CHƯƠNG BỒ TÁT VIÊN GIÁC

SHARE:


KINH VIÊN GIÁC LƯỢC GIẢNG
Đại Phương Quảng Viên Giác Liễu Nghĩa Kinh
Đời Đường, nước Kế Tần, Sa Môn Phật Đà Đa La dịch
ĐƯƠNG ĐẠO
THIỆN TRI THỨC 2015

1. Phần mở đầu
2. Các vị Bồ tát trong pháp hội
3. CHƯƠNG BỒ TÁT VĂN THÙ
4. CHƯƠNG BỒ TÁT PHỔ HIỀN
5. CHƯƠNG BỒ TÁT PHỔ NHÃN
6. CHƯƠNG BỒ TÁT KIM CƯƠNG TẠNG
7. CHƯƠNG BỒ TÁT DI LẶC
8. CHƯƠNG BỒ TÁT THANH TỊNH HUỆ
9. CHƯƠNG BỒ TÁT OAI ĐỨC TỰ TẠI
10. CHƯƠNG BỒ TÁT BIỆN ÂM
11. CHƯƠNG BỒ TÁT TỊNH CÁC NGHIỆP CHƯỚNG
12. CHƯƠNG BỒ TÁT PHỔ GIÁC
13. CHƯƠNG BỒ TÁT VIÊN GIÁC
14. CHƯƠNG BỒ TÁT HIỀN THIỆN THỦ

Bồ tát Viên Giác thưa hỏi về an cư tu ba pháp quán.

Bấy giờ Bồ tát Viên Giác ở trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh bên phải ba vòng, chấp tay quỳ thẳng mà bạch Phật rằng:
Thế Tôn đại bi! Ngài đã vì chúng con rộng nói các thứ phương tiện của Viên Giác thanh tịnh khiến cho chúng sanh đời rốt sau được lợi ích lớn.
Bạch Thế Tôn, chúng con nay đã được khai ngộ, nếu sau khi Phật nhập diệt, chúng sanh đời rốt sau chưa được ngộ thì an cư thế nào để tu cảnh giới thanh tịnh Viên Giác này? Ba thứ quán thanh tịnh ở trong Viên Giác này tu pháp nào trước? Xin Đức Đại Bi vì đại chúng và chúng sanh đời rốt sau mà ban cho sự lợi ích lớn.
Nói xong năm vóc làm lễ sát đất. Cầu thỉnh như vậy lập lại ba lần.
Bấy giờ Thế Tôn bảo cùng Bồ tát Viên Giác:
Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Các ông mới có thể thưa hỏi Như Lai về phương tiện như vậy, đem lợi ích lớn bố thí cho chúng sanh. Nay các ông lắng nghe, ta sẽ nói rõ.
Khi ấy Bồ tát Viên Giác hoan hỷ vâng lời dạy, cùng cả đại chúng yên lặng lắng nghe.

Những phương tiện tu hành tánh Viên Giác cũng chính là tánh Viên Giác, thâm nhập vào những phương tiện này cũng chính là thâm nhập tánh Viên Giác. Tùy theo mức độ thâm nhập những phương tiện đến đâu thì tánh Viên Giác hiển lộ cho hành giả đến đó.
Ba pháp tu hành, ba phương tiện tu hành tánh Viên giác được Bồ tát có danh hiệu là Viên Giác thưa hỏi, như thế có nghĩa là ba phương tiện này chính là tánh Viên Giác. Phương tiện tu hành là Sự, tánh Viên Giác mục đích tu hành là Lý. Ở đây, Lý Sự vô ngại nghĩa là nơi Sự có đầy đủ Lý, nơi một phương tiện tu hành có vẻ nhỏ nhặt vẫn có đủ Lý tánh Viên Giác. Bởi vì tánh Viên Giác bao trùm tất cả, nơi sự thể nào cũng có trọn vẹn tánh Viên Giác..

