SHARE:
Sư dạy chúng rằng: Thiện tri thức! Pháp môn đây của ta lấy định huệ làm căn bản. Đại chúng chớ mê mà nói định và huệ riêng khác. Định và huệ là một thể, chẳng phải là hai. Định là thể của huệ, huệ là dụng của định, ngay lúc huệ thì định ở trong huệ, ngay lúc định thì huệ ở trong định. Nếu biết nghĩa đây tức là định huệ đồng học.
Định huệ tức là chỉ quán, là pháp môn căn bản của Phật giáo. Định huệ đồng thời hay chỉ quán đồng thời, tức là Thiền, theo Kinh Viên Giác.
Định huệ Lục Tổ nói ở đây là bản thể của tự tánh chứ không phải từ ngoài vào. Bản thể của tự tánh vốn là định, như kim cương mà các tạp chất phiền não không thể trộn lẫn được. Tự tánh vốn là huệ, hay quán, như kim cương luôn luôn chiếu sáng. Trong tự tánh, định huệ là một thể. Nói cách khác, tự tánh là thường định thường huệ.
Định huệ như vậy hiện hữu từ vô thủy đến vô chung. Biết được định huệ không có thời gian không gian này bèn giải thoát.
Các người học đạo chớ nói trước định rồi phát huệ, trước huệ rồi phát định, mỗi cái phân riêng. Nếu thấy như vậy thì pháp thành ra có hai tướng. Miệng nói lời thiện mà trong tâm chẳng thiện, nói khống rằng có định huệ mà định huệ chẳng đồng một thể. Nếu tâm miệng đều thiện thì trong ngoài nhất như, định huệ là bình đẳng.
Trong tự tánh thì định huệ bình đẳng một thể, trong ngoài nhất như, không có hai tướng.
Phân chia định huệ riêng khác, có trước có sau, đó là chuyện của thức phân biệt tạo thành sanh tử. Trong trí thì tất cả bình đẳng một thể, định và huệ là nhất như, phước và trí là nhất như, tánh và tướng là nhất như, phiền não và giác ngộ là nhất như.
Thấy nền tảng nhất như như một tấm gương vô hạn gồm nhiếp tất cả bóng, trong đó bóng chính là gương và sống được như vậy, đây là Thiền.
Tự ngộ tu hành chẳng phải ở nơi tranh luận. Nếu tranh trước sau, bèn đồng với người mê. Chẳng dứt được hơn thua, cao thấp thì càng tăng thêm chấp ngã chấp pháp, chẳng lìa được bốn tướng.
Thiện tri thức! Định huệ do đâu mà bình đẳng? Giống như đèn sáng, có đèn là sáng, không có đèn thì tối. Đèn là thể của ánh sáng, ánh sáng là dụng của đèn, tên tuy có hai, thể vốn đồng nhất. Pháp định huệ đây cũng như vậy.
Đạo Phật là vô ngã, vô pháp, không có bốn tướng ta, người, chúng sanh, thọ mạng. Đây cũng chính là tự tánh, Phật tánh. Tăng thêm ngã và pháp, tăng thêm bốn tướng là trái với đạo Phật, trái với tự tánh vốn đang hiện tiền.
Trong tự tánh, định huệ là một vị, tâm cảnh là một vị, chủ thể và đối tượng là một vị, tướng là tánh là một vị. Thấy biết trực tiếp cái một vị này gọi là ngộ, và ‘‘tự ngộ tu hành’’ là niệm niệm sống với cái một vị này, “không trước không sau’’ cho đến khi trọn vẹn.
Một vị của định là niệm này qua niệm khác chỉ là một vị tánh vốn định. Huệ là một vị ánh sáng soi chiếu ra thành các tướng, các tướng ấy cũng là một vị tánh vốn định và một vị tánh sáng thường chiếu soi.
