SANH VÀ TỬ (Shōji)

SHARE:

Là một sai lầm khi cho rằng người ta chuyển động từ sanh đến tử. Sanh, là một điểm trong thời gian, có một cái trước và sau ; bởi thế trong Phật giáo sanh được gọi là không sanh (vô sanh). Diệt cũng vậy, là một điểm trong thời gian, cũng có trước và sau, nên nói rằng diệt là không diệt. Khi chúng ta nói “sanh” thì không có cái gì ngoài sanh, và khi chúng ta nói “diệt” thì không có cái gì ngoài diệt. Thế nên khi sanh đến, đó chỉ là sanh, và khi diệt đến, đó chỉ là diệt. Đối mặt với sanh và diệt, chớ chối bỏ, chớ ước mong.

 

Sanh và Tử, không ghi năm trong Chánh Pháp Nhãn Tạng, hòa nhập sự siêu việt với việc sống trong thế giới. Chủ đề là một suy nghĩ về nguyên lý nền tảng rằng hiện hữu là Không và Không là hiện hữu, nó được đưa vào thực hành bằng không lấy không bỏ, tự do với cả hai thương và ghét.

 

Trong một câu chuyện Thiền nổi tiếng, một nhà sư đến một thiền sư, ngài hỏi ông đến từ đâu. “Phương Nam”, nhà sư trả lời. Vị thầy hỏi nhà sư về Phật giáo ở phương Nam, một vùng nhiều trung tâm Thiền ; nhà sư trả lời, “Có nhiều bàn luận tiến hành ở đó.” Vị thầy nói, “Việc ấy làm sao có thể so sánh với trồng lúa và vò gạo thành viên để ăn ở đây ?” Nhà sư, rõ ràng là không thấy cái gì là ngộ hay giải thoát về điều này, nói rằng, “Thầy có thể làm gì đối với thế gian ?” Vị thầy nói, “Ông gọi cái gì là thế gian ?”

 

Phân tích tận cùng, theo những giáo lý Thiền, không phải thế gian trói buộc con người, mà chính con người tự trói buộc mình vào thế gian. Vướng mắc và mê lầm không đến từ bản thân thế giới, mà từ những ý tưởng và thái độ về thế giới, từ tương quan của người ta với thế giới. Bởi thế câu hỏi điều gì có thể được làm đối với thế giới trở thành câu hỏi người ta nghĩ và cảm nhận thế giới là gì.

 

 Sanh và Tử

“Bởi vì có Phật trong sanh tử, nên không có sanh tử”. Cũng vậy, “bởi vì không có Phật trong sanh tử, người ta không bị mê lầm bởi sanh tử”. Đây là hai lời nói của hai thiền sư tên là Giáp Sơn và Sơ Sơn. Là những lời của bậc chứng ngộ, hẳn chúng không được thốt lên mà không có lý do. Người muốn ra khỏi sanh tử cần hiểu chúng nghĩa gì.

Nếu người ta tìm kiếm Phật ở ngoài sanh tử, điều này giống như hướng về bắc để đi xuống nam, như quay mặt về hướng nam để cố gắng tìm ra sao Bắc : tích tập thêm nữa những nguyên nhân của sanh tử, họ lạc mất đường đến giải thoát. Chỉ hiểu rằng sanh tử chính nó là niết bàn, thì không có gì để chối bỏ như là sanh tử, không có gì để tìm kiếm như là niết bàn. Chỉ bấy giờ người ta mới có biện pháp nào để xa lìa khỏi sanh tử.

Là một sai lầm khi cho rằng người ta chuyển động từ sanh đến tử. Sanh, là một điểm trong thời gian, có một cái trước và sau ; bởi thế trong Phật giáo sanh được gọi là không sanh (vô sanh). Diệt cũng vậy, là một điểm trong thời gian, cũng có trước và sau, nên nói rằng diệt là không diệt. Khi chúng ta nói “sanh” thì không có cái gì ngoài sanh, và khi chúng ta nói “diệt” thì không có cái gì ngoài diệt. Thế nên khi sanh đến, đó chỉ là sanh, và khi diệt đến, đó chỉ là diệt. Đối mặt với sanh và diệt, chớ chối bỏ, chớ ước mong.

Cái sanh và tử này là đời sống của Phật. Nếu chúng ta cố gắng khước từ hay tống khứ nó đi, chúng ta sẽ mất đời sống của Phật. Nếu chúng ta lần lữa trong ấy và bám níu vào sanh và tử, đây cũng là mất đời sống của Phật ; đó là ngừng dứt cách hiện hữu của Phật. Khi chúng ta không có ghét bỏ hay ước mong, chỉ bấy giờ chúng ta đạt đến tấm lòng của Phật.

Tuy nhiên, chớ hình dung chuyện đó trong tâm thức bạn, chớ nói bằng lời nói. Chỉ buông xả và quên mất thân tâm, ném chúng vào trong nhà Phật, được hoạt hóa bởi Phật – khi chúng ta tiếp tục tương hợp với điều này, bấy giờ không nỗ lực hay mở rộng tâm, chúng ta lìa khỏi sanh tử và thành Phật. Ai muốn lần lữa trong tâm ?

Có một cách rất dễ để thành Phật : không làm điều xấu nào, không bám luyến vào sanh tử, đồng cảm sâu xa với tất cả chúng sanh, kính trọng những người trên, thương cảm những người dưới, không cảm thấy ghét thương với bất cứ cái gì, không suy nghĩ hay lo tính – đây gọi là Phật. Chớ tìm nó ở đâu khác.
CHÁNH PHÁP NHÃN TẠNG
Shōbōgenzō
Đạo Nguyên Hy Huyền (Dōgen Kigen)
 NXB Thiện Tri Thức

SHARE:

Trả lời