Phối hợp Đại Ấn với những Thực hành khác và Bốn hoạt động

SHARE:


ĐẠI ẤN THIỀN XÓA TAN BÓNG TỐI CỦA VÔ MINH
Karmapa thứ Chín Wangchug Dorje với bình giảng khẩu thuyết của
Beru Khyentze Rinpoche – dịch từ tiếng Tây Tạng và biên tập bởi Alexander Berzin
Văn phòng Dịch thuật Thư Viện những Tác phẩm và Văn thư Lưu trữ của Đức Dalai Lama
Việt dịch: Đương Đạo – Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, 2001 TTT-19-2545/09-01

1. MỞ ĐẦU 21. Chú tâm vào Hơi thở và Ba giai đoạn An định Tâm thức
2. PHẦN MỘT NHỮNG SƠ BỘ 22. Loại bỏ Siết chặt và Buông lỏng
3. Quy y, Lễ lạy và Bồ đề tâm 23. Trạng thái Định tâm thực sự và Ba Ân điển
4. Thiền định Vajrasattva 24. PHẦN BA THIỀN QUÁN (QUÁN CHIẾU)
5. Cúng dường Mạn đà la 25. Nhìn vào Tâm an định
6. Guru Yoga 26. Nhìn vào Tâm chuyễn động hay khởi tưởng
7. Cái Chết và Vô Thường 27. Nhìn vào Tâm phản chiếu những hình tướng và vào Tâm trong tương quan với Thân
8. Nghiệp và Luật Nhân Quả 28. Nhìn vào cùng lúc Tâm an định và Tâm chuyễn động
9. Những Tai Hại của Sanh Tử 29. Nhận ra Bản tánh của Tâm an định
10. Sự Quí Giá Được Tái Sanh Làm Người 30. Nhận ra Bản tánh của Tâm chuyễn động hay Tâm nghĩ tưởng
11. Điều Kiện Nguyên Nhân Cho Thành Công 31. Nhận ra Bản tánh của Tâm phản chiếu cảnh vật và của Tâm trong liên hệ với Thân
12. Điều Kiện Chính Yếu 32. Nhận ra cùng lúc Bản tánh của Tâm an định và Tâm chuyễn động
13. Điều Kiện Khách Quan 33. PHẦN BỐN NÂNG CẤP SỰ THỰC HÀNH CỦA CON
14. Điều Kiện Trực Tiếp 34. Phối hợp Đại Ấn với những Thực hành khác và Bốn hoạt động
15. PHẦN HAI THIỀN ĐỊNH 35. Năm tà kiến, Ba thiện xảo và Bốn thân Phật
16. Những tư thế căn bản của Thân và Tâm 36. Ba chỗ con có thể lạc và Bốn chỗ con có thể mất tánh Không
17. Chú tâm trên một Đối tượng Thấy 37. Những Điểm nguy hiểm nơi sự vật có thể khởi lên như kẻ thù và những nhiễu loạn khác
18. Những Đối tượng Giác quan khác 38. Những Lợi Lạc của những thực hành và những giai đoạn và những con đường theo Đại Ấn
19. Trừ bỏ Hôn trầm và Xao động 39. Những định nghĩa kết thúc
20. Chú tâm Không Đối tượng 40. LỜI CHÚ CỦA TÁC GIẢ

PHỐI HỢP ĐẠI ẤN 
VỚI NHỮNG THỰC HÀNH KHÁC 
VÀ BỐN HOẠT ĐỘNG

Phần ba là phần kết, nói về việc nâng cấp sự thực hành của con. Trong thời hành thiền của con, hãy chánh niệm kiểm soát để không có vọng tưởng lang thang. Nếu những tư tưởng của con thêm nhiều, hãy bỏ sự hành thiền qua một bên và nghỉ ngơi. Trong thời kỳ xuất định, nếu con sa vào phóng dật, hãy xen kẽ với những thời hành thiền để trau dồi tâm không phóng dật.

Như thế bạn phải tự đánh giá và biết khi nào cần nghỉ ngơi một lát nếu bạn tự thúc đẩy quá sức trong hành thiền và khi nào cần hành thiền nếu tâm bạn quá phân tán trong hoạt động hàng ngày. Nhờ một sự luân phiên như vậy bạn sẽ nâng cấp sự phát triển chứng ngộ Đại Ấn của bạn mọi lúc.