Sư dạy chúng rằng: Thiện tri thức! Nhất hạnh tam muội là nơi tất cả chỗ đi đứng nằm ngồi thường hành một trực tâm đó vậy. Kinh Tịnh Danh nói: Trực tâm là đạo tràng, trực tâm là Tịnh độ.
Chớ nên tâm hành cong quẹo mà miệng thì cứ nói sự ngay thẳng; miệng nói nhất hạnh tam muội mà chẳng hành trực tâm. Chỉ hành trực tâm là với tất cả pháp chớ có bám nắm một pháp nào.
Người mê bám vào pháp tướng, chấp Nhất hạnh tam muội, nói rằng thường ngồi chẳng động, vọng niệm chẳng khởi nơi tâm, đó là nhất hạnh tam muội. Nếu hiểu như vậy tức là đồng với loài vô tình, trở lại thành cái nhân duyên ngăn chướng đạo.
Thiện tri thức! Đạo vốn thông lưu, sao lại làm cho ngưng trệ. Tâm chẳng trụ pháp thì đạo thông lưu, còn tâm trụ vào pháp, đó gọi là tự trói buộc mình.
Nếu nói thường ngồi chẳng động là phải thì như Xá Lợi Phất ngồi yên lặng trong rừng, lại bị Duy Ma Cật trách đó vậy.
Nhất hạnh tam muội là nơi sinh hoạt của đời sống thường hành một trực tâm, không cong quẹo lộn xộn. Trực tâm là tâm rất mực yên lặng mà thường chiếu soi, bất động mà sống động. Như tấm gương bất động mà hằng chiếu mọi bóng cảnh nhưng mọi bóng cảnh chẳng dính cứng được vào gương. Tóm tắt, trực tâm là định huệ đồng thời. Trực tâm chính là tự tánh.
Nếu cho thực tại ban sơ và tối hậu là tự tánh chỉ là định, bèn chấp thường ngồi chẳng động, vọng niệm chẳng khởi nơi tâm, cho đó là tu hành. Tu hành tự tánh hay trí huệ Bát nhã không phải là nhắm mắt bưng tai, diệt hết vọng niệm, vọng tưởng và vọng tướng, mà là thấy thật tánh của vọng niệm, vọng tưởng và vọng tướng.
Tu hành tự tánh là ở nơi tướng mà lìa tướng, ở nơi tưởng mà lìa tưởng. Khi không bám nắm, không bị tướng và tưởng trói buộc, đó là ở nơi tướng và tưởng mà vẫn giải thoát, vì ánh sáng của trí huệ thấu thoát qua mọi tướng và tướng. Đây là cái trực tâm hay tự tánh hằng sáng rỡ trước mắt.
Làm sao để lìa tướng và tưởng? Vì bản chất của tướng và tưởng là vô tự tánh, là lìa (ly). Thấy biết và sống như vậy trong từng niệm niệm, đây là trí huệ hiện hành, định huệ đồng thời hiện hành.
Quan niệm rằng định là sự chẳng động của tâm ở bên trong rồi ngồi yên nhắm mắt không thấy không nghe, đây là làm cho tự tánh hay đạo ngưng trệ, trong ngoài ngăn ngại nhau, tướng và tánh ngăn ngại nhau, niệm và vô niệm ngăn ngại nhau. Ngăn ngại nên chẳng “thông lưu’’, nên chẳng thể là một.
Định đây là cái định vốn sẳn của thân tâm và thế giới, trong ngoài đều một tánh định. Huệ đây là ánh sáng vốn sẳn của thân tâm và thế giới, trong ngoài đều một tánh sáng. Do đó mà gọi là thông lưu trong ngoài, tướng tánh, niệm và vô niệm, tĩnh và động. Đây là sự tự do của định, sự thấu suốt khắp cùng của ánh sáng huệ. Đây là tánh bất nhị của toàn thể hiện hữu.
Thiện tri thức! Lại có người dạy ngồi để xem tâm quán tịnh, chẳng động chẳng khởi, cứ theo đó mà cho là công phu. Người mê chẳng hiểu, bèn chấp lấy đó mà thành điên dại. Nhiều người dạy nhau như thế thật là lầm to!
