SHARE:
Dựa vào đức tin của mình để nâng cao các giá trị căn bản của con người là một tiến trình tích cực. Các tôn giáo chính trên thế giới đều nêu cao giá trị của tình thương, lòng từ bi và sự tha thứ. Nhất định là mỗi tôn giáo thực hành theo cách thức của mình, nhưng tất cả đều nhắm vào những mục đích ít nhiều giống nhau – sống hạnh phúc hơn, trở nên từ bi hơn và xây dựng một thế giới với nhiều tình thương hơn –, sự đa dạng về phương pháp của các tôn giáo không quan trọng lắm. Tầm quan trọng lớn hơn là phải phát huy tình thương, lòng từ bi và sự tha thứ ; các tôn giáo chính đều hàm chứa một tiềm năng như nhau. Một số người có xu hướng tin vào tôn giáo, và khi đã nhìn thấy sự đa dạng về năng khiếu trong các xu hướng của con người, thì ta phải hiểu rằng sự kiện có nhiều tôn giáo khác nhau là một điều hữu lý. Sự thực bao giờ cũng ích lợi.
Tính cách đa dạng của tôn giáo
Khi chưa nhìn thấy giá trị của những truyền thống tôn giáo khác, thật khó cho ta kính trọng các tôn giáo ấy. Tuy nhiên, sự kính trọng lẫn nhau phải căn cứ trên sự hài hoà chân thật. Chúng ta cần phải hướng đến một tình thần hài hoà, không phải vì lý do chính trị hoặc kinh tế, nhưng chỉ vì giá trị của các truyền thống khác. Riêng phần tôi, tôi luôn luôn cố gắng đề cao sự hài hoà giữa các tôn giáo.
Dựa vào đức tin của mình để nâng cao các giá trị căn bản của con người là một tiến trình tích cực. Các tôn giáo chính trên thế giới đều nêu cao giá trị của tình thương, lòng từ bi và sự tha thứ. Nhất định là mỗi tôn giáo thực hành theo cách thức của mình, nhưng tất cả đều nhắm vào những mục đích ít nhiều giống nhau – sống hạnh phúc hơn, trở nên từ bi hơn và xây dựng một thế giới với nhiều tình thương hơn –, sự đa dạng về phương pháp của các tôn giáo không quan trọng lắm. Tầm quan trọng lớn hơn là phải phát huy tình thương, lòng từ bi và sự tha thứ ; các tôn giáo chính đều hàm chứa một tiềm năng như nhau. Một số người có xu hướng tin vào tôn giáo, và khi đã nhìn thấy sự đa dạng về năng khiếu trong các xu hướng của con người, thì ta phải hiểu rằng sự kiện có nhiều tôn giáo khác nhau là một điều hữu lý. Sự thực bao giờ cũng ích lợi.
Đến đây tôi xin đề cập đến vấn đề hài hoà tôn giáo bằng cách phân biệt thành hai cấp bậc tâm linh khác nhau.
Cấp bậc tâm linh thứ nhất :
đức tin và sự rộng lượng
Đối với các tôn giáo chính cũng như đối với tất cả mọi người, cấp bậc tu tập thứ nhất chính là đức tin. Tôi tin rằng tất cả các tôn giáo đều đóng một vai trò quan trọng, nhưng nếu muốn cho các tôn giáo có thể góp phần một cách hữu hiệu vào lợi ích chung của nhân loại, cần phải có hai yếu tố.
Yếu tố thứ nhất là mỗi cá nhân – tức là chúng ta đây – khi đã theo một tôn giáo nào thì nên thực thi một cách chân thật. Những lời giáo huấn có tính cách tôn giáo phải trở thành những gì gắn liền với đời sống của ta và lưu lại trong ta. Đôi khi ta bước vào một nhà thờ hay một ngôi chùa để cầu nguyện hay tĩnh tâm, nhưng lúc vừa đặt chân ra khỏi các nơi ấy thì những giây phút nhiệt tình hướng về tôn giáo chẳng còn lưu lại gì cả. Như thế không phải là cách tu tập đứng đắn. Những gì mà tôn giáo ủy thác phải được giữ lại trong ta, dù cho ta đang ở bất cứ nơi nào. Tất cả những lời giáo huấn của tôn giáo phải luôn luôn hiện hữu trong sự sống, mỗi khi ta cần đến những cảm ứng thiêng liêng hay một sức mạnh đạo đức, ta sẽ có ngay. Khi những cảm ứng và sức mạnh đó đã hiện hữu thường xuyên trong ta, thi khi ấy ta mới có thể sử dụng chúng để đối đầu với những khó khăn vụt đến.