Khi nghĩ về cái chết và vô thường, con cần có một tâm thái thế này, “Về phần cái chết, thân, ngữ, tâm phối hợp của mình đang đi đến cái chết”. Bấy giờ, con cần nhận biết bản tánh của cái chết và của tâm nghĩ về cái chết và như thế thoát khỏi bám níu vào thường và vô thường, chúng không là gì cả ngoài sự đặt tên do tâm mà ra. Tương tự khi nghĩ về mọi tai hại của sanh tử luân hồi, con cần chứng ngộ rằng sanh tử và Niết Bàn giống như hai ngọn núi gần và xa trong một giấc mộng.

Với những thực hành như vậy bạn nâng cấp sự chứng ngộ tính đồng thời của hai cấp độ của chân lý. Trên cấp độ tương đối hay quy ước, bạn có cái chết, vô thường, khổ đau của sanh tử…, tất cả đều là những hình tướng hư vọng nhưng được kinh nghiệm như vậy. Trên cấp độ tối hậu, cách thế hiện hữu của những hình tướng này là tánh Không ; chúng không có tự tánh. Hai cấp độ của chân lý, tương đối và tối hậu, hình tướng và tánh Không, là không thể tách lìa. Bạn cần sự chứng ngộ đồng thời của cả hai như hai cánh để bay. 
Chớ đi đến cực đoan rằng những hình tướng này là hoàn toàn không hiện hữu hay thực sự hiện hữu. Cái trước là chấp đoạn hay chấp không, cái sau là cực đoan của xác định, hay chấp hữu. Chứng ngộ tánh Không nhiều đến đâu cũng không làm cho bạn kém chánh niệm về những thực hành sơ bộ chung như hành thiền về cái chết.

Hơn nữa, khi con hành thiền về từ hay bi căn cứ trên sự thấu hiểu rằng tất cả chúng sanh đã từng là cha mẹ của con, và tương tự khi con hành thiền về ước muốn và gan dạ của Động Lực Giác Ngộ của Bồ đề tâm cho đến khi đạt đến Tâm Giác Ngộ, con cần nhận biết bản tánh của tất cả những cái ấy. An trụ trong một trạng thái không tạo tác, hãy đặt mình vào một trạng thái chứng ngộ trong đó có hai phương diện là Bồ đề tâm tương đối và Bồ đề tâm tối hậu không do tạo tác và vượt khỏi mọi tác ý. Làm như vậy là sự không thể tách lìa của tánh Không và đại bi.

Từ là ước muốn cho mỗi người được hạnh phúc và bi là cho họ thoát khỏi khổ. Vì bạn đã chịu những tái sanh từ vô thủy, lúc nào đó mỗi người từng là cha mẹ của bạn. Nhớ lòng tốt của họ và muốn đền đáp, bạn cần khai triển Bồ đề tâm nguyện, tư tưởng đạt đến Phật tánh để có thể giúp đỡ họ một cách hiệu quả nhất. Sự gan dạ của Bồ đề tâm là dấn thân vào những thực hành sẽ đem lại cho bạn Giác Ngộ, như sáu ba la mật v.v… Tất cả các cái ấy là Bồ đề tâm tương đối. Bồ đề tâm tối hậu là sự chứng ngộ tánh Không.

Điều được đòi hỏi là một chứng ngộ đồng thời Bồ đề tâm tương đối và Bồ đề tâm tối hậu cùng như nhau như hai cấp độ của chân lý. Như khi bạn thiền định về Guru Yoga bạn quán tưởng Guru của bạn trong hình dạng Phật Vajradhara với bản tánh của đức Phật Vajradhara, bạn làm điều như nhau đó ở đây. Có hình dạng cho thiền định của bạn là lòng bi, trong khi thấu hiểu bản tánh của hình dạng đó là tánh Không. Đây là cách để khai triển sự chứng ngộ tính bất nhị của lòng bi và tánh Không.

Cũng thế, khi con nhận quán đảnh cái bình trong bốn quán đảnh tantra, bấy giờ con được cho phép thực hành giai đoạn phát triển và quán tưởng bản thân con là một bổn tôn. Bấy giờ khi con nghĩ về bản thân con như vị nào trong bốn hóa thần bổn tôn thiền định chánh và con thành tựu sự sáng tỏ trong thiền định của con về quang cảnh chung quanh và mọi chúng sanh trong đó như là những hóa thần và mọi âm thanh là thần chú, hãy nhìn vào bản tánh của điều này. Thực hành trong một trạng thái hợp nhất hai giai đoạn phát triển và thành tựu, thoát khỏi mọi tư tưởng ý niệm là Đại Ấn của giai đoạn phát triển.