Quan niệm tâm mình chỉ là tịnh, vô niệm là không có niệm nào, bèn ngồi để xem tâm quán tịnh, chẳng động chẳng khởi, rồi theo đó mà công phu thì cùng lắm là chỉ tu định hay tu chỉ. Không biết được rằng tâm thì vốn Tịch mà Chiếu, vốn Định mà Huệ, đây mới là Thiền, định huệ đồng thời, chỉ quán bất nhị. Cái định huệ đồng thời, chỉ quán bất nhị này không phải từ ngoài vào như một phương tiện để đạt đến tự tánh, mà nó chính là tự tánh. Ở đâu, khi nào,có định huệ đồng thời, chỉ quán bất nhị, nơi đó, lúc đó, tự tánh hiển lộ.
Thấy ‘‘tánh giác Như Lai đang phóng ánh sáng lớn, ngoài soi sáu cửa thanh tịnh, tự tánh chiếu bên trong ba độc liền dứt, trong ngoài sáng suốt chẳng khác Tây phương’’, đây là định huệ đồng thời.
Sư dạy chúng rằng: Thiện tri thức! Chánh giáo xưa nay không có đốn tiệm, chỉ tánh người có sắc bén có cùn lụt mà thôi. Người mê thì tu lần lần, người ngộ thì tức thời khế hợp. Sự tự biết bản tâm, tự thấy bản tánh thì không có sai khác. Vì vậy lập ra cái giả danh đốn tiệm.
Tự tánh hay Phật tánh thì ai cũng sẳn có, không ai nhiều hơn hay ít hơn, không phải chỗ này khác, chỗ kia khác. Sở dĩ có tức thời hay lần lần là do sắc bén hay cùn lụt. Sắc bén là ít nghiệp chướng, phiền não chướng và sở tri chướng, cùn lụt thì nhiều nghiệp che chướng hơn nên chậm chạp hơn. Phải biết rằng phiền não chướng và sở tri chướng là do tự mình sanh ra để tự che lấp Phật tánh, chứ Phật tánh chẳng ngăn cản ai thấy nó cả. Thành ra, ngay trong một niệm mà không có phiền não chướng và sở tri chướng tự che lấp thì đây chính là Phật tánh.
Phiền não chướng và sở tri chướng là vô tự tánh, nên đốn tiệm chỉ là giả danh. Xưa nay vẫn ở trong tự tánh Niết bàn, nên sanh tử chỉ là giả danh. Có đốn có tiệm, có ngộ có mê thì vẫn ở trong tự tánh Niết bàn.
Trên nền tảng tự tánh Phật tánh pháp thân tánh Không chung cho chúng sanh và chư Phật và mọi thế giới, chỉ có một vị Phật tánh pháp thân tánh Không, mọi con đường, mọi pháp môn đều được lập ra trên đó. Mọi pháp môn, mọi con đường đều tiến hành trên nền tảng Phật tánh pháp thân tánh Không ấy. Mọi pháp môn đều có chung nhau nền tảng, những con đường thì khác nhau nhưng cùng đi trên Nền tảng, và Quả chính là Nền tảng đã được chứng ngộ trọn vẹn.
Cho nên không có pháp môn đốn hay tiệm. Pháp môn nào cũng đốn mà cũng là tiệm, vì đốn hay tiệm, tức thời hay thứ lớp, đều tùy thuộc vào người đi, người thực hành, vì chưa bao giờ người ta có thể đi ra ngoài nền tảng Phật tánh pháp thân tánh Không cả.
Thiện tri thức! Pháp môn đây của ta từ xưa đến nay, trước hết lập Vô niệm làm tông, Vô tướng làm thể, Vô trụ làm gốc.
