SÁNG TẠO QUA CÁI NHÌN PHẬT GIÁO

SHARE:

CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO – Tác giả: Nguyễn Thế Đăng – NXB Thiện Tri Thức 2017CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO
Tác giả: Nguyễn Thế Đăng
NXB Thiện Tri Thức 2017

1. MỤC LỤC
2. CHẤT LƯỢNG CỦA ĐỜI SỐNG
3. CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC
4. CƠ HỘI TẠO DỰNG HẠNH PHÚC
5. CON NGƯỜI TOÀN DIỆN VÀ TỰ DO
6. CÁI ĐẸP CỦA CON NGƯỜI
7. CÁI NHÌN NGƯỜI KHÁC VÀ VẬT KHÁC
8. CÁI THIỆN VÀ HẠNH PHÚC
9. CON NGƯỜI TOÀN DIỆN, HẠNH PHÚC TOÀN DIỆN
10. CA NGỢI HOA SEN
11. CON NGƯỜI: NHỮNG GIÁ TRỊ VÀ SỰ HOÀN THIỆN
12. ĐẠO ĐỨC LÀ NỀN TẢNG CHO MỘT XÃ HỘI THỊNH VƯỢNG
13. GIÁO DỤC PHẬT GIÁO CON ĐƯỜNG CHUYỂN HÓA TOÀN DIỆN
14. ẢNH HƯỞNG CỦA NỀN VĂN HÓA PHẬT GIÁO
15. CON ĐƯỜNG BỒ TÁT VÀ XÃ HỘI HIỆN ĐẠI
16. KHO TÀNG LÒNG TỐT
17. KHÔNG LÀM HẠI
18. ĐỨC HIẾU
19. CẢM NGHĨ VỀ TĂNG GIÀ
20. BÁT NHÃ QUÁN CHIẾU
21. BÁT NHÃ: CHÁNH KIẾN GIẢI THOÁT
22. GIỚI THIỆU VỀ KIM CƯƠNG THỪA
23. EINSTEIN VÀ CON ĐƯỜNG HÀI HÒA CỦA ĐÔNG PHƯƠNG
24. KHOA HỌC HIỆN ĐẠI VÀ CON ĐƯỜNG PHẬT GIÁO
25. THỜI GIAN CÓ HAY KHÔNG
26. ĐI VÀO BÀI THƠ MỘC CẬN CỦA NGUYỄN TRÃI
27. SỨ MẠNG THI SĨ: NHỚ VÀ TƯỞNG
28. LINH HỒN HAY YẾU TÍNH THI CA
29. LỜI CHÀO TINH KHÔI
30. HOA HỒNG NỞ CHẲNG TẠI SAO: Angelus silesus, Heidegger VÀ MỘT CON ĐƯỜNG ĐÔNG PHƯƠNG
31. SÁNG TẠO QUA CÁI NHÌN PHẬT GIÁO
32. THƯỞNG THỨC VÀ SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT
33. TẢN MẠN VỀ TIẾNG VIỆT
34. NGHỆ THUẬT VÀ PHẬT GIÁO
35. LỜI CHÚC ĐẦU NĂM LỢI MÌNH LỢI NGƯỜI
36. MÙA XUÂN TỪ CẢM NGHĨ ĐẠO PHẬT
37. PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ VĂN HÓA
38. SỰ THÀNH ĐẠT
39. TÂY PHƯƠNG VỚI ĐÔNG PHƯƠNG: ĐỐI THOẠI VÀ CÙNG TIẾN
40. SỐNG TRONG BỔN NGUYỆN CỦA PHẬT A DI ĐÀ
41. CON NGƯỜI HÀI HÒA
42. XÃ HỘI HÀI HÒA
43. TỰA CÁC ĐẦU SÁCH ĐÃ XUẤT BẢN THIỆN TRI THỨC

30. SÁNG TẠO QUA CÁI NHÌN PHẬT GIÁO

1.Những nhận xét về sự sáng tạo

– Sáng tạo,dù trong bất kỳ lĩnh vực nào, văn học, nghệ thuật, và cả khoa học đều bao hàm một khao khát, một đam mê tiếp cận với cái gì là Chân Thiện Mỹ. Không một nhà văn nào khi viết một cuốn tiểu thuyết lại nghĩ rằng những gì mình đang sáng tạo không gần với sự thật (cái Chân) nhất, dù là sự thật đang xảy ra hay sự thật đáng nên có. Không một nhà văn nào nghĩ rằng tác phẩm mình sẽ không mang lại sự tốt đẹp(cái Thiện) cho người khác, dù là tác phẩm mình đề cập trực tiếp đến những vấn nạn, những tệ hại của con người (như Dostoievsky).Và cũng không một nhà sáng tạo nào nghĩ tác phẩm mình, công trình khoa học của mình không phải là cái đẹp (cái Mỹ), một trật tự hài hòa nhất mà mình có thể làm hay suy nghĩ ra (cũng như Dostoievsky đã nói, cái đẹp sẽ cứu chuộc thế giới).