Tôn giáo chỉ thật sự hữu ích khi đã hội nhập vào đời sống của ta. Cần phải biết tôn giáo đã dạy ta những gì và hãy áp dụng ngay những điều học hỏi được vào những cảm nhận của ta. Đôi khi các ý niệm về tôn giáo chỉ được hiểu một cách thật lờ mờ trên phương diện lý trí. Nếu thiếu sự cảm nhận, sức hữu hiệu của tôn giáo sẽ rất giới hạn. Vì thế phải tu tập chân thành để giúp sự sống của ta thấm nhuần với tôn giáo.
Yếu tố thứ hai liên quan nhiều hơn với sự tương quan giữa các tôn giáo. Ngày nay, nhờ vào tiến bô kỹ thuật và hệ thống kinh tế toàn cầu, chúng ta lại càng lệ thuộc với nhau nhiều hơn nữa. Những quốc gia cách biệt nhau, những lục địa xa xôi đều liên hệ mật thiết với nhau trong bối cảnh hiện tại. Sự liên hệ đó chặt chẽ đến đỗi sự tồn vong của một vùng nào đó trên địa cầu cũng đều liên hệ đến sự tồn vong của những nơi khác. Sự tương liên trên thế giới trở nên chặt chẽ hơn, vì thế sự tương tác giữa con người cũng mang tầm vóc rộng lớn hơn. Những biến chuyển trên đây chứng minh cho thấy thái độ chấp nhận sự đa dạng trong tôn giáo mang một tầm quan trọng vô biên. Trước đây, khi các tập thể con người sinh sống cách biệt nhau và các tôn giáo cũng tương đối bị cô lập, thì ý niệm chỉ cần một tôn giáo duy nhất còn có thể chấp nhận được, kể cả rất hữu ích nữa. Nhưng ngày nay, hoàn cảnh đã khác và tình thế đổi thay. Thật hết sức cần thiết phải chấp nhận sự đa dạng trong tôn giáo và chủ trương sự kính trọng lẫn nhau một cách thành thực, một sự tiếp xúc chặt chẽ giữa các tôn giáo là một điều bắt buộc. Trên đây là yếu tố thứ hai giúp cho mọi tôn giáo khác nhau trên thế giới trở nên hữu hiệu hơn trong các công tác chung về nhân đạo.
Khi tôi còn sinh sống trên Tây tạng, ngoài Phật giáo ra tôi không có một dịp nào để tiếp xúc với các tín đồ của các truyển thống khác, thái độ lúc đó của tôi đối các tôn giáo khác không được tích cực lắm. Nhưng sau này khi tôi có dịp gặp những người thuộc các tín ngưỡng khác nhau, và nhân dịp đó để đào sâu những kinh nghiệm cá nhân, thì thái độ của tôi đối với các tôn giáo khác đã đổi thay. Tôi hiểu rằng các tôn giáo ấy hết sức cần thiết cho nhân loại và mỗi tôn giáo đều có tiềm năng đưa đến một thế giới tốt đẹp hơn. Suốt trong những thế kỷ vừa qua, các tôn giáo khác nhau đã góp phần tích cực để cải thiện con người, và kể cả ngày hôm nay, nhiều người tu tập đã đạt được sự thăng tiến nhờ vào các tôn giáo như Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Do thái giáo, Phật giáo, Ấn độ giáo hoặc các truyền thống khác nữa.