Vô niệm, vô tướng, vô trụ là ba điểm thiết yếu được giảng trong suốt cuốn kinh, vì chúng là ba tính cách của tự tánh hay bản tâm.
Tướng là hình tướng, đặc tính của sự vật. Khi phân tích một sự vật cho đến những hạt nhỏ nhất, và nhỏ hơn nữa, chúng không còn cái gì cả, không có tướng nào cả. Vậy thì thấy tướng là một vọng thấy của tâm thức và chạy theo tướng là nguyên nhân của sanh tử luân hồi. Vô tướng chính là thật tướng của sự vật và của tâm. Vô tướng là bản tánh vốn sẳn không có không gian.
Niệm là ý tưởng, khoảnh khắc. Khi phân tích một ý tưởng và một khoảnh khắc đến tận cùng, chúng ta không thấy có cái gì cả. Cho nên cho rằng ý tưởng và thời gian dù nhỏ nhất là có thật là một sai lầm. Vô niệm chính là thật tướng của niệm và của tâm. Vô niệm là bản tánh vốn sẳn không có thời gian.
Trụ là sự bám trụ, trụ chấp. Vì thế giới, tức là tướng và niệm, không thật có cho nên không thể trụ vào đâu cả. Vô trụ là thật tướng của tâm và thế giới. Vô trụ là bản tánh vốn sẳn không có không gian và thời gian.
Chính tướng, niệm và trụ, lỗi lầm của tâm, đã tạo ra thế giới sanh tử khổ đau. Các kinh thường nói, ‘‘tâm như con kén tự nhả tơ để trói buộc, giam nhốt mình’’.
Thế nên bất cứ khi nào tâm không bị dính mắc, trói buộc vào tướng, niệm, trụ, khi ấy tâm rỗng rang bao la, thông suốt khắp, tâm ấy là giải thoát, là tánh Không (xem phẩm Trí Huệ thứ 2). Tâm ấy là bản lai diện mục, khuôn mặt xưa nay của mỗi người.
Tu hành là đưa tâm trở lại thực tướng của nó, bản tánh của nó, đó là vô tướng, vô niệm và vô trụ. Khi ấy tướng, niệm, trụ hòa vào bản tánh không có không gian không có thời gian, đây là giải thoát. Tướng vẫn có, niệm vẫn có, trụ vẫn có, không biến mất, nhưng tướng là vô tướng, niệm là vô niệm, trụ là vô trụ.
Vô tướng là nơi tướng mà lìa tướng. Vô niệm là nơi niệm mà vô niệm. Vô trụ là bản tánh của con người.
Bản tánh ấy nơi thiện ác, xấu tốt thế gian, cho đến kẻ oán người thân, khi nói năng xúc phạm, châm chích, tranh cãi, đều xem là Không, chẳng nghĩ đến đáp trả oán hại. Ở trong niệm niệm chẳng nghĩ đến cảnh trước kia. Nếu niệm trước, niệm nay, niệm sau, niệm niệm nối nhau chẳng dứt thì gọi là buộc. Nơi các pháp niệm niệm chẳng trụ thì không có gì trói buộc. Ấy là nghĩa lấy vô trụ làm gốc.
Bản tánh hay bản tâm là vô trụ.
Một người bình thường có thể hiểu điều này khi nhận thấy một ngày chúng ta có bao nhiêu ý tưởng hay niệm, mà tâm chúng ta chẳng bao giờ đầy. Các ý tưởng, các niệm cứ sanh khởi, ở đó, biến đổi, và tiêu tan trong tâm bao la. Tâm như bầu trời, như hư không mà những đám mây ý tưởng khởi hiện rồi tan biến.
Tâm vô trụ là tâm như bầu trời, như hư không mà không có một đám mây ý tưởng nào có thể trụ lại, có thể dính cứng vào. Nhưng tánh này, tâm này cần phải được ngộ. Bởi vì không có lý luận nào, hình dung nào của ý thức có thể tiếp cận nó, mà những đám mây của ý thức phải tan vỡ ra, để lộ một bầu trời vô trụ. Như ngài Huệ Năng khi thấy nó: ‘‘Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh, nào ngờ tự tánh vốn không sanh diệt, nào ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ, nào ngờ tự tánh vốn không động lay, nào ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp’’.
