Những Lý Do cho đức Tin

SHARE:


MẬT THỪA TÂY TẠNG – Dịch và biên tập bởi Jeffrey Hopkins
Việt dịch: An Phong, Thiện Tri Thức

1. Ghi chú của người biên tập & Tạ ơn
2. I. TINH TÚY CỦA TANTRA bởi Tenzin Gyatso: Đức Dalai Lama thứ mười bốn
3. Tantra cho thực hành
4. Quy y
5. Tiểu thừa và Đại thừa
6. Kim Cương thừa
7. Tịnh Quang
8. Sự Vĩ Đại của Mật thừa
9. Làm sáng tỏ
10. Quán đảnh
11. II ĐẠI DIỄN GIẢI VỀ MẬT THỪA bởi Tsongkapa
12. Những Lý Do cho đức Tin
13. Những con đường đi đến Phật tánh
14. Kim Cương Thừa
15. Yoga Hóa thần Bổn tôn
16. Phương Tiện trong Bốn Tantra
17. Một Mục Tiêu
18. Nhận dạng Bốn Tantra
19. Chuẩn bị cho Mật thừa
20. III PHỤ LỤC
21. bởi Jeffrey Hopkins
22. Tánh Không
23. Chuyển hóa
24. Mục đích của Bốn Tantra
25. Những điểm tinh yếu
26. CHÚ THÍCH
27. THUẬT NGỮ

 Những Lý Do cho đức Tin

Những giai đoạn của Con Đường đi đến một Đạo Sư Điều Ngự và Tỏa Khắp, một Vajradhara Vĩ Đại: Phát Giác Tất Cả những Chủ Đề Bí Mật
Phần Một
Dịch và biên tập bởi Jeffrey Hopkins
Đồng biên tập Lati Rinpochay và Geshe Gedušn Lodroš

Những Lý Do cho đức Tin
Con đảnh lễ và quy y với lòng tôn kính lớn lao trong mọi đời tái sanh của con dưới chân sen của những guru tuyệt vời và đức Manjughosha (Manjushri).

Kính lễ những vị Dẫn Đường tâm linh

Kính lễ dưới chân những vị dẫn đường tuyệt vời,
Bằng cách đặt đôi chân sen của các ngài lên đỉnh đầu mình,
Qua nhân từ của các ngài, chỉ dạy sự chân thật,
Con đường không tỳ vết loại bỏ những lỗi lầm của vòng sanh tử và bình an thuần túy.

Kính lễ Vajradhara

Mong rằng con được che chở bởi đấng của những mạn đà la,
Ngài như một cầu vồng mê hoặc trong bầu trời không tỳ vết
Bất động từ trạng thái diệt mất hoàn toàn mọi tạo tác ý niệm
Và xuất sanh vô số các dakini qua sự hóa hiện của trò chơi 
biểu hiện.

Kính lễ Vajrapani

Con xin kính lễ vị bảo vệ đầy quyền năng,
Vị đạo sư mang giữ những mật chú của hiểu biết, người sưu tập tất cả
Những chủ đề do Ngài nói ra,(4)
Những quỷ thần bây giờ cũng cần lưu ý.

Kính lễ Manjughosha

Hỡi Manjughosha, vị cha độc nhất của tất cả các bậc Điều Ngự,
Ngài là một kho tàng trí huệ như đã được nghe
Rằng ngài ban cho món quà tặêng tối cao của trí phân biện với chỉ một cái nhìn hoan hỷ,
Đem đến sự chứng ngộ tâm ý sâu xa của các bậc Điều Ngự,
Con đã nương dựa nơi Ngài liên tục suốt một thời gian dài
Như bổn tôn đặc biệt của con và sẽ không bao giờ lìa bỏ chân sen của ngài.
Đối với con không bao giờ có sự quy y nào khác.
Ôi Manjughosha, xin hãy ban cho con quả của những ước nguyện của con.