Đối thoại với những người tu tập tthuộc những tôn giáo khác thật hết sức phong phú. Hãy lấy một thí dụ, các dịp dàm thoại giữa tôi với ông Thomas Merton, ngày nay đã qua đời, đã giúp tôi nhận ra ông là một con người tuyệt vời, và cũng giúp tôi hé thấy tiềm năng tinh thần hàm chứa trong đức tin Thiên chúa giáo. Vào một dịp khác, tôi làm quen với một nhà tu Thiên chúa giáo trong một tu viện nổi tiếng ở Montserra, thuộc Tây ban nha. Ông này đã sống ẩn dật nhiều năm trên một ngọn đồi phía sau tu viện. Khi tôi đến viếng vùng này, ông đã bỏ nơi ẩn cư để xuống gặp tôi, tiếng Anh của ông ta còn tệ hơn cả tiếng Anh của tôi, nhưng điều đó đã giúp tôi có thêm can đảm để đàm thoại với ông ! Chúng tôi ngồi đối mặt với nhau và tôi cất lời hỏi ông ta như sau : « Trong suốt những năm qua, ông đã làm gì trên đỉnh đồi thế ? ». Ông ta nhìn tôi một lúc rồi trả lời như sau : « Tôi thiền định về lòng từ bi và tình yêu thương ». Lúc ông ta cất lời để nói lên các tiếng ấy, tôi đã nhận thấy thông điệp trong mắt ông. Và tôi cảm nhận được một niềm kính trọng sâu xa nơi con người của ông và cả những người khác giống vơí ông. Đấy là những loại kinh nghiệm đã làm cho tôi tin rằng tất cả những tôn giáo trên thế giới, dù cho khác biệt trên lảnh vực triết học và tín điều, đều có khả năng tạo ra những con người tốt. Mỗi tôn giáo đều quảng bá một thông điệp tuyệt vời.
Những lời giáo huấn xây dựng trên đức tin về một vị Trời sáng tạo nêu lên một hướng đi rất mạnh. Những người Thiên chúa giáo không tin vào sự tái sinh, cũng không tin vào các kiếp sống trước và các kiếp sống tương lai, nhưng sự vững tin là kiếp sống này do Trời tạo ra, đã giúp cho họ những xúc cảm gần gũi với đấng sáng tạo mà họ trực thuộc. Họ tiếp nhận những lời giáo huấn khuyên họ phải thương yêu các người đồng loại. Thật ra, nếu ta yêu quý Trời, ta phải yêu thương tất cả mọi người, bởi vì họ cũng như ta, tất cả đều là sự sáng tạo của Trời. Nếu như số phận tương lai của kẻ khác, cũng như của chính ta, đều nằm trong tay của Trời, thì đương nhiên chúng ta đều chịu chung một cảnh huống. Ngược lại, những ai đòi hỏi kẻ khác phải yêu mến Trời, nhưng chính mình thì lại không tỏ ra một dấu hiệu nào chứng tỏ tình yêu thương của mình đối với anh em và chị em cùng mang chung một đức tin, thì những kẻ đó thật đáng nghi ngờ. Bất cứ một người nào tin vào một vị Trời và vào tình thương của Ngài thì phải chứng tỏ một cách thành thật tình cảm của mình hướng về Trời bằng cách yêu thương người đồng loại. Cách suy diễn như thế tạo ra một sự tiếp cận mạnh mẽ, có phải thế hay chăng ?
Vì thế, khi ta quán xét một tôn giáo dưới nhiều khía cạnh khác nhau, như cách ta vừa làm – không phải bằng chính quan điểm triết học của ta, nhưng phải dựa trên nhiều cấp bậc khác nhau –, thì nhất định tất cả các tôn giáo chính đều mang tiềm năng giúp cho con người trở nên hoàn hảo hơn. Khi giao du với các tín đồ của các tôn giáo khác, ta sẽ biết mở rộng tâm thức và đưa đến một sự tương kính đối với các truyền thống khác. Tôi đã học hỏi được nhiều sáng kiến mới lạ liên quan đến các phương pháp tu tập khi tiếp xúc với các tôn giáo khác và đem ghép thêm vào cách tu tập của riêng tôi. Đồng thời, các anh em chị em Thiên chúa giáo cũng nên chọn và sử dụng một số kỹ thuật của Phật giáo – chẳng hạn như sự chú tâm vào một điểm và các phương pháp giúp phát huy sự rộng lượng, lòng từ bi và tình yêu thương. Những cuộc gặp gỡ và đối thoại như thế thật hữu ích, vì đã tích cực góp phần làm gia tăng thêm sự hài hoà giữa các tôn giáo.