Chỉ một chữ vốn này, đây tất cả là Thiền tông, tất cả Đại Toàn Thiện, tất cả Đại Ấn. Có ngộ nghĩa là thường trực thấy biết cái nền tảng vô trụ này, rồi mới có thể thật tu, mới có thể hành theo một pháp môn phù hợp với mình, để cái thấy biết ấy thành viên mãn.
Cho nên để ngộ, phải liên tục Chỉ, Quán, và Chỉ Quán đồng thời, hay Định, Huệ, Định Huệ đồng thời về chính bản tâm vô tướng, vô niệm, và vô trụ. Chánh niệm tỉnh giác về chính bản tâm, đây là Tâm niệm xứ trong Bốn niệm xứ. Cho tới lúc trực tiếp thấy biết bản tâm là gì, đó là đốn ngộ. Thấy biết trực tiếp và thường trực bản tâm, thì mới ứng dụng nó trong đời sống hàng ngày, đây là diệu tu.
Khi chứng biết được tâm là vô trụ thì cũng chứng biết được các ý tưởng, các niệm cũng là vô trụ. Khi chứng biết nền tảng, không gian của những đám mây là bầu trời, bèn nhận ra các đám mây cũng vô trụ, không dính vào đâu cả và chúng như có sanh, trụ, dị, diệt, nghĩa là chúng vô tự tánh. Thấy biết các đám mây các niệm là vô tự tánh, nghĩa là không thể trụ, vô trụ, thì các đám mây, các niệm tự giải thoát chính chúng trong bầu trời tâm.
Thiện tri thức! Ngoài lìa hết thảy các tướng, gọi là vô tướng. Hằng lìa các tướng tức là pháp thể thanh tịnh. Ấy là lấy vô tướng làm thể.
Tâm như viên pha lê trên mặt in hình các bóng. In hình được vì viên pha lê luôn luôn trong suốt. Người thường lo chạy theo, đồng hóa với các màu sắc bóng hình đó nên không thấy biết được viên pha lê.
Lìa được các tướng ở bên ngoài, không đồng hóa, không chạy theo, tức thời viên pha lê trong suốt hiển hiện. Viên pha lê không hề có các tướng, viên pha lê muôn đời là vô tướng.
Chỉ một chữ ‘‘lìa’’ thường được Lục Tổ nói đến này, mà thật tu thì cả đời cũng không dùng hết.
Cho nên chỉ lìa tướng, không nhìn theo nó nữa bèn tức thì đây là pháp thể hay pháp thân thanh tịnh. Bởi thế Kinh Kim Cương nói: ‘‘Thấy các tướng chẳng phải tướng tức là thấy Như Lai’’.
Không nhìn thấy bóng, tức thì thấy viên pha lê. Không nhìn thấy tướng thì ngay đó là thấy tánh. Không nhìn thấy sóng bèn tức thì thấy đó là đại dương.
Thực hành Định Huệ là lìa tướng. Lìa tướng là thấy thật tướng của tướng là vô tự tánh, là tánh Không, thế nên tướng vốn tự lìa. Càng lìa tướng thì tâm càng trở về bản tánh của nó là tịch lặng và sáng soi. Cho đến lúc thấy tướng vốn là vô tướng, là lìa, là vô sở hữu, bất khả đắc cho nên toàn tướng là tánh. Đến đây mới là vô công dụng đạo, mới ‘‘nằm duỗi hai chân nghỉ’’. Viên ngọc lưu ly hoàn nguyên lại tính lặng sáng của nó, các tướng in hình trên nó hoàn toàn không còn ảnh hưởng, như trò chơi phản chiếu vô hại ở ngoài.
