PHẨM NGHI VẤN

SHARE:

THỨ BA

Một hôm Vi thứ sử vì Đại sư thiết lễ hội trai tăng.
Trai tăng xong, thứ sử thỉnh Sư lên tòa, cùng các quan chức, nho sĩ, dân thường nghiêm trang lễ bái rồi thưa: ‘‘Đệ tử nghe Hòa thượng nói pháp, thật không thể nghĩ bàn. Nay con có chút nghi, xin đại từ bi riêng vì đệ tử mà giảng giải’’.
Sư nói: ‘‘Có điều nào nghi thì hỏi, ta sẽ nói cho’’.
Vi thứ sử thưa: ‘‘Chỗ Hòa thượng nói phải là tông chỉ của Đại sư Đạt Ma chăng?’’
Sư nói: ‘‘Phải’’.
Vi thứ sử thưa: ‘‘Đệ tử có nghe Tổ Đạt Ma ban sơ đến hóa độ Lương Võ Đế, vua hỏi rằng: ‘‘Trẩm trọn đời xây chùa, độ tăng, bố thí, thiết trai, có công đức gì không?’’ Tổ Đạt Ma nói: ‘‘Thật không công đức’’. Đệ tử chưa rõ lẽ ấy, xin Hòa thượng giảng cho’’.
Sư nói: ‘‘Thật không công đức. Chớ nghi lời bậc thánh đời trước. Võ Đế tâm tà, chẳng biết chánh pháp, xây chùa, độ tăng, bố thí, thiết trai, gọi là cầu phước, chẳng thể đem phước cho là công đức được. Công đức ở trong Pháp thân, chớ chẳng phải ở chỗ tu phước’’.

 

Võ Đế tâm tà vì chỉ làm việc trong danh tướng, trong ta người, làm phước với mục đích là để tô điểm cho cái tôi, cho địa vị làm vua của mình. Thế nên Tổ Đạt Ma nói là không có công đức. Phước là cái có làm ra, có tạo lập cho nên cũng theo sự sanh diệt vô thường.
Còn công đức là cái không sanh diệt, nó là tánh, là Pháp thân, không dính dáng đến thế giới vật chất sanh diệt.
‘‘Thật không công đức’’, đây là lời của vị Tổ, chẳng phải tầm thường, chỉ là lời phủ nhận như chúng ta thường nghĩ. ‘‘Thật không công đức’’, đây là lời nói thật, chỉ thẳng. Hãy xem!

 

Sư lại nói: ‘‘Thấy tánh là công, bình đẳng là đức. Niệm niệm không trệ ngại, thường thấy bản tánh, diệu dụng chân thật, đó gọi là công đức’’.

 

Thấy tánh là công đức, trong tánh tất cả tướng đều bình đẳng, đây là phước đức không sanh không diệt, không thể nghĩ bàn. Thấy tánh là thường thấy, không bị các tướng ngã, nhân, chúng sanh làm trệ ngại, do đó thấy tất cả các pháp, các tướng đều là công đức thanh tịnh. Tất cả sắc thanh hương vị xúc pháp đều thanh tịnh, đều là diệu dụng của tánh vốn thanh tịnh, giải thoát.
Bất cứ khi nào sống trong sự bình đẳng, đó là sống trong tánh.
Lục Tổ thường hay nói đến ‘‘dụng’’, đây là một đặc điểm của Thiền tông. Sắc là dụng của Không, tướng là dụng của tánh, và thể dụng bất nhị. Đây là định huệ đồng thời, chỉ quán đồng thời.

 

Trong tâm khiêm hạ là công, ngoài hành theo lễ là đức. Tự tánh kiến lập muôn pháp là công, tâm thể lìa niệm là đức. Chẳng lìa tánh mình là công, ứng dụng không nhiễm là đức.
Nếu tìm công đức Pháp thân, hãy y theo đây mà làm, đó là chân công đức.

 

Công đức Pháp thân thì có sẳn nơi tâm mình, nơi tánh mình. Trong tâm khiêm hạ, không có cái ta, ngoài làm theo oai nghi, giới luật, đây là công đức vì tương ưng với Pháp, với tự tánh Pháp thân.
Thấy được tự tánh đang kiến lập, ứng hiện muôn pháp, cái gì cũng là tâm tánh mình, sự phân biệt vô minh bèn dứt. Tất cả đều là tâm, mà tâm thì vô tự tánh nên muôn pháp được kiến lập đều vô tự tánh, đây là tự do, an lạc hiện tiền. Khi không có vọng niệm phân biệt, liền tương ưng với tâm thể vốn vô niệm. Không lìa tự tánh tánh Không vô niệm, đây là Chân Không, mà ứng dụng ra các niệm cũng là tánh Không vô nhiễm, đây là Diệu Hữu.
Y theo đây mà làm, mà thực hành thì luôn luôn ở trong Pháp thân sẳn đủ vô lượng vô biên công đức.

 

Người tu công đức thì tâm chẳng khinh thường, mà thường kính trọng khắp cả mọi người mọi vật. Nếu tâm thường khinh người, ta và cái của ta chẳng dứt, bèn tự mình không có công. Tánh mình giả dối chẳng thật, tức là mình không có đức. Bởi cái ta và cái của ta tự đại, thường khinh dễ hết thảy.

 

Cái Thấy tâm Không phải đưa vào trong đời sống bằng Hạnh. Thiền tông hay nói Hạnh Giải tương ưng là cái Hạnh phải tương ưng với cái Thấy Hiểu. Trong sáu Ba la mật, khi có được Trí huệ ba la mật thì Trí huệ Bát nhã này phải trùm khắp và thấm nhuần các ba la mật, tức là các hạnh kia.
Kinh Pháp Hoa có Bồ tát Thường Bất Khinh. Vì thường chẳng khinh nên thường tương ưng, thường ở trong Phật tánh, do đó mà thành Phật. Khinh người và khinh vật thì cái ta và cái của ta càng lớn che chướng trí huệ Bát nhã, vì trí huệ Bát nhã là thấy cái ta và cái của ta, thân tâm và thế giới là không có tự tánh, do đó mà giải thoát.
Kính trọng khắp cả nên tâm cũng mở rộng khắp cả, đây là ở trong tự tánh vốn khắp cả. Và trong tự tánh thì đầy đủ trí huệ và từ bi.

 

Thiện tri thức! Niệm niệm không gián đoạn là công, tâm hành bằng thẳng là đức. Tự tu tánh là công, tự tu thân là đức.
Thiện tri thức! Công đức cần thấy trong tự tánh, chẳng phải cầu nơi bố thí cúng dường. Thế nên phước đức và công đức là khác nhau. Võ Đế không rõ chân lý, chớ phải Tổ sư ta có lỗi.

 

Niệm niệm không gián đoạn, không cho tưởng nhân ngã xen vào, đây là công. Tâm hành bằng thẳng, không cao thấp phân chia, đây là đức. Thường như vậy là thường ở trong tánh, vì tánh thì không có nhân ngã, không có cao thấp phân chia.
Làm việc phước đức mà khởi từ tự tánh, hành động trong tự tánh, chấm dứt trong tự tánh thì đây là công đức. Công đức không phải là không làm gì cả, mà là làm trong tánh Không, do đó công đức là một với tánh Không, bao la, toàn khắp.
Thành thử, công là công ngay đây, đức là đức ngay đây. Trong cái đương niệm không gián đoạn và một mực bằng thẳng này đầy đủ tất cả công đức.

 

Thứ sử hỏi lại: ‘‘Đệ tử thường thấy kẻ tăng người tục niệm Phật A Di Đà, nguyện sanh về Tây Phương, xin Hòa thượng giảng giải họ có được sanh về cõi ấy chăng? Xin phá cho chỗ nghi này.
Sư nói: Thứ sử hãy nghe kỹ, Huệ Năng này nói cho. Đức Thế Tôn lúc ở thành Xá Vệ nói về sự tiếp dẫn hóa độ ở cõi Tây phương, văn kinh nói rõ cõi ấy cách đây chẳng xa. Nếu luận theo tướng thì số có mười vạn tám ngàn, tức là mười điều ác tám điều tà trong thân. Ấy nói là xa. Nói xa cho người hạ căn, nói gần cho người thượng trí.
Người có hai hạng, pháp không có hai thứ. Mê ngộ khác nhau, cho nên cái thấy có mau có chậm. Người mê niệm Phật cầu sanh cõi kia, người ngộ tự tịnh tâm mình. Thế nên Đức Phật nói: ‘‘Tùy tâm mình tịnh, tức cõi Phật tịnh’’.