Các nhà chính trị và các nguyên thủ Quốc gia thường nói đến sự tương trợ và đoàn kết. Tại sao chúng ta là những người thuộc phía tôn giáo lại lại không thể nêu lên điều đó ? Tôi nghĩ rằng đã đến lúc phải làm việc ấy. Vào năm 1997, tại Abisse thuộc nước Ý, các người đại diện các tôn giáo khác nhau trên thế giới tập họp lại để cùng nhau cầu nguyện, tuy rằng tôi không tin chắc rằng chữ « cầu nguyện » là một chữ thích nghi để mô tả một cách chính xác cách tu tập của tất cả các tôn giáo. Nhưng cũng chẳng sao, điều thiết yếu là những thành phần tôn giáo thuộc các truyền thống khác nhau đã tụ hội lại cùng một địa điểm để cầu nguyện, theo sự tin tưởng riêng của mỗi truyền thống. Theo tôi biến cố đó mang một tính cách rất tích cực. Cần phải tiếp tục trên đường hướng ấy và gia tăng nhiều hơn nữa những cố gắng đem đến hài hoà và giúp các tôn giáo trên toàn thế giới xích lại gần nhau hơn. Nếu không, có thể chúng ta sẽ còn phải đối đầu với thật nhiều khó khăn có thể chia rẽ cả nhân loại.
Nếu như tôn giáo là một liều thuốc duy nhất có thể làm suy giảm những xung đột giữa con người, thì quả thật là một thảm họa nếu liều thuốc ấy lại hoá thành nguồn gốc đưa đến xung đột với nhau. Kể cả ngày nay cũng như từ ngàn xưa, những bất hoà nhân danh tôn giáo vẫn thường bùng nổ, tôi thấy điều ấy hết sức là đáng buồn. Khi suy tư một cách cởi mở hơn và sâu xa hơn, ta sẽ nhận thấy tình thế trong quá khứ khác hẳn với ngày nay. Trong tình thế hiện tại, thay vì bị cô lập, chúng ta trở nên liên đới với nhau nhiều hơn. Vì thế thật cần thiết phải tạo lập sự tương quan chặt chẽ giữa các tôn giáo, giúp cho các đoàn thể có thể hợp tác bên cạnh nhau trong nổ lực chung hướng về sự an lành của nhân loại.
Cấp bậc tâm linh thứ hai :
từ bi là một tôn giáo toàn cầu
Cấp bậc tâm linh thứ hai, vượt lên trên mọi dị biệt về tôn giáo, đó là lòng từ bi và tình thương yêu giữa con người. Cấp bậc này quan trọng hơn nhiều so với cấp bậc thứ nhất, vì dù rằng tôn giáo có tốt đẹp đến đâu, thì cũng chỉ có một số ít người theo. Hầu hết trong số năm đến sáu tỷ người trên hành tinh này, hình như không có mấy ai tu tập hoặc theo bất cứ một tôn giáo nào cả. Tùy theo truyền thống gia đình, họ tự nhận diện như thuộc vào nhóm này hay nhóm khác – « tôi là người thuộc Ấn độ giáo », « tôi là người Phật giáo », « tôi là người Thiên chúa giáo » –, nhưng thật ra trong chính lương tâm họ, họ không phải là những người tu tập. Cũng chẳng sao ! Một người nào đó gia nhập hay không gia nhập vào một tôn giáo là hoàn toàn thuộc quyền cá nhân của họ. Tất cả các vị thầy lớn trong thời cổ xưa, chẳng hạn như Đức Phật, Mahavira, Jésus, Mahomet, không có vị nào thành công trong việc khai tâm cho hết tất cả mọi người. Chưa hề có ai làm được việc ấy. Sự kiện gán cho những người không tin là vô thần cũng chẳng hề hấn gì. Một số các học giả Tây phương xem những người Phật giáo là vô thần, vì lý do họ không tin vào một vị sáng tạo. Cách hiểu như thế đôi khi bắt buộc tôi phải chọn những chữ khác chẳng hạn như chữ « cực đoan » để chỉ định những người không tin gì cả. Tôi gọi họ là những người « không tin cực đoan », bởi vì chẳng những họ không tin vào một tôn giáo nào hết mà đồng thời họ lại tin chắc chắn một cách quả quyết là bất cứ một hình thức tâm linh nào cũng đều vô ích. Chúng ta phải tự nhắc nhở để nhớ rằng những kẻ đó cũng đều là những thành phần của nhân loại, và cũng như tất cả kẻ khác, họ cũng muốn được hạnh phúc và sống một cuộc sống thanh thản và êm đềm. Chính đó mới là điều quan trọng.
