CHƯƠNG BỒ TÁT PHỔ GIÁC

SHARE:


KINH VIÊN GIÁC LƯỢC GIẢNG
Đại Phương Quảng Viên Giác Liễu Nghĩa Kinh
Đời Đường, nước Kế Tần, Sa Môn Phật Đà Đa La dịch
ĐƯƠNG ĐẠO
THIỆN TRI THỨC 2015

1. Phần mở đầu
2. Các vị Bồ tát trong pháp hội
3. CHƯƠNG BỒ TÁT VĂN THÙ
4. CHƯƠNG BỒ TÁT PHỔ HIỀN
5. CHƯƠNG BỒ TÁT PHỔ NHÃN
6. CHƯƠNG BỒ TÁT KIM CƯƠNG TẠNG
7. CHƯƠNG BỒ TÁT DI LẶC
8. CHƯƠNG BỒ TÁT THANH TỊNH HUỆ
9. CHƯƠNG BỒ TÁT OAI ĐỨC TỰ TẠI
10. CHƯƠNG BỒ TÁT BIỆN ÂM
11. CHƯƠNG BỒ TÁT TỊNH CÁC NGHIỆP CHƯỚNG
12. CHƯƠNG BỒ TÁT PHỔ GIÁC
13. CHƯƠNG BỒ TÁT VIÊN GIÁC
14. CHƯƠNG BỒ TÁT HIỀN THIỆN THỦ

Bồ tát Phổ Giác thưa hỏi sự tu hành đúng đắn

Bấy giờ Bồ tát Phổ Giác ở trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh bên phải ba vòng, chấp tay quỳ thẳng mà bạch Phật rằng:
Thế Tôn đại bi! Xin Ngài nói rõ các bệnh trong thiền khiến cho đại chúng được sự chưa từng có, tâm ý rỗng suốt, được đại an ổn.
Bạch Thế Tôn, chúng sanh đời rốt sau ngày càng xa Phật, các hiền thánh ẩn náu, tà pháp lẩy lừng, vậy chúng sanh phải cầu những người nào, y vào những pháp nào, hành những pháp gì, trừ khử bệnh gì, phát tâm thế nào, khiến cho những người còn mù lòa khỏi sa vào tà kiến?
Nói xong năm vóc làm lễ sát đất. Cầu thỉnh như vậy lập lại ba lần.
Bấy giờ Thế Tôn bảo cùng Bồ tát Phổ Giác:
Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Các ông mới có thể thưa hỏi Như Lai về sự tu hành như vậy, có thể bố thí cho chúng sanh đời rốt sau con mắt đạo không sợ hãi, khiến cho chúng sanh kia được thành Thánh đạo. Nay các ông lắng nghe, ta sẽ nói rõ.
Khi ấy Bồ tát Phổ Giác hoan hỷ vâng lời dạy, cùng cả đại chúng yên lặng lắng nghe.

Chúng sanh vì căn bệnh bốn tướng nên phải sanh tử luân hồi. Bây giờ muốn giải thoát, giác ngộ thì phải tu hành, nhưng do không biết nên dễ dàng lại đem các bệnh của mình vào sự tu hành thành ra cứ lẩn quẩn, có khi bệnh nặng thêm.
Muốn tu hành đúng đắn để có con mắt đạo không sợ hãi biết phân biệt thì phải có các thiện tri thức khai thị, có pháp để thực hành, có hạnh để làm, phải trừ khử các bệnh, và biết phát tâm như thế nào.

Phải cầu bậc Chánh tri kiến

Thiện nam tử! Chúng sanh đời rốt sau muốn phát đại tâm cầu thiện tri thức để tu hành phải cầu tất cả người có chánh tri kiến, vị ấy tâm chẳng trụ tướng chẳng đắm trong cảnh giới Thanh Văn Duyên Giác, tùy thân hiện trong trần lao mà tâm hằng thanh tịnh, thị hiện các lỗi để tán thán phạm hạnh, chẳng khiến cho chúng sanh sa vào chỗ trái với luật nghi. Cầu người như vậy ắt thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh Giác.
Chúng sanh đời rốt sau gặp vị thiện tri thức như vậy phải nên cúng dường chẳng tiếc thân mạng.Vị ấy trong bốn oai nghi thường hiện thanh tịnh, cho đến dù thị hiện các thứ lỗi mà tâm không chút kiêu mạn, huống nữa có việc ăn uống, tài sản, vợ con quyến thuộc. Nếu với thiện hữu tri thức kia chẳng khởi niệm xấu bèn có thể rốt ráo thành tựu chánh giác, hoa tâm phát sáng, chiếu khắp mười phương cõi.

Thiện tri thức là người thấy tánh Viên Giác, tức là người được cái thấy biết chân chánh, cái thấy biết trực tiếp tánh Giác. Phải nhờ bậc thấy Tánh chỉ thẳng tánh Viên Giác thì người tu hành mới khai ngộ được tánh Giác vừa tức là vừa chẳng phải, tức là tất cả pháp đồng thời chẳng phải tất cả pháp. Vị ấy không những khai thị cho chúng ta ngộ tánh Giác, mà còn chỉ cho những hạnh, sửa chữa cho chúng ta các bệnh để thâm nhập tánh Giác. Như vậy người ấy giúp đỡ chúng ta từ bước đầu phát tâm đến cuối cùng thành tựu Giác ngộ viên mãn.
Người chánh tri kiến là người ‘không chỗ trụ’: chẳng trụ tướng theo hạnh phàm phu, chẳng trụ vô tướng theo hạnh Thanh Văn, Duyên Giác. Đó là một vị Bồ tát, đã thân chứng tánh tướng các pháp thanh tịnh, cho nên các việc mà thế gian gọi là trần lao, phiền não, lỗi, đối với người, đều lưu xuất từ thật tánh nên đều là thật tướng thanh tịnh. Đây là một vị đồng sự ở trong sanh tử với chúng sanh, nhưng sanh tử ấy đã được tâm thanh tịnh chuyển hóa thành Niết bàn.
Thế nên nếu chỉ nhìn thấy vị ấy trong một xác thân bình thường, có ăn uống, có tài sản, có quyến thuộc, thậm chí không sống đời sống xuất gia thì có gia đình, và có những giới hạn của một thân xác hữu hạn, rồi lấy cái tâm sanh tử, phiền não, tham sân, đố kỵ….của mình mà bỏ qua thì thật đáng tiếc. Làm sao có ngày ‘hoa tâm phát sáng, chiếu khắp mười phương cõi’?
Chúng ta dễ chỉ nhìn thấy Hóa thân hữu hạn của một thiện tri thức mà bỏ quên cái Pháp thân đàng sau làm nền tảng ‘thị hiện’ cho Hóa thân đó. Chúng ta chỉ thấy một làn sóng là cuộc đời hữu hạn của vị ấy mà không thấy đại dương đàng sau và làm nền tảng cho sự thị hiện của làn sóng đó. Một thiện tri thức là một Bồ tát Pháp thân, một làn sóng thật sự là đại dương, đại diện cho đại dương. Thế nên đứng trước một đại dương thanh tịnh an lạc như thế mà còn đem tâm phân biệt để nghi ngờ những thị hiện, những biểu hiện mà ta gọi là lỗi, lỗi ăn uống, lỗi tiền của, lỗi vợ con, lỗi quyến thuộc bèn để tướng che lấp tánh, làm sao mà ngộ nhập cho được.
Từ xưa Phật giáo Ấn, và sau này Phật giáo Tây Tạng, đã lưu truyền pháp môn Guru Yoga. Vì Guru tức thiện tri thức là một làn sóng biểu lộ của đại dương, nên sùng mộ, nối kết được với một làn sóng ấy tức là kết nối được với đại dương.

Phải xa lìa bốn bệnh

Diệu pháp vị thiện tri thức kia chứng thì xa lìa bốn bệnh:
1. Bệnh tác (làm ra): Nếu có người nói, tôi nơi bản tâm làm đủ thứ hạnh để cầu Viên Giác. Đó gọi là bệnh vì tánh Viên Giác kia chẳng phải làm mà được.
2. Bệnh nhậm (để mặc): Nếu có người nói, nay chúng ta chẳng cần đoạn sanh tử, chẳng cần cầu Niết bàn. Niết bàn sanh tử không có niệm khởi diệt, nên để mặc hết thảy, cứ thuận theo cái không khởi diệt của tánh các pháp để cầu Viên Giác. Đó gọi là bệnh vì tánh Viên Giác kia chẳng phải để mặc mà có được.
3. Bệnh chỉ (dừng lại): Nếu có người nói, nay ta tự tâm dừng dứt hẳn các niệm, được tất cả tánh tịch nhiên bình đẳng, để cầu Viên Giác. Đó gọi là bệnh vì tánh Viên Giác chẳng phải dừng lại mà hợp được.
4. Bệnh diệt (diệt dứt): Nếu có người nói, nay ta đoạn hẳn tất cả phiền não, thân tâm rốt ráo không, vô sở hữu, huống chi cảnh giới căn trần hư vọng, tất cả vĩnh viễn vắng lặng, để cầu Viên Giác. Đó gọi là bệnh vì tánh Viên Giác kia chẳng phải là tướng vắng lặng.
Lìa bốn tướng này tức biết thanh tịnh. Quán như vậy gọi là chánh quán, nếu quán khác đi gọi là tà quán.

Đoạn này Đức Phật trả lời cho câu hỏi thứ hai: phải y vào pháp nào? Nghĩa là phải xa lìa các bệnh nào đối với pháp để được an trụ đúng trong nhân địa của tánh Viên Giác.
Diệu pháp vị thiện tri thức chứng là tánh Viên Giác, tánh ấy không có bốn bệnh, nên hành giả dưới sự dẫn dắt của thiện tri thức phải xa lìa bốn bệnh. Các bệnh này là các tà kiến về tánh Viên Giác. Các tà kiến này là biến thái của căn bệnh tướng ngã của hành giả mà thôi. Quả là Viên Giác thì nhân cũng phải là Viên Giác. Quả không có bốn bệnh thì nhân cũng phải xa lìa bốn bệnh.
1. Tánh Viên Giác vốn tự sẵn đủ, vốn tự thành tựu, không chỗ nào không có, không thời nào không là, sẵn đủ hạnh muôn đức, quả của nó chính là nhân của nó, nhân của nó chính là quả của nó. Thế mà cho rằng cần làm các hạnh để tạo ra nhân rồi sẽ có quả Viên Giác thì thật sai lầm. Cái gì có tạo ra, có sanh ra đều phải tiêu hoại, đều phải diệt mất, vì tạo ra là pháp hữu vi. Cho rằng tánh Viên Giác phải làm ra mới được, phải luyện đúc mới thành tựu, phải có tu có chứng, thì đó chỉ là bệnh tướng ngã vi tế, chẳng phải là pháp. Tánh Viên Giác là không sanh không diệt, không tăng không giảm, không dơ không sạch, như hư không.Thế mà muốn sanh ra, muốn tăng thêm, muốn sạch thêm thì đó chỉ làm sanh thêm hoa đốm, chỉ làm tăng thêm tướng ngã hư vọng. Đó chỉ là bệnh về pháp.
2. Đối nghịch với căn bệnh làm ra ở trên, là cái bệnh để mặc. Sanh tử là hoa đốm cần gì phải đoạn, Niết bàn không có niệm khởi diệt, mắc gì phải khởi diệt chuyện tu hành với nó. Tánh Viên Giác vốn không tu không chứng thì mình cũng tu làm gì, chứng làm gì. Đâu có biết rằng hành giả phải tu cái không tu đó, phải chứng cái không chứng đó mới gọi là tu Viên Giác.
Thành ra bệnh để mặc này chẳng phải là tùy thuận sự vô ngại của tánh Viên Giác, mà là tùy thuận sự ù lì, làm biếng, hôn trầm của tướng ngã mà thôi.
3. Chỉ, dừng dứt, là một trong ba pháp tu của Kinh Viên Giác, ở đây tại sao nói là bệnh? Tánh Giác không động không tịnh, không trụ trước, không nơi chốn. Động hay tịnh gì cũng đều là Nó.
Chương Thanh Tịnh Huệ nói: “Các Bồ tát và chúng sanh đời rốt sau chỉ trong mọi thời không khởi vọng niệm, với các vọng tâm cũng chẳng dừng diệt, ở trong cảnh vọng tưởng chẳng gia thêm hiểu biết phân biệt, nơi chỗ không hiểu chẳng biết phân biện chân thật. Các chúng sanh nghe pháp môn này tin hiểu thọ trì, không sanh kinh sợ, đây gọi là tùy thuận tánh Giác. Phật nói các chúng sanh ấy sẽ thành tựu Nhất thiết chủng trí”.
Khởi vọng niệm hay dứt vọng niệm chỉ là sự lưu xuất của tâm Giác. Khởi hay dứt chỉ là cái dụng của tánh Giác. Thế thì tại sao không tu ngay nơi sự khởi hay dứt ấy, thấy ngay sự khởi sự dứt chỉ là một tánh Giác mà thôi. Có niệm hay không có niệm chỉ là tánh Giác, đó là tùy thuận tánh Giác.
Lục Tổ nói: “Đạo (tánh Giác) vốn lưu thông, sao lại làm cho ngưng trệ? Tâm chẳng trụ nơi pháp đạo bèn lưu thông. Tâm nếu trụ pháp, đó gọi là tự trói buộc”.
Cho nên cần trực tiếp thấy tánh mới tu được. Lúc ấy mới biết cái Chỉ của tánh Giác là “tự tịnh tự định” chứ chẳng phải người tu làm ra cái tịnh, cái định.
4. Nghe các bậc Giác ngộ nói tánh Viên Giác vốn tịch diệt bèn dùng cái ý thức suy nghĩ mà cho rằng Viên Giác là vô sở hữu, rốt ráo không, không có các tướng cảnh giới căn trần. Cái tà kiến này chỉ là cái chấp đoạn diệt. Đâu có biết rằng đại dương xuất hiện tất cả sóng mà cả nước lẫn sóng vẫn đều tịch diệt, vì sóng muôn đời vẫn là nước. Đâu có biết rằng ba cõi sanh tử, sáu nẻo lăng xăng tuy có đó mà vẫn đang tịch diệt vì chưa từng lìa khỏi “đạo tràng bất động”. Thế nên kinh nói: “Tất cả các pháp tánh tướng xưa nay tịch diệt”.
Cho nên muốn diệt dứt tâm mình để cầu tịch diệt đó là bệnh, vì vẫn làm việc trên tướng hoa đốm, vì “tánh Viên Giác chẳng phải là tướng vắng lặng”.

Chương Phổ Nhãn nói:
Tất cả đều thanh tịnh
Chẳng động, khắp pháp giới
Không tác, chỉ, nhậm, diệt
Cũng không có người chứng.

Tánh Viên Giác thì không có tác, chỉ, nhậm, diệt vì tất cả đều thanh tịnh bất động khắp pháp giới. Vừa khởi niệm tác, nhậm, chỉ diệt thì mặt trăng biến thành mặt trăng thứ hai. Bốn bệnh có là do người tu, do chưa thực sự thấy được tánh Viên Giác mà cứ tu theo các vọng tưởng về Viên Giác của mình, không có thiện tri thức nhắc nhở, chỉ bày.
Qua bốn bệnh trên, mới thấy rằng tuy tất cả đang ở trong Viên Giác thanh tịnh nhưng không tham thiền cho thấu nguồn tột đáy, chưa vượt khỏi tâm, ý, ý thức, thì dù có cho Viên Giác là cái gì cũng vẫn là bệnh. Viên Giác lìa bốn câu (có, không, vừa có vừa không, không có không không) tuyệt trăm phi (tuyệt dứt một trăm cái chẳng phải), cho nên còn chút tình thức nào thì cũng là bệnh mà rơi vào các tà kiến đoạn thường, có không, sanh và chẳng sanh…. Ở đây mới thấy lời chư Tổ nói: Động niệm liền trái (động niệm tức quai), không phải lời nói chơi vậy.
Ngay đây mà an trụ trong sự không làm ra, không để mặc, không dừng lại, không diệt dứt, thì đó là đang an trụ trong tâm Viên Giác bổn nhiên.

Làm hạnh gì

Thiện nam tử! Chúng sanh đời rốt sau muốn tu hành phải hết cả thân mạng cúng dường bậc thiện hữu, phụng thờ bậc thiện tri thức. Đối với bậc thiện tri thức kia, muốn đến thân cận phải đoạn bỏ kiêu mạn, nếu lại xa lìa phải đoạn sân hận, có hiện cảnh nghịch hay thuận cũng dường như hư không. Rõ biết thân tâm rốt ráo bình đẳng, cùng các chúng sanh đồng thể không khác. Tu hành như vậy mới nhập Viên Giác.

Đây trả lời câu hỏi: Phải làm những hạnh gì.
Thiện tri thức là người dẫn chúng ta vào tánh Viên Giác hay Pháp thân của chư Phật. Một thiện tri thức là vị đã đạt một phần Pháp thân, cho nên chính vị ấy là cánh cửa vào thành Pháp thân. Nơi vị ấy có Pháp thân, nên sự tùy thuận tương ưng với vị ấy cũng là sự tùy thuận tương ưng với Pháp thân, lỗi lầm đối với vị ấy cũng là lỗi lầm với Pháp thân. Những thái độ tích cực đối với thiện tri thức như thân cận, cúng dường, phụng thờ, sùng mộ càng mạnh thì sự nối kết với Pháp thân càng mạnh. Còn những thái độ tiêu cực đối với thiện tri thức thì chỉ làm hư hỏng mối nối kết đó.
Một thiện tri thức có mặt ở đời không vì chính họ mà vì chúng ta. Vị ấy thì vô ngã. Thế nên vị ấy là cơ hội cho chúng ta tích tập công đức và trí huệ hay chỉ là một đối tượng để chúng ta biểu lộ tâm chúng sanh bệnh hoạn của mình, điều này tùy thuộc chúng ta.
Với chúng sanh, phải rõ biết thân tâm mình rốt ráo bình đẳng và đồng thể với tất cả chúng sanh. Bởi vì chúng sanh là sự biểu lộ thành hình tướng của Pháp thân tánh Giác. Trong cái thấy của Giác ngộ, thân tâm chúng sanh chính là Pháp thân, Báo thân và Hóa thân của tánh Viên Giác. Cho nên bằng trí huệ và đại bi phải bình đẳng và đồng thể không khác với chúng sanh. Như vậy có nghĩa là bình đẳng và đồng thể không khác với Ba thân.
Có được hạnh tương ưng tùy thuận với pháp tánh như vậy, chúng ta mới thấy cuộc đời thế gian này là rất quý báu, vì tất cả đều là cơ hội cho chúng ta thấy bản chất thật bằng vàng ròng của thế giới, chúng sanh và của các bậc giác ngộ.

Trừ khử bệnh gì

Thiện nam tử! Chúng sanh đời rốt sau không được thành đạo do có hết thảy chủng tử mình người, yêu ghét từ vô thủy cho nên chưa được giải thoát. Nếu có người xem kẻ thù oán mình như cha mẹ, tâm không có hai, tức trừ được các bệnh. Ở trong các pháp, tâm không có hai thứ mình người, yêu ghét, thì cũng như vậy.

Mọi vô minh bệnh tật đều khởi từ tướng ta, rồi yêu ghét lại càng củng cố thêm tướng ta, càng tăng thêm bệnh.
Cho nên không yêu ghét, mình người, thì bèn ở ngay trong tánh Giác, ‘rốt ráo bình đẳng, đồng thể không khác’. Rốt ráo bình đẳng là đại trí bình đẳng, đồng thể không khác là đại bi đồng thể.
Kẻ oán thù mình là một cơ hội lớn nhất để trừ khử tướng ngã, nếu xem đó như cha mẹ, tâm không có hai, tức trừ được các bệnh.
Tâm không có hai này chính là tánh Giác, đầy đủ ánh sáng trí huệ và nước mát đại bi. Thế nên trừ bệnh và hạnh gắn liền với nhau, hạnh đến đâu thì bệnh tan đến đó, bệnh tan đến đâu thì hạnh đến đó.
Gặp kẻ oán người thân hoặc bất cứ pháp nào, thì trí huệ bình đẳng và đại bi đồng thể bao trùm và hòa nhập, hợp nhất với đối tượng đó. Tu được như vậy thì vũ trụ này biến thành pháp giới vàng ròng của trí huệ và đại bi.

Phải phát tâm nguyện độ chúng sanh

Thiện nam tử! Chúng sanh đời rốt sau muốn cầu Viên Giác phải nên phát tâm, nói như thế này: Tất cả chúng sanh khắp cả hư không, tôi nguyện đều làm cho nhập Viên Giác rốt ráo. Trong Viên Giác đây không có người thủ chứng Giác, sạch trừ tất cả các tướng ta và khác ta.
Phát tâm như vậy thì chẳng sa vào tà kiến.

Đoạn này Đức Phật trả lời phải phát tâm như thế nào.
Phát tâm độ tất cả chúng sanh khắp cả hư không thì tâm đó cũng rộng như hư không, tâm đó tùy thuận tương ưng với tánh Viên Giác, tâm đó chính là tánh Viên Giác.
Độ chúng sanh, vì chúng sanh chính là mình, chúng sanh ‘không hai’ với mình, chúng sanh cùng một tánh Giác với mình, nên độ được chúng sanh bao nhiêu thì thân tâm càng rộng mở bấy nhiêu. Cho đến lúc thân tâm mình trùm khắp, không có cái gì ngoài mình, thì đây là tánh Viên Giác trọn vẹn.
Độ chúng sanh là hạnh lớn nhất của Bồ tát để thâm nhập tánh Viên Giác, tức là để thâm nhập đại trí và đại bi. Nguyện cũng là một hạnh lớn để thâm nhập tánh Viên Giác. Nguyện lớn đến đâu thì bao trùm pháp giới đến đó. Và nguyện vững chắc như kim cương đến mức độ nào thì pháp giới biến thành kim cương ở mức độ đó.

Bài kệ trùng tuyên

Bấy giờ Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này nên nói kệ rằng:
Phổ Giác ông nên biết
Chúng sanh đời rốt sau
Muốn cầu thiện tri thức
Phải cầu người chánh kiến
Tâm xa lìa Nhị thừa
Trong pháp trừ bốn bệnh
Là Tác, Chỉ, Nhậm, Diệt,
Gần gũi không kiêu mạn
Rời xa không sân hận
Thấy các thứ cảnh giới
Tâm phải sanh hy hữu
Xem như Phật ra đời,
Chẳng phạm trái luật nghi
Giới căn hằng thanh tịnh
Độ tất cả chúng sanh
Rốt ráo nhập Viên Giác
Không chút tướng ta người
Thường y chánh trí huệ
Bèn được khỏi tà kiến
Chứng Giác Đại Niết bàn.

Quá trình ‘Chứng Đại Giác Niết bàn’ là quá trình khai thị ngộ nhập Tri kiến Phật của kinh Pháp Hoa. Cầu bậc chánh kiến, nhờ vị ấy khai mở chỉ bày cho cái thấy biết tánh Viên Giác. Ngộ nhập thấy được tánh Viên Giác thì phải y vào chánh trí huệ ấy, xa lìa bốn bệnh và làm những hạnh để tùy thuận hay thâm nhập tánh Viên Giác. Ngộ tánh Viên Giác là rõ biết tất cả rốt ráo bình đẳng, đồng thể không khác, tâm không có hai, cảnh thuận nghịch cũng dường như hư không, tâm không có tướng ta và tướng khác ta, có yêu ghét. Từ đây làm các hạnh để cho cái thấy biết chân chánh thêm trọn vẹn, gọi là nhập. Hạnh là mở rộng cái thấy biết ấy ra khắp cả pháp giới, nguyện rộng lớn bao trùm tất cả chúng sanh, hạnh không bỏ chúng sanh nào ngoài tánh Giác. Tất cả mọi tướng đều không nằm ngoài tánh Giác, và mình chính là tánh Giác ấy. Như vậy là ở trong tánh Giác mà đưa tất cả trở về trong thật tướng bổn nguyên của chúng ta là tánh Viên Giác, là pháp giới tánh. Đây là hạnh để nhập, nhập pháp giới.
Hạnh này các kinh khác thường nói là “Tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh”. Với nguyện và hạnh, Bồ tát tạo lập cõi nước Phật của mình bằng đại trí, đại bi và đại hạnh nguyện.
Hoàn tất được quá trình khai thị ngộ nhập, hay là tiến trình được diễn tả bằng năm điều ở chương Phổ Giác này, hành giả Bồ tát chứng đạt nước cái Biết Khắp Cả (Phổ Giác), tức là chứng Giác Đại Niết bàn.

SHARE:

Trả lời