BÀI CA CỦA TỰ DO VÀ NIỀM VUI

SHARE:

Bài ca tự do và niềm vui mà mỗi chúng ta, nếu biết tin và học được từ truyền thống và cả hiện đại, có thể tự hát lên bất cứ lúc nào, bất cứ hoàn cảnh nào, cho chính mình, cho con người, và cho thế giới.

Lịch sử luôn luôn chứng minh sự sai lầm của con người.

Sống tới một lúc nào đó thì chúng ta mới biết là thân tâm này rốt ráo là không tự do, hay là một tự do quá giới hạn vì tùy thuộc vào quá nhiều điều kiện. Thời văn minh nông nghiệp chúng ta nghĩ rằng công nghiệp sẽ giải phóng chúng ta. Kết quả là công nghiệp bắt chúng ta phải làm việc nhiều giờ hơn và một xã hội tiêu thụ cho chúng ta nhiều thứ đồ dùng hơn nhưng cũng mau chán hơn. Giải trí hiện đại mở hết công suất cho các giác quan cũng chỉ là “mua vui cũng được một vài trống canh”. Sau đó là trống rỗng và như thiếu thốn hơn. Mọi thứ chủ nghĩa từ triết học, khoa học, tâm lý, văn chương, xã hội… đều chẳng làm thỏa mãn sự đói khát tự do và bình an cho con người. Tôi muốn “là một người khác” (Je est un autre), Rimbaud đã nói và sống như vậy và đã thất bại như thế nào.

Thân tâm này luôn khao khát tự do và hoan hỷ, bởi vì có lẽ tận cùng bản thể của nó là tự do và hoan hỷ, nhưng luôn luôn thất vọng vì những đối tượng hữu hạn và vô thường. Có chăng cái “Tự Do đầu tiên và cuối cùng”, The first and last freedom, như một vị thầy của thế kỷ 20, Krisnamurti, đã nói?

Lịch sử cũng luôn luôn cho chúng ta biết có những con người tìm đúng con đường, đúng vấn đề, đúng đối tượng. Họ để lại – hoặc họ đang nói – cho chúng ta những lời chỉ bày, những bài kệ, những bài ca của tự do và niềm vui. Chúng ta tìm hiểu một bài ca đó, dù đã hơn 700 năm, nhưng tự do và niềm vui thì có bao giờ cũ?

Đó là bài ca tự do và niềm vui của Huệ Trung thượng sĩ (1230-1291), thầy dạy đạo cho vua Trần Nhân Tông: Phóng Cuồng Ngâm. Ở đây chúng tôi chủ yếu dựa vào bản dịch của Trúc Thiên, Đại học Vạn Hạnh, 1969; ngoài ra có tham khảo của HT. Thích Thanh Từ, học giả Lê Mạnh Thát, học giả Lý Việt Dũng.

Bài ca bắt đầu bằng bốn câu:

Trời đất liếc trông hề sao thênh thang
Chống gậy chơi rong hề phương ngoài phương
Hoặc cao cao hề mây đỉnh núi
Hoặc sâu sâu hề nước trùng dương.

Thoạt nghe chúng ta dễ tưởng rằng đây là cuộc sống ‘nhàn’ của một con người. Nhàn theo nghĩa tiêu cực về sau này người ta thường hiểu. “Vô vi” của Lão tử cũng bị hiểu sai như vậy. Đây là cái nhàn trong tâm, cái vô sự trong tâm. Chứ thật ra ở đời Trần có ai mà nhàn được. Ông đã trải qua hai lần chinh chiến với quân Nguyên Mông và được thăng chức Tiết Độ sứ vùng biển trại Thái Bình. Còn trong cuộc sống cá nhân, đã làm người, ai mà không gặp những rắc rối và phiền não?
Đây là tự do và hoan hỷ của một người đã thấy tánh và sống với tánh. Tánh là khuôn mặt xưa nay của con người và vũ trụ, cũng được gọi là tánh Không, Pháp thân, hay hiện đại là thực tại. Tâm thức kinh nghiệm sự rộng rãi bao la của thực tại (thênh thang, phương ngoài phương), chiều cao và sâu của thực tại. Tự do – chúng ta dùng chử của Tây phương thay vì giải thoát – là tự do khỏi (to liberate from, to free from) những phiền não, những ràng buộc trong tâm, những dấu vết đè nặng lên tâm. Tự do hay giải thoát không phải là trốn đi đâu cả, giả vờ làm lơ trước những vấn đề cá nhân và xã hội. Mọi sự vẫn có đó, hoàn cảnh khó khăn vẫn có đó, những vấn đề của đời sống vẫn có đó, nhưng chúng không còn đè nặng lên tâm thức, cày nát tâm thức. Chúng đến và đi như mây trên trời. Do đó tâm thức được tự do và thông minh, sắc bén. Càng thông minh sắc bén thì càng thấy rõ, thấy đúng (mà thuật ngữ gọi là con mắt pháp). Bản tánh sâu thẳm của tâm thức thì không nhiễm ô bởi bất cứ ý nghĩ hay ký ức nào, đó là sự tự do đích thực.