Những lý do tạo luận

Tôi đã cầu xin với nhiều ước mong để được thực hành
Đúng đắn những tantra như chúng đã được dạy bởi bậc hiền trí
Và bởi người nói được hai thứ tiếng
Với sự hiểu biết rộng rãi vô số kinh điển

Tôi đã cực lực cầu xin lập đi lập lại một vị
Rạng rỡ với nhiều công đức ở hàng đầu tất cả chúng sanh,
Một vị tốt lành có tư tưởng phi thường mang giữ gánh nặng của sự phổ biến
Kim Cương thừa vinh quang trong mọi phương hướng.
Những người nào thỏa mãn với chỉ một phần, không sử dụng những hệ thống lớn như là những giáo huấn,
Những người nào không thể phân tích với lý luận không lỗi lầm điều kinh điển muốn nói,
Những người đã học nhưng không cố gắng để thành tựu
Thì không thể làm hài lòng các bậc Điều Ngự.

Hứa tạo luận

Thấy như thế và với tâm xúc động sâu xa
Bởi những công hạnh của những vị trác tuyệt
Trong quá khứ đã thực hành tốt đẹp giáo lý
Tôi sẽ cố gắng làm sáng tỏ hệ thống của các ngài.
Để cho cố gắng này, mong rằng chư Dakini –
Sanh trong cõi phàm, bẩm sinh và sanh từ thần chú – xin hãy nhìn đến tôi
Với lòng từ ái như bà mẹ với con mình, ban cho mọi kỳ công
Và lòng tốt gỡ bỏ mọi chướng ngại.

Có những người mà khả năng trong Đại thừa không yếu, tâm thức họ xúc động mạnh mẽ bởi đại bi qua việc đã tu hành trong con đường chung được duy trì bởi một vị hướng đạo tâm linh, một vị bảo vệ tuyệt hảo. Họ có sự cấp bách lớn lao muốn giải thoát những chúng sanh là những người mẹ tốt bụng đang lang thang trong vòng sanh tử. Họ nên đi vào con đường ngắn, nhanh, Kim Cương thừa sâu xa, nó sẽ nhanh chóng ban cho trạng thái của một vị Phật Chí Tôn, nơi quy y độc nhất của tất cả chúng sanh. Bởi thế, tôi sẽ giải thích ở đây những giai đoạn của con đường đi đến (trạng thái của) một Vajradhara vĩ đại.

Sự diễn giải có hai phần : chỉ ra rằng chỉ có giáo lý của đức Điều Ngự là đường vào cho mọi người muốn giải thoát, và diễn tả những cổng vào của những giai đoạn khác nhau để đi vào giáo lý.

Chỉ có giáo lý của đức Điều Ngự
là đường vào cho những ai muốn giải thoát

Một khi người ta bắt đầu phân tích những mục tiêu lớn lao của chính mình và người khác, sẽ không có sự thoả mãn với chỉ hệ thống do những bậc trưởng thượng của thế giới phát hiện – sự thành tựu hạnh phúc và tránh được khổ đau ngày nào người ta còn sống. Đường vào cho những người tìm kiếm những tiêu chuẩn cao hơn của những đời tương lai và hơn thế nữa (sự giải thoát khỏi sanh tử luân hồi và đạt đến toàn giác) là độc nhất giáo lý của đức Phật Chí Tôn mà ngọn cờ của ngài phất phới trên ba cõi. Ngài là nền tảng vĩ đại của mọi lợi lạc của tất cả chúng sanh ; chỉ sự chuyển động của hơi thở ra và vào của ngài là một phương cách vĩ đại cung cấp sự chữa lành bệnh cho chúng sanh. Ngài đã đạt đến trạng thái vinh quang tối thượng qua sự thực hành nguyện vọng đạt đến giác ngộ tối thượng vì lợi lạc cho tất cả chúng sanh và qua những làn sóng to lớn những công hạnh của những người con Phật, chúng được khởi nguồn từ tâm vị tha của giác ngộ này. Tâm của giác ngộ (tâm Bồ đề) là sự thương yêu những người khác hơn chính mình – đó là một nguồn cảm hứng để nói nhưng nó không hoàn toàn phù hợp với thế gian bởi vì nhiều người thấy khó khăn thích thú với nó từ tận đáy lòng họ.

Ashvaghosha và Dignana nói trong Lời Tán Thán được Dệt thành (Mishrakastotra) rằng :

Tôi ở trong một đại dương
Của sanh tử luân hồi sâu không đáy.
Những thủy quái đáng sợ của tham muốn
Và các loại khác ăn thịt thân tôi.
Bây giờ tôi sẽ nương nhờ vào đâu ?
Nếu người ta có trí thông minh
Người ta nương nhờ vào Ngài,
Bậc không có chút khuyết điểm nào
Bậc có tất cả mọi thuộc tính tốt lành
Trong bất cứ phương diện nào.
Thật là chí lý khi ca ngợi và tôn kính Ngài,
Và an trú trong giáo lý Ngài.

Tuy nhiên, Kapila và những vị khác – dù cho họ không biết đến con đường giải thoát – đã điên rồ vì thuốc độc của lòng kiêu mạn và tự nhận mình là những vị thầy. Muốn dạy một tánh Như của các pháp theo một cách khác với những Như Lai, họ viết nhiều sách làm như vẻ giống một con đường đúng và khuyên bảo những ai muốn giải thoát. Tuy nhiên, chỉ có Phật hoàn toàn viên mãn, giáo lý của ngài, và những người học nó một cách thích đáng mới là thầy, con đường và bạn đạo trên cuộc lữ hành đến giải thoát cho những ai mong muốn sự tự do tối hậu. Còn những thầy, những giáo lý và những đệ tử của họ khác với những cái trên thì không phải.

Bạn phải có được lòng tin không lay chuyển vào nguồn gốc của sự quy y. Nhờ đó bạn sẽ thấu hiểu rằng chỉ có giáo lý của bậc Chinh Phục mới là đường vào cho những ai muốn giải thoát. Những người tâm lực yếu sẽ xác nhận điều này chỉ qua một giả định, nhưng với người tâm lực mạnh thì tìm kiếm đức tin được khởi dẫn từ hiểu biết vững chắc. Nếu khác đi, nó chỉ là một khẳng định phiến diện.

Hơn nữa, trong Tán Thán Siêu Phàm (Devatishayastotra) của Shamkarapati nói :

Tôi không phải là một tín đồ của Phật
Tôi không ghét Kapila và những vị khác
Tôi chỉ xem như một vị thầy
Vị nào mà lời nói có lý lẽ.

Bạn nên từ bỏ phe phái và sự căm ghét đối với những hệ thống của những vị thầy của chính bạn và của những người khác và phân tích cái nào trong chúng cung cấp những giải thích tốt hay xấu. Rồi, bạn chỉ chấp nhận cái gì bày tỏ phương cách để đạt hai mục đích của người tu hành (địa vị cao ở trong vòng sanh tử và cái tốt rốt ráo là giải thoát và toàn giác) và cung cấp những bằng chứng đúng đắn. Những kinh văn của hai hệ thống là cái phải phân tích để tìm xem cái nào mang giữ chân lý hay không ; như thế, không nên trích dẫn chúng như là một bằng chứng (của chân lý riêng của chúng). Chỉ có lý luận phán đoán mới phân biệt được cái gì chân thật, cái gì không.

Cách phán đoán là như vầy : Nếu quả thật là đúng thì khi chúng được phát sanh trong dòng tâm thức của một người, người ta phải trước hết thành tựu được những đạt được tạm thời về địa vị và sau đó những cái tốt rốt ráo. Tuy nhiên, khi những kinh văn chỉ bày hai mục đích của con người được phân tích để tìm thấy chúng sai hay không, trước hết người ta xác định bằng lý luận rằng một hệ thống thì không sai lầm về mục đích chính yếu của nó là cái gì tốt rốt ráo. Rồi người ta có thể suy luận từ điều này rằng hệ thống không sai lầm đối với sự đạt được cái phụ là địa vị cao. Đây là sự khẳng định của các ông vua học giả. Bình luận về ‘Tóm Lược sự Hiểu Biết Vững Chắc (của Dignana)’ của Dharmakirti nói :

Bởi vì ý nghĩa chính không thể phản bác,
(Cũng như vậy) có thể suy luận về những cái khác

Bốn Trăm (Chatuhshataka) của Aryadeva nói :

Bất cứ ai phát sanh nghi ngờ
Vào lời Phật nói về cái không biểu lộ
Sẽ tin rằng chỉ có đức Phật (là toàn giác)
Căn cứ trên (lời dạy của Ngài về) tánh Không.

Người ta phải xác minh một cách luận lý về sự hiện hữu của vòng sanh tử – sự tiếp nối của các uẩn khổ đau có nguồn gốc từ việc vọng tưởng ra cái ngã – và sự hiện hữu của những cấp bậc đưa đến giải thoát – sự thành tựu trạng thái tự do nhờ trí huệ nhận biết vô ngã. Những cái này cần được chứng minh với lý trí như chúng ở trong một hệ thống lý luận.

Nếu người ta nói, ‘Bởi vì những cái ấy là cực kỳ khó hiểu với một người bình thường, bằng chứng duy nhất là kinh điển, và tôi đi đến quy y ngài, hỡi Thế Tôn, mà bỏ đi những vị thầy khác,’ thì người ta tuyên bố những lỗi lầm của chính sự quy y của mình. Cũng như nói, ‘Quy y là ước mong duy nhất của tôi ; ngoài ra không có bằng chứng đúng đắn nào.’ Vì trích dẫn kinh văn không thể xem như là một bằng chứng, và bạn có thể khẳng định rằng không có bằng chứng hợp lý.

Hơn nữa, kinh văn được dạy bởi thầy bạn và những vị thầy khác không đồng ý với nhau về việc có tái sanh hay không, các uẩn thân tâm thường hay vô thường, cái ngã có hiện hữu hay không v.v… Khi những trường phái lớn của chúng ta và những trường phái khác tranh luận sự đúng đắn hay khác biệt, chúng ta không thể chứng tỏ rằng những kinh văn của thầy chúng ta là đúng (mà không dựa trên phán đoán).

Có những kinh văn dạy những chủ đề rất kín đáo, chúng không thể được chứng minh bằng sự nhận biết vững chắc sự suy luận từ cái rõ ràng minh bạch ; chúng được chứng minh không sai lầm theo nội dung của chúng bằng lý trí phán đoán được tịnh hóa qua phân tích.(5) Sự xác minh những cách thức của tiến trình được làm qua lý luận ; người ta không dựa trên sự khẳng định kinh văn như là bằng chứng. Ở đây tôi chỉ chạm đến đề tài mà tôi sẽ giải thích chi tiết trong các sách khác.

Những kinh văn của những trường phái khác giảng dạy những mục tiêu chính của con người chỉ là mâu thuẫn. Ví dụ, họ phát biểu rằng một yếu tố thường hằng, như là một cái phổ quát (pradhana) hay Chúa Tể (Ishvara), là người sáng tạo của vòng sanh tử luân hồi, và họ khẳng định rằng những ai tìm kiếm giải thoát phải chinh phục hiện hữu sanh tử này bằng cách tu hành con đường. Những điều này là mâu thuẫn bởi vì không chinh phục nguyên nhân chánh của nó, vòng sanh tử không thể được chinh phục, trong khi nguyên nhân ấy không bao giờ có thể chinh phục được nếu nó là thường hằng. Tương tự, thật mâu thuẫn khi bác bỏ cái thấy vô ngã và lấy một mục đích đạt đến là một sự giải thoát cắt đứt được những ràng buộc vào vòng sanh tử.

Như đã giải thích ở trên, Ba Quy Y – Thầy của chúng ta và v.v… – là để cho những người mong muốn giải thoát, và những vị thầy và v.v… không thích hợp với những người ấy thì không bao giờ là chỗ quy y (tối hậu). Nếu bạn không sanh ra niềm tin vào điều ấy, bạn không thể có một tâm vững chắc, nhất tâm với nguồn gốc quy y của chính bạn. Sự sanh khởi của một tâm vững chắc như thế đặt nền trên sự thấy rõ những lỗi lầm và những ưu điểm của hai hệ thống qua lý luận phán đoán.

Bởi thế, dù có hay không một người (không phải Phật giáo) Tirthika đang có mặt ở đây (để bác bỏ trong tranh luận), điều này chỉ là chuyện vụn vặt. Nếu những người có trí muốn sanh khởi tâm quy y đặc biệt, họ phải làm như giải thích ở trên (xác nhận qua lý luận rằng Tam Bảo là chỗ quy y duy nhất). Như thế, cần biết rằng những bản luận với lý luận xác thực như Bảy Khảo Luận của Dharmakirti là những phương tiện tối ưu để phát sanh sự tôn kính lớn lao mà không chỉ là ngôn ngữ, đối với vị thầy của chúng ta là Phật, đối với giáo lý của ngài – vừa cả lời dạy bằng ngôn từ và con đường tu chứng – và đối với sự thực hành chân chính.

SHARE:

Trả lời