Thiện tri thức! Ở ngay nơi cảnh mà tâm chẳng nhiễm, gọi là vô niệm. Ở ngay nơi niệm thường lìa các cảnh, chẳng nơi cảnh mà sanh tâm.
Nếu chỉ trăm việc chẳng nghĩ, diệt trừ hết các niệm, một niệm dứt hết thì chết, rồi thọ sanh nơi khác, đó là lầm to. Người học đạo cần phải suy nghĩ điều ấy. Nếu chẳng biết ý chỉ của pháp rồi tự mình lầm còn chưa hại mấy, lại khuyên dạy người khác, tự mê chẳng thấy lại chê bai kinh Phật.
Do vậy mới lập vô niệm làm tông.
Thiện tri thức! Thế nào là lập vô niệm làm tông? Chỉ vì người mê miệng thì nói thấy tánh mà nơi cảnh lại có niệm bèn khởi tà kiến, tất cả vọng tưởng trần lao từ đây mà sanh ra.
Trong tự tánh vốn không có một pháp gì có thể đắc. Nếu có chỗ đắc rồi vọng nói họa phước, đó là trần lao tà kiến. Thế nên pháp môn đây lập vô niệm làm tông.
‘‘Vô niệm là nơi niệm mà vô niệm’’. Tâm vốn là vô niệm, như hư không. Các niệm sanh khởi từ tâm như hư không, trụ trong nó, rồi tan biến trong đó, nên các niệm cũng như hư không, bản tánh của các niệm cũng là vô niệm.
Tâm phải có các niệm, như thế mới sống, mới thông lưu. Nhưng với người tu phải thấy thật tướng của các niệm này là vô niệm, như thế mới có thể không bị các cảnh sanh tử làm ô nhiễm. Niệm mà ‘‘thường lìa các cảnh, chẳng nơi cảnh mà sanh tâm’’.
Vậy thì niệm này là thế nào? Niệm này là niệm của định huệ nghĩa là sự có mặt thường trực của định huệ. Định cho nên ‘‘nơi cảnh chẳng sanh tâm’’; huệ cho nên ‘‘thường lìa các cảnh’’. Niệm của định huệ là niệm của tịch chiếu, niệm của giác ngộ, niệm của tự tánh vốn giác, niệm của tánh giác, sống động phi thường mà không ô nhiễm.
Cho nên nơi niệm mà có duyên với cảnh, có tướng, có pháp để đắc, có tốt có xấu, có họa có phước, thì bèn có tà kiến, vọng tưởng, trần lao. Còn nơi niệm mà không có duyên sanh, không có một pháp gì có thể đắc, thì đây là niệm giải thoát, niệm vô sanh, niệm định huệ đồng thời.
Thiện tri thức! Vô là không có sự gì? Niệm là niệm cái gì? Vô là không có hai tướng, không có tâm trần lao. Niệm là niệm bản tánh Chân Như, Chân Như là thể của niệm, niệm là dụng của Chân Như.
Tự tánh Chân Như khởi niệm, chẳng phải mắt tai mũi lưỡi có thể niệm được. Chân Như có tánh do đó mới có niệm khởi. Nếu chân như không có thì mắt tai sắc thanh liền tiêu hoại ngay.
Lục Tổ giảng rõ thêm về vô niệm. Có hiểu rõ mới có thể thực hành, ‘‘niệm niệm tự thấy bản tánh thanh tịnh, tự tu tự hành, tự thành Phật đạo’’.
Vô niệm thì vô là không có hai tướng, không có trần lao phiền não. Thấy có hai tướng, có phân biệt thì trần lao phiền não bắt đầu. Thấy không có hai tướng là thấy tánh, thấy tất cả thuần là một tánh. Thấy thuần là một tánh thì thời gian không gian biến mất, đây là một nghĩa của chữ Đốn.