Ông thân thiết với thầy mình, thiền sư Tiêu Dao, và hẳn phải nhớ ơn thầy mình lắm. Ít nhất có 4 bài thơ tụng trực tiếp nói đến TS Tiêu Dao. Chính từ thầy, ông được giới thiệu vào chân tánh, thật tướng của các pháp, được khai thị và ngộ nhập vào chân tánh:

Nhàn nhả ngâm khúc vô sinh
Hầu đáp ơn thầy mớm sữa
Trộm có lời thơ tụng
Cúi dâng lên pháp tòa
(Thăm TS Tiêu Dao ở Phước Đường)

Ông “ngâm khúc vô sinh”, thấy biết và hưởng thụ được thật tánh vô sinh là cũng nhờ thầy. Ông và thầy “đồng một mặt” (Phàm thánh chẳng hai) là cũng nhờ thầy. Ông được “sống chết nhàn mà thôi” (Sinh tử nhàn nhi dĩ) là cũng nhờ sự truyền thừa liên tục của Thiền tông. Ông đạt đến Pháp thân, hay chân tánh, hay thật tướng… là cũng nhờ Thiền:

Pháp thân không lại cũng không qua
Chân tánh chẳng phải cũng chẳng quấy
Đến nhà thôi chớ hỏi đường chi
Thấy nguyệt tìm gì ngón tay ấy.
(Sinh tử nhàn nhi dĩ)

Ông làm bài thơ tụng này để cho những đời sau có “tin tức” về sự tự do hoan hỷ của Thiền. Những đời sau trong đó có chúng ta, những người sống ở thế kỷ 21 vớ biết bao nhiêu vấn nạn của thế giới và nhiều vấn nạn của riêng đất nước chúng ta. Ử, ước gì chúng ta có thể so sánh với đời Trần nhỉ.

Phóng cuồng ngâm HT Thanh Từ dịch là Khúc Hát Điên Quàng. Mà có vui “như điên” thật:

Vui ta vui hề Bố Đại vui sướng
Điên ta điên hề Phổ Hóa điên cuồng.

Tự nhiên chúng ta nhớ đến “Trí Huệ Điên” mà Lama Chogyam Trungpa thường nói đến khi giảng Phật giáo Kim Cương thừa ở Mỹ (Xem Crazy Wisdom, Journey Without Goal…). Chúng ta nhớ đến những bài ca kim cương của các tổ sư Dzogchen Đại Toàn Thiện và Mahamudra Đại Ấn. Chúng ta nhớ đến TS Nhất Hưu (1394 – 1481) của Nhật với tập thơ Cuồng Vân Tập (Tập thơ Đám Mây Điên). Và chúng ta thấy sự đồng quy của Thiền, Đại Toàn Thiện và Đại Ấn: Cái tâm bình thường, “trạng thái tự nhiên của tâm bình thường” chính là cái Chân Như, cái Như Thị (bhutatathata, yathabhuta).

Đói thì ăn hề cơm khất thực
Mệt thì ngủ hề chẳng quê hương
Hứng thì thổi hề sáo không lỗ
Đất sạch hề đốt giải thoát hương
Mỏi nghỉ chút hề đất hoan hỷ
Khát uống no hề nước tiêu dao.

Cuộc chơi rong tự do và hoan hỷ này diễn ra trên đất thực của chân tâm, nghĩa là trên đất thực của sự chứng ngộ chân tâm. Chỉ lấy hai từ ngữ: chẳng quê hương và đất hoan hỷ. Bậc thánh thứ ba trong Thanh Văn thừa là A Na Hàm, cũng có nghĩa là kẻ không nhà, không quê hương, không trở lại. Địa thứ nhất trong Mười Địa của Đại thừa là Hoan Hỷ địa, dịch ra nghĩa đen là ‘đất hoan hỷ’.

Ông đã đạt đến chân tánh, pháp thân, nên mới có cái tự do “bất biến (chân tánh) tùy duyên (việc đời)”, hành (hiện) tàng (ẩn) tự tại:

Chổ sâu thì lội hề cạn nhón gót
Dùng thì hiện hề bỏ thì ẩn.