 

Tất cả các pháp môn của đạo Phật như ngồi thiền, niệm Phật, trì chú, lễ lạy sám hối, bố thí, trì giới….đều có mục đích để ‘‘tự tịnh tâm ý’’. Thế nên Đức Phật Thích Ca đã nhắc lại lời chư Phật:

Các ác chớ làm
Các thiện vâng làm
Tự tịnh tâm ý
Lời chư Phật dạy.

‘‘Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh’’, Kinh Đại Bát Niết Bàn nói như vậy. Phật tánh nơi chúng sanh bị nhiễm ô bởi những phiền não tạm thời, nên tu, dù bất cứ pháp môn nào, cũng là tự tịnh tâm ý khỏi mọi nhiễm ô, đạt đến Phật tánh vốn vô niệm.
Ngài Lục Tổ không bác bỏ chuyện vãng sanh về Tây phương, ở đó vẫn phải tu theo Phật pháp để giác ngộ thành Phật. Ngài chỉ nhắm vào cái chung của Phật giáo và cái ấy hiện có nơi đây, cần làm ngay đây: Phật tánh, Phật tâm mà ai nấy đều có nhưng không biết, vì vô minh phiền não tạm thời che mờ. Tự tánh vốn thanh tịnh, đây là Pháp thân chung của chư Phật, là Tịnh độ chung cho mọi Tịnh độ, là Niết bàn vô trụ xứ chung cho mọi Niết bàn.
Đạo Phật dù tu ở đâu, vào thời gian nào đều là tu Pháp, tu ‘‘tùy tâm mình tịnh, tức cõi Phật tịnh’’.
Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói: ‘‘Đức Phật A Di Đà cách cõi Ta bà này không bao xa’’. Ở đó cũng tu ‘‘Pháp thân tánh Không’’ để chứng ngộ ‘‘Vô sanh pháp nhẫn’’. Chín phẩm hoa sen được thiết lập tùy theo mức độ tâm thanh tịnh đến đâu, nghĩa là vào được mười địa của Pháp thân đến đâu.
Cũng kinh này nói: ‘‘Chư Phật Như Lai là pháp giới thân, nhập trong tâm tưởng của tất cả chúng sanh. Thế nên trong khi tâm các ông tưởng Phật, thì tâm ấy tức là ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp nơi thân hình. Tâm ấy làm (niệm, quán) Phật, thì tâm ấy là Phật. Biển chánh biến tri của chư Phật, đều từ tâm tưởng sanh’’.
Vậy nên cần biết rằng tu Phật pháp là tu Phật tâm này. Tu là thấy Phật Tâm này, Thiền về nó, nghĩa là không lìa rời khỏi nó, Hạnh là sống trọn vẹn với nó bằng toàn bộ thân, khẩu, tâm ý của mình. Sống viên mãn Phật tâm này là Quả, là thành Phật.

 

Sử quân! Người Đông phương hễ tâm tịnh thì không có tội; còn tuy là người Tây phương mà tâm chẳng tịnh thì cũng là có lỗi. Người Đông phương tạo tội, niệm Phật cầu sanh về Tây phương. Còn người Tây phương tạo tội thì niệm Phật cầu sanh cõi nước nào?

 

Những cái ngăn cách chúng ta với Tịnh độ Tây phương cũng như với Tịnh độ Phật tánh của chúng ta là mười điều ác và tám điều tà trong thân. Các điều này mà nhiều thì càng thấy xa với Tịnh độ.
Mười điều ác là ba điều ác của thân: sát sanh, trộm cướp, tà dâm; bốn điều ác của khẩu: vọng ngữ, nói lưỡi hai chiều, lời ác, lời thêu dệt; ba điều ác của ý: tham dục, sân giận, tà kiến. Tám điều tà là ngược với Tám chánh đạo.
Tâm tịnh là không có mười điều ác và tám điều tà làm chướng ngại với Tịnh độ. Tâm không có những nghiệp chướng, tội lỗi thì sanh về Tịnh độ nào cũng được, như Kinh A Di Đà nói lúc lâm chung mà niệm được mười lần danh hiệu thì được sanh về. Còn nếu tâm còn nhiều nghiệp chướng, nhiều tội lỗi thì sanh về cõi Tịnh nào cũng khó có thể được.