Có nhiều hóa thần bổn tôn thiền định tantra hay những Yidam như Heruka hay Cakrasamvara, Hevajra, Guhyasamaja và Kalacakra. Ở giai đoạn phát triển bạn quán tưởng bản thân bạn như những hóa thần bổn tôn, quang cảnh chung quanh là mạn đà la nơi cư ngụ cõi tịnh độ của các ngài, lời của bạn là thần chú của các ngài, những tư tưởng của bạn là tánh giác nguyên sơ, những hành động của bạn là hoạt động giác ngộ của đức hạnh của các ngài v.v… Điều này để loại bỏ sự bám chấp ám ảnh vào những hình tướng bình thường và sự bám trụ vào chúng cho là thật có và hiện hữu tự thân.

Giai đoạn thành tựu, theo sự xếp loại của Đại Ấn, được chia thành giai đoạn có dấu hiệu và giai đoạn không có dấu hiệu. Cái trước là những thiền định về những hệ thống năng lực của thân vi tế trong bối cảnh của những quán tưởng thuộc giai đoạn phát triển và được làm để dẫn mọi khí-năng lực vào kinh mạch trung ương cho sự chứng nghiệm phúc lạc của tánh Không. Cái sau là những thiền định Đại Ấn được làm trong trạng thái này.

Trong thiền định, có hình tướng hay hình dạng sáng tỏ của một bổn tôn hay thần chú trong khi thấu hiểu bản tánh Không của nó, đó là sự phối hợp giai đoạn phát triển và giai đoạn thành tựu hay sự hỗn hợp của Đại Ấn với giai đoạn phát triển. Bất cứ cái gì bạn quán tưởng đều là sự hợp nhất không thể phân của hình tướng và tánh Không.

Bấy giờ con cần thiền định bằng cách áp dụng Tịnh Quang. Nhận biết tự tánh mọi lúc, đi, ngồi, nằm hay nói, đó là sự hỗn hợp của mọi sự với Đại Ấn.

Bạn cần áp dụng sự chứng ngộ Tịnh Quang của mọi sự như là một giấc mộng vào bất cứ điều gì bạn làm. Nếu trong một giấc mộng bạn thấu hiểu bạn đang mộng, thì bạn có thể kiểm soát hoàn toàn giấc mộng của bạn. Bạn có thể bay hay làm điều gì bạn muốn. Cũng thế trạng thái thức của bạn chỉ là một giấc mộng đánh lừa. Khi bạn thấu hiểu rằng không có cái gì có hiện hữu tự thân thật sự, thì không có giới hạn nào cho điều bạn có thể làm. Với sự xác tín tuyệt đối sự bất nhị của tánh Không và hình tướng, thoát khỏi mọi nghi ngờ nhỏ nhất, bạn sẽ không còn vô minh giới hạn và có thể kiểm soát các nguyên tố và v.v…

Hơn nữa, thực hành nhất tâm trong một trạng thái hai giai đoạn phát triển và thành tựu không tách biệt, hay định và quán bất nhị, là hoàn hảo. Khi điều này trở nên vững chắc, bấy giờ con có thể ẩn mình trong những nơi hoang vắng đáng sợ và với tỉnh giác hãy tu theo cái thấy (tri kiến), những thiền định và những hoạt động. Thực hành như vậy gọi là hoạt động bí mật.

Hoạt động bí mật là đến những nơi như nghĩa địa, sa mạc hay núi hoang, và ngủ gối đầu lên một xác chết hay phơi ra giữa chốn hoang dã. Điều này để tự kiểm chứng bạn xem những trạng thái mê tín và mê lầm của tâm có còn khởi lên không, và để có thể khảo sát chúng. Thử thách với hoạt động như vậy mà chưa đạt đến định tâm và quán chiếu thấu suốt là dại dột và có nguy cơ là bạn sẽ điên. Bởi thế đòi hỏi phải thận trọng cùng cực.

Khi con đã trở nên rất vững vàng trong đó, không xao lãng phóng dật, bấy giờ con có thể rong chơi và hòa nhập với những đám đông. Việc dùng điều này như con đường và thực hành nó được gọi là hoạt động trong những đám đông.

