ngôi nhà của Jivaka, khi người ta sắp rót nước uống để cúng dường, nhưng Đức Phật lấy bàn tay che bình bát lại, và hỏi là có vị sư nào còn ở tu viện chăng. Khi được trả lời là không còn ai, Đức Phật mới nói là còn một nhà sư, và yêu cầu phải cho người tới cung thỉnh Culapanthaka. Khi người triệu thỉnh từ nhà Jivaka tới tự viện, thấy là không chỉ một nhà sư, nhưng là 1,000 nhà sư y hệt nhau. Tất cả đều tạo ra bởi Culapanthaka, người đã chứng được thần thông.

 

Người triệu thỉnh kinh hoảng, quay lại, báo cáo cho Jivaka. Người này được lệnh tới tự viện lần nữa, và được dạy là phải nói rằng Đức Phật gửi lời gọi nhà sư có tên Culapanthaka. Khi người này tới nói như thế, một ngàn tiếng nói vang lên, “Tôi là Culapanthaka.” Một lần nữa, kinh hoảng, người này quay lại lần thứ nhì. Rồi lại được dạy phải tới lại tự viện, lần thứ ba. Lần này, người này được dạy là phải nắm lấy nhà sư nào nói đầu tiên rằng sư là Culapanthaka. Ngay khi nắm nhà sư đó, tất cả các sư còn lại biến mất. Và Culapanthaka đi với người triệu thỉnh tới nhà của Jivaka. Sau bữa ăn, theo chỉ thị từ Đức Phật, Culapanthaka nói lên một thời pháp tự tin và can đảm, y như tiếng gầm của một con sư tử trẻ.

 

Về sau, khi đề tài về Culapanthaka khởi lên giữa các sư, Đức Phật nói rằng những ai tinh tấn tu học, chắc chắn sẽ thành quả A La Hán. Và rồi, Đức Phật nói Kệ 25.

 

Tuyệt vời, tâm trí chậm chạp và chỉ nhớ lời Đức Phật chỉ có hai chữ “lau bụi” là giây lâu sau đã xa lìa mọi trói buộc muôn kiếp ngàn đời. Thứ nhất, Pháp Cú Kệ 25 cho chúng ta tin sâu vào nhân quả, thấy những nghiệp đời trước buộc mình; do vậy cần phải sám hối. Thứ nhì là kiên tâm, chỉ đơn giản lau bụi và thấy tấm vải từ sạch biến ra dơ là ngộ vô thường.

 

Đây là kinh nghiệm, không phải lý luận. Trực nhận vô thường sẽ làm chúng ta ngây ngất, từ đó về sau sẽ không còn như những ngày hôm qua nữa. Từ đó về sau, bất kỳ niệm tham, niệm sân nào chợt nổi lên, cũng thấy ngay đó là từ gương tâm rỗng sáng hiện ra và lập tức các niệm biến đi vào rỗng rang vô tứơng. Đó là pháp thấy tánh của Thiền Tông, nhận ra tất cả các pháp đều từ biển tánh hiện ra và rồi sóng tham và sân sẽ tan lập tức trở lại biển.

* *

Một số người ngộ nhận rằng Thiền Tông là do người Trung Quốc chế tạo ra, rằng Đức Phật không dạy như thế. Trong link (1), chúng ta đã chứng minh rằng Thiền Tông thực ra là pháp cốt tủy do Đức Phật dạy.  Bây giờ, chúng ta thử đọc lại mấy dòng thơ của Thiền Sư Tông Diễn (Đời pháp thứ 37, tông Tào Động) thời vua Lê Hy Tông.

 

Ngài Tông Diễn trình với Thầy là Thiền Sư Thông Giác bằng bài thơ chữ Hán:

Ưng hữu vạn duyên hữu
Tùy vô nhất thiết vô
Hữu vô câu bất lập
Nhật cảnh bổn đương bô.