 

Người phàm mê muội chẳng rõ tự tánh, chẳng biết Tịnh độ trong thân rồi cầu Đông cầu Tây. Còn người ngộ thì ở chỗ nào cũng một mực (thường, lạc, ngã, tịnh). Thế nên Phật nói: ‘‘Tùy ở chỗ nào cũng hằng an lạc’’.
Sử quân, chỉ tâm địa không có gì không thiện, thì Tây phương cách đây chẳng xa. Nếu ôm giữ cái tâm chẳng thiện thì niệm Phật vãng sanh cũng khó đến.
Nay khuyên các thiện tri thức, trước trừ mười điều ác tức là đi được mười vạn, sau trừ tám điều là bèn qua khỏi tám ngàn. Niệm niệm thấy tánh, thường hành bằng thẳng thì đến nhanh như khảy móng tay, liền thấy Phật A Di Đà.
Sử quân, chỉ hành mười điều thiện thì cần gì lại nguyện vãng sanh. Còn nếu chẳng dứt tâm mười điều ác thì Phật nào đến rước mình?
Nếu ngộ đốn pháp vô sanh thì chỉ tại sát na này thấy được Tây phương. Nếu chẳng ngộ mà niệm Phật cầu vãng sanh thì đường xa vòi vọi, thế nào đạt đến được!

 

Điều kiện để đến bất kỳ cõi Tịnh độ nào cũng là cái tâm thanh tịnh ít điều ác, điều tà. Và nếu trừ hết điều ác điều tà thì tâm này là tâm Phật, và tâm Phật thì thấy và sống trong cõi Phật. Chánh báo là tâm thanh tịnh và y báo là cõi thanh tịnh.
Tâm này vốn thanh tịnh, như bầu trời mà không mây mờ mưa sấm nào có thể làm biến chất, hư hoại. Mây thì có đó trong bầu trời rồi tan biến trong bầu trời, các niệm có đó trong tâm như hư không vô biên rồi tan biến trong tâm vô biên. Thấy được như vậy là thấy tâm. Khi an trụ trong tâm như bầu trời vô biên thì các niệm tự sanh tự trụ tự diệt trong đó: các niệm tự giải thoát lấy chính chúng.
‘‘Niệm niệm thấy tánh, thường hành bằng thẳng’’, đây là niệm Pháp thân của chư Phật, cũng là Pháp thân của Phật A Di Đà.
‘‘Ngộ đốn pháp vô sanh thì chỉ tại sát na này thấy được Tây phương’’.

 

Nay Huệ Năng này dời cõi Tây phương trong khoảng sát na cho các ông liền thấy trước mắt, các ông có muốn thấy chăng?
Chúng nhân đều đảnh lễ bạch rằng: ‘‘Nếu ở đây mà thấy được thì đâu cần phải nguyện vãng sanh. Xin Hòa thượng từ bi hiện cõi Tây phương cho mọi người được thấy’’.
Sư nói: “Đại chúng! Người đời sắc thân mình là thành, mắt tai mũi lưỡi là cửa. Ngoài có năm cửa, trong có cửa ý. Tâm là đất, tánh là vua. Vua ở trên đất tâm. Tánh ở thì vua ở, tánh đi thì vua không có. Tánh ở thì thân tâm còn, tánh đi thì thân tâm hoại. Phật thì ở trong tánh mà làm, chớ ở ngoài thân mà tìm kiếm.

 

Phật thì ở trong tánh mà làm, vì Phật tức là Phật tâm, Phật tánh vốn sẳn ở nơi thân tâm này. Muốn đến bất cứ cõi Phật nào, cũng phải ngộ nhập Phật tánh này, vì chỉ có Phật mới đến được Phật, chỉ có tâm thanh tịnh mới đến được cõi Phật thanh tịnh.
Thân tâm này có sáu cửa: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Trong và trên thành và sáu cửa này là vua tánh. Tìm cõi tịnh không phải là tìm nơi sáu cửa hoặc ra ngoài sáu cửa, mà phải tìm trong thân tâm, nơi ông vua tự tánh đang nhìn, nghe, ngửi, nếm, biết xúc chạm, suy nghĩ qua sáu cửa. Đây là Tịnh độ gần nhất trong tất cả các Tịnh độ.
Vấn đề của người tu là nơi cái thấy, cái nghe, cái ngửi, cái nếm, cái biết xúc chạm, cái suy nghĩ, chúng ta có nhìn thấy ông vua tánh đang thấy, đang nghe, đang ngửi, đang suy nghĩ hay không. Thấy nghe hay biết tất cả mà vẫn không thấy nghe hay biết, vẫn lìa tướng, không nhiễm ô, vẫn Không, Vô tướng, Vô tác, đó là vua tánh.
Thấy dụng bèn biết ngay thể, đây là điều Lục Tổ nói ‘‘tự tánh tự dụng’’. Cho đến khi thể dụng không thể phân hai, như Lục Tổ nói ‘‘tánh tướng như như’’.
Thấy vua và sống với vua cho đến lúc hoàn toàn là vua. Hoàn toàn là vua nghĩa là không có cái gì ở ngoài mình, tất cả là mình, là vương quốc của mình.

 

Mê muội tự tánh tức là chúng sanh. Giác ngộ tự tánh tức là Phật. Từ bi tức là Quán Âm, hỷ xả gọi là Thế Chí, thường tịnh tức là Thích Ca, bằng thẳng tức là Di Đà.
Nhân ngã là núi Tu di, tâm tà là nước biển, phiền não là làn sóng, độc hại là rồng dữ, hư vọng là quỷ thần, trần lao là cá trạnh, tham giận là địa ngục, ngu si là súc sanh.
Thiện tri thức! Thường làm mười điều thiện thì thiên đường liền đến. Trừ nhân ngã thì núi Tu di sụp, bỏ tâm tà thì nước biển cạn, không phiền não thì làn sóng diệt, độc hại trừ thì cá rồng tuyệt.
Trên đất tâm mình là tánh giác Như Lai, phóng ánh sáng lớn, ngoài soi sáu cửa thanh tịnh, hay phá các cõi trời Lục dục. Tự tánh chiếu bên trong ba độc liền dứt, các tội địa ngục nhất thời tiêu diệt. Trong ngoài sáng suốt chẳng khác Tây phương. Chẳng tu như thế thì làm sao đến cõi kia được.

 

Chư Phật đồng một Pháp thân thanh tịnh, Đức Thích Ca và Đức Di Đà đồng một Pháp thân tánh giác, chỉ khác nhau về Báo thân và Hóa thân, do lời nguyện. Tất cả Phật giáo là để đạt đến Pháp thân ấy.
Pháp thân là Phật tánh, tự tánh, vốn có sẳn nơi mỗi người. Trong Phật tánh ấy có đủ công đức, từ bi tức là Quán Âm, hỷ xả gọi là Thế Chí, thường tịnh tức là Thích Ca, bằng thẳng tức là Di Đà. Cho nên Pháp thân, Báo thân, Hóa thân cứ nơi tự tánh mà cầu, mà nguyện. Một niệm từ bi, hỷ xả, thường tịnh, bằng thẳng liền tương ưng với tánh giác Pháp thân
Pháp thân của chư Phật thì ở khắp cả, trong mọi thời gian, không gian. Thế nên niệm danh hiệu của một Đức Phật thì thông với Pháp thân của tất cả chư Phật, và một Đức Phật thì không ở riêng một cõi nào, mà ở khắp. Trong 48 lời nguyện của Phật A Di Đà, có mười mấy lời nguyện dành cho các vị tu hành ở khắp các cõi ngoài Tịnh độ Tây phương. Niệm Phật A Di Đà là tiến trên con đường Pháp thân chung cho mọi cõi. Chẳng hạn lời nguyện thứ 34: ‘‘Khi thành Phật, những chúng sanh trong vô lượng vô số cõi của các Đức Phật ở khắp mười phương, nghe danh hiệu tôi mà chẳng chứng được Vô sanh pháp nhẫn, các môn tổng trì sâu xa của các Bồ tát, tôi không giữ ngôi Chánh đẳng Chánh giác’’.
Tịnh độ tông và Thiền tông đều để chứng ngộ Pháp thân Phật tánh này. Và với Tịnh độ tông, không phải chỉ vãng sanh về Tây phương mới chứng được Pháp thân Phật tánh mà ở cõi Ta Bà này cũng có thể làm được điều ấy, như Lời nguyện trên đã nói.
Pháp thân ấy là tự tánh tánh giác, người tu cần nhận biết được nó đang phóng ánh sáng lớn chiếu soi qua sáu cửa để biến trần cảnh thành cõi Phật thanh tịnh, chiếu bên trong thì các tội nghiệp liền diệt, tâm và cảnh đồng một ánh sáng thanh tịnh, ‘‘trong ngoài sáng suốt chẳng khác Tây phương’’. Đây là ‘‘chân tánh tự dụng’’.
Những che chướng ngăn không cho ánh sáng tự tâm thấu thoát là do mình tự tạo. Không tạo nhân ngã, tâm tà, phiền não, độc hại, hư vọng… thì trước mắt là tự tánh.
Nếu tâm không bớt che chướng, ánh sáng không chiếu soi thì làm sao đến cõi Phật A Di Đà Vô Lượng Quang được. Còn ở cõi này mà tâm không còn cái gì che chướng, ánh sáng chiếu soi toàn khắp thì đây chẳng phải là cảnh giới của Phật Vô Lượng Quang hay sao?