Như vậy chiều hướng của sự sáng tạo là hướng đến cái Chân Thiện Mỹ, cái tuyệt đối, hay nói theo ngôn ngữ đạo Phật, là “hồi hướng về thực tại tối hậu”. Văn học nghệ thuật và khoa học, mỗi ngành theo cách của mình là sự đi tìm cái tuyệt đối của con người và diễn đạt cái ấy. Nhà văn Hemingway nói: “Đối với các nhà văn, mỗi cuốn sách mới phải trở thành những khởi đầu mới, những mong mỏi mới, nhằm đạt tới cái gì trước đây chưa đạt được. Mặc dù trước đây đã có nhiều nhà văn vĩ đại, các nhà văn hiện nay  vẫn buộc phải đi xa hơn những gì anh ta có thể đạt tới. Đó cũng là công việc mà không ai có thể giúp anh ta được…

Việc viết tiểu thuyết hay truyện ngắn đòi hỏi phải suy nghĩ thật kỹ về những điều mình đã biết: Khi nghĩ thật kỹ,người ta đạt đến một sự chân thực hơn là khi người ta chỉ nhớ lại những cái đã có trong thực tế…

Khi đã hiểu được bản chất của chân lý, cần tìm cách diễn đạt thế nào để có thể đi sâu vào tiềm thức của người đọc và trở thành một bộ phận trong kinh nghiệm cá nhân của bản thân họ”.

-Sáng tạo, như vậy, nỗ lực lấp đầy khoảng cách giữa chủ thể và khách thể, giữa cá nhân và thực tại, Trong cuốn Van Gogh,E Murina viết:

 “Nhờ chiến công của Van Gogh, những nỗ lực anh hùng của ông, những đau khổ mà ông phải gánh chịu, khái niệm sáng tạo đối với cái thế hệ sau trở nên có ý nghĩa: đó là một hoạt động tinh thần căng thẳng, một hình thức tự nhận thức mình một cách tích cực, một phương thức để vượt qua những khổ nạn của cuộc đời, cũng như sự ngăn cách giữa cái tôi và thế giới”.

Nỗ lực tiếp cận với một thế giới như thật này, nỗ lực lấp đầy hay xoá bỏ khoảng cách giữa con người và thực tại được nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận nói trong những dòng kết luận của cuốn Giai điệu bí ẩn:

 “Chúng ta sẽ không bao giờ tiếp cận được vũ trụ với chữ V viết hoa. Giai điệu của nó sẽ vĩnh viễn là điều bí ẩn. Nhưng lẽ nào đó là cái lý để chúng ta chán nản và vất bỏ mọi sự tìm kiếm? Tôi hoàn toàn không nghĩ như vậy. Con người sẽ không bao giờ thoát khỏi nhu cầu bức bách là phải tổ chức thế giới bên ngoài thành một sơ đồ hài hoà và thống nhất. Sau lý thuyết vũ trụ Big-bang, con người sẽ tiếp tục sáng tạo ra những sơ đồ vũ trụ khác, ngày càng gần với vũ trụ thực hơn, dù không bao giờ đạt tới, nhưng những sơ đồ của sự sáng tạo này sẽ soi sáng và ca ngợi sự hiện hữu của vũ trụ thực ấy”.

-Động lực sáng tạo đến bây giờ vẫn hình như là một cái gì bí ẩn, một đam mê không cưỡng lại được, một ám ảnh luôn luôn hiện diện ở trung tâm của cuộc sống, một tình yêu tìm đủ mọi cách để tìm ra và hợp nhất với đối tượng của mình (ví dụ chữ philosophie, mà chúng ta dịch là triết học, gồm hai thành tố philo: tình yêu và sophie: minh triết, trí tuệ: nghĩa là tình yêu minh triết), một ước ao thể nghiệm và thể hiện được cái gì là thật (Chân), cái gì là tốt (Thiện), cái gì là đẹp (Mỹ) ở trên cõi đời này. Dù cho rằng động lực sáng tạo là một sức mạnh thiên về bản năng tính dục (libido) như Freud quan niệm, hay như một đà sống (élan vital) như Bergson nghĩ, hay phổ quát hơn như các triết gia Tây phương là sự “nhớ quê hương Hữu thể, nhớ quê hương Thực tại” (nostalgie de I’Etre) thì đó vẫn là đam mê lớn nhất, và có thể nói là bao trùm toàn bộ những đam mê khác, kể cả tình dục và mong muốn có con (mong muốn có con là mong muốn sáng tạo ra một đời sống mới từ chính sự sống của mình, và quá trình của nó cũng giống như việc sáng tạo ra một tác phẩm mà người ta gọi là “đứa con tinh thần”)

Tóm lại,chúng ta có thể nhận xét động lực sáng tạo là một đam mê, một ám ảnh được thành tựu, khám phá một cái gì đó cao hơn cuộc đời hiện tại, một cái gì đó có bản chất là Chân Thiện Mỹ. Và như vậy có phải sự tiến hoá của con người và xã hội hướng đến sự hoàn thiện là được thúc đẩy bằng năng lực sáng tạo này?

-Tiến trình của sự sáng tạo: Chúng ta thường thấy những người làm sáng tạo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật thường ví sự sáng tạo một tác phẩm giống như việc sinh ra một đứa con. Bắt đầu là có một hạt giống (nói theo danh từ Duy thức học là chủng tử), một ý tưởng, một thắc mắc…Nhờ cưu mang hạt giống đó, dần dần thai nhi tạo hình, cùng với sự hao mòn sức khoẻ thân tâm vì phải chia phần cho thai nhi; giai đoạn này tương đương với sự hình thành tác phẩm một cách chưa rõ ràng trong tâm ý của một nhà văn. Và thai nhi ngày càng lớn cho đến khi bắt buộc phải ra đời, ra với thế giới vật chất, đây là sự đau đớn chuyển bụng, ở một nhà văn là giai đoạn phải viết ra giấy, phải thể hiện ra, không thì mất ăn mất ngủ, thậm chí “đau đớn”. Cuối cùng khi đứa con, hay nói đúng hơn là “đứa con tinh thần”, đã ra đời, người ta có cảm giác vui sướng, hạnh phúc, đồng thời một cảm giác giải thoát, không còn đeo mang gánh nặng bấy lâu nay.

Chúng ta có thể ví như một hạt cát lọt vào da thịt của con trai và dần dần con trai ấy tiết chất bao lấy hạt cát đó để qua một quá trình nó thành hạt ngọc trai. So sánh tiến trình khai ngộ thấy được thực tại như thật của một nhà sư tham công án cũng thế: ban đầu là một chủng tử (một công án) mà mình phải cưu mang, tập trung vào nó, quán tưởng về nó, lâu ngày nghi tình (đối với công án đó) phát khởi và chiếm trọn thân tâm, đây là một cái định nhưng chưa phải là chánh định. Và thình lình nghe một tiếng động, thấy một hòn đá…, ánh sáng bừng lên và người đó tỏ ngộ, nghĩa là thấy được thực tại, “khuôn mặt xưa nay” bấy lâu hằng kiếm tìm,và ý nghĩa của thực tại lâu nay ẩn chứa trong công án.

Quá trình sáng tạo hay khám phá, dù ở mức độ thấp hay cao, nhỏ hay lớn đều là một quá trình diễn tiến trên tâm thức và ảnh hưởng trên chính tâm thức.

-Nơi chốn xảy ra sự sáng tạo: Sự sáng tạo hình như bao giờ cũng ở một nơi chốn vượt khỏi ý thức bình thường, hay nói theo kinh Lăng Già, “vượt khỏi tâm, ý , ý thức”. Không phải tình cờ khi trong nhiều nền văn hoá cho nguồn gốc sáng tạo là những vị thần ; nữ thần âm nhạc, thần thi ca, thần sáng tạo…Hay ít ra, người ta cũng cho rằng nó phát xuất từ “nguồn cẩm hứng” “ngọn gió sáng tạo” v.v… nghĩa là một cái gì từ trời cao, và nói theo ngôn ngữ ngày nay, “ngoài hành tinh”. Trong kinh Pháp Hoa, khi bắt đầu sự khai thị ý nghĩa cao tột của kinh, Đức Phật đưa đại chúng lên giữa không trung, giữa không gian, đó gọi là hội “không trung thuyết pháp”. Sự sáng tạo hay khám phá, như vậy, bắt nguồn từ một nơi ngoài ý thức bình thường mà tâm lý học ngày nay gọi là vô thức hay tiềm thức, hay siêu thức.

Sau đây là một thí dụ trong rất nhiều thí dụ về sự sáng tạo, khám phá: Nhà vật lý hoc 24 tuổi Freeman Dyson sau sáu tháng trời vật lộn với bài toán hóc hiểm, cuối cùng anh “bỏ trốn” vào một kỳ nghỉ phép bên bờ biển California, và hầu như đã quên mất cơn ác mộng lượng tử. Rồi trên chiếc xe bus đêm trở về nhà, một ý tưởng chợt loé sáng, toàn bộ lý thuyết tìm kiếm bấy lâu hiện ra trước mắt Dyson. “Giây phút đó là thời điểm sáng tạo vĩ đại của cả cuộc đời tôi” nhà khoa học lỗi lạc hồi tưởng.

Nhà toán học người Đức Friedrich August Kekulé gặp tia chớp sáng tạo khi đang ngủ (trong giấc ngủ thấy ra là điều thường có ở các nhà bác học như Mendelev thấy ra bảng tuần hoàn các nguyên tố…). Trong mơ ông thấy một tổ đầy những con rắn cắn đuôi nhau thành vòng tròn. Ngay khi tỉnh dậy, ông chạy ngay vào phòng thí nghiệm và tạo nên công thức vòng benzen C6H6 –một cấu trúc trước đó chưa ai biết, tạo điểm xuất phát cho ngành hoá học carbon đồ sộ.

Khi nói rằng sự sáng tạo có cội nguồn từ vô thức hay tiềm thức, chúng ta cũng thấy rằng đối với một nhà Duy thức học, thì sự sáng tạo nằm ở thức A lại da, tức là thức thứ tám (con người có tám thức : năm thức giác quan, ý thức, Mạt na thức và A lại da thức ), thức căn bản, nguồn gốc, chứa đựng mọi chủng tử (hạt giống), và cả cái gọi là xung lực sáng tạo, năng lực thúc đẩy sự sáng tạo cũng nằm ở thức A lại da.

-Kết quả của sáng tạo. Sáng tạo là một sự tiếp cận gần hơn nữa với cái toàn thể, với một thế giới như thật, dù theo cách riêng của mình, hay nói theo ngôn ngữ Phật giáo, theo nghiệp riêng của mình, và có thể có phần méo mó, không hoàn hảo, và chính điều này đem lại cho tác giả một niềm vui. Sản phẩm sáng tạo là sự thể hiện ra mặt hình tướng, mặt vật chất cái thấy của sự sáng tạo này. Chính vì tác phẩm là một cách thức tiếp xúc với thực tại, mà sáng tạo đem lại nguồn vui, hay sự thoả mãn. Van Gogh khi cầm bút vẽ, ông mới tìm thấy cảm giác thoả mãn hoàn toàn, “sự thoả mãn ông chưa hề thấy bao giờ, kể cả khi phụng sự Thiên Chúa”.

Sáng tạo là một đam mê kết hợp, hợp nhất với cái gì toàn thể, cái gì mà trong tiềm thức chúng ta cho là hòa điệu, một thế giới hài hòa, do đó là một thế giới bình an. Ngay trong lĩnh vực tình dục, sự đam mê tình dục vẫn là một đam mê hợp nhất với một  “thế giới” hài hòa, hòa điệu, bình an. Bởi thế từ khi đang tạo ra tác phẩm cho đến lúc hoàn thành, nhà nghệ sĩ cảm thấy hạnh phúc vì nghĩ mình đang tiếp cận với cái thế giới lý tưởng, thế giới hài hòa, bình an. Đó là sự thoả mãn vì ý tưởng rằng mình đang tiếp cận với cội nguồn của sự hài hòa tối hậu.

Trong đam mê sáng tạo có ngầm ẩn một ý muốn khẳng định tự do. Sáng tạo là sự thể hiện mong mỏi đạt đến sự tự do tối hậu, cái mà đạo Phật gọi là giải thoát.

2.Cơ chế vận hành và quá trình của sáng tạo

Trong sáng tạo theo nghĩa đời thường, người ta cho rằng sáng tạo là do tài năng. Nhưng tài năng là gì, nó có phải là nhiều kiến thức không?- vì có những người kiến thức nhiều lại không sáng tạo bao nhiêu, và có những người kiến thức ít lại sáng tạo nhiều. Dù chúng ta có thể cho rằng tài năng là do cơ cấu sắp xếp của các tế bào thần kinh như thế nào đó, thì sự sáng tạo cũng phải y cứ trên hai khả năng chính của con người: sự tập trung và trí tưởng tượng. Tập trung để chuyên chú vào một vấn đề, và trí tưởng tượng để nhìn thấy những liên hệ ẩn kín của những phần tử cấu thành cái toàn bộ.

Sáng tạo cần có không gian vật chất để sáng tạo, một trang giấy đã đầy chữ không thể viết ra bài thơ mới, một thành phố đã hết quỹ đất đai thì còn chỗ nào cho sự sáng tạo một thành phố mới. Nhưng không gian trong tâm thức lại còn cần hơn nữa; một tâm thức chật hẹp vì những thành kiến, vì những điều đã biết, vì chấp chặt vào những thành quả đã đạt được thì không còn có khoảng không nào nữa cho sự sáng tạo, sự tự đổi mới. Một nghệ sĩ lớn là người không lặp lại và có thể tự đổi mới mình, tự mở cho mình những không gian mới –như cuộc đời hội hoạ của Picasso, sự sáng tạo kéo dài cho đến hết đời , trải qua các giai đoạn hồng, giai đoạn xanh, rồi giai đoạn lập thể và các giai đoạn sau nữa. Khoảng không gian mới trong tâm thức cho phép những sáng tạo mới( mà chúng ta thường gọi là sự tự do cho sáng tạo), chỉ có mở rộng thêm không gian tâm thức mới có thể có những ý tưởng mới, bởi vì không gian cũ đã chứa đầy những ý tưởng cũ rồi. Đi xa hơn nữa, chúng ta thấy rằng một tâm thức càng có nhiều không gian,càng có chỗ cho nhiều sáng tạo, và những người mà Phật giáo gọi là giải thoát là những người có tâm thức vô hạn, nghĩa là không gian vô hạn, và do đó sự sáng tạo cũng vô hạn. Đây là ý nghĩa mà danh hiệu một số vị Bồ tát đã diễn tả:Vô Tận Tạng, Vô Tận Ý…

Chỉ nói đến ba yếu tố này của sáng tạo, sự tập trung, ý tưởng tượng và không gian của tâm thức, cả ba yếu tố đó đều nằm trong những chủ đề của con đường Phật giáo.

Con người hơn các loài động vật khác vì hai khả năng: sự tập trung chuyên chú và trí tưởng tượng. Đây là hai khả năng lớn nhất để có thể sáng tạo. Chúng ta thấy một người thực hành Phật giáo cũng luôn luôn sử dụng và phối hợp hai khả năng đặc biệt này của con người: sự tập trung chuyên chú (thiền định) và sự quán sát qua trí tưởng tượng (thiền quán). Một nhà sáng tạo trong một mức độ nào còn phải có sự tập trung chuyên chú trên đề mục và sự quán sát bằng trí tưởng tượng để tìm ra cái mới. Thế nên trong mức độ nào,người đó phải làm công việc thiền định, mặc dù đây là một loại thiền định yếu ớt và khó đi sâu vì không có những phương pháp đã được đúc kết từ kinh nghiệm những người đi trước, kể từ Đức Phật, như Phật giáo. Và người đó cũng làm công việc thiền quán,quán tưởng, quán sát thế giới để tạo thành tác phẩm với những liên hệ cấu trúc của nó. Đây cũng là một loại thiền quán mặc dù chỉ nằm trong cấp độ thế gian chứ không thể là thiền định và thiền quán xuất thế gian như Phật giáo. Trong một trình tự khách quan, khi đã có định thì từ trong ấy huệ (cái thấy thấu suốt sáng tỏ, sự khám phá, sự sáng tạo…) xuất hiện.

Trong sáng tạo, người đó đi vào một quá trình quên bản thân mình, đây cũng là một quá trình vô ngã như trong khám phá và sáng tạo Phật giáo. Quá trình sáng tạo là quá trình thiền định và thiền quán (của cả đời thường lẫn Phật giáo), trong đó người ta quên đi bản ngã để đạt đến một cái gì toàn thể. Quá trình sáng tạo là sự xoá đi bản ngã,dù sự xoá đi đó là tạm thời và phần nhỏ hay là sự xoá đi vĩnh viễn và toàn bộ như trong Phật giáo. Như vậy người nào có phương pháp, có chuẩn bị đầy đủ, sự nổ tung của sáng tạo sẽ mạnh mẽ. Sự xoá đi bản ngã này làm lộ ra không gian,một không gian tự do cho sáng tạo. Không có một vụ nổ tung nào mà không cần có không gian, từ một viên pháo cho đến vụ nổ lớn Big-bang đã sáng tạo ra vũ trụ, vụ nổ lớn Big-bang này cũng cần có không gian vũ trụ. Một ý tưởng, một trực giác chỉ xuất hiện trong một khoảng không gian trống rỗng nào đó của tâm thức. Và chúng ta có thể hình dung nếu không gian càng lớn thì “sự nổ”càng lớn. Không gian sáng tạo ấy là cái chung cho sáng tạo đời thường và sáng tạo (chứng ngộ) Phật giáo,có khác biệt là nhỏ hẹp hay rộng lớn mà thôi. Và nếu có một cái gọi là bí quyết sáng tạo của Phật giáo, thì bí quyết đó là mở rộng không gian bên trong (nghĩa là của tâm thức) để cho sự sáng tạo xuất hiện.

Bằng hai khả năng tập trung và quán sát với trí tưởng tượng hỗ trợ cho thân tâm mà một nhà văn bước vào con đường thám hiểm, khám phá thế giới. Nhưng vì hành trang chuẩn bị chưa đầy đủ (chúng ta nhớ con đường đầu tiên trong năm con đường theo hệ thống Đại thừa là Tư lương vị,sự chuẩn bị đầy đủ hành trang) cho nên thế giới như thật vẫn cứ lùi xa, như nhà nghiên cứu văn học M.Bakhtin nói (cũng một ý như nhà khoa học Trịnh Xuân Thuận ở trên): “Không có gì tận cùng có thể xảy ra trên thế giới này,lời cuối cùng về thế giới chưa được nói; thế giới luôn luôn gợi mở và được bỏ ngỏ,nó ở phía trước và mãi mãi ở phíatrước”.

Trong cái nhìn Phật giáo, sở dĩ thế giới như thật cứ lùi xa như vậy bởi vì sự tập trung (hay thiền định) của chúng ta chưa đủ để tạo ra một không gian tịch lặng và khách quan cho sự nhìn thấy, cho sáng tạo và sự quan sát (thiền quán) của chúng ta luôn luôn bị che chướng bởi những hình ảnh, những thành kiến người ta đã có, hay nói theo thuật ngữ đạo Phật, người ta quan sát không phải bằng một tâm thức hồn nhiên tươi mới, mà quan sát qua danhtướng. Khi người ta quán sát không qua danh tướng, nghĩa là lìa danh tướng, tức thì người ta thấy được thực tại tối hậu: “Thấy các tướng chẳng phải tướng tức là thấy Như Lai” (Kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai- Kinh Kim Cương).

Chúng ta có thể nói rằng thật ra những người thực hành trong đạo Phật không làm khác gì những người khác trong những ngành chúng ta gọi là sáng tạo, nghĩa là cả hai đều đi tìm, khám phá một thế giới như thật, một thế giới mà trong tiềm thức chúng ta vẫn hình dung là tốt đẹp, chân thật, bình an và hoàn thiện, một thế giới cứu cánh cho mọi cuộc đời. Cả hai đều được phú bẩm một tâm thức con người như nhau, có khác chăng là những người thực hành đạo Phật có hẳn hoi những đường lối,nghĩa là những phương pháp rõ ràng, phát huy được mọi khả năng tâm thức của con người. Con đường đó đã từng được nhiều người đi và đạt đến những kết quả xác thực, mà những bài kệ thấy thực tại, chứng nghiệm thực tại của nhiều thiền sư Việt Nam để lại suốt dòng lịch sử Việt Nam đã phần nào chứng tỏ điều đó.

Sở dĩ có sự khác biệt trong thể nghiệm thực tại, một bên là một thực tại nhá nhem, có thể gây nhầm lẫn cho người khác, và một bên là một thực tại sáng tỏ trong mọi chi tiết, ngóc ngách, đó là vì có sự khác biệt trong mức độ làm việc ở thức căn bản A lại da. Những nhà sáng tạo, khám phá của đời thường cũng làm việc ở thức A lại da nhưng chỉ đụng chạm đến một phần cạn cợt (các nhà thần kinh học hiện đại cũng nói rằng ngay cả những nhà bác học cũng chỉ sử dụng được tối đa 20% bộ óc của họ). Còn các hành giả đạo Phật thì làm việc với toàn bộ thức A lại da, bề rộng cũng như bề sâu, và do đó “chuyển thức thành trí”, cho nên thực tại họ chứng nghiệm thì trọn vẹn và sáng tỏ vì không còn những dấu vết dơ nhiễm của các thành kiến, của các tình cảm thiên lệch…Tóm lại,cũng cùng một ý định khám phá sáng tạo, nhưng với những nhà sáng tạo đời thường thì A lại da chưa thanh tịnh, theo một chiều hướng nghiệp riêng, méo mó vì những phiền não của mình, còn với người thực hành đạo Phật thì lý tưởng của họ trước hết là đạt được sự thanh tịnh của A lại da, và do đó mà thực tại không còn bị che tối ở bất kỳ góc cạnh nào.

3.Chân sáng tạo như Phật giáo đề nghị

Thực ra trong một đời người, có lẽ ai cũng đã từng “chạm mặt”, “thoáng thấy” thực tại dù rất mờ nhạt,huống là những nhà khoa học, những nghệ sĩ lớn, những nhà sáng tạo lớn-bởi vì thực tại thì như Sơ Tổ Vô Ngôn Thông của một phái Thiền Việt Nam đã nói, “chưa từng che giấu”, nào có thiên vị với ai, biệt đãi cho ai. Chắc ai cũng đã có lần đứng trước một bình minh, một cảnh vật, và thấy nó là một cái gì cũ như vốn đã như vậy tự bao đời nay, cũ đến độ như thời gian biến động chưa từng có, và đồng thời cũng rất mới, mới hơn tất cả thời gian sẽ có. Đó là những giây phút “một niệm chẳng sinh,toàn thể hiện”. Bao giờ cũng vẫn có đó, “đêm qua sân trước một cành mai”( thơ Thiền sư Mãn Giác đời Lý). Cái“đêm qua sân trước một cành mai” vẫn muôn đời ở đó, chứa đựng tất cả sự sáng tạo của vũ trụ, trong đó có con người. Tiếc thay, những “trộm thấy”, những “thoáng thấy” (chữ dùng của Thiền tông) như vậy,do không có những phương pháp để giữ gìn,thâm nhập, thành ra nó trôi qua trong dòng đời hỗn loạn như một khoảng thời gian tuyệt vời nhưng tình cờ.

Với một người đã thấy và sống được với thực tại, thì như Thiền sư Thường Chiếu (thế kỷ XIII):

Đạo ( thực tại ) vốn không nhan sắc

Mỗi ngày mỗi mới khoe

Ngoài đại thiên sa cõi

Nơi đâu chẳng phải nhà.

Với một người đi đâu, không gian nào thời gian nào cũng là nhà như vậy, thì nỗi nhớ quê hương hữu thể, quê hương thực tại (nostalgie de I’Etre) ắt đã chấm dứt: người ấy là tất cả thực tại, tất cả hữu thể, tất cả đời sống, tất cả quê hương. Chắc hẳn người ấy không còn khoảng cách với quê hương để nhớ, để lấp đầy bằng những sáng tạo văn học nghệ thuật, không còn một cội nguồn quá khứ để đam mê tìm về, không còn một tương lai hoàn thiện để đam mê đi đến. Đó cũng là lý do tại sao các Thiền sư Việt Nam không phải là nhà thơ, triết gia, hoạ sĩ… chuyên nghiệp, mà chỉ để lại một bài kệ làm chứng tích mà thôi. Bởi không có sự sáng tạo nào lớn hơn sự sáng tạo ra con người, sự đổi mới toàn diện cho con người, sự làm cho con người sinh ra trở lại trong ánh sáng và niềm vui của đời sống chân thật, đây là điều mà thuật ngữ Phật học gọi là giáo hoá.Lấy ý của E.Murina ở trên, khi “sự ngăn cách giữa cái tôi và thế giới” không còn, ắt sự làm thơ, viết văn, vẽ tranh- là những công việc để lấp đầy, xoá bỏ sự ngăn cách đó- không còn là nhu cầu cần thiết. Khi không có thời gian và không gian ngăn cách giữa con người và thế giới như thật, thì sự sáng tạo hiểu biết theo đời thường chấm dứt.

Suốt đời, hay nhiều đời, người ta đi tìm quê hương vĩnh cửu, tìm bản thể, tìm Thượng đế, tìm Niết bàn, những danh từ chỉ cái gì ẩn sâu những sự vật, chiều sâu thăm thẳm của sự vật, cứu cánh tối hậu của con người và thế giới, và cho đến khi người ta thực sự thấy hiện tượng chính là bản thể, sinh tử chính là Niết bàn…thì những phương tiện của công việc tìm kiếm, thi ca, âm nhạc, hội hoạ, văn chương, điện ảnh, khoa học đều không còn ý nghĩa. Sự sáng tạo theo nghĩa đời thường đã chấm dứt. Nhưng nói như thế chẳng lẽ Phật giáo, nhất là Phật giáo như là đích để nhắm đến,lại không có cái gì gọi là sáng tạo sao? Hẳn là có, nếu không thì sống để làm gì,vì sao đạo Phật gọi là an vui? Hẳn là có, vì sáng tạo, biến đổi, chuyển hoá là ý nghĩa của đời sống kia mà. Có điều sự sáng tạo đó không do một cá nhân hữu hạn,không tuỳ thuộc thời gian không gian nữa. Đó là đời sống mỗi giây phút mỗi mới, mỗi sáng tạo, như Thiền sư Thường Chiếu nói ở trên: “Mỗi ngày mỗi mới khoe”. Đó là đời sống trong đó “Muôn năm một niệm, một niệm muôn năm”, như Tổ Tăng Xán nói trong bài kệ Tín tâm minh. Người đó không cần đến những sáng tạo phần hạn và có phần giả tạo của đời thường- chỉ trừ vì ích lợi cho người khác-bởi vì thực ra người đó đã đạt đến cội nguồn của sự sáng tạo, nguồn gốc thoả mãn mọi cơn khát khao của trần gian:

Tất cả những loại nước uống mà các bạn đã từng dùng

Từ thời gian vô thuỷ cho đến hôm nay

Đã không thoả mãn cơn khát khao hay làm bạn hài lòng

Bởi thế hãy uống dòng nước suối núi này

Của tâm giác ngộ, hỡi những ai có phước

(Milarepa)

Cội nguồn của sự sáng tạo ấy chính là tâm, một tâm đã thanh tịnh, một A lại da đã được tịnh hoá, đã được chuyển thành trí (tâm giác ngộ). Khi ấy tâm là người sáng tạo, và vì tâm thanh tịnh nên sự sáng tạo cũng thanh tịnh, sáng tạo đồng thời chẳng hề nhiễm ô chút nào bởi sự sáng tạo của mình: ba cõi duy chỉ là tâm, muôn pháp duy chỉ là thức (tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức). Nói như Kinh Hoa Nghiêm: “Tâm như nhà họa sư, vẽ các thứ ngũ ấm; trong tất cả thế giới; không pháp nào chẳng tạo. Như tâm Phật cũng vậy; như Phật, chúng sinh đồng; tâm, Phật, và chúng sinh; cả ba không sai khác”.

Bấy giờ người ấy là người sáng tạo ở tầm mức vũ trụ: năng lượng sáng tạo của người ấy là năng lượng vũ trụ. Năng lượng sáng tạo của người ấy không còn bị giam hãm trong những tư tưởng riêng tư, những thành kiến, những tài năng chuyên biệt và cả những tật xấu riêng tư…, nghĩa là trong những hàng rào tạo thành một cá nhân hạn cuộc. Người ấy sống sự sáng tạo của vũ trụ đồng thời cũng là sự sáng tạo của chính mình, sáng tạo nên tất cả mà chẳng nhiễm ô gì cả: như một tấm gương vũ trụ, trong suốt, phản chiếu tất cả, chứa đựng tất cả hình bóng nhưng những hình bóng chẳng thể nào in dính được vào nó. Người ấy với tư cách là một tấm gương (Đại viên cảnh trí) biểu hiện ra tất cả và thưởng thức tất cả mà chẳng lưu lại một hình tướng nào.

Đó là sự sáng tạo như Phật giáo đề nghị.

Người ấy đã đi qua những đam mê (passion), những thúc đẩy sáng tạo của kiếp người. Đam mê với người khác phái (mà như người ta nói là “một nửa của mình”), đam mê làm nhà nghệ thuật, đam mê làm nhà kinh tế, nhà quân sự,nhà chính trị, đam mê làm nhà khoa học, đam mê làm nhà tu hành, đam mê vượt khỏi những giới hạn của đời người…Người ấy đã đi qua những đam mê xúc tình bình thường của con người, và dần dần, một cách vô tình hay cố ý, người ấy đi đúng đường hơn, đúng phương pháp hơn, con đường khách quan mà người ta gọi là đạo Phật, và người ấy đã đi qua suốt hết tất cả những đam mê để đến cội nguồn của đam mê, cái đam mê chung, cái đam mê dành cho, đối với tất cả, đó là cái compassion (tiếp đầu ngữ com để chỉ chung, cùng, cộng, lẫnnhau…), chữ mà người phương Tây dùng để dịch chữ lòng bi của đạo Phật. Cộng lại , cái chung, cái toàn thể (com) của những đam mê (passion) chính là lòng bi (compassion).Người ấy đã đi qua suốt tất cả những đam mê để đến cội nguồn của sự đam mê là lòng bi, thương yêu, hoà điệu, đồng cảm…

Như thế người ấy đã thành tựu con đường của sáng tạo, của đam mê. Người ấy đã không đi ra ngoài, không vất bỏ con đường sáng tạo- một cái gì cao quý- của con người, mà người ấy vẫn đi con đường nhân loại đang đi, có điều đúng hướng, có phương pháp hơn, và đi xa hơn, rất xa hơn (Viễn hành địa), để đến cái cùng đích của sự sáng tạo, cùng đích của mọi đam mê, là compassion, lòng bi, thương yêu, hoà điệu, đồng cảm… Đó là sự giải toả, giải pháp, giải đáp cho tất cả mọi đam mê. Phật giáo không phủ nhận,loại bỏ con đường sáng tạo, trái lại đẩy sự sáng tạo đến cùng đích, đến tận cội nguồn của nó, trên con đường rộng lớn bao la của mình (dĩ nhiên là có phương pháp, có quy luật mới gọi là con đường), và như vậy thành tựu con đường sáng tạo cho mỗi người.

Đó là con đường sáng tạo như Phật đạo đề nghị.

SHARE:

Trả lời