Quy y, Lễ lạy và Bồ đề tâm

SHARE:


ĐẠI ẤN THIỀN XÓA TAN BÓNG TỐI CỦA VÔ MINH
Karmapa thứ Chín Wangchug Dorje với bình giảng khẩu thuyết của
Beru Khyentze Rinpoche – dịch từ tiếng Tây Tạng và biên tập bởi Alexander Berzin
Văn phòng Dịch thuật Thư Viện những Tác phẩm và Văn thư Lưu trữ của Đức Dalai Lama
Việt dịch: Đương Đạo – Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, 2001 TTT-19-2545/09-01

1. MỞ ĐẦU 21. Chú tâm vào Hơi thở và Ba giai đoạn An định Tâm thức
2. PHẦN MỘT NHỮNG SƠ BỘ 22. Loại bỏ Siết chặt và Buông lỏng
3. Quy y, Lễ lạy và Bồ đề tâm 23. Trạng thái Định tâm thực sự và Ba Ân điển
4. Thiền định Vajrasattva 24. PHẦN BA THIỀN QUÁN (QUÁN CHIẾU)
5. Cúng dường Mạn đà la 25. Nhìn vào Tâm an định
6. Guru Yoga 26. Nhìn vào Tâm chuyễn động hay khởi tưởng
7. Cái Chết và Vô Thường 27. Nhìn vào Tâm phản chiếu những hình tướng và vào Tâm trong tương quan với Thân
8. Nghiệp và Luật Nhân Quả 28. Nhìn vào cùng lúc Tâm an định và Tâm chuyễn động
9. Những Tai Hại của Sanh Tử 29. Nhận ra Bản tánh của Tâm an định
10. Sự Quí Giá Được Tái Sanh Làm Người 30. Nhận ra Bản tánh của Tâm chuyễn động hay Tâm nghĩ tưởng
11. Điều Kiện Nguyên Nhân Cho Thành Công 31. Nhận ra Bản tánh của Tâm phản chiếu cảnh vật và của Tâm trong liên hệ với Thân
12. Điều Kiện Chính Yếu 32. Nhận ra cùng lúc Bản tánh của Tâm an định và Tâm chuyễn động
13. Điều Kiện Khách Quan 33. PHẦN BỐN NÂNG CẤP SỰ THỰC HÀNH CỦA CON
14. Điều Kiện Trực Tiếp 34. Phối hợp Đại Ấn với những Thực hành khác và Bốn hoạt động
15. PHẦN HAI THIỀN ĐỊNH 35. Năm tà kiến, Ba thiện xảo và Bốn thân Phật
16. Những tư thế căn bản của Thân và Tâm 36. Ba chỗ con có thể lạc và Bốn chỗ con có thể mất tánh Không
17. Chú tâm trên một Đối tượng Thấy 37. Những Điểm nguy hiểm nơi sự vật có thể khởi lên như kẻ thù và những nhiễu loạn khác
18. Những Đối tượng Giác quan khác 38. Những Lợi Lạc của những thực hành và những giai đoạn và những con đường theo Đại Ấn
19. Trừ bỏ Hôn trầm và Xao động 39. Những định nghĩa kết thúc
20. Chú tâm Không Đối tượng 40. LỜI CHÚ CỦA TÁC GIẢ

 Quy y, Lễ lạy và Bồ đề tâm

Sự giải thích làm thế nào để thực hành Đại Ấn này của dòng Kagyu quý báu không biến chất chia làm ba phần : những sơ bộ, phần chính và kết luận.

Phần thứ nhất bắt đầu bằng quy y và khai triển Động Lực Giác Ngộ của Bồ đề tâm.

Những thực hành sơ bộ có phần phổ thông và phần đặc biệt. Phần phổ thông là thiền định về thân người khó được, cái chết và vô thường, nghiệp báo hay luật nhân quả, những tai hại của sanh tử luân hồi. Là một nền chung, chúng là bối cảnh cho mọi thực hành và phát tâm của mọi trường phái Phật giáo. Những sơ bộ đặc biệt (ngošn-dro) là vừa lễ lạy vừa quy y, tịnh hóa Vajrasattva, cúng dường mạn đà la và Guru yoga.

Bốn pháp này có thể thực hành theo nhiều kiểu, nhưng thông thường nhất là thực hiện 100.000 lần mỗi pháp lần lượt nối tiếp nhau trong một nỗ lực liên tục. Một cách khác là làm một số lượng của mỗi pháp mỗi ngày như là sự thực hành hàng ngày của bạn. Số lượng này không nhất định và đôi khi cần đếm xem bao nhiêu, đôi khi không cần, nhưng phải tiếp tục cho đến khi nào bạn có những dấu hiệu thành công. Bốn pháp này có thể được lập lại trong một khoảng thời gian ở nhiều dịp khác nhau hay tiếp tục từng bước chậm cho đến suốt đời. Hơn nữa, những thực hành thật sự mà bạn làm như những sơ bộ có thể thay đổi. Guru của bạn sẽ quyết định cái nào là tốt nhất cho bạn. Sau đây là một diễn tả tổng quát những sơ bộ tiêu chuẩn như được thực hành trong dòng Karma Kagyu. Những giáo huấn đặc biệt, chi tiết nên nhận từ Guru của bạn.

Mục tiêu của những thực hành sơ bộ là loại bỏ hay tịnh hóa những chướng ngại nơi tự thân bạn cản trở thực hành và tích tập công đức để đưa đến thành công. Lễ lạy và thiền định Vajrasattva hoàn thành cái trước, trong khi cúng dường mạn đà la và Guru yoga hoàn thành cái sau. Nghĩ về luật nhân quả và về mọi hành động xấu đã phạm phải trong quá khứ và sẽ chịu khổ đau như hậu quả của chúng, bạn sẽ rất hối hận và quay về quy y Tam Bảo. Tự giao phó cho Phật, Pháp, Tăng, bạn cần cúng dường lễ lạy để làm sạch những khổ đau chưa chín tới.

Hơn nữa, bạn cần thấu hiểu tất cả chúng sanh chỉ muốn hạnh phúc và không bao giờ muốn khổ đau, nhưng không biết làm thế nào có được điều ấy. Họ không biết rằng những hành động tốt đem lại hạnh phúc, trong khi những hành động xấu, ác chỉ đem lại khổ đau. Bởi thế hãy khai triển lòng bi cho họ và ước muốn cũng tịnh hóa họ bằng chính sự thực hành của bạn. Và cuối cùng bạn cần phát Bồ đề tâm, Động Lực Giác Ngộ, mong muốn rằng do quy y và lễ lạy bạn sẽ loại bỏ mọi chướng ngại để có thể đạt đến trạng thái giác ngộ của một vị Phật hầu thực sự làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh khác.

Trong không gian trước mặt con, hãy quán tưởng một cây ban cho ước nguyện với một thân và phân thành năm nhánh. Trên nhánh giữa là Guru của con (trong hình thức Vajradhara), nhánh trước mặt là những bổn tôn thiền định (yidam), bên phải là chư Phật, phía sau là kinh điển Pháp và bên trái là Tăng. Mỗi nhánh được bao quanh bởi đông đảo nhân vật cùng loại. Con cần quy y (trong lúc lễ lạy), đọc kinh kệ và quán tưởng mình được vô số chúng sanh-là-mẹ bao quanh sau lưng và cùng quy y lễ lạy như con.

Đây là Pháp quán tưởng ruộng công đức hay cây những Guru tụ hội. Hãy tưởng tượng chung quanh bạn là một vườn hoa đẹp đẽ, cỏ mềm mại và thú hiền từ. Giữa cái hồ tuyệt đẹp là một cây ban cho ước nguyện như tả ở trên. Vajradhara (TT. Dorje Chang) là hình tướng đức Phật dùng trong những tantra. Những hóa thần bổn tôn thiền định (yidam), gồm Vajrayogini, Heruka v.v… ; chư Phật là những vị Phật quá khứ, hiện tại và tương lai ; Pháp là ba tạng kinh điển và Tăng là những bồ tát như Quán Thế Âm và Tara, cũng như những Độc Giác Phật và Thanh Văn như Xá Lợi Phất… Xung quanh phần dưới của cây là những hộ pháp như Maha-kala. Nếu bạn không biết tất cả những nhân vật này như thế nào hay không thể quán tưởng các vị một cách rõ ràng, chớ có lo ngại. Ít nhất hãy tin rằng các vị ở trước mặt bạn. Với sự quen dần và tranh ảnh bạn sẽ học thấy được các vị.

Hãy quán tưởng bạn trong hình thức bình thường, với tất cả bà con thân thuộc nam ở bên phải và nữ ở bên trái bạn. Hãy tưởng tượng bạn đang ở trong một đám đông người và thú, bạn như người lãnh đạo của họ, và tất cả lễ lạy và quy y. Lạy bằng cách chắp tay, từ đỉnh đầu, đến giữa hai mày, cổ họng và trái tim, rồi sấp xuống đất và duỗi dài, hai tay đưa tới trước. Hãy khởi dậy nhanh chóng. Hãy lạy như thế khi lập lại những câu kệ như “Con và tất cả chúng sanh-là-mẹ rộng lớn như không gian… quy y những Guru tôn thánh. Chúng con quy y những Yidam và chư hóa thần trong mạn đà la. Chúng con quy y chư Phật Thế Tôn. Chúng con quy y Thánh Pháp. Chúng con quy y chư Thánh Tăng. Chúng con quy y chư Daka, Dakini, chư Hộ pháp và Hộ mạng có con mắt của trí huệ nguyên sơ. Hãy duy trì trọn vẹn sự tập trung, niềm tin và thành tâm mạnh mẽ. Ba cái này – lạy, đọc tụng và tập trung – là sự lễ lạy thân, ngữ, tâm. Bạn cần lập lại bài tụng và lễ lạy 100.000 lần, cũng như hãy bắt đầu bất kỳ thời thiền nào với ít nhất bảy lần lạy.

Khi lễ lạy bạn có thể kinh nghiệm nhiều khổ sở, nhọc mệt. Hãy chấp nhận chuyện đó như một cái đau của một mũi thuốc chích mà bạn vui vẻ chịu đựng để khỏi bệnh. Sự khó khăn của bạn tỷ lệ với số nghiệp và khổ đau chưa chín tới mà bạn cần tẩy sạch. Khi bạn bị đau, hãy cảm thấy bạn không chỉ loại trừ bằng cách trải nghiệm sự khổ đau đáng lý bạn phải có còn mạnh hơn trong những tái sanh tới, mà bạn còn cất đi sự khổ đau này khỏi những người khác. Nếu bạn cảm thấy nóng hay lạnh, hãy cầu nguyện rằng điều đó trừ bỏ cho chúng sanh địa ngục thoát khỏi khổ đau ấy. Hãy nhận lấy đói khát từ những ngạ quỷ và nếu tâm thức bạn hôn trầm trống rỗng vì mệt mỏi, hãy quán tưởng những súc sanh được thoát khỏi sự ngu si của chúng. Với niềm tin mạnh mẽ và thường xuyên tái xác định sự phát tâm, bạn sẽ không có nghi ngờ về điều bạn đang làm. Nếu có những tư tưởng khởi lên bảo ta ngưng bỏ sự tu hành và làm điều khác, hãy xem chúng như một đám phá phách, không nhìn đến chúng.

Con cũng cần đọc tụng, “Từ nay cho đến khi giác ngộ, con quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng…” và nghĩ, “Biết rằng tất cả chúng sanh đã từng là mẹ cha của con, con quy y và khai triển Bồ đề tâm.” Thêm vào đó con cần thiền định về Bốn Vô Lượng Tâm, “Nguyện tất cả chung sanh có hạnh phúc và những nguyên nhân của hạnh phúc…” Và v.v…

Câu “Con quy y chư Phật, Pháp, Tăng cho đến khi con giác ngộ. Từ công đức con gom góp do thực hành bố thí và các ba la mật khác, nguyện con đạt được trạng thái Phật để làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh”, thường được đọc tụng để nâng cấp sự khai triển Bồ đề tâm.

Bốn tâm vô lượng là (1) Từ, mong tất cả chúng sanh có được hạnh phúc và những nguyên nhân của hạnh phúc, (2) Bi, mong họ lìa bỏ khổ đau và những nguyên nhân của đau buồn, (3) Hỷ, mong họ không bao giờ lìa khỏi hạnh phúc họ có, (4) Xả, mong rằng họ thoát khỏi tất cả những bám luyến và ghét bỏ và khỏi tất cả ý niệm thân gần và xa lạ.

Lúc kết thúc con cần thiền định rằng những đối tượng để quy y tan thành ánh sáng và tan biến vào con và như thế dòng tâm thức của con được tịnh hóa.

Khi bạn đã hoàn tất thời lễ lạy, hãy làm tan tất cả hình tướng vào Guru của bạn như là Phật Vajradhara và cuối cùng hòa tan ngài vào trong chính bạn. Hãy an trụ trong một trạng thái không năng sở của tánh Không và sáng tỏ bất nhị, không lệch về một cực đoan (có không, đoạn thường…) nào cả. Nói cách khác, chớ có phóng hiện bất cứ hình tướng, ý tưởng nào cả. Hãy an trụ trong cái bây giờ và ở đây (cái hiện tiền), và cảm thấy bạn là sự thanh tịnh bổn nhiên rốt ráo.

Đây là thực hành sơ bộ thứ nhất, những thiền định về quy y và khai triển Bồ đề tâm.

SHARE:

Trả lời