Cách thức an cư

Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh trong thời Phật tại thế, hoặc sau khi Phật nhập diệt, hoặc thời mạt pháp, đủ căn tánh Đại thừa, tin tâm đại Viên Giác bí mật của Phật, muốn tu hành nếu tại già lam thì nên sắp xếp an ổn đồ chúng, nếu có duyên sự thì tùy phần tư duy quán sát như ta đã nói.
Nếu không có các duyên sự khác thì thiết lập đạo tràng, ấn định kỳ hạn, dài thì 120 ngày, vừa thì 100 ngày, ngắn thì 80 ngày, để an cư thanh tịnh. Nếu Phật còn tại thế thì phải chánh tư duy. Nếu sau khi Phật nhập diệt thì bài trí hình tượng, tràng phan hương hoa, mắt nhìn tâm tưởng, sanh nhớ nghĩ chân chánh, như Phật thường trụ.
Trải qua 21 ngày, hành giả đảnh lễ danh hiệu chư Phật mười phương, thiết tha cầu sám hối, gặp cảnh giới tốt, tâm được khinh an. Qua 21 ngày, hành giả một bề nhiếp niệm.
Nếu gặp ba tháng an cư đầu mùa hạ, làm pháp an cư thanh tịnh của Bồ tát, tâm lìa cảnh giới Thanh Văn, không nương đồ chúng.
Đến ngày an cư, đối trước Phật phát lời nguyện thế này: “Con là Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, tên là….trong Bồ tát thừa, tu hành tịch diệt, đồng nhập trụ trì thật tướng thanh tịnh, lấy Đại Viên Giác làm già lam của con, thân tâm an cư trong bình đẳng tánh trí, vì tự tánh Niết bàn không có chỗ hệ thuộc. Nay con kính xin, không y nơi Thanh Văn, mà y nơi mười phương Như Lai và đại Bồ tát để an cư ba tháng, vì đại nhân duyên tu Diệu Giác vô thượng của Bồ tát, chẳng hệ thuộc vào đồ chúng”.
Thiện nam tử! Đây gọi là Bồ tát thị hiện an cư. Qua ba tháng đó thì tùy ý ra đi không ngại.

Để ngộ được hay thấy được tánh Viên Giác, tốt nhất là an cư, tức là nhập thất.
Ấn định kỳ hạn là quy định thời gian cho việc an cư tu hành. Thiết lập đạo tràng là tạo ra không gian cho việc tu hành. Đạo tràng có hình tượng Phật, hương hoa, như Phật luôn luôn ở trước mặt mình.
Phát nguyện trước Phật để nhờ sự gia bị, ban phước của Tam Bảo. Phát nguyện là nói lên quyết tâm của mình. Quyết tâm ấy sẽ tương ưng được với lực gia bị của Phật. Đảnh lễ chư Phật mười phương, thiết tha cầu sám hối: đảnh lễ để thân tâm mình tương ưng với thân tâm giác ngộ của chư Phật, sám hối vì chính những nghiệp chướng của mình đã ngăn che mình với tánh Viên Giác luôn luôn đầy dẫy chung quanh.
Cần phát nguyện làm những hạnh để tương ưng với tánh Viên Giác: tu hành tịch diệt, đồng nhập trụ trì thật tướng thanh tịnh. Tâm không ra ngoài chánh niệm về tánh Viên Giác vì lấy đại Viên Giác làm chùa. Thân tâm an cư trong bình đẳng tánh trí của Viên Giác, tức là tự tánh Niết bàn.
Hình tượng, hương hoa, âm thanh….của đạo tràng là Phật. Thời gian an cư là y vào mười phương Như Lai và Đại Bồ tát. Tâm trụ trì trong thật tướng Phật, an cư trong bình đẳng tánh trí của Phật. Nếu tin hiểu được, thấy biết được như vậy, thì đây là Nền tảng Phật để thành Quả Phật: tức sự nhi chân, tức thân thành Phật.
An cư là ở yên. Ở một nơi thanh tịnh, vắng dứt ngoại duyên để tận lực bước vào được tánh Viên Giác tịch diệt. Đây là căn bản để thực sự bước vào và thấy được tánh Giác. Một khi đã vào tánh Giác thì ở nơi căn trần thức vẫn là ở yên, vì trong ngoài rốt ráo tịch diệt thì còn gì để gọi là nội thức, ngoại duyên?
Một khi bước vào được tánh Viên Giác, lúc ấy mới gọi là “đủ căn tánh Đại thừa”, tức là đủ trí huệ, đại bi, nguyện lực để trang nghiêm cõi Phật, tin tâm mình là Phật, tất cả chúng sanh sẵn đủ Phật tánh, toàn thể pháp giới bất kỳ chỗ nào cũng đầy ắp Phật tánh. Bước vào được như vậy mới là ‘tu trong Phật’. Đây là một yếu chỉ và cũng là một bí mật của chánh tu Viên Giác, vì thế Kinh mới nói “tin tâm đại Viên Giác bí mật của Phật”, và Kinh cũng được gọi là “Bí mật vương tam muội”.
Khi đã an cư được, tức là “đồng nhập trụ trì thật tướng thanh tịnh, lấy tánh Viên Giác làm già lam, thân tâm an cư nơi bình đẳng tánh trí, tự tánh Niết bàn”. Thực sự an cư được ‘trong Phật’, ‘trong già lam Viên Giác’ thì sau ba tháng ấy đi đâu tùy ý đều vô ngại. Bấy giờ ở đâu cũng là đạo tràng Viên Giác, thời nào cũng là kỳ hạn Viên Giác, nói nín động tịnh không gì lìa ngoài Viên Giác, tất cả sinh hoạt của đời sống đều là hoạt dụng Chỉ, Quán, Thiền của tánh Viên Giác.

Chẳng giữ cảnh hư vọng huyễn hiện

Thiện nam tử! Nếu chúng sanh đời rốt sau tu hành cầu Bồ tát đạo vào ba kỳ ấy nếu chẳng phải tất cả cảnh giới như đã được nghe thì trọn không giữ lấy.

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức năm ấm có năm mươi thứ ma vọng tưởng như đã nói tỉ mỉ trong Kinh Lăng Nghiêm. Do tinh tấn nhiếp niệm tu hành ba pháp môn Chỉ, Quán, Thiền mà vọng tưởng vô minh bị bức ép cho tiêu tan, hệ thống khí được tịnh hóa khiến có những hiện tượng lạ thường xuất hiện. Sự tịnh hóa thân tâm khiến xuất hiện những hiện tượng lạ thường, phải an trụ trong tâm không có hai thứ yêu ghét mà tiến tới. Đó chỉ là những hiện tượng vô thường, như huyễn, không nên lấy bỏ, chỉ nhắm thẳng một đường ngộ nhập tánh Giác.

Tu Xa ma tha

Thiện nam tử! Nếu các chúng sanh tu Xa ma tha thì trước giữ tột tĩnh, chẳng khởi niệm tưởng. Tĩnh cùng tột bèn giác. Cái tĩnh ban đầu như vậy từ một thân cho đến một thế giới, giác cũng như thế.
Thiện nam tử! Nếu Giác đầy khắp một thế giới, thì trong thế giới ấy có một chúng sanh khởi một niệm cũng đều có thể biết. Trăm ngàn thế giới cũng lại như vậy. Mọi thứ cảnh giới chẳng phải như đã được nghe thì trọn không giữ lấy.

Tu Chỉ là đưa tâm thức đến chỗ tột tĩnh, không còn niệm tưởng. Tĩnh cùng tột tức là tâm không, tâm không thì Giác hiện. Thế nên nói “Tĩnh tột bèn Giác”. Tĩnh tột là tánh Không, Giác là quang minh của tánh Không ấy.
Đó là pháp Chỉ đi từ niệm vào vô niệm, từ ngoài tướng vào tánh. Còn có pháp Chỉ thì an trụ trong tánh mà ứng xử với tướng. Đó là biết rằng khởi niệm hay không khởi niệm đều cũng một tánh tĩnh, như có sóng hay không có sóng đều cùng là một tánh nước của đại dương. Trụ nơi cái tánh tĩnh ấy mà thu nhiếp các sóng niệm tưởng vào trong biển Trí tĩnh lặng, đó là phương pháp đi đến chỗ “tĩnh cùng tột” bằng cách trụ nơi tánh tĩnh càng lúc càng đi sâu.
Pháp Chỉ đi từ ngoài vào là làm ngừng yên sóng niệm để thành biển Giác tĩnh lặng. Pháp Chỉ ở từ trong ra là ở nơi biển Giác tĩnh lặng an nhiếp thu hồi sóng niệm để “chẳng khởi niệm tưởng”. Cả hai pháp Chỉ “tột tĩnh bèn Giác” và “Giác bèn tột tĩnh” mục đích và phương tiện đồng như nhau, tùy theo thiện căn của hành giả mà thực hành, hoặc cả hai thay phiên đổi nhau cũng được.
Tĩnh đến đâu thì Giác đến đó. Tĩnh cùng Giác ban đầu ở một thân, sau rộng khắp một thế giới, rồi tất cả pháp giới, cho đến khi “tất cả đều là Giác”, như chương Phổ Nhãn nói: Do sự sâu và rộng của tĩnh và giác này mà an lập các địa vị Bồ tát.
Khi tĩnh và giác “từ một thân cho đến một thế giới” thì thân và thế giới đồng một cái Giác thì một niệm nào của một chúng sanh trong thế giới cũng đều là mình nên đều có thể biết. Khi ấy pháp giới là mình.
Tánh Giác thì toàn khắp, không cái gì không phải là nó, không thế giới nào không phải là nó, nhưng tùy theo hành giả chứng tánh Giác rộng đến đâu thì thế giới bèn ở trong và là hành giả đến đó. Thế giới là ta, ta là thế giới. Ba cõi duy chỉ là tâm ta, muôn pháp duy chỉ là thức ta. Như thế cho đến: Tất cả là mình, mình là tất cả.

Tu Tam ma bát đề

Thiện nam tử! Nếu các chúng sanh tu Tam ma bát đề thì trước phải tưởng nhớ mười phương Như Lai và tất cả Bồ tát trong mười phương thế giới, y theo thảy thảy pháp môn siêng năng cần khổ thứ lớp tu hành Tam muội, rộng phát đại nguyện, tự huân tập thành chủng tử. Mọi thứ cảnh giới chẳng phải như đã được nghe thì trọn không giữ lấy.

Nếu như pháp Chỉ chú trọng sự đi vào trong tâm, thì pháp Quán chú trọng sự mở tâm ra với bên ngoài. Chỉ là tánh Không, Quán là quang minh soi sáng của tánh Không ấy. Mở tâm ra với thế giới bên ngoài để tu nhiếp tất cả cảnh, tất cả thế giới vào Như huyễn tam muội mà chứng thực ‘ba cõi duy chỉ là tâm, muôn pháp duy chỉ là thức’. Khi thấy mọi thế giới đều như huyễn thì đó là giải thoát, giác ngộ, đó là “dạo chơi trong biển đại tịch diệt của chư Phật”.
Mở tâm ra với bên ngoài mà quán chiếu để tương ưng, thâm nhập thế giới như huyễn, càng huyễn đến đâu càng thâm nhập pháp giới như huyễn của chư Phật đến đó. Muốn mở tâm ra để thấy và thể nhập thế giới như huyễn của chư Phật, chư Bồ tát thì trước tiên phải tưởng nhớ đến mười phương Như Lai cùng Bồ tát rồi mới có thể tương ưng được với thế giới như huyễn của các ngài. Chính nhờ tương ưng được với Phật lực như huyễn của Pháp thân, Báo thân và Hóa thân của các ngài mà hành giả mới tùy thuận được “lực biến hóa như huyễn” là căn bản của pháp Tam ma bát đề.
Nói là thảy thảy pháp môn và pháp môn thì rất nhiều, thấy tướng ở đâu thì thấy huyễn ở đó. Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là cửa pháp (pháp môn) để quán huyễn, mắt tai mũi lưỡi thân ý là cửa pháp để ngộ nhập huyễn. Thức, ngủ, thiền định và sau khi chết (trung ấm) là pháp môn vì chúng ta đều tìm thấy tâm biến hóa như huyễn ở đó.
Như huyễn thì nghịch lại với thế giới sanh tử được thấy là thật của chúng ta. Thế nên như huyễn được phần nào thì sanh tử tiêu tan đến đó. Sự huân tập thành chủng tử như huyễn này dần dần lớn lên, như hạt giống dần dần lớn lên thành cây, cho đến khi trùm cả ba cõi.
Bất cứ hình tướng gì, dù thấp nhất như địa ngục hay cao nhất như các cõi Tịnh độ đều nhiếp vào như huyễn tam muội. Cái gì chưa là huyễn thì phải thấy cho được là như huyễn, như vậy mới là Quán huyễn. Kinh Đại Bát Nhã nói: “Nếu có một pháp nào cao hơn Niết bàn, tôi nói là như huyễn, như mộng. Vì sao thế? Vì huyễn mộng và Niết bàn không hai không khác”.
Càng thấy huyễn thì người ta không chạy theo các huyễn mà an trụ vào Nền tảng tánh Viên Giác “chẳng phải huyễn”. An trụ vào tánh Viên Giác chẳng phải huyễn này, đó là giải thoát.
Cũng cần chú ý đến một điều rất bí mật: Như huyễn chính là đại bi. Như chương Oai Đức Tự Tại trước đã nói tu Xa ma tha thì phát ra tịch tĩnh khinh an, tu Thiền na thì phát ra tịch diệt khinh an, còn tu Tam ma bát đề thì phát ra đại bi khinh an. Như vậy muốn thành tựu đại bi thì phải tu như huyễn, khi ấy là đồng thể đại bi. Và ngược lại, muốn hạt giống như huyễn lớn nhanh phải tu đại bi, phải “rộng phát đại nguyện”.

Tu Thiền na

Thiện nam tử! Nếu các chúng sanh tu Thiền na thì phải tu sổ tức, trong tâm rõ biết các niệm sanh, trụ, diệt, dài ngắn và đầu cuối. Như thế cho đến trong bốn oai nghi đều phân biệt rõ ràng số niệm, không gì chẳng biết. Lần lượt tăng tiến cho đến biết được một giọt mưa trong trăm ngàn thế giới, như mắt xem thấy các vật dụng. Mọi thứ cảnh giới chẳng phải như đã được nghe thì trọn không giữ lấy.

Thiền na là biết tâm của mình. Biết được cái tâm sanh diệt của mình bèn biết cái tâm không sanh không diệt của mình, tức là tánh Viên Giác. Trong Kinh Lăng Nghiêm quyển 1, Đức Phật phân biệt hai thứ căn bản: chân tâm không sanh không diệt và vọng tâm sanh diệt, chủ thì thường trụ, khách thì có đến có đi, hư không thì bất động, bụi bặm thì lăng xăng mà chẳng hề ô nhiễm nổi hư không….
Thấy biết rõ ràng một niệm sanh khởi từ đâu, tồn tại, biến đổi thế nào, và diệt mất ở đâu. Biết chỗ sanh khởi, chỗ diệt mất của một niệm bèn biết cái không sanh khởi không diệt mất, cũng như biết hoa đốm sanh từ đâu diệt về đâu, bèn biết ngay hư không không có hoa đốm. Thực biết chỗ sanh khởi chỗ diệt mất bèn khỏi hẳn sanh tử, đắc vô sanh pháp nhẫn. Cái thực của đạo Phật thì không cần nói nhiều, không cần làm đủ thứ pháp môn, chỉ cần quyết liệt thiết tha truy cứu, mở hết tâm nhãn để quan sát, thấy biết tường tận chỉ mỗi một niệm ‘sanh từ đâu, diệt về đâu’ là mười phương sanh tử luân hồi trọn đều tiêu hoại.
Thiền là biết sự sanh trụ dị diệt của các niệm. Nhưng cái gì biết sự sanh diệt của các niệm? Cái biết sự sanh diệt của các niệm, cái ấy không sanh diệt, luôn luôn hiện hữu ở giữa hai niệm và vẫn hiện hữu khi có niệm. Cái ấy Thiền gọi là ‘chủ nhân ông, tự tâm, tự tánh, tự kỷ linh quang, người chân thực không địa vị, chẳng cùng muôn pháp làm bạn lứa…’ là chỗ hộ niệm của chư Phật, là chỗ tu hành của tất cả Bồ tát. Tin nhận được cái đó, thấy biết được cái đó, an trụ trong cái đó, thâm nhập vào cái đó, cho đến khi hoàn hảo, nó và ta chẳng cách hở mảy lông, trùm khắp pháp giới. Đó là quá trình tu Thiền.
Khi tâm Vô niệm đã hiện tiền thì các niệm sanh trụ dị diệt đều được tâm vô niệm dung nhiếp, như sóng được đại dương dung nhiếp. Khi ấy các niệm cũng chính là vô niệm, như sóng chính là đại dương. Khi ấy không còn chủ khách: tất cả là chủ mà chẳng có gì là chủ, bao la mênh mông không bến không bờ. Niệm là cái dụng của vô niệm.
Sự phân chia giả tạo giữa chủ và khách, giữa niệm và vô niệm không còn. “Ba cõi chỉ là Nhất Tâm” như phẩm Thập Địa Kinh Hoa Nghiêm nói. Hay nói theo Kinh Viên Giác, “tất cả chỉ là một tánh Giác”.
Tất cả đều là mình, tất cả đều ở trong mình, thì một sự vật nhỏ như một hạt mưa trong trăm ngàn thế giới cũng đều là mình nên đều có thể biết. Mình đây là cái Giác trùm khắp nên cái gì cũng là cái biết.

Viên mãn ba pháp quán tức là Như Lai

Đây là phương tiện ban đầu của ba pháp quán. Nếu các chúng sanh chuyên cần tinh tấn tu cả ba quán, tức gọi là Như Lai xuất hiện ở đời vậy.

Ba pháp quán là Như Lai xuất hiện ở đời, vì ba pháp tu ấy chính là Pháp thân, Báo thân và Hóa thân của Như Lai. Sở dĩ nói là phương tiện ban đầu, vì không thể nói hết về ba pháp quán, chỉ bậc chứng đắc tánh Viên Giác rốt ráo mới có thể khai triển giảng dạy đầy đủ về ba pháp ấy.
Ở đây chúng ta tóm lược về ba pháp quán trong một chủ đề nghiệp. Ba pháp quán giải quyết vấn đề nghiệp chướng như thế nào để giải thoát?
Với pháp Chỉ: lặn sâu xuống bản tánh của tâm, nơi đó không có nghiệp vì nơi đó không bị nhiễm ô bởi các thứ thô bên ngoài (khách trần phiền não). Ví như dưới đáy đại dương thì không có những chuyển động của sóng. Như bụi bặm thì chỉ dính ở bên ngoài da, tóc, áo quần, chứ không thể dính vào trái tim ở sâu bên trong được. Thế nên an trụ sâu vào cái Tĩnh của pháp Chỉ, người ta sẽ hết nghiệp, bởi vì nghiệp chướng sẽ lần lần rơi rụng, bị loại trừ khỏi thân tâm.
Với pháp Quán: nghiệp sở dĩ được tạo vì cho đời này là có thật, nên càng thấy huyễn bao nhiêu thì nghiệp càng được tiêu trừ. Khi thấy huyễn, tự động người ta an trụ vào cái chẳng phải huyễn, tức là bản tánh của tâm hay tánh Viên Giác. Ở nơi cái phi huyễn ấy, các nghiệp chướng như huyễn lần lần tiêu tan.
Với pháp Thiền: thấy tánh và sống trong tánh, thì tánh Giác này thấu thoát qua, xuyên qua, vô ngại với các dấu vết hình tướng do nghiệp chướng kết đọng lại mà thành. Một khi tánh Giác thấu thoát qua, vô ngại với các nghiệp che chướng ấy thì chúng sẽ mất sức mạnh và ảnh hưởng, chúng trở thành như huyễn. Như khi an trụ trong mặt gương, ánh sáng của gương thấu thoát qua các hình bóng trong gương, các hình bóng đó có, nhưng chẳng thể ô nhiễm, che chướng ánh sáng của mặt gương.

Tóm tắt

Nếu chúng sanh căn tánh chậm lụt đời rốt sau tâm muốn cầu đạo mà chẳng thành tựu do những nghiệp chướng trước kia thì phải siêng năng sám hối, thường khởi hy vọng, trước đoạn trừ yêu ghét, cong quẹo, tâm cầu mạnh mẽ sự giải thoát. Trong ba thứ tịnh quán này, tùy theo học tập một pháp. Tu quán này không được thì tập pháp quán khác, tâm chẳng buông bỏ, thứ lớp chứng đắc.

Ba pháp này chính là tâm mình, là nhật dụng của mình, là thức ăn nước uống hàng ngày của mình, thế mà thọ dụng không được là vì sao? Vì nghiệp che chướng nên nghe (Văn) mà chẳng thấm, tư duy (Tư) mà chẳng thấy, thực hành (Tu) mà chẳng có mùi vị gì, nên chẳng thọ dụng được lợi lạc vô cùng của Phật pháp.
Thế thì phải sám hối cho tiêu bớt nghiệp. Cùng với sám hối, phải lập nguyện thiết tha, phải thân cận thiện tri thức thêm, phải tinh tấn hơn nữa…. Tóm lại phải dùng tất cả Phật pháp, có môn mình mạnh, có môn mình yếu, mà đi sâu vào tận tâm mình, mở rộng ra với chúng sanh.

Bài kệ trùng tuyên

Bấy giờ Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này nên nói kể rằng:
Viên Giác ông nên biết
Tất cả các chúng sanh
Muốn cầu đạo vô thượng
Trước nên lập ba kỳ
Sám hối nghiệp vô thủy
Trải qua hai mốt ngày
Sau đó chánh tư duy
Chẳng phải cảnh đã nghe
Hoàn toàn không được nhận.
Xa ma tha tột tĩnh
Tam ma chánh nhớ giữ
Thiền na rõ số niệm
Gọi là ba tịnh quán
Nếu hay siêng tu tập
Gọi là Phật xuất thế
Người độn căn chưa thành
Tâm thường siêng sám hối
Tất cả tội vô thủy
Các chướng nếu tiêu diệt
Cảnh Phật liền hiện tiền.

Chương này gọi là Viên Giác, vì ba pháp quán chính là Viên Giác vậy. Thực hành ba pháp quán này, kinh gọi là Như Lai xuất hiện thế gian. Thế nên, hộ trì, “nhớ giữ” ba pháp quán này một cách liên tục chính là Phật xuất hiện ở thế gian. Đó là tùy thuận tánh Viên Giác. Còn không là tùy thuận thế gian khổ đau.
Hành giả phải chú ý đến sám hối, nghiệp chướng có được tịnh hóa thì mới dễ dàng ngộ nhập tánh Viên Giác. Điều cần lưu ý thứ hai là sự phát nguyện. Nguyện là sự thể hiện của đại bi. Không có phát nguyện “tất cả chúng sanh hết khắp hư không tôi nguyện đều làm cho nhập Viên Giác rốt ráo, trong Viên Giác đây không có người thủ chứng Giác, sạch trừ hết thảy các tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng” thì cũng chẳng thể ngộ nhập tánh Viên Giác gắn liền với đại bi, chẳng thể nào thâm nhập vào cái “Pháp giới chúng sanh đồng thành Phật đạo”.

SHARE:

Trả lời