Theo ý tôi, chẳng có gì là xấu nếu muốn làm một kẻ không tin, nhưng một khi đã là thành phần của giống người, thì họ đều có nhu cầu về thương yêu và lòng từ bi như nhau. Đấy là những gì thiết yếu nhất trong những lời giảng huấn của các truyền thống tôn giáo. Nếu không có từ bi thì ngay cả những người tin vào tôn giáo cũng có thể trở thành những người gây ra tai hại. Hơn nữa, dù ta tin hay không tin, thì sự tu tập căn bản vẫn thuộc vào lãnh vực của tim ta. Theo tôi, từ bi và tình thương yêu là tôn giáo toàn cầu. Tất cả mọi người đều cần đến những thứ ấy vì chúng mang lại cho ta sức mạnh nội tâm, niềm hy vọng và sự an bình trong tâm thức. Từ bi và tình thương yêu quả thật cần thiết cho tất cả mọi người.
Như tôi đã nói đến trên đây, một vài anh em và chị em người Thiên chúa giáo, kể cả những người tu hành hay thế tục, đã nói với tôi là họ từng sử dụng các phương pháp Phật giáo để phát huy lòng từ bi cũng như đức tin Thiên chúa giáo của chính họ. Tôi vẫn thường nhắc nhở các bạn hữu Tây phương rằng tốt hơn hết cứ giữ lấy tôn giáo truyền thống của mình. Thay đổi tôn giáo không phải dễ và đôi khi lại có thể gặp những chuyện rối rắm.
Nhưng đối với những ai thấy rằng con đường Phật giáo hữu hiệu và phù hợp hơn với cách suy nghĩ của mình thì khi đó mới nên đắn đo một cách nghiêm chỉnh về việc này. Và một khi đã hoàn toàn tin chắc là Phật giáo phù hợp với mình, thì lúc đó cứ đến với Phật giáo, một cách hoàn toàn tự do không có sự ép buộc nào. Nhưng dù sao, sau đây là những gì không được phép quên : đôi khi vì muốn biện minh cho sự cải đạo của mình khi chọn một đức tin mới, một vài người có thái độ chỉ trích tôn giáo hay truyền thống trước đây của họ. Tôn giáo cũ trước đây dù không còn phù hợp với lòng tin của họ nữa, nhưng vẫn hữu ích cho nhân loại. Biết công nhận quan điểm và quyền hạn của kẻ khác cũng như những giá trị trong truyền thống của kẻ khác, có nghĩa là quý vị phải tiếp tục tôn vinh tôn giáo trước đây của quý vị. Điều này thật hết sức quan trọng.
CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN HẠNH PHÚC
Bản gốc tiếng Anh: The compassion life – NXB: Wisdom Publication
2001. Bản tiếng Pháp: Les voies spirituelles du Bonheur
NXB: Presses du Châtelet, Paris, 2002
Hoang Phong Việt dịch
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS