THƯỞNG THỨC VÀ SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT

SHARE:

CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO – Tác giả: Nguyễn Thế Đăng – NXB Thiện Tri Thức 2017CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO
Tác giả: Nguyễn Thế Đăng
NXB Thiện Tri Thức 2017

1. MỤC LỤC
2. CHẤT LƯỢNG CỦA ĐỜI SỐNG
3. CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC
4. CƠ HỘI TẠO DỰNG HẠNH PHÚC
5. CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO
6. CÁI ĐẸP CỦA CON NGƯỜI
7. CÁI NHÌN NGƯỜI KHÁC VÀ VẬT KHÁC
8. CÁI THIỆN VÀ HẠNH PHÚC
9. CON NGƯỜI TOÀN DIỆN, HẠNH PHÚC TOÀN DIỆN
10. CA NGỢI HOA SEN
11. CON NGƯỜI: NHỮNG GIÁ TRỊ VÀ SỰ HOÀN THIỆN
12. ĐẠO ĐỨC LÀ NỀN TẢNG CHO MỘT XÃ HỘI THỊNH VƯỢNG
13. GIÁO DỤC PHẬT GIÁO CON ĐƯỜNG CHUYỂN HÓA TOÀN DIỆN
14. ẢNH HƯỞNG CỦA NỀN VĂN HÓA PHẬT GIÁO
15. CON ĐƯỜNG BỒ TÁT VÀ XÃ HỘI HIỆN ĐẠI
16. KHO TÀNG LÒNG TỐT
17. KHÔNG LÀM HẠI
18. ĐỨC HIẾU
19. CẢM NGHĨ VỀ TĂNG GIÀ
20. BÁT NHÃ QUÁN CHIẾU
21. BÁT NHÃ: CHÁNH KIẾN GIẢI THOÁT
22. GIỚI THIỆU VỀ KIM CƯƠNG THỪA
23. EINSTEIN VÀ CON ĐƯỜNG HÀI HÒA CỦA ĐÔNG PHƯƠNG
24. KHOA HỌC HIỆN ĐẠI VÀ CON ĐƯỜNG PHẬT GIÁO
25. THỜI GIAN CÓ HAY KHÔNG
26. ĐI VÀO BÀI THƠ MỘC CẬN CỦA NGUYỄN TRÃI
27. SỨ MẠNG THI SĨ: NHỚ VÀ TƯỞNG
28. LINH HỒN HAY YẾU TÍNH THI CA
29. LỜI CHÀO TINH KHÔI
30. HOA HỒNG NỞ CHẲNG TẠI SAO: Angelus silesus, Heidegger VÀ MỘT CON ĐƯỜNG ĐÔNG PHƯƠNG
31. SÁNG TẠO QUA CÁI NHÌN PHẬT GIÁO
32. THƯỞNG THỨC VÀ SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT
33. TẢN MẠN VỀ TIẾNG VIỆT
34. NGHỆ THUẬT VÀ PHẬT GIÁO
35. LỜI CHÚC ĐẦU NĂM LỢI MÌNH LỢI NGƯỜI
36. MÙA XUÂN TỪ CẢM NGHĨ ĐẠO PHẬT
37. PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ VĂN HÓA
38. SỰ THÀNH ĐẠT
39. TÂY PHƯƠNG VỚI ĐÔNG PHƯƠNG: ĐỐI THOẠI VÀ CÙNG TIẾN
40. SỐNG TRONG BỔN NGUYỆN CỦA PHẬT A DI ĐÀ
41. CON NGƯỜI HÀI HÒA
42. XÃ HỘI HÀI HÒA
43. TỰA CÁC ĐẦU SÁCH ĐÃ XUẤT BẢN THIỆN TRI THỨC

31. THƯỞNG THỨC VÀ SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT

Quá trình thưởng thức nghệ thuật là một quá trình có tính biện chứng: Chủ thể thẩm mỹ (chính đề) hướng đến khách thể thẩm mỹ (phản đề) và thu hóa, dung hóa thành một chủ thể thẩm mỹ mới, được khách thế hóa một phần, do đó trở nên rộng hơn sâu hơn (tổng hợp đề). Nói một cách khác, cái ngã dung hóa một cái phi ngã (chẳng phải ta) tạo thành một cái ngã được mở rộng hơn, được đào sâu hơn. Nói theo thuật ngữ Phật giáo, tâm (chủ thể thẩm mỹ, nhân) gặp gỡ cảnh (khách thể thẩm mỹ, duyên) và tạo thành một thống nhất chủ thể-khách thể, một tâm-cảnh mới. Với tiến trình này, chủ thể đã được mở rộng hơn, đi vào chiều sâu hơn, nghĩa là được phong phú, giàu có hơn, sâu sắc hơn.

Chúng ta thấy sự tiến hóa của vũ trụ và nhân loại đi từ cái đơn giản đến cái phức tạp, cái đa dạng; từ cái thô phác đến cái tinh tế, từ cái nặng thấp đến cái thanh cao. Vật chất ù lì vô cơ đến hữu cơ có sự sống, và đến loài vật rồi loài người và lên nữa. Trong lĩnh vực nghệ thuật, sự tiến hóa của nó phải đi từ đơn điệu đến đa diện, từ đơn giản đến phức tạp, từ thô đến tế, từ tương quan một chiều đến tương quan nhiều chiều… Xét riêng về chủ thể thẩm mỹ, con người thưởng thức, nó phải hoàn thiện kinh nghiệm thẩm mỹ, tri giác thẩm mỹ, phán xét thẩm mỹ, trực giác thẩm mỹ. Có như vậy nó mới cảm nghiệm được cái thẩm mỹ nơi tác phẩm nghệ thuật, sự cô đọng tập trung của hình tượng thẩm mỹ, cũng như cảm nghiệm được cái thẩm mỹ ở đời sống chung quanh, ít tập trung hơn vì ít nhân tạo hơn. Nhìn thấy được cái thẩm mỹ nơi nghệ thuật và nơi đời sống, đó là sự hòa hợp, hợp nhất với đối tượng thẩm mỹ làm sinh ra khoái cảm thẩm mỹ. Chính vì khoái cảm thẩm mỹ này mà con người mới đam mê nghệ thuật đến thế. Nếu dùng một từ Hy Lạp thì tiến trình đi đến khoái cảm thẩm mỹ này gọi là Eros. Eros là thần Tình ái, là sáng tạo, là vui chơi… Dĩ nhiên, có nhiều cấp độ trong quan niệm về Eros, cũng như tình ái của con người có nhiều cấp độ. Trong minh triết Đông phương, Eros không mang nặng tính cách dục tình như Freud hiểu, mà mang tính cách “tình của thiên địa vạn vật” (Kinh Dịch), và theo Phật giáo, đây là lĩnh vực mà từ bi là chủ yếu.

Thưởng thức nghệ thuật là năng lực lĩnh hội thế giới theo mặt thẩm mỹ của con người. Trong tiến trình đó, chủ thể hướng dẫn và thu hóa khách thể để thành một chủ thể mới, hòa hợp với khách thể. Chủ thể được khách thể hóa để thành một tâm-cảnh thẩm mỹ, một thế giới tinh thần thẩm mỹ. Đây là một cách để nâng cấp tâm thức. Cái ngã tiến tới cái phi ngã (tác phẩm nghệ thuật, cái thẩm mỹ) và được phi ngã hóa. Như vậy cái ngã được mở rộng, được giảm nhẹ sự ràng buộc vào chính mình, được tạm thời mở thoát. Chúng ta ai cũng từng kinh nghiệm điều này: đứng trước một cảnh đẹp, một đối tượng đẹp, đôi khi ta thấy mình biến mất, cái ta tạm thời không có mặt. Đây là trạng thái mà Tây phương gọi là “xuất thần”, ra khỏi cái ngã (extase, ex: ra khỏi; stasis: vị trí của mình). Cái ngã tạm thời lắng xuống, tạm thời dứt bặt. Và chúng ta có thể tưởng tượng: một chủ thể thẩm mỹ rất cao khi gặp một đối tượng thẩm mỹ rất cao thì cái ngã có thể bể tan, có thể phá tung những sợi dây ràng buộc. Như thế, tiến trình của nghệ thuật hẳn phải nằm trong tiến trình giải thoát của Đông phương. Một nhận định mà cũng gần như là một mong ước của Dostoievsky: “Cái đẹp cứu độ cho thế giới”. Và chúng ta có thể lấy một thí dụ về chủ thể thẩm mỹ cao cấp gặp đối tượng thẩm mỹ cao cấp trong Phật giáo: Đồng tử Thiện Tài đi vào lâu các Tỳ Lô Giá Na Đại Trang Nghiêm và chiêm ngưỡng toàn bộ pháp giới (vũ trụ) trong đó rồi đạt đến mức chứng ngộ cao nhất (phẩm Nhập pháp giới).

Thưởng thức nghệ thuật là hành động bao hàm sự đồng sáng tạo với tác giả: đọc (văn học) hay nhìn ngắm (hội họa) là cảm nghiệm lại, hình tượng hóa lại theo tính chủ thể của mình, theo tâm thức riêng của mình. Những phương pháp nghiên cứu nghệ thuật hiện đại thường nhấn mạnh vào điểm này như mỹ học tiếp nhận (receptive esthetics), giải thích học (hermeneutics), hiện tượng luận (phenomenology), tâm phân học (psychoanalysis)… Chẳng hạn khi đọc Truyện Kiều, một người có thể phóng chiếu cuộc đời khổ đau của mình vào thân phận nàng Kiều, cộng thêm những kinh nghiệm hiện sinh riêng mình, phóng chiếu và gia thêm tưởng tượng của mình vào tính anh hùng của Từ Hải… Một vở kịch của Shakespeare đưa cho nhiều đạo diễn khác nhau sẽ diễn thành nhiều lối khác nhau. Hai tâm thức của tác giả và độc giả tương tác lẫn nhau tạo thành hệ ý nghĩa riêng cho người đọc. Sự đa tầng đa nghĩa ở đây được nhân lên: ý thức và tiềm thức (hay vô thức) của tác giả đã là đa tầng đa nghĩa, khi tương tác với ý thức và tiềm thức của người đọc lại càng tăng thêm những đa tầng đa nghĩa mới. Mỗi độc giả nhìn tác phẩm theo ý thức và tiềm thức của mình, bởi thế, Truyện Kiều sẽ còn được tìm hiểu, phê bình và giảng giải tiếp trong những thế kỷ tới.

Sự đa tầng đa nghĩa của nghệ thuật là do ý thức và tiềm thức của con người. Khái niệm tiềm thức hay vô thức của Tây phương tương đương với tạng thức (thức A lại da), là kho tàng chứa đựng tất cả mọi kinh nghiệm, cảm giác, ấn tượng, suy nghĩ (phần nhiều là méo mó biến dạng và đậm nhạt khác nhau do những cái mà Phật giáo gọi là “các độc”: tham, sân, si, mạn, nghi…). Có điều tạng thức theo Duy thức học Phật giáo thì rộng lớn hơn (vì nó chứa đựng không chỉ những hạt giống của một đời mà nhiều đời), sâu thẳm hơn (vì tận nền tảng của nó là tánh Không, cũng có nghĩa là Như Lai tạng, đây là chìa khóa cho sự giải thoát), và có nhiều yếu tố gây méo mó biến dạng hơn (tất cả mọi phiền não, vô minh chứ không nhấn mạnh vào một yếu tố libido – dục tình – như Freud).

Chúng ta hãy lấy thí dụ một câu nói của Khổng Tử: “Trí giả nhạo thủy, nhân giả nhạo sơn” (Người trí thích nước, người nhân thích núi). Một người nào khác, tuy hoàn toàn đồng ý với quan niệm trí và nhân của Khổng Tử, và cũng quan niệm trí và nhân phải ngang nhau như Khổng Tử, nhưng nếu người ấy trong đời này và những đời trước thường ưa núi, và thường tu theo trí (hơn là nhấn mạnh vào nhân như Khổng Tử) thì người đó sẽ phát biểu ngược lại: người trí thích núi, người nhân thích nước. Người ấy nghĩ, trí thì bất động như núi, còn từ bi thì thấm khắp và luôn luôn chảy xuống chỗ thấp như nước. Ý tưởng thì đồng, nhưng thí dụ thì khác nhau bởi vì tiềm thức hai người khác nhau, những cảm nhận và quan niệm về núi và nước hai người khác nhau. Cũng thế chỉ một từ “hoa”, có người sẽ thấy đó là một cô gái, có người thấy đó là thời thơ ấu bên sông, người thấy đó là sự phục sinh, người thấy đó là cái chết… Tiếp nhận, thưởng thức một đóa hoa như vậy sẽ có rất nhiều ý nghĩa, và có thể dùng một thuật ngữ của tông Hoa Nghiêm, một đóa hoa là “trùng trùng duyên khởi”, “trùng trùng vô tận” của ý nghĩa nhân sinh.

Nhưng dù đa tầng đa nghĩa thế nào, quan năng thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ phải đi từ thô đến tế, đi từ tri giác, trí nhớ, tư duy, tưởng tượng, tái tạo và sáng tạo có tính hình tượng đến tri giác, trí nhớ, tư duy, tưởng tượng, tái tạo và sáng tạo có tính trừu tượng, nghĩa là đến trực giác thẩm mỹ: thấy cái đẹp và cái cao cả trong một cái nhìn vừa tổng thể vừa cá biệt, cái nhìn này thấy tận bản chất, tinh túy, yếu tính của cái đẹp và cái cao cả. Ở đây cần phải nói thêm, cái đẹp và cái cao cả là hai phạm trù thẩm mỹ phân biệt của Kant, và từ đó trở thành hai phạm trù của mỹ học Tây phương. Với Đông phương thì không có sự chia hai: cái đẹp nào của con người cũng cao cả đối với con người, và cái cao cả nào cũng phải đẹp. Nếu có cái xấu, cái thấp hèn nào được cho là cao cả, thì cái xấu, cái thấp hèn ấy chỉ ở hiện tượng bên ngoài; bản chất nó phải cao cả mới được gọi là đẹp.

Với Đông phương, thấy tận bản tánh, tinh túy, yếu tính của cái đẹp, cái cao cả của khách thể cũng là thấy được bản tánh, tinh túy, yếu tính của chủ thể. Và ngược lại, khi thấy được bản tánh, tinh túy, yếu tính của chủ thể chính mình thì cũng đồng thời thấy được bản tánh, tinh túy, yếu tính ở nơi khách thể thẩm mỹ, và nói rộng ra, ở nơi tất cả vạn vật. Chỉ một câu nêu lên học thuyết của Duy thức học là “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” (Ba cõi duy chỉ là tâm, muôn hiện tượng duy chỉ là thức) cũng đủ chứng minh điều đó. Bởi thế mà quan niệm Đông phương đồng ý với hiệu lực của nghệ thuật là thanh tẩy (carthasis, theo quan niệm của Platon và Aristote). Có thanh tẩy một cách triệt để để đưa tâm thức của chủ thể và hình tượng của khách thể về bản tánh của chúng, mỹ học mới có thể đi đến tận nguồn của nó và mới có thể làm tròn sứ mạng của nó. Còn không nó chỉ là một môn học chỉ chạm đến cái đẹp ở hiện tượng bên ngoài, không có nền tảng hữu thể học và không có ích lợi gì nhiều cho con người ngoài sự phóng tưởng, tưởng tượng, biên kiến của mọi trường phái mỹ học. Nếu tác giả nghệ thuật là sự nhớ và tưởng của nhà nghệ thuật (xem “Sứ mạng thi sĩ: nhớ và tưởng”, GN tháng 2-2006) rồi đến lượt nhà mỹ học tiếp tục chồng lên sự nhớ và tưởng riêng của mình dù bằng luận lý, thì mỹ học đã lọt vào một thứ hư vô chủ nghĩa như chủ nghĩa hậu hiện đại đã cho thấy.

Thưởng thức hay hưởng thụ thẩm mỹ luôn luôn đem lại cho ta khoái cảm thẩm mỹ, sự thỏa mãn thẩm mỹ, niềm vui, hạnh phúc, sự cảm thông, thông tỏ và tự do. Tại sao có hiệu quả này? Nhu cầu thẩm mỹ đưa đến sự thỏa mãn tình cảm thẩm mỹ, nhưng tình cảm thẩm mỹ là gì? Tình cảm thẩm mỹ là sự động lòng và khi lòng động vì cái đẹp, cái cao cả thì nó được chuyển hóa, tái tạo, phục sinh. Xúc cảm thẩm mỹ có tính thanh tẩy (carthasis) là như vậy. Xúc cảm nghệ thuật làm cho tâm chuyển hóa nghĩa là tinh tế hóa tâm, tẩy rửa tâm, và làm cho tâm rung động nghĩa là bồi dưỡng, thêm sức cho tâm. Như vậy nghệ thuật là một phương cách để hoàn thiện tâm thức, nghĩa là hoàn thiện con người.

Nói đến thưởng thức, có lẽ trong lịch sử nhân loại, chúng ta chưa từng thấy và còn rất lâu mới thấy một sự thưởng thức cao tột, siêu phàm và kỳ diệu như thế này: “Trong tuần lễ thứ nhì sau khi thành đạo, Đức Phật đã đứng cách một khoảng xa nhìn cây bồ đề trọn một tuần không chớp mắt” (Đức Phật và Phật pháp, chương IV, Narada). Đây hẳn là một công án, một bí mật dành cho nhân loại ngày nào còn có con người.

Bây giờ chúng ta nói về sáng tạo nghệ thuật. Sáng tạo nghệ thuật cũng theo một quá trình biện chứng: chủ thể thẩm mỹ đã có đầy đủ nội dung và ý nghĩa của một phần khách thể, đã “tôi luyện” một tâm-cảnh đến độ tâm-cảnh ấy đầy đủ sự sống, bấy giờ vì một kích thích, một bức xúc từ bên trong hay bên ngoài bèn muốn biểu lộ ra bằng ngôn ngữ, âm thanh, màu sắc… Nếu thưởng thức là quá trình trong đó chủ thể tiếp nhận, thu hóa khách thể, thì sáng tạo là chủ thể tự phóng chiếu, tự khách thể hóa chính mình, tự hóa thân để thành một khách thể tác phẩm. Chính vì tác phẩm là sự khách thể hóa chủ thể, sự phi ngã hóa chủ thể mà nó có tính khách thể, tính phi ngã, và do vậy nó mới có thể được chia sẻ bởi nhiều người khác.

Những hình ảnh, âm thanh, cảm xúc của đời sống bên ngoài chuyển vào ý thức cá nhân. Ý thức này có khuynh hướng riêng, thói quen riêng, nghiệp riêng, hoặc chú trọng đến màu sắc hơn âm thanh, hoặc chú trọng tư tưởng trừu tượng hơn hình ảnh cụ thể. Rồi những kinh nghiệm giác quan đã được ý thức hóa này được chuyển vào tiềm thức (hay thức A lại da) và được cất giữ ở đó. Tiềm thức này cũng có nghiệp riêng của nó, có cách vận hành riêng, có khuynh hướng riêng, có sự tôi luyện riêng (chẳng hạn về toán học, văn học, về mỹ cảm, về ngôn ngữ…). Tâm thức cá nhân (ý thức và tiềm thức) không phải là một mặt gương bằng phẳng và hoàn toàn trong sáng phản chiếu toàn bộ cuộc đời, mà nó là một mặt gương lồi lõm, chỗ trong chỗ mờ, phản chiếu đậm nhạt khác nhau, biến dạng khác nhau. Trong thức kho tàng này, cùng với thời gian, có sự tương tác với những ấn tượng cũ và mới, với sự làm việc, tôi luyện đưa đến chín muồi (dị thục) những kết quả của tâm thức khi gặp duyên bên trong hay bên ngoài kích thích, sẽ được chuyển ra, trào vọt ra bên ngoài thành tác phẩm nghệ thuật.

Tất cả mọi hình ảnh giác quan, mọi cảm xúc, mọi ý tưởng đều được đưa vào tiềm thức. Với sự làm việc không thấy được của tiềm thức, một hôm cái ở trong thể hiện ra bên ngoài, như núi lửa bùng nổ, như bào thai trong bụng mẹ đủ lớn thì ra đời. Những sáng tạo lớn đều bắt nguồn từ tiềm thức. Như một bài thơ đa tầng đa nghĩa là do tiềm thức, còn bài thơ nào chỉ dựa vào ý thức, cố ý, cố tình thì thường là dở vì ý thức thì hẹp hơn, cạn hơn. Có những nhà khoa học suy nghĩ mãi không ra giải đáp bèn đi nghỉ hè thư giãn lại chợt bật ra giải pháp. Có người ngủ một giấc lại tìm ra giải đáp. Có nhà thơ xưa ở Trung Hoa, chỉ làm được hai câu đầu, hai câu sau nghĩ mãi không ra, không ưng ý, thế rồi hơn chục năm sau, tình cờ thấy một cái gì đó chợt bật ra hai câu thơ chót để bài thơ hoàn thành. Tất cả là do hoạt động âm thầm của tiềm thức. Qua đây, chúng ta có thể thấy bí quyết của sáng tạo là ý thức và tiềm thức tương thông với nhau dễ dàng, không bị chướng ngại. Muốn như thế, con người phải gỡ bỏ, tịnh hóa những chướng ngại, những ngăn che cản trở sự giao thông giữa ý thức và tiềm thức. Bí quyết của sáng tạo là tịnh hóa toàn bộ tâm thức. Sáng tạo là sự giải phóng toàn bộ tâm thức.

Nhưng điều quan trọng là tiềm thức do ý thức quyết định. Muốn được cất giữ vào kho (tiềm thức) phải qua cửa ý thức. Ngay cả muốn tịnh hóa những che chướng giữa ý thức và tiềm thức, giữa cái biểu lộ và cái không biểu lộ cũng phải bắt đầu từ ý thức. Ý thức ảnh hưởng đến tiềm thức, tạo ra nội dung của tiềm thức, huấn luyện cho tiềm thức. Nếu muốn trở thành một nhà văn hay một nhà khoa học, ý thức sẽ tự đào luyện để tiềm thức cũng có khuynh hướng đó, làm việc theo chiều hướng đó. Thế nên, người thì có tài về ngôn ngữ, người thì tài về khái niệm trừu tượng, người thì tài về hình khối, người thì tài về âm thanh… Thiên tài đó chẳng phải “trời cho”, chẳng phải di truyền (nhiều khi cha mẹ không có chút năng khiếu nào như vậy) mà là do cố ý hướng đến, do thói quen (nghiệp: cái do hành động mà thành), sự rèn luyện từ những đời trước khiến cá nhân ấy có bán cầu não phải hay bán cầu não trái phát triển, trung tâm ngôn ngữ phát triển hay tư duy trừu tượng phát triển và có tài ở một lĩnh vực nào đó. Ngay trong hiện tại, dầu bộ máy tâm thức có phát triển theo một khả năng nào, nếu  ý thức không làm việc, không kích hoạt, không nỗ lực làm cho toàn bộ tâm thức vận hành thì tiềm thức vẫn ngủ yên.

Sáng tạo là đam mê, nó như có ma lực, như hút hồn, sở dĩ như vậy là do sự bức bách của tiềm thức, sức xung động của tiềm thức. Nhưng như vậy không có nghĩa là để mặc nó, nó sẽ làm việc. Một tiềm thức bị quá nhiều chướng ngại ngăn che, và khi bộc phát lại không có phương tiện để thể hiện (rồi đi thể hiện bằng phá phách, đua xe, ma túy, v.v…). Một ý thức tiếp nhận trần cảnh không rõ ràng, tán loạn, không tinh tế, sâu sắc và không được định hướng thì thưởng thức còn chẳng được chứ nói gì đến sáng tạo. Một tình cảm èo uột, không được bồi dưỡng (chỉ số xúc cảm EQ) thì chẳng thể làm ra một tác phẩm nào, dù là tác phẩm thuộc loại khách quan như khoa học. Và còn nhiều yếu tố khác nữa phải học tập, phải thực hành.

Bí quyết của thưởng thức và sáng tạo nằm trong chỗ huấn luyện tâm thức, hoàn thiện tâm thức và giải phóng tâm thức. Như vậy, thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật không chỉ là tiến trình biện chứng của một nhà nghệ thuật, mà căn bản hơn và toàn diện hơn, nó là tiến trình biện chứng của sự hoàn thiện con người.

Thật ra, nhìn ở một mức độ cao cấp, vượt khỏi con người bình thường, sáng tạo hàm ý một thiếu thốn ở nơi chủ thể sáng tạo (mà người khát khao thưởng thức cũng thế). Sáng tạo, như chúng ta bình thường vẫn hiểu, hàm ý một sự bất toàn, một cái gì còn thiếu thốn, một cái gì chưa hoàn toàn của chủ thể sáng tạo. Tại sao lại phải làm một cái gì? Tại sao người ta không thể “vô vi”, không làm một cái gì cả? Tại sao lại phải “hóa thân” vào một tác phẩm? Nếu người ta đầy đủ, trọn vẹn với và nơi chính mình, người ta sẽ không cần sáng tạo gì nữa cả, không cần phóng chiếu một cái ngã thiếu sót ra ở ngành nghệ thuật nào, không cần tạo ra, sanh đẻ ra thêm một cái tôi nghệ thuật nào nữa cả.

Cuối cùng, chúng ta nói sơ qua về giải pháp của tông Duy Thức, nhằm đạt đến một sáng tạo thuần túy, một sáng tạo và thưởng thức không vì bức bách, không vì khát khao thiếu thốn, không vì những méo mó, dồn nén, mặc cảm, ẩn ức (những từ của tâm phân học) của tâm thức. Đó là sự sáng tạo và thưởng thức của một tâm thức cao cấp (vì đã cởi bỏ những trói buộc) và trong sáng (vì đã loại trừ nhiễm ô phiền não).

Ở đây chúng ta cố gắng hình dung sự chuyển hóa thức thành trí của tông Duy Thức:

– A lại da (tiềm thức, vô thức) chuyển thành Đại viên cảnh trí (trí như gương sáng lớn bao hàm toàn bộ hiện hữu vũ trụ).

– Mạt na (thức chấp ngã) chuyển thành Bình đẳng tánh trí (thấy tính bình đẳng của tất cả các hiện tượng).

– Ý thức (thức phân biệt ngã-phi ngã, tâm-cảnh,…) chuyển thành Diệu quan sát trí.

– Năm thức giác quan chuyển thành Thành sở tác trí (trí thành tựu tự nhiên sự trọn vẹn ở bình diện vật chất).

Khi ấy tám thức không còn bị giới hạn, không còn bị chướng ngại, xung đột che chướng lẫn nhau, không còn méo mó biến dạng. Khi ấy toàn bộ tám thức tương tác vô ngại với nhau để thành một thế giới trùng trùng duyên khởi, vô ngại và vô tận. Nơi đó có sự tự do và giải thoát, không còn bị giới hạn bởi chấp ngã và chấp pháp: vô ngã và vô pháp. Nơi đó có niềm vui vì tất cả đều là tự do và giải thoát: sự sự vô ngại. Mỗi một phút giây, mỗi một khoảnh khắc là sự sáng thế và tận thế của toàn vũ trụ: sự sáng tạo mỗi phút giây mỗi mới, không hề lặp lại vì mỗi khoảnh khắc tự trọn đủ với chính nó, mỗi khoảnh khắc là một vĩnh cửu.

Đây là sự thưởng thức và sáng tạo đồng thời với nhau và trong từng khoảnh khắc. Đây là sự thưởng thức và sáng tạo ở tầm mức vũ trụ. Và có lẽ, với sự việc này, con người hoàn thành con đường thưởng thức và sáng tạo của mình, có nghĩa là hoàn thành sứ mệnh làm người của mình.

SHARE:

Trả lời