HÒA THƯỢNG TÚI VẢI LỚN( BỐ ĐẠI)

SHARE:

Bố Đại Hòa Thượng là ai? vì sao được xưng là Bồ Tát Di Lặc? Trong sách “Cảnh Đức Truyền Đăng Lục” sách “Ngũ Đăng Hội Nguyên” sách “Minh Châu Cảm Ứng Đại Sư Bố Đại Hòa Thượng Truyện”. v.v… đều có ghi chép về sự tích của Ngài. Theo Sách Cảnh Đức Truyền Đăng Lục thời Tống (1004) chép: “Quê ở Minh Châu, huyện Phụng Hóa. Không ai rõ tên họ Ngài là gì, chỉ biết Ngài tự xưng mình là Khiết Thử, mọi người thường gọi là Bố Đại Hòa Thượng, nghĩa là Hòa Thượng Túi Vải.

Tướng người mập mạp, trán hẹp, bụng lớn. Nói năng vô định, ngủ thì tùy chỗ; thường dùng một cây gậy, quảy một cái túi vải, hễ ai cúng cho món gì, Ngài bỏ cả vào trong túi. Vào chợ, vào xóm, thấy cái gì là xin cái đó, bất kể cá ương hay rau thúi. Xin được, bỏ vào miệng; còn lại thì bỏ vào túi. Người thời bấy giờ gọi là “Trường Đinh Tử Bố Đại Sư”, tức là “ông sư túi vải cây đinh dài”.

Có lần Ngài nằm trong tuyết, mà tuyết không thấm ướt đến mình. Người ta thấy thế cho rằng Ngài là một nhân vật kỳ lạ. Nếu Ngài đến xin hàng bán của ai, hàng đó nhất định sẽ bán chạy. Trời sắp sửa mưa, chắc chắn người ta sẽ thấy Ngài mang đôi guốc gỗ đẫm ướt đi bương bã trên đường. Lúc trời hứa hẹn một ngày nắng ráo, người ta thấy Ngài treo cao đôi guốc gỗ trên cầu, nằm co chân mà ngủ. Cư dân lấy đó mà nghiệm thì có thể biết thời tiết sẽ tới. Cuộc đời Ngài để lại một số giai thoại đầy ẩn ngữ.

Một thầy Tăng đi phía trước Ngài. Ngài chạy tới vỗ vào lưng. Thầy Tăng quay đầu lại, Ngài nói: -Cho xin một quan tiền. Thầy Tăng trả lời: – Nói được thì tôi cho Ngài một quan tiền ngay. Ngài bỏ túi xuống, khoanh tay đứng.

Lần nọ, Hòa Thượng Bạch Lộc hỏi Ngài: – Túi Vải (Bố Đại) là thế nào? Ngài bỏ túi vải xuống. Hòa Thượng Bạch Lộc lại hỏi nữa: – Cái việc của túi vải là thế nào? Ngài quảy lên vai mà đi.

Lần khác, Hòa Thượng Tiên Bảo Phúc hỏi: – Chỗ cốt yếu của Phật Pháp là thế nào? Ngài bỏ túi vải xuống, khoanh tay đứng. Bảo Phúc nói: – Chỉ có vậy, hay có cái gì khác hơn nữa? Ngài liền quảy lên vai mà đi.

Có một lần Ngài đứng giữa ngã tư, một thầy Tăng hỏi: – Hòa Thượng làm gì ở đó? – Ngài đáp: – Đợi một người. – Đến rồi! Đến rồi!; – Ông không phải là người đó; – Ngài đó thế nào?; – Cho xin một quan tiền.

Đời Lương, niên hiệu Trinh Minh thứ hai, năm Bính Tý, tháng Ba , trước khi thị tịch, Ngài có nói bài kệ:

Di Lặc chân Di Lặc

Phân thân thiên bách ức

Thời thời thị thời nhơn

Thời nhơn tự bất thức

Di Lặc thật Di Lặc

Trăm nghìn ức hóa thân

Hiện thân chỉ cho người

Tự người đời không biết

Nói kệ xong, Ngài yên lành mà tịch. Về sau, ở châu khác, có người cũng thấy Ngài mang túi vải mà đi. Nhân đó, người ta mới tranh nhau vẽ tượng Ngài. Toàn thân của Ngài cho tới đời nhà Tống, còn được thấy tại chùa Nhạc Lâm.”. Với những kỳ tích và đạo hạnh cũng như Thiền tư của Ngài, cộng thêm bài kệ thị tịch, Bố Đại Hòa Thượng được Phật Giáo cũng như đại đa số quần chúng trong dân gian tín ngưỡng và lưu truyền, dần dần hình tượng của Ngài được Phật hóa thành hình tượng của Đức Phật Di Lặc trong tương lai, theo quan niệm truyền thống thần thánh dân gian Đông phương, cũng như tư tưởng “ Đại Thừa Ứng Thân” của Phật Giáo Bắc Truyền.

Hình tượng của Đức Phật Di Lặc hoàn toàn được Đông Phương hóa qua hình tướng của Bố Đại Hòa Thượng là điểm cuối cùng của quá trình Đông Phương hóa hình tượng Di Lặc Bồ Tát, vì trước Bồ Đại Hòa Thượng từ nhận mình là hóa thân của Bồ Tát Từ Thị, thì cũng rất là nhiều nhân vật nổi tiếng của Phật Giáo Bắc Truyền cũng tự nhận mình là hóa thân của Bồ Tát Di Lặc như Tống Tử Hiền đời Tùy và Võ Tắc Thiên đời Đường. Qua hiện tượng này thể hiện rõ sự trưởng thành và phát triển mạnh mẽ của Phật Giáo Bắc Truyền về hình tướng cũng như triết lý, hàm ý tính chất độc lập, lập tông của tư tưởng “Tức Tâm Tức Phật” của Thiền Gia và làm sáng ngôn luận “Tâm Phật Chúng Sanh, tam vô sai biệt”.

Tinh Thần “Thánh Phàm Bình Đẳng” của Đại Thừa Bắc Truyền Phật Giáo được thể hiện hết sức sinh động qua hình tượng của Phật Di Lặc Bố Đại Hòa Thượng. Đức Bồ Tát Di Lặc nơi Thiên Cung, với 32 tướng cụ túc, 80 vẽ đẹp trang nghiêm, nhưng khi ứng thân vào đời bằng hình hài của một vị Hòa Thượng mật mạp, bụng to, áo quần xốc sết, nhưng miệng thì luôn điểm một nụ cười, làm cho mọi người đều có thể gần gủi và thân mật. Đại Thừa là thế vì muốn đem đạo vào đời, vì người là Phật, Phật cũng là người nên đâu có cách ngăn.

Lại nữa Bố Đại Hòa Thượng Ngài thường chỉ vào cái bao chứa hết thảy những gì xin được của mình bất cứ là dơ hay sạch của mình mà nói: “ Đây là Nội Viện của Di Lặc” chỉ cho ta một hàm ý nội viện của Bồ Tát Di Lặc ở cung Đâu Xuất Đà cũng không khác gì với cõi Ta Bà ở trần thế, bất cứ như nơi nào nếu như “không còn thấy dơ sạch hay ô nhiễm nữa đó là Tây Phương, không khổ não không ưu phiền đúng là Tịnh Độ” tư tưởng “Nhất Trần Bất Nhiễm” của Đại Thừa Viên Đốn như viên mãn ở nơi đây.

 

SHARE:

Trả lời