Đây là một loại thực hành tương tự với cái trước theo nghĩa nó tạo ra một cơ hội để kiểm tra sự tiến bộ của bạn và khảo sát những mê lầm, bám luyến và những ác cảm khởi lên trong cảnh ồn ào, đông đúc và hỗn độn.

Theo những khác biệt này của hoàn cảnh, tâm con vững vàng an trụ hay không, mà có ba loại người : lớn, trung bình và nhỏ.

Có một số người có thể ở một mình nhưng không thể giáp mặt với những đám đông và sự bận rộn. Những người khác sung sức trong hoạt động với nhiều người, nhưng không thể chịu đựng được sự cô đơn một mình. Cốt yếu là có thể ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào với an định và quán chiếu phối hợp.

Không có dấu hiệu đặc biệt nào phân biệt những người loại lớn. Nhưng khi họ đạt đến con đường lớn lao của sự chuẩn bị và thực hành với sự hiển xuất của những hình tướng, họ có phong cách của Heruka và hòa lẫn với hoàn cảnh đáng sợ mà không có bất kỳ tư tưởng nào về cái nên ăn hay không, cái sạch hay dơ, cái đúng hay sai. Thực hành theo cách này, họ tiến bộ dần dần qua con đường chuẩn bị, và khi họ đạt đến con đường thấy họ chiến thắng những thúc đẩy của Ma, những mê lầm và những phát tâm theo thừa nhỏ. Như thế, đấy được gọi là hoạt động đem lại chiến thắng khắp mười phương.

Theo sự diễn tả chung của Đại thừa, có năm con đường tiệm tiến đến Giác Ngộ. Với sự khai triển của Bồ đề tâm, bạn đi vào con đường thứ nhất, con đường tích tập trên đó bạn khai triển định tâm. Trên con đường thứ hai của sự chuẩn bị bạn hoàn thiện quán chiếu để cho trên con đường thấy bạn có được một thấu hiểu trần trụi không ý niệm về tánh Không trong thời tham thiền. Đến đây bạn đi vào địa thứ nhất của mười địa Bồ tát. Trong con đường thứ tư, con đường tham thiền, bạn hành thiền hơn nữa để loại bỏ những chướng ngại ngăn cản bạn thấy tánh Không suốt mọi thời. Ở con đường không học nữa, bạn đạt được trạng thái giác ngộ của một vị Phật.

Heruka là một danh từ chung cho bất kỳ hóa thần thiền định nam giới nào, hay có thể ám chỉ riêng Cakrasamvara. Những người căn cơ lớn nhất, như Tilopa và Naropa, có đồ trang sức bằng xương và y phục da cọp của một Heruka khi ở trên con đường chuẩn bị. Các ngài hành động như những người điên, ăn bất kỳ thứ gì đến, không khác con heo. Có nhiều câu chuyện của các Đại Thành Tựu giả (Mahasiddha), ăn những đồ bị cự tuyệt hay ruột cá. Thực hành theo cách ấy, các ngài chiến thắng đối với mọi mê tín, thành kiến và bám chấp vào hiện hữu nội tại, gồm chung là “những quỷ Ma”. Đây là một thực hành cực kỳ cao cấp để có thể đạt được tri giác trần trụi về tánh Không.

Về mặt những người khác, họ làm việc cực kỳ năng nổ cho sự lợi lạc của chúng sanh khi dấn thân vào hoạt động ở trong những đám đông. Bởi thế hoạt động này cũng được xem là tiến bộ với chính bản thân Đại Ấn.

Đối với những người bén nhậy đặc biệt, không cần phải nâng cấp (sự thực hành của họ), vì họ ở trong Pháp thân, trong đó không có cái gì để tham thiền về hay có ai để tham thiền. Đối với những người không như vậy, có nhiều phương pháp để nâng cấp sự thực hành của họ và cần học chúng từ miệng Guru của họ. Những phương pháp chung là luân phiên giữa thiền định và xuất định (sau thiền định), thực hành con đường của thừa chung (tham thiền về vô thường v.v… theo Đại Ấn), theo đuổi những phương pháp tantra (theo Đại Ấn), và dấn thân vào bốn loại hoạt động. Nỗ lực và thực hành theo cách này là điểm thứ nhất để nâng cấp.

SHARE:

Trả lời