 

Đại chúng nghe nói, rõ ràng thấy tánh. Tất cả đều lễ bái, đồng ca ngợi thật hay, rồi xướng lên rằng: ‘‘Nguyện khắp pháp giới chúng sanh ai nghe đều nhất thời hiểu ngộ’’.
Sư nói: Thiện tri thức! Nếu muốn tu hành thì ở nhà cũng được, chẳng phải nhất định ở chùa. Ở nhà mà làm được, như người Đông phương mà tâm thiện, còn ở chùa mà chẳng tu thì như người Tây phương mà tâm ác. Chỉ tâm thanh tịnh, đây là tự tánh Tây phương vậy.
Vi thứ sử lại hỏi: Ở nhà tu hành như thế nào, xin Đại sư chỉ dạy.
Sư nói: Ta nói cho đại chúng một bài kệ Vô tướng, chỉ y đây tu thì thường cùng ở với ta một chỗ không khác. Bằng chẳng y đây tu thì cạo đầu xuất gia cũng không ích gì đối với đạo.

 

Chỉ trong sát na mà tương ưng được với tự tánh vốn sẳn có ngay đây lúc này thì cõi Tây phương được dời qua đây cho thấy trước mắt, bởi vì tự tánh Tây phương có bao giờ không ở trước mắt đâu. Có bao giờ “tánh giác Như Lai” không phóng ánh sáng lớn đâu. Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, đây là tự tánh Tây phương đang ở trước mắt.
“Đại chúng nghe nói, rõ ràng thấy tánh”, khi đang ở trong môi trường định huệ của một bậc chứng ngộ, qua lời nói của vị ấy, chúng ta dường như thấy tánh rõ ràng, nhưng sau đó có hộ trì được hay không còn là chuyện công phu miên mật của từng người.
Vả lại như Kinh Đại Bát Niết Bàn nói, “Hàng Thập trụ Bồ tát dầu thấy Phật tánh mà chẳng rõ ràng, chỉ thấy một phần ít. Các vị Đại Bồ tát như Văn Thù Sư Lợi tu tập thánh đạo đã trải qua vô lượng đời nên thấy rõ Phật tánh” (Phẩm Sư Tử Hống Bồ tát). Nhưng dù thấy ít, thấy nhiều, hay thấy hoàn toàn như Đức Phật, thì cũng chỉ một Phật tánh này thôi.
“Chỉ tâm thanh tịnh, đây là tự tánh Tây phương’’, việc tu tâm này không nhất thiết phải ở chùa. Điều này được chứng tỏ qua cuộc đời Lục Tổ, những Đại thành tựu giả Ấn Độ, những vị Tổ Đại Toàn Thiện Tây Tạng…. Cốt yếu là phải miên mật với tự tánh, mà theo lời của Lục Tổ là “Niệm niệm tự thấy bản tánh thanh tịnh, tự tu tự hành, tự thành Phật đạo”.

 

Tụng rằng:
Tâm bằng nào nhọc giữ giới
Hạnh thẳng nào đợi tu thiền
Ân thì hiếu dưỡng cha mẹ
Nghĩa thì trên dưới cùng thương
Nhẫn thì xấu ác lặng yên
Nếu dùi cây mà ra lửa
Bùn lầy chắc nở sen hồng.

Tâm bằng là tâm không nhấp nhô bởi bốn tướng ta, người, chúng sanh, thọ giả. Không có bốn tướng này là chân giới. Hạnh là hành động. Hành động thẳng là hành động thẳng tắp, không bị ngăn cản bởi chủ thể, đối tượng và việc làm. Hành động ấy là “một vị”, “một tướng vô tướng”, đây là hành động của giải thoát vốn sẳn. Không lỗi, đây là chân tánh. Đây là Thiền, vốn luôn hiện diện trước mắt, đâu cần phải thiền định và hậu thiền định nữa.

Ân, nghĩa, nhẫn cũng như thế, từ tự tánh lưu xuất. Và làm ân, nghĩa, nhẫn ở cấp độ chân lý tương đối, quy ước bèn tương ưng với chân ân, chân nghĩa, chân nhẫn của tự tánh, vì trong và ngoài là một.

Chỉ chừng ấy, chúng ta thấy đời sống này có chỗ nào không tương ưng với tánh? Chỗ nào mà chẳng có lửa, chỗ nào mà chẳng nở sen hồng?

Đắng miệng đích là lương dược
Trái tai hẳn thiệt lời trung
Chuyển lỗi ắt sanh trí huệ
Dấu dở trong tâm chẳng hiền
Hằng ngày thường làm lợi ích
Thành đạo chẳng do thí tiền
Giác ngộ chỉ hướng tâm kiếm
Nhọc chi hướng ngoại cầu huyền
Nghe nói y đây tu hành
Thiên đường chỉ ngay trước mắt.

Theo tánh bèn là Niết bàn; theo lỗi lầm, xấu dở bèn biến tự tánh Niết bàn thành sanh tử. Cho nên để được tâm bằng hạnh thẳng thì phải chuyển cái nghịch với tánh tức là cái lỗi lầm, xấu dở để tất cả cuộc đời thành đại tùy thuận.

Đời sống thành đắng miệng, trái tai, bởi vì tâm chúng ta đắng, trái, vì chúng ta bệnh. Nhưng bệnh hết đến đâu thì khỏe mạnh đến đó vì bệnh luôn luôn có trên cái vốn khỏe mạnh. Lỗi lầm luôn luôn có trên tâm vô niệm hay trí huệ vốn sẳn, nên chuyển lỗi thì ngay đó là trí huệ. Đời sống là sự biểu lộ của nghiệp, nhưng với người giải thoát, chứng ngộ, thì nghiệp ấy là sự biểu lộ của Thường Lạc Ngã Tịnh và có bản chất là Thường Lạc Ngã Tịnh.

‘‘Hàng ngày thường làm lợi ích, thành đạo chẳng do thí tiền, giác ngộ chỉ hướng tâm kiếm, nhọc chi hướng ngoại cầu huyền’’, đời sống là như vậy, phước đức hàng ngày biến thành công đức, chẳng vui lắm sao? Thường phóng ánh sáng lớn, trong ngoài sáng suốt chẳng khác Tây phương, chẳng phải đời sống hàng ngày là Thường Lạc Ngã Tịnh đó sao?

Sư lại nói: Thiện tri thức! Cả thảy phải y theo kệ này tu hành, thấy lấy tự tánh, thẳng đến thành Phật đạo. Pháp chẳng đợi ai, các người hãy giải tán, ta về Tào Khê. Nếu chúng còn nghi, hãy đến đó mà hỏi.

Bấy giờ Vi thứ sử và các quan chức cùng các thiện nam tín nữ tại hội, thảy đều mở tỏ, tin chịu vâng làm.

Bài kệ này dạy cho chúng ta nếu sống đúng thì đời sống là đạo. Đời mà sống đúng tám cái chánh thì đó là tám chánh đạo, tám vùng sáng khắp.

Tại sao thế? Vì đạo chẳng đợi, trực tiếp sẳn có ở khắp cả. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý thanh tịnh đụng chạm vào cái gì thì cái ấy là đạo. Đơn giản là xoay cái thấy trụ chấp vào tướng thành cái thấy không trụ chấp tướng, thì tự tánh hay đạo hiện bày.

SHARE:

Trả lời