BA CHIẾC GỐI TRONG THIỀN MÔN

SHARE:

Vấn đề chính của việc tu hành là gì? Đó là vẫn cứ quay về chính mình, trở về ngay với đời sống chính mình. Chúng ta thường nói tịnh hóa chính mình, tịnh hóa sinh tử, nhưng phải tịnh hóa như thế nào? Thiền sư Đạo Nguyên nói: “ Ngồi quên chính mình”. Thế nhưng, chúng ta ngồi quên chính mình, hay là trên thực tế đang cũng cố chính mình? Vấn đề này rất quan trọng.

 

Trạng thái quên chính mình là trạng thái như thế nào? Có một tác phẩm tên là Ba trụ thiền(1) (Three pillars of Zen). Nhan đề tác phẩm này ý nói rằng bản thân thiền có những nền tảng căn bản. Trước đây, khi nghe tên tác phẩm thì tôi đã nghe nhầm thành Three pillows of Zen (Ba chiếc gối trong thiền môn); vì tôi nghe chữ “pillar” giống như chữ “pillow”. Muốn ngủ được thoải mái thì phải có ba chiếc gối này. Nếu không bạn sẽ gặp ác mộng.

 

Chiếc gối thứ nhất là “Tam-ma-địa” là “Định” (Concentration) – chuyên chú vào một vật, nhờ đó để quên chính mình. Thí dụ đơn giản nhất đó là tâm của chúng ta giống như nước ở trong thùng; khi xách thùng nước đi tới đi lui thì nước trong thùng tự nhiên sẽ lay động. Khi chúng ta đặt thùng nước xuống thì nước trong thùng tự nhiên sẽ yên lặng. Nếu trong thùng nước có bùn, vừa quậy một cái thì nước sẽ đục; nhưng rồi sau khi để yên một lát, bùn liền lắng xuống đáy thùng và nước sẽ trở nên sạch sẽ, trong suốt.

 

Ngồi thiền có khi rất giống với sự việc này, nhưng sự khác nhau lớn nhất đó là chúng ta có tâm, ý, thức. Tâm, ý, thức này hoạt động và chính nó tạo ra hành động quậy “nước” và “bùn”. Cứ mãi như vậy, làm sao tâm mới có thể thanh tịnh được? Chính là tâm cần phải “Định”.

 

Khi ngồi thiền, nếu bạn thuận theo sự hoạt động của tâm, ý, thức này; thì nó sẽ luôn luôn hoạt động không ngừng, không dứt. Tâm, ý, thức thích như vậy, vì lúc này có rất nhiều sự biến đổi không ngừng. Điều này rất giống cái máy thu hình. Bạn có thể tưởng tượng tâm bạn giống như hình ảnh trong máy thu hình, bất cứ lúc nào bạn muốn mở nó thì nó hiện ra ngay. Sự tưởng tượng này rất thú vị.

 

Chúng ta có nhiều phương án có thể làm giảm thiểu những ý niệm nổi lên, thí dụ pháp đếm hơi thở. Đếm hơi thở là phương pháp tu căn bản giúp cho người mới học thiền có thể chuyên chú. Đếm hơi thở từ một đến mười, rồi trở lại thành một vòng tuần hoàn, có thể chỉ đếm hơi thở ra hay hơi thở vào, cũng có thể một lần hít thở thì đếm một. Lúc này, hoạt động của tâm thức bạn sẽ hạ thấp xuống đến mười hay hai mươi. Phương pháp này có thể làm cho bạn an tĩnh, rất hiệu quả. Khi đếm hơi thở khả năng chú ý của bạn sẽ theo đó mà tăng lên.

 

Muốn tăng sức mạnh của Định (Tam-ma-địa) lên thì vẫn phải nâng lên một cách từ từ; không ai có thể trong một đêm mà làm được. Tôi nghĩ rằng không chỉ Tọa thiền, thực ra bất cứ pháp môn tu hành nào cũng đều như nhau. Bạn liên tục làm đi làm lại một việc giống nhau tức là bạn đang luyện tập điều cơ bản nhất.

 

Thuở nhỏ, tôi có học qua nghệ thuật bắn cung Nhật Bản. Bạn cầm cây cung lên hết kéo lại thả, hết kéo lại thả một cách liên tục, mục đích là luyện thuần thục phương pháp này. Bạn phải học cách kéo cung ra sao, kéo ra cỡ nào, nhắm đến mục tiêu như thế nào, hai chân đứng ra sao, muốn bắn đến chỗ nào. Bạn không chỉ luyện thuần thục vị trí của tay, mà cũng cần luyện thuần thục vị trí của chân. Như vậy, tương lại bạn sẽ trở thành một cao thủ bắn cung, cho dù bạn nhắm mắt lại thì vẫn có thể bắn trúng mục tiêu. Dĩ nhiên, mục tiêu mà tôi bắn là hư không!

 

Nghệ thuật, thể thao, âm nhạc – bất cứ môn nào chúng ta đều phải luyện tập động tác cơ bản nhiều lần. Luyện tập như vậy có thể khiến cho thân và tâm của chúng ta vững vàng hơn.

 

Tôi vẫn còn rất kém đối với sự tu hành này. Lúc còn bé, tôi rất điên loạn nên có biệt danh là “thổ phỉ”. Tôi cảm thấy mình hoàn toàn không đáng sợ, nhưng người khác lại cho là tôi rất đáng sợ. Tôi nghĩ rằng nếu sau đó tôi không luyện tập Tọa thiền thì có thể tôi sẽ trở thành thổ phỉ thực sự. Tôi cảm nhận rằng Tọa thiền đã cứu tôi. Vì vậy, tôi phải tập trung, phải chuyên chú!

 

Một ý nghĩa khác của Tam-ma-địa là “bình đẳng”. Chỉ cần tâm chúng ta bình đẳng, cởi mở là chúng ta đã có thể tiếp nhận tất cả mọi việc trong tình huống như nhau. Chúng ta không nên yêu thích hơn một vật này và chán ghét một vật khác. Nếu tâm chúng ta không bình đẳng, không cởi mở thì những vật chúng ta đang nhận biết đều sẽ biến dạng. Do đó, chúng ta phải làm thế nào để tâm mình được bình đẳng?

 

Ý nghĩa thứ ba của Tam-ma-địa là “cảm nhận sự vật bên ngoài một cách chính xác”. Làm thế nào mới có thể cảm nhận chính xác sự vật bên ngoài? Đó là chính mình phải là không, phải quên đi chính mình, phải quên những ý niệm, khái niệm về sự vật mà mình đã cảm nhận. Nói cách khác, tức là phải kiến lập mối quan hệ chính xác đối với sự vật bên ngoài.

 

Chúng ta thường nói “tất cả như thật”. Thế nhưng tất cả những gì chúng ta cảm nhận có thật sự là như thật hay không? Nếu đúng như thật thì đương nhiên là tốt rồi; nhưng không may là nó thường không đúng như thật. Cùng một sự việc nhưng năm mươi người nhìn thì mỗi người đều thấy khác nhau. Vì vậy, phải làm thế nào mới có thể cảm nhận chính xác sự vật bên ngoài? Đó chính là phải để mình trống rỗng đi, phải buông đi khái niệm sự vật mà mình cảm nhận được.

Trên đây là trình bày về chiếc gối thứ nhất trong thiền môn. Qúi vị sẽ dùng chiếc gối này ngủ thoải mái nhé!

 

Chiếc gối thứ hai là quên đi chính mình. Làm sao mới có thể quên đi chính mình? Đi sâu vào Tam-ma-địa thì có thể quên được chính mình.

 

Tam-ma-địa có nhiều mức độ, mỗi mức độ đều không giống nhau. Thế nhưng, trạng thái hay kinh nghiệm này thực ra không phải là sự tình gì ghê gớm đáng sợ cả. Thiền sư Đạo Nguyên nói: “Đi vào Tam-ma-địa giống như đâm đầu vào cửa”. Thấy được sinh mệnh chính mình có gì ghê gớm đâu? Không biết mình là ai há chẳng phải là việc quan trọng hơn sao?

 

Sinh mệnh thật là khó dự đoán. Sở dĩ khó dự đoán là vì sinh mệnh là vô hạn. Chúng ta có thể hiểu được điều này trong mức độ nhất định từ phương diện tri thức, nhưng phải làm thế nào mới có thể nhận thức toàn bộ sinh mệnh bát ngát mênh mông này? Đó là phải quên chính mình; phải trở thành chính sinh mệnh! Mỗi chúng ta đều thuộc về sinh mệnh mênh mông bát ngát, không thể dự đoán, không thể nghĩ bàn này. Đây là chiếc gối thứ hai trong thiền môn.

 

Khi tọa thiền thì phải hợp thành một với Tọa thiền. Làm thế nào hợp thành một với “chính mình”? Nếu xét về ý nghĩa thì dù bạn biết hay không, thực ra bạn luôn luôn đều hợp thành một với chính bạn. Thế nhưng, bạn lại cảm thấy cái Ngã bề ngoài có khổ đau, gắng gượng bị ngăn cách với cái Ngã chân thật. Nhưng thực ra, cái Ngã bề ngoài ấy của bạn không hề khác biệt với cái ngã chân thật.

 

Điều này rất khó hiểu, phải không? Chúng ta không thể nào dùng trí thức để hiểu được trạng thái tồn tại này. Cái Ngã chân thật thì không thể nào đo lường bằng dụng cụ nhân tạo được.

 

Chỉ cần nắm vững sự thật này, vui chính là vui, khổ chính là khổ; trong khổ và vui vốn đã không có khổ cũng không có vui. Trong suy nghĩ không có suy nghĩ. Trong Ngã không có Ngã. Đây là Thiền tuệ căn bản nhất.

 

Chiếc gối thứ ba trong thiền môn là thực tiễn (actualization). Đã quên chính mình, đã giải thoát, đã thấy rõ vạn vật tức là đã thể chứng được thể tính của sinh mệnh này. Như vậy, bạn vẫn phải duy trì sự thể chứng này trong đời sống thường nhật, làm cho đời sống chính mình trở thành đời sống đã thể chứng.

 

Chính vì lẽ đó chỉ ngồi thiền thôi thì chưa đủ. Bạn nhất định phải thể hiện loại trí tuệ này trong lối sống hằng ngày. Làm thế nào mới có thể chăm sóc đời sống thể chứng như vậy? Chỉ thể chứng thôi vẫn chưa đủ, còn phải chia sẽ, phải chia sẽ lẫn nhau. Làm thế nào mới có thể chia sẽ tốt nhất với người khác, để cho mỗi cá nhân sống được đời sống Khai ngộ – đây là chiếc gối thứ ba trong thiền môn.

 

Ba chiếc gối này là nền tảng của việc tu hành. Tất cả lời dạy của các bậc Cổ đức vừa thoáng nghe thì dường như đều khác nhau, nhưng sau khi thẩm tra kỹ lưỡng thì sẽ phát hiện ra ý nghĩa những lời dạy ấy đều giống nhau, chỉ khác nhau ở điểm nhấn mạnh mà thôi.

 

Tham công án có thể xem là môn học cùng song hành với ba chiếc gối này.

 

Nói một cách thông thường, chúng ta đều phải đạt được mức độ chuyên chú nào đó rồi mới bắt đầu tham Công án. Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc (Hakuin Ekaku, 1686-1769) đã từng bàn đến chín giai đoạn tham Công án, nhưng chín giai đoạn này cũng có thể giản lược còn ba. Giai đoạn thứ nhứt là hiểu rõ chính mình, hiểu rõ sinh mệnh mình. Giai đoạn này tương đương với Tam-ma-địa, tương đương với tâm bình đẳng, tâm cởi mở khi cảm nhận chính xác về cảnh vật bên ngoài. Công án chữ “Vô”(2) nổi tiếng là Công án rất quan trọng trong giai đoạn này.

 

Giai đoạn thứ hai là hành động tự tại. Bạn không thể tồn tại trong trạng thái tĩnh, việc bạn làm đó là làm một cách tự tại. Giai đoạn này tương đương với chiếc gối thứ hai trong thiền môn, tương đương với việc “quên chính mình”. Không cố chấp vào cái này cái kia, hành động tự nhiên tự tại.

 

Giai đoạn thứ ba thì thêm một bước nữa, đó là thành tựu “Đạo” này, vứt bỏ tất cả những gì tự mình bịa đặt. Giai đoạn này tương đương với “thực tiễn” – chiếc gối thứ ba trong thiền môn. Thể chứng sự hoàn chỉnh của sinh mệnh rồi sau đó mới thực hành, đời sống bình thường như thế chính là Niết-bàn. Thậm chí lúc này, ngay cả những từ ngữ “thể chứng”, “thực tiễn” cũng đều trở nên thừa thải, vì chúng ta không còn cần những “phương án”,  “kế hoạch” này nữa.

 

Đương nhiên, chúng ta không thể nào nhảy trực tiếp đến giai đoạn thực tiễn, cho nên chúng ta nhất định phải tu luyện từ từ – mặc dù xét về ý nghĩa thì đúng là không có chuyên gọi là “tiệm tiến” này. Hơn nữa, cho dù chính chúng ta từ lâu đã là “Đạo” nhưng chúng ta lại   không biết; dù rằng chúng ta từ lâu đã thể chứng nhưng chúng ta chưa từng nhận ra.

 

Vì sao nói đời sống của chúng ta từ lâu đã thể chứng? Vì chúng ta là chúng ta, vì bạn là bạn, vì tất cả là tất cả. Làm sao có thể lĩnh hội sinh mệnh chúng ta giống như vậy? Đây là vấn đề then chốt của việc tu hành.

 

Ghi chú:

(1) Ba trụ thiền (The three Pillars of Zen) là tác phẩm của Philip Kapleau, bao gồm : giáo lý, tu tập và giác ngộ (New York : Anchor, 1989).

(2) Công án mà thiền sư Maezumi nêu ra là Công án này: Nhân có vị Tăng hỏi thiền sư Triệu Châu: “Con chó có Phật tính hay không?” Triệu Châu đáp: “Không (không tồn tại, không)!”

 

Nhà xuất bản Hồng Đức

SHARE:

Trả lời