Hai câu chót của Phóng Cuồng ngâm nói đến sự thỏa nguyện của một người đạt đạo (đạt cái ‘vốn là ta’), ở trong sinh tử nhưng sinh tử phiền não không thể dính lấm, nhiễm ô:

Thỏa nguyện hề đạt cái vốn là ta
Sống chết bức nhau hề trọn không dính dáng.

“Đắc ngã sở”, để nguyên trong bản dịch của Trúc Thiên và HT. Thích Thanh Từ. Ở đây chúng tôi lấy ý của học giả Lý Việt Dũng (Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục dịch giải, nxb Mũi Cà Mau, 2003), thích đáng hơn (Lý Việt Dũng dịch: ‘đạt cái ta vốn thật’).

***

Đời sống vốn tự do, an vui như vậy. Nhưng có phải ngày xưa mới có còn ngày nay với bao tiến bộ, với bao vấn đề phức tạp, với bao kiến thức, với bao phiền não thì nó không còn hiện hữu, không còn hiện tiền? Cái thật tướng của đời sống, mà kinh Đại Bát Nhã gọi là tánh Không, tánh Như, vẫn luôn luôn hiện hữu từ quá khứ vô thủy đến vị lai không bờ mé, làm nền tảng cho tất cả các tông phái Phật giáo và tất cả các vị thánh:

Ngày nay, cái “rõ ràng thường tự tại” ấy vẫn đang hiện hữu trước mắt chúng ta. Chỉ có điều là chúng ta ưa “dụi mắt hay nheo mắt làm quái”, ưa những gì kỳ lạ, ưa “lạ hóa” mọi sự và cả chính mình, thành thử thay vì thấy nó chúng ta lại đang thấy một thế giới loạn xạ. Sự lạ hóa đó, sự dụi mắt làm quái đó khiến thế giới trở thành xa lạ với chúng ta và chính chúng ta cũng trở thành xa lạ với mình. Khổ nạn của mọi thời đại là con người cứ tự nheo mắt làm quái với chính mình.    

“Này Tu Bồ Đề! Thuở quá khứ đạo của chư Phật mười phương là tánh Không. Thuở hiện tại và thuở vị lai, đạo của chư Phật mười phương là tánh Không. Rời tánh không, thế gian không có đạo, không có quả. Cần phải gần gủi chư Phật nghe dạy tánh Không của tất cả các pháp này.
“Này Tu Bồ Đề! Tánh Không ấy chẳng thường chẳng đoạn. Tại sao thế? Vì tánh Không ấy không chổ trụ, không từ chỗ đâu lại cũng không từ chỗ đâu đi. Đây gọi là tướng pháp trụ. Trong đây không có pháp, không có trụ, không có tán, không có tăng, không có giảm, không có sinh, không có diệt, không có dơ, không có sạch. Đây là thật tướng của các pháp”.
(Phẩm Thật Tế thứ 80, HT. Trí Tịnh dịch).

Cái Thật Tế hay Thực Tế chân thật là như vậy. Thế mà bây giờ chúng ta dùng chữ ‘thực tế’ theo nghĩa quá thấp, đồng nghĩa với ‘thực dụng’: sống là vội vã đua chen, cạnh tranh, sòng phẳng, đôi bên cùng có lợi…

Chính vì cái Thực Tế ấy, cái thật tướng của tất cả các pháp ấy luôn luôn hiện hữu trong bất kỳ thời gian không gian nào, chính vì nó luôn luôn “sờ sờ ra đó” mà chỉ cần một tâm thôi lăng xăng nắm bắt, một tâm thôi đuổi theo danh tướng, người ta bèn thấy ra nó. “Thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai (thực tại tối hậu)” Kinh Kim Cương.

“Có người hỏi Thượng sĩ: Thế nào là Pháp thân?

Thượng sĩ trả lời:

Bờ ao xem hai đứa
Dưới nguyệt vui ba người”.

Nhưng tại sao chúng ta chỉ thấy vô vàn hình tướng sai khác mà không thấy được cái Thực Tại, cái Thực Tế vô tướng nhất như? Thượng sĩ đáp:

Nắm xòe vẫn một bàn tay
Nheo mắt (niết mục) hóa ngàn sai khác.
Thực tại luôn luôn ở trước mắt chúng ta, luôn luôn khai mở chỉ bày (khai thị) cho chúng ta ngộ nhập. Nhưng chúng ta không thấy, không hưởng được tự do hoan hỷ vì chúng ta cứ “dụi mắt làm quái” (niết mục tác quái).

“Khi thái hậu qua đời, vua Trần Thánh Tông thỉnh các tôn túc bốn phương làm một bài kệ trình bày chỗ kiến giải của mình. Nhưng bài nào vua cũng chưa bằng lòng. Vua bèn trao giấy mực cho Thượng sĩ. Thượng sĩ viết một hơi xong bài kệ tự thuật:

Kiến giải trình kiến giải
Tợ nheo mắt làm quái
Nheo mắt làm quái xong
Rỡ ràng thường tự tại
Vua đọc xong, viết tiếp:
Rỡ ràng thường tự tại
Cũng nheo mắt làm quái
Thấy quái (mà) không thấy quái
Quái ấy liền tự hoại.
(Hành trạng TS Huệ Trung do Trần Nhân Tông viết).

Qua đây chúng ta thấy đời Trần có văn hóa cao và học hiểu đạo như thế nào: Vua Trần Thánh Tông, vua thứ 2 đời Trần, thật đáng là một nhà vua minh triết. Chính TS Huệ Trung có bài thơ Ca tụng đạo học của Trần Thánh Tông, bài 16.

Ngày nay, cái “rỡ ràng thường tự tại” ấy vẫn đang hiện hữu trước mắt chúng ta. Chỉ có điều là chúng ta ưa “dụi mắt hay nheo mắt làm quái”, ưa những gì kỳ lạ, ưa “lạ hóa”1 mọi sự và cả chính mình, thành thử thay vì thấy nó chúng ta lại đang thấy một thế giới loạn xạ. Sự lạ hóa đó, sự dụi mắt làm quái đó khiến thế giới trở thành xa lạ với chúng ta và chính chúng ta cũng trở thành xa lạ với mình. Khổ nạn của mọi thời đại là con người cứ tự nheo mắt làm quái với chính mình.

Để thấy vấn đề then chốt này, chúng ta nhìn theo mục đích của Đại Toàn Thiện, thừa cao nhất trong chín thừa của Phật giáo Tây Tạng, là ngộ nhập được “tánh giác trần truồng” (nghĩa là không còn bị che chướng bởi cái thấy nheo mắt làm quái), và người ngộ nhập được tánh giác trần truồng này được ví bằng hình ảnh “cái bình trẻ trung vĩnh viễn”. Hai tông phái chính của Đại thừa là Bát Nhã Không tuệ học (Trung Đạo) và Duy Thức đều có mục đích là làm cho con người thấy đúng thực tại là gì, đừng thấy sai, đừng “nheo mắt làm quái” khiến thực tại bị biến dạng, từ đó mà có khổ đau. Những thí dụ về chuyện này từ kinh và từ các luận rất nhiều: Chớ nhìn sợi dây mà thấy lầm ra con rắn; chớ ngồi trên thuyền mà cho là bờ chạy; mắt mỏi thành ra thấy có hoa đốm giữa hư không; chớ thấy đại dương trong lặng thành ra sóng chập chùng; như con nai khát nước đuổi theo dợn sóng nắng mà tưởng là dòng suối v.v.

Tự do và hoan hỷ là trạng thái tự nhiên của tâm đã về nhà, thôi chạy quàng chạy xiên: “Đến nhà thôi chớ hỏi đường chi. Thấy nguyệt tìm gì ngón tay ấy”. Tự do và hoan hỷ là thấy mọi sự như thật, thấy mọi sự đúng trong thật tướng của chúng, không dụi mắt để thấy ra “mặt trăng thứ hai”. Thôi “lạ hóa”, thôi “điên đảo vọng tưởng”, thôi “dụi mắt, nheo mắt làm quái” thì “quái ấy liền tự hoại”.

Khi hết bụi, dầu là bụi vàng, trong mắt, chúng ta thấy ra cái Thực Tại, cái Thực Tế, cái khuôn mặt xưa nay của thế giới, của con người và của chính chúng ta. Chúng ta nhìn thấy Thực Tại, “khuôn mặt Chúa Xuân”: “Tâm sự muôn hoa trong Một Xuân”, như vua Trần Nhân Tông đã nói.

Đó là bài ca tự do và niềm vui mà mỗi chúng ta, nếu biết tin và học được từ truyền thống và cả hiện đại, có thể tự hát lên bất cứ lúc nào, bất cứ hoàn cảnh nào, cho chính mình, cho con người, và cho thế giới.

Nguyễn Thế Đăng

Chú thích:
1. Lạ hóa: Thuật ngữ nghiên cứu văn học của các nhà Hình Thức chủ nghĩa Nga và trường phái Praha.

SHARE:

Trả lời