BA ĐIỂM TINH YẾU CỦA ĐƯỜNG TU GÍAC NGỘ

SHARE:

Tâm cầu giải thoát chưa có thì làm gì cũng chưa phải là Phật Pháp; tâm bồ đề chưa có thì tu gì cũng chưa phải là tu theo đại thừa; tuệ giác tánh Không chưa có thì chưa thể phá bỏ luân hồi. Dù là tu theo hiển tông, mật tông, hay cả hai, căn bản của đường tu giác ngộ vẫn nằm ở ba điểm tinh yếu này.

Vì vậy Ba Điểm Tinh Yếu của Đường Tu Giác Ngộ là cốt tủy của mọi công phu tu hành. Quí vị phải bằng trọn tấm lòng thành thật, thường xuyên tự xét xem ba điểm tinh yếu này có đã thấm nhuần trong tâm trí của mình hay chưa, nhất là tâm cầu giải thoát. Đặc điểm phi thường của phương pháp tu của Lama Tông Khách Ba là lấy tâm cầu giải thoát để phát tâm bồ đề, vì chưa có được tâm cầu giải thoát thì không thể phát tâm bồ đề.

 

Ba Điểm Tinh Yếu của Đường Tu Giác Ngộ

Tác giả: Lama Tsong Khapa (Tông Khách Ba)

Bài giảng của Ribur Rinpoche dựa theo chính văn này.

Kinh Luan

Kính lễ đấng tôn sư [Jetsun Lama] 

[1] Nay thầy xin tận sức giải thích về

Ý nghĩa tinh túy của giáo pháp của chư Thế Tôn;

Con đường mà các đấng con Phật đều tán dương;

Cánh cửa mở ra cho kẻ thiện duyên khát khao giải thoát.

 

[2] Xin hãy lắng nghe với tâm trong sáng

Hỡi những người may mắn, không tham cầu lạc thú cõi thế gian,

Biết tận dụng thân người thong dong thuận tiện,

Hướng về con đường làm đẹp dạ đấng Thế tôn.

 

[3] Nếu thiếu tâm buông xả luân hồi

Sẽ không thể dứt tâm tìm cầu lạc thú trong biển sinh tử

Lòng tham cầu sự sống lại là dây trói,

Buộc thắt chúng sinh vào cõi luân hồi

Vậy việc đầu tiên phải làm, là phát tâm buông xả.

 

[4] Thân người thong dong thuận tiện,
Khó tìm mà dễ mất

Phải thường xuyên nhớ nghĩ như vậy,

Tâm sẽ thôi không đắm chuyện đời này.

Luôn nhớ rằng nhân quả vốn không sai,

Toàn bộ luân hồi vốn không ngoài khổ não.

Phải thường xuyên nhớ nghĩ như vậy,

Tâm sẽ thôi không đắm chuyện đời sau.

 

[5] Quán niệm như thế cho đến khi

Tâm tuyệt không còn đuổi theo chuyện phồn vinh thế tục,

Ngày cũng như đêm luôn hướng về giải thoát,

Đó là lúc thành tựu tâm buông xả luân hồi.

 

[6] Nhưng dù có tâm buông xả mà thiếu tâm bồ đề,

Cũng không thể thành tựu đại lạc

Của vô thượng chánh đẳng giác.

Vì vậy bậc đại trí luôn gắng công phát khởi tâm bồ đề.

 

[7] Nghĩ đến chúng sinh bị bốn dòng nước xoáy cuốn phăng đi,

Nghiệp cũ ràng buộc khó lòng tháo gỡ,

Kẹt trong cũi sắt chấp ngã, Ngạt trong bóng tối vô minh,

 

[8] Trôi lăn theo vòng tái sinh không gián đoạn

Chịu ba loại khổ, bức bách không ngừng

Tất cả chúng sinh sống như thế đó, và đều đã từng là mẹ của ta.

Hãy nhớ nghĩ như vậy, để phát tâm bồ đề.

 

[9] Nhưng dù tâm buông xả và tâm bồ đề có đủ

Nếu thiếu đi trí tuệ chứng chân tướng thực tại

Vẫn không thể chặt đứt gốc rễ luân hồi.

Vậy phải bằng mọi cách giác ngộ lý duyên sinh.

 

[10] Người khởi bước vào con đường khiến chư Phật hoan hỉ

Là người thấy mọi sự, dù luân hồi hay niết bàn

Đều thuận theo nhân quả không sai

Và hoàn toàn rã tan mọi vọng cảnh [có tự tánh]

 

[11] Tướng hiện – là duyên sinh không thể khác,

Tánh không – vượt mọi khẳng định, bất khả tư nghì

Nếu chứng tướng hiện và chứng tánh không còn riêng lẻ tách lìa, Thì vẫn chưa thấy được ý thật của Phật. 

[12] Bao giờ tướng hiện và tánh không đồng loạt không xen kẻ, Càng chứng duyên sinh càng rã tan vọng chấp,

Đó là lúc chánh kiến đã vẹn toàn.

 

[13] Hơn nữa,

Vì hiện, nên không thường

Vì không, nên không đoạn

Nếu từ giữa tánh không mà thấy được nhân quả

Thì thoát được hai đầu cực đoan.

 

[14] Bao giờ có được cái thấy đúng như sự thật

Về ba điểm tinh yếu của đường tu,

Khi ấy, con ơi, hãy tìm nơi thanh tịnh, Tinh tấn tu hành

Mau chóng thành tựu mục tiêu cứu cánh.

Nói cho thật đơn giản, quí vị thử suy nghĩ xem sắc tướng của đời sống này là như thế nào. Sẽ thấy cái gọi là sắc tướng của đời sống, thật ra chỉ là một trạng thái tâm lý đặc biệt, mong cầu thành công sự nghiệp, mong cầu tiền tài danh vọng, mong những gì người đời gọi là một cuộc sống thành công tốt đẹp. Phải biết đây chính là tâm lý cột chặt chúng ta vào cõi luân hồi. Sắc tướng của đời sống (nói cách khác, mưu cầu của chúng ta trong cuộc sống) là đối tượng cần buông xả. Làm sao để buông xả? Phương pháp buông xả được giải thích trong bài tụng Ba Điểm Tinh Yếu của Đường Tu Giác Ngộ, như sau: Trước hết, cần thấy rõ thân người hiếm hoi khó được như thế nào, có những tiềm năng gì, quí giá và tràn đầy ý nghĩa ra sao. Biết thân người là quí hiếm rồi, còn phải biết về nghĩa vô thường. Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào; một khi lìa đời, mọi sự đều tan bay, chỉ những tiến bộ có được khi tu theo Phật Pháp mới thật sự hữu dụng. Vậy có hai điều cần phải thấy rõ: một là thân người quí hiếm, hai là đời sống vô thường. Lấy hai điều này để đảo ngược lại sắc tướng của đời sống.

 

Nguyên bản Anh ngữ : The Three Principles of the Path

Ribur Rinpoche thuyết giảng, Fabrizio Palloti phiên dịch Anh ngữ

http://website.lineone.net/~rootinstitute/teachings/teachings.html

Hồng Như Thubten Munsel chuyển Việt ngữ.

SHARE:

Trả lời