Bản dịch của Thiền sư Thích Thanh Từ trong sách Thiền Sư Việt Nam là:

Cần có, muôn duyên có
Ưng không, tất cả không
Có không, hai chẳng lập
Ánh nhật hiện lên cao.

Thế rồi, Thầy Thông Giác mới nói kệ trao pháp cho Ngài Tông Diễn:

Nhất thiết pháp bất sanh
Nhất thiết pháp bất diệt
Phật Phật, Tổ Tổ truyền
Uẩn không liên đầu thiệt.

Bản dịch của Thầy Thích Thanh Từ:

Tất cả pháp chẳng sanh
Tất cả pháp chẳng diệt
Phật Phật, Tổ Tổ truyền
Uẩn không sen đầu lưỡi.

Tất cả ngôn ngữ “hữu, vô, pháp bất sanh, pháp bất dệt” là như dường đặc biệt Thiền Tông, thực ra đã có trong Kinh Bahiya như đã nói qua nhiều thí dụ ở trên, và trong nhiều kinh đã dẫn trong bài trước.

 

Nơi đây, chúng ta dẫn ra Kinh Phật Tự Thuyết Udana 3.10, sẽ thấy Đức Phật từ xa xưa đã dạy y hệt Thiền Sư Tông Diễn. Nghĩa là, Ngài Tông Diễn đã chú giải tuyệt vời lời Đức Phật trong Tạng Pali.

 

Bản Anh dịch của Thanissaro Bhikkhu, trích:

“Whatever contemplatives or brahmans say that liberation from becoming is by means of becoming, all of them are not released from becoming, I say.

And whatever contemplatives or brahmans say that escape from becoming is by means of non-becoming, all of them have not escaped from becoming, I say.”

 

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt, trích:

“Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào đã tuyên bố rằng sự giải thoát khỏi hữu là do hữu. Ta nói rằng tất cả những vị ấy không giải thoát khỏi hữu.

Những Sa môn hay những Bà-la-môn nào đã tuyên bố rằng sự xuất ly khỏi hữu là do phi hữu, tất cả những vị ấy, Ta tuyên bố rằng chúng không nương tựa nơi hữu.” (6)

 

Có đọc Ud 3.10 mới thấy Ngài Tông Diễn tuyệt vời. Rất ngắn gọn, không dài dòng, mấy chữ thôi:

Hữu vô câu bất lập.

Thế thôi. Vài chữ này là đủ để giải thoát. Vì hữu hay vô cũng là cõi của sắc thọ tưởng hành thức. Hãy rời xa các cõi đó. Không cần tu gì, không cần niệm gì. Đó là lời Phật dạy. Không thể nào giải thoát, nếu dính vào hữu hay dính vào vô. Chỉ có mấy chữ thôi. Thiền Tông Việt Nam đã chú giải lời Đức Phật siêu đẳng như thế.

* *

Trong một đoạn trên, chúng ta đã dẫn lời Đức Phật dạy  rằng phải đập cho tan tành cái ý thức để nó không còn cựa quậy gì nữa. Câu hỏi rằng, khi đập tan tành ý thức như thế, chuyện gì sẽ xảy ra? Trong Thiền Tông, giải thích rằng lúc đó (có khi dùng nhiều chữ như: vô niệm, vô tâm, vô sở trụ, vô tác…), chính khi ý thức bị đập tan tành, các pháp sẽ hiển lộ trong Tánh Không của gương tâm rỗng sáng. Trực tiếp. Vì ý thức chỉ là cây cầu của quá khứ, vì ý thức hiện ra vài sát na sáu cái được nghe, sau cái được thấy.

 

Bạn có thể cảm nghiệm, hãy tỉnh tỉnh lặng lặng, sẽ thấy: trong cái được nghe, trong cái được thấy, trong cái được cảm thọ… không hề có ý thức, không hề có ngôn ngữ. Khi đột nhiên mưa rào, bạn ướt mèm và thấy lạnh  tức khắc, hay khi vô ý ngón tay bị kim đâm: cái lạnh và cái đau đó không có chữ nào kèm theo, không có ý thức nào bên cạnh.

 

Do vậy, Thiền Tông nói rằng khoảnh khắc đó vắng bật tham sân si, và đó là giải thoát.

 

Giải thích đi xa hơn: khi nhìn vào tâm, sẽ thấy tất cả các tâm phiền não khi nào khởi lên, bị nhận ra là  tức khắc biến mất, từ gương tâm rỗng rang hiện ra và rồi biến diệt trong rỗng rang gương tâm – các tâm phiền não đó, thực tướng cũng chính là Niết Bàn rỗng lặng, tức là thấy ngay đương xứ tức chân.

 

Đức Phật dạy rằng tất cả thế giới này là hiện lên trong cõi sắc thọ tưởng hành thức, và khi chúng ta đập tan tành cõi sắc thọ tửơng hành thức để không còn thứ nào cựa quậy nữa, lúc đó theo Kinh MN 72 (Aggi-Vacchagotta Sutta: To Vacchagotta on Fire) là “khi xa lìa mọi phân loại của ý thức, hỡi Vaccha, Như Lai là rất sâu thẳm, vô biên vô tận, khó hiểu nổi, hệt như biển. ‘Nói ‘Tái xuất hiện” là không đúng. Nói ‘Không tái xuất hiện’ cũng không đúng. ‘Cả hai có và không tái xuất hiện’ cũng không phải. ‘Không tái xuất hiện mà cũng không không tái xuất hiện’ cũng không phải.” (7)

 

Va đó là pháp Như tối thượng, sau khi đập vỡ tan tành ý thức.

 

Đập vỡ tan tành ý thức, quăng bỏ thấy nghe hay biết… không có nghĩa là không thấy nghe hay biết. Nhưng chính ngay mới hiển lộ Tâm Chói Sáng – tâm này được Đức Phật mô tả là bụi bám từ ngoài,

 

Aṅguttara Nikāya, chương Một Pháp viết:

“Chư tăng, tâm này chói sáng, nhưng bị nhiễm ô bởi bụi bên ngoài tới. Người không được chỉ dạy không hiểu việc này như nó thực sự là; cho nên với người không được chỉ dạy, sẽ không có thăng tiến tâm.

Chư tăng, tâm này chói sáng, và tâm này xa lìa các bụi bên ngoài tới bám. Các đệ tử bậc thánh được chỉ dạy hiểu tâm này như nó thực sự là; do vậy, với đệ tử bậc thánh, có sự thăng tiến tâm.” (8)

* *

Chúng ta có thể đối chiếu một số ý kinh nơi đây.

Trong Kinh Pháp Cú, Kệ 381, phần tích truyện, có ghi rằng Đức Phật nói với ngài Vakkali rằng, “Người nào thấy Pháp sẽ thấy ta. Người nào không thấy Pháp, sẽ không thấy ta.”

 

Trong Kinh MN 28, Đức Phật nói, “Người nào thấy Lý Duyên Khởi, sẽ thấy Pháp. Người nào thấy Pháp, sẽ thấy Lý Duyên Khởi.”

Như thế, hễ thấy Lý Duyên Khởi, tức là thấy Đức Phật.

 

Trong các phần trên, qua các thí dụ về nghe và thấy — ngay khi chỉ nhận qua cái được nghe và cái được thấy — lúc đó chỉ cần nghe tiếng chim kêu, thấy lá cờ bay, dự buổi hòa nhạc, thấy cảnh núi rừng mưa bay… là  nhận ra Lý Duyên Khởi, và lúc đó hoàn toàn không thấy gì  là “ai” và “của ai”…

 

Tức là ngay lúc đó, là thấy Pháp, là thấy Phật. Là toàn cảnh, khi nhìn hoa sẽ thấy “người, hoa vô biệt.”

 

Nói theo Thiền Tông, lúc đó là nhận ra Pháp Thân, tức là thân chân thật của Pháp, thân chân thật của Đức Phật. Phật Giáo Tây Tạng giải thích về Pháp Thân (Dharmakaya) rất phức tạp khi nói về Tam Thân, trong khi Thiền Tông lại nói rất kiệm lời.

 

Nơi Kinh MN 72 dẫn trên, nói rằng Như Lai rất mực sâu thẳm, hệt như biển, xa lìa mọi tư lường của ý thức…

 

Câu hỏi là, nếu tu theo Kinh Bahiya, nghĩa của Pháp Thân là gì? Và chứng ngộ Pháp Thân là gì?

 

Chỗ này, người viết chỉ ghi theo cảm nghiệm đơn giản (và ai cũng cảm nghiệm được) rằng: bản tâm vốn vô hình, vô tướng, và chỉ có thể hiển lộ qua Lý  Duyên Khởi, lúc đó sẽ hiển lộ qua thế giới sắc thọ tưởng hành thức, lúc đó sẽ phải duyên vào cảnh để làm thân. Và như thế, toàn cảnh tiếng kêu của chim và người ngồi nghe tiếng kêu sẽ là thân của pháp, lá cờ bay (được thấy và thấy) là thân của pháp, toàn cảnh ca sĩ đứng hát và người ngồi nghe là thân của pháp, toàn cảnh núi rừng mưa gió (và người đứng ướt mem dưới mưa) là thân của pháp. Các bộ luận nói phức tạp hơn, nhưng nơi đây, chúng ta nói trong cách thực dụng của thấy và nghe tức khắc.

 

Như thế, Pháp Thân hiển lộ qua cảnh (và bao trùm cảnh) cho bất kỳ ai thấy rằng tâm và cảnh không lìa nhau, tức là Pháp Thân là rỗng rang gương sáng luôn luôn hiện ra khi cảnh hiển lộ. Và Thấy Pháp Thân, tức là Thấy Phật. Tức là, đương xứ tức chân.

 

Nói gương sáng là tiếng Việt, trong Kinh Pháp Bảo Đàn là chữ minh kính, trong các sách về Phật Giáo Tây Tạng viết bằng  tiếng Anh là “clear light” (ánh sáng trong trẻo)…

 

Nếu có ai niệm Phật trong toàn cảnh nhận ra Pháp Thân như thế sẽ là tức khắc thấy Đức Phật A Di Đà.

Cố Ni Trưởng Hải Triều Âm là một bậc tôn túc như thế. Lời dạy của vị Trưởng Lão Ni này chỉ rõ rằng pháp giải thoát là ngay ở chỗ thấy và chỗ nghe. Xin mời nghe lời dạy của cố Ni Trưởng Hải Triều Âm từ phút thứ 42:10 của băng hình:

https://www.youtube.com/watch?v=62H3fvz6hII

Trích lời như sau:

“Hễ mắt mình thấy hình tướng gì, phải tập thói quen nhìn, biết đấy là Như lai tạng; chỗ ấy là Đức Di Đà, chỗ ấy là Đức Quan Thế Âm… nơi âm thanh cũng thế. Phải thấy tướng là hư vọng, do nghiệp báo của mình hiện lên, mà Tánh là Phật, là Tổ, là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh…

 

Làm thế nào mắt mình nhìn chỗ nào cũng khởi lòng từ bi, tai nghe gì, cũng chỉ khởi lòng từ bi, sự an hòa… Hòa với ngừơi thiện thì dễ… nhưng hòa với những người ác thì thế nào? Cho nên phải thấy khía cạnh thể tánh của người ta là Tánh Phật, đồng thể với mình, bây giờ phải tập như thế… phải thấy nơi nơi, ở nơi mỗi người, mỗi vật, đâu đâu cũng là Đức Phật A Di Đà đang đứng tại đấy…”(hết trích)

* *

Nhìn lại những thập niên vừa qua, đã thấy rất nhiều vị tôn túc thực hiện các công trình ghi chú xuất sắc, rất mực công phu – trong đó có 2 Trưởng lão Thiền sư là quý ngài Thích Thanh Từ và Thích Duy Lực, mà người viết đã trích dẫn nhiều lần qua các bài đã viết.

 

Nơi đây, xin trích thêm từ một số vị tôn túc khác để làm sáng tỏ pháp tu Thiền Tông.

 

Nhà sư có bút danh Nguyễn Thế Đăng trong bài viết tựa đề “Nhất Tâm” đã viết, trích:

“Nhất tâm là tánh Không, quang minh và như huyễn. Cả ba cái ấy là đồng thời, đồng hiện hữu. Nơi nào cũng là tánh Không nên nơi nào cũng có quang minh; và nơi nào có quang minh, nơi ấy có ảnh hiện các sự vật như huyễn. Cả ba cái ấy là một, tức là cả ba thân, Pháp thân (tánh Không), Báo thân (quang minh), Hóa thân (như huyễn) là một.

 

Thấy Nhất Tâm là thấy “cả ba tức là một” ấy hiển hiện khắp nơi, khắp chốn. Sở dĩ người ta không thấy được, sống được pháp giới Nhất Tâm vì con người tự tạo ra một trung tâm giả tạo là cái tôi, và xung quanh liền có những trung tâm giả tạo khác là những cái khác với tôi. Trong khi pháp giới “cả ba là một” thì không có một trung tâm, nghĩa là đâu cũng là trung tâm, tất cả là trung tâm.

 

Văn, tư, tu cái ‘không có một trung tâm nên tất cả là trung tâm’ này, thì đến một lúc nào, chúng ta thấy được Nhất tâm đang ảnh hiện thành muôn vàn sắc tướng, âm thanh, hương vị… như huyễn tạo thành pháp giới. Đây chính là ý nghĩa của đời sống”. (9)

 

Hay như Thầy Thích Đức Thắng, nổi tiếng là một dịch giả các bộ A Hàm nhưng cũng là một bậc tôn túc trong nhà Thiền, qua bài “Niết Bản” đã viết, nói về quăng bỏ sắc thọ tưởng hành thức là thấy Niết Bản, trích:

“Trong sự hiện hữu sinh-tử này, chúng nói lên được liên hệ nhân quả từ sinh đến tử, giai đoạn này chúng ta vừa là người thọ quả của quá khứ, vừa là kẻ tạo nhân cho vị lai. Và cũng vì lẽ đó cho nên khi chúng ta biết rõ cái quả hiện tại của nhân quá khứ chúng là năm thọ uẩn, thì cũng trong hiện tại chúng ta tạo nhân cho vị lai bằng cách đoạn tận năm thọ uẩn vọng này để không có cái nhân vọng cho vị lai nữa, nghĩa là không sinh ra quả vọng cho vị lai; khi quả vọng vị lai không sinh, thì nhân vị lai cũng không sinh, và cứ như vậy vòng xích nhân quả vọng sẽ bị diệt. Đến đây năm thọ uẩn không sinh ra nữa, khi năm thọ uẩn đã không sinh, thì có gì để diệt, nên không diệt.

 

Vậy Niết-bàn chúng sẽ hiện hữu ngay trong cõi này, ngay trong xác thân này, nếu ai giải thóat được mọi trói buộc đau khổ của tập khởi, của đoạn diệt, bằng cách không khởi tâm điên đảo, phân biệt chấp trước đối với cuộc sống, thì người đó sẽ đạt được Niết bàn ngay trong cuộc sống này. Từ những ngộ nhận sai lầm như vậy, cho nên những gì đức Phật đã phương tiện dạy  cho chúng ta con đường  đi đến giải thoát, thì họ đã biến chúng  thành con đường nô lệ trói buộc.

Niết-bàn cùng thế gian
Không có tí phân biệt
Thế gian cùng Niết-bàn
Cũng không tí phân biệt.”(9)

 

Đó là các vị tu sĩ. Về phía cư sĩ, có nhà văn Đỗ Hồng Ngọc — một trong vài người viết tản văn xuất sắc nhất trong làng văn học Việt Nam, nếu không nói là hay nhất — trong bài “Tôi Học Kim Cang – Ưng Vô Sở Trụ” đã viết những dòng cực kỳ thơ mộng, trích:

“…Phật nói rõ hơn: Vô sở trụ nghĩa là… đừng có trụ vào sắc bố thí, đừng có trụ vào thanh, hương, vị, xúc, pháp… Tóm lại, đừng có trụ vào tướng! Bất trụ tướng bố thí. Trụ là dựa, là dính, là mắc. Bố thí mà dính mà mắc, mà dựa vào “tướng”, vào hình thức thì chưa phải là bố thí đúng nghĩa! Bố thí mà còn thấy có kẻ cho người nhận, có quay Truyền hình để lăng xê tên tuổi, để “đầu tư” kiếm danh, kiếm lợi, kiếm phước thì chưa phải bố thí đúng nghĩa. Đúng nghĩa là bố thí… bất vụ lợi, bố thí không thấy có ta có người có vật bố thí; bố thí được như vậy mới… thực là hạnh phúc. Đó là cách bố thí vô tướng, bố thí không dính mắc, không toan tính. Một đời lận đận đo rồi đếm/ Mỏi gối người đi đứng lại ngồi! (Bùi Giáng). Cái bố thí mà Phật dạy để có Huệ chính là cáí bố thí vượt qua, vượt ra, vượt lên, bố thí ở bờ bên kia, bờ của tuệ giác, bố thí Ba-la-mật đó vậy.

 

Một lần nọ, tôi hỏi vị sư: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” có phải là câu hay nhất trong kinh Kim Cang không thì sư nhẹ nhàng bảo không, trong kinh Kim Cang câu nào cũng hay! Quả thật, dần dần tôi cũng thấy ra kinh Kim Cang chỗ nào cũng hay cả, mà hình như ngày càng hay hơn, nhất là khi… áp dụng vào đời sống hằng ngày… Đừng trụ vào đâu cả? Đừng trụ vào đâu cả… ư? Ờ, mà có lý.” (9)

 

Và cuối cùng, nơi đây xin sáng tác vài dòng thơ để cúng dường Tam Bảo và cũng để cảm ơn độc giả đã đọc tới những lời vụng về này:

Cúi đầu đi biền biệt
tóc rất xanh môt thời
như dường qua trăm kiếp
nhìn lại tóc trắng rồi

Trân trọng ghi từng chữ
làm mới những dòng thơ
thắp hương trăm nghìn chữ
thành hoa qua kia bờ.

Nguyên Giác

Nguồn: Thư Viện Hoa Sen

.

GHI CHÚ:

(1) Đức Phật Dạy Pháp Thấy Tánh: http://thuvienhoasen.org/a24741/duc-phat-day-phap-thay-tanh

(2)  Rebirth And The In-Between State In Early Buddhism – by Bhikkhu Sujato

http://santifm.org/santipada/wp-content/uploads/2010/05/RebirthandInbetweenState.pdf

Is Rebirth Immediate? – by Piya Tan

http://dharmafarer.org/wordpress/wp-content/uploads/2009/12/2.17-Is-rebirth-immediate.-piya.pdf

Reincarnation — Đức Đạt Lai Lạt Ma (có nói về tương lai)

http://www.dalailama.com/messages/statement-of-his-holiness-the-fourteenth-dalai-lama-tenzin-gyatso-on-the-issue-of-his-reincarnation

The Selfless Mind: Personality… – by Peter Harvey (sách này có thể mua ở Amazon)

http://www.ahandfulofleaves.org/documents/

The Truth of Rebirth And Why it Matters for Buddhist Practice — by Thanissaro Bhikkhu

http://www.accesstoinsight.org/lib/authors/thanissaro/truth_of_rebirth.html

Should I Believe in Rebirth? — by Gil Fronsdal

http://www.insightmeditationcenter.org/books-articles/articles/should-i-believe-in-rebirth/

Stephen Batchelor: The Buddhist Atheist (phỏng vấn)

http://www.buddhistgeeks.com/2010/06/bg-175-the-buddhist-atheist/

Thich Nhat Hanh: Be Beautiful, Be Yourself (phỏng vấn)

http://www.lionsroar.com/be-beautiful-be-yourself-january-2012/

Đọc thêm, xin vào www.google.com và gõ “rebirth debate”…

(3) Kinh Bahiya. Bản Việt dịch của HT Thích Minh Châu: http://thuvienhoasen.org/a25130/kinh-bahiya

Bản John D. Ireland: http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/ud/ud.1.10.irel.html

Bản Thanissaro Bhikkhu: http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/ud/ud.1.10.than.html

(4) Kinh Satta Sutta: “…You should smash, scatter, & demolish consciousness and make it unfit for play. Practice for the ending of craving for consciousness — for the ending of craving, Radha, is Unbinding.” (Bản dịch của Thanissaro Bhikkhu:http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/sn/sn23/sn23.002.than.html)

Bản dịch của Thầy Thích Minh Châu: https://suttacentral.net/vn/sn23.2

Kinh tương tự bên Tạp A Hàm, bản dịch của Thầy Thích Đức Thắng:https://suttacentral.net/vn/sa122

(5) Dhammapada Verse 25: http://www.tipitaka.net/tipitaka/dhp/verseload.php?verse=025

(6) Kinh Ud 3.10, bản của Thanissaro Bhikkhu:

http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/ud/ud.3.10.than.html

Bản của Bhikkhu Anadajoti

“For whatever the ascetics or brāhmaṇas say about freedom from continuity being through further continuity, all of them are not free from continuity, I say. Or whatever the ascetics or brāhmaṇas say about the escape from continuity being through discontinuity, all of them have not escaped from continuity, I say.”

https://suttacentral.net/en/ud3.10

Bản của John D. Ireland, trích từ sách “Udana and the Itivuttaka: Two Classics from the Pali Canon” (ấn bản 2007, trang 46):

“Whatever recluses and brahmins have said that freedom from being comes about through some kind of being, none of them, I say, are freed from being. And whatever recluses and brahmins have said that escape from being comes about through non-being, none of them, I say, have escaped from being.”

Bản của Peter Masefield, sách “Sacred Books of the Buddhists” (ấn bản 1994, trang 54-55):

“Some who are recluses or brahmins said the complete freedom from becoming is by way of becoming – all of these, I say, are not completely released from becoming. Moreover, some who are recluses or brahmins said the escape from becoming is by way of non-becoming – all these, I say, are not escaped from becoming.”

Bản của HT Thích Minh Châu: http://thuvienhoasen.org/a1277/chuong-01-03

(7) Kinh MN 72: http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/mn/mn.072.than.html

(8) Bản Anh dịch của Nyanaponika Thera và Bhikkhu Bodhi:

http://www.urbandharma.org/pdf1/wh155AnguttaraNikaya1.pdf

(9) Nguyễn Thê Đăng, “Nhất Tâm” – http://thuvienhoasen.org/a24191/nhat-tam

TT Thích Đức Thắng, “Niết Bàn” – http://www.tuvienquangduc.com.au/triet/36nietban.html

Đỗ Hồng Ngọc, “Tôi Học Kim Cang” — http://thuvienhoasen.org/a24560/toi-hoc-kim-cang-ung-vo-so-tru

SHARE:

Trả lời