Niệm là niệm bản tánh chân như. Niệm là nối kết thông lưu với bản tánh chân như. Cho đến lúc ‘‘ngược dòng toàn nhất’’ (Kinh Lăng Nghiêm) thì niệm chính là bản tánh chân như tự niệm, như sóng là đại dương tự khởi một cách tự nhiên. Sóng nào cũng là đại dương.
‘‘Chân Như có tánh do đó mới có niệm khởi’’, cho nên vấn đề là phải biết thật tướng, thật tánh của niệm là gì.
Ban đầu tu là xoay niệm về niệm bản tánh chân như, cho đến lúc ngộ được rằng niệm chính là bản tánh chân như tự niệm, niệm là cái dụng của bản tánh chân như. Không còn phải đè nén niệm, vật lộn với niệm mà niệm là dụng của bản tánh chân như nên niệm cũng vốn là giải thoát, cũng là chân như. Thấy được như vậy, tu được như vậy mới được tự do, luôn luôn thấy ‘‘thật tướng của tất cả các pháp’’, nghĩa là luôn luôn thấy cái ‘‘không có hai tướng’’, thấy chân như.
Khi đã đạt đến thể của bản tánh chân như, thì thấy rõ mắt tai mũi lưỡi thân ý, sắc thanh hương vị xúc pháp, là diệu dụng của bản tánh chân như. Thế nên những kinh Đại thừa nói, ‘‘Bản tánh của sanh tử là Niết bàn’’.
Vô trụ, vô tướng và vô niệm chính là Không, Vô tướng và Vô tác (hay Vô nguyện) là ba cửa giải thoát chung cho cả Đại thừa và Thanh Văn thừa. Ba môn giải thoát ấy của tánh Không chỉ đạt được hoàn toàn ở Đệ bát địa, tương đương với quả A La Hán.
Nhưng Thanh Văn thừa chỉ chú trọng cái thể của Không, Vô tướng và Vô tác mà bỏ cái dụng. Đại thừa là cử động, nói nín, niệm khởi đều là Chân Như khởi dụng, đều là sự hóa hiện của Không, Vô tướng, Vô tác.
Dụng tức là thể, tướng tức là tánh, sanh tử tức Niết bàn, đây là Vô trụ xứ Niết bàn của Đại thừa.
Thiện tri thức! Tự tánh chân như khởi niệm, sáu căn tuy có thấy nghe hay biết mà chẳng nhiễm muôn cảnh, chân tánh vẫn thường tự tại.
Thế nên kinh nói: ‘‘Hay khéo phân biệt tướng các pháp mà trong đệ nhất nghĩa chẳng động’’.
Tự tánh chân như giống như ngọn đèn. Khởi niệm là tự chiếu sáng. Ánh sáng ấy đi qua các cửa mở là các căn khiến các căn có được thấy nghe hay biết nhưng ánh sáng ấy chẳng dính nhiễm nơi căn và các cảnh. Ngược lại các cảnh chính là sự phóng chiếu của ánh sáng. Ngọn đèn và ánh sáng thường trụ chẳng động nên các cảnh được chiếu sáng cũng chẳng động. Đây là điều mà người thường bị mê lầm cho rằng thật có chuyển động.
Ánh sáng chân như chiếu ra thân tâm và thế giới, đây là ngọn đèn sáng định huệ.
Ánh sáng ấy khiến chúng ta phân biệt được tướng các pháp, nhưng tất cả đều ở trong đệ nhất nghĩa chân như mà chân như vốn chẳng động nên những ảnh chiếu của chân như – thân tâm và thế giới – cũng đều chẳng động.
Đây là điều phải thực chứng, phải được kinh nghiệm chứ không thể suy nghĩ bằng những lý luận, ví dụ của ý thức hữu hạn. Phải thấy rõ ràng rằng nếu không lọt được vào Vô tướng, Vô niệm và Vô trụ vốn có của tự tánh, thì thân khẩu ý có làm gì cũng tạo ra nghiệp, để tiếp tục trôi lăn trong sanh tử luân hồi.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS